Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

Người đàn bà nghe nhạc đêm

Người đàn bà nghe nhạc đêm
Người đàn bà ngồi trước hiên. Nắng rớt xuống vai một buổi chiều muộn. Hanh hao. Vàng vọt. Héo hắt.           
“Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải
Nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái…”       
Mỗi lần nghe bài hát này, lòng chị lại bình yên. Sự bình yên có thể không lâu dài, vững chắc. Nhưng có được năm phút thả hồn quyện theo những êm đềm của giai điệu cũng quá đủ. Chị chỉ cần có thế! Và chị chắc chắn sẽ nghĩ đến chồng - dù không hẳn đã là nỗi nhớ. Có chăng là kí ức của những ngày cũ. Thể nào kí ức cũng lôi chị lại cái lần chồng đi tiếp khách về thật khuya, người sặc sụa mùi bia, vứt cặp xuống đất, vội nhào đến ôm chầm lấy chị. Ghì thật mạnh, siết thật chặt, rồi nhoài người vào mép trong của giường, hôn túi bụi lên mặt con bé khi nó đang say giấc khiến con nức nở dù mắt vẫn nhắm nghiền. Chị phải ầu ơ dỗ mãi con bé mới thôi khóc nhưng tiếng nấc ấm ức, thút thít vẫn chưa ngớt trên gương mặt thơ trẻ trông rất thương. Vừa dỗ con, chị vừa dõi anh. Xót xa nhìn bóng anh quay lưng cố nén tiếng thở dài. Rồi, chừng như không kiềm được, anh quay lại dụi mặt vào ngực chị và khóc. Tiếng khóc bật lên. Vỡ òa. Đau đớn. Uất ức. Điên dại. Chua xót. Lần đầu tiên chị thấy chồng khóc. Lần đầu tiên chị thấy chồng chị gần và cần chị đến thế! Hơn cả những lúc anh say sưa, mê mẩn, tê dại trên người chị. Hơn cả những nụ hôn tham lam, vồ vập như thể muốn nghiền nát thân thể chị. Chị chợt nhận ra mình yêu chồng, yêu kinh khủng người đàn ông đang như một đứa trẻ mắc lỗi kia. Cái cảm giác mà lâu nay chị ngỡ chỉ là thương, là mang ơn, là kính trọng. Anh lặng lẽ ra hiên, ngồi đúng cái chỗ chị đang ngồi. Chị vỗ về, đắp chăn cho con bé, không nói một lời, khẽ theo chồng. Cũng chẳng định hỏi han gì. Chỉ muốn ôm anh, cho anh ngã đầu tựa vào mình, rồi mân mê những sợi tóc đã sớm bạc. Chỉ vậy. Anh trầm ngâm ngồi rít thuốc. Liên tục đốt. Liên tục dụi tàn. Chị biết, đang có điều gì bất an lắm thì anh mới thế. Và chị lặng lẽ bật điện thoại mở bài hát này. Chồng chị không nói gì, nhưng chị biết anh đang lắng nghe, từng lời từng lời một. Bài này chị nghe anh hát lần đầu tiên tại căn nhà nhỏ xinh xinh ở ngoại ô Đà Lạt trong tuần trăng mật của hai người. Bên bữa ăn sáng anh dậy sớm chuẩn bị, giữa một không gian bạt ngàn thông xanh, suối réo rắt và mưa bụi li ti trên lá ngoài kia. Anh vòng tay ôm ngang eo chị, vừa hát vừa cọ cằm vào vai chị. Nhẹ nhàng, yên bình. Và mong mãi êm đềm thế! Đêm đó, chị lại mở cho anh nghe đúng bài hát ấy. Tiếng nhạc sao mà da diết giữa khuya. Miên man, hòa quyện, đồng hành. Phủ lên những tái tê, bầm dập. Và anh ngủ. Say sưa. Như thể đã quên đi mọi nỗi niềm. Như thể trọn một đêm an giấc để bắt đầu chuỗi ngày trắng mắt thâu đêm. Anh nằm trên đùi chị. Trên chiếc ghế tựa cong dài như một cái giường đa năng dựa dưới hiên nhà, nhìn ra khu vườn rộng sóng sánh trăng. Giữa tiếng nhạc. Và ngủ. Chị cứ ngồi im như thế, không dám cựa mạnh cho đến gần sáng.
Trưa hôm sau thì chị biết cái bất an ấy từ đâu, khi cô bạn thân kéo chị đến một quán cà phê thật xa, thật vắng. Lựa lời an ủi rồi mở cho chị coi mấy tấm ảnh của anh trên mạng...
Nhưng đận đó chị cũng chưa kịp buồn, không thể buồn, vì lo lắng cho chứng mất ngủ của chồng. Ròng rã hai tháng trời chị thử mọi cách, chạy mọi nơi. Hai tháng trời, chị gần như thức cùng anh. Đau đớn chứng kiến cái cảnh anh nằm trân trân nhìn lên trần nhà, rồi vùng dậy. Hết bật tivi, đến online, nghe đài. Thẫn thờ nhìn đồng hồ. Hai giờ. Ba giờ... Giấc ngủ chập chờn, nặng nề, đầy ám ảnh, mụ mị của chồng đến từ những viên thuốc an thần. Vậy mà sáng mở mắt, anh lại xách cặp đi làm, nhất định không chịu nghỉ phép. Vẫn những cuộc họp triền miên ngày tháng, những buổi nhậu chiều đến tối. Vẫn những tranh giành quyền lực khốc liệt, những cuộc chiến tưởng chừng thầm lặng với vẻ ngoài là những cái bắt tay trịnh trọng, xuất hiện bên nhau trong các buổi họp báo. Những nụ cười đúc khuôn y hệt, những bộ veston lịch lãm trong mắt người dân... Cuộc chiến phe cánh của giới nắm giữ quyền lực. Tất cả kéo anh  xa chị và gia đình. Còn lại bên chị là những đêm mất ngủ triền miên của chồng. Thì có đâu kịp buồn, kịp giận. Huống chi chị thật sự cũng không định hờn trách.
Đêm đêm, chị cũng thử mở bài hát ấy, thêm vài bản nhạc khác anh đã từng rất yêu thích, từng ôm đàn hát cho chị nghe những lúc rỗi rãi. Nhưng vô ích! Đàn, hát, cái sở thích đã từng làm chồng chị say mê giờ đã không thể xoa dịu được những bất an trong anh. Mà thật ra anh đã bắt đầu buông bỏ giai điệu khi quyết định chuyển vợ con từ căn nhà ngoại ô xuống phố và bước vào sự cạnh tranh khốc liệt của giới quan chức. Dù trong căn nhà đồ sộ này anh vẫn thiết kế riêng một căn phòng trên tầng ba với dàn âm li xịn, máy nghe nhạc cực đỉnh và cây guitar bạn mua từ nước ngoài về tặng. Căn phòng dùng để tiếp đãi bạn bè thân hữu yêu chuộng âm nhạc. Khi rỗi rãi, họ tụ tập về đây đàn hát, thưởng nguyệt ngắm hoa. Được vài bận thì cây đàn nằm trên tường hiu hắt. Anh dường như quên hẳn căn phòng đó. Chỉ có mình chị thi thoảng lên lau dọn và coi ngó. Cả tháng trời có khi anh không rảnh để bước vào. Họp. Triền miên họp. Căng thẳng. Hình thức. Nhàm tẻ. Rồi tiếp khách. Khách bộ, khách sở, khách doanh nghiệp, khách tỉnh ủy, giới báo chí, các đoàn khách từ tỉnh khác. Thêm các chuyến công tác trong và ngoài nước. Tất cả lôi anh khỏi chị, khỏi sở thích, khỏi sự rảnh rỗi, khỏi giai điệu, khỏi cả con người trước đây của anh.
Có một lần, anh chóng mặt, nghỉ việc về giữa buổi, thấy chị đang thẫn thờ lau cây guitar trên phòng nghe nhạc. Anh đến ôm chị, khẽ thở dài. Lúc ấy, cái cảm giác anh gần chị cũng thoáng qua, thấy đây đúng là người đàn ông từng say mê mình. Anh ôm đàn, bập bùng vài giai điệu. Tiếng đàn lỏng chỏng, tẻ ngắt, rơi tỏm vô duyên giữa căn phòng. Đành ngậm ngùi. Bỏ lâu quá còn gì! Về hưu anh sẽ chơi lại và sáng tác nhạc để tặng em, tặng con chúng ta. Khi ấy, sẽ chẳng còn việc gì bận bịu. Về hưu? Nghe sao mà xa vời. Anh mới bốn lăm. Chị sắp bốn mươi. Đợi đến từng tuổi ấy để bắt đầu những việc có thể hôm nay? Đợi nổi không? Nhưng chị chẳng nói gì. Chị không quen nói nhiều. Chỉ im lặng thở dài, rồi thôi, không nhắc lại bao giờ.
Đêm từng đêm, chị vẫn một mình thả hồn vào giai điệu. Chị giữ thói quen nghe nhạc mỗi khuya. Trước đây còn có thể chia sẻ cùng anh về những bài cổ điển yêu thích, những ca từ đẹp, những trở trăn, khắc khoải trong từng nốt nhạc. Rồi cùng quyện hòa tâm trạng, có lúc, ngủ say sưa trên cánh tay anh, giữa những bài hát. Giờ chị một mình nghe và tự nhấm nháp mỗi khuya khi con bé say giấc.
Và chị tìm được sự đồng điệu từ ông.
Thụy nhận ra bản gì không?
Schubert Serenade ạ.
Ừ. Nghe lại đi.
Dạ.
Lần đầu tiên anh nghe bài hát này là năm 1980. Nghe và bật khóc. Lúc ấy, vừa rời quân ngũ, anh vào nam học tiếp đại học. Một mình trong căn nhà trọ rách nát bên dòng sông Sài Gòn. Mưa. Mưa xối xả. Dột khắp phòng. Anh không ngủ được, dậy ôm khư khư cái máy cassette nhỏ quý báu vào lòng, vừa nghe vừa che cho nó không bị ướt. Chảy nước mắt vì cô độc. Nhưng cũng lần đầu tiên anh nhận ra sự cô đơn thật đẹp, dù buồn vô cùng.
Dạ. Và nỗi buồn cũng đẹp anh à.
Ừ. Anh bắt đầu tập chơi bài này từ đó. Và giờ, thi thoảng buồn vẫn thích nghe, nhất là những lúc một mình, anh hay ôm đàn phiêu bài này. Mỗi lần vậy, lại nhớ tới căn phòng và những ngày tháng ấy.
Dạ.
Anh chuyển Romance em nghe lần nữa nhé. Anh cũng sẽ nghe cùng trước khi ngủ.
Dạ...
Mọi thứ như muốn vỡ ra anh à. Những giai điệu xé nát tung tóe sự cô đơn, nỗi đau trong em. Tim như sắp vỡ vụn. Thảng thốt nức nở vì cô độc. Nhưng em thấy nỗi đau vẫn đẹp, vẫn lung linh, dù có khi tưởng chừng cuộc sống không chỗ nào để bấu víu...
Ừ. Em nói xem, có phải chính sự tuyệt vọng cũng đẹp, cũng đáng trân trọng? Tất cả, dù buồn, vui, hạnh phúc hay tận cùng nỗi đau, cả sự sợ hãi, run rẩy đón nhận những manh nha mới mẻ trong em... Nhờ giai điệu mà anh nhận ra điều này Thụy à!
Dạ.
Bắt đầu từ những đồng cảm về âm nhạc.
Và thật ra, lúc quen nhau cũng chẳng trở trăn, suy nghĩ gì nhiều. Chỉ là những đêm khó ngủ, có một người để gõ chữ qua lại, vu vơ, chia sẻ cùng nhau những đồng điệu về âm nhạc, văn học, những điều mà từ lâu chị không tìm được ở chồng. Cũng đơn giản nghĩ, chỉ là online thì có hại gì, và ai cũng đã có một gia đình cùng lo toan trước mắt. Nên chẳng thể ngờ nghệch tin vào một tình yêu sét đánh khi đã chừng này tuổi để mà lo sợ, dè dặt. Nhưng đến khi nỗi nhớ, mong chờ, buồn vui phụ thuộc quá nhiều vào những dòng tin nhắn từ ông thì chị sợ. Và chủ động buông. Vì lo mình không rút ra được. Mà phía trước chị thì vốn đã ngút ngàn âu lo. Đa mang thêm nhung nhớ, day dứt, mặc cảm tội lỗi với chồng con, chịu nổi chăng? Cuối cùng thì cũng ngốc nghếch như cái tuổi đôi mươi. Buông rồi không dứt được. Khi giữa những hoang hoải về khuya, bên cạnh chị chỉ là bé con đã say giấc. Chị thì cần một chút sẻ chia để mai này gồng mình với tất tả... Và chị lại gõ. Tự ảo tưởng lòng mình rằng chỉ đơn thuần trao đổi về giai điệu và chia sẻ mọi nỗi, không hề gặp nhau ngoài đời nên chắc không sao. Hi vọng rằng những xao lòng này là vu vơ, là ảo để không đến nỗi tổn thương cho ông, cho chồng chị, cho vợ ông - người đàn bà tai biến đang ngồi xe lăn, và cho cả bản thân mình.
Mà chị thì nhạy cảm! Quá nhạy cảm! Và rất dễ tổn thương.     
Sáng Chủ Nhật. Chị dẫn con bé đi thăm chồng. Đều đặn hai năm nay. Mỗi tháng một lần. Mỗi tháng một lá thư, một lần thăm nuôi. Chị mang theo đủ thứ chồng thích như hồi ở nhà. Từ quả đu đủ chín trong vườn cho tới điếu thuốc Jet cũng lùng mua cho được. Trong khả năng xoay sở với đồng lương công chức như chị. Chồng chị gầy rộc. Chị nhìn vào mắt anh, nắm lấy tay anh thương đứt ruột. Dù chỉ còn là nghĩa, dù tình yêu trong chị đã thoi thóp và leo lắt như ngọn đèn cạn dầu. Chị vẫn biết, chị và con bé giờ là thứ quý báu nhất của cuộc đời anh. Là cái đích để anh ngày mỗi ngày đếm ngược thời gian giữa bốn bức tường phòng giam chờ đợi hết một chuỗi ngày lê thê: mười lăm năm. Thì sao nỡ khác đi? Cái cách anh nhìn, vẫn ngút ngàn yêu thương trong đôi mắt kia, vẫn ăm ắp như những ngày đầu tiên và chưa từng có ai để anh say mê như với chị. Yêu thương. Bao bọc. Cả tôn thờ. Anh đã luôn thế. (Dù cái cách anh yêu thương, chở che không mang lại hạnh phúc cho chị sau này). Thì giờ, ngồi bó gối trong tù, nhìn người đàn bà chân yếu tay mềm mà mình nâng niu phải bươn chải, tất tả, lặn lội ngồi xe đò nôn thốc nôn tháo dắt con vào trại giam thăm chồng, hỏi sao anh chịu được?
Trách cho cái vòng xoáy của danh lợi, quyền lực cuốn anh ra xa chị chăng?
Tháng ngày ấy, anh nhìn thấy gì? Những hợp đồng béo bở. Những vụ làm ăn, mánh khóe của giới quan chức. Anh lên như diều gặp gió. Vì anh khéo léo, giỏi, nhạy, may mắn. Thêm thế lực rất mạnh của một người đằng sau che chở. Chị biết, và lo sợ. Vì họ quá tốt với anh. Vì mọi thứ, tiền bạc, danh vọng, quan hệ, công việc... đến với anh dễ dàng quá. Có cái gì dễ dàng mà không phải trả giá? Anh thì say. Giữa ảo tưởng quyền lực và danh vọng. Chỉ vài giờ yên bình khi về nhà với vợ con. Bấy nhiêu làm sao đủ để níu kéo, dứt anh ra? Đến khi cơn say vẫn đang trong vòng cuốn phăng phăng thì ... Phựt. Như diều đứt dây. Anh bị vố thứ nhất. Bài học đầu tiên chốn quan trường. Một sự xếp đặt hoàn hảo trước cuộc bầu cử và bỏ phiếu tín nhiệm từ phe bên kia. Anh biết, giới quan chức trong tỉnh đều biết. Nhưng vết ố đó thì cả đời anh không quên được. Cú sốc đó còn ám ảnh anh những tháng ngày mất ngủ triền miên sau này. Với gia đình chồng chị là nỗi nhục khó gột rửa. Dù sự việc sau đó được “dọn dẹp sạch sẽ” thì cũng đủ để chồng chị sốc nặng. Tối nào chị cũng ngồi bên, thao thức cùng anh. Đau đớn thấy chồng trăn trở, mắt thao láo nhìn lên trần nhà. Thuyết phục mãi, anh mới đồng ý xin nghỉ phép năm vào Sài Gòn trị liệu tâm lí. Nhiều đêm, nhiều đêm, anh xoay mặt chị đối diện, ôm lấy hai gò má hanh hao của vợ và khóc: “Em tin anh vô tội chứ? Em tin anh không làm vậy chứ? Em tin đó chỉ là “tai nạn” hãm hại nhau? Em thật sự tin chứ?” “Em tin.” Chị biết mình đang nói thật. Dù cái cuộc gọi kia, trước khi gọi cho công an, gọi cho vài gã nhà báo đến quay lại hiện trường, cũng đã kịp gọi thông báo rõ cho chị biết giờ đó, địa điểm đó, chồng chị và vài quan chức khác đang karaoke ôm với bồ nhí, nhưng chị không đến. Một cuộc gọi kịp thời có tính toán. Một sự dàn cảnh tinh vi. Cả đám gái đang gần như lõa thể, còn chồng chị say mèm không biết trời trăng gì thì đang nửa nằm nửa ngồi với độc cái quần lót trên người. Dù đã có vài trang mạng kịp đưa lên vẻ mặt thộn đi vì rượu, rúm ró vì xấu hổ của anh... Thì chị vẫn tin là anh còn yêu chị, anh vẫn yêu chị. Chỉ có cha chồng chị là không chịu nổi nỗi nhục với dòng họ, lâm bệnh và chết. Điều đó ám ảnh anh, từng đêm, từng đêm, mang cái dằn vặt của thằng con bất hiếu, đứa con giỏi giang, thành đạt, đứng đầu dòng họ mà cả gia tộc tự hào.                                       
“Biết rõ cuộc phiêu lưu này rồi sẽ mang lại cho mình rất nhiều tổn thương, sao vẫn cứ dấn thân?”
Chị gõ lên Zalo. Như vô thức. Một giờ sáng. Không phải để ông ấy đọc. Cũng không phải để hỏi. Chỉ vì dằn vặt bản thân. Rồi thu hồi.
Sẽ mang lại rất nhiều những tổn thương không chỉ cho riêng mình. Chị biết. Cái mặc cảm tội lỗi mỗi chủ nhật vào trại giam thăm chồng, khi trong mắt anh vẫn ngùn ngụt yêu thương và sẻ chia, biết ơn dành cho vợ. Cái mặc cảm khi thấy rõ anh run rẩy siết chặt bàn tay chị, không nỡ buông, đầy tiếc nuối mỗi bận hết giờ thăm nuôi mà lòng chị vẫn trơ, không chút cảm xúc. Chị thấy mình khốn nạn khi nghĩ nhiều về người khác trong lúc chồng thế này. Mỗi bận vậy, chị lại khóc. Tức tưởi. Căm ghét bản thân. Mà những xao lòng thì ngày một mạnh mẽ. Cảm xúc thì không thể ngừng. Vẫn luôn lẫn quẫn tranh đấu giữa mặc cảm và một chút riêng tư để xoa dịu chông chênh.
Năm phút sau, chị nhận lại tin nhắn từ ông. “Thu hồi? Anh không đọc được sao?” “Dạ. Chỉ vu vơ thôi ạ. Và anh không nên đọc”. Ông im lặng vì biết tính chị. Có gặng thêm thì cũng sẽ thế. Chỉ làm chị kiệm lời. Đành chuyển đề tài: “Khuya lắm rồi. Sao Thụy chưa ngủ?” “Dạ, đã ngủ được tí ti. Tự nhiên tỉnh mắt nên nghe nhạc ạ!” “Thụy đang nghe gì?” “Khúc mùa thu ạ”... Vẫn biết ta giờ không trẻ nữa... Chị lẩm nhẩm. “Bài này anh thích nhất câu: Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc. Em tìm gì khi thất vọng về tôi? Dạo này, cứ nghe đến đây lại hình dung Thụy đang ngồi xõa tóc, bó gối, một mình cô độc giữa đêm.” Nghe như có tiếng thở dài của ông. Xuyên qua tất cả. Bất kể đang ở hai thành phố cách xa nhau hơn 200 km. “Chị ấy ngủ chưa ạ?” “Rồi, anh vừa bỏ mùng xong và ra phòng ngoài định ôm đàn. Tự nhiên lại muốn phiêu.” “Dạ.”
Chỉ là gõ mà lại nghe nao nao lòng. Như thể ước chi mình là chị ấy. Để được ông nhìn đầy thương yêu lúc mê mệt sau một ngày bươn chải. Rồi ông quơ tay đuổi con muỗi vo ve bên tai cho chị ngon giấc. Rồi, lón lén thả mùng. Khe khẽ thôi như thể sợ làm phá giấc. Rồi khẽ hôn lên trán trước khi nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh. Hoặc chỉ mỉm cười âu yếm nhìn chị ngủ và lặng lẽ quay ra phòng, cặm cụi tiếp với những giai điệu. Ông, như thể biết chị đang đuổi theo một suy nghĩ gì đó, nên cũng lặng im. Lại không ngừng được. “Anh nhớ Thụy. Rất nhớ. Sau lần gặp nhau vội vàng ấy, càng không thể quên.” “Dạ.” Chị cảm giác như ông đang gục xuống phím đàn. “Xin lỗi Thụy vì đã hứa rằng không được nhắc đến những điều dễ làm em mềm lòng, chỉ đơn thuần là chia sẻ, mà giờ anh lại thế này...” “Anh à, anh đang khóc sao?” “Ừ.” “Anh đừng thế. Phải cho em nghị lực chứ! Em vẫn thấy anh gần, rất gần. Lúc nào cũng quanh quẩn bên em. Dù là khi tất tả với bộn bề, dù là những lúc ngược xuôi bươn chải, hay những đêm khuya vắng nằm bên con bé nghe nhạc, lúc nào buồn quá, lại nghĩ đến cái dáng vẻ gầy gò của anh, nhớ đến cái nắm tay vội vàng lần mình gặp nhau, nhớ đến ánh mắt sẻ chia anh dành cho em, nụ cười ấm áp của anh buổi chiều hôm ấy... Cái gì cũng thân thương quá đỗi! Em sẽ vượt qua được mọi nỗi. Và chỉ cần có vậy anh à! Không thể khác hơn! Cũng không thể nhiều hơn!” “Ừ, anh hiểu mà!” “Thôi, anh hãy vào với chị, nghe nhạc và ngủ đi anh nhé! Đàn ông ai lại khóc!”
Đàn ông, ai lại khóc? Sao chồng chị và giờ là ông cứ để chị biết đến những giọt nước mắt cho nặng lòng thế kia!
Những tháng ngày mất ngủ rồi cũng trôi qua. Tai nạn ấy cũng chỉ làm chồng chị bị chựng đường quan chức vài năm. Anh bị chuyển công tác. Nhưng cương vị mới, vòng xoáy danh lợi vẫn đeo bám. Cái cảm giác “sợ” anh bắt đầu manh nha trong chị. Dù anh vẫn thương con bé, thương chị, cung phụng như một bà hoàng. Mà chị thì không cần những cái đó. Chỉ cần sự sẻ chia, cần lồng ngực ấm áp của anh, cần những chân tình  nghĩa hiệp như hồi anh chìa vai đỡ chị... Đã không còn rồi! Thì những xấp tiền giấy, đô la anh mang về, những điện thoại, mĩ phẩm, trang phục đắt tiền mỗi bận anh đi nước ngoài, và cả cuộc sống xa hoa này, thuộc về chị chăng?
Sao anh cứ dần xa chị? Hay tại chị buông tay?
Đến vố thứ hai thì chồng chị không còn có thể yên vị. Thế lực to mạnh kia đương nhiên cũng đã ẩn mình. Dù anh, không phải là con tốt, mà là con xe linh hoạt ngửa mặt ra để bảo vệ tướng. Tình nguyện? Có lẽ vậy! Mà không tình nguyện thì tướng cũng không thể chường mặt để cứu xe, tự nhận tội minh oan cho xe, như một chuyện hiển nhiên. Anh dính vào vòng lao lí vì thâm thụt ngân quỹ, và liên quan đến một vụ buôn lậu xuyên quốc gia. Cũng là một cuộc thanh trừng đánh nhau giữa hai phe cánh quyền lực. Và trong cuộc chiến này, phía chồng chị thất thế. Việc chồng chị phải lãnh án tù mười lăm năm là không thay đổi. Dù bên kia cũng tả tơi pháo mã thì cũng để làm gì... Chị lặng lẽ giao toàn bộ nhà cửa, tài sản, chuyển công tác, dắt con bé về ngôi nhà vườn nhỏ ở ngoại ô lâu nay vẫn đóng cửa từ ngày anh chị xuống phố. Cái gì không thuộc về mình thì không thể giữ. Mà chị cũng không muốn giữ. Cần mẫn làm việc, bỏ mặc ánh nhìn thương hại của đồng nghiệp, bỏ mặc sự bàn tán, chỉ trỏ của những kẻ hiếu kì loáng thoáng biết chuyện mỗi bận chị đi ngang...
Bắt đầu với Romance, Thụy nhé!
Dạ.
Những giai điệu ngân lên dưới đôi tay ông.
Dìu dặt, âu yếm. Dịu dàng, mơn man. Xoa dịu những ngổn ngang trong chị. Như thể không phải là trong căn phòng khách sạn bức bí. Như thể những cảm giác xấu hổ, sợ sệt khi ban nãy đây cùng ông bước chân vào khách sạn này đã tan biến. Như thể không phải sự thật. Như thể đã quên rằng, mới đêm qua, còn cách nhau hơn 200 km, khao khát nhau, xoa dịu nhau chỉ bằng những dòng chữ trên màn hình. Cái mơ ước chợt bật ra khi ông hỏi: “Mai sinh nhật, Thụy mong ước điều gì nhất?” Và trong chị, mong muốn ấy, như đã ấp ủ đến cháy bỏng tự khi nào, giờ bùng lên chẳng cần suy nghĩ: “Giá mà được bó gối nghe anh đàn.” Như thể là ảo tưởng!
Nhưng rõ ràng ông đang ngồi đây, trước mắt chị, trên nền của căn phòng khách sạn và chị bó gối bên cạnh. Tuôn chảy hết mọi nỗi niềm. Cùng với Romance, Sonate, Serenade de Chubert...
Tiếng đàn vẫn chưa một phút gián đoạn. Trong căn phòng khách sạn. Ngoài kia, chiều đang xuống. Một buổi chiều cũ kĩ. Những vàng vọt màu nắng hắt vào khe cửa cũng cũ kĩ. Ngoài kia, những dòng xe lao đi như không phanh giữa dòng cuộn xoáy không điểm dừng. Ngoài kia, tiếng hối hả chưa lúc nào hạ nhiệt. Thì nơi đây, trong căn phòng này, tất cả chùng xuống cùng chị, cùng ông, và giai điệu.
Giai điệu kéo chị ra khỏi bịt bùng những bức tường khách sạn. Như thể đang giữa một không gian xanh mát, trong một căn nhà ngoại ô, cửa sổ nhìn ra ven sông, những chiếc thuyền lờ lững trôi ngang. Giai điệu kéo chị lơ lửng như thể đang bay đến một nơi nào xa lắm, cao lắm, cùng ông, mỉm cười nhìn mọi thứ vẫn cuộn chảy xung quanh. Cuộc sống, tình yêu, thăng trầm, đau khổ... Chị vẫn an nhiên bước và an nhiên đón nhận. Nhẹ nhàng. Như thể mai này, giữa tất bật, hối hả, thì chỉ cần nhớ tới buổi chiều muộn cũ kĩ này đây là có thể bao dung, thanh thản và thứ tha mọi tội lỗi trong cuộc đời. Ừ! Sẽ vượt qua được hết - với một nụ cười - dù buồn hiu hắt.
Thì bận tâm chi rằng, chỉ ba mươi phút nữa thôi khi rời khỏi đây, có còn cơ hội nào gặp lại! Lát nữa thôi ông sẽ dắt chị ra khỏi căn phòng này, chị sẽ về nhà tiếp tục những tháng ngày lùi lũi hai mẹ con, trả lại ông trên chuyến xe đò cuối cùng ròng rã mấy trăm cây số để về với một người đàn bà khác. Người đàn bà ngờ nghệch, đang trên chiếc xe lăn, vẫn ở ngoài phòng khách chờ ông, ngoẹo đầu xuống thành xe và ngủ quên. Trên tay, chiếc điện thoại còn rủ rỉ những câu da diết:
“Ta sống trong vũng lầy
Một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu
Trong ngao ngán không dứt hết một,
một lần đau....”
Buổi chiều cũ kỹ. Buổi chiều hư vô. Thật? Ảo?
Cũng không bước quá một nụ hôn. Không thể khác hơn. Không thể nhiều hơn. Dù những xao lòng...
Lưu Thị Mười
Nguồn: vannghequandoi.com.vn
Theo http://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ám ảnh nỗi đau chiến tranh trong tác phẩm của nhà văn Kiều Vượng Một buổi chiều xuân muộn, chúng tôi gặp nhà văn Kiều Vượng trên chiếc x...