Căn thơ lục bát Đỗ Trọng Khơi
Tính số lượng những bài thơ mà Đỗ Trọng Khơi làm từ những năm
tám mươi của thế kỷ trước cho đến nay không phải là ít, dễ đến hơn chục tập,
ngót nghét cũng đã có cả nghìn bài. Thế nhưng, hầu như ai cũng cho rằng phần
thơ hay nhất, tinh hoa nhất của Đỗ Trọng Khơi thuộc về lục bát. Tôi cũng nghĩ
như vậy. Ở bất cứ tập thơ nào của anh, những bài thơ lục bát cũng chiếm phần nổi
trội, nặng đồng cân cả về lượng lẫn chất. Ngay cả bài
thơ tự vịnh về bản thân mình, bằng một cách rất tự nhiên, nhà thơ này cũng tìm
về lục bát: “Có người họ Đỗ tên Khơi/thân như mây nổi tự thời mới ra/ mặt trần
gian chửa thấy già/ nghe sương gió vẫn oa oa khóc cười…” (Tựa).
Quả vậy, Đỗ Trọng Khơi sinh ra thuộc về lục bát, có căn lục
bát.
Nếu bảo rằng nhà thơ này có sở trường, có tài thơ lục bát, hẳn
là thế. Nhưng tại sao trọng lượng đời thơ anh lại dồn về lục bát? Và cứ phải lục
bát mới phô diễn hết vẻ đẹp và chiều sâu bí ẩn của tâm hồn thi sĩ? Dường
như có một mối căn duyên sâu xa giữa hồn thơ này và thể điệu thơ lục bát. Hồn
thơ ấy chỉ tìm đến và kiến tạo thơ theo thể điệu ấy, và thể điệu ấy sinh ra là
để chuyên chở hồn thơ ấy. Tôi nghĩ, hồn thơ Đỗ Trọng Khơi neo đậu vào
trong lòng lục bát theo cách rất đỗi tự nhiên, như cánh chim sà vào giữa lòng
cây, như đứa con đậu vào lòng mẹ…
Cõi sống phôi pha
Mỗi người nghệ sĩ cảm nhận về thế giới theo những cách rất khác nhau, do đó
cũng có những cách lên tiếng rất khác nhau. Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi nhìn thế giới
bằng một cách rất lạ: nhìn đâu cũng thấy phôi pha. Đời người phôi pha. Mùa tiết
phôi pha. Hoa cỏ phôi pha. Mây gió phôi pha… Tất thảy, trong cảm quan của nhà
thơ, phôi pha như một trạng thái bao trùm cõi sống. Tâm hồn nhà thơ cực bén nhạy
với trạng thái phôi pha.
Đây là nỗi phôi pha của kiếp người: Xót ngày hoang hoại
con người/Thời gian mấy mảnh ghép chơi vô cùng (Tựa). Đây là sự phôi pha của
mùa tiết, thời gian: Chầm chậm nhịp bước mùa đi/Thời gian vây bởi bốn bề
lá phai (Đông). Còn ở đây, cụ thể hơn, kỹ lưỡng hơn, hiện lên những sự sống
thiên tạo cũng đang rơi vào trạng thái phôi pha: Di cư mười ngón vô thường/
tiếng chim đã mỏng, mùi hương sắp tàn (Mười ngón chiều tháng một).
Nhà thơ đã công khai cất lên nỗi phôi pha với nhiều sắc điệu
trong khá nhiều những câu thơ rải rác:
- Cỏ cây sỏi đá hư hao
mảnh trăng dính hạt ánh vào hư không
Bóng cây cô phụ bên đường
cúi ôm từng dấu yêu thương phai mờ (Một sớm mai)
- Một chiều không ngắn không dài
gió the the để nắng phai phai mùa (Một chiều)
- Mai kia bóng rụng, hình rơi
sống vào cõi chết, nhẹ dời bước đi (Chúc thư)
Trạng thái phôi phai trong thơ Đỗ Trọng Khơi thuộc ba dạng: thứ
nhất: sự hao mòn, hao khuyết; thứ hai: bước vào cõi chết; và thứ ba,
bao trùm cả hai dạng trước, đó là sự vô thường. Vô thường chính là sự phôi pha
tận cùng, tiến về cái Không, cái Hư vô. Nhiều khi nhà thơ ngẫm về lẽ hư
vô, vô thường của cõi sống, của kiếp người: Cầm lòng như một chút hơi/còn
thì thoảng nhẹ, tan rồi hư không (Cầm lòng). Trong thơ Đỗ Trọng Khơi đầy rẫy
những chữ “hư vô”, “hư hoại”, “vô ảnh”, “vô thường”, “vô trú”, “cõi
không”, “bầu không”, “địa đàng”, “nhân ảnh”, “cát bụi”, “phù vân”, “sương khói”… Cái
vô thường như một ám ảnh đối với nhà thơ. Trở đi trở lại trạng thái phôi pha của
cõi sống, trong chiều sâu chân thực nhất, khá nhiều câu thơ Đỗ Trọng Khơi khiến
người đọc xa xót, mủi lòng.
Phôi pha, cao hơn phôi pha là sự hư hoại, cao hơn sự hư hoại
là cái chết. Bị cảnh giới phôi pha mà đỉnh cao là cái chết ám ảnh, hồn thi sĩ
xuất hiện một tâm thái đối nghịch: bấu vào sự sống và bộc lộ niềm tha thiết sống.
Đây cũng là bản năng sống dường như tất yếu của hết thảy chúng sinh. Khi trước,
nhà thơ Xuân Diệu cũng vậy. Càng cảm nhận sâu sắc qúa trình tàn hủy của sự sống,
nhà thơ càng bám chặt vào sự sống, “quyết đấu” chống lại cái chết bằng thơ (chữ
dùng của GS Nguyễn Đăng Mạnh). Đỗ Trọng Khơi không có được cái “tráng chí” ấy.
Tuy nhiên, anh đã muốn mình làm một “phiến đá” để neo vào cuộc đời này. Hình ảnh
phiến đá trở đi trở lại trong thơ Khơi không ít lần, mà lần nào cũng có chút ngậm
ngùi:
- Ta phiến đá sống bên đường
Trái tim lặng lẽ thấm hương sắc mùa… (Phiến đá sống)
- Tôi mong manh cả tiếng cười
ước thành đá tảng sống đời lặng im (Phố chiều thu)
- Chiều nay thu nổi bời bời
u ơ phiến đá góc trời khói sương (Khói sương)
Đá là một dạng thể vật chất, mà quảng tính của nó là nặng, trầm, lặng im, định
vị, khó chuyển dời. Càng cảm nhận sâu sắc về cái chết, về tính hư vô của kiếp
người, nhà thơ lại càng khao khát trở thành đá phiến để được ở lại, khẳng
định sự có mặt của mình giữa cõi sống này, cho dù với vị thế rất đỗi khiêm nhường:
“bên đường”, “lặng im”, “góc trời khói sương”…
Thế là đã hiểu. Nếu chỉ đắm chìm vào hư vô không thôi, cũng
có nghĩa là đồng hướng cùng với lụi tàn, với cõi chết. Nhà thơ sinh ra là để
xác quyết về sự sống, tôn vinh sự sống. Ngay cả việc làm thơ cũng đồng nghĩa với
việc làm nên sự sống, trao truyền sự sống bằng thơ và qua thơ. Trong thơ
Đỗ Trọng Khơi, cảm thức bao trùm là hư vô, nhưng đi qua lớp sương mù của hư vô,
thấy những quầng sống tuy nhỏ nhoi nhưng vô cùng đẹp đẽ thuộc về khung cảnh lẫn
con người:
- Gió mùa lẫm thẫm trên tay
Vườn cây vấn một đường may thật vàng (Mùa chuyển)
- Vườn chiều rộn lá thu sang
Heo may ngậm mảnh trăng vàng rong chơi (Thu sang)
- Thế là tôi tự tan tôi
Bởi bao nhiêu những mặt trời …là em (Sương)
- Có người từ lúc người đi
Thân như nước chảy, lòng thì núi non (Bên sông)
Đắm vào sự sống là có thơ hay. Tôi dám đoan quyết rằng đây là
những câu thơ thuộc hàng hay nhất của thơ Đỗ Trọng Khơi, và cũng đủ thẩm quyền
gia nhập vào nhưng câu thơ lục bát hay nhất của thơ ca Việt Nam đương đại.
Nhịp sống chậm trôi
Cảm nhận về sự sống ở một mức độ sâu sắc nào đó tất cũng sẽ cảm
nhận được nhịp điệu của chính nó. Với ám thị cõi sống phôi pha, Đỗ Trọng Khơi
đã lộ hiện cảm quan về một nhịp sống chậm trôi theo mùa, theo tiết. Những bài
thơ viết về các mùa chiếm số lượng áp đảo, trong đó phần lớn là mùa thu. Chúng tôi
có làm một phép thông kê, các bài thơ (có nhan đề trực tiếp, hoặc viết trực tiếp)
về các mùa gồm: 35/tổng số 153 bài. Còn nếu tính các câu thơ viết về mùa, về thời
gian chắc chắn sẽ chiếm một số lượng rất lớn. Thống kê này nói với chúng ta điều
gì?
Do hoàn cảnh riêng, Đỗ Trọng Khơi là người ít có điều kiện đi
nhiều, vì thế cũng ít được thực sự sống, thực sự chiếm lĩnh các không gian. Có
thể xem đây là nỗi thiệt thòi. Nhưng để bù lại, cân bằng lại, khi không mạnh về
không gian thực tại, nhà thơ đã dành nội lực biểu đạt thời gian, một kiểu thời
gian theo nhịp của mùa.
Cảm thức về thời gian theo mùa vốn là đặc trưng của thơ ca cổ
điển. Điều này có hai lý do: thứ nhất, con người sống trong nhịp điệu của
sản xuất nông nghiệp, nên mùa được xem như đại lượng để đo quá trình sống của một
đời người (xuân sinh hạ trưởng thu liễm đông tàng); thứ hai, ở những nhà thơ cổ
điển, con người thường hay đặt mình đối diện với vũ trụ, nên một mặt cảm thấy
cái vô thủy vô chung của thời gian, mặt khác cảm thấy thời gian là cái hư vô,
thoáng chốc. Cả hai tính chất thời gian này đều có một cách sâu sắc ở Đỗ Trọng
Khơi. Anh viết những câu thơ như thế này: Chầm chậm nhịp bước mùa đi/thời
gian vây bởi bốn bề lá phai (Đông); nhưng anh cũng lại viết những câu thơ
này: Một mai trắng xóa cõi màu/thời gian chẳng trước chẳng sau chẳng gì (Một
mai). Bên cạnh những câu: Xuân gió sắc, thu mưa màu/đục trầm cu gáy, ngùi
sâu vạc đồng (Cảm xúc thời gian) lại có những câu: tháng
năm như một thân tàu/ga nhiều mà chả biết đâu ga mình (Đi).
Bởi cảm nhận thời gian sự sống, thời gian đời người mang tinh
thần cổ điển như vậy, nên thời gian chậm trôi, nhịp sống chậm trôi được xem như
một nét trội trong thơ lục bát Đỗ Trọng Khơi. Thơ anh hay nhắc đến những chữ “chầm
chậm”, “ngùi trôi”, “rong chơi”…Thơ anh cũng đề cao một chữ “nhàn” của thi ca cổ
điển: “Thu cạn chén, đông tàng tàng/thời gian nguyên vẻ cũ càng làng quê” (Mùa
chuyển).
Một cõi sống phôi pha với một thời gian chậm trôi theo
những kiếp mùa làm nên nét riêng trong hồn thơ thi nhân họ Đỗ.
Căn thơ lục bát
Vẫn thường nghe nói, người ta sinh ra đã có căn có số. Hình
như trong lĩnh vực làm thơ cũng vậy. Tại sao anh ấy lại chọn thơ lục bát? Tại
sao chỉ với thơ lục bát anh ấy mới thành công nhất? Có phải lục bát trú ngụ vào
hồn anh tự kiếp nảo kiếp nào?... Những câu hỏi tưởng như vu vơ mà không dễ trả lời
đó chỉ có thể gọi bằng một chữ “căn”. Đỗ Trọng Khơi quả là có căn lục bát.
Lục bát của anh nhìn chung không có cách tân nhiều về thể điệu.
Nghĩa là số chữ trong câu vẫn chỉn chu. Vần vẫn được trau chuốt mượt mà. Nhịp
có phá chẵn đổi lẻ, chùm hai chùm ba chùm bốn co duỗi thoải mái thì cũng như
các bậc đàn anh lớp trước đã từng tung tẩy…
Lại nói về phong cách, nếu chia lục bát thành hai dòng dân
gian và cổ điển [i], thì lục bát Đỗ
Trọng Khơi nghiêng về cổ điển, tuy đây đó cũng pha đôi chút dân gian.
Tôi muốn nói một điều khác hơn: Đỗ Trọng Khơi đã trình ra một
thứ lục bát thuần tâm linh từ đầu đến cuối. Như đã rõ, trong lục bát dân gian,
thường thấy các điệu than, điệu kể, điệu ghẹo, điệu châm. Thơ dân gian không có
tâm linh - hiểu như một đối tượng quan tâm và biểu đạt. Đến lục bát Nguyễn Du mới
hướng vào tâm linh. Sau này, Nguyễn Bính, Huy Cận cũng có những vần lục bát tâm
linh đầy ấn tượng. Sang thời kỳ thơ ca cách mạng, hầu như vắng bóng tâm linh.
Văn học cách mạng cần rõ ràng, mạch lạc, hướng tới công chúng đông đảo. Nó
không/ít có chỗ cho thế giới tâm linh ảo diệu, huyền hồ. Kể từ khi đổi mới, văn
học mới có điều kiện trở lại biểu đạt cái tâm linh. Theo đó thơ và thơ lục bát
cũng mới có đất để lên tiếng về cõi tâm linh, tuy nhiên cũng phải nói ngay rằng
đang còn khiêm tốn. Trong mạch thơ lục bát tâm linh có lẽ phải kể đến bài
thơ Bờ sông vẫn gió của Trúc Thông , Vào chùa của Đồng
Đức Bốn, những bài được xem là tiêu biểu.
Tôi nghĩ rằng, nếu nhìn vào mạch thơ lục bát tâm linh trong nền
thơ đương đại, có lẽ Đỗ Trọng Khơi là người chuyên tâm nhất, và đang thành công
nhất. Hầu như tất cả các bài lục bát của anh đều vần vụ trong cõi tâm linh mang
mang sương khói, lắm khi Liêu Trai mộng mị, và đều phổ một gam buồn. Hãy đọc những
câu thơ này:
- Nắng già nuôi sắc làm sương
Trăm năm nuôi sắc một vuông cỏ mềm (Già)
- Mưa giăng xuống một ngày buồn
mộ làng phơi nỗi xót thương bên đồng (Thanh minh)
- Vầng trăng đáy nước ngấn vàng
từ lâu ta đã để tang ta rồi (Ở thế gian)
Thơ Đỗ Trọng Khơi là thế. Một hồn thơ hướng vào nội tâm, bén nhạy với
những gì phôi phai của sự sống, cảm nhận những tầng sống sâu thẳm trong cõi tâm
linh, thơ anh cất lên nỗi buồn cá thể. Toàn bộ cái bản thể hằng hữu Đỗ Trọng
Khơi đẩy hồn thơ này về phía tâm linh, càng ngày càng xa cõi “thế gian”: “Ở thế
gian” mà chẳng nặng thế gian.
Liên quan tới điểm này, có người nhận xét thơ Đỗ Trọng Khơi ít khăng khít với đời
sống thực tại, theo đó, tự tước đi một nguồn năng lượng thơ ca rất cần thiết
cho sáng tạo nghệ thuật.
Nói thế cũng có thể. Nhưng nghĩ thêm thì thấy cái thân thể và tâm thể ấy chỉ có
thể kiến tạo nên một kiểu thức thơ ca ấy với tất cả sự tương hợp tự nhiên, định
mệnh, căn số. Nói cho thấu đáo hơn: Đỗ Trọng Khơi có căn thơ lục bát tâm linh. Đó
cũng chính là chỗ làm nên cái khác biệt của thơ anh trong miền thơ lục bát
đương đại.
Thêm một điểm nữa khá nhất quán trong thơ lục bát Đỗ Trọng Khơi: hầu hết các
bài thơ đều có dung lượng ngắn, hiếm có bài nào dài. Trong tổng số 153 bài, chỉ
có bài Một chiều Hà Nội là dài nhất, gồm 24 cặp câu sáu tám; còn lại
phổ biến nhất là các bài có từ 6 đến 12 cặp. Điều thú vị là ở chỗ, bài thơ dài
này lại thuộc loại thơ hướng ngoại, trượt ra khỏi vùng tâm linh quen thuộc của
nhà thơ. Đã hướng ngoại thường phải kể/ tả, phải than, phải diễn giải cảm xúc.
Cho nên bài thơ bị kéo dài cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó, phần lớn những bài
thơ tâm linh thường là ngắn, bời vì nó không có đất để diễn tả, kể sự, giãi
tình. Thơ lục bát tâm linh Đỗ Trọng Khơi như một hướng đích tự nhiên đã tìm đến
phong cách cổ điển, trọng cái uyển súc, ít lời, cốt gợi. Mỗi bài thơ lục bát của
Đỗ Trọng Khơi như một phiến lá nhỏ, gọn, chất chứa.
Như trên kia đã nói, thơ lục bát mới chính là phần cốt tủy nhất trong gia tài
thơ của thi sĩ Đỗ Trọng Khơi. Đó là lục bát tâm linh, hướng về những sự sống
phôi pha, ở tầng sâu, tĩnh lặng, buồn và gợi. Đến lục bát của Đỗ Trọng Khơi, nền
thơ ca lục bát Việt Nam mới có thể xem như thực sự có một dòng lục bát tâm linh
đầy đặn, sáng hình sắc nét.
(*): Theo tác giả cho biết, ban đầu bản thảo tập thơ lục bát chọn lọc này
đã lấy tên “Ở thế gian”, Thế nhưng khi mang in ở Bách Việt, bị đổi thành “Với
tay ngắt bóng” (2011). Sau đó, vẫn tập thơ này (có bổ sung) được NXB Quân Đội
nhân dân ấn hành năm 2013 lại mang một cái tên mới: “Quê”. Lần này nhà
thơ dự kiến cho in tập thơ lục bát chọn lọc với 153 bài và lấy lại cái
nhũ danh ban đầu của nó: “Ở thế gian”. Toàn bộ dẫn chứng thơ trong bài viết đều
lấy từ tập bản thảo này do tác giả cung cấp.
[i] Cách chia này của nhà NCPB Chu Văn Sơn. Xem trong bài: Sức sống
mãnh liệt của thơ lục bát (http://vietvan.vn/).
Trong đó có đoạn: “Từ xưa đến nay, lục bát vẫn sóng bước hai phong cách: dân
gian và cổ điển. Không thể nói đằng nào hơn đằng nào kém. Đó là hai vẻ đẹp lục
bát. Cả hai song hành, chuyển hoá và bổ sung cho nhau. Về tổ chức lời thơ, lục
bát cổ điển theo điệu ngâm (coi trọng tính uyên súc của ý, cú pháp của văn viết,
chất liệu ngôn từ nghiêng hẳn về thực từ), còn lục bát dân gian theo điệu nói
(coi trọng việc biểu hiện xúc cảm trực tiếp, cú pháp của văn nói, ngôn từ với
phổ rộng gồm thực từ và thoả mái hư từ, thậm chí, hết sức ưa dùng khẩu ngữ).
Cùng viết về một cảnh tương tự nhau, cùng bộc lộ những cung bậc cảm xúc gần gũi
nhau, nhưng cặp lục bát này: Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp
thoáng cánh buồm xa xa là điệu ngâm - thật uyên súc bởi được nén chặt
toàn những thực từ, còn cặp này: Anh đi đó, anh về đâu?/ Cánh buồm nâu, cánh
buồm nâu, cánh buồm rõ ràng là điệu nói - cứ như buột miệng nói chơi chơi, lỏng
là lỏng lẻo, thế mà đâu có chịu nhường phần súc tích cho ai! Mỗi cặp là một vẻ
đẹp riêng, không thể nào đánh đổi, mỗi cặp là con đẻ của một phong cách lục bát
đó. Nếu thành tựu nổi bật nhất của lục bát dân gian là ca dao, thì lục bát cổ
điển được viết bởi những cây bút bác học và kết tinh chói ngời là Truyện Kiều của
Nguyễn Du”.
Thu Hà Nội, 12/9/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét