Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Tri thiên mệnh

Tri thiên mệnh

“Ở đời, khó nhất là biết mình! Năm ấy tôi hai mươi ba tuổi, may mắn đã ngộ ra nhiều điều từ lời dạy và cuộc đời của cha tôi“. Đó là những dòng cuối cùng của truyện ngắn Tri Thiên Mệnh, cũng là dòng cuối cùng Khôi Vũ khép lại tuyển tập truyện ngắn anh viết trong 10 năm từ 1991 đến 2000. Tôi bâng khuâng tự hỏi Khôi Vũ đã “tri“ những gì và đã “ngộ“ những gì trong 10 năm ấy? Và những gì anh cho là “may mắn“?

Trước hết, anh phơi bày ra khá cụ thể những mặt trái của thời kinh tế thị trường, “Cái thời buổi kỳ lạ hết chỗ nói “(tr.34). Bao nhiêu cảnh sống lọc lừa, giả dối, vô luân chà đạp lên những giá trị đạo đức truyền thống. Ở đâu cũng thấy những chuyện tiêu cực, những bất công. Ở đâu cũng thấy những vấn đề thật bận tâm, thật nặng lòng.
Đó là thời đại “nhậu“. Mọi công việc được giải quyết trên bàn “nhậu“. “Sếp” nào cũng “cá tính “riêng trong cách ăn chơi. ”...Tư Tài thích Đào, Hai Độ ngoài việc nhận phong bì còn rất thích nhậu. Những tiệc nhậu có mặt Hai Độ bao giờ cũng bắt đầu từ 10g sáng và kéo dài tới khoảng 10g tối…Đó là một tay rất có cá tính: Không chấp nhận bất cứ ai làm trái ý mình…”(tr.31). Trong mắt nhìn của Khôi Vũ, xã hội đầy dẫy những “ma “. Người ta có thể thấy “ma xó “ như Hai Lóc, nhưng không dể gì vạch mặt được những “con ma cỡ bự “(tr.65). Những chuyện ngoại tình nhan nhản. Nhân viên lợi dụng việc đi “công tác “lén lút đến khách sạn ngủ với tình nhân (tr.36). “Sếp kiểm lâm” ngủ chung với “phu nhơn một vị chức sắc” (tr.65). Những ổ nhện được quét sạch bằng những“chiến dịch“vẫn ngang nhiên hiển hiện (truyện Quét mạng nhện). Một phụ nữ đẹp, có chồng con và đời sống hạnh phúc như Huệ, lại ngủ lang nhiều lần với bạn học cũ thời phổ thông, chỉ vì “yếu đuối“(Lần thứ ba). Và chuyện “làm gái điếm“để sống còn không còn là điều đáng trách nữa (Trái dưa Tây lép )…
Khôi Vũ cũng ghi nhận nhiều tồi tệ của đời thường, mà hình như chúng ta đã chịu đựng quen, thành ra không còn cảm thấy khó chịu. Chỉ trong một chuyến đi, đôi mắt trẻ thơ đã ghi nhận bao nhiêu điều tệ hại: Xe vượt đèn đỏ, trễ giờ, hướng dẫn viên du lịch nói sai kiến thức văn hoá, việc đánh bắt thú hiếm, hợp đồng không được thực hiện đúng như cam kết (Trẻ con không trẻ con), chuyện ăn xin quậy phá nơi cảnh chùa, chuyện quản đốc người nước ngoài ức hiếp công nhân Việt Nam (Gió biển không thổi tới), chuyện ma cô gái điếm lường gạt (Tìm ngọc )…
Hiện thực hiện lên với bao nhiêu bi kịch, bao nhiêu vấn đề bức xúc. Nhưng Khôi Vũ không khai thác tính bi kịch hoặc nâng những vấn đề xã hội lên tầm “tư tưởng“. Anh nhìn nhận, lý giải hiện thực phức tạp theo cách riêng của anh: cách“tri thiên mệnh“. Vì thế truyện của anh để lại những ấn tượng đẹp về những giá trị thực của đời sống mà Khôi Vũ đã “tri“và đã “ngộ”; gợi lên những cảm xúc nhẹ nhàng sâu lắng, đặt ra những vấn đề suy tư thâm thía nhưng không nặng đầu, đem đến những thú vị từ sự phát hiện tinh tế những cảnh đời thường. Những “vấn đề“xã hội tự nó có cách giải quyết. Nhà văn không đưa ra các giải pháp như yêu cầu thường thấy của người đọc.
Ngôi nhà “quỷ ám“của Tám Tưởng là một bi kịch, hơn thế, một thảm hoạ làm sụp đổ gia đình, gây ra bệnh hoang tưởng cho anh ta. “Tái dưa Tây lép” là một bi kịch đẫm nước mắt. Cả ba thế hệ: bà ngoại, mẹ và con gái cô Năm phải chịu đựng bao nhiêu tủi cực. Con bồ chao đã thoát khỏi lồng rồi lại chui vào lồng cũng là biểu tượng bi kịch của bao nhiêu hoàn cảnh? (Con Bồ Chao đoạt giải). Con ngựa ô chỉ có một khát vọng là “được gỡ hai miếng da bịt mắt để có thể nhìn mọi phía, để được yêu, được ghét nhiều hơn “ (tr.11) nhưng nó lại lâm vào bi kịch đổi chủ nhiều lần, và những lần thay đổi ấy vẫn không khá hơn cái số phận ngựa của nó; còn bi kịch nào hơn khi người “phải bú chó mà sống “như ông Bành Ky, để suốt đời sống với bao nhiêu mặc cảm mà không thoát ra được, dù ông có muốn che lấp bằng những hành động hảo hớn! (Hảo Hớn)...
Sự băng hoại của những “sếp“ và cung cách làm việc của thời đại “nhậu“ không là một “nguy cơ“ của cả một đất nước đó sao? Người “nhân hậu‘làm sao sống được khi xung quanh mình đầy dẫy những ma, cả ma xó lẫn ma cỡ bự? Việc các công ty đối xử tồi tệ với công nhân người Việt nam, hiện đang là một vấn đề “nóng“của cuộc sống chúng ta (Gió biển không thổi tới). Bao nhiêu lần người dân lên tiếng đòi hỏi “xoá xổ những nơi kinh doanh không lành mạnh“, những ổ nhện đầy dẫy mối nguy chết người, đe doạ tương lai một dân tộc. Nhưng tại sao ổ nhện vẫn ngang nhiên tồn tại?(Quét mạng Nhện). Làm thế nào để những kiếp đời nghèo không còn thảm cảnh như Người Đàn Bà Nhặt Bông Sứ bị rắn cắn chết? Làm thế nào để cuộc sống giảm những chênh lệch giàu nghèo khi ở những nhà hàng, khách sạn khách bỏ thừa thức ăn nhiều tiền mà ngoài kia những người ăn xin”xô xát nhau, có thể giết nhau, chỉ vì mười ngàn đồng bạc“xin được của khách tham quan? Còn bao nhiêu “những sinh linh đang sống và ngụp lặn trong bể khổ…” không thể thoát được ”số phận“, như “con cá biển sa lưới và chẳng bao giờ có thể hoá rồng“ (tr.95) quả thực đó là những vấn đề lớn của đời sống chúng ta, những vấn đề dường như mỗi ngày càng bức xúc hơn?
Khôi Vũ “tri thiên mệnh“trong cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề của đời sống. Văn của anh sáng trong. Lòng của anh thanh thản. Anh quan sát, ghi nhận suy nghiệm, và ngộ được những chân lý hiển nhiên mà đời thường không dễ nhận. Chỉ khi tâm hồn bình yên, sáng trong, người đọc mới có thể tiếp cận được những gì anh viết và cái hay của trang văn Khôi Vũ.
Đã có lúc Khôi Vũ nóng giận như ông Bành Ky xách dao “chạy băng băng trên đường“ đến nhà đòi giết Ký Hoành, khi anh ta vi phạm vào chính cái tội lỗi mà cha mẹ ông đã gây ra số phận “bú chó“ của ông. Có lúc Khôi Vũ đã oán trách cả đức Phật khi ngài ngồi tham thiền “chẳng chút ưu phiền vì bất cứ cảnh đời nào xảy ra dưới chân Ngài“ vì “Ngài đã tìm được sự giải thoát cho mình mà chẳng đoái hoài gì đến chuyện nhân gian“ (tr.92). Khôi Vũ cũng đã không chịu đựng nổi những trò “ma“bỉ ổi của Hai Lóc khi theo y trong Hội Làm Ma. Đến nửa chừng anh bỏ về? (tr.65) dù Hai Lóc có biện minh thế nào. Anh đã bỏ làm ở công ty nước ngoài để giữ lấy danh dự dân tộc như cô giáo Hương trong Gió biển không thổi tới. Và anh “đã cảm thấy mặt mình nóng bừng lên…” khi đại diện người lớn nghe trẻ con nhận xét về người lớn (Trẻ con không trẻ con).
Dầu vậy, dù không cầm được sự sôi bỏng của tâm hồn trước những vấn đề xã hội không thể nào chịu đựng nồi nữa, Khôi Vũ luôn bình tĩnh, đằm thắm, bao dung đối diện với hiện thực và nhận ra bản chất của cuộc đời, nhận ra những chân lý ở đời. Cuộc sống có những quy luật. Quy luật của lẽ phải, lẽ thiện. Cuộc sống có những cái vô luân đồi bại, có những con ngưởi tồi tệ, những kẻ cơ hội chủ nghĩa, những “ma“ quái, những ổ nhện, cái xấu cái ác, nhưng tất cả phải tan biến đi để lẽ thiện sáng lên, cái thiện mãi mãi tồn tại, để tất cả chúng ta còn có niềm tin mà sống.
Hai Lóc làm ma xó quậy phá tống tiền người khác thì y lại bị chính vợ mình làm ma, cắm sừng tại nhà. Kẻ làm ma với vợ y lại là người được y tặng liều thuốc “tăng cường hạnh phúc ‘để đủ sức “zdui zdẻ” suốt đêm. Tám Tưởng lâm vào nguy cơ sụp đổ cả gia đình và bị hoang tưởng vì chính những kế hoạch làm ăn mà Tám đã “Ô kê‘. Huệ đã không thể tồn tại mà hưởng “hạnh phúc”được khi cô nàng đã bỏ chồng con đi ngủ lang với bạn học đến lần thứ ba. Và lão Chín Tàng không thể nhắm mắt xuôi tay khi “lão chưa nói ra được điều tội lỗi bí mật của mình “(Biển - tr.19)
Khôi Vũ đứng về phiá những cảnh đời nghèo khổ mà lên tiếng. Hơn thế, anh còn tìm thấy nhiều giá trị, những chân lý đời sống ở trong những cảnh đời của họ.
Tìm ngọc ở đâu? Ở nơi đào vàng chăng! Không. Ở đó chỉ có sự lọc lừa. ”cuộc sống của một anh chàng bán kẹo kéo dạo với một cô gái bán hàng rong trong một chái nhà nhỏ của một khu lao động nào đó trong thành phố… đó chính là ngọc “(Tìm ngọc) còn ngôi nhà và cảnh sống giàu sang của Tám Tưởng lại là ngôi nhà bị quỷ ám, đầy ác mộng kinh hoàng. Khôi Vũ ngậm ngùi xót thương người đàn bà nhặt bông sứ bị rắn cắn chết: “cả đời tôi sẽ chẳng sao quên được hình ảnh mấy cây nhang cắm trên ngôi mộ mới đắp của người đàn bà xấu số “.” một người nhặt hương cho đời, cuối cùng chỉ nhặt lại cho mình, có chăng lòng nhớ thương của dăm ba người nào đó, như tôi…”. Anh bênh vực cái lý của con người phải “bú chó” như ông Bành Ky. Anh cảm thông cho cả ba thế hệ: bà ngoại, cô Năm và Dung trong cảnh nghèo phai làm cái nghề mọi người khinh bỉ. “Cô Năm Bây giờ hiện ra trong tôi, nhưng với hình ảnh khác hẳn trứớc…” (Trái dưa tây lép .tr.153). Tám axit, một “con điếm tàn tạ, ai cũng coi thường “ cũng tìm được chút hạnh phúc bên một con người bất hạnh khác là Bành Ky. Khôi Vũ nặng lòng với những cảnh đời bèo bọt. “ Tôi...nghĩ ngợi lung tung. Tôi nhớ bữa cơm Tây bạc triệu, nhớ gã hành khất hung hăng đòi chia mười ngàn bạc với người bán nhang. Nhớ cái giá ba đô, năm đô một lần xoa bóp cho khách của anh chàng cột tóc. Nhớ con cá hồng ba trăm ngàn không thể hoá rồng. Nhớ những nhạc công nhà hàng Yến ngồi uống trà suông. Cả tiếng nhạc dương cầm réo rắt của cô bé truổi học trò đã phải di kiếm sống “(tr.95). Anh nghiệm ra”những con san hô chết “nhưng“thân xác trôi dạt của mình vẫn còn hữu dụng“(tr.93) và những hoa hồng tím nở bung, khoẻ khoắn trong khi những hoa hồng rực rỡ khác đã tàn tạ vì “chúng tồn tại bằng chính sức mạnh tiềm tàng của mình và chẳng để ý nghĩ ngợi, so đo hơn kém “ (Hoa hồng tím )
Khi giải quyết vấn đề được đặt ra trong truyện, Khôi Vũ có cái nhìn rất riêng, khác với quan điểm đạo đức truyền thống và thực tiễn của đời thường.
Ông Bành Ky bắt lão Ký Hòanh phải nhận lại vợ, dù người vợ đã bị bắt quả tang ngủ với trai. Vì Ông không muốn thấy những đứa con Ký Hoành mất mẹ. Cách giải quyết như vậy quả thực khó có trong đời thường. Nhưng cuộc đời ông Bành Ky là một bảo chứng cho cái lý của ông (Hảo Hớn). Người ta đổ xô xin đi làm ở công ty nước ngoài, nhưng cô tiếp viên Hương, và cả nhân vật “tôi” sẵn sàng bỏ việc ở công ty nước ngoài để bảo vệ danh dự cá nhân, danh dự dân tộc, không để người nước ngoài xúc phạm (Gió biển không thổi tới ). Trong Ngàn Sao, anh giải quyết rất đẹp, rất nhân ái, rất dịu dàng trân trọng những mâu thuẫn quyết liệt của một cuộc tình tay ba mà cả hai người phụ nữ đều là nạn nhân của sự lường gạt. Người phụ nữ trước toả sáng vẻ đẹp của một bản lĩnh “đàng hoàng, cao cả“(tr.70), còn lòng tin của Bé Năm lại hết sức đáng thương. Khôi Vũ đã dành cho họ những dòng văn thật đẹp: “Trời sao như mời gọi Bé Năm. Ở trên đó có gương mặt đẹp của người đàn bà chiều hôm trước, có nụ cười và ánh mắt xinh xắn dễ thương của cô con gái Sáng ‘(tr. 76).
Chân lý của Khôi Vũ là lẽ thiện. Anh chấp nhận thực tiễn, không giáo điều. Anh trực diện với cái xấu cái ác bằng lòng nhân ái. Anh bảo vệ những giá trị dân tộc. Anh trân trọng những giá trị nhân bản nhưng lại nói thẳng ra những điều khuất tất sâu kín trong quanh co trong tâm hồn con người.
Những cách giải quyết như vậy không phải là cách viết của bút pháp lãng mạn, cũng không hề có mùi vị của Thiền, hay của một ý thức chính trị- xã hội nào mà ta đã quen đọc; Ý thức ấy xuất phát từ một cái tâm đã “ngộ ra nhiều điều “. Cái tâm ấy đã vượt qua được những thái độ cực đoan ấu trĩ và thiển cận, đã gỡ bỏ được những “miếng da bịt mắt để có thể nhìn mọi phía, để được yêu, được ghét nhiều hơn“. Cái tâm ấy cũng đã từ bỏ được những gì đáng từ bỏ như tiếp viên Hương bỏ việc ở một công ty nước ngoài. Cái tâm của những ai đã “lăn mình vào cuộc sống...thấy hết sự đa dạng và luôn bất ngờ của cuộc sống..., thấy nhiều điều đáng yêu và không thiếu điều đáng ghét “(tr.10). Cái tâm đã chở được cả “sự bao la và hữu hạn của biển ... bao dung và tàn nhẫn…cái thiện ác, buồn vui của đời người “(tr.161) đạt tới “số phận hồn nhiên“(tr. 124) .
Cái tâm hồn nhiên này làm nên những giá trị thẩm mỹ của trang văn Khôi Vũ. Truyện của anh không phức tạp. Có những truyện rất đơn giản (Quét mạng nhện, Hoa hồng tím). Những vấn đề xã hội gay gắt được nhìn nhận nhẹ nhàng. Hiện thực được phản ánh là những cảnh đời thường, không phải là hiện thực có tầm vóc sử thi. Nhân vật của Khôi Vũ cũng không phải là nhân vật điển hình. Đó là những con người của đời thường, có hoàn cảnh rất riêng. Khôi Vũ cũng không “cách tân“ yếu tố nào của ngòi bút hay tìm tòi thể nghiệm một xu hướng hiện đại nào. Thế nhưng văn của Anh tự nhiên, chân thực, giản dị và phát triển nhanh. Cấu trúc truyện rất kín. Anh kể chuyện có duyên. Truyện có những ý vị riêng, có những ấn tượng riêng và có những giá trị rất riêng. Cái riêng ấy ẩn hiện trong cái tâm hồn nhiên của Anh, bàng bạc trong tất cả yếu tố truyện.
Anh dựng lên một Hội Làm Ma chẳng bao giờ có trong đời thực. Anh tìm ở đâu ra một lão Bành Ky hảo hớn một cách độc đáo. Anh miêu tả thật tài năng cả cái vẻ bên ngoài và bản chất của ma cô và gái điếm trong Tìm Ngọc. Và gần như ở hầu khắp các truyện trong tuyển tập đều có những sáng tạo của riêng anh.
Những sáng tạo ấy vừa có tính riêng vừa có thiên hướng tư tưởng. Tựa đề của mỗi truyện cũng gợi cho người đọc hướng về một tư tưởng nào đó, tất nhiên Khôi Vũ không nhằm đến trình bày tư tưởng. Tư tưởng được thể hiện trong bản thể câu truyện, là chính câu truyện, không gượng gạo áp đặt. Đó là cái hồn nhiên “tri thiên mệnh“.
Hồn nhiên như chồng của Huệ. Vợ đi ngủ lang nhưng chồng vẫn tin vợ sáng trong. Hồn nhiên như em bé nói chuyện khi mẹ nhặt bông sứ, mà không biết rằng mẹ sắp gặp nạn. Hồn nhiên như ma cô và gái điếm thánh thiện giữa rừng (Tìm ngọc), Hồn nhiên như Chín Tàng ba lần tìm cái chết ở biển nhưng vẫng không thể chết. Bé Năm lấy phải anh chồng lường gạt nhưng vẫn hồn nhiên một niềm tin lấp lánh Ngàn sao. Và con nhện vẫn hồn nhiên giữa bông hoa vàng sau những “chiến dịch truy quét“…
Hẳn người đọc sẽ phải ngạc nhiên về những điều hồn nhiên ấy, có khi còn khó chịu về cách miêu tả phi hiện thực như thế. Nhưng đó là Khôi Vũ. Anh còn để cho Huệ sau ba lần ngủ lang tội lỗi được ra đi “bay bổng“và lòng“thanh thản“mà không hề phải đền tội theo luật của đời. Bạn đọc có suy nghĩ gì khi thấy Khôi Vũ “suy nghĩ về màu đen của cà phê” và nhận ra những đoá hồng tím than thật đẹp “.
Khôi Vũ hồn nhiên và “tri thiên mênh“ nhưng ngòi bút của Anh đã khứa những vết rất sâu vào tâm thức người đọc về những vấn đề của cuộc sống hôm nay. Và người đọc không thể hồn nhiên với những mối thương tâm đau đáu hiển hiện hàng ngày. Tôi tin là Khôi Vũ đã rất “biết mình“như lời dạy của thân phụ anh. Tôi cũng mơ hồ rằng anh đã không nói ra những điều anh đã biết về “Thiên Mệnh“…
30/7/2021
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...