Nghệ sĩ Lương Kim Vĩnh - Thổi lên
thanh âm của núi rừng
Đi tìm cái hồn của sáo
Nghệ sĩ Lương Kim Vĩnh là người Kinh, nhưng đồng bào Mông ở
Tây Bắc mỗi khi nghe tiếng sáo của ông đều nói: "Hơ, ông cũng là người
Mông à?". Quê ông ở Hà Tây, cha mẹ làm trong ngành đường sắt, phần lớn thời
gian bận bịu với những chuyến tàu. Ông đến với sáo chỉ là một sự tình cờ khi
nghe những tiếng sáo thô mộc của đám bạn chăn trâu. Về nhà ông chặt trúc, tự
làm một cây sáo đầu tiên để mày mò học. Cứ thế, sự đam mê rèn tiếng sáo
cho ông. Năm lên 15, 16 tuổi ông đã tự tin nâng sáo lên môi trước mọi người. Nhưng
đó vẫn chưa phải là giai điệu của một nghệ sĩ mà chỉ là tiếng sáo của một chàng
trai làng đam mê đến mức trốn học đi tìm những tiếng sáo hay, có cả những đêm
trăng sáng thức trắng lang thang một mình giữa đồng để luyện sáo...
Khi gia đình ông chuyển hẳn lên Lào Cai sinh sống, ông đã
nghĩ rằng sự đam mê của mình có thể phải xếp lại từ đây. Nhưng rồi một lần đang
buồn bã lang thang giữa rừng tre vắng để tìm một cây trúc ra hoa, ông đã sững lại
trước làn điệu sáo của đôi trai gái Mông. Họ ngồi sát bên nhau, vai kề vai, đầu
ngả vào đầu. Và suốt hàng giờ như thế không ai nói với ai câu nào, chỉ lấy tiếng
sáo để tâm sự cùng nhau...
"Anh muốn nói với em rằng anh vẫn chưa có vợ
Bếp lửa nhà anh chiều chiều vẫn chưa ai thổi hồng than..."
"Và em cũng muốn nói với anh rằng em chưa nắm tay ai
Em muốn được ngày ngày địu gùi
giẫm theo cái bóng của anh...".
Bếp lửa nhà anh chiều chiều vẫn chưa ai thổi hồng than..."
"Và em cũng muốn nói với anh rằng em chưa nắm tay ai
Em muốn được ngày ngày địu gùi
giẫm theo cái bóng của anh...".
Ông chưa biết họ cũng chưa bao giờ được nghe làn điệu sáo đó,
vậy mà vẫn bất ngờ đọc được những lời tâm sự của họ. Ông bừng tỉnh, ngộ ra sự
sâu thẳm nhất của "cái hồn sáo trúc" cũng chính là sự mộc mạc nhất của
nỗi lòng người thổi sáo.
Thế rồi từ đó ông luôn để tâm tìm kiếm, học hỏi các tiếng sáo
dân tộc. Đặc biệt sáo Mông có sức quyến rũ kỳ lạ đối với ông. Kể về điều này,
ông nhẹ nhàng ví von: "Tôi nghe tiếng sáo người Mông như có tiếng gió lùa,
lá reo trên các vách đá. Và tôi nghe tiếng sáo của người Dáy, người Khơ Mú lại
thấy mình như đang đứng bên dòng suối róc rách, có con chim đang tìm cá, có cô
gái đang gội đầu vỗ mái tóc dài vào dòng nước...".
Để tìm kiếm các giai điệu sáo đặc sắc, ông lặn lội vào làng bản,
sống với người dân tộc như chính họ. Ông kể với tôi, sau này và cả đến khi ông
không còn đủ sức thổi sáo, ông vẫn không thể quên được hình ảnh một người Mông
uống rượu, thổi sáo, múa võ trong đêm trăng trên đỉnh núi cao mù sương. "Ông
ấy là Giàng A Chả, bây giờ làm bí thư xã Cán Cấu, huyện Bắc Hà, không biết có
còn thời gian thổi sáo, múa võ nữa không?". Đêm ấy ông cũng nâng chén rượu
ngô và đưa sáo lên môi hòa cùng giai điệu của Giàng A Chả. Giữa cõi đất trời tịch
mịch, ông như quên hết tất cả!
Không chỉ tìm tòi các giai điệu sáo và trở thành một nghệ sĩ
thổi sáo nổi tiếng, Lương Kim Vĩnh còn học cách làm sáo của đồng bào dân tộc
thiểu số. Có một ấn tượng mãi đậm nét trong ông là hình ảnh một ông già miền
núi vừa ngồi nhai trầu bỏm bẻm vừa làm sáo. Mỗi khi thử tiếng sáo lại nhổ bã trầu
và cứ lắc đầu: "Hơ, cái này chưa thể nói lời của tao được". Ông hiểu
ra rằng cây sáo đối với người dân tộc Tây Bắc cũng chính là ngôn ngữ của họ. Họ
có thể trách móc, tâm sự, dạy bảo và tỏ tình với nhau hoàn toàn chỉ bằng tiếng
sáo, nhưng ông muốn cải tiến thêm nó để mọi người dù ở đâu cũng có thể cùng
nghe, cùng chan hòa cảm xúc... Và đây cũng chính là nỗ lực miệt mài của ông cho
cây sáo. Chỉ mỗi một mẩu đồng tăng âm cao, thấp ông đã phải thức trắng nhiều
đêm để làm thử. Rồi từ một cây sáo đơn dân tộc ít nốt nâng lên thành một dàn
sáo 5, 6 cây với cả khèn môi để có thể diễn tả được nhiều giai điệu, thang âm
khác nhau. Nhà ông trên đường Quy Hóa, thị xã Lào Cai, dành hơn nửa gian cho
sáo và các ống tre trúc ngổn ngang.
Những chuyến phiêu du
Ông tâm sự rằng "Hồn của sáo. Hồn của nghệ sĩ chính là
đây. Khi anh gồng mình lên, khi anh nghĩ mình phải cố gắng có nghĩa là anh sẽ
thất bại. Tôi thổi sáo trên sân khấu cũng như đang thổi sáo ở giữa núi rừng.
Lúc đó chỉ có sự đam mê thôi thúc tôi và tôi hoàn toàn thả hồn trôi theo chuyến
phiêu du...". Không chỉ biểu diễn trong nước, ông còn được mời đi diễn ở rất
nhiều nước trên thế giới. Những ngày này, ông đang háo hức chuẩn bị cho tiết mục
của mình trong chương trình những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga vào đầu
tháng 11 tới.
Bây giờ sức yếu, chân mỏi rồi nhưng ông vẫn thèm đi lắm, đi về
chốn rừng sâu núi cao, nơi có các bản làng dân tộc. Đời ông phần lớn gắn liền với
những chuyến đi đó. Con ngựa thồ bao gạo, đồ đạc đi trước, ông và các bạn diễn
đi bộ theo sau. Có những chuyến đi hàng ngày trời như thế, vượt qua các cánh rừng
sâu, các dãy núi tai mèo cao chót vót. Đến nơi, bắp chân ông sưng phù lên, các
ngón tóe máu. Nhưng khi đưa cây sáo lên môi ông lại quên đi tất cả... ''Tôi rất
xúc động khi ở cái bản Mèo thuộc huyện Bát Xát ấy chỉ có đúng 14 người, còn
đoàn diễn của chúng tôi đến 20 người. Không biết chúng tôi đến vào lúc nào,
nhưng họ đã ngồi đợi sẵn từ rất lâu với mấy cân ngô, sắn và con gà để tặng
chúng tôi sau buổi diễn..." -ông kể. Đêm ấy, ông đã thổi sáo gần như suốt
đêm... Rồi những người dân tộc trong tình cảm ngây ngất đã lấy những chiếc sáo
mộc mạc của họ ra.. để hòa điệu cùng ông.
Một kỷ niệm khiến ông nhớ mãi là trong một buổi sớm đi chợ
phiên Bắc Hà, khi đồng bào dân tộc đang buôn bán huyên náo tất cả chợt ngừng lại
để nghe loa phóng thanh địa phương truyền tiếng sáo của ông qua đài phát thanh.
Họ bảo: "ông Vĩnh thổi sáo của chúng tao đấy". Trong phiên chợ đó ông
đã nhìn thấy hình ảnh một đôi bạn ở hai bản cách xa tình cờ hội ngộ và đã mời
nhau vào quán uống rượu. Hai người vợ ngồi sau lưng phe phẩy quạt cho chồng,
khi người chồng say, hai cô vợ bế chồng bỏ lên lưng ngựa và lững thững dắt về bản.
Chính những hình ảnh và tình cảm ấy đã tạo cảm hứng để ông sáng tác những bài
Phiên chợ Bắc Hà rồi Đêm trăng bản Mèo dành cho sáo...
Nghe bản nhạc: Xuân về trên Bản Mông
Nguồn: Tuổi trẻ chủ nhật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét