Với nhiều người, số chín là con số đem lại may mắn. Một số nhạc
sĩ lại tin rằng các nhà soạn nhạc sẽ tạ thế sau khi viết xong bản giao hưởng thứ
chín. Con số chín này coi bộ không hên như dân cờ bạc có thể nghĩ!
Gustav Mahler thuộc vào thành phần mê tín ấy. Nếu xét lại thì
có lẽ cũng không sai với một số trường hợp như Franz Schubert, Antonin Dvorák
hay chính Gustav Mahler, và nhất là Ludvig van Beethoven. Thật ra, không thiếu
gì nhà soạn nhạc lừng danh đã viết cả chục hoặc cả trăm tác phẩm giao hưởng chứ
không vì soạn xong bản thứ chín là bỗng dưng mãn phần!
Nhưng trong ngần ấy nhạc sĩ, Beethoven vẫn là đỉnh cao nhất với
bản Giao hưởng số Chín.
Ðây là tác phẩm mà Arturo Toscanini cho là mình phải quỳ một
gối khi trình tấu. Toscanini không thuộc loại nhạc trưởng tầm thường, trăm năm
mới có được một vài người, mà thán phục như vậy thì chúng ta có thể đoán là viết
xong một tác phẩm như vậy, Beethoven có quyền yên nghỉ ngàn thu. Trước đấy, nhạc
phụ của Toscanini là Richard Wagner cũng không nghĩ khác. Lúc sinh thời, ngày
khai trương một thính đường vinh danh mình vào năm 1872, Wagner không lấy các vở
operas khét tiếng của ông mà lại trình bày bản Giao hưởng số Chín của
Beethoven.
Có để ý đôi chút đến nhạc cổ điển Tây phương, chúng ta biết
là Beethoven soạn bản giao hưởng cuối cùng này khi đã hoàn toàn điếc, ba năm
trước khi ông tạ thế. Tò mò tìm hiểu thêm thì ta biết thêm là nhiều trường nhạc
có nguyên lớp giảng dành cho bản Giao hưởng. Có giáo sư âm nhạc đã thành học giả
về tác phẩm được gọi tên chính thức là bản “Giao hưởng số Chín, Cung Ré thứ,
trong danh mục Opus 125.” Nhiều nhà phê bình âm nhạc còn viết riêng một cuốn
sách về tác phẩm kỳ diệu này.
Năm 1969, khi lần đầu con người đặt chân lên Nguyệt Cầu thì
phi vụ Apollo 11 để lại một đĩa nhỏ ở một khu vực gọi là “biển bình yên” của
cung trăng. Bên trong là lời chào mừng của lãnh đạo Hoa Kỳ và hơn bảy chục quốc
gia khác. Vượt lên tất cả, thông điệp hòa bình và thân ái mà loài người gửi tới
vũ trụ vào dịp đó chính là bản Giao hưởng số Chín. Âm nhạc là ngôn ngữ trừu tượng
nhất nên may ra con người của các hành tinh khác cũng có thể hiểu được tâm tư của
chúng ta. Nhưng tâm tư ấy là gì? Hãy cùng suy nghiệm lại xem...
Beethoven hoàn tất nhạc khúc này vào năm 1824, sau nhiều năm
thai nghén, suy tư và chuẩn bị. Khi ấy, ông đã đi tới cùng cực của tuyệt vọng.
Ông viết bản Giao hưởng số Ba, “Eroica”, để tặng Ðại Tướng
Bonaparte, rồi thất vọng khi vị anh hùng trở thành Ðại Ðế Napoléon, và là hung
thần của chiến tranh. Sau một giai đoạn chinh chiến tràn lan, Âu Châu của
Beethoven đã được bình định từ năm 1820, nhưng là sự bình định của các nền quân
chủ chuyên chế độc tài. Kỳ vọng giải phóng mà con người ta đặt vào cuộc Cách mạng
Pháp năm 1789 đã tan tành. Y như lý tưởng độc lập năm 1945 của người Việt lại
hiện nguyên hình là cơn ác mộng 1975 vậy!
Ðôi tai hoàn toàn điếc, nhưng cái tâm vẫn sôi sục những phẫn
nộ về nhân thế, Beethoven muốn để lại cho hậu thế lời nhắn gửi bằng nhạc. Có lẽ
nỗi chán chường và tuyệt vọng về thế giới vây quanh mới giải thích phần mở đầu
của bản Giao hưởng, một hành âm chát chúa sự hoảng loạn, sự hỗn độn.
Thế rồi trong cõi âm u đen tối ấy bỗng lóe sáng tia hy vọng...
Hy vọng vào ước nguyện tự do, vào lòng bác ái. Bản Giao hưởng dẫn người nghe
vào con đường giải phóng và kết thúc bằng lời hoan ca thái hòa. Chúng ta nói đến
“hoan ca” không chỉ vì lời của Schiller trong bài thơ sau này người ta gọi là
“Ode to Joy” mà còn vì những tiếng hát trong tác phẩm.
Beethoven là người đầu tiên đưa tiếng hát vào một bài Giao hưởng.
Nhạc cụ thần thánh nhất của con người là tiếng hát đã được huy động trong hành
âm cuối để tấu lên nguyện ước thanh bình.
Gần hai trăm năm trước mà thiên hạ được nhìn và được nghe một
dàn nhạc với bốn giọng đơn ca và một dàn hợp xướng thì quả là một cuộc cách mạng,
một điều vĩ đại. Khán giả được nghe thấy và lập tức thán phục, chứ tác giả thì
không nghe thấy gì cả. Ông chỉ có thể cảm thấy bằng cái tâm của mình.
Nhân loại về sau cũng cảm thấy như vậy và đã cả trăm người
nghiên cứu, viết lại, viết thêm cho nhiều nhạc cụ hơn, rồi trình diễn khắp nơi.
Vì vậy mà bản Giao hưởng mới trở thành thông điệp của loài người gửi vào vũ trụ.
Những nhạc sĩ nổi tiếng nhất đã chịu ảnh hưởng của tác phầm này là Mahler,
Wagner, Brahms, Dvorák...
Sau này, hai chục năm về trước, bản Giao hưởng đã là bài ngợi
ca giải phóng khi bức tường Bá Linh bị đập tan tành vào năm 1989. Rồi bản Giao
hưởng trở thành nhạc thiều của Âu Châu. Trong nhiều sinh hoạt quốc tế, người ta
long trọng tấu lên, hát lên giai điệu của Beethoven để khẳng định tinh thần bác
ái và hiếu hòa của nhân loại.
Ít tác phẩm nào mà lại có khả năng đoàn kết và hợp quần như vậy.
Vậy mà tác phẩm quá phổ biến này vẫn giữ nguyên phần bí mật gần
như thiêng liêng của nó. Vì sao mà sau bản hòa âm điền dã, bài Giao hưởng số
Sáu gọi là Pastorale đầy chất thanh bình thánh thiện, hoặc vì sao mà sau bản
Giao hưởng số Bảy rất nhẹ nhàng, lãng đãng, Ludvig van Beethoven lại soạn ra một
tác phẩm nặng nề như bản Giao hưởng số Chín?
Phải chăng, cấu trúc công phu và những gửi gấm cầu kỳ bằng nhạc
có thể diễn tả cả một tiến trình cứu rỗi của con người? Hay là, như nhiều tác
giả đời sau đã viết, Beethoven muốn giải phóng nghệ thuật ra khỏi những thúc ép
của chính trị, tôn giáo và đưa loài người đến một chỗ tốt đẹp hơn?...
Các nhà nghiên cứu về nhạc sử và cả lịch sử của bản Giao hưởng
số Chín có ghi lại nỗi thôi thúc của Beethoven vào lúc cuối đời. Ông muốn trút
hơi thở cuối cùng của mình vào nhạc. Hơi thở ấy là một khúc cuồng ca dữ dội, rồi
lắng dịu thành lời ngợi ca thanh bình. Sau đó, Beethoven ra đi. Sau đó, như nhiều
người đã viết, với mái tóc trí tuệ như của nhà bác học Einstein và nét mặt hùng
tráng của một hoàng đế, Beethoven bước lên cõi thiêng liêng rất gần với Thượng
Ðế.
Chúng ta thử nghe lại bản Giao hưởng này trong niềm tâm cảm
đó xem, may ra thì mình thấy được sức cảm hóa phi thường của âm nhạc.
Nghe nhạc tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét