Bữa nhậu gần tàn. Kim đã uống gần hết một lượt để từ giã ra về
thì có anh thanh niên hào hển chạy lại hỏi thăm anh Kim nhà văn, còn dò đi hỏi
lại có đúng là Kim viết mấy cái truyện về về những người chăn vịt mới được đọc
trên đài. Kim gật đầu. Anh ta cười cái phào:
- Vậy thì may quá. Tôi tính xong mùa lúa này sẽ lên trển tìm
cho được anh. Vợ tôi cứ biểu hoài...
Kim ngờ ngợ, không biết mình có dây dưa chuyện gì với vợ chồng
anh chàng này đây. Anh hỏi, "Tôi giúp gì được cho anh?". Anh chàng nọ
ngần ngừ nhìn quanh rồi hỏi "Tôi có thể nói chuyện này cho một mình anh
nghe được không?", Kim dại gì mà không gật đầu, ở lại, dễ gì rụp một cái
có thể rời khỏi chiếu nhậu.
Vậy mà cũng xà quần cả buổi, chờ cho anh chàng nọ uống chào
sân hết cả thảy chín ly rượu trắng mới đi được. Hai người xuống cái bến bùm xùm
những lùm đậu cộ, Kim chờ tàu Khánh Hội lên.
- Anh viết mấy cái truyện chăn vịt hay thiệt, sành sỏi như
người trong nghề, nghe bắt mê. Chắc anh đi nhiều chỗ, gặp nhiều người lắm. Tôi
đang suốt lúa, nghe có nhà văn Trần Kim về Rạch Giồng để viết về vụ hè thu, tôi
bỏ dãi chạy ra đây. Không biết anh nhà văn có biết người nuôi vịt chạy đồng nào
tên Sáng, trạc ba sáu, ba bảy tuổi không? Dà, vợ tôi nó trông gặp anh Sáng này
tới mỏi con mắt nhưng trời đất mênh mông, tôi hỏi cùng khắp rồi, mà chưa thấy
tăm hơi đâu hết. Chuyện của ba người chúng tôi cũng dài lắm anh à, anh biết,
hai người với nhau thì dễ, thêm người thứ ba rắc rối lắm.
Tôi không biết quê Sáng ở đâu, mấy lần nghe loáng thoáng ở An
Bình, Phước Long gì đó. Mùa gặt năm nào anh cũng xuôi ghe chở bầy vịt đổi đồng
về xóm Rạch Giồng này. Rồi cất cái chòi lợp bằng lá chuối, quây lưới cầm vịt
trên khúc đê trồng so đũa. Từ chỗ này, mỗi ngày anh lang thang lùa vịt đi ăn khắp
cả vạt đồng, qua tới vườn xóm Lung. Tới khi người ta bừa đất chuẩn bị sạ vụ mới,
Sáng lại ra đi.
Tôi thường trông Sáng mỗi khi mùa lúa mới về. Hai mươi hai tuổi,
ông già tôi đã giao cho cái máy suốt Bình Thủy, hễ lúa chín là tôi tha thủi một
mình ngủ giữ máy giữa đồng khơi. Anh nhà văn không biết chớ, ngủ trên đồng buồn
thê thiết lắm. Gió thì hiu hút, gió thổi rơm rạ tả tơi, trời sao vằng vặc, đất
mênh mông. Đang thèm hơi người nên gặp được ai là thương, là quý ngay người ấy.
Vì vậy mà tôi quý Sáng. Những đi cho vịt đi ăn xa, chạng vạng không về kịp,
Sáng cũng hay cầm vịt giữa đồng, hai đứa tôi ôm rơm tụm lại nhóm lửa, đánh bài
tiến lên, uống ít ly cho ấm người. Xong rồi ca khơi khơi vài câu vọng cổ. Tôi
hay hỏi Sáng chuyện đồng bãi mùa màng này nọ, về những nơi mà anh đã đi qua.
Sáng lớn hơn tôi chừng năm tuổi nhưng anh già dặn, chững chạc trầm lặng hơn
tôi, hơn cả tuổi của anh nhiều. Ban ngày, anh hay lội lại, khi thì xoắn tay
xách lúa tiếp, lúc cho máy ăn để chúng tôi lua vội bữa trưa, có khi giúp vác
cái thùng suốt lội ròng rã mươi công đất gò. Tôi ngại lắm, nhưng Sáng chỉ cười,
"Một mình cũng buồn, tôi phải kiếm một việc gì đó để làm để khỏi phải mơ
biến thành vịt".
Ai sống một mình cũng buồn hết, anh nhà văn à. Nhưng Sáng
ngon hơn tôi nhiều, anh kể đã nuôi vịt chạy đồng bảy năm. Tính ra thì cỡ mười
lăm, mười sáu tuổi anh đã dầu dãi giang hồ. Tôi ngẩn ngơ, "Sao ông hay vậy? Sống một mình? Tôi mà lúc cúc một mình trên đồng khơi thể nào cũng
điên". Sáng cười, nhiều người ở cạnh tôi lắm chớ. Ai đâu. Không có ở đây,
nhưng tôi luôn nghĩ về họ. Tôi hỏi Sáng nghĩ tới ai. Sáng chỉ cười. Anh để ý
coi, những người ít nói thì hay cười, không phải vì vui mà vì để khỏi trả lời.
Rồi tự nhiên Sáng hỏi ngược lại rằng tôi đang nghĩ tới ai.
Tôi nói tôi nghĩ tới Xuyến, tên của vợ tôi bây giờ. Cùng xóm
mà, thương lúc nào cũng không nhớ, có thể hồi mười bảy hay hai mươi hay chừng
tám chín tuổi gì đó… Tôi nói thiệt, hồi thương cổ, tôi lội tới lội lui thiếu điều
sạt bờ dừa nhà ông già vợ. Tới lúc chiêm bao cũng thấy Xuyến là đậm lắm rồi. Mà
chiêm bao ngộ lắm, lặp đi lặp lại hoài cũng cái cảnh tôi nắm tay em Xuyến xuống
bến, nhưng không có chiếc xuồng nào, chờ một hồi thấy có người bơi lại, không
thấy rõ mặt (thường thì chiêm bao ít thấy rõ mặt người), chỉ thấy cái lưng hơi
khom, vai bè bè… giống như Sáng vậy, tới đó rồi thôi, giấc mơ đứt đoạn. Tôi kể
cho Sáng nghe, hơi hồ nghi "Sao trong câu chuyện của tôi và Xuyến lại có
ông vậy ta?". Sáng chỉ cười, cái cười làm tôi quên mau, chuyện chiêm bao
mà.
Sáng cũng biết Xuyến, chỗ anh cầm vịt ngang với hậu vườn nhà
Xuyến. Sáng hay qua nhà uống trà, nói chuyện mùa màng chơi với ông già vợ tôi.
Có bữa anh nằm tâm sự, "Cứ mỗi lần cặp ghe vịt vô bến thấy thím Hai khum
cái tay che nắng hỏi ai in thằng Sáng, thấy cô Xuyến chạy ra cửa nhoẻn cười thấy
lòng vui như được trở về nhà". Cũng nghe nhiều người thắc mắc, thằng Sáng
chắc có gì với con Xuyến, chớ không sao năm nào cũng cầm vịt ngay trân chỗ đó,
năm nào cũng mua cho Xuyến khi thì khúc vải, lúc là cây dù… nhưng tôi ỷ y, cũng
biết bao nhiêu người lui tới nhà Xuyến rồi, thấy tôi mài miết còn chịu hổng nổi
dạt ra. Sáng thì một năm ở đây chừng ba mươi bữa, tôi đâu có ngán. Với lại tôi
tin Sáng lắm, chính anh biểu tôi chỗ đó được, bước tới đi. Tôi bước tới.
Bữa nay, anh nhà văn về gấp quá, nếu không thì lại nhà tôi
chơi, cho biết mặt vợ tôi. Cổ đẹp, giỏi mà hiền lắm. Hiền nhưng làm toàn chuyện
động trời. Tôi bị một lần, bây giờ đang ngủ nhiều lúc còn bàng hoàng thức dậy,
ngồi coi có đúng người nằm cạnh mình là Xuyến không.
Có lần, Xuyến băng đồng tìm tôi, cổ khóc, đã lỡ thương người
khác rồi, nên không thể làm đám cưới, không thể lấy tôi làm chồng. Không có đám
cưới nào vào rằm tháng Chạp này.
Anh nhà văn không biết cảnh này đâu. Tôi ngồi chết lặng. Cay
đắng, bỡ ngỡ, đau đớn, bàng hoàng không sao tả được. Có gì bằng vợ sắp cưới của
mình lại hồi hôn. Tôi cứ ngồi lặng, đầu thì tăm tăm cái câu hỏi, "Vậy là
sao?"
Đâu biết. Tôi hỏi Xuyến vậy chớ em đã thương ai. Xuyến trả lời,
"Anh Sáng". Tôi thuận miệng hỏi bừa "Sáng nào?", Xuyến
nhìn tôi, "Anh biết mà…".
Sao lại là Sáng?
Sao lại là cái người mà mới hôm qua thôi tôi còn rủ anh ở lại
dự đám cưới, còn nhờ anh làm chú rễ phụ cho bữa đó tôi đỡ run. Sao anh lại nhận
lời, rồi bây giờ…?
Dưng không tôi mất đi hai con người mà mình thương yêu nhất,
đau lòng vậy mà Xuyến còn thút thít, "Anh đừng giận anh Sáng mà hại ảnh, tại
em hết, chớ ảnh có nói gì đâu". Dường như Xuyến đọc được trong mắt tôi những
tia hằn học. Nhưng mà tôi đâu có tử tế, cao thượng dữ vậy, tôi không giận Xuyến,
thương quá, không thể giận, nhưng Sáng thì khác…
Mà, anh nhà văn nè, theo anh thì con vịt nó có sinh mạng
không? Bà nội tôi nói cỏ cây cũng có sinh mạng vậy là đúng? Anh biết không,
có lần vì nóng giận mà tôi huỷ đi cả thảy một ngàn hai trăm mười bảy sinh mạng.
Anh nhà văn sửng sốt hả, ghê quá phải hôn. Tôi lúc đó cũng vậy, cũng cảm giác
như mình đang gây tội ác.
Tôi nhớ hoài cái cảnh mình đứng trong một buổi sáng đầy
sương. Xung quanh tôi vịt nằm chết sắp lớp, không khí nồng nặc mùi thuốc trừ
sâu. Tôi giở một con vịt lên, dưới đôi cánh nó là một quả trứng vỡ be bét, chắc
nó đã từng giãy giụa, đau đớn lắm mới đập nát cả trứng của mình. Sáng đứng tần
ngần trong quây lưới, hơi ngơ ngác, như trong lòng bị đổ vỡ cái gì đó quý giá lắm.
Nhưng không phải vì ngủ một đêm thức dậy đã trắng tay, cái cảnh
người làm nghề nuôi vịt chạy đồng không lạ. Dường như Sáng xúc động, đau đớn vì
những lời tôi nói, cái cây bị đốn thường không ngã về phía có ngàm búa, chắc
Sáng cũng không ngờ rằng người bỏ thuốc vô mẻ lúa của bầy vịt là tôi, và vì Xuyến
mà tôi làm việc đó.
- Nếu chuyện Xuyến thương tôi là thật, Sáng bảo, thì đó là
chuyện buồn nhất đời tôi. Tôi không chờ đợi điều đó.
Tôi không tin. Có lẽ Sáng cũng biết tôi không tin, anh hỏi
tôi có muốn nghe chuyện nhà anh không? Tôi bảo không, anh nhà văn biết, hoàn cảnh
đó mà ngồi nghe chuyện gì nữa, nhưng Sáng cứ kể.
Sáng mồ côi cha từ mười tuổi, má anh cũng mất đã ba năm. Đó
là người đàn bà sống hết đời không được mấy ngày vui, mấy ngày nhàn nhã. Cái
xóm Rạch Giồng bé nhỏ này cũng đã giữ lại niềm vui nửa đời còn lại của má anh.
Sáng còn một người em gái (hồi trước anh hay đùa là sẽ gã em
cho tôi). Nhưng hai anh em không ở chung nhà, cả một quãng dài không gặp, anh
quên cả khuôn mặt của nó. Hôm cúng giáp năm má anh, bày dĩa vịt luộc phay với nải
chuối chín lên bàn, lòng Sáng bất chợt cồn cào. Sáng quyết định về Rạch Giồng.
Vì nhớ má và vì muốn gặp em. Hôm gặp, em gái anh đi hái ổi cho một bầy em trai,
em gái nhỏ. Nó giống má anh như tạc, giống từ vóc dáng đến cốt cách. Nhìn nó đứng
chia ổi cho đám em mà thấy dịu dàng, nồng hậu biết bao.
Nhưng anh chỉ đứng xa xa nhìn. Như hồi còn mạnh giỏi, má Sáng
hay xuôi ghe lại trước nhà, lén nhìn. Sáng hỏi sao không chạy lại nói cho nó biết.
Má anh biểu, hồi xưa, má hứa là sẽ không trở lại. Sáng nói cần gì phải giữ lời.
Má anh nghiêm mặt, "phải giữ chớ, làm người ai lại phản trắc". Rồi má
anh bảo, má nhớ em con thì buồn chút vậy, nhưng còn có thể nhìn nó lớn lên, còn
không nhờ người ta, con nhỏ đâu còn.
Đó là đứa em mà Sáng mắc một món nợ lớn. Cái hồi nghèo không
đồng xu cạo gió, không cục đất chọi chim, ba anh lại trốn quân dịch nên cả nhà
Sáng bồng bế nhau xuống ghe trôi nổi làm mướn khắp nơi. Sáng còn bồng nèo nẹo
bên nách thì má anh sinh em bé. Hoàn cảnh khó khăn, Sáng hồi đó ốm đói quặt quẹo,
hay đau, mũi lúc nào cũng chảy nước chèm nhẹp. Em nhỏ lại bị sài đẹn, khóc ngằn
khóc ngặt, không bú được. Không thể cứu một lúc cả hai, má anh buộc phải cho
người ta đứa em gái nhỏ.
Nghe Sáng kể lờ mờ tôi nhận ra một sự thật. Là Xuyến. Không
thể tin được, bàng hoàng quá phải không anh nhà văn. Giống như cải lương, ừ tuồng
gì mà Vũ Linh đau khổ tới lăn ra đất vừa giãy vừa khóc đó, Hòn Vọng Phu, ờ, hơi
giống Hòn Vọng Phu.
Vợ tôi hồi đó cũng khờ quá. Thương thầm Sáng mà không chịu
nói thẳng, cứ nói xa nói gần. Hỏi Sáng sao không lấy vợ, anh trả lời, chờ cô
Xuyến lấy chồng cái đã. Hỏi sao cứ mỗi lần về Rạch Giồng lại mua quà cho chi vậy,
Sáng trả lời, tôi chẳng còn ai, cô Xuyến là người thân nhất. Thân nhất rồi mai
mốt em có chồng, anh Sáng có buồn không, Sáng trả lời, Chuyện vui của cô mà,
tôi nói buồn coi sao được, nhưng nói thiệt, tôi buồn, cô nhỏ đi rồi, đâu còn gặp
nữa, năm tới tôi xuống buồn cho mà coi. Sáng trả lời thật lòng, nhưng cũng thật
thận trọng từng chữ để khỏi phải hớ hênh, Xuyến thì cứ tưởng Sáng gửi tình vào
trong ấy. Rồi một bữa Xuyến đi gom củi ngoài hậu vườn, gặp Sáng, Sáng bảo, anh
cầm vịt ở đây hết mùa nầy rồi chắc lâu lắm mới quay trở lại. Hết mùa gặt nầy,
anh sẽ rã bầy để mua cái gì có giá trị một chút làm quà cưới cho Xuyến, anh hứa
sẽ ở lại đưa dâu qua tới nhà trai.
Những lời nói đó là Xuyến mủi lòng khủng khiếp, cô quyết định
không lấy tôi. Xuyến nói tôi buồn còn nhiều người an ủi, nhưng Sáng buồn chỉ có
một mình, tụi vịt tối ngày lạc cạc có biết gì đâu?
Nhưng sau cái hôm đàn vịt của Sáng lăn ra chết không còn một
con, Sáng đã đi khỏi Rạch Giồng. Tôi đứng nhìn chiếc ghe khuất mất sau doi dừa
nước lặng lẽ làm một cuộc tiễn đưa. Tối lại, Xuyến tuyệt vọng hỏi tôi sao Sáng
đi mất tiêu mà không từ giã gì cổ hết? Tôi bảo không biết. Cứ mỗi lần có chiếc
ghe bầu nào đi ngang qua, Xuyến lại chạy chấp chới theo triền sông tới khi chiếc
ghe khuất dạng mới thôi. Nhớ lại cái cảnh đó, tới bây giờ tôi còn thương.
Không giống như chuyện Mỵ Châu, Trọng Thủy, Sáng đã không còn
con vịt nào để rứt lông để lại để tôi với Xuyến lần theo dấu. Vậy mới vất vả.
Anh nhà văn à, anh đi nhiều, nghe truyện, tôi chắc anh lăn lộn
trong giới nuôi vịt chạy đồng dữ lắm. Nếu mai nầy anh còn tính đi tiếp, có gặp
anh Sáng, nhắn dùm ảnh là vợ chồng tôi chờ ở Rạch Giồng. Hồi đó, Sáng đi là để
cho vợ tôi nó khỏi đau đớn, bẽ bàng, để giữ lời hứa muôn năm với ông bà già vợ
tôi. Nhưng bây giờ, hết thảy mọi người đều mong anh trở lại, thâm tình cũng như
nước dưới sông, có chảy đi đâu, có chém vè ở đâu cũng hợp lại một dòng xuôi chảy
mãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét