Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Nhạc sĩ Văn Cao - Từ khúc tình đắm đuối đến khí thiêng sông núi

Nhạc sĩ Văn Cao - Từ khúc tình đắm đuối 
đến khí thiêng sông núi
Nhắc đến Văn Cao là nhắc đến một nghệ sĩ tài hoa trên cả 3 lĩnh vực: thơ, nhạc, họa. Riêng về âm nhạc, Văn Cao đã được hàng triệu người dân Việt Nam biết đến với bài Tiến quân ca (Quốc ca). Tài năng âm nhạc Văn Cao nảy nở sớm và cho đến những năm cuối đời, ông vẫn không ngừng sáng tạo những tác phẩm đi cùng năm tháng.
Thiên Thai và Trương Chi là 2 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao từ nửa thế kỷ trước. Dòng chảy của âm nhạc êm như mái chèo lướt sóng trên dòng sông xanh được dựa trên 2 cốt truyện văn học dân gian. Thiên Thai kể về việc Lưu Nguyễn lạc vào “cõi bồng lai”; Trương Chi nhắc tới thân phận tủi buồn, cô liêu của chàng ngư dân có tiếng hát hay nhưng tình yêu không tới bến.
Nhạc sĩ Văn Cao qua nét ký họa của Hùng Văn 
và bút tích chép tay câu chuyện Tiến quân ca của nhạc sĩ
Thiên Thai mở ra êm lướt như cánh én mùa xuân: Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng… Thiên Thai là gì? Là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi. Âm thanh, màu sắc tiên cảnh, ấy là chất bột tinh túy nhất để nghệ sĩ tài hoa Văn Cao nhào nặn nên âm hưởng nghệ thuật sâu lắng...
Trương Chi tái hiện nét chấm phá của người họa sĩ Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơrồi dẫn dắt con người đến với một thế giới mơ hồ với giai điệu không gian mới rung thành tơ. Cứ tịnh tiến như vậy, con người được đưa tới vẻ đẹp thẩm mỹ, ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ. Tương quan giữa tiếng cầm ca và thu tới bao giờ đó là mối quan hệ biện chứng giữa thẩm mỹ của âm nhạc với thực tại đã tạo dựng sức sáng tạo đến tột đỉnh cái đẹp bức tranh của đất trời.
Những tình khúc đầu mùa của Văn Cao là Thu cô liêu, Buồn tàn thu (1939), Cung đàn xưa, Bến xuân (1942), Suối mơ (1943) đã ghi lại những thành công trong thời kỳ “phôi thai” của nhạc mới, những năm 40 của thế kỷ XX và bây giờ vẫn còn nhiều người yêu thích.
Văn Cao là một người có tầm tư tưởng lớn, cũng là người nhạy cảm với thời đại, thở hơi thở của thời đại một cách hào sảng trong âm nhạc. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, cờ đỏ sao vàng bừng sáng khắp non sông, rồi toàn quốc kháng chiến. Những bài hát Mùa xuân về, Giữa chiến hào xa... rạo rực, phơi phới với 2 mối tình lớn: đất nước và người yêu. Xuân kháng chiến cũng là “Xuân trăng mật”. Bài hát Làng tôi là hồn cốt quê hương, đằng sau sự đằm thắm, giản dị giữa tình quân dân là sức sống bất diệt của một dân tộc, là cuộc sống thanh bình mà ai cũng ước mơ.
Làng tôi là tình khúc thiết tha, dịu mát. Trăng mật của lứa đôi tỏa sáng lung linh vào quê hương yêu dấu:
Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung
Đời đang vui đồng quê yêu dấu
Bóng cau với con thuyền, một dòng sông.
Tuy là một ca khúc chiến đấu, Làng tôi theo đoàn quân du kích… nhưng âm hưởng lưu lại như hương lúa mùa gặt, lung linh như ánh mắt thôn nữ, có lúc rộn lên với Ngày mùa náo nức, dồn dập: Ngày mùa vui thôn trang, lúa reo như hát mừng.
Với hình tượng lý tưởng súng tì tay anh đứng, em ngừng liềm trông sang, đưa chúng ta tới miền ký ức những gian lao của những năm chống Pháp.
Với Trường ca Sông Lô, Văn Cao bằng năng lượng dồi dào của người nghệ sĩ đã thâm nhập được từ những hy sinh, gian khổ và quyết liệt của cả dân tộc trong kháng chiến. Ông đã tạo nên một âm thanh đa sắc mà hùng tráng, tự tin đến thắng lợi huy hoàng:
Sông Lô sóng ngàn, 
Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u
Thu ru bến sóng vàng
Từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu.
Những nét đạm thanh ẩn hiện trên nền màu mờ nhạt, khi nhịp điệu câu ca loang dần ra xa; những hình ảnh liên tục tạo ra không gian mênh mông, huyền ảo và lặng lẽ tưởng như tẻ nhạt và trống vắng, bỗng bừng lên ánh sáng ngọn lửa.
Sông Lô sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa. Âm hưởng mênh mông, ánh sáng ngày mới ấy đã lay thức ý chí con người. Bài hát như chiếu ánh sáng cách mạng vào tâm hồn mỗi con người.
Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô,
để rồi cả Tổ quốc bỗng chan hòa âm thanh, bao la, rộn rã của tiếng sóng réo vi vu… gió lá vi vu:
Sông mênh mông như bát ngát hát
Bao rừng thu như bát ngát cười
Văn Cao vẫn bám vào hiện thực, trong chiến thắng hân hoan, ông nghĩ ngay đến đời sống thường nhật của người dân buông lưới. Phan Lương vui bóng chuyền, lều dựng lên ven sông. Phút vẻ vang, phút hùng tráng không phải là nội tâm của tác giả nữa mà nội tâm của hàng triệu con người.
Dòng sông Lô trôi
Mùa Xuân tới
Nước băng qua ngàn
Nước in ven bờ xanh ôm bóng tre
Trường ca Sông Lô được xem như là đỉnh cao trong sự nghiệp Văn Cao. Ông đã vượt lên khỏi những tiết tấu đơn giản của ca khúc, đi tới một hợp tấu dài hơi, với nhiều tầng lớp, nhịp độ khác nhau, lôi cuốn chúng ta theo điệu nhạc, lời thơ, màu sắc, như một dòng sông lớn.
Dường như dòng thác cách mạng đã giục giã trái tim người nhạc sĩ này nhanh chóng Tiến về Hà Nội:
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân trở về
Như đài hoa đón mừng
Nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
Những bông hoa ngày mai
Đón tương lai vào tay.
Giọng ca đã khác với bóng xưa ngàn năm, hồ phai khi tàn mơ. Nhưng vẫn sắt đá một niềm tin, Ơi! Thăng Long ngày mai, xây đắp dưới vinh quang bằng chí anh hùng.
Nhắc tới Văn Cao, mỗi công dân Việt Nam từ trẻ tới già không thể không nhớ bài Quốc ca mà nguyên mẫu là bài Tiến quân ca: “Đoàn quân Việt Nam đi. Chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”.Trong hồi ký của ông, nhạc sĩ cũng không ngờ rằng, bài hát này lại linh thiêng tới vậy, lại được Bác Hồ chọn làm Quốc ca.
Bài hát ấy khi cất lên khiến ông trào nước mắt và ông đã tâm sự: “Lúc đó, tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát, tôi chưa biết chiến khu. Tôi chưa được gặp các chiến sĩ của chúng ta trong khóa quân chính đầu tiên ấy như thế nào. Tôi đang nghĩ, viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được. Thế rồi, giai điệu Tiến quân ca bật lên”.
Từ nhận xét này, chúng ta có thể nới rộng tầm nhìn vào tác phẩm Văn Cao, về nhạc, họa cũng như thơ. Một kho tàng trí tuệ phong phú, đa dạng mà lúc nào cũng đặc sắc, chung thủy với một phong cách riêng. Gắn bó với thời đại, Văn Cao thường gắn nỗi đau của mình với nỗi đau nhân thế, vỡ òa niềm vui của mình với niềm vui bất tận của dân tộc.
Bình thường, Văn Cao là ông già giản dị với “Tuổi già tóc bạc cái râu bạc”, có khi rất trầm tư bên chén rượu nồng. Nhưng đằng sau sự lặng im ấy là Văn Cao của thơ, nhạc, họa, cuồn cuộn trào dâng như con sóng của đại dương vỗ bờ. Khó có thể gọi âm nhạc Văn Cao là lửa hay là hoa, là trăng hay hương đồng thơm ngát của quê hương? Chỉ biết rằng, sự nghiệp và di sản của ông neo đậu mãi cùng hậu thế.
Phan Thế Cải
Theo http://baohatinh.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nắng lửa - Truyện ngắn thiếu nhi của Mạnh Hoài Nam Mạnh Hoài Nam còn có bút danh Trâm Trân, sinh năm 1973 ở Đồng Xuân, Phú Yên hiện là p...