Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

Cách kể chuyện kỳ tài của Nguyễn Du trong Truyện Kiều

Cách kể chuyện kỳ tài của 
Nguyễn Du trong Truyện Kiều
Trong một bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến một trong ba đặc điểm tạo nên nghệ thuật kể chuyện trong Truyện Kiều về Giọng điệu nghệ thuật. Nay xin được đề cập đến một trong hai đặc điểm còn lại là bài Cách kể chuyện kỳ tài của Nguyễn Du.
Ở Truyện Kiều, chúng ta biết đến một chủ thể kể chuyện có bản lĩnh, biết đi sâu vào việc mô tả nội tâm của nhân vật để mỗi nhân vật được phát triển theo lôgic của chính nó, dù cho sự phát triển đó có thể không phù hợp với mong muốn chủ quan của người kể chuyện. Và như ta sẽ thấy, Nguyễn Du đã dồn tất cả nỗi niềm thương cảm, nâng niu, trân trọng với nhân vật Thúy Kiều là nhân vật chính mà ông hằng yêu mến. Nhưng không phải vì thế mà ông miêu tả khác đi không đúng thực tế. Khi cần, ông vẫn để cho nàng có quá trình phát triển, không phải là một sự phát triển đi lên để tìm một sự hoàn thiện hơn mà là một quá trình tha hóa. Ngoài ra, còn một đặc điểm nữa mà chúng ta cần để ý là người kể chuyện và nhân vật có những lúc hòa nhập với nhau làm một, tức là có sự hài hòa giữa chủ thể kể chuyện với chủ thể trữ tình khi kể lại câu chuyện và lắm khi ta không biết những tình ý ấy là của nhân vật hay của người kể chuyện vô hình.
Về mặt kể chuyện, Nguyễn Du thực sự là một nhà văn đã có những đổi mới quan trọng: Ông đặt điểm nhìn ở tâm lý nhân vật, dẫn truyện bằng đường dây tâm lý, để từ đó xây dựng được những nhân vật có ý thức, có chiều sâu tâm linh.
Nhiều khi trong một đoạn thơ, Nguyễn Du đã xuất hiện với ba tư cách: chủ thể trữ tình, chủ thể kể chuyện và tác giả. Chủ thể kể chuyện và tác giả tuy là một, nhưng đã phân thân và hội nhập hài hòa với hai tư cách chủ thể kể chuyện và chủ thể trữ tình. Một hình thức thứ hai xuất hiện trong Truyện Kiều là trong chủ thể kể chuyện có nhân vật của truyện tham gia kể lại một phần của câu chuyện thông qua việc kể lại chuyện của một nhân vật khác trong tác phẩm, như thống kê sẽ cho thấy ở sau.
Lối kể chuyện của Nguyễn Du mà ta có thể gọi là nghệ thuật kể chuyện của ông gồm nhiều yếu tố: Trước hết là cách kể đến giọng kể và lời kể, sau đó là cách Nguyễn Du giới thiệu nhân vật và chuyển đoạn bằng hư từ và từ láy mà ta sẽ lần lượt xét đến ở sau. Ở đây, chúng tôi sẽ tìm hiểu nghệ thuật kể chuyện trong Truyện Kiều, trước hết qua việc đối chiếu một số đoạn giữa Truyện Kiều và Kim Vân Kiều Truyện.
Ta đều biết Kim Vân Kiều Truyện là một tiểu thuyết tài tử giai nhân vốn thuộc một dòng sáng tác tiểu thuyết có từ đời nhà Đường. Nhưng phải đến thời Minh - Thanh mới thực sự hình thành và thịnh hành vào đời Khang Hy, Ung Chính (Thế kỷ 17-18). Bản ghi chép sớm nhất về sự tích Thúy Kiều – Từ Hải là Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt của Mao Khôn đời Gia Tĩnh. Câu chuyện được viết đi viết lại qua 6 lần từ Mao Khôn… đến Dư Hoài, Hồ Khoáng và cuối cùng là Thanh Tâm Tài Nhân. Cũng như các tiểu thuyết tài tử giai nhân khác, Kim Vân Kiều Truyện được kể thành hồi (20 hồi) với môtíp thông dụng của một đôi tài tử giai nhân yêu nhau rồi đau khổ, chia ly, lưu lạc để đến hồi đoàn tụ. Chỉ có điều là nhân vật ra tay cứu nạn ở đây lại là người anh hùng Từ Hải và cảnh đoàn tụ lại có khúc bi ai giữa Thúy Kiều và Kim Trọng. Trong những tiểu thuyết tài tử giai nhân chỉ có sự việc và sự việc, chúng tập trung ở từng hồi một thành những mưu mô. Những mưu mô này lại móc xích với nhau một cách khá lỏng lẻo để mỗi mưu mô có tính độc lập riêng với nhiều tình tiết tỉ mỉ, chi ly và người đọc có thể đọc hồi sau, không cần biết hồi trước nói gì mà vẫn hiểu được. Kim Vân Kiều Truyện cũng được kết cấu như vậy, nên có rất nhiều mưu mô như Kim Trọng tìm cách chiếm được trái tim Kiều, bọn sai nha lo xoay sở tống tiền, Thúy Kiều bàn tính để cha mẹ bằng lòng cho được bán mình… Các mưu mô ở đây được trình bày khéo léo nên lôi cuốn được người đọc.
Cách kể cũng theo truyền thống, kết hợp được những yếu tố kỳ ở những việc khác thường và xảo qua việc báo mộng, ngẫu hợp với cơ trí mưu mẹo của con người. Người Trung Quốc thích câu chuyện phải kỳ (Vô kỳ bất truyền). Kỳ lạ, hiếm có, khác thường, ở Kim Vân Kiều Truyện có nhiều như việc Thúy Kiều khóc trước nấm mồ vô chủ, tự đến với người tình, tự hứa việc trăm năm… Rồi bài học bảy chữ, tám nghề của Tú Bà, vụ viên quan ở Lâm Tri xử kiện… đến việc Đạm Tiên hẹn với Kiều ở sông Tiền Đường, việc Giác Duyên thuê người vớt được nàng để sau này gặp lại gia đình… Câu chuyện của Trung Quốc còn phải khéo tức là xảo. Khéo ở chỗ bố trí nhiều sự việc lặp lại, bề ngoài giống nhau mà bên trong khác nhau như những lần Kiều gảy đàn, Kiều lấy chồng, Kiều mơ thấy Đạm Tiên… mỗi lúc một khác. Lại còn chuyện tình và mộng ảo, hư thực đan xen, và đặc biệt Kim Vân Kiều Truyện còn gồm rất nhiều chuyện nhỏ, tình yêu bi hoan, ly hợp, gặp gỡ chia lìa, chuyện vu oan giá hoạ… đến những chuyện đánh ghen, báo ân, báo oán. Mà tác giả lại rất quan tâm đến nguyên do sự việc, như việc thằng bán tơ vu vạ ra sao, tại sao Vương Ông chịu ký giấy bán con, dùng tiền 300 lạng lo lót thế nào… Kim Vân Kiều Truyện đều giải thích đầy đủ, nhưng Nguyễn Du bỏ hết, ông chọn những chi tiết nào thật cần thiết mới giữ lại và cũng trình bày theo cách kể của ông. Nguyễn Du vay mượn hệ thống nhân vật cũng như sự kiện nên không tránh khỏi việc tiếp thu những yếu tố này nhưng ông không đơn thuần chỉ theo nguyên truyện mà sáng tạo lại và phát huy những điểm mạnh để làm cho đúng theo ý đồ nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, từ Kim Vân Kiều Truyện bước sang Truyện Kiều là một thế giới khác hẳn, Nguyễn Du hầu như bỏ hết các sắp đặt tính toán mà để cho sự việc diễn ra theo cái lôgic khách quan của cuộc sống, không có mưu mô của con người.
Phải nhận rằng Kim Vân Kiều Truyện là một cuốn tiểu thuyết có cốt truyện hay, nhất là khi được Nguyễn Du lựa chọn và kể lại thì cốt truyện đã trở thành hoàn hảo. Chúng ta hãy cùng xem Nguyễn Du đã thành công như thế nào để chuyển từ một cuốn tiểu thuyết chỉ có cốt truyện hay thành một “Khúc Nam âm tuyệt xướng” và đưa ông lên hàng danh nhân văn hóa thế giới.
Cùng một câu chuyện, có người kể hấp dẫn được người nghe, nhưng ngược lại có những người lại chỉ đưa ra được những lời kể tẻ nhạt. Với câu chuyện về nàng Kiều, đã bao tác giả kể lại bằng văn xuôi rồi đến khi được kể lại bằng văn vần, bằng thơ thì câu chuyện trở thành bất hủ, đó là nhờ cái “tài”, cái “duyên” kể chuyện của Nguyễn Du. Chính cái cách kể chuyện của nhà thi sĩ đã góp phần quan trọng vào sự thành công của tác phẩm. Mỗi câu chuyện xảy ra có nhiều cách kể tùy thuộc vào điểm nhìn và cách nhìn của người kể chuyện. Khi kể lại câu chuyện về nàng Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du có một cách kể chuyện riêng không lẫn với ai, lại hết sức độc đáo, không chỉ vì ông kể lại câu chuyện bằng thơ, bằng những lời thơ trác tuyệt. Ta hãy xem cách kể của Nguyễn Du có những đặc điểm gì?
1. Đơn giản hóa sự kiện, tập trung vào nhân vật chính.
Khi kể chuyện, Nguyễn Du thường đơn giản hóa sự kiện, hành động và tập trung vào nhân vật chính – Thúy Kiều. Câu chuyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã được Nguyễn Du bỏ hẳn những sự kiện, nhân vật và những gì không liên quan trực tiếp đến việc thể hiện tính cách của nàng Kiều. Ông đã bỏ hẳn hồi 5 và hồi 6 trong Kim Vân Kiều Truyện, chỉ thu lại trong 20 dòng thơ xen vào giữa hồi trước (từ câu 0665 đến 0684). Riêng hồi 20 –Tái hồi Kim Trọng - ông đã diễn tả trong 526 câu tức gần 1/6 tác phẩm. Và nếu tính cả hai hồi trước đó thì ba hồi cuối (trong số 20 hồi) chiếm 1024/3254 câu, gần bằng 1/3 tác phẩm...
Ông còn bỏ đi trên hai chục nhân vật trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Không những thế, dù có giữ lại một số sự kiện hay hành động của các nhân vật, ông cũng đổi lại và thêm vào nhiều điểm mới. Thí dụ trong Kim Vân Kiều Truyện, ở hồi thứ năm, Vương Bà đập đầu vào cột được Thúy Kiều khuyên giải rồi đến cuối hồi này Vương Ông lại lao đầu vào tường, nhưng Nguyễn Du chỉ giữ lại một chi tiết sau:
0665. Theo lời càng chảy dòng châu,
Liều mình ông rắp gieo đầu tường vôi.
0667. Vội vàng kẻ giữ người coi,
Nhỏ to nàng lại tìm lời khuyên can…
Với Kim Trọng thì ở hồi thứ tư, Kiều đã viết 8 bài Kinh Mộng Giác (8 bài thơ Khiếp sợ khi tỉnh mộng), rồi sang hồi thứ bảy, lại lấy một mảnh quần lụa trắng cắn rách ngón tay giữa, lấy máu thảo một lá thư tình nhờ Thúy Vân gửi lại cho chàng… và Nguyễn Du đã bỏ hẳn những tình tiết này. Những đoạn như vậy còn rất nhiều cho nên có đến 2/3 Kim Vân Kiều Truyện đã bị lược bỏ. Chúng tôi chỉ xin xét một phần trước khi Thúy Kiều vào lầu xanh lần thứ hai gồm 4 đoạn nối tiếp nhau để quý vị độc giả cùng tham khảo và thấy rõ hơn cái tài tình trong cách kể của Nguyễn Du.
A. Đoạn thứ nhất Bạc Hạnh cưới xong Kiều đưa nàng đến Châu Thai, Kim Vân Kiều Truyện kể (1):
“Sớm hôm sau, Bạc Hạnh ra bến sông thuê thuyền để đưa nhau về Chiết Giang. Khi tới Châu Thai, Hạnh bảo: - Nàng hãy ở trong quán trọ, để tôi thu xếp nhà cửa, rồi sẽ đến đón sau.
“Đi độ nửa ngày thì Hạnh trở về, lại có đem theo một người đàn ông, giới thiệu đây là người làm công trong tiệm của mình, đến để chào mừng nàng đó. Thúy Kiều tự trong bước ra nhìn thấy người kia lông mày rậm, mắt to, môi đen râu xồm, giống như một tên tướng cướp. Nàng đáp lễ hai tiếng “Vạn phúc” rồi vào nhà trong hỏi Bạc Hạnh về việc nhà cửa thu xếp ra sao?
“Hạnh đáp: - Vì tôi đi vắng lâu ngày, ở nhà có người hàng xóm dọn đến ở đậu, tôi đã bảo chiều nay họ phải dọn đi nơi khác, để tiện sớm mai chúng tôi dọn về.
“Lúc ấy người làm công đã bảo nhà hàng dọn rượu để Bạc Hạnh mời chủ quán cùng uống. Ba người thù tạc mãi đến canh hai mới thôi.
“Tiệc tan, Bạc Hạnh trở vào phòng. Thúy Kiều hỏi: - Cái người đến đó, sao mà giống như một tên tướng cướp vậy?
“Hạnh đáp: - Anh ấy sinh trưởng ở trên mặt bể, cho nên tướng mạo như thế, nàng đừng nên sợ, đợi khi về tiệm nhìn thấy luôn luôn, rồi cũng quen mắt, chẳng sao. Thôi chúng mình đi ngủ kẻo mệt.
“Nguyên tên Bạc Hạnh là kẻ buôn người chuyên nghiệp. Y thường giả khách sang đi mua con gái và tì thiếp các nơi, lấy tiếng mua làm vợ, kỳ thực y đem đến thành thị nào đó, để ngụ trong một quán cơm, tự nhiên có người sẽ thay y để tìm chỗ bán.
“Ngày nay y đem Thúy Kiều về, thì chính tên mắt đen râu xồm là kẻ mối lái cho ổ buôn người bán thịt, hôm nay y thay mụ chủ lầu xanh đến để coi người, định giá là 240 lạng bạc, số bạc này phần Bạc Hạnh 200, còn 40 lạng về phần chủ nhà trọ và kẻ trung gian môi giới.
“Ngày hôm sau, thức dậy ăn lót dạ xong, Bạc Hạnh bảo Thúy Kiều rằng: - Nàng hãy ở đây để tôi về tiệm bảo người đánh xe lại chở hành lý, và có một chiếc xe riêng để đón nàng, nàng chỉ việc lên xe cho khỏi bận bịu.
“Nói xong Bạc Hạnh vội vàng đi ngay”.
Đoạn trích A trên đây kể lại việc Bạc Hạnh đưa Thúy Kiều về Châu Thai, liên hệ với người “bạn”, bố trí để lừa nàng vào lầu xanh rồi đi thẳng. Ta hãy xem Nguyễn Du đã kể lại như thế nào.
2137. Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi,
Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày.
2139. Cũng nhà hành viện xưa nay,
Cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người.
2141. Xem người định giá vừa rồi,
Mối hàng một đã ra mười, thì buông.
2143. Mượn người thuê kiệu rước nàng,
Bạc đem mặt bạc, kiếm đường cho xa.
Trên một trang sách được Nguyễn Du viết lại thành 8 câu. Tám câu được chia làm 4 ý rất cụ thể và rành mạch: Thuyền đỗ, Bạc lên tìm - tả nơi Bạc đến - mặc cả và bán hàng - rồi thuê kiệu rước Kiều mà chuồn thẳng. Cứ hai dòng một ý mà đầy đủ công việc, ta tưởng như bằng văn xuôi cũng khó có thể nêu rõ được như vậy chỉ trong hai dòng. Tác giả đã bỏ hoàn toàn những câu đối thoại và những lời kể tỉ mỉ về số bạc mà Bạc Hạnh kiếm được chia chác ra sao vân vân… nhưng người, việc hiện lên rất rõ với thái độ cũng là cách nhìn của người kể chuyện vô hình cùng cái óc trào lộng của tác giả khi ông chơi chữ trong cách dùng chữ bạc ở Bạc đem mặt bạc(hay Bạc) ở trên mà ta có thể hiểu theo 3 cách: bạc là bạc bẽo, bạc là Bạc Hạnh hay bạc mặt là số tiền mặt mà hắn mang đi.
B. Sang đoạn thứ hai tiếp ngay sau đoạn trên, Kiều được đưa đến lầu xanh lần thứ hai.
“Thúy Kiều thấy vậy sinh nghi, tự nhủ tên này thực là kỳ quái. Coi những hành động vội vàng hấp tấp như thế, tất nhiên định ý lừa gạt mình đây, nên mới tính chuyện cho xe hành lý đi trước để mình đi không. Vậy ta phải đem áo quần trang sức bỏ vào một rương, để đem theo mình, ngộ nhỡ xảy ra câu chuyện bất trắc, thì đã có cái phòng thân.
“Tính toán xong, nàng vội thu xếp các thứ cần thiết vào một cái rương da, bên ngoài cột dây cẩn thận, vừa làm xong thì phu kiệu đưa xe đến, nàng bảo chúng đưa xếp rương da lên xe, chúng rằng: - Ông Hạnh có hẹn chúng tôi, hành lý đồ đạc không cần mang vội.
“Chủ quán cũng rằng: - Ông ấy cũng hẹn cả tôi, hành lý cứ gửi ở đây, rồi sau ông sẽ cho người đến lấy.
“Thúy Kiều thấy vậy lại càng sinh nghi, bảo bọn chúng rằng: - Những đồ vật này ta đem theo bên mình, cái đó tùy ta, sao lại ngăn cản?
“Rồi nàng bắt chúng xếp vào bên trong, từ biệt chủ quán, lên xe đi ngay.
“Đi đến nửa buổi thì xe đỗ trước một ngôi nhà, nàng nhìn sau trước, không thấy Bạc Hạnh ra đón, chỉ thấy một mụ độ tuổi trên dưới 30, chạy đến bên xe đon đả mà rằng: - Xin mời Vương nương hãy vào nhà trong yên nghỉ.
“Nhìn qua khuôn mặt, nàng đoán biết nhà này cũng là một chỗ đi ngang về tắt. Tự nghĩ oan nghiệp của mình có lẽ chưa tiêu thì khó tránh khỏi, nên cũng chào hỏi và bảo: - Mụ hãy đưa hành lý vào trước giúp tôi.
“Mụ ấy bèn gọi người nhà ra vác rương da và các thứ, rồi nàng mới xuống xe theo mụ vào thẳng trong nhà, thấy có mấy ả mày ngài đứng đón, nàng lại sinh nghi. Khi đã vào đến nhà giữa, nàng bảo mụ rằng: - Xin mời mẹ ngồi lên đây để cho Thúy Kiều tôi làm lễ bái kiến.
“Mụ thấy vậy hớn hở bảo rằng: - Thôi con gái ta không cần phải lạy.
“Nhưng nàng cũng cứ thụp lạy 4 bái. Nguyên lai mụ này cũng là một tay chủ chứa, nên sau một lát, mụ hỏi Thúy Kiều: - Sao con lại biết người ta bán con vào đây?
“Nàng đáp: - Xét thấy hành động cử chỉ có vẻ khác thường thì đủ rõ. Nhưng chẳng hay lúc mẹ mua tôi tốn hết bao nhiêu tiền bạc.
“Mụ đáp: - Mẹ mua hết 240 lạng bạc đó.
“Thúy Kiều thở dài: - Nếu vậy họ ăn lãi gấp 10 lần đấy.
“Mụ hỏi đầu đuôi câu chuyện ra sao? Nàng thuật lại cho mụ nghe, mụ rằng: - Gớm nhỉ? Kẻ kia lập tâm lừa dối con như thế, may mà con có kiến thức, đem được số nhiều hành lý tới đây, nếu không thực là nguy hiểm. Vậy nay mẹ cũng không làm khó dễ gì con, con nên giúp mẹ công việc làm ăn sao cho phát đạt.
“Thúy Kiều rằng: - Nay con nhận thấy số còn nặng nợ nghiệp chướng, nên lại run rủi tới đây, thì con cũng chẳng mơ tưởng gì khác nữa.
“Mụ nghe nàng nói mấy câu như vậy, lấy làm đắc ý tỏ vẻ ôn tồn.
“Nhắc lại Bạc Hạnh, sau khi nhận được số bạc đã bán Thúy Kiều, y bèn lánh mặt một nơi, đợi khi nàng đã lên xe đi khỏi, y định trở về quán làm thêm một mẻ nữa. Chẳng dè khi về tới quán, thấy nàng đem cả hành lý đi rồi, y liền giẫm chân kêu trời: Thế là hỏng bét, quần áo nữ trang đáng giá bốn năm chục lạng, mình bắt mụ chủ phải sắm cũng mất cả rồi. Tiếc của quá, y toan đến đó lập mưu lấy lại, nhưng rồi lại sợ chạm trán Thúy Kiều sẽ xảy ra chuyện không hay, nên đành phải chịu thu lượm hành lý để trở về huyện Vô Tích”.
Đoạn trích B trên đây gần hai trang kể lại việc Kiều vào gặp mụ chủ lầu xanh, hỏi han về Bạc Hạnh để biết hắn đã bán nàng cho chủ thanh lâu như thế nào thì Nguyễn Du bỏ gần hết mà chỉ viết có 4 câu:
2145. Kiệu hoa đặt trước thềm hoa,
Bên trong thấy một mụ ra vội vàng.
2147. Đưa nàng vào lạy gia đường,
Cũng thần mày trắng, cũng phường lầu xanh.
Chỉ bốn câu mà ta thấy được cả dáng đi vội vàng của mụ chủ lầu xanh ra đón Kiều và đưa nàng vào “lạy gia đường”, cũng như tâm sự của Kiều khi nhận ra đây là chốn nào: Cũng thần mày trắng, cũng phường lầu xanh. Tác giả còn chơi chữ bằng cách lặp lại chữ hoa ở câu đầu, lặp lại chữ cũng ở đầu hai nhịp thơ ở câu cuối và dùng hai màu đối lập trong mày trắng với lầu xanh.
C. Sang đoạn thứ ba tiếp theo trong Kim Vân Kiều Truyện:
“Về phần Thúy Kiều nay lại bị lọt vào phố lầu xanh, tự thương cho mình số kiếp lận đận. Trước kia có dịp hoàn lương, đã chịu bao nỗi khổ sở, rồi nay lại vẫn sa ngã trong vòng, há chẳng phải trời già định cho như thế? Nên nàng cũng chẳng ước vọng gì hơn. Người đến mua vui thì mình cũng mượn đó mà khiến hứng, ca ngâm suốt sáng, đàn địch thâu đêm, rồi tiếng Hoa khôi vang dậy khắp cả vùng bể”.
Đoạn C này chỉ có mấy dòng trên đây trong Kim Vân Kiều Truyện lại được Nguyễn Du viết dài hơn nhiều và triển khai thành 16 dòng thơ nói lên tâm sự của Thúy Kiều ở lầu xanh lần thứ hai này:
2149. Thoắt trông nàng đã biết tình,
Chim lồng khôn lẽ cất mình bay cao.
2151. Chém cha cái số hoa đào,
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!
2153. Nghĩ đời mà ngán cho đời,
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!
2155. Tiếc thay nước đã đánh phèn,
Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần!
2157. Hồng quân với khách hồng quần,
Đã xoay đến thế còn vần chưa tha.
2159. Lỡ từ lạc bước bước ra,
Cái thân liệu những từ nhà liệu đi.
2161. Đầu xanh đã tội tình gì?
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.
2163. Biết thân tránh chẳng khỏi trời,
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.
16 dòng thơ chia thành hai đoạn, mỗi đoạn 8 dòng thơ - đoạn trước 4 ý: đoạn thứ nhất với 3 dấu than (nhận biết hoàn cảnh của mình, chửi đời than thân, ngán ngẩm cho cái tài tình và tiếc thương cho số phận) – đoạn sau cũng 4 ý (căm ghét ví trời già với cái quần của người phụ nữ, bản thân đã biết lo liệu mà không thoát, đặt câu hỏi vì sao và đành liều theo số phận). Nguyễn Du thật đã khéo: 16 câu chia làm 8 ý – 2 đoạn rất rành mạch. Ta có thể so sánh để biết rằng tâm sự của Kiều ở lầu xanh lần thứ nhất được Nguyễn Du diễn tả trong 58 câu từ:
1221. Xót mình cửa các buồng khuê,
Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay…
đến:
….1271. Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho cho hại, cho tàn, cho cân.
1273. Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.
Đoạn này có tên là “Những nỗi lòng tê tái” được trích đưa vào sách giáo khoa được Nguyễn Du kể, tả, phân tích tâm lý nhân vật để qua cảnh, qua tình mà người đọc thấy được việc và hiểu được đoạn đời của Kiều ở lầu xanh lần thứ nhất. Đoạn này trong Kim Vân Kiều Truyện ở hồi 11 được viết thành một bài ca Khốc Hoàng thiên (Khóc trời xanh), và sau đó là mấy dòng chuyển đoạn:
“Bài ca này ai nghe cũng phải động mối lương tâm, mà người nào mục kích thì cũng sa lệ. Thúy Kiều đem phổ nhạc vào khúc Hồ cầm, một khi dạo lên nghe càng ai oán não nuột. Chẳng những chị em trong hành viện phải khóc nức nở, mà cả đến con heo dữ như mụ Tú Bà cũng không ngăn nổi một vài giọt nước mắt hão”.
Nay khi Kiều vào lầu xanh lần thứ hai, ông không cần tả, kể về cuộc sống của Kiều ở đây mà chỉ dùng hai dòng thơ nói về cảm nghĩ của Kiều khi nhận thức được hoàn cảnh của mình:
2149. Thoắt trông nàng đã biết tình,
Chim lồng khôn lẽ cất mình bay cao.
Rồi sau đó là 14 dòng thơ bộc lộ trực tiếp thái độ phẫn uất của mình đối với định mệnh khắc nghiệt đang đeo bám đời Kiều (Từ câu 2151. Chém cha cái số hoa đào… đến câu 2164. Cũng liều mặt phấn…). Nguyễn Du đã phải cho Kiều cất tiếng chửi số phận, chửi đời, oán trời mà cũng là tâm trạng của người kể chuyện vô hình, của Nguyễn Du.
D. Đoạn thứ tư tiếp theo, kể việc Từ Hải xuất hiện:
“Lúc ấy có một hảo hán tên Hải họ Từ, tự là Minh Sơn, vốn người đất Việt, có tánh khoáng đạt rộng rãi, giàu sang coi nhẹ, tỳ thiếp coi thường, lại còn tinh cả lục thao tam lược, nổi danh cái thế anh hùng. Trước cũng theo nghề nghiên bút, thi hỏng mấy khoa, sau mới xoay ra thương mại, tiền của có thừa, lại thích kết giao với những giang hồ hiệp khách… Nay nghe Thúy Kiều là bậc tài sắc, lại thêm khí khái hào hiệp, nhân tiện ghé thăm, mụ chủ biết Từ Minh Sơn là tay hảo hán, có lòng hạ cố, vội kêu Thúy Kiều ra tiếp. Thoạt mới nhìn nhau, đôi bên đã có mấy phần thiện cảm”.
Đoạn văn xuôi chín dòng này giới thiệu Từ Hải và xuất xứ của chàng cùng lần đầu Kiều gặp chàng được Nguyễn Du đặc tả bằng 14 dòng thơ sau đây:
2165. Lần thâu gió mát trăng thanh,
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.
2167. Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
2169. Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài,
2171. Đội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ tên Hải, vốn người Việt Đông.
2173. Giang hồ quen thú vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
2175. Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng.
2177. Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.
14 dòng thơ được cấu trúc thành 2+4+4+4, hai câu đầu là không gian và thời gian và cách Từ xuất hiện, 4 câu tiếp tả ngoại hình và tài thao lược, 4 câu tiếp giới thiệu họ tên và phong thái, 4 câu cuối tả bước đầu gặp gỡ giữa nhi nữ và anh hùng.
Đoạn
KVKT
Truyện Kiều
Đoạn A
Hơn 1 trang
8 dòng thơ
Đoạn B
Gần 2 trang
4 dòng thơ
Đoạn C
Chỉ 6 dòng
16 dòng thơ
Đoạn D
Chưa đến 10 dòng
14 dòng thơ
 + Như vậy là 4 đoạn so sánh trên đây và trong bảng đã cho ta thấy một cái nhìn khá cụ thể về cách kể chuyện của Nguyễn Du. Có đoạn ông lược bỏ rất nhiều, lại có đoạn ông viết lại với nội dung mới. Không nói tới giọng điệu và lời kể vừa trữ tình, vừa sâu lắng, hoàn toàn phù hợp với tâm trạng của nhân vật. Đặc biệt đoạn trên đây giới thiệu cho ta một cốt cách, một phong cách anh hùng của nhân vật Từ Hải.
Khi thì Nguyễn Du rút gọn đến tối đa – đoạn A hơn 1 trang thành 8 dòng – đoạn B, gần 2 trang chỉ còn 4 dòng - khi thì đưa thêm những tình tiết mới, những nhận xét mới, 6 đến 10 dòng trong nguyên truyện được viết thành 16 hay 14 dòng thơ ở 2 đoạn C – D. Đoạn cuối D, Nguyễn Du bỏ hẳn những tình tiết về lai lịch của Từ Hải (Trước cũng theo nghề nghiên bút, thi hỏng mấy khoa, sau mới xoay ra thương mại, tiền của có thừa lại thích kết giao với những giang hồ hiệp khách…), mà thêm vào những ý tình mới để biến Từ Hải thành người anh hùng với đầy đủ tính cách không chỉ của một giang hồ hiệp khách mà còn một người anh hùng lý tưởng, người anh hùng chân chính theo đúng nghĩa của từ này - không chỉ Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài, mà còn Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo. Nguyễn Du còn mô tả cả ngoại hình của Từ bằng hai câu rất đắt và từng gây nhiều tranh cãi mà Thanh Tâm Tài Nhân không tả lấy một chữ:
2167. Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
2. Bớt kể mà tăng miêu tả và kể chuyện theo đường dây tâm lý.
Như trên đã nói, khi kể lại câu chuyện về nàng Kiều, Nguyễn Du đã bớt kể nhưng tăng miêu tả và kể chuyện theo đường dây tâm lý, trong đó hệ thống sự kiện hành động không phải là yếu tố thúc đẩy dòng tự sự vận động mà chính là tâm lý nhân vật sẽ quyết định mạch tự sự. Ông đi sâu vào tâm lý để xây dựng hình tượng nhân vật, những con người có cá tính riêng không lẫn được với những nhân vật khác. Đồng thời ông cũng cho độc giả thấy được động cơ và nguyên nhân của hành động của các nhân vật. Ta hãy cùng xem lại đoạn Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến sau đây:
2457. Đóng quân làm chước chiêu an,
Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng.
2459. Lại riêng một lễ với nàng,
Hai tên thể nữ, ngọc vàng nghìn cân.
Trên đây là mấy dòng viết về kế hoạch của Hồ Tôn Hiến mở đầu cho mỹ nhân kế của lão bằng cách đánh vào lòng tham của Kiều, từ Ngọc vàng gấm vóc đến lại riêng một lễ với nàng. Bốn dòng thơ này cùng với sáu câu giới thiệu Hồ Tôn Hiến (2451-2460) là 10 câu tóm tắt gần nửa sau hồi 18 dài gần 10 trang trong Kim Vân Kiều Truyện. Cả hồi 19 kể chuyện tiếp cho đến khi Từ Hải bị lừa, Thúy Kiều tự vẫn trên sông Tiền Đường để đến hồi 20 là màn Tái hồi Kim Trọng. Đoạn đầu hồi 19 được Nguyễn Du tập trung miêu tả tâm lý của Từ Hải và Thúy Kiều thành 38 dòng thơ sau.
2461. Tin vào gửi trước trung quân,
Từ công riêng hãy mười phân hồ đồ.
Dòng tâm tư và suy nghĩ của Từ được Nguyễn Du kể bằng 10 câu thơ tiếp sau đây:
2463. Một tay gây dựng cơ đồ,
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành.
2465. Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?
2467. Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
2469. Sao bằng riêng một biên thuỳ,
Sức này đã dễ làm gì được nhau!
2471. Chọc trời khuấy nước mặc dầu,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!
Từ Hải quyết định không ra hàng vì Sức này đã dễ làm gì được nhau. Nhưng Kiều của chúng ta thì được mô tả bằng ngôn ngữ của người kể chuyện:
2473. Nàng thì thật dạ tin người,
Lễ nhiều nói ngọt, nghe lời dễ xiêu.
Kiều không chỉ “tin người” mà lại là “thật dạ tin người” và lại là tin Hồ Tôn Hiến, kẻ thù của chồng mình. Lễ nhiều nói ngọt, Kiều đã tha hóa đến mức không ý thức được rằng như vậy là chỉ nghĩ đến bản thân mình và đây là dòng suy nghĩ tiếp theo của nàng:
2475. Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,
Đã nhiều lưu lạc, lại nhiều gian truân.
2477. Bằng nay chịu tiếng vương thần,
Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì!
2479. Công tư vẹn cả hai bề,
Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.
2481. Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,
Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha.
2483. Trên vì nước, dưới vì nhà,
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.
2485. Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,
E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa.
Kiều khuyên Từ Hải ra hàng và tin rằng đó là một hành động đẹp, hợp với đạo lý, nàng nghĩ đến việc sẽ được về thăm quê hương, gặp cha mẹ mà cảm thấy hãnh diện, có phần tự đắc. Trong dòng suy nghĩ của Kiều ở đây, ta không thấy nói gì đến Từ Hải, phải chăng nàng chỉ nghĩ đến mình. Tác giả đã dùng chữ nhân khi bàn bạc và thừa cơ để mô tả cái cách nàng sử dụng nhằm thuyết phục Từ.
2487. Nhân khi bàn bạc gần xa,
Thừa cơ nàng mới bàn ra nói vào.
2489. Rằng: - “Ơn thánh đế dồi dào,
“Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu.
2491. “Bình thành công đức bấy lâu,
“Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao.
Kiều tiếp tục kết tội Từ Hải và sau đó lại lấy tấm gương Hoàng Sào ra để đe dọa Từ:
2493. “Ngẫm từ dấy việc binh đao,
“Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.
2495. “Làm chi để tiếng về sau,
“Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào!
Và nàng kết thúc bằng việc đưa ra mồi nhử lợi quyền để thuyết phục:
2497. “Sao bằng lộc trọng quyền cao,
“Công danh ai dứt lối nào cho qua?”
Để miêu tả phần này (gồm 38 dòng thơ), Thanh Tâm Tài Nhân phải miêu tả từ cuối hồi 18 đến giữa hồi 19 trong 24 trang (Từ trang 298 đến trang 322, bản dịch Kim Vân Kiều Truyện - Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội – 1999) với 13 nhân vật đã bị lược bỏ (Bốc Tề, Cừu Nhiêu, Không Hỗn, Hoa Nhân, Tuyên Nghĩa, Dụ Ân, La Trung Quân, Lợi Sinh, Quyền Nghi, Nữu Hiệp, Trương Năng, Lý Thiên, Âm Mưu). Trong Kim Vân Kiều Truyện, Thúy Kiều thuyết phục Từ Hải như một thuyết khách kiểu Tô Tần, Trương Nghi thời Chiến quốc, còn ở Thúy Kiều của Nguyễn Du chỉ là những suy nghĩ đã lay động tâm hồn nàng. Đúng là Nguyễn Du đã bớt kể mà tăng miêu tả, chỉ qua 16 dòng thơ tự sự và hai lượt lời mang tính chất của những độc thoại nội tâm của Thúy Kiều và Từ Hải trước mưu kế hiểm độc của Hồ Tôn Hiến và chuyện được kể hoàn toàn theo đường dây tâm lý. Chỉ 38 dòng thơ thay cho 24 trang văn xuôi dài dòng đã cho ta thấy rõ nghệ thuật kể chuyện tài hoa của Nguyễn Du.
Cũng theo đường dây tâm lý, giữa Nguyễn Du và hai nhà viết kịch nổi tiếng người Pháp thế kỷ 17 là Pierre Corneille và Jean Racine có một sự trùng hợp khá độc đáo về cách mô tả tâm lý nhân vật của mình. Trong một bài viết trước chúng tôi đã giới thiệu việc Kiều phải đắn đo giữa tình và hiếu để thực hiện một hành vi ý chí mà quyết định bán mình cùng đoạn kết cảnh nàng trao duyên cho Thúy Vân và kết luận: Nguyễn Du và Corneille cùng Racine đã gặp nhau vì những cây bút lớn đều nắm chắc những diễn biến có quy luật tâm lý của con người và đều đi sâu vào tâm tư tình cảm của nhân vật, họ đã nhập vai, hòa làm một với nhân vật của mình. Quả là những tư tưởng lớn gặp nhau!
3. Thêm những cảnh thiên nhiên như một thứ ngôn ngữ để diễn tả tâm trạng nhân vật.
Thiên nhiên đã giúp Nguyễn Du nói hộ được rất nhiều điều khi diễn tả tâm trạng nhân vật. Nếu trong Kim Vân Kiều Truyện không có một cảnh thiên nhiên nào thì ở những thời điểm mà tâm trạng nhân vật khó bộc lộ nhất trong Truyện Kiều, thiên nhiên xuất hiện vì ngôn ngữ của con người có những hạn chế của nó.
“Nó chỉ có thể là ngôn ngữ của những khái niệm, của những phân chia rõ ràng tách bạch. Khi tâm hồn con người như muốn tràn ra khỏi mình, hòa lẫn vào một cái khác, khi ranh giới giữa cái tôi và cái bạn mất đi hay bị nhòe đi, khi trong bạn có tôi, trong tôi có bạn. khi yếu tố vụ lợi bước lùi để nhường chỗ cho sự cảm thông, dung hợp, lúc đó ngôn ngữ của con người bất lực” (Phan Ngọc).
Truyện Kiều có trên hai trăm câu thơ miêu tả thiên nhiên, trong đó nhiều câu được sử dụng như một thứ ngôn ngữ là một minh chứng cho sự cách tân của Nguyễn Du trong việc xây dựng và khắc họa tính cách nhân vật (Xem chương III. Thiên nhiên trong Truyện Kiều).
Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu lại bằng cách so sánh ba lần chia tay với người tình của Thúy Kiều giữa hai tác phẩm. Những cảnh thiên nhiên tuy chỉ mang tính chất tượng trưng theo kiểu chấm phá, có khi chỉ một vài chi tiết nhưng đã lột tả hết cái thần của cảnh vật nói lên tâm trạng của con người.
a. Đây là cảnh Kim Trọng chia tay Thúy Kiều để về Liêu Dương hộ tang chú trong Kim Vân Kiều Truyện không có lấy một câu tả cảnh:
“Chẳng ngờ nàng vừa nói đặng mấy câu thì hai dòng lệ đã không tài nào giữ nổi. Chàng Kim thấy vậy cũng khóc nức nở. Giữa lúc hai người đang khóc thì tên thư đồng lại đến gõ cửa thúc giục đi ngay. Chàng Kim đành phải gạt lệ, tạm biệt cùng nàng, tất tưởi chạy về bên nhà, thấy ngựa đã đóng yên cương đứng chờ trước cửa, rồi chàng cùng với thân phụ sang thẳng Liêu Dương”.
Còn ở Truyện Kiều là 5 câu miêu tả thiên nhiên trong số 14 câu diễn tả cảnh chia tay:
0559. Dùng dằng chưa nỡ dời tay,
Vừng đông trông đã đứng ngay nóc nhà.
0561. Ngại ngùng một bước một xa.
Một lời trân trọng, châu sa mấy hàng.
0563. Buộc yên quẩy gánh vội vàng,
Mối sầu sẻ nửa, bước đường chia hai.
0565. Buồn trông phong cảnh quê người,
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa.
0567. Não người cữ gió tuần mưa,
Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.
0569. Nàng còn đứng tựa hiên tây,
Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ.
0571. Trông chừng khói ngất song thưa,
Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng.
Đoạn thơ gồm 14 dòng có thể chia thành 7 khổ thơ từ không gian - thời gian, thái độ, hành động lúc chia tay, phong cảnh quê người, nỗi nhớ thương của Kiều và tâm sự của nàng cùng cảnh khói ngất song thưa để chuyển sang đoạn “gia biến”. Rất cụ thể mà đầy hình tượng, nặng chất trữ tình. Chữ trân trọng ở đây có lẽ chỉ có nghĩa là hãy giữ gìn sức khỏe trong “Bảo trọng” khi chia tay, chứ không có nghĩa như ngày nay là tỏ ý quý, coi trọng.
b. Trong Kim Vân Kiều Truyện, Thúc Sinh chia tay Thúy Kiều cũng không có một câu nào mô tả thiên nhiên:
“Không thể lưu luyến được nữa, chàng chỉ ngập ngừng nói lên hai tiếng “Bảo trọng” rồi gạt lệ bước ra. Nàng muốn tiễn ra khỏi cửa, bỗng thấy Thúc Ông và những người làm công cùng các bạn thân đến tiễn, chàng vội quay ra chào hỏi. Nàng phải đứng lại sau tấm bình phong. Chàng trao hành lý cho xe ngựa xong rồi mới quay lại bảo nàng: - Thôi ta đi đây, nàng nên bớt sự phiền não”.
Trong Truyện Kiều, đoạn này lại là 8 dòng thơ với 4 câu tả cảnh của một thiên phú biệt ly với cảnh rừng phong, mùa thu, dặm hồng, ngàn dâu xanh và Vừng trăng ai xẻ làm đôi đã được nhiều người phân tích:
1519. Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san.
1521. Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
1523. Người về, chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi, muôn dặm một mình xa xôi.
1525. Vừng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường!
c. Trong cuộc chia tay với Từ Hải ở Kim Vân Kiều Truyện, cuối hồi 17, là đoạn:
“Thúy Kiều nghe Từ nói thế thì đã đoán rõ tâm sự. Từ bèn mua riêng một sở để cùng ăn ở với nàng. Được hơn năm tháng thì từ dứt áo ra đi.
“Nào biết đi để làm gì? Hãy đợi hồi sau phân giải”.
Sang đầu hồi 18 chỉ có một câu sau:
“Nói về Thúy Kiều thấy Từ Minh Sơn dứt áo ra đi, ba năm đằng đẵng không tin tức gì…”.
Đoạn này trong Truyện Kiều cũng có hai dòng thơ miêu tả thiên nhiên, chỉ là những nét chấm phá nhưng vẫn nói lên được chí khí anh hùng của Từ:
2213. Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
2215. Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong.
Mà sau đó là những lời đối đáp giữa Kiều và Từ Hải, Kiều xin đi theo nhưng Từ không chấp nhận và cảnh Kiều nhớ nhà 32 dòng thơ, tất cả đều không có trong Kim Vân Kiều Truyện, từ câu 2217 đến 2248:
2217. Nàng rằng: - “Phận gái chữ tòng,
“Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin đi….”
2247. …Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.
Như vậy, mấy dòng văn xuôi trên đây của Kim Vân Kiều Truyện được Nguyễn Du viết thành 36 dòng thơ đầy ý tứ (Từ câu 2213 đến 2247).
4. Tập trung kể tỉ mỉ một vài biến cố đặc biệt khi cần và đặc tả tại một số thời điểm.
Nguyễn Du còn chọn những thời điểm có tính chất bước ngoặt để tập trung vào kể tỉ mỉ những biến cố trong cuộc đời Kiều. Bằng việc miêu tả tâm trạng, hành động trong những thời điểm nhất định, cách kể tạo ra cảm giác ngưng đọng với sự chậm chạp trong dòng chảy của thời gian ở thời điểm chuyển tiếp đặc biệt giữa tối sáng, đêm ngày…
a. Sau 14 dòng thơ kể về buổi du xuân ở hội Đạp thanh, tác giả kể bao nhiêu sự việc: Cảnh lễ hội lúc cao trào, lúc hội tan, chị em Kiều đi lần theo dòng khe nhỏ để xem phong cảnh thấy dòng nước, thấy chiếc cầu rồi mới thấy ngôi mộ chưa được sửa sang vắng tanh hương khói, từng cảnh một như hiện lên theo bước chân chầm chậm của chị em Kiều:
0045. Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân…
0051. Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về….
0057. Sè sè nấm đất bên đường,
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
0059. Rằng: - “Sao trong tiết Thanh minh,
“Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”
Sau khi nghe Vương Quan kể về Đạm Tiên, Kiều làm thơ khấn vái… Rồi gặp Kim Trọng, đến tối về nhà Kiều mơ thấy Đạm Tiên, nghĩ đến Kim Trọng, khóc lóc, tâm sự với Vương Bà… Câu chuyện chỉ xảy ra trong một ngày mà Nguyễn Du kể lại từ câu 0039 đến câu 0242 - trên 200 câu trong 3.254 câu thơ nghĩa là dùng 1/16 tác phẩm chỉ để kể lại một ngày.
b. Đoạn kể lại việc báo ân, báo oán cũng vậy. Từ câu 2311 đến 2415 gồm 105 dòng thơ để tập trung mô tả sự việc trong có một ngày mà rất cụ thể với biết bao nhiêu lời đối đáp, một cuộc thoại với 11 lượt lời - việc gia hình bọn bất lương đến lời từ biệt của vãi Giác Duyên….
c. Có đoạn Nguyễn Du cũng kể lại sự việc đầy đủ như trong Kim Vân Kiều Truyện nhưng với một cách tiếp cận khác hẳn, ông xem sự việc như cái cớ để tái hiện tâm tình nhân vật. Đây là đoạn tả việc Thúc Sinh nhờ vị đạo sĩ xin được hỏi về người vợ vừa bị chết cháy trong Kim Vân Kiều Truyện:
“Cách mấy hôm sau nghe nói trong vùng có một đạo hiệu là Động Huyền có phép đốt bùa triệu tướng, phán hỏi hồn ma. Chàng bèn sai người đem lễ đón rước về nhà, thiết lập đàn tràng để luyện phù phép. Đạo sĩ xuất thần giờ lâu, trở về cho biết: - Số nàng vẫn còn nặng kiếp oan gia, chưa thể chết được, hiện nay cung Bột (cung vợ chồng) đương mắc nạn to. Sau một năm nữa mới được gặp mặt, mà đường tơ duyên không thể chắp nối được nữa.
“Chàng Thúc nghe xong hỏi lại thầy rằng: - Người đã chết đi đâu lại có chuyện âm hồn trở về dương thế?
“Đạo sĩ rằng: - Ông chớ hồ nghi, sau một năm nữa thì sẽ gặp mặt, nhưng trong khi gặp gỡ, đôi bên không dám hỏi nhau câu nào. Chừng ấy mới tin thầy đây không hề nói dối.
“Nhưng dầu sao thì vẫn nửa tin nửa ngờ!
“Sau khi tạ ơn đạo sĩ, chàng ngày đêm thảm thiết nhớ thương, không tả xiết được”.
Nguyễn Du đã kể lại nội dung trên đây bằng 22 dòng thơ, chi tiết không kém gì bản gốc mà không cần nói đến đạo hiệu của ông thầy, không cần chỉ rõ tên của cung vợ chồng là cung Bột, cũng không cần nêu những câu đối đáp của Thúc Sinh và Đạo sĩ… nhưng vẫn nêu được lời phán của ông thầy, tái hiện được tâm tình của Thúc Sinh cũng như những cảm nhận của chàng trước những lời đoán của ông thầy:
1683. Gần miền nghe có một thầy,
Phi phù trí qủy cao tay thông huyền.
1685. Trên Tam đảo, dưới Cửu tuyền,
Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng.
1687. Sắm sanh lễ vật rước sang,
Xin tìm cho thấy mặt nàng hỏi han.
1689. Đạo nhân phục trước tĩnh đàn,
Xuất thần giây phút chưa tàn nén hương.
1691. Trở về minh bạch nói tường:
- “Mặt nàng chẳng thấy, việc nàng đã tra.
1693. “Người này nặng kiếp oan gia,
“Còn nhiều nợ lắm sao đà thác cho.
1695. “Mệnh cung đang mắc nạn to,
“Một năm nữa, mới thăm dò được tin.
1697. “Hai bên giáp mặt chiền chiền,
“Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay!”
1699. Nghe lời nói lạ đường này,
Sự nàng đã thế, lời thầy dám tin!
1701. “Chẳng qua đồng cốt quàng xiên,
Người đâu mà lại thấy trên cõi trần”.
1703. Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân:
“Thân này dễ lại mấy lần gặp tiên!”
Chúng ta còn như thấy được cả những suy nghĩ của Thúc Sinh khi không tin vào lời của vị đạo sĩ cũng như tâm tình của chàng trong hai câu cuối này. Đoạn thơ chỉ gồm 22 dòng nhưng kết cấu rất rõ ràng và chuẩn xác: 4 câu giới thiệu vị đạo sĩ, 4 câu tả việc nhờ thầy, thậm chí cả động tác phục trước tĩnh đàn của ông, 8 câu là lời đoán của ông cũng rất cụ thể (4 ý mỗi ý 2 câu) - 4 câu suy nghĩ của Thúc Sinh trong đó có 2 câu tự nhủ của chàng và 2 câu kết nói lên tâm lý với một câu độc thoại nội tâm.
Chỉ cần những đoạn so sánh cụ thể như trên ta đã thấy ngay cái khác biệt giữa nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Du và cách kể sự việc của Thanh Tâm Tài Nhân.
5. Nhịp kể xen kẽ khi nhanh, khi chậm một cách hợp lý.
a. Tuy nhịp kể trong Truyện Kiều chậm nhưng khi cần tác giả lại lướt đi nhanh với cách kể chuyện rất linh hoạt. Xét nhịp kể là xem cách tác giả kể lướt nhanh các biến cố, hành động hay dừng lại kể tỉ mỉ từng chi tiết nào đó các biến cố, hành động của nhât vật… Cụ thể là nhanh, chậm, vừa hoặc phối hợp nhanh và chậm trong cùng một đoạn… Ta có thể thấy tác giả kể tóm lược các sự kiện, hành động liên tục theo dòng thời gian hay nhiều sự kiện hành động được kể vắn tắt cùng một lúc là kể nhanh. Nhưng tác giả cũng có thể kể tỉ mỉ một sự kiện, hành động ngắn trong một nội dung dài hay dừng lại miêu tả tỉ mỉ tâm trạng… là kể chậm. Nhịp kể thể hiện ý đồ sáng tác của nhà văn và chính đây là điểm hấp dẫn thẩm mỹ đối với người đọc.
Ngoài phần mở đề và giới thiệu gia đình Kiều (38 câu), Nguyễn Du dùng tới trên 200 câu thơ để kể lại ngày đầu tiên trong truyện như trên đã nói.
Do các sự kiện, hành động ít, lại thường được miêu tả kỹ hoặc kể đan xen với tâm trạng, với những bức tranh của thiên nhiên… nên nhịp kể trong Truyện Kiều là nhịp kể chậm. Ngoài ra, là truyện thơ mang tính chất của tiểu thuyết tâm lý, Truyện Kiều có kết cấu của câu chuyện dựa vào đường dây tâm lý, nhân vật thể hiện bản chất của mình không chỉ ở hành động mà còn ở nội tâm, trong đó tác giả thường đặc tả tâm lý nhân vật nên cũng tạo ra nhịp kể chậm. Bằng nhịp kể chậm, Nguyễn Du đã thực hiện được yêu cầu miêu tả, phân tích tâm lý, hành động để có điều kiện cụ thể hoá, cá tính hóa nhân vật.
Đêm Kiều trao duyên cũng 84 câu; buổi Kiều đền ơn báo oán cũng được diễn tả lại trong 108 câu….
Tác giả đã dùng nhịp kể chậm khi cần thiết như miêu tả tâm trạng của Kiều sau khi gặp bóng ma Đạm Tiên rồi Kim Trọng, tâm trạng của Kiều khi ở lầu Ngưng Bích, hay ở lầu xanh của Tú Bà… Tuy nhiên cách kể luôn đa dạng, linh hoạt: có nhanh, có chậm, có sự kết hợp nhanh chậm trong từng đoạn cụ thể mà chỗ nào cũng hợp lý, vừa đủ để người đọc cảm thông với các nhân vật và cảm nhận được câu chuyện như tác giả mong muốn.
b. Khi Thúy Kiều tình tự với Thúc Sinh và bị Hoạn Thư bắt gặp nhưng mụ vẫn cười cười nói nói ngọt ngào rồi thong dong nối gót thư trai cùng về thì, Kim Vân Kiều Truyện chỉ kể có mấy dòng:
“Kiều mới khẽ hỏi Xuân Hoa: - Tiểu thư đến tự lúc nào?
“Hoa rằng: - Giữa lúc ông bà than thở ở trên này, thì phu nhân đã đứng ở dưới, vì bị ngăn cấm nên tôi không dám báo tin”.
Tuy nhiên, Nguyễn Du đã triển khai 3 dòng văn xuôi trên thành 10 dòng thơ, không những tả cả thái độ của Kiều, cách nàng hỏi lại và Hoa tỳ trả lời rất rành rọt, cách Hoạn Thư dón chân đứng núp, đến thời gian độnửa giờ, thái độ của mụ khi được chứng kiến cảnh nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than… rồi đến lúc chán tai, rồi mới bước lên trên lầu trong lời kể của Hoa tỳ:
1993. Nàng càng e lệ ủ ê,
Rỉ tai hỏi lại hoa tỳ trước sau.
1995. Hoa rằng: - “Bà đến đã lâu,
“Dón chân đứng núp độ đâu nửa giờ.
1997. “Rành rành kẽ tóc chân tơ,
“Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường.
1999. “Bao nhiêu đoạn khổ tình thương,
“Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than.
2001. “Ngăn tôi đứng lại một bên,
“Chán tai, rồi mới bước lên trên lầu”.
Như vậy, ta càng thấy rõ cách Nguyễn Du đã kể không còn như trước nữa. Lời kể của người kể chuyện ở đây là lời kể có tính văn học cao, vừa có chất thơ, vừa có chất truyện lại đậm chất dân gian. Với một thứ ngôn ngữ kể chuyện bước đầu đã có cá tính hóa, mang đậm màu sắc chủ quan, mang đậm sắc thái tình cảm, Nguyễn Du thực sự đã có những đổi mới về mặt lời kể không chỉ so với Kim Vân Kiều Truyện hay những tác phẩm truyện Nôm đương thời mà lời kể chuyện của ông đã có một số đặc điểm của lời kể chuyện trong tiểu thuyết hiện đại.
c. Có khi Nguyễn Du chỉ dùng vài dòng cũng đủ diễn tả được nhiều điều muốn nói. Chẳng hạn sau khi Kim Trọng đề nghị Kiều đàn cho chàng nghe và Kiều chấp nhận thì Nguyễn Du chỉ kể có hai dòng:
0467. Hiên sau treo sẵn cầm trăng,
Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày.
Chỉ bằng hai dòng thơ này, tác giả đã không phải tả việc Kim Trọng ra hiên sau lấy đàn vào như thế nào và đưa đàn cho Kiều ra làm sao mà vẫn tả được thái độ vừa vội vàng vừa trân trọng của chàng.
+ Hay như mục trên đã nói, tác giả tả mụ chủ lầu xanh ở Châu Thai chỉ bằng mấy dòng mà thấy được cả dáng đi vội vàng của mụ khi ra đón Kiều và hai câu nữa là xong cả đoạn Thúy Kiều vào lầu xanh lần thứ hai để đến chỗ: Thoắt trông nàng đã biết tình …:
2145. Kiệu hoa đặt trước thềm hoa,
Bên trong thấy một mụ ra vội vàng…
6. Đa dạng hóa cách kể
Nếu cách kể trong các truyện Nôm cùng thời là cách kể theo dòng thời gian một chiều, đơn tuyến, hết việc nọ đến việc kia thì cách kể chuyện trong Truyện Kiều linh hoạt hơn nhiều. Câu chuyện hầu hết đều được kể bởi người kể chuyện vô hình, nhưng cũng có lúc trong ngôn ngữ nhân vật, khi thì nhân vật tự kể chuyện mình, khi thì kể về một nhân vật khác. Bằng cách thay đổi điểm nhìn của người trần thuật, Nguyễn Du đã tạo ra sự phong phú của phương thức kể chuyện. Câu chuyện cứ dần dần được kể lại theo dòng thời gian với những cách kể, cách biểu hiện tâm lý khác nhau qua từng người kể, trong đó có cả những lời bình luận của tác giả.
a. Thúy Kiều tự kể chuyện của mình. Như trong bảng thống kê của chúng tôi ở dưới riêng Thúy Kiều tự kể chuyện của mình cho nhân vật khác nghe là 4 lần (với Kim Trọng, với Sở Khanh, với Từ Hải và cho cả gia đình khi tái hợp).
Thúy Kiều kể chuyện mình 4 lần trong 12 dòng thơ. Lần đầu Kiều kể cho Kim Trọng nghe về người thầy tướng đã đoán số cho nàng từ khi còn nhỏ:
0413. Nhớ từ năm hãy thơ ngây,
Có người tướng sĩ đoán ngay một lời:
0415. “Anh hoa phát tiết ra ngoài,
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”.
Lần thứ hai nàng kể lại tình cảnh của nàng qua bức thư gửi cho Sở Khanh chỉ bằng một dòng thơ (Ta cũng có thể coi đây là lời kể của người kể chuyện vô hình):
1081. Mảnh tiên kể hết xa gần:
Nỗi nhà báo đáp, nỗi thân lạc loài.
Số TT 
Nội dung chủ yếu 
Từ… đến…
Số câu
1
Kể cho Kim Trọng về ông thầy tướng đã đoán số mệnh cho mình hồi còn nhỏ
0415-0416
2
2
Kể lại chuyện của mình cho Sở Khanh
1081-1082
2
3
Kiều kể lại chuyện đời mình cho Từ Hải
2291-2294
4
4
Kiều kể lại cho gia đình và Kim Trọng về đoạn đời mười lăm năm lưu lạc của mình
3019-3022
4
Lần thứ ba Kiều kể lại cuộc đời nàng và tâm sự muốn được ân oán phân minh:
2289. Trong quân có lúc vui vầy,
Thong dong mới kể sự ngày hàn vi:
2291. – “Khi Vô Tích, khi Lâm Tri,
“Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương.
2293. “Tấm thân rày đã nhẹ nhàng.
“Chút còn ân oán đôi đường chưa xong”.
Bốn dòng lời kể của Thúy Kiều rất khéo léo trên đây ở Kim Vân Kiều Truyện cũng chỉ có mấy dòng, nhưng với cách kể khác hẳn. Kiều chỉ nhắc lại những câu chuyện cũ ở Lâm Tri và sau đó nêu cụ thể mấy tên tội phạm như sau:
“Nhân có một hôm, nàng Kiều nhắc lại những câu chuyện cũ ở Lâm Tri, Minh Sơn rằng: - Đối với chuyện ấy có khó khăn gì, tôi chỉ cho 5000 binh đến quét sạch cả thành để thay phu nhân báo mối thù đó.
“Phu nhân rằng: - Tội nhân chỉ có mấy tên Mã Bất Tiến, Tú Bà và Sở Khanh mà thôi, còn thì nhất thiết đừng nên gieo vạ cho người khác.
“Minh Sơn nghe lời lập tức ra lệnh điểm 5000 binh và sai viên kiện tướng là Sử Chiêu lãnh việc tế tác (do thám) đến Lâm Tri…”.
+ Đến khi gặp lại Kim Trọng và gia đình cuối truyện, nàng kể lại quãng đời lưu lạc của mình:
3017. Huyên già dưới gối gieo mình,
Khóc than mình kể sự mình đầu đuôi:
3019. – “Từ con lưu lạc quê người,
“Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm.
3021. “Tính rằng sông nước cát lầm,
“Kiếp này ai lại còn cầm gặp đây!”
Trong 4 dòng thơ sau, bằng hai câu đầu tác giả đã tóm tắt được toàn bộ quá khứ nặng nề đầy tủi hổ của Thúy Kiều. Cuộc đời được ví như nước chảy bèo trôi đã là khổ đau thì cuộc đời Kiều ở đây lại là bèo trôi sóng vỗ mới dữ dội làm sao mà lại kéo dài đến mười lăm năm lưu lạc chốn quê người. Hai câu sau là cả một nỗi bất ngờ đến không sao tin được, nhất là khi đặt thành ngữ bèo trôi sóng vỗ bên cạnh thành ngữ sông nước cát lầmmới thấy được lời nói của Kiều tuy dịu dàng mà biết bao bão tố. Chỉ bằng bốn dòng thơ đơn giản mà Thúy Kiều đã kể lại một cách khái quát cuộc đời cũng như cảnh nghẹn ngào rưng rưng nước mắt khi gặp lại gia đình.
Xin xem thêm đoạn này trong Kim Vân Kiều Truyện để so sánh và thấy rõ nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Du:
“Nàng vội chạy đến nằm lăn vào lòng Vương bà khóc than kể lể rằng: - Con đã chịu biết bao khổ cực, tưởng rằng kiếp này đâu còn được gặp, nào ngờ lại có hôm nay?
“Vương ông, Vương bà ôm ghịt lấy nàng: - Con ơi thực cha làm lỗi duyên con, vì con muốn cứu tính mạng cho cha mà phải chịu khổ.
“Vương Quan, Thúy Vân cũng đứng một bên cầm chặt tay chị. Duy có Kim Trọng không tiện đứng gần, nhưng cũng nở mày nở mặt tỏ vẻ tươi cười. Sau một hồi lâu nàng mới đứng lên, lạy cha mẹ xong quay sang bái tạ Kim Trọng rồi mới chào hỏi Thúy Vân và vợ chồng Vương Quan. Bấy giờ cả nhà mới ngồi vào chỗ, nghe nàng kể lại sự tình. Nói đến đoạn khổ thảy đều xót thương, kể đến công việc báo oán, cả nhà lấy làm khoan khoái”.
b. Các nhân vật kể về nhân vật khác - trong truyện là 14 lần.
Trong bảng sau là 154 dòng thơ trong đó có 113 dòng kể về Thúy Kiều và 41 dòng kể về những nhân vật khác. Và 12 câu Kiều kể chuyện mình, toàn bộ là 166 dòng thơ do nhân vật trong Truyện Kiều kể lại. Cùng với ngôn ngữ tác giả, ta thấy ở đây, cách kể đã được đa dạng hóa và rất là linh hoạt, chứng tỏ tài nghệ của Nguyễn Du trong bút pháp miêu tả nhân vật của mình.
Xin nêu rõ ở đây 2/14 đoạn (Xem bảng). Đây là lời kể của Đạm Tiên về số phận của Thúy Kiều, khi nàng tự vẫn mà không chết, đang còn mê man tại nhà Tú Bà:
0995. Rỉ rằng: - “Nhân quả dở dang,
“Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
0997. “Số còn nặng nợ má đào,
“Người dù muốn quyết, trời nào đã cho!
0999. “Hãy xin hết kiếp liễu bồ,
“Sông Tiền Đường, sẽ hẹn hò về sau”.
Lời thoại chỉ có 6 câu với ba ý rõ ràng: nhân quả còn dở dang - còn nặng nợ nên nàng chưa chết được – hẹn sau này ở sông Tiền Đường.
Và đây là Giác Duyên kể lại lời đoán của Tam Hợp đạo cô về tương lai của Kiều trước khi từ biệt Kiều sau phiên tòa Lâm Tri:
2403. Sư rằng: - “Cũng chẳng bao lâu,
“Trong năm năm, lại gặp nhau đó mà.
2405. “Nhớ ngày hành cước phương xa,
“Gặp sư Tam Hợp vốn là tiên tri.
2407. “Bảo cho hội hợp chi kỳ,
“Năm nay là một, nữa thì năm năm.
2409. “Mới hay tiền định chẳng lầm,
“Đã tin điều trước, ắt nhằm điều sau.
2411. “Còn nhiều ân ái với nhau,
“Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì!”
Cũng 10 câu 5 ý rành mạch: không lâu đâu, sau 5 năm là gặp lại - sư đã gặp Tam Hợp đạo cô - và nói rõ 5 năm nữa thôi - nàng đã tin điều trước thì sau cũng đúng - cơ duyên còn nhiều không phải vội vàng gì….
TT
NGƯỜI KỂ
NỘI DUNG CHỦ YẾU
TỪ… ĐẾN
Số câu
1
Vương Quan
Kể về Đạm Tiên cho hai chị nghe
0062-0080
17
2
Đạm Tiên
Nói về số phận của Kiều trong giấc mộng
0197-0202
6
3
Thúy Kiều
Kể về Mã Giám Sinh cho Vương Bà
0877-0890
14
4
Đạm Tiên
Kể về số phận Kiều tại nhà Tú Bà
0995-1000
6
5
Mã Kiều
Kể về Sở Khanh cho Kiều
1157-1166
10
6
Đạo sĩ
Đoán vận mệnh Kiều cho Thúc Sinh nghe
1692-1698
7
7
Giác Duyên
Kể lại lời đoán của sư Tam Hợp
2403-2412
10
8
Sư Tam Hợp
Đánh giá và tiên tri về cuộc đời Kiều
2655-2676
2679-2694
12
16
9
Đạm Tiên
Nói về số phận Kiều khi nàng được vớt ở sông Tiền Đường
2713-2724
12
10
Vương Ông
Kể cho Kim Trọng nghe về việc Kiều bán mình
2776-2792
17
11
Ông già họ Đô
Kể cho Kim Trọng nghe về Thúy Kiều 15 năm trước
2887-2912
16
12
Thúc Sinh
Kể cho Kim Trọng về Thúy Kiều
2917-2926
10
13
Người Hàng Châu
Kể cho Kim Trọng nghe về đoạn cuối đời Kiều
2959-2964
5
14
Giác Duyên
Kể chuyện về Kiều cho gia đình Vương Ông
2985-2992
8

7. Có ý thức về thời gian quá khứ
Truyện Kiều là tiểu thuyết tâm lý, kết cấu của câu chuyện dựa vào đường dây tâm lý, nên ít sự kiện, ít hành động. Các hành động, sự kiện có khi được miêu tả kỹ hoặc đan xen với tâm trạng của nhân vật hay thiên nhiên và tạo ra nhịp kể chậm. Nhiều khi cách kể lại tạo cảm giác ngưng đọng về mặt thời gian để miêu tả tâm lý, hành động trong một thời điểm nhất định. Ta có cảm giác sự vật gần như không có thay đổi trong dòng chảy của thời gian.
a. Đoạn mở đầu ở cảnh hội Đạp Thanh là một thí dụ. Biết bao nhiều chuyện từ lúc chị em Kiều ra về:
0051. Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Nào bước dần theo ngọn tiểu khê, nào lần xem phong cảnh … rồi Vương Quan dẫn gần xa kể lại cuộc đời của người dưới mộ là nàng ca nhi Đạm Tiên… Kiều khóc than, thắp hương, khấn vái, làm thơ … Rồi đối thoại của chị em Kiều, lại làm thơ vịnh … Cho đến lúc dùng dằng nửa ở nửa về rồi Kim Trọng tới …
Ta có thể kể thêm đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích, nhịp kể chậm thời gian như ngưng đọng, hết cảnh này đến cảnh khác, nhớ Kim Trọng, nhớ cha mẹ rồi 4 đoạn Buồn trông… Sự ngưng đọng lẩn quẩn về thời gian được gắn với nội dung để thể hiện tâm trạng của Thúy Kiều.
b. Đó là những tâm sự của nhân vật, những đêm trăn trở của Thúy Kiều sau khi gặp Kim Trọng, thao thức trong đêm mơ thấy Đạm Tiên…
0221. Nỗi riêng lớp lớp sóng giồi,
Nghĩ đòi cơn, lại sụt sùi đòi cơn…
+ Kể cả lúc Kiều có chút hạnh phúc, cũng là những lúc tâm trạng nàng được bộc lộ khi lắng lại một mình, khi là tâm sự với Kim Trọng về thời gian tới và những ngày sau nữa:
0443. Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?…
+ Cho đến đêm trao duyên, những suy nghĩ nội tâm của Thúy Kiều trước khi trao duyên cho Thúy Vân:
0699. Công trình kể biết mấy mươi,
Vì ta khăng khít cho người dở dang.
0701. Thề hoa chưa ráo chén vàng,
Lỗi thề, thôi đã phụ phàng với hoa!….
c. Những dằn vặt ê chề và cô đơn ở lầu xanh Tú Bà thành cả một đoạn dài tới 56 câu bắt đầu từ:
1219. Những nghe nói đã thẹn thùng,
Nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe!…
1233. Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
1235. Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường…
1273. Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.
Cho đến đoạn xuất hiện nhân vật mới: Thúc Sinh.
+ Khi là Kiều tâm sự với Thúc Sinh đến mấy lần về việc thu xếp chuyện gia đình trong tương lai:
1333. Nàng rằng: - “Muôn đội ơn lòng,
“Chút e bên thú bên tòng dễ đâu….
1475. “Trướng hồ vắng vẻ đêm thanh,
“E tình, nàng mới bày tình riêng chung.
1477. “Phận bồ từ vẹn chữ tòng,
“Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên….”
1505. Nàng rằng: - “Non nước xa khơi,
“Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm.
1507. “Dễ lòa yếm thắm trôn kim,
“Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng…”
d. Khi với Từ Hải là lúc Kiều nhắc nhớ lại những việc làm của Từ:
2421. Tạ ơn lạy trước Từ công:
- “Chút thân bồ liễu nào mong có rày.
2423. “Trộm nhờ sấm sét ra tay,
“Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi…”
+ Rồi đến những tính toán của Kiều khi nàng muốn thuyết phục Từ Hải ra hàng bằng cách nêu lại những lưu lạc gian truân đã qua:
2475. Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,
Đã nhiều lưu lạc, lại nhiều gian truân.
2477. Bằng nay chịu tiếng vương thần,
Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì….
e. Thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều. Một nét đặc biệt của thời gian trong truyện là không chỉ trình bày sự kiện nọ nối tiếp sự kiện kia mà Nguyễn Du đã biết dừng lại ở thời điểm hiện tại của sự việc để khám phá ra cái ý nghĩa phong phú của nó. Khám phá cái bây giờ là đi vào nội tâm của nhân vật, vào cái cá biệt không lặp lại của không gian và thời gian. Trong 24 chữ bây giờ chỉ có ba lần đặt ở cuối câu là hàm nghĩa bất lực, tỏ nỗi thất vọng (Ăn làm sao nói làm sao bây giờ…), còn 21 chữ bây giờ đều chỉ lúc hiện tại, ngay lúc ấy để nghĩ tới tương lai và quá khứ:
0117. Dễ hay tình lại gặp tình,
Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ.
0443. Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?…
Thúy Kiều đang là thân phận thanh y trong nhà Hoạn Thư, khi nhìn thấy Thúc Sinh xuất hiện lúc bước ra một bước một dừng là hai lần dùng chữ bây giờ trong độc thoại nội tâm để nghĩ về những ngày đã qua và sắp tới:
1809. Bây giờ tình mới tỏ tình,
Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai…
1817. Bây giờ đất thấp trời cao,
Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?
Rồi sau trận đòn ghen ghê gớm lại là hai chữ bây giờ của nàng như vậy về những quan hệ của nàng với Thúc Sinh :
1873. Bây giờ mới rõ tăm hơi,
Máu ghen, đâu có lạ đời nhà ghen…
1877. Bây giờ một vực một trời,
Hết điều khinh trọng, hết lời thị phi.
Khi Từ Hải thành công trở về nhắc nàng “Nhớ lời nói những bao giờ hay không?” thì Thúy Kiều đã trả lời:
2281. Đến bây giờ mới thấy đây,
Mà lòng đã chắc những ngày một hai.
Cái bây giờ là để đáp lại cái bao giờ của mấy năm trước nhưng cũng là những ngày một hai của những năm sau.
Còn với Kim Trọng thì đến tiệc đoàn viên cùng Thúy Kiều lại là:
3137. Những từ sen ngó đào tơ,
Mười lăm năm mới bây giờ là đây!
Những chữ bây giờ ở trên đều là hiện tại, là tương lai, là quá khứ của Thúy Kiều với ba người tình của mình với Thúc Sinh (4), với Từ Hải (1) và với Kim Trọng (1).
Cũng như trong các truyện Nôm hay trong các tiểu thuyết cũ, trong Kim Vân Kiều Truyện, các nhân vật nói năng, hoạt động trong hiện tại, cái “hiện tại vĩnh viễn và muôn đời”, chỉ biết có hiện tại lúc ấy mà thôi. Đến Truyện Kiều, bên cạnh thời gian khách quan còn có thời gian tâm lý, thời gian của nội tâm mà thời gian tâm lý thì không chỉ có hiện tại mà còn có quá khứ và tương lai, tức là nhân vật Truyện Kiều sống trong ba thời gian nội tâm và một thời gian khách quan. Về thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều, Giáo sư Phan Ngọc viết:
“Khi con người cô độc xuất hiện, lập tức có sự đối lập giữa cái thời gian khách quan của sự diễn biến các sự vật với cái thời gian nội tâm, chủ quan trong lòng từng người. Thúy Kiều trong phòng khuê nghĩ “Phận con thôi có ra gì mai sau” (0234), trên lầu Ngưng Bích, nghĩ đến quá khứ, đến buổi gặp gỡ đầu tiên với người yêu. Kim Trọng đứng trước vườn Thúysững sờ trước hiện tại, hồi tưởng tới quá khứ. thời gian nội tâm tách thành ba thời gian: con người trong Kiều, dù đó là Thúy Kiều, Kim Trọng hay Từ Hải, đều đối chiếu hiện tại với quá khứ và lo lắng cho tương lai. Thời gian nội tâm ra đời bên cạnh thời gian khách quan làm cho nghệ thuật thêm một phạm trù mới là phạm trù thời gian. Cái thời gian nội tâm ấy không được đo bằng kim đồng hồ mà bằng những xúc cảm của con tim. Nó dài hay ngắn là tùy theo những xúc cảm này, một biến cố mà trong nghệ thuật cũ chỉ trình bày một lần, bởi vì nghệ thuật cũ theo cái thời gian khách quan, biến cố nào cũng chỉ xảy ra một lần trong một khoảng thời gian nhất định thì nay muốn xảy ta bao nhiêu lần cũng được…” (Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều).
Vừng trăng vằng vặc giữa trời khi Kim Trọng và Thúy Kiều thề thốt sẽ hiện ra khi hai người chia tay trong lời dặn dò của chàng Kim:
0541. Trăng thề còn đó trơ trơ,
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.
Hay trong tâm tưởng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích:
1039. Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ…
Trong Truyện Kiều, hàng loạt chữ bỗng, chữ thoắt rồi chữ đâu cho thấy một hành động vừa xong hành động khác đã ập tới, một hành động chưa xong, nhân vật chưa kịp hiểu gì, hành động khác đã ập tới…
14 chữ bỗng với nghĩa chợt, thình lình, khi không, không ngờ, bỗng không (Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao…). Rồi 17 chữ thoắt là vụt, chợt, bỗng (Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương…).
Trong Truyện Kiều có 104 chữ đâu thì chỉ có 7 trợ từ có ý hỏi than phỏng đoán (Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu…). 44/104 chữ đâu có nghĩa như ở đâu, thế nào, sao (Lòng đâu sẵn mối thương tâm, Nhạc vàng đâu đãtiếng nghe gần gần…)
Đó là dạng tiêu biểu của thời gian sự kiện trong Truyện Kiều như Giáo sư Trần Đình Sử đã viết:
“Trong tương quan với ước mơ và hành động của Thúy Kiều, các sự kiện ngang trái ập đến như một cái gì phi lý, ngẫu nhiên, bất ngờ, ngoài ý muốn. Nó làm cho thời gian, sự kiện trong Truyện Kiều có cái nhịp gấp khúc, chồng chéo, sự kiện này chưa xong, sự kiện kia đã tới, gối đầu lên nhau, chồng chất, xô đẩy nhau, khi tai họa cũng như khi hạnh phúc…
“… Thời gian gấp khúc này một mặt phản ánh tính chất dang dở, không trọn vẹn, oan trái của tiến trình đời sống nói chung và của Kiều nói riêng, mặt khác lại tô đậm tính chất vô lý, tàn nhẫn, phũ phàng của các thế lực đen tối. Nhịp điệu này quy định sự sử dụng đặc biệt các trạng từ thời gian: vội, vội vàng, kíp, kịp, đã, thoắt (Thi pháp Truyện Kiều ).
Khi Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân, nàng có nói:
0737. Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
0739. Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Nói câu chuyện hiện tại nhưng Kiều lại nhắc đến mảnh hương nguyền ngày xưa, vì sau biết bao nhiều năm nữa, em đã là vợ của chàng Kim thì mảnh hương nguyền ấy đã có từ bao năm trước, và như thế hiện tại, tương lai và quá khứ đan xen trong Truyện Kiều là như vậy.
f. Cảm giác về thời gian đã qua của các nhân vật cũng làm cho nhịp kể chậm lại. Ở Truyện Kiều, nhân vật chưa biết hồi tưởng nhưng bước đầu đã có ý thức về thời gian đã qua, có ý thức về sự nhớ lại ấy.
Ý thức về quá khứ chủ yếu được thể hiện trong cảm giác về cái xa xưa của các nhân vật như khi Kim Trọng trở lại vườn Thúythì hàng loạt chữ xưa đã được sử dụng với khác xưa, năm xưa, thề xưa, của xưa, lời xưa…trong những câu như:
2743. Vội sang vườn Thúy dò la,
Lần xem phong cảnh nay đà khác xưa.
2751. Cuối tường gai góc mọc đầy,
Đi về này những lối này năm xưa.
2807. Thề xưa, giở đến kim hoàn,
Của xưa, lại giở đến đàn với hương.
2933. Lời xưa đã lỗi muôn vàn,
Mảnh hương còn đó, phím đàn còn đây…
+ Rồi hai lần với chữ tình xưa và 4 lần với chữ ngày xưa:
2845. Khi ăn ở, lúc ra vào,
Càng âu duyên mới, càng dào tình xưa.
2865. Tình xưa ơn trả nghĩa đền,
Gia thân bèn mới kết duyên Châu Trần.
2823. Thần hôn chăm chút lễ thường,
Dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa.
2849. Có khi vắng vẻ thư phòng,
Đốt lò hương, giở phím đồng ngày xưa.
2577. Cung cầm lựa những ngày xưa,
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây.
2711. Mơ màng phách quế hồn mai,
Đạm Tiên, thoắt đã thấy người ngày xưa.
Như vậy cách kể trong Truyện Kiều có một đặc điểm nổi bật là có ý thức về thời gian, nghĩ về quá khứ và tương lai, là tính chủ quan rõ rệt, không chỉ ở những đoạn kể của người kể chuyện vô hình mà ở cả những đoạn do một nhân vật trong truyện kể về một nhân vật khác. Đây chính là điểm quan trọng của thi pháp kể chuyện ngày nay nên nhiều người cho rằng Truyện Kiều đã có một số đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại.
8. Thêm bớt tình tiết để xây dựng nhân vật hoặc kể lại sự việc theo ý đồ của mình. 
Đây là một đặc điểm trong việc xây dựng nhân vật hoặc kể lại sự việc của Nguyễn Du. Như việc bỏ tình tiết Sở Khanh ăn nằm với Thúy Kiều từ trước hay những lần Hồ Tôn Hiến dùng thuyết khách để dụ hàng…. Tuy nhiên khi Kim Trọng dò hỏi về cuộc đời lưu lạc của Thúy Kiều, Nguyễn Du vẫn dùng ba nhân vật khác nhau kể lại như của Thanh Tâm Tài Nhân (Viên lại già họ Đô, Thúc Sinh và người Hàng Châu), vì đây là cách diễn tả hay nhất. Chúng tôi chỉ xin nêu ra đây một đoạn mà Nguyễn Du thêm vào nhiều tình tiết để so sánh: Đoạn Kim Trọng trở lại vườn Thuý.
+ Kim Vân Kiều Truyện kể lại bằng trên chục dòng như sau:
“Nay tạm gác chuyện Thúy Kiều nương náu tại Am Vân Thủy của Giác Duyên, mà hãy nhắc lại khi Kim Trọng cùng cha trở về Liêu Dương thu xếp công việc ma chay cho chú và tiền nong trong tiệm mới xong việc ra về.
“Khi về tới nhà trọ, chàng vội sang hiên Lãm Thúy hỏi thăm Thúy Kiều, thì nàng đã đi trước đây 4 tháng, mà cả gia đình cụ Vương viên ngoại cũng dọn đi nơi khác rồi. Chàng bèn lần theo lối cũ, dòm ngó lúc lâu, tuyệt không một người qua lại. Hỏi thăm láng giềng, họ mới đem việc Vương Ông mắc nạn, Thúy Kiều bán mình v.v...kể rất tường tận để chàng hay, thì chàng hoảng hốt tái người. Lập tức hỏi thăm tới chỗ Vương Ông di trú, nhìn thấy căn nhà lúp xúp, khác với quang cảnh ngày xưa. Không thể nén được xúc động, chàng bèn kêu lớn lên rằng: Anh Vương Quan tôi có nhà chăng tá?
“Lúc ấy Vương Quan ở trong nhà nghe hỏi tên mình, vội vàng chạy ra thấy chàng Kim Trọng, liền hỏi: - Anh Kim về đây hồi nào?...”.
15 dòng văn xuôi trên đây của Kim Vân Kiều Truyện được Nguyễn Du phát triển thành 36 dòng thơ cũng rành rẽ lớp lang gồm 9 đoạn rất thần tình (4+4+8+4+4 +2+4+4+2):
+ 4 câu tuy chỉ là chuyển đoạn nhưng vừa kể chuyện Kiều tự tử rồi được cứu vừa nói đến tình cảnh Kim Trọng, từ nạn xưa đến duyên xưa từ nỗi nàng đến nỗi chàng khúc chiết, phân minh:
2737. Nạn xưa trút sạch làu làu,
Duyên xưa chưa dễ biết đâu chốn này.
2739. Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
+ 4 câu tả Kim từ Liêu Dương trở lại, vội vã tìm đến vườn Thúy dò la rồi nhìn cảnh vật để chuẩn bị cho 8 câu tiếp theo:
2741. Từ ngày muôn dặm phù tang,
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà.
2743. Vội sang vườn Thúydò la,
Lần xem phong cảnh nay đà khác xưa.
+ 8 câu là phong cảnh thiên nhiên và cảnh vật vườn xưa:
2745. Đầy vườn cỏ mọc lau thưa,
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời.
2747. Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
2749. Xập xè én liệng lầu không,
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày.
2751. Cuối tường gai góc mọc đầy,
Đi về này những lối này năm xưa.
+ 4 câu tả nỗi lòng Kim Trọng khi chàng tìm hỏi láng giềng:
2753. Chung quanh lặng ngắt như tờ,
Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?
2755. Láng giềng có kẻ sang chơi,
Lân la sẽ hỏi một hai sự tình.
+ 4 câu đối đáp và 2 câu gia cảnh nhà Kiều:
2757. Hỏi ông, ông mắc tụng đình,
Hỏi nàng, nàng đã bán mình chuộc cha.
2759. Hỏi nhà, nhà đã dời xa,
Hỏi chàng Vương với cùng là Thúy Vân,
2761. Đều là sa sút khó khăn,
May thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi.
Kim Trọng lần lượt hỏi về những ai, hoàn cảnh gia đình thế nào, cả những chuyện Thúy Vân và Vương Quan may thuê viết mướn cũng đều không có trong Kim Vân Kiều Truyện.
+ 4 câu tả tâm lý và hành động của Kim Trọng:
2763. Điều đâu sét đánh lưng trời,
Thoắt nghe chàng đã rụng rời xiết bao.
2765. Hỏi thăm di trú nơi nao,
Kiếm đường, chàng mới tìm vào tận nơi.
+ 4 câu là quang cảnh nơi ở mới của gia đình Kiều và 2 câu kết đoạn:
2767. Nhà tranh vách đất tả tơi,
Lau treo rèm nát, trúc gài phên thưa.
2769. Một sân đất cỏ dầm mưa,
Càng ngao ngán nỗi, càng ngơ ngẩn dường.
2771. Đánh liều lên tiếng ngoài tường,
Chàng Vương nghe tiếng vội vàng chạy ra…
9. Kiều nhớ nhà. Đặc biệt, trong Kim Vân Kiều Truyện không một lần nào nói đến chuyện Kiều nhớ nhà. 
Nhưng để thêm tình tiết xây dựng nhân vật của mình, nêu bật được cái tình và chữ tâm của Kiều, Nguyễn Du đã mô tả nhiều lần nàng nhớ cha mẹ, nhớ người yêu.
Ông già họ Đô đã đánh giá: Thúy Kiều tài sắc ai bì, chính cái tài đã đưa Kiều đến những tai vạ, như phù hợp với tư tưởng “tài mệnh tương đố”, nhưng bên cạnh cái tài còn là cái tình, chữ tâm, tấm lòng của Thúy Kiều. Và Chu Mạnh Trinh đã phải thốt lên: Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu… Với Nguyễn Du, cái tình của Kiều sâu nặng hơn trong Kim Vân Kiều Truyện rất nhiều. Như trên đã nói, câu chuyện của Thanh Tâm Tài Nhân vừa kỳ, vừa xảo, khéo ở chỗ bố trí nhiều sự việc lặp lại, bề ngoài giống nhau mà bên trong khác nhau như những lần Kiều gảy đàn, Kiều lấy chồng, Kiều mơ thấy Đạm Tiên…, mỗi lúc một khác. Thanh Tâm Tài Nhân không tả một lần nào Kiều nhớ nhà, nhưng nàng Kiều của Nguyễn Du là một con người khác hẳn, những lần Kiều đánh đàn, Kiều lấy chồng… đã được chúng tôi nói đến trong quyển Về những thủ pháp nghệ thuật trong Văn chương Truyện Kiều và Thế giới nhân vật Truyện Kiều, nay xin xét đến 6 lần Kiều nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ Kim Trọng.
Nói về những lần Kiều nhớ nhà, trong quyển “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam”, nhà thơ Xuân Diệu có viết:
“Nguyễn Du lấy chỗ xuất phát là tâm trạng, tấm lòng của một con người, một chữ mình, cho nên khi kể lại những tai biến phi thường của Thúy Kiều trong mười lăm năm, Nguyễn Du biết những chỗ nào nên đặt bút nghỉ để nhìn trước trông sau, như đặt Thúy Kiều trong một cái sân ga lưu lạc, làm cho người đọc vô hạn thấm thía”.
Và ông gọi là 5 ga thương nhớ: Ga thứ nhất là ở lầu Ngưng Bích, ga thứ hai ở lầu xanh Tú Bà, ga thứ ba khi Kiều chờ đợi Thúc Sinh về thăm vợ cả, sắp sửa bị Khuyển Ưng bắt, ga thứ tư khi chuyển sang làm đầy tớ cho Hoạn Thư và ga thứ năm sau khi Từ Hải ra đi Kiều mỏi mòn chờ đợi.
Ông Nguyễn Thạch Giang tính ra có 7 lần Kiều nhớ nhà thêm hai lần là khi Kiều trên đường đến Lâm Tri, và lần mới quen Thúc Sinh, nàng đã trả lời không họa thơ do tâm lý nhớ nhà:
1319. Lòng còn gửi áng mây Hàng.
Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay”.
Kiều không họa lại vì tứ thơ còn gửi ở đám mây Hàng (Nhớ nhà - theo điển tích về Địch Nhân Kiệt) như ở trong Kim Vân Kiều Truyện, nếu không tính đây là một lần Kiều nhớ nhà thì trong Truyện Kiều, thật ra chỉ có 6 lần Kiều nhớ nhà mà thôi.
Khi xét đến những ga thương nhớ này, nhà thơ Xuân Diệu chỉ đề cập đến những câu Kiều nhớ cha mẹ và người yêu. Nay chúng tôi xét kỹ hơn những đoạn này theo đúng thứ tự với các giai đoạn: hoàn cảnh - nhớ cha mẹ - nhớ người yêu và kết đoạn. Đồng thời có so sánh hay đúng ra là nêu lại những chỗ Kiều nhớ nhà gần như không thấy nói gì trong Kim Vân Kiều Truyện để thấy rõ thiên tài sáng tạo của Nguyễn Du, nhà thơ đã cho ta những đoạn thơ hay trong những đoạn hay nhất Truyện Kiều.
a. Kiều nhớ nhà lần thứ nhất trên đường đến Lâm Tri:
0911. Nàng thì dặm khách xa xăm,
Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây.
0913. Vi lô san sát hơi may,
Một trời thu, để riêng ai một người.
0915. Dặm khuya ngất tạnh mù khơi,
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
0917. Rừng thu từng biếc chen hồng,
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn.
+ Đoạn thơ này gồm 8 câu (4+2+2) với 4 câu tả tâm trạng Kiều trên đường đi, 2 câu nhớ Kim Trọng (những lời non sông) và 2 câu nhớ cha mẹ in nghiêng (tấm lòng thân hôn).
+ Đầu hồi VIII, Kim Vân Kiều Truyện viết:
“Thúy Kiều lẩm nhẩm một mình: Quả thực không sai với điều ta đã dự đoán. Thế rồi trên quãng đường đi, nhìn phong cảnh lạ, động mối thương tâm, dòng lệ đã khô, hơi thở hầu như cũng kiệt, gượng ngâm một bài thơ tứ tuyệt, để ghi lại nỗi oán hờn:
“Dặm đường quan tái những mênh mông,
Mặt sóng chân bèo sá nỡ trông.
Riêng mối tình si không giũ sạch,
Bóng tà mây nổi kín non sông…”.
Trong bài thơ tứ tuyệt này và 2 bài ngũ ngôn tiếp theo, Thúy Kiều chỉ tả cảnh, không có một câu nào nói lên nỗi nhớ nhà, cha mẹ, chỉ nghĩ đến Kim Trọng với mối tình si không giũ sạch.
b. Kiều nhớ nhà lần thứ hai ở lầu Ngưng Bích:
1037. Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
1039. Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
1041. Chân trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
1043. Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ.
1045. Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
1047. Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
1049. Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu.
1051. Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
1053. Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
+ Đoạn thơ này gồm 18 câu (2+4+4+4+4), hai câu mở đầu với nửa tình, nửa cảnh để sau đó là 8 câu tả tình (4 câu nhớ Kim Trọng, 4 câu nhớ cha me) và 8 câu tả cảnh (4 câu cảnh xa, 4 câu cảnh gần có mối liên hệ với đoạn tả tình ở trước).
+ Ở lầu Ngưng Bích, giữa hồi VIII, Kim Vân Kiều Truyện tả:
“Nguyên cái lầu này, phía đông nhìn ra biển rộng, phía tây nhìn ra kinh kỳ, phía nam có thành Kim Lăng, bắc có dãy núi Kỳ Sơn. Trước cảnh cô liêu đó, nàng cảm thấy bâng khuâng nhớ lại cái ngày với chàng Kim thề thốt, mối tình nồng nhiệt biết bao? Thế mà ngày nay biệt vô âm tín, lòng nào mà chẳng tái tê, bèn đề mười vận Bất giai để ghi nỗi niềm thương nhớ…”.
Cả 10 bài Bất giai này (Chẳng cùng nhau – giai chữ Hán nghĩa là cùng), đều chỉ nói về mối tình không được cùng nhau với Kim Trọng, một cách chung chung không có một câu nào nói đến cha mẹ.
c. Kiều nhớ nhà lần thứ ba khi nàng đã chấp nhận tiếp khách ở lầu xanh Tú Bà:
1251. Ôm lòng đòi đoạn xa gần,
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau.
1253. Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
1255. Dặm nghìn nước thẳm non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này.
1257. Sân hoè đôi chút thơ ngây,
Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình.
1259. Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai.
1261. Khi về hỏi liễu Chương Đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.
1263. Tình sâu mong trả nghĩa dày,
Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?
1265. Mối tình đòi đoạn vò tơ,
Giấc hương quan luống lần mơ canh dài.
1267. Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.
+ Đoạn này có 18 câu (2+6+6+4), 2 câu chuyển đoạn, 6 câu nhớ cha mẹ, 6 câu nhớ Kim Trọng (có 2 câu về duyên của chàng với Thúy Vân) và 4 câu kết đoạn, rất cân xứng, xin xem thêm bảng kê ở cuối sách.
+ Tại lầu xanh của Tú Bà, đầu hồi XI, Kim Vân Kiều Truyện viết:
“Thúy Kiều thường thường nghĩ mình xuất thân là hạng người thế nào, bình sinh hứa hẹn những gì, mà ngày nay rơi vào nơi bể khổ biết bao giờ có ngày mở mày mở mặt, vì thế mà mối sầu chan chứa, mới viết ra bài Khốc hoàng thiên (Khóc trời) để ghi lại nỗi bất bình…. (Nội dung Bài ca). Bài ca này ai nghe cũng phải động mối thương tâm, mà người nào mục kích thì cũng sa lệ”.
Bài ca này chỉ nói nỗi khổ đau của người kỹ nữ phải chiều chuộng mọi khách làng chơi, đủ loại sang hèn, kể cả loại thô lỗ, tục tằn, không thì bị đánh cho tóe máu toạc da, treo ngược xà nhà, chết ngất đi bao lượt… mà không có một câu nào nói đến nỗi nhớ nhà, cha mẹ và người yêu.
d. Kiều nhớ nhà lần thứ tư khi Thúc Sinh về Vô Tích thăm Hoạn Thư:
1627. Nàng từ chiếc bóng song the,
Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu.
1629. Bóng dâu đã xế ngang đầu,
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi.
1631. Tóc thề đã chấm ngang vai,
Nào lời non nước, nào lời sắt son.
1633. Sắn bìm chút phận con con,
Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng.
1635. Thân sao nhiều nỗi bất bằng,
Liều như cung Quảng, ả Hằng nghĩ nao.
1637. Đêm thu gió lọt song đào,
Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời.
+ Đoạn này có 12 câu (2+2+2+2+2+2) gồm 2 câu chuyển đoạn cũng là tâm sự của Kiều, 2 câu nhớ cha mẹ, 2 câu nhớ Kim Trọng và 2 câu duyên phận của nàng với Thúc Sinh, 2 câu tâm trạng của Kiều và 2 câu phải chăng nghĩ đến Thúc Sinh (Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời).
+ Đầu hồi XIV, khi Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, Kim Vân Kiều Truyện viết:
“Nhưng rồi luôn luôn nhận được thư chàng đều nói một loạt như thế, nên nàng cũng thấy an tâm. Chỉ còn nỗi nhớ Thúc Sinh, ngày đêm không hề sao nhãng, bèn theo thơ Tự quân chi xuất hĩ (Từ chàng ra đi) ở trong Cổ Thi ngâm thành 6 bài ngũ ngôn tứ tuyệt”.
Cả 6 bài thơ này đều nói về Thúc Sinh bắt đầu bằng Từ chàng ra đi đều là cảnh chăn đơn gối chiếc, võ vàng vì trông ngóng mà không có một câu nào nói đến nỗi nhớ nhà, cha mẹ và Kim Trọng.
e. Kiều nhớ nhà lần thứ năm khi theo lũ thanh y ở nhà Hoạn Thư:
1783. Cửa người đày đọa chút thân,
Ngày ngơ ngẩn bóng, đêm năn nỉ lòng.
1785. Lâm Tri chút nghĩa đèo bồng,
Nước bèo để chữ tương phùng kiếp sau.
1787. Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà.
+ Ở nhà Hoạn Thư, sau khi lựa dây, đàn cho tiểu thư, Kiều tạm yên với chức phận thanh y, nhớ nhà bằng 6 câu, 2 câu tâm sự, 2 câu nghĩ đến Thúc Sinh và 2 câu nhớ nhà (mây trắng).
+ Cuối hồi XIV, sau khi Kiều đàn cho Hoạn Thư và được “Tiểu thư xem cũng thương tài”, Kim Vân Kiều Truyện viết:
“Tiểu thư nghe xong tỏ ý vui mừng, bảo: - Người đã giỏi ngón đàn, vậy thì từ đây về sau cứ ở bên ta, để lúc thư nhàn giúp thêm cảm hứng, khỏi phải ở lẫn trong đám tôi đòi.
“Nàng ngỏ lời cảm tạ tiểu thư có lòng cất nhắc, từ hôm ấy, ngày đêm được ở bên tiểu thư, nhờ có cung đàn tiếng hát cũng tạm hả bớt được nỗi bất bình”.
Như vậy trong Kim Vân Kiều Truyện, Kiều không có ý nghĩ nào đến gia đình.
f. Kiều nhớ nhà lần thứ sáu khi chờ đợi Từ Hải ra đi lập sự nghiệp:
2231. Nàng từ chiếc bóng song mai,
Đêm thâu đằng đẵng nhặt cài then mây.
2233. Sân rêu chẳng vẽ dấu giày,
Cỏ cao hơn thước, liễu gầy vài phân.
2235. Đoái trông muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
2237. Xót thay huyên cỗi xuân già,
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi.
2239. Chốc đà mười mấy năm trời,
Còn ra khi đã da mồi tóc sương.
2241. Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.
2243. Duyên em dầu nối chỉ hồng,
May ra khi đã tay bồng tay mang.
2245. Tấc lòng cố quốc tha hương,
Đường kia nỗi nọ, ngổn ngang bời bời.
2247. Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.
+ Đoạn này có 18 câu (4+6+4+4) gồm 4 câu tâm sự, 6 câu nhớ đến cha mẹ, 4 câu nhớ Kim Trọng và duyên phận của chàng với Thúy Vân, 4 câu tâm trạng Kiều và nhớ đến Từ Hải.
+ Cuối hồi XVII, Từ Hải ra đi, Kim Vân Kiều Truyện kể:
“Thúy Kiều nghe Từ nói thế thì đã đoán rõ tâm sự. Từ bèn mua riêng một sở để cùng ăn ở với nàng. Được hơn năm tháng thì Từ dứt áo ra đi.
“Nào biết đi để làm gì? Hãy đợi hồi sau phân giải”.
Sang đầu hồi XVIII, thì:
“Nói về Thúy Kiều thấy Từ Minh Sơn dứt áo ra đi, ba năm đằng đẵng không tin tức gì. Bỗng một hôm nghe nói quân giặc tràn đến, dân cư chạy trốn quang lâng, những người quen thuộc cũng khuyên nàng nên tạm lánh…”.
Như vậy, trong Kim Vân Kiều Truyện, Kiều cũng không có một câu nhớ nhà hay người yêu, kể cả Từ Hải mới ra đi.
Bình luận 6 đoạn thơ này thì có thể viết rất nhiều, mỗi đoạn lại có thể phân tích theo những góc độ khác nhau và có thể so sánh giữa những lần Kiều nhớ nhà để thấy rõ bút pháp của Nguyễn Du trong cách kể chuyện và lời kể. Chúng tôi chỉ xin nêu ra đây mấy nhận xét chính:
+ 3 lần Kiều nhớ nhà bằng 18 câu, 2 lần nhớ đến người yêu trước, cha mẹ sau (Lần 1 và 2), mà phân đoạn rất rõ ràng, có lớp lang thứ tự với những tình tiết tương đồng mà nặng chất thơ.
+ 2 lần Kiều nhớ đến Kim Trọng bằng 2 câu rất cân đối với Kim Trọng là những tiểu đối 4-4 (in nghiêng) và duyên của chàng với Thúy Vân cùng bằng 2 câu với 2 chữ duyên dùng rất chính xác ở lần 4 và lần 6:
1631. Tóc thề đã chấm ngang vai,
Nào lời non nước, nào lời sắt son.
1633. Sắn bìm chút phận con con,
Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?...
2241. Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.
2243. Duyên em dầu nối chỉ hồng,
May ra khi đã tay bồng tay mang.
+ 3 lần Nguyễn Du mở đầu đoạn Kiều nhớ nhà bằng cùng một kiểu:
0911. Nàng thì dặm khách xa xăm… (Lần 1)
1627. Nàng từ chiếc bóng song the… (Lần 4)
2231. Nàng từ chiếc bóng song mai… (Lần 6)
+ 3 lần đầu số câu nhớ cha mẹ và Kim Trọng bằng nhau và tăng dần từ 2 đến 6 (2-2, 4-4, 6-6) – Xem bảng kê ở cuối sách.
+ Lần 5, nàng nghĩ đến Thúc Sinh trước, đến gia đình sau cùng có 2 câu (2-2). Lần 4 và lần 6 thì ngược lại nhớ cha mẹ trước tăng dần 2-6 câu - nhớ Kim Trọng vẫn 2 câu nhưng kèm thêm 2 câu về thân phận lẽ mọn của mình với Thúc Sinh và mối duyên của Kim Trọng với Thúy Vân như trên đã nói.
+ 3 lần Kiều nghĩ đến người yêu trước khi nhớ nhà (Lần 1, 2 và 5).
Tóm lại, nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Du có tới 8 đặc điểm sau: đơn giản hóa sự kiện, tập trung vào nhân vật chính, bớt kể mà tăng miêu tả và kể chuyện theo đường dây tâm lý, thêm những cảnh thiên nhiên, tập trung kể tỉ mỉ một vài biến cố, nhịp kể xen kẽ khi nhanh khi chậm, đa dạng hóa cách kể, có ý thức về thời gian quá khứ, thêm bớt tình tiết để kể lại sự việc theo ý đồ của mình. Ngoài ra Nguyễn Du còn thêm những đoạn tả tâm lý nhân vật như những lần Kiều nhớ nhà ở trên và nếu có làm một thống kê với những con số cụ thể, ta mới thấy hết cái độc đáo của Nguyễn Du qua 6 lần Kiều nhớ nhà, xin để dành quý vị độc giả nhận xét.
PHẠM ĐAN QUẾ
Nguồn: Trích trong Thế giới nghệ thuật Truyện Kiều
Theo  http://newvietart.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...