Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Văn học và âm nhạc: Có nên đề cập tới tính văn chương trong nhạc thời chiến ở miền Nam

Văn học và âm nhạc: Có nên đề cập tới tính 
văn chương trong nhạc thời chiến ở miền Nam?
(Có ý kiến cho rằng âm nhạc là âm nhạc, văn chương là văn chương: hai lãnh vực khác nhau. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng với số lượng lớn lời ca hay và đẹp, ít nhiều nói đến chiến tranh, của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Mạnh Cương, Lê Uyên Phương, Nguyễn Văn Đông, Anh Việt Thu… họ cũng chính là những nhà thơ rất đăm chiêu về ngôn ngữ diễn tả).
Văn học của ta không thiếu những áng văn hào hùng. Chương trình giáo dục không thể nào không dành những phần bình giảng quan trọng để nuôi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, cho các thế hệ con cháu. Bài thơ Tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ quân của Trần Hưng Ðạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Ðình Chiểu, đó là những áng văn quý giá, cuồn cuộn tính chiến đấu mà vẫn đầy tính nhân nghĩa của một dân tộc văn hóa cao. Tác phẩm liên hệ đến chiến tranh như Chinh Phụ Ngâm của bà Ðoàn Thị Ðiểm, tuy trọng tâm nói lên nỗi u hoài của người đàn bà có chồng đi chinh chiến miền xa, không mang tính chiến đấu, nhưng cũng hàm chứa lý tưởng vào nơi gió cát của "chàng tráng sĩ vốn dòng hào kiệt". Ðến thời chiến tranh chống Pháp và tiếp theo là sự kiện phân chia đất nước thành hai miền, những bài thơ giới hạn trong thời kháng Pháp được Văn Học Miền Nam luôn nhắc đến như Bên Kia Sông Ðuống của Hoàng Cầm, Ðất Nước của Nguyễn Ðình Thi, Nhà Tôi của Yên Thao, Tây Tiến của Quang Dũng, Tình Nước của Chính Hữu, Bao Giờ Trở Lại của Hoàng Trung Thông (Nhạc sĩ Văn Phụng phổ nhạc thành bài hát Các Anh Ði), Ðoàn Quân Qua Làng của Ðỗ Hữu (đăng trong báo Ðời Mới năm 1953). Riêng bài Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan cũng luôn được nhắc đến nhưng thuộc chiều hướng bi tráng hơn là hùng tráng cần thiết cho giáo dục thế hệ trẻ. Bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của Kiên Giang cũng nằm trong chiều hướng đó.
Nhưng văn học ta còn có những bài thơ chiến tranh không phải bi tráng hay hùng tráng mà vẫn âm ỉ tồn tại qua thời gian, được nhắc nhở thảng hoặc trong sách báo, được nhớ đến trong lòng người. Do đâu mà các bài thơ ấy cứ vẫn không bị lãng quên, dầu rằng thiếu những yếu tố cần thiết cho giáo dục như lòng yêu nước,tính chiến đấu, niềm tự hào thanh niên. Có thể ta sẽ vội trả lời đó là do tính nhân bản nói lên nỗi vui buồn rất trung thực của con người. Nhưng từ ngữ nhân bản có ý nghĩa vô cùng rộng, bao hàm tính chống đối, tính vạch trần giả trá, tính minh bạch nói lên sự thật sâu kín của lòng người, thậm chí còn nghiêng nặng nói nhiều đến khía cạnh tiêu cực của nhân loại. Vì vậy, sự bàn luận và sưu tầm trong bài này mang ý hướng gọi tên cho thật đúng những lời thơ đậm tính văn chương thời chiến tranh, tuy không đề cao tính chiến đấu, nhưng cũng không nhấn mạnh khía cạnh tiêu cực yếu đuối mà nghĩa rộng của từ ngữ nhân bản cũng bao hàm. Thời xưa, những lời ấy chỉ chuyển tải trong ca dao, thời văn học miền Nam thì những lời ấy được chuyển tải trong hình thức phổ biến rộng vào quần chúng là âm nhạc. Cho dễ phân biệt khía cạnh yếu đuối với khía cạnh tích cực nương nhờ tính văn chương để gây thấm thía, xin nêu ra đây hai bài ca dao thời chiến tranh, đại diện cho mỗi khía cạnh. Bài "Lính Thú Ðời Xưa" nghe thật ủy mị, không có vẻ nào cứng cỏi thuộc về người chiến sĩ. Ta có thể đoán người sáng tác không ở trong hàng ngũ lính thú mà là người ngoài đời cám cảnh bắt lính đi phục dịch thời Pháp thuộc, vì có vài chứng tích thời ấy như người lính đã được trang bị bằng súng hỏa mai.
Như vậy đây là thơ hiện thực xã hội mô tả sự miễn cưỡng đi phu đi lính thời Pháp thuộc, và có lẽ chính vì đó mà bài ca dao được có mặt trong sách giáo dục, kín đáo mang dáng vẻ tiêu cực để dấu phần tích cực tố cáo chế độ. Sự tố cáo chỉ có tính cách phỏng đoán, ta không rõ nhà soạn sách giáo khoa thời Pháp thuộc đưa bài ca dao vào sách vì ý hướng ấy hay vì vô ý trước nội dung yếu đuối của người lính, vậy ta thử đọc lại bài ca dao để ngẫm lại xem sao: Ngang lưng thì thắt bao vàng/ Ðầu đội nón dấu, vai mang súng dài/ Một tay thì cấp hỏa mai/ Một tay cấp giáo, quan sai xuống thuyền/ Thùng thùng trống đánh ngũ liên/Bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa". Tiếp theo, đây là bài ca dao mang tính tích cực nhưng chưa có tên rõ nét như chiến dấu, như yêu nước... Ta thử phân tích phần tích cực của nó để đặt tên cho thật đúng, mặc dù cũng là thơ thời chiến tranh nhưng không thể gán cho nó một trong hai đối cực hào hùng hay ủy mị. Có một điều ta dễ nhìn thấy, chính nhờ tính văn chương, đọc lên nghe nhanh nhẹn thoăn thoắt, nhờ nhạc tính của những từ song hành từng đôi, nhờ cách bỏ lửng ở câu cuối để cho ta suy nghĩ một giải đáp. Hai đặc tính văn chương, thoăn thoắt và bỏ lửng, ta cảm thức được như vậy trong bài "Trấn Thủ Lưu Ðồn": Ba năm trấn thủ lưu đồn/ Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan/ Chém tre đẵn gỗ trên ngàn/ Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai/ Miệng ăn măng trúc măng mai/ Những tre cùng nứa lấy ai bạn cùng/ Nước giếng trong, con cá nó vẫy vùng". Câu cuối, có thể hiểu như một lời cảm thán đời lính bị ràng buộc như cá chậu chim lồng, muốn vùng vẫy thoát ra. Nhưng cũng có thể hiểu như một lời hoan ca đời lính là đời có kỷ luật, vẫy vùng ở chỗ nước trong; tuy rằng phải đồn trú nơi chốn quạnh hiu, ngày ngày cũng phải lao động, tối đến phải họp hành với cấp trên. Tính văn chương của bài ca dao có tác dụng ra sao? Là văn chương làm đẹp cuộc đời lính thú. Làm đẹp ở đây không thi vị hóa hay thơ mộng hóa, mà bình thường hóa những điều phải thi hành trong vòng ba năm trấn thủ. Biết trước bổn phận phải ngày ngày làm cho xong, phơi bày trước mắt những điều phải chịu đựng, tiên liệu để không ngán ngẫm, đó lại là liều thuốc chống thời gian. Nội dung sự chiu đựng ba năm phục dịch nghĩa vụ trói buộc, được văn chương hóa như an ủi cuộc đời, quả để quên đi thời gian dài đăng đẳng. Ta có thể so sánh sự biết trước công việc có hạn định của người lính thú với công việc vô hạn định của con dã tràng, cho nên dã tràng mới thấy thời gian đăng đẳng biết bao giờ cho xong cuộc tìm kiếm vô vọng: "Dã tràng xe cát Biển Ðông/ Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì". Vậy đến lúc này, ta có thể đặt tên cho loại thơ chiến tranh nằm giữa ủy mị và hào hùng, đó là thơ chống lại thời gian, vô hiệu hóa cảm giác đăng đẳng của ngày giờ năm tháng. Chống lão-hóa, theo nghĩa đen, thuộc về sinh lý cơ thể. Chống cảm giác đăng đẳng thuộc về tâm lý cố gắng thích nghi hạn định thời gian, hoặc vô hạn định của năm tháng.
Nhờ đó, ta thử đặt tên cho thật đúng tính chất của một số bài hát thời chiến ở Miền Nam, nằm ngoài tính chất hào hùng cần phải có của nhạc quân hành, cũng nằm ngoài tính chất thở than thân phận đất nước của một số bài hát phản chiến. Ðặt tên cho thật đúng, theo nhận định riêng của người viết bài này mà thôi, vì thật đúng thật chân lý cho tất cả mọi người là điều không ai dám phát biểu. Vậy đặt tên cho thật đúng như sau: một số bài hát thời chiến ở Miền Nam có thể mang tên mới là "Nhạc vô hiệu hóa nỗi buồn cuộc chiến trường kỳ". Hát cho quên thời gian, thơ mộng hóa để chịu đựng với hoàn cảnh, đều là cách thích nghi cuộc đời thời chiến.
Văn chương hóa cuộc sống đồn trú, tình ca hóa cuộc chia ly đã đành mà còn lắm khi tình ca hóa nỗi cô đơn chưa có người yêu. Nằm ngoài bi thảm phản chiến và hào hùng quân ca; những bài hát này đã thẩm thấu hồn quần chúng mà hầu hết đều có con cháu nhập ngũ; xâm nhập cả vào đời lính, bởi cả quân đội không phải lúc nào cũng lâm trận mà còn có những thời gian dài đồn trú hay sống nơi trại gia binh. Ðã gọi là tính văn chương, nên việc sưu tầm những câu hát trong các bản nhạc thời chiến ở Miền Nam cần phải đắn đo; vì có khi nhờ điệu nhạc hay mà bài hát phổ biến, trong khi lời không mấy giá trị về từ nghĩa; hoặc chỉ là sáo ngữ được lặp một cách ước lệ, nhàm tai vì nhiều tác giả đã dùng rồi. Nhưng đôi khi, lời hát rất độc đáo rất văn học về từ nghĩa, lại không may mắn vì điệu nhạc không hay, trường hợp này cũng đành không tuyển chọn khi sưu tầm vì không ai biết đến. Ðả động đến nhạc hay cũng lại là một vấn đề lớn thuộc về chuyên khoa âm nhạc. Nhạc hay ta muốn nói ở đây là nhạc phổ biến được quần chúng ưa chuộng, cả trong thời chiến ở miền Nam, cả đến bây giờ vẫn được nhiều ca sĩ trình bày và đông đảo người tán thưởng. Không kể đó là nhạc dễ dãi về nhạc lý hay nhạc cao cấp về biến tấu, miễn là đã được nhiều người yêu quý, nhất là đã giữ vai trò mà nay ta muốn nhấn mạnh, vai trò "vô hiệu hóa nỗi buồn cuộc chiến trường kỳ”. Xin nhắc lại những quy định ta lấy đó mà sưu tầm những lời hát nằm ngoài phạm trù bi thảm và quân ca. Ta đặt thành hai cấp độ cho dễ sưu tầm: lời hát độc đáo về từ nghĩa kèm theo điệu nhạc phổ biến đã được đánh giá; thứ hai là lời hát đậm tính văn chương nhưng từ nghĩa còn rất quy ước, kèm theo cũng là điệu nhạc phổ biến đã một thời ngự trị trong trái tim quần chúng. Từ ngữ quy ước có giá trị hơn sáo ngữ. Sáo ngữ là lặp lại một cách khuôn khổ có tính cách bắt chước cái người khác sáng tạo. Ví dụ trái tim chảy máu, trái tim hiu quạnh, trái tim đầu hàng, trái tim hiến dâng... đều lấy nguồn sáng tạo từ trái tim vỡ đôi tượng hình cho tình yêu thất vọng. Khác nhau một chút vẫn không thể xóa được dấu ấn khuôn sáo. Còn từ ngữ quy ước là lặp lại những lời bình thường không do ai sáng tạo riêng, bao gồm lời bình thường không văn vẻ ích dụng cho đời sống vất chất hàng ngày, và bao gồm lời bình thường mang dấu tích văn hóa ích dụng cho đời sống tâm tình. Văn chương hóa không đồng nghĩa với khuôn sáo hóa. Muốn vô hiệu hóa thời gian đăng đẳng của cuộc chiến thì lời hát cần phải đi vào tâm tư một cách thấm đậm, hoặc nhẹ nhàng như những lời an ủi, vỗ về yêu thương. Không thể dùng lời thông dụng đời sống hàng ngày, cũng không thể quá khuôn sáo một cách nhàm tai, mà phải bằng lời thuyết phục của văn chương, nếu cần thì bằng những lời văn chương độc đáo như các lời hát trong nhạc của Trịnh Công Sơn. Lời trong những bài hát của Trịnh Công Sơn rất văn chương mà đã đi vào đại chúng. Một kho tàng hé mở ra, ta cần tìm ra tính chất văn chương trong âm nhạc của các tác giả khác thuộc thời chiến ở Miền Nam. Lời nhạc của họ đi sâu đi xa vào tâm hồn quần chúng và đã thành công làm vô hiệu hóa nỗi buồn cuộc chiến trường kỳ. Lời ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì đã có nhiều người bàn rồi, và nhạc sĩ Phạm Duy thì đã có cả một cuốn sách quy tụ "Ngàn lời ca" của ông. Vậy hôm nay, ta sưu tầm một số lời ca của vài nhạc sĩ khác đã một thời góp công xoa nhẹ nỗi buồn thời gian thông qua lời như thơ, hát mãi hát hoài càng thêm thấm thía, càng trút bỏ dần gánh nặng của mòn mỏi đợi trông.
Những bài hát tâm tình thấm sâu lòng người nhờ cách văn chương hóa đời lính chiến nơi tiền đồn heo hút ở biên giới núi rừng xa xăm; ở miền sông rạch buồn hiu phẳng lặng; hoặc những ngày về phép gặp gỡ người yêu thành phố; hoặc gậm nhấm thú đau thương trong cô đơn của đời lính khi chưa có người yêu; hoặc chỉ là nhớ mẹ già, nhớ làng mạc, nhớ chốn cũ thành đô, nhớ trường lớp, nhớ thời thơ ấu... Những lời hát như những sợi giây đan chéo chằng chịt thành một tấm màn tâm tình, trùm phủ lên tất cả hoàn cảnh của ngươì đi kẻ ở trong suốt hai mươi năm chiến tranh. Nỗi buồn ở đây không trùng lẫn với nỗi buồn phản chiến thường đan chen trong đó những từ ngữ dễ có hơi hám chính trị như dân tộc, đất nước, và quê hương với nghĩa sông núi. Thuần túy là nỗi buồn nhân thế tìm thích nghi với hoàn cảnh bằng cách vô hiệu hóa thời gian. Trong nhàm chán, ta vô hiệu hóa thời gian bằng sáng tác văn thơ; trong đợi chờ đăng đẳng, ta vô hiêu hóa thời gian bằng đọc sách; hoặc như nhà nhiếp ảnh Trần Công Nhung trong đêm trường không ngủ ở vùng sơn thôn, vô hiệu hóa thời gian bằng cách đếm tiếng cuốc kêu mùa hè... đó là vài ví dụ những phương thức lãng quên trống vắng hay khắc khoải. Những sưu tầm lời hát thời chiến tranh ở Miền Nam cũng quy định trong chiều hướng quên đi niềm khắc khoải nhân thế, và được tăng cường bởi tính chất văn chương. Ðẹp lời, sâu sắc ý, ban đầu thâm nhập vào tầng lớp có học; hát đi hát lại mãi, những lời thâm thúy kia dần dần đọng lại khó quên trong mọi tầng lớp xã hội. Ta có thể chứng minh điều đó qua những bài hát không bình dân chút nào về từ nghĩa của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng. Sưu tầm những lời mang tính văn chương trong nhạc thời chiến có phần dễ mà cũng có phần khó khăn. Dễ vì tính chất chung cuộc, vì thời chiến đó đã qua rồi, ta chỉ việc sưu tầm trong giới hạn thời gian cuộc chiến. Rộng rãi và vô hạn định nếu ta đặt tiêu chuẩn sưu tầm tính chất văn chương trong nhạc quê hương, vì nhạc về quê hương thì thời nào cũng hiện diện, thời chiến tranh hay thời bây giờ, sưu tầm biết bao giờ mới xong. Cũng vây, khi ta đặt tiêu chuẩn đi tìm tính văn chương trong tình ca thì cũng vô hạn định, thời nào mà chẳng có. Nhạc thời chiến nằm trong giới hạn, thành dễ đóng khung khi sưu tầm. Còn tự thấy khó khăn, do người viết quy định chỉ sưu tầm nhạc có tính chất vô hiệu hóa thời gian cuộc chiến trường kỳ, không trùng lẫn với nhạc phản chiến; không trùng lẫn với quân hành ca, chiến tuyến ca. Chỉ muốn quy định thuộc về nhân thế ca, thành ra phải tự giới hạn khi sưu tâm đừng chồng chéo với nhạc phản chiến. Trong phản chiến đã bao hàm nhân thế ca, nhưng phản chiến ca có nhiều dáng vẻ như phản chiến địch vận, phản chiến nhân bản, phản chiến tâm lý chiến. Phản chiến tâm lý chiến, tạm gọi cái tên như vậy, bởi đến nay còn nhiều bí ẩn như tại sao có sắc lệnh dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cấm phổ biến nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn - sắc lệnh mang số 33 ký ngày 8 tháng 2 năm 1969 - vậy mà đài phát thanh phát hình của chính quyền thời ấy cứ cho hát nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn; nói gì các phòng trà ca nhạc tư nhân tha hồ trình diễn; kể luôn các đoàn du ca trong đó có các ca sĩ Hoa kỳ sang hát cùng. Các bài rất thường nghe vào thời đó như Gia Tài Của Mẹ, Tình Ca Người Mất Trí, Giọt Mưa Trên Lá... đậm chất ưu tư thân phận đất nước.
Sưu tầm có tính cách tuyển chọn, nên không phải là sưu tầm hết, vậy xin nhắc lại hai khía cạnh sưu tầm: Một là những lời hát có tính văn chương quy ước nhưng không sáo ngữ, sánh vai cùng nhạc phổ biến vì đã được quần chúng tán thưởng một thời. Hai là những lời hát có tính văn chương sáng tạo tân kỳ, cũng sánh vai cùng những điệu nhạc-phổ-biến trong lòng người từ thuở ấy cho đến hôm nay. Bao trùm cho hai khía cạnh nhạc hay và lời văn chương, là nội dung xoa dịu nỗi buồn nhân thế trong cuộc chiến trường kỳ (đến nay thì cuộc chiến ấy đã có hạn kỳ, nhưng vào thời điểm đó thì không ai nghĩ sẽ có ngày chấm dứt).
Lời văn chương quy ước và điệu nhạc được ưa chuộng như: Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang/ Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn/ Cờ về chiều tung bay phất phới/ Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ/ bầu trời xanh lơ (Nguyễn Văn Ðông, trong bản Chiều Mưa Biên Giới). Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình người ơi/ Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối/ Tôi đi chinh chiến bao năm trường rồi miệt mài/ Và hồn tôi mang vết thương trần ai (Lê Minh Bằng trong bản Nguyện Cầu). Ðêm rừng núi lạnh buốt mái Poncho/ Súng cầm canh nhịp từng giờ/ Trái châu chiếu xuyên cành lá... Khi vào lính nhận nếp sống đơn sơ/ rơi đàng sau nhiều hẹn hò/ Hai màu áo một niềm mơ (Hoài Linh trong bản Lính Nghĩ Gì). Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh/ mơ rằng đây mái nhà tranh/ Mà ước chiếc bánh ngày xuân/ cùng hương khói vương niềm thương/ Ước mong nhiều đời không bấy nhiêu/ Vì mơ ước trắng như mây chiều (Nguyễn Văn Ðông trong bản Phiên Gác Ðêm Xuân). Ve ơi, hát gì điệu nhạc lâm ly/khóc người biền biệt sơn khê/ Cố nhân đi bao giờ mới về/ Hôm nay trở lại nhiều khuôn mặt mới/ Thầy đó trường đây bạn hữu đâu rồi? (Duy Khánh trong bản Trường Cũ Tình Xưa). Nếu em không là người yêu của lính/Em sẽ nhớ ai chủ nhật trời xinh? Em sẽ nhớ ai đêm sương lạnh lùng?/ Và giữa chốn muôn trùng ai viết tên em lên tay súng? (Anh Chương trong bản Người Yêu Của Lính). Rồi đây mai này ai hỏi đến tên tôi/ Bạn ơi! Hãy nói khoác chiến y rồi/ Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên/ Giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền/ Có về là khi nước non vui bình yên (Minh Kỳ và Hoài Linh trong bản Biệt Kinh Kỳ). Một chiều hành quân qua thôn xưa lúc nắng xuân chưa nhạt màu/ Chạnh lòng tìm người em gái cũ/Em tôi đã đi phương nào...Hẹn nhau qua hết một mùa phượng rơi/ Nhưng hoa chưa tàn mà lòng ai đã đổi thay/ Thế thôi vui chi sống trong tình đầu/ Nhạc chiều hành quân nay biết gửi về đâu (Lam Phương trong bản Chiều Hành Quân). Hoa phượng rơi đón mùa thu tới/ Màu lưu luyến nhớ quá thu ơi/ Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi/xác tươi màu pháo vui/ tiễn em chiều năm ấy... Ðời tôi quân nhân/ chút tình riêng gửi núi sông/ yêu màu gợi niềm thủy chung/ Nhưng rồi vẫn nhớ một trời/ vẫn nhớ đời đời/ phượng rơi rơi trong lòng tôi (Nguyễn Văn Ðông trong bản Sắc Hoa Màu Nhớ). Ðồn anh đóng ven rừng mai/ Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa? Chờ em một cánh thư xuân/ Nhớ thương gom đầy cho chiến sĩ vui miền xa xôi (Trần Thiện Thanh trong bản Ðồn Vắng Chiều Xuân). Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay/ Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy (Trần Thiện Thanh trong bản Tình Thư Của Lính). Có lúc muốn lấy hoa rừng/ anh gửi về em thay áo/ và ngàn vì sao trên trời/ kết thành một chuỗi em đeo/ Dù rằng đời lính không giàu mà chắc không nghèo tình yêu (Y Vân trong bản Tình Lính). 
Trả lại em yêu khung trời đại học/ Con đường Duy Tân cây dài bóng mát/ Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát... Trả lại em yêu con đường học trò/ Những ngày thủ đô tưng bừng phố xá/ Chủ nhật uyên ương hẹn hò đây đó/ Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt...Ðường buồn anh đi bao giờ cho tới/ Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài...Trả lại em yêu mây trời xanh ngát (Phạm Duy trong bản Trả Lại Em Yêu). Con biết bây giờ mẹ chờ tin con/ Khi thấy mai đào nở vàng bên nương/ Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về/ Nay én bay đầy trước ngõ/ Mà tin con vẫn xa ngàn xa... Con biết không về mẹ chờ em trông/ Nhưng nếu con về bạn bè thương mong/ bao lứa trai đang cùng chào xuân chiến trường/ không lẽ riêng mình êm ấm/Mẹ ơi, con xuân này vắng nhà (Trịnh Lâm Ngân trong bản Xuân Này Con Không Về). Ðợi hai ba năm nữa/ quê mình thôi khói lửa/ mời xuân đến với tôi/ Giờ còn nặng hai vai/ thân chinh nhân hồ hải/ hỏi xuân có gì vui... Xuân chẳng phải riêng ai/ Xuân đi rồi xuân tới/ ngại rằng xuân kém tươi (Châu Kỳ trong bản Tôi Chưa Có Mùa Xuân). Anh về với em như chim liền cánh như cây liền cành/ Như đò với sông như nước xuôi dòng vào lòng biển xanh... Anh muốn em hiểu rằng đời chiền sĩ phong sương/ Mà một lần về thăm bằng vạn ngày gần nhau... Anh nhớ xưa chúng mình hay đi trên đường vắng/ Anh nhớ xưa một lần lặng ngắm áng mây trôi/ Làm người yêu của lính mấy ai gần nhau (Trần Thiện Thanh trong bản Anh Về Với Em). Trời đêm dần tàn/ Tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn/ Cầm chắc đôi tay ghi vào lời tâm tư ngày nay/ Gió khuya ôi lạnh sao/ Ướt nhẹ đôi tà áo... Ðêm qua nằm mơ thấy người trai lính chiến xuôi tàu về quê hương/ Vui đêm phố phường/ Quên đi phút giây gió lạnh ngoài biên cương... Một đêm mùa chờ, tôi đến sân ga nơi tiễn người trai lính ngày nào/ Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa/ Trắng đêm tôi chờ mong tiếng tàu đêm tìm về (Trúc Phương trong bản Tàu Ðêm Năm Cũ). Giờ này thương xá sắp đóng cửa/người lao công quét dọn hành lang... Ôi Sài Gòn giờ giới nghiêm/ Ôi em tôi Sài Gòn không buổi tối... Nghĩ đến ngày khi tương lai thúc hối/ Căn phòng nhỏ cao ốc vô danh/ Rồi nghĩ tới anh... Nghĩ tới một điều em không rõ/ Nghĩ tới một điều em không dám nghĩ/ đến một người đi giữa chiến tranh (Thơ Tô Thùy Yên, nhạc Trần Thiện Thanh, trong bản Chiều Trên Phá Tam Giang). Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu/ Bàn tay năm ngón mưa sa/ Dìu anh trong tiếng thở/ Ðưa tiễn anh vào đời/Mẹ Việt Nam ơi/Hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về (Anh Việt Thu trong bản Tám Ðiệp Khúc). Nếu xưa trời không mưa/ Ðường vắng đâu cần tôi đưa/ Chẳng lẽ chung một lối về/ Mà nở quay mặt bước đi... Nếu tôi đừng đưa em/ Thì chắc đôi mình không quen/ Ðừng bước chung một lối mòn/ Có đâu chiều nay tôi buồn... Ðời tôi là chiến binh/Ði khắp phương trời/ Mà đời em là ước mơ/ Ðẹp muôn ngàn ý thơ/ Như ngóng trông chờ...Nhìn xác pháo vướng gót chân/ Gót chân ngày xa xưa/ Sợ lấm trong bùn khi mưa/ Nàng đã thay một lối về/ Quên cả người trong gió mưa (Nhật Ngân và Uy Vũ trong bản Tôi Ðưa Em Sang Sông). Người yêu lính, nếu em biết cho rằng/ Ðời quân nhân sống đây đó không ngừng/ Vì như thế năm ngoái sai hứa với em/ Tết không về chắc em ghét anh nhiều lắm/ Và giờ đây xuân trời rực rỡ/Xuân mình vừa nở/ Em vừa ý chưa?(Hoài Linh và Tấn An trong bản Ðầu Xuân Lính Chúc). Ðây gói hành trang xếp lại cho tròn để anh đi nhé/ Xin chớ u buồn vì trong những ngày dài anh vắng xa em... Nhưng xin em đừng quên từng đêm súng vang về trong lúc ngủ say/ Là khi anh đã dâng cuộc sống cho đời/ Và cho đôi lứa đẹp ước mơ (Trường Sa trong bản Hành Trang Giã Từ).
Ða số lời trong bản nhạc nếu nặng tính văn chương thì đều là văn chương quy ước, vì lẽ tất nhiên các nhạc sĩ không quá đặt nặng vấn đề sáng tạo ngôn ngữ tân kỳ như các nhà thơ, trừ một vài nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Phạm Mạnh Cương hay Lê Uyên Phương... Văn chương quy ước dễ được tiếp nhận ngay tức khắc trong quần chúng, lại còn nhờ sự chuyển tải của những điệu nhạc hay, những điệu nhạc đã được quần chúng yêu chuộng vào thời chiến ở Miền Nam. Cũng xin nhắc lại một lần nữa, lời như thơ của hai nhạc sĩ Phạm Duy và Trịnh Công Sơn thì đã có rất nhiều sách báo đề cập đến, nên trong bài này chỉ ghi lại một vài lời nhạc của họ. Chắc chắn nhạc của họ chẳng những được gìn giữ trong kho tàng âm nhạc đất nước, mà còn ở trong kho tàng văn chương của ta. Nhạc hay dĩ nhiên đã thuộc kho tàng âm nhạc, còn văn chương trong nhạc thì sao? Cho nên mới có sự lục lại những lời hát một thời là nguồn an ủi sự chịu đựng của con người trong thời ly loạn. Cũng giống như ca dao, những bài hát ngắn đã được lưu giữ trong kho tàng văn học Việt Nam, đặc biệt ở những bài nói về thời chiến tranh. Tuy những bài ấy không hào hùng, không mang tính chiến đấu, nhưng cũng không ươn hèn, với nội dung vô hiệu hóa thời gian đăng đẳng của đời lính bằng tâm tình, bằng ngôn ngữ văn chương để đi sâu đi xa trong tâm hồn và đi vào kho tàng văn chương đất nước. Ca dao như “Trấn Thủ Lưu Ðồn", như "Tiễn Người Ði Cao Bằng" thật là thắm thiết, ta sẽ không lạ sự tồn tại của chúng qua thời gian, mặc dù nội dung các bài ca dao này không cần thiết cho lắm trong công tác vận động lòng yêu nước như các bài hịch tướng sĩ quân. Dĩ nhiên, văn chương thời xưa đều sáng tác bằng ngôn ngữ quy ước, đến nay đọc lại vẫn cảm được lòng người. Do đó ta mới nghiệm ra một điều: tính văn chương dù tân kỳ hay không tân kỳ khi hòa nhập thành công vào tâm cảnh thì sẽ tồn tại mãi mãi. Ví dụ tâm cảnh là buổi tiễn đưa chồng đi lính trấn đóng nơi miền xa xăm Cao Bằng, nếu là lời không văn chương thì có làm cho ta cảm động hay không, mặc dù nỗi buồn vẫn như nhau. Nếu không cần văn chương, chỉ cần lời nói thông dụng mà thi ca hiện đại ngày nay có một số người đề cao, cho đó là chân thật nên được thay thế cách diễn tả quá chữ nghĩa. Ðiều này cần phải chịu thử thách qua thời gian. Còn tính văn chương tinh luyện ngôn từ thì đã chịu thử thách rồi. Ta thử đọc lại bài ấy: "Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non/ Nàng về nuôi cái cùng con/ Ðể anh đi trẩy nước nơn Cao Bằng". Sưu tầm lời hát trong các bản nhạc thời chiến Miền Nam đã đạt tính văn chương, và đa số thuộc tính văn chương quy ước, nhưng đôi khi cũng có những từ ngữ thật tân kỳ. Ta hy vọng, một ngày nào đây -hay đã hiện hữu rồi mà ta không biết - có người cũng sẽ sưu tầm tính văn chương thuần túy trong nhạc thời chiến ở miền Bắc Việt Nam.
Tính “văn chương thuần túy” nếu đặt vào tâm cảnh ngay trong thời chiến ở Miền Bắc là một điều thật không thích hợp với văn nghệ phục vụ chính trị, nhưng với bây giờ nếu có thì ta cũng không lấy làm bỡ ngỡ. Trở lại với những lời văn chương tân kỳ trong nhạc thời chiến ở Miền Nam: Phần sưu tầm ngôn ngữ tân kỳ không được dồi dào cho lắm, vì cố tâm làm văn chương mà lại còn là văn chương tân kỳ thì phải chăng ta đã quá kỳ vọng vào nhạc sĩ, thậm chí có vài nhạc sĩ còn giao việc viết lời cho người khác. Và có thể đây là những lời tân kỳ được sáng tác tình cờ, không phải là "phu chữ" như thi sĩ, chẳng hạn nhạc sĩ Y Vân trong bản Ngoại Ô Ðèn Vàng: Rồi một mình trên đường vắng/ đi qua cầu xóm ngoại ô/ Nhìn ngọn đèn đêm lẻ bóng/như mắt ai buồn đêm trường/ Ðường dài còn đi nhiều lắm/ non sông chờ viết được tên/ Không hay ai mất ai còn/ mà hình anh còn trong mắt em. Hàn Châu trong bản Những Ðóm Mắt Hỏa Châu: Có những đêm dài anh ngồi nhìn hỏa châu rơi/ Nghe vùng tâm tư cháy đỏ xoay ngang lưng trời/ Những đóm mắt hỏa châu bừng lên trong màn tối/ như mắt em sáng ngời/ theo anh đi ngàn lối. Trúc Phương trong bản Hai Mươi Bốn Giờ Phép: Cửa tâm tư là mắt/ nên khi đối mặt/ chuyện buồn dương gian lẫn mất/ Ðưa ta đi về nguyên thủy loài người/ Mùa yêu khi muốn ngỏ/ vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay/ Bốn giờ đi, dài thêm bốn giờ về/ Thời gian còn lại, anh cho em tất cả em ơi/ Ta đưa ta đến vùng tuyệt vời. Trúc Phương trong bài Kẻ Ở Miền Xa: Tôi ở miền xa/ Trời quen đất lạ/ Nhiều đông lắm hạ/ Nối tiếp đi qua/ Thiếu bóng đàn bà... Xin xích lại một lần bên tôi/ Cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi/ Ðến với tôi/ Hãy đến với tôi/ Ðừng yêu lính bằng lời. Vũ Hữu Ðịnh (Phạm Duy phổ nhạc) trong bản Còn Chút Gì Ðể Nhớ:  Anh khách lạ/ Ði lên đi xuống/ May mà có em/ Ðời còn dễ thương... Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/ Nên tóc em ướt/ Và mắt em ướt/ Nên mềm như mây chiều trôi... Mai xa lắc trên đồn biên giới/ Còn một chút gì để nhớ để quên. Trần Thiện Thanh trong bản Anh Không Chết Ðâu Anh:  Anh không chết đâu anh/ anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua/ Tôi thấy mắt anh trong ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ. Hoàng Trọng và Hoàng Vĩnh Lộc trong bản Người Tình Không Chân Dung: Trong cái nón sắt của anh/ Mặt trời vẫn còn đó ban ngày/ và ban đêm mặt trăng hoặc muôn muôn triệu triệu vì sao/ vẫn còn đó... Con ễnh ương vẫn gọi tên anh trong mưa dầm/ Tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất mẹ/ Dạo tháng ba, tên anh lẫn trong tiếng sấm đầu mùa mưa/ Nghe như tiếng gầm phẫn nộ/ đến từ cuối trỡi...Hỡi người chiến sĩ đã bỏ lại cái nón sắt/ bên bờ lau sậy này/ Anh là ai?/ Anh là ai?.  Anh Chương trong bản Tuyết Trắng: Khi gió quay cuồng sau cánh bay/ con tàu gầm thét cho tim ngất ngây/ phi đạo chạy dài anh cất cánh bay lên... Vượt cao vút cao/mây trời kết thành một vùng tuyết trắng ngần/ Tuyết ơi xin nhuộm trắng trong tâm hồn em gái tôi thương. Trịnh Công Sơn (TCS có rất nhiều, ở đây chỉ trích ra một lần để minh họa ngôn ngữ tân kỳ) trong bản Xin Mặt Trời Ngủ Yên: Một ngày, ngày đã qua/ Ôi một ngày, ngày chóng qua... Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè/ Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương.
TRẦN VĂN NAM
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...