Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

Nắng bên kia làng

Nắng bên kia làng

Tập truyện Nắng bên kia làng gồm các truyện ngắn:
Nắng Bên Kia Làng (1949) là một tự truyện kể lại việc tác giả (nhân vật tôi) chạy loạn về quê ngoại. Quê ngoại tôi là một xóm nhỏ lẩn trong rừng già quận sông Bé. Tác giả nhớ lại những người thân gia đình trong thời ly loạn. Bà ngoại mất, rồi mẹ mất. Cha bị truy nã, bị bắt, bị đày. Từ khi sinh ra, bảy năm dài tác giả nằm trong lòng bà ngoại. Sau khi ra tỉnh, rồi lên Sàigòn, ra Huế học, Tôi làm trai sông hồ, tâm hồn tôi lãng mạn quá. Tôi chỉ biết nhìn mây núi mà thở dài”(tr.37). “lần lần tôi sa ngã. Tôi trở về với cái tôi tầm thường như bao nhiêu cái tôi khác. Ăn no. Mặc ấm“. “đến cái thiên chức nghệ sĩ của tôi ngày trước, tôi cũng quên mất” (tr.38). Chiến tranh Phát xít lan tràn, quanh tôi chết chóc thê lương quá. Tôi muốn lướt lên hàng đầu của dân tộc để làm hàng rào ngăn một sức mạnh đang tiến vào Đất Nước. Tôi muốn… Tôi muốn…” (tr.39) nhưng không thực hiện được vì còn vợ con níu kéo.
Tôi về ngoại, bà con lối xóm kéo tới thăm. Họ nói chuyện chạy trốn. Nếu Tây đến thì cứ lủi vô rừng chừng nào yên thì về. ”Họ coi mình không có trách nhiệm gì với Nước, Nhà hết”(tr.43). Cậu mợ tôi nhìn nhau lắc đầu. Tôi ở nhà cậu, một thời gian có nhiều nhóm bộ đội của đồng bào Bắc Bộ không biết từ đâu kéo đến đông chật xóm. Lại có lệnh tản cư. Tôi ở lại, bị anh chính trị viên tra hỏi vì làm tay sai thực dân. Tôi vào rừng với niềm tủi cực chua hơn chanh, xót hơn muối.(tr.47). Ở trong rừng, đến ngày thứ tư thì hết gạo. Cậu tôi lần về xóm lấy gạo, bị bắn và chết sau đó. Máu đỏ chảy trong gạo. Ba năm rồi! Mỗi bữa ăn cơm tôi đều mắc nghẹn. Có lẽ hồn cậu tôi về trong những bữa cơm ấy (tr.51). Từ ấy, trời làm mưa gió thiệt sự. Tiếng súng đồng đêm nào cũng chọc thủng chân trời”(tr.52). ”Nhiều khi chợt tỉnh giấc giữa một đêm não nề sũng nước, tôi tưởng mình đã chết rất lâu, rất xa, trong những ngày tản cư năm nọ. Nhưng tôi vẫn sống. Sống đầy đủ như mọi người trong vòng kiểm soát. Đừng ai hỏi tôi sao không làm được việc này, việc nọ. Tôi sẽ bối rối lắm”.”Tôi đang chờ một người thân yêu… mang một thứ nắng ấm mới của miền quê anh dõng… dẫu là thứ nắng tàn nhợt nhạt ở bên kia làng!"(tr.53)
Truyện là sự giãi bày tâm sự, hoàn cảnh vì sao Tôi không làm được việc này việc nọ, cùng với nỗi đắng cay tủi cực trong hoàn cảnh bị kiểm soát, sống mà như đã chết. Giọng văn buồn nhưng chân thành, vẫn còn một chút hy vọng nơi chính mình, mong một chút nắng bên kia làng.
Kiếp Này Thôi Đã Lỡ đã in trong tập Gió Bãi Trăng Ngàn.
Chuyện Ầy Đã Qua Rồi (5.1979) là truyện nhân vật tôi kể lại cuộc phá xiềng cuối năm 1956. Những người kháng chiến cũ bị giam ở ”Trung tâm chính huấn” Biên Hoà đã bất thần làm cuộc phá xiềng tập thể. 24 người hy sinh tại trận. Mãi 12 ngày sau tôi và đồng chí Ba Bửu mới tới được vùng chiến khu Đ cũ. Đồng chí Ba Bửu để tôi lại một mình với gia đình bác bảy Hội là cơ sở CM. Tôi ở ngoài rừng, bác Bảy và cô con gái Thuỷ Tiên chăm sóc tôi rất tình nghiã. Sáng mồng một tết Bác Bảy tới báo Thuỷ Tiên bị chúng bắt, bị đánh rất dữ. Tôi cuốn võng đi theo bác Bảy. Không biết bao giờ mới trả được ơn nghĩa của Thỷ Tiên.
Đêm mùng 2 tết tôi phải vượt tỉnh lộ 16 về gặp tỉnh ủy, Đồng chí Ba Bửu đang chờ tôi. Ngay sau đó tôi phải vượt quốc lộ 1 đi về phía Đông Bắc, căn cứ cách mạng ở đó. Ba tháng sau đồng chí Ba Bửu bị giặc bắt và chôn sống. Tôi lại nhận được tin bác Bảy bị chúng bắt trói và đốt nhà đốt. Ông già bị thiêu sống trong ngọn lửa. Không có tin gì của Thuỷ Tiên. Muà xuân 1960, tôi được điều sang làm văn nghệ ở Ban Tuyên Huấn R. Ở đây tôi gặp Tây Thi, và cưới làm vợ. có một con gái. Rồi vợ tôi lên đường về xây dựng văn nghệ vùng ngoại ô Sài Gòn. Vợ tôi hưá sẽ tìm chị Thuỷ Tiên cho tôi. Khi nàng đi khỏi, tôi rút khăn tay chùi nước mắt.
Tôi nhận được 6 lá thư Tây Thi gửi cho tôi, báo tin sinh hoạt văn nghệ cuả cô, việc địch đánh phá dữ dội, đảo chánh Diệm, tin Thuỷ Tiên bị địch bắt tra tấn , dùng dao găm rạch mặt. Thuỷ Tiên định ở vậy không lập gia đình nữa. Thuỷ Tiên hiện là Huyện Uỷ Viên huyện Bến Cát. Chị hẹn sẽ gặp và chúc mừng đám cưới chúng mình.
Anh bạn kể cho tôi (tác giả) nghe câu truyện trên đây là một cán bộ văn nghệ, tuổi đã ngoài 50. Tác giả thường đến nhà anh chơi để nghe kể tiếp truyện Thuỷ Tiên. Thuỷ Tiên giờ phụ trách Ty Thương Binh-Xã Hội, mấy con anh cán bộ gọi Thủy Tiên là má. Thằng Sửu, ngừời đã bắt và tra tấn Thuỷ Tiên bị đội nữ biệt động của Thuỷ Tiên bắt và đưa ra toà án nhân dân đền tội năm 1973. Thuỷ Tiên noí, chuyện ấy đã qua rồi (chuyện quan hệ giữa người cán bộ với thuỷ Tiên và những chuyện đau thương xưa). Bao nhiêu việc mới đang chờ chúng ta. Một tuần sau, tác giả đến gặp anh cán bộ, nhưng anh đã đi Lạng sơn vì “bọn giặc Trung Quốc mới gây nhiều tội ác ở biên giới phía Bắc…”
Lý Văn Sâm có cách kể gọn, mạch văn nhanh, tập trung vào nhân vật và sự kiện chính, làm nổi bật tội ác kẻ thù và phẩm chất anh hùng của cán bộ, nhân dân trong đấu tranh quyết liệt với kẻ thù. Lý Văn Sâm coi trọng tình nghiã thuỷ chung, trân trọng những hy sinh lớn lao cuả quá khứ nhưng ông hướng về tương lai. Như Thuỷ Tiên đã nói “Chuyện ấy đã qua rồi. Bao nhiêu việc mới đang chờ chúng ta. Cuộc đấu tranh đang chờ ở phía trước”.
Ở loại truyện kể lại kỷ niệm chiến đấu, ngòi bút hiện thực của Lý Văn Sâm vẫn sắc xảo, tinh tế và bay bướm, tuy không bay bổng như những truyện tình lãng mạn của ông. Văn của ông vẫn rất có duyên nhờ những đoạn trữ tình sau câu chuyện, và cách kết bỏ lửng. Ông có nói đến tội ác dã man của kẻ thu nhưng không khai thác đậm tính dã man cuả chúng mà qua đó làm bật lên tính cao cả cuả những nhân vật anh hùng kiều mới, cùng với vẻ đẹp nhân văn ở hình tượng nhân vật. Lý Văn Sâm hoá thân vào nhân vật tôi rất tự nhiên, mới đọc truyện, người đọc ngỡ Lý Văn Sâm đang viết tự truyện. Cuối truyện là cảnh sinh hoạt đời thường nhưng Lý Văn Sâm vẫn giữ được độ nén của cốt truyện, nhờ đó truyện hấp dẫn đến những dòng cuối.
Chuyện Ngưởi Thổi Sáo Ở Bến Xuân (tháng 8/1991) là một tự tuyện kể, nhưng nhân vật chính là Bác Năm Trừu bị mù bẩm sinh, người thổi saó ở Bến Xuân. Đó là bến nước Rạch Nớ chen vào giữa miểu Ông Bình Vôi và nhà Xuân ngó ra Cồn Gáo sông Đồng Nai chỗ Cù Lao Phố. Năm tôi 20 tuổi, được phân công giữ chân biên tập tờ báo huyện, tờ Sông Phố. Khi Nam bộ kháng chiến bùng nổ, tôi và Xuân được phân công ở lại. Xuân dẫn tôi về nhà. Ở đây tôi được bác Năm Trừu, cha cuả Xuân và cô Sáu nuôi dấu và che chở trong hang rắn. Bác Năm là người thổi sáo rất hay. Bác muốn truyền tiếng sáo Bến Xuân cho đời sau. Bác mong thằng Xuân gia nhập văn công tỉnh để đem tiếng sáo đi theo hồn nước.
Chiếm xong Biên Hoà, Tây đi lùng sục thăm dò du kích. Chúng tôi phải chuyển ra Cồn Giáo. Sau đó cô Sáu đưa chúng tôi rút về Cù Lao Ruà. Vì động ổ, Cô Sáu bị Tây bắt nhận nước ở ao vịt. Dượng Sáu bị chúng đánh phun máu đầu, Bác Năm bị chúng lục lọi tra khảo, hăm doạ dùng dùi sắt nung lửa chọc thủng đôi mắt mù, nhưng Bác vẫn lì. Tây không làm gì được. Ông vẫn thổi sáo ở Bến Xuân.
Sau 30 năm chiến tranh, tôi được phân công đảm trách công tác đặc biệt ở nước ngoài. Bác Năm Trừu mất sau một tháng chúng tôi rời bến Xuân. Người con gái câm tiếp tế lương thực cho chúng tôi bị Tây hãm đến chết. Xuân Bây giờ là bác sĩ. Bác sĩ vẫn cất trong tủ thờ chiếc sáo ngày xưa đã đem theo mình khắp đường hành quân. “tiếng sáo phảng phất tiếng réo gọi của quê hương, thấm đậm hào khi đất Đồng Nai thi vị và anh hùng “(tr.109) Nơi xứ người, tuyết lạnh nhắc tôi nhớ mãi đốm lửa thiêng mà Bác Năm đã nhen lên trong lòng tôi từ thuở ban đầu. Và làm sao quên được lời dạy dỗ của người thầy nghệ sĩ thân yêu: ”Kẻ vô hồn khó mà khiến cho tiếng đờn, tiếng địch của mình có hồn”(tr.110)
Lý Văn Sâm kể chuyện xưa nhưng là để ca ngợi những người anh hùng cuả thời đại mới. Họ không phải là những nhân vật anh hùng kiểu KònTrô hay Châu Phiên, mà là người bình thường, chiến đấu dũng cảm phi thường, hy sinh thanh khiết. Truyện hấp dẫn ở sự chân tực, và nhất là ở cái tình cái nghiã cuả những con người đã hy sinh và cái tình cuả tác giả. Những đoạn tuỳ bút thể hiện trực tiếp tâm trạng, tình cảm cuả tác giả với nhân vậy có sức lắng đọng suy nghĩ sâu sắc vả làm cho hình tượng nhân vật tỏa sáng ngời ngời. Truyện cũng ẩn dấu những tâm sự cuả Lý Văn Sâm trước thực tại hôm nay “Dẫu rằng chưa ngoi lên khỏi những cơn sóng dữ của cuộc đời, trước sau tôi vẫn tâm niệm một điều:’ Con sông Phố diễm lệ đối với tôi như người yêu cũ. Dòng nước tri kỷ sẽ thủ thỉ những gì với tôi khi tôi và con song tái ngộ?”
Cũng lưu ý truyện này được viết 1979, sau 30 năm (từ 1949) Lý Văn Sâm im tiếng. Không ai hiểu tại sao Lý Văn Sâm lại ngưng viết trong một thời gian dài như thế. Bút lực của ông vẫn mạnh mẽ, nhiệt tình của ông vẫn đầy ắp trang văn và những điều xưa kia ông từng ấp ủ nay đã thành hiện thực.
Tập truyện Nắng Bên Kia Làng ghi nhận những sự thay đổi căn bản cuả lich sử, số phận những người nông dân từ trước kháng chiến đến kháng chiến chống Mỹ. Xưa kia thời ly loạn, họ sống gian nan chết tức tử, bây giờ họ là những người anh hùng, dũng cảm phi thường trong tư thế cuả người chiến thắng, mặc dù sự hy sinh thật lớn lao. Trước kia Lý Văn Sâm như một người ngoại cuộc viết về họ, còn bây giờ Lý Văn Sâm là người trong cuộc, cùng chiến đấu cùng chịu gian khổ và được nhân dân cưu mang. Thái độ ngòi viết của ông khác hẳn: Thân tình, gắn bó, sâu nặng ân nghĩa, ân tình. Thái độ ấy được thể hiện trong giọng văn trong câu văn chân thật, sống động khiêm tốn mà tự hào.
30/7/2021
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...