Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Bầu trời mặt đất

Bầu trời mặt đất

Bầu Trời Mặt Đất (1969) là câu chuyện nhân dân ta đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ trên miền Bắc nước ta. Tại sao đế quốc Mỹ thất bại khi họ có một lịch sử nhiều đời tổng thống can thiệp vào Đông Dương, có một lực luợng không quân thật hùng hậu và nhiều sĩ quan phi công từng là anh hùng của nước Mỹ. Tại sao lực luợng không quân non trẻ cũa ta lại có thể đối đầu và đánh bại đạo quân hùng hậu và hiện đại của đế quốc Mỹ? Bầu Trời Mặt Đất muốn lý gỉai điều đó.
Trước hết, bản chất chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ là phi nghĩa, nó gây nên nỗi vò xé đau đớn ngay trong lòng nước Mỹ, trong lòng những con người còn lương tri (Giên, Uyliam, Giôn Rit), nó tạo nên một lực lượng phản chiến lớn lao ngay trên đất Mỹ và lan toả đi khắp thế giới.”Nước Mỹ ngày nay như một mớ bòng bong, tâm hồn người nào cũng như đang chứa một khối thuốc nổ khổng lồ”(tr.337). Uyliam đã tập trung sức lực để hoàn thành một công trình hơn một vạn rưỡi trang khổ 13x19 để “lên tiếng trần tình, thức tỉnh, tố cáo cùng toàn thể thế giới: cuộc chiến tranh mà 4 triều tổng thống Mỹ, từ âm mưu đến hành động, tiến hành ở Đông Dương là một cuộc chiến tranh xâm lược, phản nhân loại, phản tiến bộ phản lại văn minh của loài người “(tr.319). Uyliam đã đi Việt Nam, đến Sài Gòn, đến vùng Giải phóng, sang cả vùng giải phóng Lào để tìm hiểu và được chứng kiến tận mắt tất cả những khiá cạnh mộ mặt phi nghĩa của chiến tranh xâm lược Mỹ. Phi nghiã ở chỗ nó huỷ diệt bao người dân Việt Nam vô tội, cũng đồng thời huỷ diệt con người và hạnh phúc của nhân dân Mỹ.
Vợ con phi công Mỹ luôn chờ chồng trở về trong cỗ áo quan. Gia đình Giên-Tanơ hoàn toàn tan vỡ hạnh phúc. Giên lang thang vô vọng đi tìm chồng khắp cõi Đông Dương. Còn chính Tanơ, sau những chuyến bay ném bom chết hụt trở về, nằm nghĩ đến những thằng bạn đã chết (Hayđơn) hoặc tung dù, đang ở khách sạn Hintơn Hànội (Maicơn) mà nghĩ về số phận mình. Một người bạn đã bảo cho Tanơ biết: ”trong cuộc chiến tranh này, nào có phải mỗi mình anh ta đau khổ, mỗi gia đình anh bị chia năm sẻ bảy đâu ..”(tr.392). Hậu quả của chiến tranh xâm lược Mỹ sẽ còn tác động lâu dài đối với lịch sử và tâm hồn nước Mỹ. Giôn-Rit đã chỉ ra điều ấy: ”ít ra cũng phải hai thế hệ nữa, danh dự, lòng tin, lương tri của người Mỹ đã mất đi trong cuộc dính líu can thiệp ở Đông Dương mới có thể được khôi phục một cách què quặt”(tr.335)
Sự thất bại của Mỹ còn thể hiện ngay ở chế độ Thiệu Sài Gòn, một chế độ chỉ có rối loạn, xe tăng và gái điếm. Khi Uyliam đến Sàigòn, anh làm một vòng xe dạo quanh thành phố, và anh đã thấy gì? Trên đường phố Sài Gòn giới nghiêm, xe tăng và lính nguỵ nhe răng gầm gừ. Trên nòng pháo phần phật chiếc sìlip của một cô gái nào đó. Lính nguỵ, quân cảnh chạy rầm rập trên đường, “chúng vưà chạy lùi vừa đá, đạp, xô, đánh túi bụi vào đầu, ngực bất cứ ông già phụ nữ hoặc trẻ em đang đứng gần chúng”. Cảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn chết lãnh tụ Thanh Niên Phật Giáo trên đường phố (1); Cảnh đấu tranh của thanh niên sinh viên Phật tử, thương phế binh bên cạnh các nhà chưá (tr.343) đến “Phật tổ Như lai cũng phải cầm dao phay phanh áo ngực thí mạng (tr.345); cảnh trực thăng Mỹ quạt rocket xuống giữa hàng nghìn đồng bào Phật giáo (tr.347) ; Cảnh phó tổng thống Sàigon Nguyễn Cao Kỳ xuất hiện như một tên cướp giựt: ”nhân lúc cô gái sơ ý, nhanh như chớp, Kỳ chồm người xuống cướp mảnh giấy trong tay cô và biến mất trong thùng xe” (tr.349) và cảnh “dân chúng bãi chợ, đình công, sinh viên không đến trường. Hàng vạn công nhân đình công, tuần hành trước trụ sở Lao Công, Phủ Tổng Thống. Họ đòi được bảo đảm tự do, dân chủ, chống sa thải, tăng lương và tống cổ bọn can thiệp Mỹ khỏi đất nước, để cho người Việt Nam tự gỉai quyết vấn đề Việt Nam “(tr.350)
Một chế độ hỗn loạn như vậy không thể tồn tại được trước sức đấu tranh ngày càng dữ dội của nhân dân, dù chúng có tàn bạo đến đâu, dù chủ Mỹ có chi viện bao nhiêu. Trên chiến trường miền Nam, Uyliam cũng nhận rõ lính Mỹ thảm bại không gì cứu vãn, bởi vì lính Mỹ bị đánh bại ở mọi nơi chúng đặt chân đến. “Lực lượng đã tiêu diệt lữ đoàn thép của đại tá Giốc không phải từ xa đến. Họ ở ngay đây thôi, chỗ có tiếng trẻ con đòi sữa và người mẹ đang ru hời kia thôi “(tr.362)
Đế quốc Mỹ biết rõ chiến tranh xâm lược của chúng là phi nghĩa, chúng phải chịu từ thất bại này đến thất bại khác, sao chúng vẫn tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam? Nhà văn Hoàng Văn Bổn đã trình bày lại quá trình Mỹ can thiệp vào Việt nam từ năm 1950 cho đến 5/8/1964 qua những tư liệu mà Nooc Man đọc lại. Nét rõ nhất trong chiến lược của Mỹ là một ý thức chống cộng quyết liệt và ngoan cố. “Hội Đồng An Ninh Quốc Gia nói: để Đông Dương mất vào tay cộng sản sẽ nguy hại cho nền an ninh của Mỹ và bất kỳ gỉai pháp thương lượng nào cũng có nghĩa là mất Đông Dương và toàn bộ Đông Nam Á” (tr.23). Thế nên chúng phá hoại hiệp định Giơnevơ, đổ quân Mỹ vào Việt Nam và cho không quân đánh tràn ra miền Bắc.
Nhưng nguyên nhân nào thôi thúc những chiến lược điên cuồng ấy? Thật dễ trả lời:”Đô la! Thần của các thần! Vinh quang của mọi vinh quang! Vua của các vua. Chúa của muôn loài! Đô la và những niềm vui rẻ tiền cùng con gái, rượu chè”(tr.7). Chính “tiếng gọi đầy ma lực của đôla”, là cái sức mạnh ngấm ngầm chỉ huy mọi chiến lược của Mỹ. Nooc Man nhận làm chuyên viên nghiên cứu không chiến của Lẩu Năm Góc thì công ty sản xuất máy bay F4 mang tên hai vợ chồng Lôriđăng-NoocMan sẽ được chính phủ đặt hàng mua gấp năm gấp mười (tr.35). “Đây là điểm sâu sắc nhất, trung tâm nhất”. NoocMan là một kiểu điển hình của nước Mỹ. Hắn luôn tự hào về dòng họ của hắn và phấn đấu bảo vệ mọi quyền lợi của dòng họ hắn.”Những người thuộc dòng NoocMan đều là quân nhân cao cấp, chủ trì nhiều tổ hợp quân sự, nhiều công ty sản xuất vũ khí, dầu lưả, thép,,,” (tr.15).
Sau này, NoocMan cũng bị đánh bại, bị tung dù. Mặc dù phi vụ của hắn được một lực lượng hùng hậu hộ vệ. Trước khi lên máy bay, hắn đã linh cảm thấy điều ấy. Hắn thú nhận “dù có muộn tôi vẫn phải nói! dù là chỉ nói cho riêng tôi, tôi cũng phải nói: chúng ta đã quá quen hái chiến thắng trong túi áo, ở nhiều nơi đồng đô la của chúng ta đã hái chiến thắng trước khi chúng ta đến! Với đối thủ này, hoàn toàn khác…! Cuộc chiến tranh này rồi sẽ còn kéo dài một cách đẫm máu và vô tận “(tr.475).
Chỉ rõ cội nguồn chiến tranh xâm lược Mỹ ở Việt Nam là một cố gắng đầy chủ quan của Hoàng Văn Bổn. Thực tiễn lịch sử cho thấy việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam phức tạp hơn nhiều. Nó nằm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, trong tương quan lực lượng giưã hai phe tư bản chủ nghiã và phe Xã Hội Chủ Nghiã. Việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam và thất bại ở Việt Nam không chỉ vì Đôla, mà vì nhiều nguyên nhân khác, ở thời điểm viết Bầu trời mặt đất (1969) nhà văn chưa có điều kiện nhận thức được đầy đủ vấn đề như sau này.
Bằng sức mạnh nào nhân dân ta đánh bại được chiến lược chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc? Trong Bầu Trời Mặt Đất, nhà văn Hoàng Văn Bổn (HVB) đã dành nhiều công sức để lý giải điều này. Đó là sức mạnh của những con người nô lệ được cách mạng giải phóng, nay quyết tâm chiến đấu giữ lấy bầu trời tự do của mình; sức mạnh của tình yêu lứa đôi; sức mạnh của chế độ mới, “mỗi người vì mọi người”, mọi vui buồn hạnh phúc riêng đều giải quyết trên quyền lợi chung của tập thể, của tổ quốc. Mỗi con người dù ở cương vị nào cũng vươn lên, sáng tạo, đóng góp hết sức mình cho cuộc chiến đấu chung.
20 năm trời xa cách miền Nam, Hải không nguôi nhớ đến hình ảnh người cha và anh Năm bị thằng Tây sứt môi trong bốt Cây Đào cầm con dao găm cắt cổ và mổ bụng (tr.104). Lòng căm thù giặc đã biến thành sức mạnh chiến đấu ở Hải. “Hải là người mơ ước chiến thắng kẻ thù, mơ ước đến quên ăn quên ngủ, quên cả thân mình”(tr.103). Hải tìm ra nhiều cách đánh táo bạo, và chính Hải là người bắn cháy máy bay của NoocMan, làm tung dù tên xâm lược hiếu chiến này. Ngoài lòng căm thù thực dân đế quốc, Hải còn có tình yêu của Tuyết. Đang bay đuổi theo NoocMan, Hải ngửi thấy mùi hoa cúc dại, “Hải có cảm giác rõ ràng có một người con gái anh yêu quý nhất đời đang cầm bó hoa cúc dại bay phía trước dẫn đường cho anh truy đuổi NoocMan”(tr.477)
Cuộc đời khốn cùng và tình yêu của Lâm với Thu cũng không khác gì Hải và Tuyết. Bố Lâm và bố Thu đều bị Tây đi càn giết chết. Có lúc Lâm và Thu đã phải dắt mẹ đi xin ăn, rồi cả hai bà mẹ ấy cũng bị Tây giết: mẹ Lâm bị Tây bắn còn mẹ Thu bị Tây xua chó Becgiê cắn xé cho đến chết (tr.457). Lâm và Thu lớn lên côi cút, vừa làm vừa học, đẩy xe bò lấy cát thuê. Họ lớn dần lên trong sự cưu mang của chế độ mới. Thu trở thành cán bộ Đoàn rồi nhập ngũ. Lâm trở thành chiến sĩ lái máy bay. Trong chiến đấu, cả Lâm và Thu đều hướng về nhau, soi dẫn cho nhau, vượt qua lửa đạn quân thù giành chiến thắng (chương 5, 6, phần V).
Hoàng Văn Bổn không khai thác sâu lòng căm thù mà tập trung miêu tả tình yêu lưá đôi như sức mạnh chính của tuổi trẻ (Hải-Tuyết, Lâm-Thu, Nguyễn-Thi). Mỗi người trẻ đều để hết tâm hồn vào người kia, làm việc hềt sức mình hỗ trợ cho nhau hoàn thành nhiệm vụ, luôn đặt quyền lợi tổ quốc lên trên hết. Gần đến giờ cử hành lễ cưới, Hải vẫn xuất kích đánh thắng NoocMan, Tuyết động viên Hải. Tâm hồn cô là hương hoa soi dẫn cho Hải. Nhờ có tình yêu, họ luôn tin tưởng và sẵn sàng hy sinh. Tình yêu ấy có gốc rễ sâu bền của quá khứ đau thương, có chuẩn mực của lẽ sống anh hùng, thuỷ chung. Với Hải, “anh rất quý trọng lòng thuỷ chung! Anh căm thù tính bội bạc phản trắc”(tr.288).
Thế hệ trẻ lớn lên trong lòng chế độ mới, nhờ thế họ phát huy được phẩm chất tốt đẹp của mình. Lãnh đạo sống chan hoà với chiến sĩ, thân ái và dân chủ (Tư lệnh trưởng, chính uỷ), tôn trọng và tạo điều kiện phát huy mọi tài năng sáng kiến của cá nhân, tôn trọng nhân cách của mỗi người. Tư lệnh trưởng đã nói với một nữ binh nhất rằng: ”Nhiệm vụ, chức trách chúng ta có khác nhau thật, nhưng nếu dốc lòng dốc sức hoàn thành nhiệm vụ của mình, thì tôi hay cô đều đáng trọng như nhau thôi”(tr.412). Các chiến sĩ đều nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ. Tuyết với cỗ xe ngựa đi lấy hàng không quản “thân gái dặm trường “. Dù Mỹ ném bom sân bay nhưng Thi với quả bóng xanh của đài khí tượng tiềm kích vẫn bay là một hình ảnh tuyệt đẹp. Cũng vậy, trong lúc bom đạn Mỹ dội trên đầu, Thu vẫn ngồi ở ghế hướng dẫn ra da cho chiến sĩ lái đánh máy bay Mỹ. Các thợ máy bay, sửa chữa máy bay sao cho tốt nhất để phục vụ chiến đấu.
Cũng cần kể đến thế hệ những bố mẹ già như bà cụ Việt, mẹ Hải, bà mẹ Nguyễn, ông cụ Thao, ông cụ coi kho hàng tỉnh. Những người tuy tuổi đã già nhưng tinh thần làm việc, và tấm lòng yêu thương chăm sóc thế hệ trẻ hết sức chu tất. Họ mang đến niềm an ủi và sức mạnh tinh thần cho thế hệ trẻ. Đặc biệt câu chuyện về ông cụ và bà cụ Việt. Họ đều là quân cảm tử của Đề Thám, có thành tích chiến đấu oanh liệt. Đã có lần ông dẫn quân xông thẳng vào một đại đội lính Pháp lấy đầu tên chỉ huy. Bà cụ đã từng hát chặn quân Pháp, tạo điều kiện cho nghĩa quân tiến về xuối. Thế hệ những bồ mẹ già ấy đã truyền lại cho con cháu lẽ sống đầy trách nhiệm, khí phách anh hùng và tình yêu thương không vơi cạn.
Trong lòng chế độ mới, những vấn đề riêng tư gúc mắc của của cá nhân đều có thể được giải quyết một cách tốt đẹp. Ở đây sức mạnh của một lẽ sống mới, và lòng yêu thương của những con người mới sẽ giúp những người “có vấn đề” tìm ra được hướng đi cho chính mình. Trong tập truyện này có hai nhân vật “có vấn đề” đó là Tuyết và Châu. Tuyết đã lấy Phan, nhưng do Phan hư đốn nên hai người đã li dị nhau. Rồi Phan trở lại xin gắn bó. Phan dùng nhiều hình thức tạo sức ép với Tuyết, nhưng Tuyết yêu Hải và quyết phấn đấu để xứng đáng với tình yêu của Hải. Tuyết luôn coi trọng tình nghiã. “Đối với Tuyết, một gian nhà đơn sơ, ấm áp và những con người tâm hồn bốn bề bỏ ngỏ, biết trọng nghĩa trọng tình bao giờ cũng có sức cuốn hút kỳ lạ”(tr.276). Tuyết luôn nhớ đến tổ chức, đến chị Trà bí thư chi Đoàn và chị Ngần là những người đã dìu dắt Tuyết. Đối với một cô gái đã bỏ chồng để yêu một người khác, trong xã hội cũ, vấn đề thật không đơn giản. Không thể dễ dàng gì hàn gắn vết thương lòng và trốn thoát búa rìu dư luận, không dễ gì tránh khỏi những day dứt, mặc cảm. Nhưng Tuyết đã “xoá sạch vết thương “và cả vết xẹo“ đời cô. Mỗi lần bị dày vò, “Tuyết lại lao vào công việc với một nghị lực và quyết tâm hiếm thấy. Phải xứng đáng với tình yêu của anh ấy. Không thể để anh ấy yêu mình vì thương hại, vì ban ơn, tuy rằng anh ấy không bao giờ nghĩ thế”(tr.122). Hạnh phúc của Tuyết là được làm việc giữa những con người yêu thương, giữa những “người đang quên mình tham gia chiến đấu chống xâm lược và tham gia xây dựng một xã hội mới “(tr.123). Cảnh đơn vị tổ chức đám cưới cho Tuyết và Hải là một cảnh đẹp và cảm động đối với Tuyết.
Nhân vật kỹ sư Châu cũng là nhân vật “có vấn đề”. Châu có khuôn mặt dị hình và cá tình kỳ dị. “Khuôn mặt dài ngoẵng của Châu bị chia cắt thành hai phần mỗi phần là của một con người xa lạ đem gán lại cùng nhau một cách bất đắc dĩ. Nửa phần trên vầng trán rộng, hai góc trán vuốt cao, bóng lộn và cái sọ rất tròn, to với mái tóc thưa, mềm mại…Còn phần từ lông mày trở xuống…một đôi mắt tròn nhỏ như mắt lươn. Đôi đồng tử lại đờ đẫn, kém khả năng co dãn. Hai hàng lông mi dài mượt, cong vểnh lên, phủ một màn bóng đen, lại hay chớp chớp. Đôi môi mỏng dính, và hai khoé mép hằn nhiều nét nhăn của kẻ gìa nua trước tuổi quá sớm “(tr.106). Châu nghĩ, số phận mình “đen hơn đêm ba mươi”(tr.111). Bởi vì so với những người đồng trang lưá cùng du học về như Trân chẳng hạn, có chức quyền cao, vợ đẹp, con ngoan, còn Châu thì không bằng ai, anh cảm thấy mình bị đối xử bất công (tr.113). Châu có hoài bão về những công trình khoa học phục vụ hàng không quốc phòng, hàng không dân dụng, khám phá vũ trụ sau này, nên Châu có tâm trạng mình bị dùng không đúng chỗ, phải làm những việc lặt vặt, là “chuyên môn đơn thuần”, rồi sinh ra đố kỵ với mọi người. Anh đòi hỏi những điều kiện làm việc tối ưu trong thực tế chưa thể có được. Chẳng hạn, Châu muốn sân bay “có được một trung tâm thí nghiệm khoa học hiện đại, hoàn chỉnh với nhiều vị tiến sĩ, giáo sư, với những phòng sách quý và có thời gian suy tưởng”(tr.202). Châu cũng có một triết lý sống tích cực, sống cống hiến như con tằm nhả tơ, nhưng “con người không chỉ rút ruột nhả tơ theo bản năng vào đúng chu kỳ sinh lý. Phải ý thức mình cần nhả ra cái gì, nhả cho ai, nhả vào lúc nào “(tr.202). Đã có lúc Châu tự ý thức được những sai trái của mình khi nhìn một anh sinh viên cò hương đang điều khiển cái guồng máy hết sức nhịp nhàng, Châu nghĩ: ”việc xa xôi thì mình hăng hái ấp ủ, còn việc được phân công cụ thể thì mình cứ chạy vòng quanh”. Thực tế cuộc sống đã mở mắt cho Châu. Anh bị cô gái gánh cơm chỉnh cho một trận toé lửa phải cúi mặt đi luôn (tr.211), và sau này, khi sân bay bị đánh bom, Châu đã hèn nhát trốn dưới hầm trong khi mọi người lo cứu sân bay. Tồi tệ hơn, Châu còn giả bộ bị thương để được chăm sóc. Châu bị anh thợ máy phát hiện và đuổi xuống xe. Qua tiếp cận với những con người tốt, Châu nhận ra sự tồi tệ của mình và tự “làm lại cuộc đời”(tr.238).
Ngoài hai nhân vật “có vấn đề” trên, Hoàng Văn Bổn còn đề cập đến nhiều vấn đề khác thông qua phát ngôn của các nhân vật. Ở đây, Hoàng Văn Bổn có cái nhìn trực diện với những vấn đề của hiện thực, bộc lộ hoài bão về một lẽ sống cao đẹp, một xã hội công bằng, dân chủ và XHCN thật sự, mà trong đó, mỗi người đều sống thẳng thắn, tích cự lao động, hết lòng vì mọi người.
Âm vang rõ nhất từ những trang viết của Hoàng Văn Bổn là “lẽ sống vì mọi người”, làm việc say mê, quên mình. Tất cả các nhân vật của Hoàng Văn Bổn đều có chung phẩm chất ấy, lẽ sống ấy. Từ cô gánh cơm đến anh thợ máy, từ cô Thi đài khí tượng tiềm kích đến cô Thu ra đa và cô Tuyết hậu cần; các đồng chí Tư Lệnh Trưởng, Chính Uỷ quân chủng, các binh chủng, các bố mẹ già như bà cụ Việt, ông cụ Thao, ông cụ coi kho…ai ai cũng hết lòng lo việc chung, lo cho mọi người, và thực sự sống hạnh phúc khi được cùng làm việc với mọi người. Cảnh Bí Thư Tỉnh Uỷ, Chủ Tịch Tỉnh, Bí Thư Huyện và 2000 dân công sửa chữa sân bay cùng với tất cả các binh chủng là một cảnh “đời non lấp biển “(tr.231) của những con người mới. Những trang viết của Hoàng Văn Bổn nói rất tha thiết về vấn đề “lẽ sống vì mọi người”bằng những hình tượng nhân vật tích cực.
Cũng chính vì lẽ sống ấy nhân dân ta mới đánh thắng chiến lược chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Từ lẽ sống “vì mọi người”, Hoàng Văn Bổn tiếp cận một vấn đề có tinh triết lý về giá trị thực của đời sống: ”Thật ra làm được một con người có ích, cần thiết cho đời, không phải là chuyện dễ”(tr.119). Có lúc Hoàng Văn Bổn đã nói thật cụ thể về cách sống và làm việc của người cộng sản: ”là một người cộng sản, phải miệng nói tay làm. Các đồng chí ạ. Đừng có hô hào suông, đừng có nghị quyết suông”(tr.413). Trong sinh hoạt phải dân chủ. ”các đồng chí phải thường xuyên thẳng thắn phê bình góp ý những thiếu sót của lãnh đạo chúng tôi. Đừng quan niệm chúng tôi là những người toàn thiện toàn mỹ”(tr.414) “Chúng ta là những người Macxít, nhưng nhiều người vẫn còn duy tâm. Họ không chịu suy nghĩ để cải tạo hoàn cảnh. ‘Thiếu thốn ư, gian khổ ư? Thì ta đánh Mỹ mà! Tổ quốc đang thời chiến mà’. Thế là xong! Chẳng ai dám cãi lại! Đó là một lối công tác tư tưởng lười biếng, tuỳ tiện”(tr.254- lời Chính Uỷ)
Về mặt nghệ thuật, ở tập truyện này, Hoàng Văn Bổn có kỹ thuật viết tiểu thuyết khá điêu luyện và định viết một tác phẩm có tầm vóc hoành tráng.
Hoàng Văn Bổn miêu tả một không gian rộng. Không gian ấy bao gồm từ Việt Nam sang Mỹ, đến Thái lan, Nhật, Sài Gòn, vùng giải phóng ở miền Nam, vùng giải phóng Lào. Hoàng Văn Bổn cũng dàn dựng một khối lượng nhân vật khá đông đảo (trên 50 nhân vật có tên), và trình bày một vấn đề lịch sử có nguồn gốc lâu dài từ 1950 đến 1964. Hoàng Văn Bổn muốn lý giải một vấn đề lớn của thời đại là sự thất bại của Mỹ, sức mạnh đánh thắng kẻ thù xâm lược của nhân dân ta. Những tư liệu báo chí được sử dụng nhuần nhuyễn thông qua tâm trạng nhân vật. Chẳng hạn, quá trình xâm lược của Mỹ qua tâm trạng NoocMan, sự rối loạn ở Sai Gòn qua cái nhìn của Uyliam, những chiến lược chiến tranh của Mỹ được trình bày qua các tướng lãnh và quan chức Mỹ.
Khuynh hướng tiểu thuyết thuyết hoá lịch sử là một ý thức sáng tạo khá rõ ở Hoàng Văn Bổn. Nhà văn dựng được bức tranh toàn cảnh vưà có bề rộng, vưà có bề sâu, vừa có diện và vừa có điểm. Đó là cả một dòng họ NoocMan hiếu chiến ở Mỹ; phong trào phản chiến rộng khắp và tâm trạng của Giên, Uyliam, Giônrit. Những anh hùng không quân tài giỏi của ta như Hải, Lâm, Nguyễn; những chỉ huy vừa mưu trí về chiến thuật chiến lược, vừa gần gũi chiến sĩ như Tư Lệnh Trưởng quân chủng, Chính Uỷ; những cô gái trẻ măng của hậu phương lớn và các mẹ, các bố tham gia chiến đấu.
Tuy nhiên, cũng ở khuynh hướng sử hoá này, lộ ra những hạn chế của ngòi bút Hoàng Văn Bổn. Chẳng hạn cảnh rối loạn ở Sai Gòn dưới mắt Uyliam là có thật: Sinh viên học sinh đấu tranh đòi dân chủ; thương phế binh đấu tranh đòi quyền sống; Phật giáo đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng; quần chúng đấu tranh đòi Mỹ cút khỏi miền Nam; tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan bắn chết một thanh niên ngay trên đường phố… tất cả những sự kiện ấy là thật nhưng không diễn ra trong một ngày, trong một vòng xe Uyliam quan sát Sai Gòn như được miêu tả trong tác phẩm. Nguyễn Ngọc Loan có bắn một thanh niên giữa đường phố Sàigòn năm 1968, nhưng đó là một cán bộ Việt Cộng, không phải là anh sinh viên lãnh tụ Phật giáo như nhà văn đã miêu tả (tr.339). Chương Uyliam thăm Sai Gòn được viết bằng sự hư cấu từ những tin tức báo chí nghe được, chứ không căn cứ trên những tư liệu lịch sử có giá trị.
Miêu tả “kẻ địch” ngòi bút Hoàng Văn Bổn có những hạn chế (vì lúc ấy ông sống ở miền Bắc. Năm 1980 ông mới về Đồng Nai), thì khi miêu tả nhân dân ta đánh Mỹ, nhà văn lại dùng bút pháp “lý tưởng hoá”, nhất là cảnh không chiến của Lâm, Hải. Tất cả mọi nhân vật “phe ta” đều đẹp, đều toát lên lẽ sống lớn, trừ Phan. Thành công đặc sắc là những cảnh sinh hoạt đông người vui nhộn, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Hoàng Văn Bổn có tài viết đối thoại giữa các nhân vật, nhất là những đoạn tranh luận (Hải-Châu), những đoạn vui nhộn (đối thoại cô gánh rơm và Châu, cảnh 2000 dân công sưả sân bay). Những trang văn đẹp đẽ về hình ảnh nhân dân ta chiến đấu có khả năng tồn tại lâu dài, vì đó là những bức ảnh được chụp rõ nét, hiện rõ cái thần thái của cuộc sống, vưà cụ thể, vừa hoành tráng (cảnh 2000 dân công sửa chữa sân bay, cảnh sinh hoạt của Hà Nội dưới mắt Maicơn)
Đây là cảnh đồng quê: ”Từng vạt đất mới cày cuộn ngửa phơi bụng dưới ánh nắng mặt trời. Vài con cò ma, cò lửa lặn lội tìm mồi giữa hồ sen giáp đầu đông sân bay. Bầu trời sâu thẳm, một vài vệt mây trắng mỏng dán sát da trời, lay động khi một biên đội Mic bay qua. Trên những ngôi mộ giữa khu rừng bạch đàn, con chim chiền chiện cất bay lên cao rồi sà xuống đậu trên cần ăng ten ra đa những chiếc Mic sơ tán thấp thoáng cạnh những nhà hầm hình “kim tự tháp”. Khắp khu rừng bạch đàn vòm lá đã bị mùa thu gặm nhấm úa vàng, thưa thớt, hàng chục chóp ra đa màu đỏ của Mic như có nhiều bếp lửa chiều về của một xóm núi”(tr.261).
Đây là cảnh phi trường ban đêm dân công đang làm việc: ”Đêm xuống, từ bốn cửa sân bay, hàng nghìn bó đước đã cuồn cuộn chảy vào như dòng thép mới ra lò. Dòng thép ấy bò qua những ngọn đồi bạch đàn, cháy rực trên những mặt hồ trong ánh đuốc, từng đoàn xe xích kéo tên lửa, pháo trung cao, đại cao, từng đoàn xe cần cầu, xe ủi đất, xe chở trung đoàn bộ binh từ từ đi qua…”(tr.230).
Cảnh máy bay chiến đấu của Hải được miêu tả thật lãng mạn: ”Chiếc Mic của thiếu tá Hải từ đỉnh cao 20 nghìn mét như một con đại bàng nhìn chiếc F4 lao thẳng xuống xuyên qua những đám mây hồng hồng, những cụm mây trắng kéo theo những sợi mây thẳng băng như kẻ chỉ…Trên chặng đường nó lao xuống, còn in rõ một giải luạ màu xanh da trời. Mây bị khua động chưa kịp khép lại, gió chưa kịp uốn cong giải lụa màu xanh da trời, lối mòn nó vưà đi qua hãy còn nguyên đấy từ đỉnh cao 20 nghìn mét kéo xuống cách mặt đất 4 nghìn, tưởng đấy là con đường mòn từ sân bay lên một hành tinh xa xôi nào đó “(tr.216).
Đây là một hoạt cảnh đầy sinh động, vui nhộn, mang nguyên hơi thở của đời sống, cảnh ở sân bay dân công đang làm việc:
”Có tiếng rì rầm khắp sân bay. Đây đó tiếng người quát tháo:
_Ai hút thuốc đấy, muốn chết hả?
_Tàn thuốc đấy, chẳng ai chòng ghẹo cái chết đâu!
_Dào, hắn còn lạ chi cái sân bay này
_Sao lại xéo lên lưng người ta? Cái anh khỉ gió này! Một giọng con gái cất lanh lảnh
_Người ta chạm vào lưng có ti, đã mất mát gì? Buồn ngủ díp cả hai mắt lại đây. Trông cái lưng tưởng cái chăn bố nào để đấy, có bỏ mẹ không! Mắt với mũi.
_ Có im đi không! Có tiếng máy bay đấy!
_ Im! Im! Sao pháo, tên lửa im lặng nhỉ?
_ Míc, Mic đấy, các bố ạ, choảng nhau to rồi!
Chợt có người kêu to:
_Xe ngựa cô Tuyết đấy hử? May quá, nắng hạn gặp mưa rào! Đang khát cháy cổ họng đây, thèm thưốc lá cứ dịp mắt lại, quai buá mà cứ tưởng mình đang say rượu bên mẹ đĩ nó…”(tr.231)
Miêu tả tâm lý nhân vật, những cảnh sinh hoạt sống động, những đoạn đối thoại rậm rạp vui tếu là thành công đặc sắc của Hoàng Văn Bổn trong tập truyện này. Tuy nhiên việc xây dựng nhân vật điển hình chưa thành công. Các nhân vật đều có những nét hao hao, thật khó phân biệt. Nhân vật Thu, Tuyết, Thi, có tâm lý, phẩm chất, cá tính khá giống nhau, chỉ khác nhau ở công việc phụ trách.. NoocMan, Tanơ, Maicơn có cùng một tâm lý, mặc dù Hoàng Văn Bổn đã cố gắng cá thể hoá các nhân vật này. Cốt truyện dàn trải vì lệ thuộc vào đời thực, bề bộn, phức tạp.
Có thể nhận thấy điều này, ở Bầu Trời Mặt Đất, Hoàng Văn Bổn thâm nhập sâu hiện thực, khai thác được tư liệu, bớt được ảnh hưởng của những thủ pháp điện ảnh so với các tác phẩm khác. Hoàng Văn Bổn sử dụng phong phú thành ngữ Bắc bộ (*), ít nhiều dựng được những cảnh hoành tráng. Tác phẩm cũng cháy lên khát vọng về một lẽ sống cao đẹp, lẽ sống “vì mọi người”, về một xã hội công bằng, nhân ái, dân chủ và tiến bộ. Nhà văn yêu thương rất mực những con người chiến đấu và hy sinh cho độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Chú thích:
[1] Nguyễn Ngọc Loan cầm súng bắn thẳng vào đầu liệt sĩ Nguyễn Văn Lém (bí danh Bảy Lốp), một sĩ quan đặc công, với hai tay đang bị trói, tại Thị Nghè (có tài liệu nói là trên đường Lý Thái Tổ, Ngã Bảy) Sài Gòn). Vụ việc được ký giả Eddie Adams nhanh tay chụp được.
(*) Các thành ngữ Bắc bộ như: Thần hồn nát thần tính (tr.98)- Trong chăn mới biết chăn có rận (tr.99)- mũ ni che tai (tr.112)- như mèo dấu cứt (tr.112)- sông có khúc người có lúc - ốc tha vỏ chưa xong (tr.112)- há miệng chờ sung (tr.127)- bóng đổ thầy thầy đổ bóng (tr.129)- đoảng thật, con gái con đưá (tr.169)- nắng hạn gặp mưa rào (tr.231)- đứng đực ra đấy (tr262)- ướt như chuột lột (tr.263)- có thực mới vực được đạo (tr275)- vạn sự khởi đầu nan (tr.422)- bình chân như vại (tr.463).
6/1976
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...