Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

Gió bãi trăng ngàn

Gió bãi trăng ngàn

Trong tập truyện này có truyện ngắn, truyện vừa và kịch.
TRUYỆN NGẮN
Gồm các truyện: Vực Thẳm, Một Cốt Truyện Mới, Đờn Chìn-Kha-La, Ngày Ra Đi, Oan Gia, Tàn Một Muà Hè, Nưả Mảnh Ngân Tiên, Một Con Chó Suả Hóng Chiều ba Mươi Tết. Trời Như Muốn sáng
Lý Văn Sâm kể chuyện khá hấp dẫn. Truyện nào văn chương cũng nhẹ nhàng thanh tao nhưng giàu tính tư tưởng và thẩm mỹ.
Tư tưởng cốt lõi của tất cả các truyện là tư tưởng yêu nước, biểu hiện cụ thể ở nỗi đau, nỗi tủi nhục, nỗi căm mất nước và ở hành động quyết tâm, quyết hiến thân, dám hy sinh cho độc lập tự do của đất nước. Lý Văn Sâm mượn câu chuyện thời Trương Phụ nhà Minh chiếm nước ta để nói cái tủi nhục mất nước: Gã thư sinh trong truyện Trời Như Muốn Sáng nói với vợ “Mắt nào nhìn thấy núi, sông của tổ quốc mà không tủi nhục”(tr.88). Lý Văn Sâm khẳng định dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, khẳng định “Ngày mai lịch sử, ngày mai của dân tộc “(tr.72). Ông ca ngợi nhiều cái chết vì nghiã lớn. Trang văn như một bản hùng ca rạng rỡ. Lý Văn Sâm viết về cái chết của em Trực: ”Sống, em là một vị anh hùng của đất nước. Chết, em là một vị thần linh của Sông, Núi “(tr.56). Viết về cái chết cuả anh Lê trong Tàn Một Mùa Ve, câu văn thật cảm động và hùng tráng: ”Chúng tôi xa hẳn anh rồi, anh Lê ơi! Sau lưng tôi, tiếng ve bỗng nghe hùng hồn như kèn thúc trận. Tiếng súng vun vút bên tai… Vui quá đi mất! Chúng tôi đang xé trận tuyến mà xuống núi”(tr.73)
Nhân vật chính cuả truyện ngắn Lý Văn Sâm là kiểu nhân vật “dũng sĩ”, chiến sĩ, “kẻ lạc loài”,“trôi dạt bình bồng”, “khăn gói trên vai băng ngàn“, ”lủi thủi mang tấm lòng son đếm bước chân lưu lạc”. Đó là những người mang nỗi đau lớn lao trước tình cảnh nước mất nhà tan, những người chiến đấu cho một lý tưởng cao đẹp, họ dấn thân vào cuộc chiến đấu mà hiện tại mù mịt. Nhưng họ chưa bao giờ chùn chân nản chí, với quyết tâm “Tráng sĩ nhất khứ hề …”
Truyện ngắn Lý Văn Sâm có vẻ đẹp như những bài thơ lãng mạn bi tráng.
Chất trữ tình bộc lộ ở cách tác giả nhập thân vào nhân vật Tôi mà bày tỏ trực tiếp suy nghị cảm xúc, nhờ đó nâng sự đồng cảm nơi người đọc về tình yêu quê hương đất nước, tình bạn, tình vợ chồng, về giá trị nhân đạo về cái đẹp nhân văn.
Chất lãng mận đậm màu sắc thẩm mỹ ở những trang miêu tả thiên nhiên diễm tuyệt, thiên nhiên giàu ánh sáng, sắc hương, thiên nhiên thấm đẫm tâm trạng. Dù là nhân vật đang trong cảnh hiểm nguy hay kề cận cái chết thì thiên nhiên vẫm đậm hương xung quanh. LVS đặc biệt tả hoa “sim sim“ và hoa soan. “Giống hoa sim sim thành ra một thứ hoa huyền bí. Hoa chỉ nở vào đêm cuối hạ và tàn đi trước một ngày thu đẹp đẽ./ Trọn đêm ấy, mùi hoa tiết ra thơm cả một vùng trời đất. Người ta cảm giác như nghe những tiếng vỗ cánh vô hình của một bầy tiên nữ đang bay luyện giưã trời”(tr.45). cảnh thiên nhiên cũng thường mở đầu câu chuyện (Oan Gia, Trời Như Muốn Sáng, Ngày Ra Đi...)
Phong vị truyện ngắn Lý Văn Sâm còn là chất cổ điển chan hoà trong tinh thần hiện đại. Lý Văn Sâm kể chuyện lịch sử, rồi thuật tóm tắt “sử chép “ (Trời Như Muốn Sáng). Chất cổ điển là hình ảnh nhân vật “tráng sĩ nhất khứ hề bất phục phản “(câu thơ của Kinh Kha khi qua sông Dịch sang Tần để giết Tần Thủy Hoàng). Đặc sắc của Lý Văn Sâm là xây dựng một nhân vật nữ anh hùng, một ca nữ đã hành thích Trương Phụ.
Cách kể chuyện cuả Lý Văn Sâm cũng có nhiều nét phong cách đặc sắc. Bút pháp lãng mạn được sử dụng để viết về vấn đề hiện thực mất nước, về những người con yêu của đất nước ra đi hiến thân cho lý tưởng, sẵn sàng hy sinh vì nghiã lớn. Chất lãng mạn là tinh thần “tráng sĩ nhất khứ hề…”, miêu tả cái đẹp vượt lên trên hiện thực bi thương, chẳng hạn cái chết của Lê trong Tàn Một Muà Ve, cái chết cuả Trực trong Ngày Ra Đi. Lý Văn Sâm thường sử dụng cách kể chuyện trong kể chuyện, sử dụng kiểu nhân vật phiếm chỉ (gã thư sinh, gã dũng sĩ). Cốt truyện cuả Lý Văn Sâm tuy đơn giản nhưng luôn có những đột biến quyết liệt ở phần cuối, tạo ấn tượng mạnh mẽ, làm lắng sâu tư tưởng và cảm xúc nơi người đọc (Vực Thẳm, Trời Như Muốn Sáng).
Câu văn cuả Lý Văn Sâm mộc nhưng dịu dàng, có lúc gân guốc, có lúc quyết liệt mạnh mẽ. Mạch văn nhanh. Lý Văn Sâm có nhiều hình ảnh so sánh rất hay, khám phá hình ảnh và ngôn ngữ của ông mới lạ và giàu chất thơ. Tả đôi mắt người chết: ”Mắt anh he hé như ánh tà dương còn nuối một chân trời đã khép..”. Tả hình hài một con chó ghẻ: ”Trông nó có dáng điệu một gã con trai mang nặng một nỗi buồn về một người đàn bà đã ‘rạch một vết thương trong lòng’ người con trai đau khổ rồi ra đi mãi mãi không về”(Tr.80). Tất nhiên, phải đặt câu văn trong trang văn mới có thể cảm nhận được cái thẩm mỹ của ngòi bút Lý Văn Sâm. Nhà văn cũng thường đặt những câu thơ vào mạch truyện, tạo nên chất trữ tình cho trang văn. Người đọc gặp lại cách viết của Lý Văn Sâm trong trang văn cuả Nguyễn Huy Thiệp sau này. Đôi khi có bóng dáng Nam Cao trong cách miêu tả và triết lý cuả Lý Văn Sâm.
Nếu đặt những truyện của Lý Văn Sâm bên cạnh truyện Thạch Lam và Nam Cao, người đọc sẽ nhận ra một phong các đặc sắc Lý Văn Sâm, đó là kiểu truyện trữ tình lãng bạn bi tráng, giàu tình cảm nhân đạo và đậm chất nhân văn.
TRUYỆN VỪA
Kiếp Này Thôi Đã Lỡ là một truyện tình dang dở, kiểu truyện trinh thám, lấy bối cảnh yêu nước chống phát xít Nhật. Tính chất trinh thám lấn át các đặc điểm thẩm mỹ và tư tưởng khác của truyện.
Sóng Vỗ Bờ Xa là một truyện tình chiến sĩ trong ba năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Người con gái hy sinh. Người con trai trở thành một “kẻ cùng đường bại trận”. Tính chất lãng mạn là đặc điểm thẩm mỹ chính chi phối mọi yếu tố cuả tác phẩm, tuy tác phẩm có miêu tả những chi tiết hiện thực làm bối cảnh: “Xuân Lộc thất thủ! Long thành bị uy hiếp. Bà Riạ bị hăm doạ.”(tr.112), “lịnh báo động lại tái phát. Mười chiếc phi cơ khu trục từ phiá Long Hải bay mau như mười mũi tên, sà xuống bãi biển và bắn nhiều loạt liên thanh chát chuá”(tr.124), “Những ngày cuối năm Mậy Tý (1948), trời vần vũ mây đen…Giưã đêm mồng một tháng giêng năm ấy mọi người Việt Nam đang buồn thắp nén hương lòng để nhớ rằng mình đã sống qua ba năm quốc hoạn …”(tr.125). Truyện ít nhiều thể hiện khát vọng độc lập tự do của Lý Văn Sâm. Ông viết: ”Khi nước nhà được độc lập và xã hội Việt Nam được đứng trong chết độ mới thì đời sống của mọi tầng lớp dân chúng tự nhiên phải thay đổi hắn “(tr.117)
Ma Ní Bửu Châu là một kiểu truyện cổ tích về các hoàng tử công chúa xưa. Chủ đề cơ bản là đấu tranh thiện- ác. Ngòi bút Lý Văn Sâm không có gì mới về nghệ thuật và tư tưởng so với những cổ tích đã có.
Nợ Nước Thù Nhà là một truyện khoa học viễn tưởng so với lúc Lý Văn Sâm viết tác phẩm (trước 1954). Lý Văn Sâm có óc tưởng tượng khá phong phú. Những điều ông miêu tả trong chiến tranh bằng song điện ngày nay người đọc có thể thấy trong những trận chiến mà bom tinh khôn được điều khiển bằng tia Laze từ những vệ tinh. Tuy vậy, ở truyện này, Lý Văn Sâm không để lại dấu ấn sâu đậm về tư tưởng như nhựng truyện khác. Ngày nay độc giả đọc tuyện sẽ cảm nhận như một game điện tử giải trí.
Nhì chung 4 truyện vưà này không có gì mới hơn so với những truyện ngắn ở trên. Lý Văn Sâm có thử bút ở những kiểu truyện khác (Cổ tích, viễn tưởng) song các truyện này đều mờ nhật về tư tưởng và nghệ thuật, không để lại dấu ấn sâu đậm như những truyện ngắn lãng mạn của ông
KỊCH
Có 10 vở kịch trong tập Gió Bãi Trăng Ngàn: Sa Mạc, Đường Vào Xứ Phật, Đi Chơi tết, Người Đi Không Về, Trùng Dương, Trong Một Ngày Vui, Nham Hiểm, Sậu Lệnh, Một Bi Kịch Đã Hạ màn, Nửa Mảnh Trăng Thề
Kịch của Lý Văn Sâm cũng là những truyện ngắn lãng mạn. Chỉ khác truyện ngắn là Lý Văn Sâm bỏ đi phần miêu tả tâm lý, chân dung, thêm vào phần ghi chú các hành động kịch. Mỗi vở kịch thường chỉ vài ba nhân vật, một hai cảnh đơn giản về mạch truyện và diễn xuất. Cũng có khi tính cách điệu của kịch vượt lên trên hiện thực khiến cho người đọc hoài nghi về tính chân thực nghệ thuật của tác phẩm (Một Bi Kịch Đã Hạ Màn). Lý Văn Sâm có chú ý đến tính kịch, song ông không khai thác được những tình huống có tính kịch cao, và những mâu thuẫn kịch không đạt đến tầm vóc những mâu thuẫn của thời đại.
Nhân vật chinh của kịch Lý Văn Sâm là người lính, người tráng sĩ phiêu bạt (tr.183,186), dấn thân , hy sinh vì lý tưởng (tr.256, 261..) độc lập tự do cho dân tộc, nhưng họ còn đang trên con đường đấu tranh, ra đi không về, bỏ xác trên sa mạc, hoặc ngoài đại dương, lưu lạc xứ người thi hành nhiệm vụ... và hầu hết là những con người chiến bại (tr.177, 179…). Có vở kịch lấy đề tài kháng chiến chống quân Minh, tráng sĩ mưu giết Trương Phụ (Người Đi Không về ) và tố cáo tội ác của Trương Phụ (Nham Hiểm), như một cách gián tiếp thể hiện tình cảm yêu nước. Tất cả những chiến sĩ ấy đều bỏ lại tình nhà (với mẹ, với em, người yêu) để ra đi, và không trở về. Người thân yêu chỉ nhận được tin họ hy sinh hay bị thương. Tất cả các nhân vật ấy đều nằm trong bút pháp lãng mạn mang màu sắc cổ điển, mặc dù cũng có những dấu vết của đời sống hiện thực.
Trong bối cảnh chiến đấu, Gió bãi trăng ngàn là những chuyện tình lứa đôi, những chuyện tình buồn và đôi khi là bi kịch (Đường Vào xứ Phật, Trong Một Ngày Vui). Dầu vậy, đó là những tình cảm cao thượng, trong sáng, thủy chung của những con người sống có đạo lý.
Nhìn chung, với những kịch bản trong Gió bãi trăng ngàn, Lý Văn Sâm chưa có những đóng góp đặc sắc cho nghệ thuật kịch Việt Nam. Thành công của ông là ở những truyện ngắn lãng mạn.
Tháng 8/2009
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...