Màu sắc ly biệt trong văn học
Đã từ bao đời nay, văn học và âm nhạc luôn có một sự kết nối
hài hòa. Thời xưa, các thi nhân luôn chủ trương “trong thơ phải có nhạc”, thơ
phải mang tiết tấu của âm nhạc mới là thơ hay. Ngược lại, âm nhạc cũng cần có lời
thơ để chắp cánh tư tưởng của nhạc sĩ cùng với những giai điệu bay bổng vốn có.
Không phải ngẫu nhiên mà cho đến ngày nay, người ta vẫn đánh giá cao tính văn học
trong một ca khúc hay nói cách khác, một ca khúc được đánh giá là hay chỉ khi lời
bài hát có hình tượng và trau chuốt. Trong quá trình hình thành và phát triển của
văn học và âm nhạc nước nhà, sự hòa hợp giữa thơ văn và âm nhạc là hiện tượng
phổ biến, trong đó rõ nét nhất là sự tương đồng giữa màu sắc cảm xúc giữa văn học
và âm nhạc những năm trước kháng chiến khi ảnh hưởng của văn hóa phương Tây thấm
đẫm trong các sáng tác văn học nghệ thuật nước ta đầu thế kỷ XX với nhiều đề
tài nội tâm con người được phản ánh, tiêu biểu là nỗi cô đơn, ly biệt của từng
cá nhân.
Nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam những
năm đầu thế kỷ XX đến trước năm 1945 có một dấu ấn phong cách độc đáo trong tiến
trình lịch sử. Cuộc kháng chiến Việt Pháp (1946-1954) nổ ra, chuyển văn hóa nghệ
thuật nước nhà sang một hình thái mới với những hệ tư tưởng, suy nghĩ, cảm thức
mới về thời đại, về cuộc chiến và sinh mệnh đất nước. Trước đó, đặc biệt là
giai đoạn 1930-1945, văn học và âm nhạc nước nhà đã chứng kiến một hiện tượng
thú vị khi hầu hết các sáng tác giai đoạn này đều ít nhiều mang màu sắc của phương
Tây, đặc biệt là của Pháp. Văn học Việt Nam ghi nhận một trào lưu sáng tác theo
chủ nghĩa lãng mạn phương Tây với những thi sĩ nổi tiếng như: Xuân Diệu, Hàn Mặc
Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Huy Cận… Còn trên phương diện sáng tác nhạc cũng
có những bài hát mang âm hưởng giai điệu phương Tây từ thể loại, tiết tấu đến cách
sử dụng nhạc cụ, cách hát với hàng loạt những cái tên tiêu biểu như: Doãn Mẫn, Đặng
Thế Phong, Hoàng Giác, Văn Cao,Thẩm Oánh, Nguyễn Xuân Khoát… Các thi sĩ, nhạc sĩ
đã bắt tay nhau mang những tâm thức của thời đại hay chính xác hơn là những tình
cảm, nỗi niềm của một giai cấp, một thế hệ đương thời vào chính những “đứa con
tinh thần” của mình. Cho nên, giữa nhạc mới (người ta thường gọi là “tân nhạc”)
và thơ Mới phần nhiều đã có những sự gặp gỡ, có khi là trùng khít lên nhau với
hàng loạt bài thơ được phổ nhạc, biến thành lời những bài hát kinh điển trong
giai đoạn chập chững hình thành tân nhạc Việt Nam, nhiều bài hát có thể đứng riêng
thành một bài thơ độc lập. Mối lương duyên gặp gỡ ấy được thể hiện trên nhiều
phương diện khác nhau, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một
phương diện giao thoa giữa thơ Mới và nhạc mới, đó là cảm thức ly biệt trong các
sáng tác giai đoạn này.
Giai đoạn trước năm 1945, đất nước chịu ảnh hưởng của sự đô hộ
dưới bóng thực dân Pháp. Hàng loạt chính sách được thực hiện chỉ nhằm mục đích
nô dịch dân tộc ta, trong đó có cả chính sách nô dịch về văn hóa-nghệ thuật. Cũng
chính từ đây, xã hội Việt Nam đã góp mặt thêm tầng lớp mới là tầng lớp tư sản và
tiểu tư sản trí thức được học hành bài bản, ít nhiều giao lưu với văn hóa Tây
phương không chỉ về tư tưởng và còn trong nếp sống, sinh hoạt. Chính sự khai thông,
đổi mới về tư tưởng, suy nghĩ của một bộ phận nắm vai trò chủ lực làm nên bộ mặt
nền văn học nghệ thuật, dòng chảy lãng mạn bắt đầu được khơi dòng trước nhất
trong văn học rồi kéo theo âm nhạc. Dòng chảy ấy càng thêm lớn mạnh khi nhận được
sự hậu thuẫn của Pháp làm cho “chất Tây” trong các tác phẩm càng rõ nét trên nền
ngôn ngữ dân tộc. Không những thế, những sáng tác dạng này có khi độc tôn vì đường
hoàng xuất hiện, tuyên truyền trên diễn đàn văn học công khai thời ấy. Sự bảo
thủ, cố giữ cái cũ, cái xa xưa phong kiến không còn quá cực đoan, con người lập
tức đón nhận những cái mới hơn một cách hào hứng, nhanh chóng vì họ bắt gặp chính
những tâm sự của mình trong các sáng tác đương thời. Đồng chí Trường Chinh cũng
đã từng nhận xét về trào lưu lãng mạn những năm đầu thế kỷ XX như sau: “Chủ nghĩa
lãng mạn trong văn học nghệ thuật đi đôi với phong trào vui vẻ trẻ trung có tính
chất trụy lạc của thanh niên, trí thức, tư sản thành thị. Thực dân Pháp khuyến
khích những khuynh hướng đó cốt đánh lạc hướng quần chúng, nhất là quần chúng
thanh niên” (Trích “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”).
Nói qua một chút về hoàn cảnh ra đời của khuynh hướng lãng mạn
trữ tình trước Cách mạng để thấy được đường hướng sáng tác của các nhà thơ, nhạc
sĩ chủ yếu hướng đến những cảm xúc cá nhân, gần gũi, thân thuộc nhất của cái tôi
cụ thể mỗi người và nỗi buồn ly biệt cũng chỉ là một trong số đó. Nguyên nhân của
cảm thức hướng về cá nhân con người của văn học được các nhà nghiên cứu giải thích
là do tầng lớp trí thức, tư sản lúc này cảm thấy bất lực trước thời cuộc éo le,
những đổ vỡ, xung đột ý thức hệ, tâm tư chán nản lề thói lễ giáo cũ nhân danh cái
chung thì nay bắt gặp làn gió mới thoáng đãng của phương Tây thổi vào làm họ mê
đắm, đi theo những tình cảm, tâm tư bản thân, chối bỏ thực tại hoang tàn cùng
những ý nghĩ phong kiến đã quá lạc hậu so với những gì mới mẻ thực dân Pháp đang
cố gắng tuyên truyền. Người nghệ sĩ sống vì mình nhiều hơn, chia sẻ những cảm xúc
mình đang có, đã có bằng những vần thơ, những nốt nhạc giàu xúc cảm nhưng cũng
dễ tìm đến được sự đồng điệu từ trái tim công chúng. Trong hành trình thay đổi đó,
văn học mà đặc biệt là thơ ca đóng vai trò “người anh cả lãng mạn” ảnh hưởng tới
âm nhạc và một số loại hình nghệ thuật khác.
Đặt trong tương quan giữa văn học và âm nhạc thì rõ ràng văn
học lãng mạn ra đời sớm hơn âm nhạc lãng mạn. Cũng vì vậy mà tâm thức về nỗi buồn
được gọi tên là sự biệt ly cũng được các nhà thơ khai thác, lấy làm chất liệu sớm
hơn các nhạc sĩ. Phong trào “Thơ Mới” ra đời từ đầu những năm 30 với sự cách tân
rõ rệt, tôn lên cá tính người làm thơ, xóa cái bóng của thơ cũ. Chính từ đây, hàng
loạt bài thơ với nền chất liệu là nỗi buồn ly biệt được ra đời, có thể kể đến
như: Đây mùa thu tới, Vội vàng (Xuân Diệu), Tống biệt hành (Thâm
Tâm), Tràng giang (Huy Cận), Hai sắc hoa Ti gôn (T.T.Kh)… Cái buồn
của sự từ giã như nhuốm đẫm những trang thơ, vẽ lên một bức tranh u buồn của một
buổi chiều tím trong tâm hồn độc giả đã vô tình làm nên nét đặc trưng dễ phân
biệt của văn thơ lãng mạn.
Nhà thơ viết nhiều về sự biệt ly đầu tiên phải nhắc đến cái tên
Xuân Diệu. Thơ Xuân Diệu hay không chỉ ở sự căng tràn, phơi phới sức sống, sự
khát thèm yêu đương mãnh liệt như không muốn bỏ lỡ đi một giây, một phút nào mà
còn ở sự ngậm ngùi, pha lẫn luyến tiếc của giã từ, của chia xa. Ngay cả trong
những tiếng reo vui nhất về nỗi khát thèm sự sống của thoáng chút đượm buồn biệt
ly:
“Mùi tháng năm rớm vị chia phôi
Khắp sông núi than thầm tiễn biệt”
(Vội vàng)
Sự chia ly trong “Vội vàng” chỉ là sự thoáng nhẹ, một trực cảm
mơ hồ về một định lý của cuộc đời. Xuân Diệu diễn tả quy luật “hợp tan” của cuộc
đời có khi chỉ là mơ hồ, nhẹ dịu nhưng có khi là bao trùm đến nỗi dù nhà thơ không
muốn gọi tên nhưng qua cách ông truyền đạt cũng đủ cho ta xác định rõ ràng nỗi
buồn của ông không phải đến từ đâu khác ngoài sự từ giã:
“Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò”
(Đây mùa thu tới)
Sự xa vắng như rợn ngợp trong từng câu, từng vần thơ để ngân
lên khúc ca buồn da diết của mùa thu gieo vào lòng người một sự xa cách, chia
phôi buồn bã đến lạ lùng. Nguyễn Du đã từng nói: “Người buồn cảnh có vui đâu
bao giờ?”, thi sĩ buồn vì vắng vẻ, cô đơn thì cũng có thể hiểu vì sao rặng liễu
lại “chịu tang” với “tóc buồn” và “lệ ngàn hàng”. Sự biệt ly có khi được Xuân
Diệu diễn tả ý nhị, bóng gió xa xôi nhưng cũng có lúc cảm xúc đau buồn dâng trào,
nhà thơ đã gọi tên trực tiếp nó ra đầy đớn đau mặc dù chỉ là sự êm ái như ông cố
xoa dịu mình. Trong bài “Biệt ly êm ái”, ông đã đau đớn mà thốt lên rằng:
“Giờ biệt ly cứ đến gần từng phút,
Chúng tôi thấy đã xa nhau một chút”
Hình như Xuân Diệu không hề giấu giếm một điều gì, cảm xúc ông
thế nào, ông viết thế ấy, sự chia ly nào cũng đau buồn, nhưng có khi đau buồn
nhẹ nhàng, lan tỏa nhưng có khi đau đớn đến tột cùng. Thi sĩ sống thật với mình
một cách hồn nhiên, ông đã bật lên tiếng kêu đau đớn về sự chia xa, vượt lên cả
những định kiến đương thời về “tình trai”:
“Anh đi đường có hoa...
Tôi nằm trong tuổi lạnh”
(Viễn khách)
Nhà thơ nghĩ gì, sống như thế nào, cảm thấy điều gì thì diễn
tả như thế nấy. Cảm xúc chân thành về sự chia tay của đôi trai trẻ mà ngỡ như là
sự chia lìa của một đôi nam nữ thực thụ khiến người đọc xúc động. Sự mê hoặc của
thơ Xuân Diệu một phần cũng đến từ những rung cảm chân thật ấy.
Nếu như buồn ly biệt trong thơ của “ông hoàng thơ tình” phác
họa bởi nhiều xúc cảm khác nhau nhưng tựu chung đều mang hơi thở của những con
người trẻ tuổi hồn nhiên với thổn thức cá nhân thì cũng chính cái sầu ấy đi vào
thơ Thâm Tâm lại mang một hơi hướng trái ngược: nỗi sầu mang dáng dấp cổ xưa, sự
chia tay gợi nhắc nhiều đến tấm gương anh hùng tráng sĩ “biệt đô thành” một thời
trong các trang viết các thi nhân thưở trước. Thâm Tâm với “Tống biệt hành”-bài
thơ được xếp là một trong mười bài thơ hay nhất của Thơ Mới-đã diễn tả một cách
chân thực sự ra đi “đầu không ngoảnh lại” của một ly khách lìa xa nơi chốn thân
thuộc. Ở đây, tôi không phân tích kỹ về giá trị, hình ảnh, nghệ thuật của bài
thơ vì đây là tác phẩm được giảng dạy và bình giảng kỹ ở chương trình phổ thông
mà chỉ nêu lên những nét cảm nhận đơn sơ nhất về tâm trạng ly biệt được Thâm Tâm
trải đều trong suốt năm khổ thơ. Cuộc từ giã trong thơ Thâm Tâm có phần nào gợi
nhiều về những cuộc từ giã trong quá khứ bởi “hơi thơ gắt, nhịp thơ gấp” (Hoài
Thanh) nhưng lại mang trong mình cái tôi cá nhân rất riêng của thơ ca cách tân.
Điểm đặc biệt của bài thơ này ở chỗ đã khắc họa vào tâm trí người đọc một khung
cảnh từ biệt cụ thể với con sông, bóng chiều, hoàng hôn, với gia đình, với mẹ,
với chị, với em. Một nét khác của Thâm Tâm là không chỉ miêu tả tâm trạng buồn
thương của người ở lại như Xuân Diệu mà ở đây, ta bắt gặp cả hình ảnh người ra đi
với danh xưng “ly khách”:
“Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không”
Người đi mạnh mẽ là thế, kiên quyết là thế. Dù vậy, họ vẫn
mang trong mình những tâm sự bồi hồi, xúc động, lưu luyến không nỡ chia lìa rất
con người. Đó còn là sự đồng cảm, thấu hiểu nỗi niềm của người tiễn đưa, mong đợi:
“Ta biết người buồn chiều hôm trước”, “Ta biết người buồn sáng hôm nay”. Người ở
lại cũng mang trong mình nỗi nhớ thương, trông ngóng ngày về của ly khách:
“Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót”
hay:
“Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc,
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay”
Nỗi buồn ẩn kín trong nội tâm, tận nơi thẩm sâu nhất tâm hồn
nhưng chính bút danh của tác giả: Thâm Tâm. Biệt ly, biệt ly thực sự, biệt ly
không hẹn ngày về, đó là sự thực nhưng niềm tin, sự thương tiếc thì làm sao kìm
nén được. Thâm Tâm khi sáng tác “Tống biệt hành” còn muốn gửi gắm thông điệp lớn
lao hơn về thế cuộc. Dù vậy, trên hết là nhà thơ đã diễn tả nỗi sầu rợn ngợp của
Thơ Mới nói chung và của bản thân mình nói riêng bởi duyên cớ là sự chia lìa số
phận. Người đi để lại cho người về một tâm hồn mơ hồ, không muốn tin lại phải đành
chấp nhận thực tại:
“Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực,
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như men rượu say”
“Hai sắc hoa Ti gôn” lại mang đến một dư vị khác của cuộc
chia ly. Bài thơ được xem là một giai thoại văn chương thú vị của thi đàn trước
1945. Người yêu thơ không ai không thổn thức trước vần thơ được gợi tứ từ loài
hoa mang hình trái tim vỡ:
“Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui.
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng thế thôi”
Dự cảm của xa cách đã phảng phất ngay từ khi tình yêu còn nồng
thắm nhất. Loài hoa Ti gôn mang dáng hình tim vỡ là điềm dự báo cho tình yêu đẹp
rồi cũng sẽ đến lúc nhuốm màu ly biệt. T.T.Kh. đã phủ cho từng câu thơ màu sắc
nỗi buồn chia xa ngay từ khi tác giả cố đưa đến “cái thuở ban đầu” của tình yêu
đôi trẻ. Hoa Ti gôn chỉ là cái cớ, chỉ là biểu tượng cụ thể gieo cho người đọc
cảm xúc đau buồn. Hoa vỡ, tình tan như một quy luật mà lòng người không nguôi
thương nhớ mối tình cũ đã rời xa mãi mãi:
“Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tâm bóng một người”
“Hai sắc hoa Ti gôn” được công bố lần đầu năm 1937 với tên tác
giả chỉ vỏn vẹn ba chữ viết tắt T.T.Kh. Đây là giai đoạn thơ ca cách tân theo lối
mới đang trên đà rực rỡ và sung sức với nhiều bài thơ xuất sắc. Bài thơ từ đầu đến
cuối là một thông điệp buồn, nhớ, tiếc trộn vào nhau về một mối tình phải bước
qua nỗi đau biệt ly mà độc giả chẳng rõ lý do vì sao. Cái hay mà T.T.Kh. thể hiện
trong thơ mình là nỗi day dứt, giằng xé âm ỉ nhưng lại vô cùng đau đớn trong tâm
trạng nhân vật. Màu sắc ly biệt được tác giả diễn tả ở một mức độ khác, nó như
là một quy luật tất yếu của tình yêu, như là số phận, là định mệnh không thể nào
thoát khỏi. Dường như ly biệt là đề tài thường thấy trong thơ ca tiền chiến,
nhà thơ nào cũng tìm thấy trong mình nhiều cung bậc cảm xúc từ nó để từ đó một
bài thơ hay được hình thành. T.T.Kh cũng không ngoại lệ, cho đến ngày hôm nay dù
người ta vẫn chưa biết chính xác đây là ai nhưng vần thơ day dứt của tác giả vẫn
thổn thức như gợi nhắc về cảm thức ly biệt của một thế hệ đã qua và còn đồng vọng
mãi với nhiều thế hệ sau.
Thi sĩ Tế Hanh cũng có một bài thơ rất hay về sự xa cách mang
tên “Vu vơ”:
“Lâu lâu còi rúc nghe rên rỉ,
Lòng cuả người đi réo kẻ về”
hay những cuộc chia tay đầy xúc động của Nguyễn Bính trong “Những
bóng người trên sân ga” năm 1937:
“Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?”
Dĩ nhiên, khi nói về đề tài ly biệt trong thơ trước cách mạng
không chỉ dừng lại ở một số tác phẩm như trên. Chúng ta còn gặp nhiều dòng thơ
tự sự của các thi sĩ lãng mạn được viết nên trên chất liệu biệt ly: đó là biệt
ly quê nhà trong “Tràng giang” của Huy Cận sáng tác năm 1940 với “Không khói
hoàng hôn cũng nhớ nhà”, đó là tâm trạng từ biệt gia đình để theo chồng của người
chị trong “Lỡ bước sang ngang” (1937) của Nguyễn Bính hay “Một nửa trăng ai cắn
vỡ rồi” mà thi sĩ họ Hàn vẽ nên bởi gam màu nào khác ngoài sự chia ly… Tất nhiên
trong thơ ca trước Cách mạng, người đọc còn có thể gặp nhiều đề tài, chất liệu
gợi tứ khác xuất phát từ trái tim nhạy cảm của thi nhân để chung quy lại thành
tiếng thơ vui tươi hay sầu thảm, thế nhưng nỗi buồn biệt ly là một đề tài dễ bắt
gặp trong khá nhiều bài thơ Mới. Nó tựa như một giao điểm, không hẹn mà gặp, một
“quy ước ngầm” để cái tôi cô đơn tự tìm đến để rồi tỏa đi các hướng tâm trạng cá
nhân của mỗi người.
Thơ văn là thế, âm nhạc cũng vậy. Sầu biệt ly cũng đi vào các
nhạc phẩm tiền chiến một cách vô tình, tự nhiên như chính nó là phương tiện cần
có để các nhạc sĩ bày tỏ xúc cảm cùng với nốt nhạc. Điểm lại sự ra đời và vận động
của tân nhạc nước nhà, dòng ca khúc mà đến nay người ta vẫn quen gọi dưới cái tên
“nhạc tiền chiến” chính là hệ quả, là người theo sau của cái tôi lãng mạn trữ tình
đã được các nhà thơ, nhà văn đi trước khai phá và mở đường. Tân nhạc đầu thế kỷ
XX ra đời chậm hơn văn học lãng mạn chỉ một vài năm với dấu mốc là bài hát “Kiếp
hoa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên ra đời năm 1937. Tuy khác về đặc thù thể loại,
đặc trưng của phương tiện sáng tác nhưng giữa thơ và nhạc thời kỳ này lại có điểm
giống nhau là đều ảnh hưởng với lối viết, cách thức sáng tác của phương Tây, đúng
ra là của Pháp. Nếu thơ sử dụng nhiều loại thơ cách tân, phá vỡ luật cũ, viết
theo thể thơ phương Tây thì tân nhạc cũng được viết trên nền giai điệu mới của
nhạc Blue, Jazz, Valse, đệm bằng phong cầm, vĩ cầm, măngđôlin khiến tiết tấu trở
nên mới mẻ, trẻ trung. Chất lãng mạn trữ tình như phù sa của dòng sông thơ ca để
lại cho âm nhạc. Chính từ điểm chung đó, nhiều đề tài trong thơ lãng mạn đã được
các nhạc sĩ lấy làm phương tiện chuyên chở tâm tư, tình cảm của mình và tấm lòng
của kẻ ở-người đi trong buổi chia lìa cũng không ngoại lệ. Chúng ta thử nghe những
ca từ bi ai, đậm chất thương cảm chia lìa mà nhạc sĩ Doãn Mẫn viết năm 1939 với
nhạc phẩm “Biệt ly”:
“Biệt ly!
Ước mong hoàng hôn
êm đềm
về ru ấm tâm hồn”
Dường như cảm giác buồn xa cách của Doãn Mẫn được đẩy lên xúc
động cao trào hơn các nhà thơ trước kia. Đối với ông, sự xa cách đó như cào xé
tâm hồn, khó có thể xoa dịu. Điểm lại một chút hoàn cảnh ra đời tác phẩm, “Biệt
ly” được gợi cảm hứng khi nhạc sĩ chứng kiến những cuộc chia xa của đôi trai gái
thủ đô tại ga Hàng Cỏ. Biệt ly của người khác mà qua đôi mắt đa cảm, Doãn Mẫn
khiến cho người nghe nhạc phải rung cảm và xúc động đến tận cùng:
“Người về u buồn khắp trời.
Người ra đi với ngàn nhớ thương”
U buồn được lan ra khắp trời từ phía người về, nỗi thương nhớ
đeo đẳng bước người ra đi. Nỗi buồn thật khủng khiếp, con người không tìm thấy được
một chút niềm vui nào trong không gian. Nỗi buồn mà Doãn Mẫn đem lại vượt lên
trên bản chất buồn bã của cuộc chia ly, đúng hơn là nỗi đau:
"Ôi còi tầu như xé đôi lòng.
Và mây trôi,
nước trôi,
ngày tháng trôi,
cùng lướt trôi"
Khung cảnh chia ly như một cuộc sinh ly tử biệt, không ai
ngay cả chính tác giả biết được rằng liệu sau này đôi trai gái ấy còn đoàn tụ
hay không nhưng chính khoảnh khắc họ từ biệt đã để lại trong lòng người biết
bao cảm xúc. Mọi thứ trên đời làm gì còn ý nghĩa khi thiếu vắng một người, cả
thời gian, không gian đều trôi đi vô tận. “Biệt ly” là một trong số ít những sáng
tác đúng chất trữ tình trước năm 1945, là ca khúc làm nên tên tuổi Doãn Mẫn
trong nền tân nhạc đầu thế kỷ.
Một bài hát khác mang tâm trạng nhớ nhung quê nhà, ẩn giấu thấp
thoáng nỗi buồn biệt ly, đó là nhạc phẩm “Đêm đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.
Bài hát được xem là kinh điển của dòng nhạc tiền chiến. Ra đời cùng năm với “Biệt
ly” (Doãn Mẫn), thế nhưng đối với Nguyễn Văn Thương, giờ phút chia ly đã lùi về
quá khứ, dư âm của nó chính là nỗi niềm thương nhớ mà chính tác giả là người trải
nghiệm:
“Đêm đông,
ôi ta nhớ nhung đường về xa xăm.
Đêm đông,
ta mơ
giấc mơ gia đình yêu đương.
Đêm đông,
ta lê bước chân phong trần tha phương.
Có
ai,
thấu tình cố lữ,
đêm đông không nhà”
Từng lời, từng lời đều gọi tên quê nhà. Bài hát mang giai điệu
da diết, thậm chí là buồn thảm. Cụm từ “đêm đông” được lập lại nhiều lần như khắc
sâu về hoàn cảnh hiện tại của nhạc sĩ. Nguyễn Văn Thương sáng tác “Đêm đông”
vào một đêm cuối năm 1939 khi một mình ở Hà Nội. Toàn bài hát dài, trải đều tâm
trạng đau buồn lúc trầm lúc bổng, dễ dàng đồng cảm với những ai có cùng hoàn cảnh
với nhạc sĩ năm nào.
Cùng chung mạch cảm xúc nhớ nhà với Nguyễn Văn Thương còn phải
kể đến Hoàng Giác. Hoàng Giác là một trong số ít nhạc sĩ sáng tác nhạc lãng mạn
theo kiểu phương Tây trước 1945. Ca khúc “Ngày về” của ông tuy được chính thức
công bố năm 1947 nhưng ý tưởng đã được nhạc sĩ ấp ủ từ trước đó rất lâu. Sự ly
biệt trong “Ngày về” cũng ở thì quá khứ, có ngày về thì tất yếu phải có ngày ra
đi, mượn hình ảnh “tung cánh chim tìm về tổ ấm” sau nhiều tháng năm phiêu bạt,
nhạc sĩ đã gợi nhớ về quang cảnh ly biệt năm nào:
“Nhớ phút chia ly
ngại ngùng bước chân đi,
luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh”
ngại ngùng bước chân đi,
luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh”
Ở đây, chúng ta cùng thấy một tâm trạng của kẻ lữ thứ, người
tha hương giống nhau giữa Hoàng Giác và Nguyễn Văn Thương, chỉ có điều đối với
Nguyễn Văn Thương là nỗi sầu thảm chia lìa chưa hẹn ngày về, còn Hoàng Giác lại
là nỗi niềm ngày đoàn tụ. Bước chân tha hương ra đi từ ngày tuổi còn xanh, phiêu
bạt vô định khắp bốn phương trời, nay có lẽ bước chân ấy cũng đã mỏi mệt, tìm
chốn dừng chân nơi quê nhà, nơi có bạn cũ, có mối duyên ước hẹn thề năm nào giờ
đã dứt. Chia ly đã đớn đau thế nhưng ngày trở lại cũng xót xa không kém khiến
người xa xứ cảm nhận được rằng “dừng bước tha phương lòng đau”. Với “Ngày về”,
Hoàng Giác cho ta cảm thấy được rằng có những sự ly biệt là mãi mãi từ khi cất
bước ra đi, dù có một ngày nào đó trở về nơi chốn cũ nhưng sự xa cách tâm tưởng,
sự biệt ly trong tâm hồn ngày nào thì không gì có thể trở lại được như chính nhạc
sĩ cũng đã viết:
“Nhớ phút chia phôi cùng ai dứt đau thương,
tìm đến em nay còn
đâu?”
Biệt ly trong sáng tác Hoàng Giác gợi lên cảm giác vô vọng. Còn
gì đớn đau hơn thế khi con người không có cách nào tìm về chính mình của ngày
xa xưa. Biệt ly người ta luôn hẹn nhau ngày về để một ngày đoàn tụ, gặp lại
nhau là ngày vui nhất nhưng với Hoàng Giác, chính cả khi trở về cũng không có cảm
giác đoàn viên thì nỗi đau đớn lại nhân lên gấp nhiều lần:
“Ta sống không một lời trìu mến,
như bóng con đò lạc bến.
Lờ
lững trôi qua cùng ngày tháng phôi pha,
duyên kiếp sau ta chờ nhau.”
Nhạc tiền chiến cũng còn có nhiều bài hát hay được nhạc sĩ buổi
đầu tân nhạc xây dựng bởi nỗi niềm chia xa, có khi là mối duyên đẹp mới chớm nhưng
lại phải chia xa của Thông Đạt trong “Ai về sông Tương”, Hoàng Quý với “Cô láng
giềng” bên cạnh biệt ly, xa cách mang tính lịch sử, cổ tích với “Trầu cau” của
Phan Huỳnh Điểu, “Hòn vọng phu” của Lê Thương, “Trương Chi” của Văn Cao… chính
những sáng tác này cùng với một số bài hát sáng tác sau 1945 nhưng mang âm hưởng
tiền chiến đã đưa đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc của sự chia xa mà nhiều
nhạc sĩ tiền chiến sử dụng.
Nhìn chung, giữa thơ ca và âm nhạc trước 1945 đều được xuất
phát từ một điểm chung là tinh thần tự sự, lãng mạn đong đầy những cảm xúc cá
nhân con người. Trong số vô vàn chất liệu để tạo nên cảm hứng lãng mạn, trữ tình
ấy, nỗi buồn biệt ly đã được nhiều nhạc sĩ và thi sĩ tìm đến. Chính từ cảm hứng
đó, đối tượng thưởng thức được chiêm nghiệm, thấy được rung động của chính mình,
của những người xung quanh khi đã một lần trải qua sự chia lìa trong đời. Những
sáng tác giai đoạn này tuy đã ra đời cách đây gần một thế kỷ nhưng chính tinh
thần tươi mới, trẻ trung được các nhạc sĩ, nhà thơ ý thức xây dựng trong sáng tác
của mình mà cho tận đến ngày nay, chúng ta vẫn còn say đắm những giai điệu ngọt
ngào các nhạc phẩm tiền chiến hay chép trong cuốn sổ tay những bài thơ mới. Có
thể tâm trạng biệt ly của quá khứ và ngày nay đã khác nhiều vì hoàn cảnh xã hội,
lịch sử cũng như suy nghĩ của các thế hệ khác nhau, vậy mà các tác phẩm này còn
được yêu mến và lưu truyền nhiều như vậy, đó chính là cái hay, nét độc đáo của
văn học nghệ thuật nước nhà đầu thế kỷ XX để lại.
Man Đức Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét