Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

Bến đời mơ thực

Bến đời mơ thực

Bến đời mơ thực là cuốn sách thứ 53 của nhà văn Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải. Sức viết của anh thật “đáng nể”. Tiểu thuyết, truyện ngắn và truyện thiếu nhi (bút danh Nguyễn Thái Hải), ở thể loại nào anh cũng có thành công. Tôi có cảm giác rằng anh viết văn thật dễ dàng. Chỉ cần có một ”tứ” là anh có thể dựng ngay thành một truyện. Và có lẽ ngòi bút của anh hướng về công chúng thị trường nên văn của anh rất giản dị, ngắn gọn. Sự tinh tế, sâu sắc của Khôi Vũ ẩn sâu dưới nhiều lớp con chữ.
1. MỘT TRUYỆN ĐỜI THƯỜNG, ĐƠN GIẢN
Bến đời mơ thực kể lại tình cảnh của ba nhân vật Giáo Đầu, Gió và Mây ở khu nhà trọ Lão Sao, Cù Châu (Cù lao Phố). “Khu nhà trọ có tám phòng, cất thành hai dãy song song và thẳng góc với bờ sông. Chính giữa hai dãy nhà là một khoảng sân rộng có một cây sao cao ngửa mặt mới thấy tàn”. Cây sao và dòng sông (sông Đồng Nai) được nhân hóa thành hai nhân vật Lão Sao và Dòng Sông. Hai nhân vật này chứng kiến và cùng với tác giả thuật lại nhiều sự việc của các nhân vật.
Giáo Đầu là một ông già đã ngoài sáu mươi, trước là giáo viên dạy toán, hiệu trưởng một trường tiểu học nổi tiếng trong tỉnh. Biệt danh Giáo Đầu có nghĩa là thầy giáo đứng đầu về uống rượu. Ông am hiểu nhiều loại rượu. Trong những cuộc “nhậu”, ông thường giải thích cho Gió biết đặc điểm từng loại rượu. Gia đình ông Giáo gồm có vợ, hai đứa con và năm đứa cháu. Sau khi nghỉ hưu, ông muốn được sống một mình cho thiệt thảnh thơi, ngày ngày ông chăm sóc hoa kiểng, vô mạng đọc tin tầm kiến thức, ngẫm sự đời. Vì thế ông ra ở riêng. Ông mua lại một miếng đất hơn 200 mét vuông sát bờ sông có sẵn căn nhà cấp bốn để ở. Nhà chung hàng rào với khu nhà trọ Lão Sao. Giáo Đầu là người thường góp ý với Gió và khuyên bảo Mây trong những tình huống khó xử. Sau cùng Giáo Đầu trở về sống với vợ con. Khi “ra riêng”, ông Giáo nghĩ mình sống một mình để sám hối những lỗi lầm khi còn là hiệu trưởng. Khi về với vợ con, ông lại nghĩ: “Cách sám hối tốt nhất là cùng sống với vợ con, cháu chắt những ngày cuối đời, giúp người thân mình những gì có thể, dạy con cháu mình những gì nên làm và những gì không nên làm để cho cuộc đời của chúng được tốt đẹp hơn cuộc đời mình” (tr.172).
Truyện của Gió có phức tạp hơn một chút. Gió là Bác sĩ phẫu thuật giỏi. Bị chứng vô sinh. Vì lòng tự trọng và thương vợ, anh ly dị để vợ kết hôn với người khác. Gia đình anh chỉ có ba người. Anh, người chị là Phó giám đốc công ty, góa chồng lúc 33 tuổi. Hai chị em ở với mẹ. Sau khi ly dị vợ, anh tự tử bằng thuốc ngủ, nhưng người chị làm bệnh viện đã cứu anh. Anh muốn sống xa gia đình, xa người vợ đã có gia đình mới. Anh mong môi trường mới, bạn mới sẽ làm anh quên dĩ vãng không vui của mình. Và Gió đến khu nhà trọ này, làm bạn vong niên với Giáo đầu. Nhưng Gió không thể quên thực tại của mình. Nỗi thống khổ vì vô sinh, cùng với nỗi đau mất người vợ yêu làm cho Gió bị stress, anh thường ngủ mơ rồi thành mông du. Gió mơ nhiều giấc mơ kỳ lạ. Đến một lúc, anh có thể chế tạo những giấc mơ bằng những ý nghĩ có trước. Đã hai lần Gió mộng du ăn nằm với Mây mà khi tỉnh lại Gió không hề biết mình đã làm gì. Để giảm stress và chữa bịnh, bác sĩ tâm thần khuyên Gió nên sống thanh thản. Nghe lời Giáo Đầu, anh mở phòng mạch và trở thành bác sĩ gia đình cho bà con Cù Châu. Cuối truyện, Gió được cử đi tu nghiệp ở Pháp một năm. Anh đã chuẩn bị tất cả cho chuyến đi, nhưng anh không biết gì hậu quả chuyện anh đã ăn nằm với Mây.
Mây là cô nhân viên nhà ga Biên Hòa, cùng ở nhà trọ Lão Sao. Cô coi Giáo Đầu như cha chú, coi Gió như anh. Cô có nhan sắc dưới trung bình nên thường đau khổ và ra bờ sông khóc một mình. Mây đến gặp Giáo Đầu để xin học Cải lương. Cô quyết năm sau phải vào vòng bán kết Idol. Ở chung nhà trọ, dần dần cô có tình cảm với Gió và những khao khát nữ tính trỗi dậy mãnh liệt. Sau hai lần gió mộng du ăn nằm với Mây, cô có thai ngay khi Gió đi tu nghiệp. Khi Gió đi Pháp, cô cũng rời nhà trọ đi đâu không ai biết. Kết thúc truyện không rõ số phận Mây thế nào. Chỉ có hai con sáo trên cành cây sao đưa ra hai giả thuyết, trong đó có một cái kết có hậu: Mây ôm con về gặp mẹ của Gió và được bà chấp nhận.
Thế là cả Giáo Đầu, Gió và Mây đều rời khu nhà trọ Lão Sao. Lại có ba người bạn vong niên mới đến trọ, “chắc chắn sẽ cũng sẽ có câu chuyện gì đó diễn ra trong tương lai”(tr.171)…
Bến đời mơ thực không đặt ra một vấn đề xã hội nào. Chỉ thoáng qua tình trạng cá nhiễm độc trên sông, tình trạng cát tặc làm dòng sông xoáy nước lở bờ. Bối cảnh xã hội của truyện cũng rất hẹp, chỉ trong phạm vi gia đình. Các nhân vật di chuyển gần. Ông Giáo cách nhà chỉ một câu cầu. Gió ở Cù Châu đi xe Mô-bi-lét về Dĩ An, và đi công tác huyện, nơi có đá chồng (Định Quán). Mây luôn ở nhà trọ. Hoàn toàn không có bối cảnh chính trị xã hội với những vấn đề nóng của thời đại. Cuộc sống của các nhân vật rất đỗi bình yên, chỉ có tâm hồn họ là không bình yên chút nào. Có lẽ đó là chủ đích của tác giả.
Khôi Vũ đi sâu miêu tả tâm trạng của Gió về vô sinh, về mộng du và bi kịch của Mây, một cô gái phải khóc thầm vì nhan sắc dưới trung bình, không thể có người yêu. Nhưng cô gái ấy cũng như bao cô gái khác, có khát vọng tự nhiên, mong có được người yêu thương để những khát khai nữ tinh thăng hoa thành tình yêu. Vậy mà khát vọng của Mây có được lại do quan hệ với một người mộng du. Bi kịch dẫn đến bi kịch.
Người đọc nhận ra tư tưởng nhân văn sâu sắc thấm đẫm trong việc nhà văn miêu tả những bi kịch tâm hồn của các nhân vật. Đó là sự sám hối của Giáo Đầu lúc làn hiệu trưởng đã cắt phần quà trung thu của con một cô giáo khi cô bị tạm giam vì hàm oan. Bi kịch của Gió dẫn anh đến stress và mộng du. Và bi kịch của Mây, khao khát làm mẹ đơn thân, nhưng Gió chỉ đến với cô trong vô thức, một trạng thái giải tỏa stress.
Khôi Vũ cảm thông với những phận người với những nội đau riêng không thể chia sẻ. Nhà văn bù đắp cho nhân vật của mình bằng cách kết truyện “có hậu”. Gió khỏi bịnh vô sinh, khỏi mộng du và có con trai. Mây được mẹ của Gió chấp nhận và Giáo Đầu về nhà thực hiện sự sám hối bằng việc phục vụ vợ con. Tất cả những bi kịch đều được hóa giải. Khôi Vũ là thế. Yêu thương con người không phân biệt họ là công nhân, nhà giáo hay bác sĩ, bởi ở mỗi người, trong những hoàn cảnh nhất định, đều có những lỗi lầm cần được thấu hiểu, cảm thông và tha thứ.
2. NHỮNG GIẤC MƠ
Khôi Vũ nhiều lần miêu tả những giấc mơ của Gió, tôi tự hỏi những giấc mơ ấy có ý nghĩa gì? Và việc miêu tả những giấc mơ của Gió là để thực hiện chủ đích nghệ thuật gì?
Lần thứ nhất, đêm thứ Bảy, Gió uống rượu một mình ở bờ sông rồi quăng chai rượu xuống sông. Gió mơ thấy chuyện xảy ra ở bờ hồ Cõi Thiêng. Có những cô gái mặc áo bà ba câu cá. Gió nhìn thấy dưới nước có một đàn cá, những con cá to bằng bàn tay. Rồi chúng biến thành cá mập nuốt tất cả các cô gái vào bụng. Khi chúng lao đến anh, Gió dang hai cánh tay hình chữi X ngăn chúng lại, đột nhiên chúng biến thành cá lòng tong. Có người phụ nữ đến xin những con cá lòng tong ấy đem về làm cơm. Sau đó anh chồng đạp xích lô cho Gió biết vợ và năm con anh chết vì cá có độc. Khi mặt trời hiện ra, người phụ nữ anh cho cá lại chính là người vợ cũ của anh.
Lần thứ hai, Gió mơ thấy chuột ở khách sạn năm sao.
Lần thứ ba, Gió mơ thấy mình đi vào vùng sa mạc bão cát, để tìm gặp một kỳ nhân. Mấy nhà sư trẻ người Tây Tạng chỉ đường Gió đến gặp ngài F. Ngài F nói, nếu Gió muốn học thuốc và chữa bệnh, anh ở lại và chết ở “thiên đường người chết”. Gió lắc đầu.
Lần thứ tư Gió mơ thấy người cha trách không đứa con nào theo nghiệp cha. Lần thứ năm, Gió mơ thấy mình tranh cãi với Giáo Đầu về việc phát âm của các cô trên VTV.
Lần thứ sáu, Gió mơ thấy mình tham gia một đợt thực tập ở vườn thực vật trường Đại học. Trong một trò chơi chung, anh cặp đôi với một cô gái. Cô ta lúc ẩn lúc hiện khi ở trên núi, khi xuống hang, rồi lên phà đi ra biển, phà chìm. Anh ngập trong nước. Cuối cùng Gió thấy mình đang bơi trong cái bọc nhỏ ấm áp thân nhiệt của một người đàn bà. Lúc ấy đã quá 12 giờ đêm. Mấy thấy Gió nằm trên ghế đá dưới gốc cây sao, cô đưa gió về phòng. Lúc sau Mây tìm thấy Gió ở cái nhà sàn gie ra sông, và đêm ấy trong cơn mộng du, Gió đã ăn nằm với Mây.
Lần thứ bảy, Gió mơ thấy chuột và người Dơi.
Lần thứ tám, sau cuộc rượu bạn bè chiêu đãi ngày cuối nơi anh công tác, Gió mơ cuộc phiêu lưu đến vịnh đá. Đá xếp thành hình đủ loại con vật: Trăn, Kỳ đà, sư tử… Khi sóng tạt vào tay Gió, cánh anh anh cũng hóa đá. Khi tỉnh dậy Gió nghĩ anh có thể tự chế tạo ra những giấc mơ mà anh đã nghĩ trước khi mơ.
Những giấc mơ này trước hết là để miêu tả trạng thái “bịnh” tâm thần của Gió. Sau giấc mơ đi vào sa mạc bão cát để gặp kỳ nhân, Gió tự phân tâm: “Rõ ràng là tuy ngoài miệng và một vài hành động, anh cho thấy đã chấp nhận căn bệnh vô sinh của mình là vô phương cứu chữa, nhưng tự thâm tâm-biều hiện qua giấc mơ này-anh vẫn mong có ngày mình khỏi bịnh. Không những thế, sau khi được điều trị có kết quả, còn sẽ trở về cuộc sống bình thường. Cưới vợ, sinh con như bao người đàn ông khác chẳng hạn. Còn một lý do khác khiến anh rất tâm đắc là câu nói của nhà sư trẻ người Tây tạng: ‘Ngài đang có thật. Chúng tôi đang có thật. Ý nghĩ nằm trong đầu chúng ta tuy không ai nhìn thấy cũng là có thật. Giấc mơ chỉ một người biết trong giấc ngủ của mình cũng có thật” (tr.68). Điều này có ý nghĩa tư tưởng. Lời của nhà sư trẻ Tây Tạng nhằm giải thích cho nhan đền tác phẩm “Bến đời mơ thực”, và đâu là thực, đâu là mơ? Về nghệ thuật, Khôi Vũ tạo ra một thế giới huyền thoại đồng thời với thế giới thực của các nhân vật.
Lần mơ thứ nhất, Gió vẫn còn yêu thương và xót xa cho thân phận vợ cũ. Lần mơ thứ ba, Gió vẫn nuôi hy vọng chữa bịnh, dù rằng đó là con đường tuyệt vọng. Lần mơ thứ tư là mơ có ý thức, người cha trách các con không ai kế nghiệp cha. Cũng vậy, Gió mơ tranh cãi với Giáo Đầu về việc phát âm tiếng Việt của các cô VTV là mơ có ý thức, tức là Gió đã có ý thức về vấn đề đó lúc thức, ý thức bị dồn nén thành giấc mơ. Lần thứ sáu là một giấc mơ sex, để rồi sau đó, Gió mộng du ăn nằm với Mây. Điều này minh chứng cho sự phục hồi dần dần sinh lực của Gió.
Nhiều cơn mơ của Gió được kể như truyện thần thoại, nghĩa là không bao giờ có thực. Khôi Vũ mặc sức tưởng tượng sáng tạo những hình ảnh thường gặp trong thế giới cổ tích dành cho tuổi thơ, tuy nhiên, đây là truyện của người lớn, những sinh hoạt của người lớn và ước mơ của người lớn. Gió mơ thấy những cô gái mặc bà ba câu cá bên Hồ Thiêng. Gió lại mơ mình cặp đôi với cô gái trong vườn thực vật Đại học. Những giấc mơ này là những ẩn ức tính dục. Còn lại là những cuộc phiêu lưu lên núi, xuống vực, qua biển qua rừng. Gió gặp nhà sư Tây Tạng, gặp những tay chèo người da đen, nhóm người Mexicô đội mũ rộng vành, những cao bồi miền viễn tây Mỹ, gặp cả nàng Bạch Tuyết, gặp nhà văn Hemingway đang ngồi ở một góc phà thả câu, và thánh Gandhi đứng giữa một vòng người kêu gọi đấu tranh bất bạo động (tr.107)…Quả thực, sự lộn xộn phy lý được miêu tả đúng như trong một giấc mơ không thể giải mã. Ngoài việc tạo ra những điều kỳ lạ của kiểu truyện phiêu lưu mạo hiểm thần thoại, liệu những giấc mơ như vậy còn chứa đựng thông điệp gì của tác giả?
Dẫu thế nào thì người đọc phải công nhận điều này, Khôi Vũ có óc tưởng tượng sáng tạo phong phú. Mỗi giấc mơ của Gió là một truyện ngắn. Sự chọn lựa những chi tiết truyện của giấc mơ hẳn là có chủ đích tư tưởng và nghệ thuật. Giấc mơ Gió nghe cha trách là giấc mơ về những truyền thống cần được giữ gìn. Giấc mơ gặp các nhà sư Tây Tạng, Hemingway và Gandhi ẩn chứa tư tưởng về “sự thật”, về những “chân lý”, chẳng hạn chân lý bất bạo động của Gandhi, chân về Con Người kỳ vĩ như biển, nó có thể đạt đến ước mơ bằng nỗ lực của chính mình như ông già đánh cá Xanchiago trong Ông già và biển cả của Hemingway (?). Sự hóa đá, và chính cánh tay của Gió khi bị nước tạt vào cũng mang ý nghĩa nào đó. Chẳng hạn là sự chờ đợi hóa đá của Vọng phu, cũng vậy, những ước mơ, khát vọng của Gió cũng có thể sẽ hóa đá…
Dù biết là trong thế giới tiểu thuyết, nhà văn hoàn toàn được quyền sáng tạo, nhưng tôi vẫn băn khoăn điều này, ấy là hai lần Gió ăn nằm với Mây trong cơn mộng du mà Gió hoàn toàn không biết gì. Thực ra người đang mộng du chỉ cần một tác động nào đó là có thể thức tỉnh. Hành vi tính dục là hành vi làm căng đến tột cùng các sợi giây thần kinh cảm giác, làm hao tốn sức lực và là sự chiếm đọat cố ý, hơn nữa lần thứ hai, việc xảy ra trong lúc trời mưa và Sức khoẻ Gió đã có dầu hiệu phục hồi, Gió không thể không biết việc mình làm.
Một vấn đề khác cũng chưa được lý giải khoa học. Đó là việc chữa bịnh của Gió. Khi bịnh tâm thần của Gió trở nên trầm trọng, Gió nghe lời khuyên của Giáo Đầu đi khám bác sỉ tâm thần, bác sĩ khuyên Gió chỉ cần sống thanh thản (tr. 124). Gió về thăm gia đình, sống vui vẻ, sau đó đi làm bác sĩ gia đình cho người dân Cù Châu. Không thấy Gió chữa bịnh bằng phương pháp nào khác vậy mà kết quả xét nghiệm tinh đồ của anh lại xác định cái thai trong bụng Mây chính là con của anh. Nghĩa là Gió đã hoàn toàn bình phục không còn vô sinh. Phải chăng đó là một phép lạ? Tôi nghĩ đó là giải pháp nhân đạo của nhà văn dành cho nhân vật của mình.
3. NHỮNG GIẢI THÍCH VĂN HÓA
Trong Bến đời mơ thực, Khôi Vũ có một sự chuyển hướng ngòi bút, hoặc là một cách khai thác mới vốn tư liệu của mình. Đó là anh xen vào mạch kể để giải thích những thường thức văn hóa. Tại sao dân Nam bộ gọi rượu nấu bằng gạo là “rượu đế”? Giáo đầu giải thích rằng “nghề nấu rượu ở nước ta đã có từ lâu đời, tới khi thực dân Pháp tới xâm lược, họ kiểm soát chặt việc nấu rượu và ra lệnh người nấu rượu phải nộp thuế. Để trốn tránh, người nấu rượu ở miền Nam sau khi nấu xong một mẻ rượu, đem giấu trong những lùm đế xa nhà. Cây đế giống như cỏ năn, cỏ tranh mọc cao lút đầu người ngoài đồng hoang, rất hữu ích cho việc che giấu những nồi rượu. Bởi vậy người ta kêu là rượu đế” (tr.120).
Có lần uống rựu chung với Khôi Vũ, tôi đã nghe anh thấp thoáng nói về rựơu Tây, anh cũng sưu tầm nhiều loại rượu. Tôi nghĩ đó chỉ là truyện “trà dư tửu hậu” trong những dịp vui. Và những dịp vui như thế đã trở thành “nghề” của Giáo Đầu. Có lần Gió đem đến cuộc vui một chai anh gọi là “ông già chống gậy”, Giáo Đầu nói “đừng có kêu là ‘Ông già chống gậy’ nữa nghe chưa! Nhìn kỹ đi! Cái lô gô của hãng rựơu này vẽ một thanh niên cầm ba toong đang hùng dũng tiến về phía trước chớ đâu phải là một ông già… (tr.19). Sau đó Giáo Đầu về nhà lấy hai cái ly thủy tinh lùn, miệng tròn rộng, đáy lõm ngược, có những vòng đồng tâm, ông chỉ vào dòng chữ Johnnie Walker in màu đen bên cạnh ly nói với Gió: - Coi đi! Có tên hang rượu, có cả lô-gô. Phải uống với loại ly này mới là người sành điệu, chú em mày biết chưa!.
Giáo Đầu nói về cái lô-gô của hãng rượu Johnnie Walker: “Lô-gô này có tên là Striding Man, nổi tiếng trên toàn thế giới và được ‘cầu chứng tại tòa’ còn trước cả nhãn hiệu nước giải khát Coca Cola…Nó được ra đời từ một bữa tiệc rượu. Bữa đó ông chủ J.Walker đãi họ sĩ biếm Tom Browne và yêu cầu ông này vẽ cho hãng rượu của mình một biểu tượng. Ông họa sĩ liền lấy tờ thực đơn và vẽ lên mặt sau của nó. Hình vẽ người đàn ông bước về phía trước với những bước đi dài là một thông điệp quá đủ, thậm chí là thừa, có ý nghĩa ca tụng chất lượng loại rượu J. Walker màu đỏ thịnh hành đầu thế kỷ XX. Kể cũng xứng với công phu pha trộn thành công nhiều loại Whisky với nhau của ông chủ trẻ J. Walker người Scotland thời đó” (tr.24). Giáo Đầu còn giải thích ý nghĩa màu đỏ, màu đen, màu vàng của hãng rượu này: Màu đỏ là mạnh mẽ sảng khoái. Màu đen là đỉnh cao tinh tế, màu vàng là thành đạt (tr. 25).
Và đây là lời giải thích về rượu Cognac của Giáo Đầu: “Rượu Cô-nhắc cũng là loại Brandy thôi nhưng nó được sản xuất ở vùng Cognac của Pháp. Rượu này được chứa ủ trong những thùng gỗ sồi làm bằng gỗ của những cây sồi trăm tuổi chỉ trồng ở vùng này, nên thơm ngon đặc biệt. Rượu vang chừng hơn chục độ cồn được làm ra từ trái cây, thường là nho, sau đó nếu đem chưng cất tiếp thì thành rượu Brandy, tới trên dưới 40 độ cồn. Người ta rót Brandy vô ly trái táo đễ nghiêng nên ly chỉ chứa khoảng một phần ba rượu. Trước khi uống, người ta cầm ly rựơu trong lòng bàn tay. Xoay nhiều lần để hơi ấm từ bàn tay truyền qua ly. Làm cho rượu tỏa hương thơm. Người uống sành điệu phải biết ‘uốn’ hương thơm trước khi uống rượu…”(tr.56). Giáo Đầu còn nói về rượu Vodka của Nga, loại Sakê của Nhật, Mao Đài của Tàu, các loại đế nổi tiếng Việt Nam như Làng Vân, Bến Gỗ, Gò Đen, Bàu Đá, Hòa Long…(tr.125) và rượu X.O. (tr.131)
Quả là những trang giải thích “chuyên sâu” về nghệ thuật ủ rượu, và uống rựou Tây, rượu ta. Khôi Vũ còn có những trang giải thích về địa lý Đồng Nai. Thời Pháp, hai vùng đất liền nhau quê của Gió được đặt tên là Thủ Đức và Vĩ An, Thủ nghĩa là đầu, Vĩ nghĩa là đuôi. Do cách phát âm của người miền Nam mà không biết từ lúc nào, người ta đã viết Vĩ An thành Dĩ An. Hai vùng tuy liền nhau nhưng Thủ Đức thuộc Sài Gòn, còn Dĩ An lại thuộc Biên Hòa. (tr. 74). Ngã ba Cây Lơn có lai lịch như sau: Thời Pháp ở đây có một cái đồn binh, người đồn trưởng tên Lơn, đóng lon Cai. Vì vậy người ta gọi ngã ba có cái đồn ấy là ngã ba Cai Lơn, trên giấy tờ người ta viết sai thành Cây Lơn. Qua nhân vật Giáo Đầu, Khôi Vũ cũng nói đến sự đổi tên Cầu Gành thành Cầy Ghềnh, việc đổi tên chùa Phước Thiềng ở Nhơn Trạch thành Phước Thiền (tr.75), núi Châu Thới có thên là Chiêu Thái (tr.147)
Món canh thịt gà lá giang được gọi là “canh nhận họ” cũng có lai lịch từ xa xưa. Trong những nhóm người đầu tiên di dân đến phương Nam, có những người là tội đồ của chúa Trịnh, chúa Nguyễn trốn tránh. Họ phải thay tên đổi họ nhiều đời để không bị phát hiện. Muốn nhận họ, mỗi gia đình chọn một món ăn riêng để truyền cho con cháu. Nhờ đó mà sau này, tuy mang những họ khác nhau, nhưng cứ đến tiệc tùng, giỗ chạp, người này thấy món ăn của người kia giống món ăn của gia đình mình, là hiểu rằng họ có cùng một ông tổ ngày xưa. (tr.77)
Những trang nói về địa lý, văn hóa, phong tục cùng với những giấc mơ thần thoại phiêu lưu xứ lạ gióp thêm màu sắc thẩm mỹ cho câu truyện, cùng với việc lý giải phân tâm học sâu sắc bệnh mộng du, chứng “miên dâm” (tr.151) tạo nên tạo nên một nét riêng cho Bến đời mơ thực. Tôi nghĩ đó cũng là một hướng tiếp cận khác của văn chương Khôi Vũ. Sau những miêu tả sử thi, miêu tả đấu tranh xã hội, Khôi Vũ đi sâu vào tâm hồn con người qua ngả Y khoa là lĩnh vực anh am tường và có thẩm quyền lý giải khoa học.
VẪN LÀ KHÔI VŨ
Từ Lời nguyên hai trăm năm đến Bến đời mơ thực vẫn là một Khôi Vũ với những nét riêng của văn chương Nam Bộ. Văn của anh dung dị, giàu vốn từ Nam bộ. Nhân vật của anh rõ tính cách “trọng nghĩa khinh tài”của con người đất phương Nam. Tư tưởng nghệ thuật của Khôi Vũ là tư tưởng Nhân văn Việt Nam. Tư tưởng này thấm trong từng trang văn, từng giọng nói, từng cảnh đời và trong cách nhìn nhận thấu hiểu cuộc đời. Chất văn hóa bồi đắp thêm cho trang văn của anh những giá trị mới. Và đến nay (2017) Khôi Vũ vẫn dối dào sức lực đặt cho mình những mục tiêu phải hoàn thành mà gần đây nhất là bản thảo tiểu thuyết Nguồn Mạch anh đã viết trong 9 năm với 12 lần được bổ sung (15/5/2017). Ở Hội VHNT Đồng Nai hiện nay, khó có nhà văn trẻ nào theo được chân anh trên dặm trường sáng tạo.
Kính chúc anh hoàn thành những bộ sử thi mà anh còn bị “đứt mạch” vì nhiều lý do.
Tháng 12/2017
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tấm bưu thiếp tố cáo  Có một vụ xô xát nảy lửa xảy ra trong khuôn bếp này. Vệt máu khô này tôi đoán là của ông cụ. Tuy ông cụ Phố và gã ...