Bảy
chiều không gian thơ
Một nên thơ luôn thể hiện trách nhiệm cao đối với cộng đồng,
với thời đại. Khi thịnh, khi suy, nỗi sướng khổ … đều in đậm trong thơ ca với tất
cả chiều sâu tâm huyết… Đặc biệt trước những khúc ngoặt của lịch sử, trước bờ vực
của sự tồn vong, trước máu xương của đồng bào đổ xuống…các nhà thơ đều tự nguyện
đứng ngay vào hàng ngũ của nhân dân với tư cách một chiến sĩ. Đánh giặc xong,
thơ lại hòa vào nỗi niềm củi lửa cháo rau.
Nàng thơ luôn kiêu kì, đổng đảnh nhưng lại cũng rất đáng yêu
bởi soi vào thơ, người đọc tìm thấy bảy chiều không gian, ở đó chứa đựng bao nỗi
niềm, cảm xúc, cả những triết lý cuộc sống sâu xa…
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
(Hồ
Xuân Hương)
Đó là chiều trực cảm. Cái rét căm căm như cắt da cắt thịt, lại
thêm cảnh cô đơn tủi phận, nhưng Bà chúa thơ Nôm dẫu muốn chửi rủa cái cảnh làm
lẽ ngang trái vẫn nhớ là thơ rất kị nói trực tiếp nên Bà chọn hình ảnh
“chăn bông” để tương phản với “lạnh lùng”. Cái lạnh lẽo cô đơn buốt nhói
qua xúc giác, khiến cảm xúc rung lên, ý nghĩa câu thơ vượt xa hơn: phản
kháng mạnh mẽ chế độ đa thê phong kiến.
Hình tượng thơ lọc qua thính giác, cảm thấu đến nội
tâm:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời
Tiếng khoa như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
(Nguyễn
Du)
Cảm nhận màu sắc, hình ảnh qua cửa sổ tâm hồn thị giác, đưa
hồn phiêu lãng tới Bồng lai:
Mây hồng dừng lại sau đèo
Trời cao xanh ngắt ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng lai…
(Thế Lữ)
Cảm nhận gián tiếp qua vị giác:
Rằng “Hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”
(Nguyễn Du)
Nhà thơ bồn chồn, đau đáu không yên, thấp thoáng có
nỗi oan trái, sự bất hạnh nào đấy đang rình rập nàng Kiều và thi nhân đã mượn vị
đắng cay để diễn tả điều này.
Qua khứu giác:
Đường trong làng hoa dại với mùi rơm
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm.
(Huy Cận)
Câu thơ tiêu tao, kì ảo đa chiều đã biến con đường làng chỉ
có những chùm hoa dại với rơm phơi bề bộn thành đường thơm. Từ thực chuyển
sang mơ, từ mặt phẳng hạn chế sang không gian rộng lớn.
Đàn cừu đi giữa tung tăng
Làm hương cỏ rối dậy hăng núi đồi.
(Lê Đình Cảnh)
Mến yêu những bạn mới từ phương Bắc đến, nhà thơ đã sáng tạo
chuyển “tung tăng” vốn chỉ giữ vai trò động từ vào vị trí của danh từ.
Tác động trực tiếp vào tình cảm:
Giờ em một nách hai con mọn
Lệch phía vai gầy gánh gió sương.
(Anh Vũ)
Gió đang chiều tháng tư
Trong vườn chùm nhót đỏ
Dãy bàng lên búp nhỏ
Xanh như là thương nhau
(Lưu Quang Vũ)
Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan
Cả hai dòng lục bát đều nói trực tiếp, nhưng vẫn thuộc đẳng cấp
cao hơn thơ mặt phẳng. Nhà thơ dân gian đã lượm được cái vảy vàng tài hoa ở hai
chữ “cướp ngày” (suy nghĩ khác thường) làm toát lên tính chất trắng trợn, gian
tham của lũ tam quan. Nhiều câu, nhiều đoạn thơ trữ tình chính luận cũng đều có
những nét tài hoa nhiều hình nhiều vẻ.
Đằng sau những hình ảnh, ý tứ hiện trên mặt giấy, còn một tầng
ý nghĩa khác thấy thoáng qua ám dụ (thường là ám dụ đơn), hay nói cách khác đó
là chiều tâm cảm:
Cái còn sinh nở mai sau
Chính là cái đã nhập vào phù sa
(Nguyễn Chí Hiếu)
Tứ của câu lục bát tập trung ở “cái sinh nở” và “cái nhập
vào” tưởng như nói về cây trái, đất đai nhưng thực ra gợi cho ta nghĩ tới điều
gì đó thiêng liêng hơn, sự hy sinh của lớp người đi trước và sự kế thừa của thế
hệ sau… Tầm vóc của câu thơ được mở rộng.
Trong bài Vịnh cây thông của Nguyễn Công Trứ:
Ngồi rồi lại trách ông xanh
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!
Cả bốn dòng thơ đều thể hiện sự khác thường rất độc đáo - Tại
sao lại tránh ông xanh? Tại sao vui muốn khóc? Buồn lại muốn cười? Sao không muốn
làm người mà muốn làm cây? Tác giả mang nặng tâm trạng day dứt không yên về thế
thái nhân tình chăng? Sống ngay thẳng giữa cuộc đời này khó lắm chăng? Bài thơ
khái quát rộng, tứ thơ lớn, không biết có động đến ông xanh (ông Trời) hay
không? Nhưng day dứt, lay động lòng người ở nhiều thế hệ.
Nghe hơi thở dập dồn trên gạch vỡ
Buổi quân về hạt cát cũng hồi sinh
(Viễn Phương)
Dùng hình ảnh nhỏ: Viên gạch vỡ, hạt cát để khái quát điều
cao lớn, sự đổi đời.
Một số đoạn thơ hay, tiêu biểu khác phản ánh chiều sâu tâm cảm:
Đất nghèo nuôi trẻ mồ côi
Khoai lang héo cả mặt người tháng ba
(Trần Tâm)
Người ra đi thường mang gió mười phương
Tình ở lại như một giàn thiên lý
(Xuân Hồng)
Những mái nhà rông sắc lẹm lưỡi rìu
Chém ngược vào trời xanh truyền thuyết
(Lương Định)
Bao giờ mới gặp lại nhau
Qua sông đứng đợi kiếp sau gọi đò
(Trịnh Đường)
Thời gian như chuyến tốc hành
Mang theo lá đỏ và anh trở về
Tóc xanh vừa lỗi lời thề
Thoắt thành mây trắng cuối hè bay ngang
(Lê Quốc Hán)
Thơ ở chiều không gian trực cảm và tâm cảm có thế mạnh là dễ
phổ cập, đông đảo công chúng tiếp nhận, phù hợp với nhu cầu “Thi dĩ ngôn chi”,
“chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”… Nó từng đóng góp không nhỏ vào đời sống
tinh thần xã hội, có công xây dựng đạo đức truyền thống, nâng cao và mở rộng nhận
thức, thẩm mỹ trong công chúng. Trong một số hoàn cảnh trên, thơ đã cổ vũ lôi
cuốn hàng triệu người, sức mạnh tinh thần biến thành sức mạnh vật chất vô bờ bến.
Đó là những cống hiến đáng được nể trọng - lịch sử và văn học cần đánh giá và
ghi cùng một cách công bằng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét