Nguyễn Tuân - Người đi tìm và sáng tạo cái đẹp
KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY MẤT NGUYỄN TUÂN
Đã có nhiều ý kiến bàn luận về Nguyễn Tuân và cái đẹp [5,
tr 179 - 185, tr 219 - 226]. Nhà văn lớn Nguyễn Tuân được mệnh danh là “Người
săn tìm cái đẹp” (Nguyễn Thành), hoặc “Người đi tìm cái đẹp, cái thật” (Nguyễn
Đình Thi) [5].
Các nhà thơ lớn, nhà văn lớn thường có hẳn một hệ thống quan
niệm thẩm mỹ, mang nét độc đáo. Vì vậy, để thấu đáo trong dư luận văn đàn, có
thể và cần bàn về mỹ học của Nguyễn Tuân. Nói cách khác, cần xem xét
kỹ về chủ thể thẩm mỹ với các phạm trù biểu hiện và đối tượng thẩm
mỹ với đặc tính và các phạm trù của nó trong sáng tác của Nguyễn Tuân.
I/ HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM LÝ TƯỞNG THẨM MỸ CỦA NGUYỄN TUÂN
Sự đổi đời, đời sống và đời nghệ thuật của văn nghệ sĩ thời
tiền chiến có một “trục bản lề” lịch sử - Cách mạng tháng Tám 1945.
Nguyễn Tuân cũng không phải là ngoại lệ. Ông quan niệm cái mốc
lịch sử ấy đã tạo ra sự Lột xác kỳ diệu của bản thân.
Hành trình nghệ thuật của Nguyễn Tuân được xác định một cách
đại thể là từ Nghệ thuật vị nghệ thuật đến Nghệ thuật vị nhân
sinh.
Tuy nhiên, như giới nghệ sĩ đã nhận định: Nguyễn Tuân là một
“hiện tượng” phức tạp. Do đó, con đường đi từ “nghệ thuật cũ” đến “nghệ thuật mới”
cũng phức tạp, không hề đơn giản. Có lúc thẳng tắp, trơn chu cũng có lúc quanh
co, gập ghềnh.
Lột xác (tên cũ là Vô đề ,Tạp chí Văn
mới, 1945) là tâm sự chân thành rất mực, tuy nhiên không tránh khỏi
nét bồng bột, cực đoan. Quả lắc đồng hồ tâm lý phải khuynh tả một chút trong
cơn dao động thời cuộc...: “Mày huỷ diệt hết những con người cũ ở trong
mày đi – những con người mà mày mệnh danh là cố nhân... Đào thải chưa đủ. Phải
tàn sát. Giết, giết hết. Thò đứa nào ở dĩ vãng hiện về đòi hỏi bất cứ một
tí gì của mày bây giờ, là mày phải giết ngay. Mày phải tự hoại nội tâm mày đi
đã” [4, tr 343].
Đây là cái gìờ nghiêm trọng của đời Nguyễn trong không
khí: “Ngoài đường, cuộc Cách mệnh đang bước dài trên khắp ngả phố”. Đó
là giờ khắc tuyệt giao giữa Mới và Cũ. Ở Chùa Đàn vẫn còn là lưu luyến
với một cái đẹp hư ảo trong mối xung đột giả tưởng: “Cho tới ngày nay,
chưa có cuộc Cách mệnh nào của Con Người mà bỏ được tiếng hát” [4, tr
404].
Dù sao, đây mới là tâm sự và chuyển biến nghệ thuật của nhà
văn trong buổi đầu khi tiếp xúc và tiếp nhận cách mạng.
Chặng thứ hai tiếp sau mới là chặng Đường vui.
Cách mạng dần dần giải thoát tâm hồn nghệ thuật cho Nguyễn
Tuân, đưa nhà văn đến với nhân dân và cuộc sống chiến đấu. Tuy nhiên, quá trình
chuyển biến cũng diễn ra không hẳn là đơn giản, dễ dàng.
Có thể nói – từng bước, từng bước trên đại lộ của cuộc đời mới
và nghệ thuật mới, Nguyễn Tuân dần dần tiếp cận, và nhận ra được cái đẹp chân
chính thật sự tiến bộ. Ý thức thẩm mỹ được hoàn thiện cùng với sự kiên định lý
tưởng thẩm mỹ mới.
Từng là một nhà duy mỹ có hạng, môn đệ trung thành của thuyết Nghệ
thuật vị nghệ thuật, chuyển sang quan điểm nghệ thuật và quan niệm thẩm mỹ
mới tiến bộ ngày nay, Nguyễn Tuân đã thực sự tiến hành một cuộc “cách mệnh” bản
thân khổ ải như một trận “Lột xác”. Căn bệnh cũ, đã bằng cách nào hay cách
khác, chỉ rình rập, tái phát, phải mất bao công phu, phòng ngừa và chữa trị mới
có thể tiệt nọc!
Thật là chông chênh giữa hoài cổ với tôn sùng nét văn hóa truyền thống, cũng mong manh là giới hạn giữa thưởng thức tinh tế hương vị, cảnh
sắc quê hương, đất nước với thứ nhấm nháp dư vị cổ xưa. Nhưng nguy hiểm hơn cả,
là sự trỗi dậy của một cái tôi cá nhân vị kỷ, kênh kiệu và ngông ngạo trên sự đời,
và tình người, để “khinh thế ngạo vật” như anh chàng Nguyễn ngày nào.
Cũng rất vất vả là sự dấn thân để tìm ra những cái đẹp chân thật, quý giá trên
đời bằng tấm lòng thành thực và trí tuệ sắc sảo.
Chỉ từ những năm 60, đặc biệt là những năm chống Mỹ, nhà văn
mới bước vào thời kỳ chuyển biến thực sự trên hành trình nghệ thuật theo
lý tưởng thẩm mỹ mới. Ấy là do kết quả của những trải nghiệm thực tế, thực
tâm đi vào đời sống lao động, sản xuất và cả tiếp cận với hoạt động chiến đấu
qua cuộc kháng chiến hào hùng vào bậc nhất của lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên, trên dư luận văn đàn, đã từng có những luồng ý kiến
nhận xét và đánh giá chưa thật thấu đáo và thoả đáng về nhà văn.
Đó là khuynh hướng đơn giản, có phần nào phiến diện khi đánh
giá hành trình chuyển biến nghệ thuật của Nguyễn Tuân là triệt để, thông thuận,
hoặc nhấn mạnh về một vài phương diện nào đó trong thể hiện lý tưởng thẩm mỹ
hoàn chỉnh. Như nặng về công lao, nhà văn tìm kiếm, phát hiện mà nhẹ phần cống
hiến sáng tạo cái đẹp. Hoặc như tôn vinh cái đẹp, cái thật chưa tương
xứng với cái tốt.
Một khuynh hướng gây nhiều hệ luỵ và cả phản ứng với chính
nhà văn là giáo điều, áp đặt. Những ý kiến đánh giá kiểu này thường thiếu cả lý
và tình, có định kiến, xơ cứng, máy móc ảnh hưởng của xã hội học dung tục. Có bạn
văn viết về Cảnh sắc và hương vị đất nước trong văn Nguyễn Tuân, đã
nhận xét: “... tác động của xu thế phê bình văn học một thời làm ông chột
dạ” [5, tr 218]. Thực ra, Nguyễn Tuân rất dị ứng với lốphê bình ấy.
II/ VỀ CHỦ THỂ THẨM MỸ
Nói một cách tóm tắt theo lý luận văn học, thì chủ thể thẩm mỹ
là chủ thể xã hội, có khả năng hưởng thụ, sáng tạo và đánh giá thẩm mỹ. Chủ thể
thẩm mỹ là các nghệ sĩ, các nhà văn và cả những ai có tiềm ẩn những năng lực thẩm
mỹ như cảm thụ, đánh giá thẩm mỹ và có hoạt động thẩm mỹ ngoài nghệ thuật. Và
như vậy, là hết sức đa dạng, phong phú.
Nguyễn Tuân là một chủ thể thẩm mỹ đặc biệt. Bởi vì, nhà văn
lớn có thể ví là “chủ thể của chủ thể”, có vai trò và vị thế của chủ thể
thưởng thức và sáng tạo, đánh giá và định hướng thẩm mỹ. Trong chừng mực nhất định,
ông còn bao quát cả biểu hiện thẩm mỹ và tổng hợp nhiều năng lực thẩm mỹ. Ấy là
vì, trên tất cả, nhà văn có cốt cách và năng lực của một nghệ sĩ tài hoa, một
nhà văn hoá đầy bản lĩnh.
Nguyễn Tuân quả là một nhà nghệ thuật đa tài trên phương diện
văn chương, ngôn ngữ và cả biểu diễn. Riêng về văn thì đã hội đủ chất văn thơ,
nhạc hoạ và cả kịch, phim - rất hiện đại nữa.
Nguyễn Đình Thi đã tôn vinh Nguyễn Tuân là “một bậc thầy
của nghệ thuật ngôn từ”. Còn Tố Hữu thì nói đại ý, coi nhà văn là người “thợ
kim hoàn” về chữ nghĩa.
Am hiểu nghệ thuật và dấn thân cả trong nghệ thuật âm thanh,
ánh sáng và diễn xuất, Nguyễn Tuân được mệnh danh là con người tài hoa: Tuân
tài tử màn ảnh và sân khấu (Thiên Trường), “Nhà văn – diễn viên Nguyễn
Tuân” (Trương Quân), Nguyễn Tuân - diễn viên sân khấu (Đình
Quang), Hát ả đào đêm xuân (Hoàng Cầm),... [5]. Dù là nghệ sĩ trên
trang viết, hay tài tử trên sàn diễn, cả hai đều nhất quán trong một ngôn ngữ
nghệ thuật đặc trưng.
Nguyễn Tuân là người có ý thức thẩm mỹ đầy đủ và
sâu sắc bậc nhất,. Đó là ý thức như một hệ thống hoàn chỉnh các thành tố cảm
xúc thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ, và nhất là quan niệm và lý tưởng thẩm mỹ.
Nhà văn có đầy đủ các trạng thái rung động một cách trực tiếp
và cảm tính trước các hiện tượng thiên nhiên, đời sống và nghệ thuật – tức có
được một cảm xúc thẩm mỹ mạnh mẽ. Qua đó, nhà văn đã khám phá ra vẻ đẹp
của thế giới và con người và cái đẹp khách thể và của chính mình.
Từ Vang bóng một thời, ta như thấy được sự khám phá
vẻ đẹp xưa – đến các tác phẩm ký, tuỳ bút trong hai cuộc kháng chiến chống
Pháp, chống Mỹ chính là sự phát hiện vẻ đẹp chân chính và tiến bộ ngày nay (Tuỳ
bút kháng chiến và hoà bình, tập I – II; Sông Đà; Hà Nội ta đánh Mỹ
giỏi; Cảnh sắc và hương vị đất nước;...), Nguyễn Tuân đã thể hiện một biệt
tài về tìm kiếm và thể hiện cái đẹp muôn hình, vạn trạng để dâng hiến cho đời.
Đối tượng thẩm mỹ kích thích cảm xúc thẩm mỹ của chủ thể, nhưng lại có sự nhập
cảm của ý thức chủ thể vào đối tượng.
Con sông thơ mộng và dữ dội đã trở thành dòng chảy huyền thoại,
người lái đò vật lộn thác lũ đã trở thành dũng sĩ – nghệ sĩ nhờ ngòi bút tài
hoa của nhà văn (Sông Đà). Đừng vui, Bài ca trên mặt phần đường hay
chính đó là khúc hát tâm hồn của tác giả ? Cánh B.52 rụng xuống một thôn
hoa Hà Nội phải chăng, là luận đề minh triết về sự đối lập giữa thiện
và ác, chính nghĩa và phi nghĩa, là hình ảnh tượng trưng kỳ thú về đối chứng
“huỷ diệt” và “tái sinh”, về sự sống trên cái chết của nhà mỹ học uyên thâm.
Nhà văn tham gia đóng phim Chị Dậu của Ngô Tất Tố, hứa sẽ đóng một
vai người Hà Nội trong phim Lũy Hoa của Nguyễn Huy Tưởng, nhưng
qua những cảnh tượng của núi sông, miền biên giới hay giới tuyến, nhà văn cũng
đã tạo ra những cận cảnh, những đoạn dựng – montage – như điện ảnh.
Nhiều tác phẩm có những tiềm năng lớn cho chuyển thể thành những
đoạn phim. Từ “cái biển hoa ấy đong đưavì hương lộng... lũng hoa kỳ
diệu” để nói lên tâm hồn Á Đông qua câu thơ của Nguyễn Du: “Hương gây
mùi nhớ” (Hương hồng Bungari). Rồi, giữa trời Âu lại làm dậy lên cái hương
thơm ngào ngạt của đặc sản dân tộc – Phở. Đây cũng là cái biệt tài độc
đáo của nhà văn – nghệ sĩ từng một đời say mê với thanh sắc và hương vị, mà tâm
hồn tràn đầy năng lực mỹ cảm.
Nguyễn Tuân từ khi “tập làm bài” (Lời của Nguyễn
trong Lột xác), đến lúc “làm bài” đã dần xác định một quan
niệm thẩm mỹ chính xác và tiến bộ.
Trên các bình diện, thì quan niệm thẩm mỹ thiên về
tư tưởng, trong khi cảm xúc thẩm mỹ thiên về tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ lại
thiên về sở thích.
Tuy nhiên, theo Hégel trong công trình Mỹ học (1835),
coi hoạt động thẩm mỹ là một trong những hoạt động cao nhất của trí tuệ,
thì sự thật và điều thiện được liên kết chặt chẽ
trong cái đẹp...
Mỹ học của Hégel mới được quan niệm trong phạm vi nghệ
thuật, được quan niệm là triết học cũa nghệ thuật. Giờ đây, mỹ học hiện đại được
quan niệm ở phạm vi phổ quát – cả về nghệ thuật và tự nhiên. Quan niệm thẩm mỹ
có quan hệ với quan niệm nghệ thuật. Quan niệm nghệ thuật được coi là hạt nhân
của quan hệ thẩm mỹ – vừa là kết quả, vừa có tác động đến sự chuyển biến đối với
quan niệm thẩm mỹ, và còn ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học.
Nguyễn Tuân đã trải qua cuộc tranh luận nghệ thuật khởi phát
từ năm 1935, và sau này ông nhận ra sai lầm một cách chân thành là đã
theo phái vị nghệ thuật : “ Mình phải nhận cái tội của
mình như thế” [5, tr 161].
Nêu luận đề “Nguyễn Tuân là người đi tìm cái đẹp”, hoặc “Nguyễn
Tuân là người đi tìm cái đẹp và cái thật” là để nhấn mạnh mỹ cảm mãnh
liệt như đam mê một đời của ông. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ hơn, ta có thể thấy
rằng, khi cầm bút, tuy còn có phần chưa thật đầy đủ và sâu sắc, nhưng nhà văn
đã thể hiện được trách nhiệm nhất là lương tâm của người viết.
Chữ người tử tù (Tạp chí Tao đàn số 1,
1/3/1939) có lúc đã được coi là một ví dụ điển hình của cảm xúc duy mỹ, tập
trung miêu tả cái đẹp của hoa tay – tức cái đẹp thiên về hình thức. Khi đọc kỹ,
ta sẽ thấy điều gần như ngược lại. Ở đây, nhà văn ca ngợi cái đẹp của
lòng người. Nổi bật trên tất cả là hai chữ thiên lương. Ý tưởng viết
rất rõ.
Qua con mắt “biệt nhỡn” của viên quản ngục, Huấn Cao hiện rõ
là thuộc hạng người khí phách: “chọc trời khuấy nước”, những dòng chữ
đẹp “nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. Hầu
như tất cả đất trời tôn “một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn tụt xuống
phía chân giời không định”. Và mọi âm thanh phức tạp của cuộc đời
như “bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một ngôi sao chính
vị, muốn từ biệt vũ trụ”.
Quả là những lời ca ngợi tuyệt vời về sự ra đi của một con
người chính nhân quân tử, một chính khách hiệp sĩ. Chúng ta đều biết – Huấn
Cao, đây cũng chính là bóng dáng tượng hình của Cao Bá Quát – một bậc Thánh
Văn, và người hùng tham gia vào khởi nghĩa nông dân, chống lại triều đình đương
thời với chính sách hà khắc, gây bất công xã hội làm con người đau khổ.
Lời khuyên nhủ như bừng sáng, soi rọi con đường giải thoát
cho những tâm hồn còn u mê: “Ở đây lẫn lộn... Ở đây, khó giữ thiên lương
cho lành vững, và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.
Bữa rượu máu là tác phẩm trong tạp chí Tao đàn số
4 – 1939 (in trong Vang bóng một thời ,1940, sau đổi tên là Chém
treo ngành). Đây là một ví dụ khác, tả về cuộc hành quyết những tử tù “của
dư đảng giặc Bãi Sậy”. Khởi nghĩa Bãi Sậy, thực chất là khởi nghĩa thuộc
phong trào Cần Vương – phong trào chống thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX.
Kết thúc trang văn, còn có một chi tiết nói lên tất cả dụng ý
sâu xa – như “một tấc lòng” của nhà văn: “Lúc quan Công Sứ ra về, khi
lướt qua mười hai cái đầu lâu còn đính vào da cổ người chết quỳ sân pháp trường
sắp giải tán, bỗng nổi lên một trận gió lốc xoáy rất mạnh... Trận gió xoắn, giật,
hút cát bụi lên, xoay vòng quanh đám tử thi, và đuổi theo các quan đang ra về.
Cái mũ trắng ở trên đầu quan Công sứ bị cơn lốc dữ dội lật, rơi xuống bãi cỏ,
lăn lộn mấy vòng. Mọi người liếc trộm hai quan Thủ hiến và thì thào...”.
Sở kiểm duyệt lúc ấy ngu dốt, vẫn để đoạn văn này. Mà rất lâu
sau, giới phê bình cũng chưa phát hiện ra thâm ý đó: “Chữ đó! có
mắt mà không biết đọc” – đó là phản ứng của Nguyễn Tuân khi nói chuyện với
sinh viên Khoa Văn trường Đại học Sư phạm vào những năm 60 của thế kỷ XX.
Trong “trận gió lốc xoáy” ở pháp trường ấy, có quấn
quyện cơn giận dữ của đất trời và cái phẫn nộ của lòng người, kể cả của nhà
văn. Chính Nguyễn Tuân chứ không phải ai khác, bằng trí tưởng tượng của mình,
đã tạo ra trận gió oan khốc, kỳ dị ấy để nói lên nỗi đau xót và thương cảm đối
với nghĩa quân yêu nước bị hành hình, và tỏ rõ sự căm giận, oán hờn sẽ hành quyết
những kẻ thủ ác – đại diện bọn xâm lược và tay sai – “hai quan Thủ hiến” thời
ấy.
Quả nhiên, chỉ mấy năm sau thôi, trận gió thần kỳ của
cách mạng đã “làm giông làm tố”, cuốn phăng đi tất cả những phận đời
nô lệ oan khổ cho lồng lộng một đất trời giải phóng.
Đã từ lâu, Nguyễn Tuân là con người có lòng yêu nước âm thầm.
Năm 1939, khi còn là học sinh, ông đã tham gia bãi khoá, phản
đối mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt Nam. Trốn ra nước ngoài để thoát cảnh
tù túng, ngột ngạt, lại bị bắt giam và chịu quản thúc ở Thanh Hóa. Tác giả Vang
bóng một thời đã bị liệt vào loại “thành tích bất hảo”, bị đưa đi trại tập
trung ở Vụ Bản, Nho Quan, Ninh Bình, và tiếp tục bị quản thúc.
Một con người vốn đã sẵn máu phản kháng, “nổi loạn” ấy, làm sao
có thể viết văn xa rời những vấn đề chính trị – xã hội và đạo đức có tính chất
chuẩn mực, lý tưởng?
Lý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Tuân có chiều sâu của ý thức
xã hội. Ông đi tìm đồng thời cả cái đẹp và cái thật trong cái
tốt. Nói cách khác, đó là lý tưởng thẩm mỹ kết hợp được với lý
tưởng xã hội và lý tưởng đạo đức.
III/ ĐỐI TƯỢNG THẨM MỸ - SỰ KHÁM PHÁ VÀ SÁNG
TẠO CÁI ĐẸP
Là nghệ sĩ có tư tưởng nghệ thuật ban đầu không thuần nhất,
có những mâu thuẫn nội tại, Nguyễn Tuân đã trải qua những bước đi ban đầu rất
khó nhọc. Hành trình đi tìm cái đẹp – có lúc thông thuận, mạnh bạo, nhưng cũng
có lúc ngập ngừng, dè dặt.
Xét trong căn cốt từ buổi đầu và trong thời gian khá dài,
quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân không hoàn toàn là vị nghệ thuật, không hẳn
chỉ có duy mỹ thuần tuý kiểu phương Tây. Đó là vì đời sống thực tại, cái hồn
thiêng dân tộc còn tác động vào và gây ảnh hưởng đến tâm thức của người viết.
Là người có khát vọng nhân văn, Nguyễn Tuân không thể có chủ
nghĩa duy mỹ phi nhân bản. Ông nặng lòng với “đời sống đầy mâu thuẫn, oan
khiên và tủi khuất”, bất mãn với “một đời thật tại”, mong
muốn “giúp đẹp, góp tốt và làm vui cho cuộc đời” [2, tr 53, tr 117],
và kỳ vọng nghệ thuật là “ánh sáng”, là “đốm lửa để làm bừng dậy lòng người” [3(1),
tr 81].
Trên hành trình khám phá thẩm mỹ, Nguyễn Tuân đã gặp những sự
trái khoáy, nghịch lý – cái đẹp thì không thật, và cái thật thì không đẹp. Nguyễn
Đình Thi đã nhận xét như sau: “Cách mạng là sự đổi đời đối với Nguyễn
Tuân, vì ông thấy cái có thật bây giờ đẹp và cái đẹp bây giờ có thật trong
cuộc đời” [5, tr 547]. Còn những dằn vặt, bức xúc vì những bóng tối, vì những
cái vô lý nhưng cái lẽ lớn ấy không bao giờ thay đổi.
Một đời khát khao, mê đắm vì cái đẹp, cái thật, và cái tốt,
nhà văn đã đi tìm kiếm để tạo thành những trang nghệ thuật cho đời.
Trong đời sống ấy, có biết bao cái đẹp ta thường tiếp xúc:
cái đẹp của tự nhiên, cái đẹp của xã hội, cái đẹp trong bản thân con người, và
cái đẹp của nghệ thuật.
Cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hùng là những phạm
trù thẩm mỹ tích cực; còn cái xấu, cái thấp hèn, cái hài là
các phạm trù thẩm mỹ tiêu cực.
Cái đẹp nằm ở vị trí trung tâm. Cái bi là cái
đẹp khi thất bại, bị huỷ hoại. Cái xấu là đảo ngược giá trị của cái
đẹp. Cái hài là sự phá bỏ tính hài hòa của cái đẹp.
Cái đẹp là một đối tượng thẩm mỹ có phẩm chất nội tại,
nhưng có ý nghĩa khách quan, và cũng phụ thuộc vào năng lực thẩm mỹ của chủ thể
thẩm mỹ. Bởi, có những cái đẹp lướt qua dưới ánh mắt, tầm nhìn của người vô
tình, mà cũng có cái đẹp ẩn khuất – vì tinh tế mà náu mình giữa cái phồn tạp hư
ảo của trần gian.
Phải biết khám phá cái đẹp bằng “con mắt xanh” và “tấm lòng
vàng”. Văn học nghệ thuật có nhiệm vụ huớng dẫn con người trên con đường khám
phá cái đẹp. Nhà văn và nghệ sĩ là người khám phá và sáng tạo cái đẹp trong tác
phẩm của mình. Nguyễn Tuân là người đã thực hiện một cách xuất sắc và độc đáo
thiên chức này.
Cảm quan thiên nhiên, đất nước thiết tha, mạnh mẽ hiếm có đã
giúp Nguyễn Tuân vẽ nên một “bản đồ Việt Nam” bằng ngôn từ thật đặc sắc.
Đất nước như trải dài theo mỗi bước chân của nhà văn. Từ Mũi
Lũng Cú tột Bắc tới Huyện đảo nơi biển khơi. Nghe Gió Than
Uyên và Vẫn nghe tiếng dội Cà Mau ấy. Có Nhật ký lên
Mèo, lại có trang viết Về thăm đất lửa Quảng Trị. Cảnh vật hiện
ra với vẻ đẹp hiền hoà, thơ mộng, cùng với vẻ khắc nghiệt, dữ dội, có những nét
hiện thực trần trụi và cả những nét mơ màng, hư ảo.
Xưa kia, trong hoàn cảnh mất nước, ta có thể thấy được cái
tâm trạng bơ vơ, day dứt của Thiếu quê hương. Nhà văn chỉ thể hiện trạng
thái: “thầm lén mà yêu thương, mà ngợi ca đất nước muôn vẻ, muôn hình
của mình” (Cầu ma). Giờ đây, đất trời đã hoàn toàn giải phóng, nhà văn thoả
thuê, thả sức miêu tả, thể hiện quê hương, đất nước với vẻ đẹp như công trình
nghệ thuật thiên tạo và cả: “Sức mạnh của đất nước luôn luôn hiện hình
trên từng tấc gang đường xa” (Đường vui).
Nguyễn Tuân đi và viết với nhiều tư cách: nhà du lịch, tham
quan địa lý, nhà khảo sát địa chất, nhà quan sát xã hội, nhà nghiên cứu lịch sử
và văn hóa,... Chính vì vậy, mà bạn đọc có điều kiện thưởng ngoạn, và cảm nhận
được nhiều điều thú vị ở những góc nhìn, những phương diện quan sát phong phú,
đa dạng.
Có những địa phương nằm trong những vùng thẩm mỹ đặc biệt,
cũng là vùng thâm canh sáng tác, mà nhà văm trở đi trở lại nhiều lần, và có thời
gian lưu trú, “cắm rễ” khá lâu để có thể quan sát, miêu tả một cách kỹ lưỡng.
Đó là vùng Tây Bắc, và vùng giới tuyến. Hà Nội đất kinh kỳ,
nơi chôn rau cắt rốn của tác giả, vì thế, dĩ nhiên là được gắn bó máu thịt suốt
một đời tài hoa.Tuy xưa kia từng đặt chân đến Huế, Sài Gòn nhưng mấy mươi năm đất
nước bị tạm thời chia cắt , nhà văn chỉ vô Nam trong tâm tưởng. Sau ngày thống
nhất, cùng với các bạn văn, Nguyễn Tuân làm những chuyến xuyên Việt lý thú -
qua Huế, vào tận Minh Hải. Rồi Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên,... Từ vùng biên
giới Tây Nam đến các đảo, gồm cả Côn Đảo, Cà Mau,... Nguyễn Tuân từng cầm chén
rượu đón bình minh trên biển Năm Căn, và từng ngồi bên rừng đước với gió, nắng,
và cả đêm trăng Cà Mau ngắm mênh mông ngập tràn sóng biển…
Cảnh thường có nhiều người, người luôn trong cảnh, và nổi bật
lộng lẫy trên nền phông cảnh. Đó là những con người Đi mở đường với
những Bài ca trên mặt phần đường. Đó là khung cảnh Than Quỳnh
Nhai mới khai thác, công nhân nhóm lửa thùng phuy luyện than cốc, là cảnh
tượng vật lộn chèo chống với dòng thác của Người lái đò Sông Đà.
Nguyễn Tuân như người hoạ sĩ tài năng, có nhiều bút pháp linh
hoạt, đã tạo nên những tuyệt tác mỹ thuật đầy màu sắc mà lung linh, huyền ảo.
Có những trang viết lại giàu chất tạo hình, bài trí, phối cảnh như của nhà điêu
khắc và đạo diễn điện ảnh.
Tóc chị Hoài là một sự đặc tả cận cảnh, con sông lại là
sự liên tưởng kỳ diệu từ mái tóc mây thiếu nữ: “Con sông Đà tuôn dài như một
áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây bắc bung nở hoa
ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”, “Sông Đà
như một áng tóc mun dài ngàn ngàn, vạn vạn sải,... (Người lái đò
Sông Đà).
Đây lại là cái nhìn từ tít cao, như từ “chín tầng mây” dọi xuống,
mà ẩn hiện cái bồng bềnh, kỳ ảo như miền cổ tích.
Sự tương tác thể loại, và nghệ thuật ngôn từ đã đem lại cho
văn Nguyễn Tuân những vẻ đẹp đặc sắc. Trong ký có truyện, tuỳ bút mà có những
trang đầy chất tiểu thuyết, những trang văn đậm chất thơ: cảnh, người, việc, sự
kiện tâm tình được tượng hình trên trang viết. Trong xưa có nay, hôm nay mà thắm
bóng thời xưa, hiện thực đấy mà bay bổng xa vời thăm thẳm trong cái lãng mạn mù
khơi…
Có thể nói, những trang văn của Nguyễn Tuân hội tụ được cả sự
hiện thực hoá của lý tưởng thẩm mỹ.
Lịch sử, văn hoá, truyền thống là một cội nguồn cảm xúc thẩm
mỹ của nhà văn lớn. Câu chuyện hôm nay vẫn thấp thoáng cái đẹp xưa, nhưng là
cái đẹp đã thăng hoa, hiện đại hoá.
Nguyễn Tuân từng muốn mỗi ngày đều có cái say của rượu tân
hôn, kỳ vọng mỗi trang đời là một trang nghệ thuật. Mỹ cảm với cảm
xúc thẩm mỹ của nhà văn như là vô tận. Luôn luôn đổi mới cảm giác, nhận
thức như phương châm cảm thụ cái đẹp của Nguyễn Tuân. Đời là những “Trang hoa” luôn mở dưới ánh sáng nghệ thật mới.
Cái đẹp văn hóa là một phương diện rất được lưu ý của nhà văn
trong đó có văn hóa ẩm thực đặc sắc. Đặc biệt là ứng xử văn hóa đã tạo ra phong
cách sống đẹp nổi tiếng hào hoa, lịch thiệp, tinh tế Nguyễn Tuân.
Cái đẹp, cái cao cả, cái hùng tráng là những
giá trị thẩm mỹ tự thân thường được miêu tả, thể hiện tập trung, sáng tỏ. Tuy
nhiên, cũng trong phạm trù thẩm mỹ tích cực này có sự đan xen giữa cái bi và cái
hùng để tạo nên cái bi mang sắc thái bi tráng.
Đào cộng sản, Đất cũ Sơn La (Sông Đà) là những
điển hình về đất và người, về sự và tình. Cái bi thương lại gợi bao thương cảm: Xòe.
Đó là cấu trúc nội tại một tập tuỳ bút. Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi là tập ký
loại kiệt tác cũng đan xen, đối sánh cái cao cả. cái hào hùng như phẩm
chất cao của cái đẹp, với cái hài thật sắc bén, giàu
sức mạnh của nụ cười đả kích sự xấu xa, thấp hèn, sự ác độc, tàn nhẫn của kẻ
thù. Biệt tài của nhà văn còn ở sự đan cài chồng chéo, đối sánh hai bình diện
bi tráng và bi thương. Ở Đám cưới giữa trận địa pháo hiển hiện hai
hình ảnh hạnh phúc trong chiến tranh : đám cưới của nữ pháo thủ ở trận địa pháo
và đám tang có đặt tấm thiệp cưới ngày Noel trong áo quan của nữ bác sĩ bệnh
viện Bạch Mai thiệt mạng trong trận bom B.52. Còn ở Cánh B. 52 rụng
xuống một thôn hoa Hà Nội ta có được hai nụ cười cùng lúc: nụ cười sảng
khoái, thoả thuê chiến thắng và nụ cười khinh bỉ, hả hê với thảm bại nhục nhã của
kẻ thù, bi tráng và hài hước qua một niềm lạc quan tin tưởng xen lẫn lòng
căm giận, hận thù.
Nguyễn Tuân xứng đáng được tôn vinh là nhà văn - nghệ
sĩ một đời săn tìm, thể hiện và sáng tạo cái đẹp cho nghệ thuật. Đó là nhà Duy
mỹ chân chính vì cái đẹp lý tưởng của Con Người trong cuộc đời đi lên
theo ánh sáng văn minh hiện đại.
Bằng cuộc đời đẹp như hoa, Nguyễn Tuân đã hiến cho đời những Trang hoa, những Tờ
hoa vì mãi mãi tương lai nghệ thuật...
CHÚ THÍCH:
(*) PGS. TS Trường ĐHSP Hà Nội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Đoàn Trọng Huy (2007), Nguyễn Tuân, in trong Tinh
hoa văn thơ thế kỷ XX, Giáo dục.
[2] Ng Tuân (1999), Ng Tuân - Bàn về VHNT, Hội Nhà văn.
[3] Ng Tuân (2000), Ng Tuân - Toàn tập (1, 2, 3,
4, 5), Văn học.
[4] Ng Tuân (2005), Ng Tuân - Tuyển tập (1, 2, 3), Văn học.
[5] Nhiều tác giả (1999), Ng Tuân - Về tác gia và tác
phẩm, Giáo dục.
Đoàn Trọng Huy (*)
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét