Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

Cỏ mọn hoa hèn

Cỏ mọn hoa hèn

1. Cỏ Mọn Hoa Hèn là câu chuyện tình lứa đôi trong chiến tranh. Họ đã phải chịu đựng bao đau thương mất mát mới giữ được tình yêu. Truyện gồm ba phần.
Phần I: Bà Cả vì nợ tiền bà Ký nên Nga, con gái bà Cả, phải lên tỉnh ở đợ trừ nợ cho bà Ký. Ngay đêm trước khi Nga lên tỉnh, Thuần cũng phải lên đường. Nga xin mẹ cho mình được gặp Thuần đêm cuối cùng này. Nhưng Thuần không đến chỗ hẹn mà nhờ Tiệp, một cô gái đi theo tiếng gọi của non sông, đến gặp Nga, trao cho Nga một cuốn vở “tập đồ” làm kỷ niệm. Thuần đã theo đoàn quân Sông Bé đi công tác suốt đêm. Năm tháng sau, Tiệp và Thuần đọc thư Nga gửi về cho mẹ, Nga than thở bị nhà bà Ký coi khinh. Nga rất đau khổ. Rồi trong một buổi đọc báo, Thuần đọc được mẩu tin rằng Nga kháng cự không cho ông Ký thoả mãn dục vọng nên bị ông ta tạt nước sôi vào người. Nga bị phỏng nặng phải vào viện. Quá đau khổ, Nga bỏ đi tu. Một đêm trăng, bà Cả, Tiệp, Thuần tìm đến chỗ Nga ẩn mình và thuyết phục Nga trở về. Tiệp khuyên Nga: “giống cỏ mọn hoa hèn...chúng ta quên mình vì một lẽ sống thiêng liêng cao cả…Trên dải đất quê hương Việt Nam này tràn đầy giống “hoa hèn, cỏ mọn’. Sống vì nghiã cả của dân tộc chớ không vì mình…”(tr.39)
Phần II: Sau ngày 23 tháng chạp (1946), căn cứ Tân Uyên thất thủ, chiến tranh tràn đến. Bom đạn khắp nơi. Nhưng rồi dân chúng cũng quen dần. Người tản cư trở về. Ngày ấy, nhiều người trẻ từ làng Bình Chánh đổ sang làng Mỹ quới để dự đám cưới Nga - Thuần. Bây giờ Nga đã trở lại xinh đẹp. Trong đêm trước đám cưới, để giữ sức khoẻ cho Nga, chị em không cho Nga làm gì. Nga nhìn trăng nhớ kỷ niệm với Thuần. Nhưng ngay trong đêm ấy Thuần có lệnh lên đường. Thuần nhờ Tiệp nói lại với Nga tình duyên xin hẹn kiếp sau tái sanh, tái kiến. Thuần “không thể chung tóc xanh trong khi Nước Non còn nhiều ly loạn “(tr.47). Một buổi sáng muà hạ năm Bính Tuất (1946), từ Tân Phú, Cây Đào, bộ binh của giặc Pháp chia làm nhiều toán đổ lên làng Thiện Tân và Tân Định dưới sự yểm trợ cuả đại pháo và máy bay. Chúng đóng đồn bót mới. Nga gửi thư cho Thuần kể lại tâm trạng lúc làng bị giặc tấn công và trách Thuần không cho Nga đi theo. Ba ngày sau Nga biết tin Thuần mất tích vì địch ném bom nhiều quá nơi Thuần bám trụ. Sáu đến đưa thư của Tiệp viết dở và nói Tiệp trúng bom chết rồi, coi như Thuần cũng chết (tr.58).
Hai năm sau, ở một xóm nghèo ngoại ô Sàigòn, có một cô giáo trẻ mở lớp dạy riêng. Cô thường đeo kính râm đen, và thường kể chuyện về một người con gái, người mẹ chết vì bom đạn, cô ở vậy thờ mẹ. Một chiều kia có một gã nhạc sĩ mù tìm đến. Đó là Thuần. Thuần và Nga nhận ra nhau trong thê thiết nghẹn ngào.
Nga làm mứt đón tết, họ nhận thư của một người Pháp. Tám tháng nay Nga, Thuần sum họp, cuộc sống rất nghèo vì Thuần phải ăn bám vợ. Họ đón cái tết đầu tiên. Thuần bảo Nga nên về quê. Nga bảo ở đâu người ta cũng có thể tiếp tục cuộc đấu tranh vì dân tộc.
Phần III: Ban kịch Thanh Nga diễn vở Nga và Thuần. Nga trở thành diễn viên, Thuần là người viết kịch. Cuộc tình của họ có diễn viên Thanh xen vào. Thuần muốn hy sinh tình yêu của mình để Nga và Thanh tiếp tục con đường nghệ thuật phục vụ dân tộc. Giữa lúc Nga đang diễn thì Thuần bỏ đi. Nga đi tìm Thuần, bỏ dở vở diễn.
Nga và Thuần ngắm trăng, nhớ mẹ và chị Tiệp. Khuya hôm ấy người ta khiêng đến nhà Nga một chiến sĩ bị thương. Đó là Thanh. Thanh gọi tên Nga, Thuần rồi tắt thở.
2. Truyện được viết như một kịch bản. Có cấu trúc từng phần không liên tục do sự ngắt quãng thời gian. Ngôn ngữ truyện cũng là kiểu ngôn ngữ cách điệu cuả sân khấu Cải lương, nghiã là nội dung sự việc một tác phẩm diễn trên sân khấu, nghệ thuật cách điệu và ước lệ. Cốt lõi là chuyện tình Nga và Thuần, theo kiểu cấu trúc cổ điển: gặp gỡ- chia ly- tái hợp. Giưã gặp gỡ và tái hợp là những nghịch cảnh éo le, lâm ly. Nguyên nhân chính là sự ra đi của Thuần, sự ra đi vì nghĩa cả của dân tộc. Chẳng hạn, Nga trở thành cô giáo đeo kính râm, còn Thuần bỗng dưng xuất hiện là một gã nhạc sĩ mù. Người đọc chẳng hiểu những gì đã xảy ra cho Thuần, từ một chiến sĩ lại trở thành nghệ sĩ mù! Cũng vậy Thanh đang là diễn viên kịch, rồi bỏ đi. Kết thúc truyện, người ta khiêng về nhà Nga-Thuần một chiến sĩ bị thương. Đó là Thanh. Sau khi gọi tên Nga-Thuần thì Thanh chết. Không rõ Thanh đi chiến đấu bao giờ, do đâu bị thương, do đâu được khiêng về nhà Nga?
3. Trong tác phẩm này, người đọc bắt gặp những đặc điểm chung của ngòi bút Lý Văn Sâm. Chiến tranh được miêu tả làm bối cảnh, từ đó tác giả tạo ra những nghịch cảnh cho nhân vật để tạo nên một chuyện tình lâm ly. Cuộc kháng chiến chống Pháp được nói đến thấp thoáng: Sự thất thủ ở Tân Uyên, máy bay Pháp ném bom. Dù vậy, cũng đủ nhắc cho người đọc về hiện tình đất nước. Nhận vật của Lý Văn Sâm là kiểu nhân vật phiêu bạt giang hồ. Họ ra đi vì lý tưởng, sẵn sàng xả thân cho nghĩa lớn, dấn thân thực hiện những sứ mạng, và hy sinh. Do kiểu bút pháp lãng mạn, nhà văn không miêu tả cụ thể cuộc chiến đấu của họ. Nhưng sự hiện diện bất ngờ của họ cũng đủ để người đọc nhận ra những chiến sĩ cách mạng ấy đang âm thầm hoạt động xung quanh mình, giữa thành thị. Lý Văn Sâm dệt một câu chuyện tình lãng mạn, vừa để đáp ứng thị hiếu của công chúng thành thị vừa là cách ông che dấu nhân thân khi ông hoạt động ở thành. Ông đang thực hiện sứ mệnh của nhà văn cách mạng ngay trong lòng địch.
Đôi chỗ ngòi bút hiện thực cuả Lý Văn Sâm có ghi được những nét chấm phá về cảnh sắc Đồng Nai, tình cảnh người dân trong những ngày ly loạn, và thông qua đó thể hiện tình cảm cuả Lý Văn Sâm với quê hương đất nước.
Vì là sự việc trong truyện, lịch sử được thuật lại như một bản tin, có nhận định của một phóng viên nước ngoài: “Ở thủ phủ miền Bắc, sơ ước mồng sáu tháng ba đã được công bố. Toàn dân Việt Nam đang mong mỏi một mặt trời thái bình sẽ mọc lại trên đất nước họ và sơn màu nắng xanh tươi êm dịu lên những vùng cây cằn cỏ nám…Dân chúng ở những miền quê Việt Nam, ở Tiền Giang cũng như Hậu Giang, đã nếm trải một muà xuân binh biến trên giải giang sơn gấm vóc của họ”(tr.40).
Dù sao, từ Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948) của Trường Chinh, văn chương Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Lý Văn Sâm chiến đấu bằng ngòi bút trên địa hạt văn chương, báo chí công khai ở Sài Gòn. Năm 1950 Lý Văn Sâm đã ra bưng biền. Cỏ nội hoa hèn được viết 1950 nhưng chưa có dấu ấn của văn chương kháng chiến.
Tất nhiên người đọc hôm nay không thể đòi hỏi Lý Văn Sâm phải viết như một nhà văn ở chiến khu, tác phẩm phải phản ánh hiện thực kháng chiến, phải miêu tả công, nông, binh và giải quyết những vấn đề của đời sống kháng chiến. Cỏ mọn hoa hèn tiếp tục kiểu văn chương lãng mạn từ trước 1945, nhưng đã có thêm những yếu tố hiện thực của kháng chiến, và chứa đựng những nét riêng của Lý Văn Sâm.
30/7/2021
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...