Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Tôi từng ao ước có cỗ máy thời gian để được trở lại Trung thu xưa

Tôi từng ao ước có cỗ máy thời gian 
để được trở lại Trung thu xưa
Đây là phút nói thật lòng của chị Anh Thư - tác giả cuốn sách Giấc mơ Trung thu chia sẻ với báo điện tử Tổ Quốc.
- Được biết chị vừa có cuốn sách mới “Giấc mơ Trung thu”  nằm trong bộ sách Viết cho những điều bé nhỏ của NXB Kim Đồng. Chị có thể chia sẻ “Giấc mơ Trung thu” của tác giả trong cuốn sách là gì?
+ “Giấc mơ trung thu” là nhan đề cuốn sách của tôi trong tủ sách “Những điều bé nhỏ”, cũng là nhan đề một tản văn, và phần nào đó là cái tứ của cả cuốn sách này. Tôi viết về những câu chuyện nhỏ từng đi qua trong tuổi thơ, viết về những hình ảnh thân thuộc, ám ảnh tôi, nâng đỡ tôi, và đặc biệt về những giấc mơ. Tại sao tôi nói là viết về những giấc mơ? Tôi chỉ kể với chị một ý như thế này. Ngôi nhà thơ ấu của tôi nằm cạnh dòng sông Châu. Mọi nóng lạnh, gió mưa, giông bão của thời tiết ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình rất nhiều. Dòng sông Châu cũng cho tôi nhiều kỉ niệm, từ đó mình lớn lên, đi học, đi làm. Nhiều đêm, tôi có một giấc mơ lặp đi lặp lại, đó là mơ mình bị đẩy vào một dòng nước, mênh mang, ầm ào, bị chìm đi, bị cuốn đi trong dòng nước đó. Sau khi tôi viết “Mơ về một dòng sông”, thì tôi thoát khỏi ám ảnh ấy, giấc mơ ấy. Tôi vẫn yêu dòng sông thơ ấu của tôi, vẫn trở về với nó, nhưng tôi không còn mơ bị chìm trong xoáy nước nữa.
- Theo quan sát cũng như cảm nhận của chị thì Trung thu xưa và trung thu nay có gì giống và khác nhau?.
+ Câu hỏi này có lẽ cũng đã nhiều người đề cập rồi phải không chị. Tôi chỉ xin được chia sẻ thật ngắn gọn. Nói giống nhau, thì có lẽ vẫn thời điểm ấy trong năm, vẫn vầng trăng ấy, bầu trời, ánh sáng ấy. Và niềm háo hức trung thu vẫn vẹn nguyên trên biết bao gương mặt trẻ nhỏ và người lớn, khi nghe tiếng trống múa lân, đi qua quầy bánh nướng bánh dẻo, qua phố đồ chơi, hít hà mùi  hương chuối, hương ổi phả trong gió thu… Bao nhiêu màu sắc, bao nhiêu hình ảnh âm thanh rộn ràng, lưu luyến, thúc giục.
Còn khác thì tất nhiên rồi, rất nhiều thứ khác. Trung thu của thời đại công nghiệp, chỉ cần một tiếng đồng hồ đi dạo phố sắm sanh là đã có đủ sắc màu, mùi vị. Còn Trung thu của những ngày thơ bé của tôi thì khởi động từ trước đó cả tháng, chuẩn bị từ xâu hạt bưởi đến cái đèn kéo quân… Về mặt vật chất so với ngày nay thì rất đơn giản nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình thiếu thốn. Trái lại, thật giàu có. Sự khác nhau là điều tất yếu. Tôi chưa bao giờ nghĩ Trung thu nay không bằng Trung thu xưa hoặc ngược lại. Nhưng tôi vẫn nghĩ đón một Trung thu đúng nghĩa phải là được ở giữa thiên nhiên, được đắm mình trong ánh trăng dịu dàng lộng lẫy, được cảm nhận vẻ đẹp thanh khiết sang trọng của trời đêm. Chị tin tôi đi, cảm giác lúc đó tuyệt vời lắm. Ở giữa thiên nhiên như thế, lòng ta nhân hậu, trong sáng và lương thiện biết bao.
Tác giả cuốn sách Giấc mơ Trung thu
- Hỏi thật chị, có bao giờ chị mong muốn được quay trở về với Trung thu xưa không? Vì sao?
+ Nếu nói không muốn thì không đúng chị ạ, ít nhất là với tôi. Giống như lời một bài hát, rằng: “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ  ước muốn cho thời gian trở lại…”. Tôi từng ao ước có được cỗ máy thời gian của Doraemon, để được trở lại khoảng thời gian ấy, không gian ấy, gặp lại những gương mặt quen thuộc từ lâu đã không còn ở bên mình trong cuộc đời, hay làm lại nói lại những điều chưa làm được chưa nói được, sửa lại mọi hao khuyết quá khứ … Những Trung thu xưa hay nói rộng ra là cả quãng đời tuổi nhỏ thường là khoảng thời gian êm ấm nhất, hạnh phúc nhất, mà thời gian càng xa thì ta lại cảm nhận rõ hơn, nhìn rõ hơn  ánh sáng từ đó, thứ ánh sáng trong trẻo thuần khiết, lương thiện, luôn lay gọi, thức tỉnh, làm thổn thức trái tim bao người. Hẳn chị thấy mong ước đó rất quen thuộc, rất trẻ con, rất ngây thơ đúng không. Tại sao không cho phép mình có những phút giây thơ trẻ nhỉ? Và với tôi, mong ước, đơn giản chỉ là để sống tốt hơn với hiện tại, để mỗi ngày qua đi không phải nói “rất tiếc” .
- “Giấc mơ Trung thu” gồm 33 bài tản văn được ví như những tấm vé đưa bạn đọc trở về thời thơ ấu. Vậy có khi nào chị lăn tăn thế hệ độc giả trẻ hôm nay khi đọc lại những ký ức của thế hệ chị thấy buồn cười, lạc hậu?
+ Tôi nghĩ nhiều đến điều này chứ, nhất là với đối tượng đọc là các bạn nhỏ ở thành phố, vốn quen với môi trường sống hiện đại, tiện nghi, tốc độ. Và tôi vẫn nghĩ rằng mình là một người viết non nớt. Bởi với người viết có ý thức chuyên nghiệp, có khả năng nhập vai, khả năng nắm bắt thị hiếu và tâm lý bạn đọc tuổi nhỏ thì họ sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong lựa chọn thể loại, lối viết. Song tôi cũng nhận được những phản hồi rất tích cực từ phía một số phụ huynh hoặc từ chính các bạn nhỏ khi đọc sách của tôi, rằng  các bạn đọc khá say sưa và tỏ ra rất thích thú với những điều cô Anh Thư kể trong cuốn sách, tò mò hỏi  rằng vầng trăng quê đẹp đến thế ư, dòng sông ngôi nhà cô kể giờ có còn không, khu vườn của cô mùa này có hoa gì, chậu sống đời này cô lấy đất từ quê lên thật ạ…  Những phản hồi này khiến tôi cảm thấy vui vui. Nhưng tất nhiên, tôi hiểu, để trả lời cho thấu đáo câu hỏi của chị là không dễ, vì nó liên quan tới rất nhiều điều: thị hiếu, thẩm mỹ, thói quen, sự phân loại đối tượng người đọc, khả năng chinh phục của người viết…  Cá nhân tôi cũng là một người đọc bình thường, một người mẹ, và là một người có nhiều kinh nghiệm biên tập các chương trình phát thanh văn nghệ  Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi cũng chia sẻ thêm là tôi từng có 15 năm thực hiện các chương trình văn nghệ thiếu nhi và tuổi mới lớn. Do vậy, tôi rất ý thức được những hạn chế của mình trong cách viết. Đó là nhìn ở góc độ khắt khe. Còn mặt khác, với cái nhìn động viên, thì hẳn chị cũng đồng ý với tôi rằng, “Giấc mơ trung thu” là cuốn sách có một gương mặt riêng, nhẹ nhõm, đáng yêu, và có thể không làm thất vọng những ai đã tìm mua nó, phải không chị!.
Bìa cuốn sách Giấc mơ Trung thu
- Những ký ức và hoài niệm về trung thu xưa của chị có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống nhiều bận rộn hiện nay?
+ Ký ức là phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Tưởng tượng nếu một ngày kia thức dậy, chúng ta quên sạch mọi thứ trong đầu? Hẳn lúc đó chị sẽ rất hốt hoảng đúng không? Tôi từng trải qua những khoảnh khắc như thế, từng thức dậy và không biết đang là thời điểm nào trong ngày, mình đang ở đâu, đang làm gì. Phải một lúc sau, tôi mới từ từ nhớ lại. Chi tiết này khiến tôi rất buồn chị ạ. Những trung thu xưa và cả quãng đời thơ bé, có nhiều chi tiết nhiều kỷ niệm mình đã quên, nhưng những gì còn lưu lại trong bộ nhớ thì như tôi đã nói phần nào ở trên, qua mỗi ngày lại hiện hữu rõ ràng hơn, trong sáng hơn, là một phần tài sản tinh thần nâng đỡ mình, an ủi mình khi cô đơn, khi thiệt thòi mất mát. Những háo hức vào mỗi mùa trung thu cũng giúp tôi đảm nhiệm tốt hơn vai trò làm mẹ, mong cho con mình được đón nhận một vầng trăng tròn đầy ấm áp như tuổi thơ của mẹ.
- Và chị muốn gửi gắm điều gì trong “Giấc mơ Trung thu”?
+ Nếu nói “gửi gắm”, thì tôi chỉ dám gửi gắm tới chính tôi, và tới hai cô con gái nhỏ của tôi. Gửi gắm về những điều giản dị đã qua, nâng niu nó, quý trọng nó, gom góp từng hạt bụi vàng ký ức, nếu không đủ để tạo nên một bông hồng vàng như trong tác phẩm của nhà văn Nga Pautopxki thì mình cũng lưu lại được chút tài sản tâm hồn của riêng mình, giúp mình nhận ra chính mình trong rất nhiều màu sắc, hương thơm và tiện nghi khác, có những ứng xử phù hợp, để luôn “là mình” trong trẻo nhất.  
Cảm ơn những chia sẻ giản dị nhưng tinh tế của chị. Chúc chị và gia đình thực hiện được “Giấc mơ Trung thu” của riêng mình.
Hiền Nguyễn
Theo http://toquoc.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...