Mấy tháng nay thấy bạn bè lần lượt ra đi về cõi vĩnh hằng làm
tôi suy nghĩ về tuổi thọ. Lý do đơn giản là mấy người bạn này ra đi trong
tuổi 60s, tức còn khá trẻ so với tuổi thọ trung bình ngày nay.Cũng có thể dân
làm khoa học thường chết sớm, vì đầu tư nhiều thì giờ cho suy nghĩ quá nên bị
căng thẳng và dẫn đến cái chết. Nhưng chúng ta chưa có bằng chứng để kết
luận vấn đề này.
Bấy lâu này tôi tự hỏi vua chúa Việt Nam ta thời
xưa sống bao lâu. Tìm số liệu này cũng không khó, nhưng đòi hỏi thời
gian. May mắn thay, trong chuyến công tác ở VN vừa qua tôi vớ được một số
sách tương đối “cổ” ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, và qua các sách này tôi có thể
thu thập khá đầy đủ số liệu về tuổi thọ, thời gian trị vì của các vua chúa (thật
ra thì phần lớn là vua) qua các triều đại. Tôi bèn làm ngay một bảng
thống kê để phân tích cho biết.
Thời gian trị vì
Tính từ thời Âu Lạc đến thời nhà Nguyễn, nước ta trải qua 20
triều đại như sau:
Thục & Âu Lạc, Triệu, Sau Công Nguyên (Giao chỉ, Tây Hán,
Đông Hán, Hai Bà Trưng, Đông Ngô, Bà Triệu), Lý và Vạn Xuân, Tùy Đường, Ngô, Hậu
Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Trần, Lê Sơ, Mạc, Hậu Lê, Tây Sơn, Chúa
Trịnh, Chúa Nguyễn, và triều Nguyễn.
Tính trung bình, thời gian trị vì của các vua chỉ có 17
năm. Khoảng 47% các vua có thời gian “tại chức” dưới 10 năm, ~25% có thời
gian trị vì từ 11 đền 20 năm, và chỉ có 13% vua ngồi ở ngai vàng trên 30
năm. Các vua chúa có thời gian trị vì lâu năm là Triệu Vương (70 năm), Lý
Nhân Tông (55 năm), Trịnh Tùng (53 năm), Lê Hiển Tông (46 năm). Ngay cả Tự
Đức mà ngồi ngai vàng đến 35 năm. Có 2 vua chỉ ngồi ngai vàng dưới 1 năm
là Dục Đức và Hiệp Hòa (cả hai thuộc triều Nguyễn).
Phân tích theo triều đại thì thấy triều nhà Lý có thời gian
trị vì trung bình cao nhất (23.6 năm), kế đến là Chúa Trịnh (21.9 năm), Chúa
Nguyễn (19.8 năm), Triệu (19.2 năm), Lý Vạn Xuân (19 năm).Triều đại có thời
gian trung bình trị vì ngắn nhất là Hậu Trần (3 năm), nhà Hồ (3.5 năm), và Ngô
Quyền (5 năm).
Tuổi thọ
Số liệu tuổi thọ chỉ có cho 90 vua chúa. Tính trung
bình, tuổi thọ của 90 vua chúa này là 44.2 năm.Khoảng 39% (n = 35) có tuổi thọ
thấp hơn 40 tuổi, và chỉ có 12% (n = 10) thọ trên 60 tuổi. Vua có tuổi thọ
cao nhất là Trịnh Tùng (74 năm), Lê Hiển Tông (70 năm), chúa Nguyễn Phúc Tần
(68 năm), Lý Nhân Tông (63 năm). Vua có tuổi thọ thấp nhất là Nguyễn Kiến
Phúc (15 tuổi), Lê Gia Tông (15), Lê Túc Tông (17) và Lê Nhân Tông (19).
Phân tích theo triều đại cho thấy triều Chúa Trịnh có tuổi thọ
trung bình khá cao (59 tuổi), kế đến là Chúa Nguyễn (55 tuổi). Triều đại
có vua thọ thấp nhất là Tây Sơn (30 tuổi), Lê Sơ (30 tuổi), Tiền Lê
(37). Còn các triệu đại lâu đời và danh tiếng như Lý (46 tuổi), Trần (45
tuổi), và Nguyễn (47 tuổi) chỉ trên dưới trung bình.
Câu hỏi quan trọng là có “secular trend” về tuổi thọ của các
vua chú Việt Nam không? Câu trả lời là - ngạc nhiên thay - không. Biểu đồ dưới đây cho thấy điều này:
Biểu đồ tuổi thọ của vua chúa Việt Nam qua các thế kỷ.
"Period" bằng 1 có nghĩa là thế kỷ 10, 2 là thế kỷ 11, 3 là thế kỷ 12, v.v...
Sau đây là bảng thống kê cho thấy trung bình và độ lệch chuẩn
của tuổi thọ của các vua chúa qua từng thế kỷ:
Thế kỷ
|
Tuổi thọ trung bình
và độ lệch chuẩn
|
<1000
|
44.1 (16.1)
|
1000 – 1099
|
57.3 (24.1)
|
1100 – 1199
|
45.0 (17.2)
|
1200 – 1299
|
51.3 (10.0)
|
1300 – 1399
|
39.6 (19.6)
|
1400 – 1499
|
37.6 (17.1)
|
1500 – 1599
|
34.5 (18.4)
|
1600 – 1699
|
53.6 (23.4)
|
1700 – 1799
|
42.2 (13.5)
|
1800 – 1899
|
44.9 (18.7)
|
Biểu đồ về mối liên hệ giữa thời gian trị vì và tuổi thọ của
vua chúa Việt Nam Có mối tương quan nào giữa thời gian trị vì và tuổi thọ của
nhà vua không? Câu trả lời có lẽ không ngạc nhiên mấy là có. Hệ số
tương quan giữa tuổi thọ và thời gian trị vì là 0.52. Nói cách khác, những
vua có thời gian “tại chức” càng lâu cũng là những vua có tuổi thọ càng cao
(xem biểu đồ dưới đây).
Biểu đồ về mối liên hệ giữa thời gian trị vì
và tuổi thọ của
vua chúa Việt Nam
So với văn thi sĩ
Tuổi thọ của vua so với các văn thi sĩ Việt Nam thì
ra sao? Tôi thu thập số liệu của 188 tác gia Việt Nam từ cuốn Từ điển
Văn học Việt Nam của Lại Nguyên Ân và Bùi Văn Trọng Cường. Các tác
gia này tính từ thời cổ đến thế kỉ 19, tức là cùng khoản thời gian của số liệu
tuổi thọ nhà vua, để dễ so sánh.
Tính trung bình, tuổi thọ trung bình của 188 tác gia này là
62 tuổi. Khoảng 25% tác gia có tuổi thọ dưới 50 tuổi, và 25% tác gia thọ
trên 72 tuổi. Người có tuổi thọ ngắn nhất là Ngô Thì Ức, sinh năm 1709 và
mất năm 1736, tức chỉ thọ 27 tuổi. Người có tuổi thọ cao nhất là Huỳnh Quỳ,
sinh năm 1828 và mất năm 1926, tức thọ 98 tuổi.
Như vậy, văn sĩ có tuổi thọ cao hơn vua chúa.
So với thế giới
So với tuổi thọ trung bình của dân số thời đó thì ra sao?
Trang wikipedia có
một thống kê về tuổi thọ trung bình trên thế giới từ thời tiền sử đến nay như
sau:
Thế kỷ
|
Tuổi thọ
trung bình
|
Neanderthal
(350 đến 500 ngàn năm trước)
|
20
|
Upper Paleolithic
(10 đến 40 ngàn năm trước)
|
33
|
Neolithic (8500 năm trước CN)
|
20
|
Bronze Age
(3000 năm trước CN)
|
18
|
Classical Greece Thế kỷ 4 và 5)
|
20-30
|
Classical Rome (Thế kỷ 5 ?)
|
20-30
|
Pre-Columbian North America
|
25-35
|
Medieval Britain (Thế kỷ 5-6)
|
20-30
|
Early 20th century
|
30-40
|
Current world average
|
66.12 (2008 est.)
|
Tôi thấy trên một tập san khoa học vào năm 1999, tuổi thọ
trung bình của các vua chúa Anh tính từ 1000 đến 1600 là 48 tuổi. Một anh
bạn bên Nhật cho biết rằng tuổi thọ trung bình của vua Trung Quốc tính từ thời
Tần Thủy Hoàng là dưới 40 tuổi. Ở Trung Quốc, Hán Vũ Đế, Càn Long, v.v… là
những ông vua sống lâu. Càn Long sống đến 90 tuổi, vì sách nói rằng ông ấy
"Xa hậu cung gần võ tướng" và "nữ sắc có mức độ". Trong
thời gian này, tuổi thọ trung bình của các vua chúa Việt Nam là 44.6 tuổi. Như
vậy tuổi thọ của vua chúa ta không thấp chút nào so với thế giới. Như vậy, nói chung, tuổi thọ các vua chúa ta ngày xưa có vẻ
trên trung bình so với tuổi thọ dân số thế giới. Nhưng có lẽ so sánh như
thế thiếu tính khách quan, bởi vì vua chúa ở một giai cấp khác, họ được cung phụng,
ăn trên, ngồi trước thiên hạ nên tuổi thọ của họ cao hơn trung bình là có thể
hiểu được. Cần phải so sánh tuổi thọ vua chúa VN và vua chúa các nước khác
thì có lẽ công bằng hơn.
Trong tương lai khi có thì giờ tôi sẽ phân tích thêm. Có thể
tôi sẽ gửi cho Tia Sáng để đăng cho bà con đọc mua vui cũng được một vài
trống canh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét