Mùa xuân - tình yêu như một mặc định trong tâm tưởng vĩnh hằng
của loài người khi đất trời giao mùa, khi cây cỏ, muôn loài vào kỳ sinh sôi,
khi nhân gian ăm ắp rạo rực về sự đổi thay, tươi trẻ, sinh hướng phồn thực.
Xuân về với mọi người, mọi nhà, đong đầy trong mắt môi của những kẻ xuân thì và
dịu dàng tô phấn hồng trên má thắm thanh nữ. Xuân và thiếu nữ, đặc biệt là tấm
lòng rạo rực đang yêu của thiếu nữ đón tiết xuân được nhiều nhà thơ xưa và nay
chú ý đến, nhưng có lẽ, thi phẩm “Mưa xuân” của thi sĩ đậm chất quê Nguyễn Bính
là đặc sắc hơn cả khi dẫn dắt ta quay về quá khứ, trở lại miền quê, về với yếm
thắm lụa đào, nón quai thao, tiếng trống chèo hội xuân rạo rực trong lòng trai
Đoài gái Đông ở vùng quê Bắc Bộ.
Sự nhiệm màu huyền bí của mưa xuân, hay tiết trời xuân của
vùng Bắc Bộ muôn đời nay đã làm cho lòng người, nhất là những kẻ trẻ người, trẻ
lòng luôn thấy dâng lên một tâm trạng khác lạ, cảm xúc hòa mình vào đất trời,
được giao cảm, khao khát hiến dâng và tận hưởng. Một chút mưa giăng mắc không
làm ướt áo khách giai nhân nhưng cũng đủ làm ướt mi mắt người thương nhớ, chút
gió lành lạnh khiến ai kia phải khép vội tà áo, che tấm khăn ấm, và đặt biệt là
cảm giác bồi hồi trong ngực trẻ, rạo rực yêu đương trong buổi đầu hò hẹn sẽ mãi
là dấu khắc ghi nhớ một thời tuổi trẻ. Chuyện thơ khơi mở rất tự nhiên về nhân
vật “Em” với những cung bậc dạt dào cảm xúc của tình yêu đầu e ấp, phấp phỏng đầy
âu lo.
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh nǎm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Tấm lòng trinh trắng của cô thôn nữ toát lên qua hình ảnh
thân thuộc, dân dã, gần gũi như “cây lụa trắng” nhưng cũng đầy kiêu sa, trang
trọng. Tự sự như thể thật thà hết mức, nét ngây thơ của “lòng trẻ” được giãi
bày nghe đáng yêu và trân trọng biết bao.
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: "Thôn Đoài hát tối nay".
Lòng thấy giǎng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.
Thế rồi, từ bữa ấy, mưa xuân hay hơi xuân đã làm “Em” rạo rực,
mong chóng gặp người trong mộng. Nhà thơ đặc tả tiết xuân bằng hạt mưa giăng mắc
và từng cánh hoa xoan rơi rụng bay nhè nhẹ như quyện lấy những hạt mưa bụi đang
làm nhạt nhòa đôi mắt nhớ nhung của cô gái. Mưa xuân phơi phới bay hay tâm hồn
“Em” đang phơi phới, háo hức trông ngóng về một phương “Anh”, rồi những cánh
hoa xoan tím trắng, hết lớp nọ đến lớp kia rơi rụng như những tràng hoa kết ngọc
kia phải chăng là tấm lòng trẻ trắng trong tinh khiết đang hướng dành cho
“Anh”. Cái tài tình của Nguyễn Bính khi phác tả cảnh huống để chuẩn bị cho tính
kịch trong tâm trạng cô gái đang yêu được bộc lộ trọn vẹn. Từ “giăng tơ” ở đây
diễn đạt rất hay cái tâm trạng e ấp, băn khoăn, thổn thức, trông ngóng về một
thứ không thể và không muốn chối bỏ là sợi tơ định mệnh của Nguyệt lão se duyên
hai người. Chi tiết mưa xuân, hoa xoan, rồi hội chèo làng Đặng bên thôn Đoài là
những nguyên cớ có tính chất đưa đẩy, khơi mở để cô gái giãi bày tâm trạng, thổ
lộ tâm tình về “Anh”. Và cũng chỉ là “có lẽ là em nghĩ đến anh” thôi mà sao
“hai má em bừng đỏ”. Hai dòng thơ như một vế câu diễn giải nguyên nhân và kết
quả hình ảnh, tâm trạng cô gái, để đi đến khẳng định chắc chắn, tình yêu đã nảy
sinh, sự trông ngóng, mong đợi ngày hội ngộ ở trong cô là có thật, là hiện hữu
ngay trong lòng “một mối tình”. Đây được coi như một cái “típ” khi nhà thơ tả cảnh
xuân về với trạng thái tâm hồn của thôn nữ chân quê.
Bài “Xuân về” cũng cho thấy cảnh huống tương tự: “Đã thấy xuân về với gió đông, Với trên màu má gái chưa chồng”.
Bài “Xuân về” cũng cho thấy cảnh huống tương tự: “Đã thấy xuân về với gió đông, Với trên màu má gái chưa chồng”.
Đôi lứa yêu nhau thời hiện đại với máy vi tính và điện thoại
siêu tốc chắc khó hình dung ra cảnh trai gái yêu nhau, hò hẹn ngày xưa. Gặp gỡ,
trao gửi bằng cử chỉ, ánh mắt thôi mà sao quyến luyến vô chừng. Rồi tình ý hai bên
cũng chỉ là cảm nhận ban đầu, nói lời yêu thật khó làm sao, lúng túng, bồi hồi
để khi xa cách thấy hối tiếc, mong ngóng ngày gặp gỡ. Nên kể chi việc một mình
trong mưa đêm lạnh lẽo, háo hức đến đêm chèo gặp tình nhân. Ý thơ như dập dìu,
đồng hành với cô gái, nhịp thơ được cấu tứ như theo dấu bước chân gấp gáp của
cô đến đám hát. Nói làm chi lòng cô bấy giờ chỉ còn chỗ cho giây phút gặp người
trong mộng, nên sá gì “mưa bụi” và “thôi đê” ngắn ngủi! Diễn tiến tâm lý của kẻ
đang yêu được thể hiện trong thơ thật đạt; hành động của cô gái phù hợp với tâm
trạng háo hức: xin phép mẹ, vội vàng đi,…rồi như thanh minh cho cái sự “quyết
tâm” của mình: “Mưa bụi nên em không ướt áo, Thôn Đoài cách có một thôi đê”. Và
em, dường như quên bẵng lời mẹ dặn “xem về kể mẹ nghe”. Cái “lý” mà “Em” đưa ra
ở đây thật “hợp lý”: vì anh, em sẽ vượt qua tất cả, trong em chỉ có anh và sự gặp
anh đã chiếm trọn trái tim và tâm hồn của em đêm nay rồi.
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Đám hát chèo ngày xưa thường là những đêm hội của trai gái gặp
gỡ, tình tự và hẹn ước. Có biết bao trai gái, lứa đôi nên duyên chồng vợ nhưng
những đêm chèo cũng chứng kiến không ít sự lỡ làng, tan vỡ lời hẹn ước, đứt mối
duyên tình. Cả bài thơ đến đây như được ngắt ra phân định làm hai ý đối lập
trên dưới, mở đầu và kết thúc với vui buồn, hy vọng và thất vọng, gắn bó và
chia lìa, háo hức và buồn bã, âu lo …Giọng thơ vì thế mà cũng thay đổi, từ chỗ
trông ngóng, da diết nhớ nhung mau qua đi để dành chỗ cho đau đớn, buồn tủi,
nghe thật ai oán, chua xót.
Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Nǎm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!
Đến đây cô gái dường như đã tiên liệu về một tình yêu dở
dang, một mối tình thất vọng và một mùa xuân nhỡ nhàng. Cảm thức đau đớn, buồn
tủi đeo bám theo cô suốt chặng đường về. Mà đường về bây giờ xa lạ quá, cô đơn
quá với mưa lạnh, áo mỏng, dải đê dài như vô tận. Song cái làm cô sợ hơn cả là
tâm trạng đang rã rời, tan đứt, thê thảm của tột cùng cô đơn, sầu thảm. Khổ thơ
như ai oán, co thắt, ngẹn ngào trong từng câu chữ:
Mình em lầm lũi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya
Dự cảm buồn bã đó được nhà thơ miêu tả bằng hình ảnh ước lệ lặp
lại ở trên về “mưa xuân” và ‘hoa xoan”. Nếu như ở trên là “mưa xuân phơi phới
bay, hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” trong tâm trạng háo hức, hồi hộp, mong
ngóng của cô gái thì nay là “mưa xuân đã ngại bay” và “hoa xoan đã nát dưới
chân giày”. Lời mẹ nói: "Mùa xuân đã cạn ngày" nghe như vô tình mà dụ
ý, như cứa vào lòng “Em” thật bẽ bàng, chua xót quá. Phải chăng, xuân qua, hoa
rụng và lòng người nguội lạnh. Cái kết bài thơ là nỗi niềm day dứt khôn nguôi của
nhân vật trữ tình về duyên tình dở dang, sự lỗi hẹn “một mối tình”, một tình
yêu không trọn vẹn.
Tuy nhiên, cái buồn đó không bi lụy, sướt mướt như thường thấy trong văn thơ đương thời, mà là một nỗi buồn đẹp, có đau đớn, có buồn tủi nhưng không thất vọng, không lối thoát. Kết bài thơ lại gieo vào lòng người đọc một cảm giác trong sáng, tràn đầy hy vọng vào xuân thì, vào mối duyên tình của cô gái.
Tuy nhiên, cái buồn đó không bi lụy, sướt mướt như thường thấy trong văn thơ đương thời, mà là một nỗi buồn đẹp, có đau đớn, có buồn tủi nhưng không thất vọng, không lối thoát. Kết bài thơ lại gieo vào lòng người đọc một cảm giác trong sáng, tràn đầy hy vọng vào xuân thì, vào mối duyên tình của cô gái.
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng hát tối nay?
Thơ Nguyễn Bính hấp dẫn độc giả hàng nửa thế kỷ nay, những vần
thơ hay và đẹp được phát ra từ con chữ, nhịp, vần, giọng, hình ảnh thơ và từ
sâu thẳm trái tim yêu đời, gắn bó với cuộc sống, con người thôn quê của nhà
thơ. Chất “nhà quê” ẩn náu lâu bền trong thơ, trong con người nhà thơ luôn được
các thế hệ độc giả khai thác và sáng tạo thêm, gia tăng thêm dư vị, dư ba cảm
xúc, ý tình. Nhân mùa xuân đến, thưởng thức cái se lạnh của tiết xuân, cái gió
xuân của trời đất, cái sức xuân phơi phới trong lòng người, ngắm hoa đào nở rộn
ràng,…và đọc “Mưa xuân” của Nguyễn Bính chắc lòng ta thêm trẻ ra, xuân độ hơn để
cùng hoài niệm, mơ về một thời chưa xa ghi khắc dấu ấn “một mối tình” lỗi hẹn
mùa xuân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét