Thần thoại Sisyphus 2
Triết học và hư cấu
Mọi sinh mệnh kiên trì sống trong bầu không khí phi lý
tinh lọc sẽ không trụ lâu được nếu không có những tư duy thường trực
và sâu sắc tiếp sức mạnh cho chúng. Chỉ riêng sự trung thành với phi
lý là không đủ. Con người tỉnh thức đã hoàn thành nghĩa vụ của
mình giữa những cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất mà không tin rằng có
sự mâu thuẫn. Bởi lẽ quan trọng là không được trốn tránh điều gì.
Chịu đựng được sự phi lý của thế giới là niềm vinh dự siêu hình.
Chinh phục hay diễn xuất, hay trải nghiệm nhiều cuộc tình, cuộc nổi
dậy phi lý là cống vật mà con người dâng cho phẩm giá của mình trong một
chiến dịch anh ta đã bị đánh bại từ đầu.
Đây đơn thuần là vấn đề trung thành với nguyên tắc của
trận chiến. Suy nghĩ đó có lẽ đủ để giúp nuôi dưỡng một tâm trí, nó đã
chống đỡ và bây giờ vẫn chống đỡ cho các nền văn minh. Không thể phủ
nhận chiến tranh. Phải sống cùng nó hay chết vì nó. Như vậy sự phi lý
ở đây là: phải sống cùng nó để nhận ra những bài học từ nó và
giành lại xương thịt con người. Về mặt này, niềm vui phi lý cao nhất
là sự sáng tạo. Như Nietzsche nói: "Nghệ thuật và không có gì
ngoài nghệ thuật, chúng ta có nghệ thuật để không phải chết vì sự
thật".
Trong trải nghiệm mà tôi đang cố gắng mô tả và làm rõ
bằng nhiều cách thức, một điều chắc chắn rằng hễ một nỗi đau khổ
bị dập tắt thì nỗi đau khổ mới sẽ sinh ra. Cuộc truy tìm ngây ngô
theo sau sự lãng quên, lời kêu cầu được thỏa mãn giờ không tiếng
vọng. Nhưng sự căng thẳng thường trực khiến con người phải đối mặt
với thế giới, cơn cuồng nhiệt tuân theo mệnh lệnh thúc giục anh ta
phải lĩnh hội mọi thứ khiến anh ta rơi vào một cơn sốt khác. Trong vũ
trụ này, tác phẩm nghệ thuật trở thành cơ may duy nhất để anh ta giữ
được ý thức và sắp đặt những chuyến phiêu lưu của nó. Sáng tạo là
sống nhiều gấp hai lần. Những dọ dẫm, cuộc kiếm tìm đầy bất an của
Proust, những tỉ mẩn nhặt nhạnh nào hoa, nào giấy dán tường, và cả
những nỗi lo âu của ông ta, chẳng hàm nghĩa điều gì khác cả. Nó
cũng không nhiều ý nghĩa hơn sự sáng tạo liên tục dù khó thấy nơi
người diễn viên, kẻ chinh phục, và mọi con người phi lý trong cuộc
sống hàng ngày của họ. Tất cả bọn họ đều đang thử đóng kịch, lặp
lại, và tái tạo cái thực tại của họ. Đến tận cùng ta luôn đến
bước đường đối mặt với sự thật. Toàn bộ tồn tại của một con người
vốn ngoảnh mặt trước sự bất diệt chính là vở kịch lớn không lời
dưới lớp mặt nạ phi lý. Sáng tạo là vở kịch câm vĩ đại.
Những kẻ nói trên biết cách bắt đầu, và sau đó toàn bộ nỗ
lực của họ là để kiểm nghiệm, để phóng chiếu, và làm phong phú thêm hòn đảo
phù du họ vừa đáp xuống. Nhưng trước hết họ phải biết đã. Vì cuộc khám phá
phi lý trùng hợp với đoạn ngừng khi mà những đam mê trong tương lai được
chuẩn bị và hợp thức hóa. Ngay cả những người không theo phúc âm nào
vẫn có ngọn Núi Ôliu của riêng mình 1 . Không được phép ngủ quên trên đó.
Vì đối với con người phi lý, điều quan trọng không phải là lý giải
và giải quyết, mà là trải nghiệm và mô tả. Tất cả khởi đầu với
sự dửng dưng sáng suốt.
Mô tả, đó là tham vọng tối hậu của một suy nghĩ phi lý.
Cũng như khoa học, một khi đã đi đến tận cùng những nghịch lý của
nó, thì sẽ ngừng đưa ra gợi ý lý giải tiếp, để chiêm ngắm và phác
họa cảnh quan muôn đời trinh nguyên của các hiện tượng. Từ đó trái
tim học được rằng, cảm xúc làm lòng ta rộn ràng khi nhìn thấy các
khía cạnh của thế giới này không phải xuất phát từ sự sâu sắc, mà
là từ sự đa dạng của chúng. Lý giải chẳng ích gì, cảm thụ vẫn
còn mãi, và ứng với nó là những những lời mời gọi liên tục từ
một vũ trụ vô cùng tận về số lượng. Từ đây có thể hiểu được vị
trí của tác phẩm nghệ thuật.
Tác phẩm nghệ thuật ghi dấu đồng thời cái chết của
một kinh nghiệm lẫn sự nhân lên của nó. Nó là một hình thức lặp
lại đơn điệu mà đầy đam mê những chủ đề đã được hòa phối bởi thế
giới: cơ thể, những thánh tượng trơ trơ không biết mệt trụ trên trán
tường 2 các đền thờ, các hình thái hay màu
sắc, con số hay nỗi đau buồn. Như vậy khi một lần nữa đọ những chủ
đề chính của tiểu luận này trong thế giới tuyệt vời và tươi non của
người sáng tạo, kết luận không hề dửng dưng. Thật sai lầm khi tìm
một biểu tượng trong nó và cho rằng tác phẩm nghệ thuật rốt cuộc
là nơi trú ẩn cho sự phi lý. Bản thân nó là một hiện tượng phi lý,
và ở đây ta chỉ quan tâm đến sự mô tả của nó. Tác phẩm nghệ thuật
không là lối thoát cho căn bệnh trí tuệ. Mà nó là một trong những
triệu chứng của căn bệnh ảnh hưởng toàn bộ tư duy của một con người.
Nhưng tác phẩm nghệ thuật đã khiến lần đầu tiên tâm trí bước ra
ngoài chính nó và đặt nó đối diện với những tâm trí khác; không
phải để nó lạc lối mà là để chỉ rõ cho nó con đường cụt mà tất
cả đều đã dấn vào. Nói theo lập luận phi lý, thì sự sáng tạo theo
đuổi sự dửng dưng lẫn khám phá. Nó đánh dấu nơi những đam mê phi lý
bung nở và lý lẽ dừng chân. Địa vị của nó trong tiểu luận này sẽ
được biện luận theo hướng này.
Ở đây cần xem xét một số chủ đề chung của người
sáng tạo và nhà tư tưởng để chỉ ra trong các tác phẩm nghệ thuật
mọi mâu thuẫn trong tư duy liên quan đến sự phi lý. Thật ra, không có
nhiều kết luận đồng nhất chứng minh sự liên quan của tâm trí bằng kết
luận về các mâu thuẫn chung. Như vậy nó gắn với tư duy và sáng tạo.
Có lẽ tôi không cần phải nói rằng cùng một nỗi thống khổ đã thúc
con người hướng tới hai điều đó. Tâm trí và sáng tạo trùng nhau ở
điểm khởi đầu là đây. Nhưng tôi thấy rằng rất hiếm tư tưởng bắt
nguồn từ sự phi lý trụ lại được trong quá trình sáng tạo. Và chính
giữa những sự chệch hướng lẫn bất trung (so với tư tưởng phi lý ban
đầu) đó, tôi lượng được điều gì thuộc về sự phi lý. Tôi cũng tự hỏi:
Liệu có thể nào thực hiện tác phẩm nghệ thuật phi lý được không?
° ° °
Không thể nào quá khăng khăng một hướng về bản chất
dễ đổi dời của sự đối lập xưa cũ giữa nghệ thuật và triết học.
Nếu khẳng định sự đối lập đó theo nghĩa quá bó hẹp, thì hẳn nhiên
sẽ sai. Còn nếu chỉ nói rằng hai lĩnh vực đó, mỗi lĩnh vực đều có
môi trường riêng biệt của chúng, thì có lẽ đúng nhưng vẫn còn mơ hồ.
Luận cứ duy nhất khả dĩ chấp nhận được căn cứ trên mâu thuẫn giữa
người triết gia được bao bọc bên trong hệ thống của chính ông
ta và người nghệ sĩ khi được đặt trước tác phẩm của mình.
Nhưng luận cứ đó chỉ thỏa đáng khi áp dụng trong một số hình thức
nghệ thuật và triết học nhất định, mà ở đây ta coi là thứ yếu. Ý
tưởng cho rằng có thứ nghệ thuật tách rời khỏi người sáng tạo ra
nó không chỉ là đã quá lỗi thời, mà còn sai lầm. Trái với người
nghệ sĩ, chưa có triết gia nào sáng tạo được nhiều hệ thống. Nhưng
thật ra cho đến nay, cũng chưa có nghệ sĩ nào diễn tả được nhiều hơn
một chủ đề dù dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Trong nghệ thuật có
sự toàn hảo tức thời và luôn cần đổi mới, đúng thế, nhưng chỉ dựa
trên một khái niệm định trước. Vì tác phẩm nghệ thuật cũng như một
công trình xây dựng, và ai cũng biết các nghệ sĩ sáng tác vĩ đại
"nhất điệu" đến thế nào. Với lý do tương tự như các nhà tư tưởng,
người nghệ sĩ gắn bó và hóa thân trong tác phẩm họ tạo ra. Sự thẩm thấu
đó làm dấy lên những vấn đề quan trọng nhất trong mỹ học. Hơn nữa, với
những ai tin vào tính đơn mục đích của tâm trí, thì sự phân biệt dựa
trên phương pháp và đối tượng sáng tạo quả là vô ích. Giữa những môn
nghệ thuật mà con người đặt ra cho chính mình nhằm thông hiểu và yêu
thương, không hề có rào cản nào. Chúng đan cài vào nhau, và được nối
kết bởi cùng một mối lo âu.
Đầu tiên cần nói rõ điều này. Việc thực hiện một
tác phẩm nghệ thuật phi lý đòi hỏi một tư tưởng sáng suốt nhất.
Nhưng đồng thời đó không được là một tư tưởng rõ ràng hiển nhiên,
ngoại trừ do trí tuệ tự điều hòa. Mâu thuẫn này có thể được giải
thích theo sự phi lý. Tác phẩm nghệ thuật ra đời khi trí tuệ khước
từ suy luận về điều chắc chắn cụ thể. Nó đánh dấu chiến thắng của
xúc cảm trần tục. Chính tư tưởng sáng suốt khuấy động nó, nhưng
chính trong hành động đó tư tưởng chối bỏ nó. Nó sẽ không đầu hàng
trước nỗi cám dỗ chấp nhận thêm thứ được mô tả là một chiều ý
nghĩa sâu sắc hơn, mà nó biết là không hợp lý. Tác phẩm nghệ thuật
là hiện thân của một vở kịch của trí tuệ, chỉ là nó chứng tỏ
điều này theo lối gián tiếp. Tác phẩm nghệ thuật phi lý đòi hỏi
người nghệ sĩ ý thức được những hạn chế này cũng như một môn nghệ thuật
trong đó cái cụ thể biểu hiện không gì khác hơn là chính nó. Nó không thể
là mục đích, ý nghĩa, hay niềm an ủi cho cuộc đời. Sáng tạo hoặc không
sáng tạo đều không thay đổi điều gì. Người sáng tạo phi lý không đề cao
đánh bóng tác phẩm của mình. Anh ta có thể chối bỏ tác phẩm của mình.
Và trên thực tế đã có những trường hợp như vậy. Cứ xét trường hợp
của Rimbaud trong thời kỳ ông ở Abyssinia 3 cũng đủ rõ.
Đồng thời ta cũng thấy được một nguyên tắc thẩm mỹ
trong nghệ thuật. Những tác phẩm nghệ thuật thực thụ luôn là thước
đo nhân văn. Về cơ bản đó là những tác phẩm phản ánh "ít
hơn". Giữa toàn bộ trải nghiệm của người nghệ sĩ và tác phẩm
phản ánh trải nghiệm đó có mối liên hệ nhất định, như giữa diễn
tiến của nhân vật Wilhelm Meister với sự trưởng thành của Goethe.
Mối quan hệ sẽ trở xấu khi muốn bày toàn bộ trải nghiệm lên những
trang giấy đẹp đẽ có họa tiết viền quanh trong một tác phẩm văn chương
có tính lý giải. Còn mối quan hệ đó tốt đẹp khi tác phẩm chỉ là một mảnh
cắt từ kinh nghiệm, một mặt của khối kim cương trong đó ánh rực rỡ từ bên
trong tỏa ra không giới hạn. Trong trường hợp đầu tiên, có sự quá tải lẫn kỳ
vọng hướng đến vĩnh cửu. Trong trường hợp thứ hai, tác phẩm phong phú giàu
có vì toàn bộ kinh nghiệm ẩn hàm trong đó, với độ sâu dày khôn dò.
Vấn đề của người nghệ sĩ phi lý là phải đạt tới trình độ savoir-vivre
(ở đây tạm dịch là biết xử lý tác phẩm), vốn vượt cao hơn savoir-faire
(khả năng xử lý tác phẩm). Và cuối cùng, trên tất cả, các nghệ sĩ vĩ đại
trong môi trường này là những hiện hữu sống tuyệt vời, khái niệm
"sống" ở đây ngang nghĩa với trải nghiệm lẫn phản ánh. Do
đó tác phẩm thể hiện vở diễn của trí tuệ. Tác phẩm phi lý minh
họa sự chối từ của tư duy trước danh giá gán cho nó, nó từ chối
không trở thành thứ gì hơn là một trí tuệ mô tả tỉ mỉ những vẻ
ngoài và vỏ bọc bằng những hình ảnh không chứa lý giải lý trí nào
trong đó. Nếu thế giới này rõ ràng dễ hiểu, nghệ thuật sẽ không tồn tại.
Ở đây tôi không nói đến các môn nghệ thuật của hình thái
hay màu sắc, trong đó sự mô tả thắng thế trong sự giản dị tuyệt vời của
nó 4 . Sự biểu lộ bắt đầu nơi mà tư tưởng kết
thúc. Những xác ướp thiếu niên với hốc mắt trống rỗng được người ta
đưa vào đền thờ và viện bảo tàng - triết lý của họ thể hiện trong
cử chỉ. Đối với con người phi lý, điều đó còn dạy họ nhiều điều
hơn mọi thư viện trên đời. Điều này cũng đúng cho âm nhạc, ở một
khía cạnh khác. Nếu có môn nghệ thuật không chứa đựng bài học nào,
thì đó hẳn là âm nhạc. Nó liên quan quá mật thiết với toán học đến
nỗi không phải vay mượn sự vô vị lợi của môn này. Trò chơi tâm trí
tự bày ra cho nó tuân theo những quy luật định sẵn và nhịp nhàng
này, diễn ra trong tầm âm vang ta nghe được, và xa hơn đó những rung
chấn gặp nhau trong một vũ trụ phi nhân. Không còn cảm thụ nào tinh
thuần hơn thế. Những ví dụ này quá dễ thấy. Con người phi lý nhìn
nhận những hòa âm và hình thái ấy là của mình.
Tôi muốn nói đến một dạng tác phẩm nghệ thuật mà
trong đó nỗi cám dỗ lý giải vẫn mạnh nhất, ảo tưởng tự động phơi
lộ, và việc đi đến kết luận hầu như không thể tránh khỏi. Đó chính
là sáng tạo hư cấu. Hãy thử tìm xem trong đó sự phi lý có trụ được
không.
° ° °
Việc tư duy, về cơ bản là sáng tạo ra một thế giới
(Hoặc rào chắn thế giới riêng của mình, cả hai đều dẫn đến cùng
một kết quả). Quá trình đó phát sinh từ mối bất đồng cơ bản tách
rời con người khỏi kinh nghiệm để tìm ra một điểm chung tùy theo nỗi
hoài vọng của nó, một vũ trụ được rào giậu bởi lý lẽ hay được thắp
sáng bởi các phép loại suy, nhưng chính nó, dù trong trường hợp nào
đi nữa, đều chừa lại một cơ hội để hủy bỏ cuộc phân ly khôn kham đó.
Người triết gia, bao dù ông ta có là Kant 5 đi chăng nữa, cũng là một người sáng
tạo. Triết gia có những nhân vật, những biểu tượng, và hành động
được che đậy. Ông còn có sẵn các kết cục khác nhau cho cốt truyện
của mình. Ngược lại, sự vượt lên của thể loại tiểu thuyết so với thơ
ca và tiểu luận đơn thuần tượng trưng cho lượng trí thức hóa nghệ
thuật lớn hơn, mặc dù nhìn bề ngoài khó thấy điều đó. Xin đừng
nhầm lẫn, ở đây tôi chỉ đang nói đến những tiểu thuyết vĩ đại nhất.
Sự giàu có và tầm quan trọng của một thể loại văn học thường được
đo lường bằng lượng "sản phẩm rác" trong đó, nhưng không thể
vì số lượng tiểu thuyết tồi mà quên giá trị của những kiệt tác.
Những kiệt tác này thực sự đã mang theo cả một vũ trụ trong chúng.
Tiểu thuyết có logic riêng, lập luận riêng, trực giá riêng, và những
định đề riêng. Nó cũng có đòi hỏi riêng về mức độ rõ ràng. 6
Sự đối lập kinh điển mà tôi có nhắc bên trên thậm
chí còn ít chính đáng hơn trong trường hợp cụ thể này. Tác phẩm có
giá trị lâu dài khi dễ dàng tách rời triết lý khỏi tác giả của
nó. Ngày nay, khi tư duy đã không còn đòi quyền bao trùm phổ quát, khi
lịch sử đáng nói nhất của tư duy là về những ăn năn của nó, thì ta
biết rằng cái hệ thống trong tiểu thuyết, nếu là tác phẩm xứng
tầm, không thể nào tách rời khỏi tác giả của nó. Như tác phẩm Đạo
đức, xét theo một trong nhiều khía cạnh, chính là lời xưng tội cá
nhân dài dòng nghiêm khắc. Tư duy trừu tượng cuối cùng cũng quay về
với trụ cột xác thịt của nó. Tương tự, những hoạt động hư cấu của
thân xác và của những đam mê được điều chỉnh hơi nghiêng theo hình dung về
thế giới của tác giả. Nhà văn đã thôi không còn đơn thuần kể lại
"những câu chuyện" mà sáng tạo ra vũ trụ của riêng mình. Những tiểu
thuyết gia vĩ đại là các tiểu thuyết gia - triết học, nghĩa là đối cực
với các người viết - luận đề. Ví dụ như Balzac, Sade, Melville, Stendhal,
Dostoevsky, Proust, Malraux, Kafka, và nhiều vị khác.
Nhưng trong thực tế, việc các tiểu thuyết gia ưa dùng
hình tượng hơn là các luận cứ chặt chẽ trong tác phẩm liên quan đến
một suy nghĩ chung, cho rằng nguyên lý diễn giải nào cũng là vô dụng,
trong khi vẻ ngoài tác động vào cảm thụ của người ta chắc chắn
truyền đi được thông điệp dẫn dắt họ muốn. Họ coi tác phẩm nghệ
thuật vừa là kết thúc vừa là khởi đầu. Nó là kết quả của một
thứ triết lý thường không được biểu đạt ra, là sự minh họa đồng
thời là kết thúc hoàn hảo cho triết lý đó. Nhưng nó chỉ trở nên
trọn vẹn được nhờ những hàm ý của triết lý đó. Cuối cùng, nó
cũng lên tiếng bênh vực cho một biến thể của chủ đề cũ xưa về một
tư tưởng nhỏ bé bị tách rời khỏi cuộc sống, trong khi rất nhiều tư
tưởng quay về hòa hợp với cuộc sống. Khi không thể trau chuốt được
thực tại, tư duy ngừng mô phỏng nó. Thể loại tiểu thuyết được nhắc
đến ở đây là thứ nhạc cụ của tri thức vô tận có liên quan, cũng như
của tình yêu.Với tình yêu, sáng tạo hư cấu ban đầu khiến ta kinh ngạc
thán phục, sau đó gợi lên những suy ngẫm phong phú.
° ° °
Ít nhất đó là những nét mê hoặc tôi thấy được ban
đầu. Nhưng tôi cũng thấy những điều tương tự khi chứng kiến sự tự
sát của những tư tưởng bị làm nhục của những người ưu tú.
Điều tôi thực sự quan tâm là tìm biết và mô tả lực
lượng đã hướng họ trở về con đường chung của ảo tưởng. Do đó phương
pháp bên trên cũng giúp được cho tôi ở đây. Vì đã vận dụng qua phương
pháp này, nên tôi có thể rút ngắn lập luận và đi đến kết luận luôn
trong một ví dụ cụ thể. Tôi muốn biết liệu rằng, khi chấp nhận một
cuộc sống không viện cầu, thì người ta liệu có đồng thời chấp
nhận làm việc và sáng tạo không viện cầu hay không, và nếu
có thì con đường đưa tới sự giải phóng này là gì. Tôi muốn giải
phóng vũ trụ của mình khỏi những bóng ma của nó và chất đầy nó
chỉ bằng những sự thật cụ thể của phàm nhân mà tôi không thể phủ
nhận được sự hiện diện của chúng. Tôi có thể trình diễn tác phẩm
phi lý, và chọn quan điểm sáng tạo chứ không phải quan điểm nào
khác. Nhưng một quan điểm phi lý, nếu duy trì được, thì phải ý thức
rằng nó song hành với sự vô vụ lợi. Tác phẩm nghệ thuật cũng vậy.
Nếu những lời răn của sự phi lý không được tuân theo, nếu tác phẩm
nghệ thuật không minh họa cho sự phân ly và nổi dậy, nếu nó hiến thân
cho những ảo ảnh và làm dấy lên niềm hy vọng, thì tác phẩm ấy không
còn vô vụ lợi nữa. Khi đó tôi có thể không tách mình ra khỏi nó
nữa. Cuộc đời tôi có lẽ sẽ tìm ra được ý nghĩa nào đó trong nó,
nhưng đó chỉ là một ý nghĩa tầm thường. Tác phẩm không còn là cuộc
luyện tập của sự dửng dưng lẫn niềm đam mê vốn đội tấm vương miện
huy hoàng và phù phiếm lên cuộc sống con người.
Trong loại hình sáng tạo trong đó nỗi cám dỗ đưa ra giải
thích là mạnh mẽ nhất, liệu người viết có thể vượt qua sự cám dỗ đó
không? Trong thế giới hư cấu trong đó nhận thức về thế giới thực là sắc bén nhất,
tôi có thể giữ nguyên lòng trung thành với sự phi lý mà không hiến mình cho
khao khát được phán xét đánh giá? Phải trăn trở với quá nhiều câu
hỏi trong nỗ lực cuối cùng này. Đã quá rõ những câu hỏi ấy tượng
trưng cho điều gì. Chúng là những đắn đo tối hậu của nhận thức, nó
sợ bỏ rơi bài học đầu tiên đầy khó khăn mà nó học được để chạy
theo ảo tưởng cuối cùng. Điều gì đúng cho sáng tạo, xét như là một
trong những quan điểm có thể có của một con người ý thức được sự
phi lý, cũng đúng cho mọi phong cách của cuộc sống mở ra trước mặt
anh ta. Người chinh phục hay người diễn viên, người sáng tạo hay Don Juan có
thể quên rằng sự luyện tập đó của họ trong quá trình sống không thể
nào thực hiện được nếu không nhận thức rõ bản chất điên rồ trong
đó. Một người khát khao kiếm tiền để được hạnh phúc liền đổ hết
thời gian tinh lực cho việc này. Thế rồi hạnh phúc bị lãng quên;
phương tiện đã bị coi là mục đích. Tương tự như vậy, toàn bộ nỗ lực
của người chinh phục sẽ bị chệch hướng sang tham vọng của anh ta, mà
đó chỉ là một con đường để hướng tới cuộc đời lớn lao hơn. Don Juan
buông mình theo số phận, thỏa mãn với kiếp tồn tại mà sự cao quý
chỉ có giá trị thông qua phản kháng. Đối với người này đó là nhận
thức, và đối với kẻ khác, đó là sự phản kháng; trong cả hai trường
hợp sự phi lý đều biến mất. Niềm hy vọng cứ ương ngạnh bám lấy
trái tim con người. Sự nhân nhượng của những người trên xuất phát từ
nhu cầu được yên ổn, trong thâm tâm, điều đó tương đương với sự ưng
thuận hiện sinh. Như vậy là có những thánh thần của ánh sáng và
thánh thần của bùn lầy. Điều quan trọng là tìm ra con đường giữa hai
thái cực đó để dẫn đến những gương mặt muôn vẻ của con người ta tìm
kiếm.
Cho đến nay, chính những đòi hỏi không thực hiện được
của phi lý cho chúng ta thấy rõ nhất phi lý là gì. Tương tự, nếu
được báo trước, thì ta sẽ nhận thấy rằng sáng tạo hư cấu chứa sự
mơ hồ như một số triết lý khác. Do đó tôi chọn làm ví dụ minh họa
dưới đây một tác phẩm bao gồm mọi yếu tố biểu thị nhận thức về sự
phi lý, có khởi điểm rõ ràng và một môi trường sáng suốt. Những kết
quả của nó sẽ soi sáng cho chúng ta. Nếu phi lý không được tôn trọng trong tác
phẩm đó, chúng ta sẽ biết là do ảo tưởng quỷ quyệt nào chen vào. Như vậy
chỉ cần phân tích một ví dụ cụ thể, một chủ đề, và độ trung thành
của một nhà sáng tạo thôi là đủ. Đã có những phân tích tương tự
trước đó nhưng dài hơn nhiều.
Sau đây tôi sẽ nghiên cứu một chủ đề yêu thích của
Dostoevsky. Tất nhiên tôi hoàn toàn có thể tìm hiểu những tác phẩm
khác 7 . Chỉ là trong tác phẩm này, vấn đề
được xử lý trực tiếp như các triết lý hiện sinh đã thảo luận bên
trên, thể hiện qua sự cao quý và cảm xúc. Trạng thái song song này là
đối tượng nghiên cứu của tôi.
Kirilov
Tất cả các nhân vật chính của Dostoevsky đều tự đặt câu hỏi
về ý nghĩa của cuộc sống. Về mặt này những nhân vật ấy khá là hiện đại:
họ không sợ bị chế giễu. Điều phân biệt cảm thức hiện đại và cảm thức cổ điển
là cái sau tôn cao các vấn đề đạo đức còn cái đầu nhấn mạnh về các vấn đề
siêu hình. Trong các tiểu thuyết của Dostoevsky câu hỏi được đặt ra dữ dội đến
nỗi mà nó chỉ có thể thu hút các giải pháp cực đoan. Tồn tại là hư ảo hoặc là
vĩnh cửu. Nếu Dostoevsky bằng lòng dừng ở đòi hỏi lựa chọn này, ông đã
là một nhà triết học. Nhưng ông lại minh họa những kết quả của câu đố trí
tuệ đó trong đời sống con người, như vậy ông là một nghệ sĩ. Trong số
những kết quả này, ông đặc biệt chăm chút cho tác phẩm cuối cùng
là Nhật ký của một Nhà văn 8 , mà ông gọi là sự tự sát logic.
Trong những bài viết đăng tháng 12 năm 1876, ông đã thực sự hình dung
ra lập luận về "tự sát logic". Khi tin chắc rằng tồn tại
của con người là sự phi lý tuyệt đối đối với những ai không tin vào
sự bất tử, con người tuyệt vọng đi đến những kết luận sau đây:
"Vì trong lời đáp cho những câu hỏi của tôi về
hạnh phúc, tôi nghe thấy, qua trung gian là ý thức của tôi, rằng tôi không
thể hạnh phúc trừ khi hòa hợp với Đấng vĩ đại mà tôi không hiểu, và
cũng sẽ không bao giờ ở vị thế nào để có thể hiểu được, điều đó
là hiển nhiên..."
"Bởi vì cuối cùng, tôi đóng cả hai vai nguyên đơn lẫn
bị đơn, bị cáo lẫn thẩm phán, và bởi vì tôi coi tấn hài kịch mà tôi phạm
vào do bản chất của mình là hoàn toàn ngu ngốc, tôi thậm chí thấy nhục
nhã khi hạ cố tham gia vào..."
"Với tư cách không thể chối cãi của nguyên đơn và bị
đơn, của thẩm phán và bị cáo, tôi kết án cái bản chất trơ tráo đã đưa tôi
vào cuộc sống để bắt tôi chịu đựng đau khổ - tôi kết án nó phải bị
tiêu diệt cùng với tôi".
Quan điểm ấy hãy còn chứa một chút hài hước. Hành động
tự giết chính mình này, xét ở bình diện siêu hình, là bởi anh
ta bị làm phật ý. Xét theo một nghĩa nào đó, kẻ ấy đang thực hiện
cuộc trả thù của mình. Đây là cách anh ta chứng minh rằng mình "sẽ
không bị lừa". Tuy nhiên, như ta đã biết, cùng một chủ đề này
được thể hiện một cách khái quát tuyệt vời nhất ở nhân vật Kirilov
trong tác phẩm Lũ người quỷ ám 9 , một nhân vật cũng ủng hộ sự tự
sát logic. Kirilov, người kỹ sư tuyên bố rằng ông muốn sống cuộc đời theo
ý mình bởi nó "là ý tưởng của ông". Rõ ràng ở đây phải
hiểu đúng nghĩa từ ấy. Nó chỉ một ý tưởng, một suy nghĩ, rằng ông
ta đã sẵn sàng chết. Đây là sự tự sát ở cấp độ cao siêu. Theo diễn
tiến câu truyện, trong hàng loạt cảnh mà trong đó tấm mặt nạ che đậy
của Kirilov dần được soi tỏ, cái tư tưởng nhuốm mùi chết chóc thôi
thúc ông ta dần hé lộ trước mắt chúng ta. Thật sự, quan điểm ấy của
người kỹ sư lại quay về các luận điểm trong Nhật ký. Ông cảm
thấy rằng Chúa là cần thiết, và như vậy ông phải tồn tại. Nhưng ông
cũng biết mình không, và không thể tồn tại. Ông thốt lên: "Tại
sao người không nhận ra rằng với lý do đó là đã đủ giết chính
mình?" Quan điểm ấy cũng đưa đến cho ông một số hệ quả phi lý.
Do dửng dưng, ông kệ cho vụ tự sát của mình bị lợi dụng trong một
vụ giết người mà ông khinh miệt. "Tối qua tôi đã quyết định rằng
tôi chẳng thèm quan tâm". Và cuối cùng, ông chuẩn bị cho hành
động ấy của mình trong tâm trạng lẫn lộn giữa nổi dậy và tự do.
"Tôi sẽ giết chính mình để khẳng định sự bất phục tùng của tôi, tự
do mới mẻ và đáng sợ của tôi". Đó không còn là trả thù, mà đã trở
thành sự nổi dậy. Do đó Kirilov là một nhân vật phi lý, tuy nhiên phải đi
kèm với điều kiện tiên quyết là: ông tự sát. Bản thân con người ông giải
thích cho mâu thuẫn này, cùng lúc, hé lộ bí mật của phi lý trong vẻ
tinh khiết trọn vẹn. Thực vậy, ông thêm vào cái logic chết người đó một
tham vọng phi thường, đưa ra cho nhân vật thấy trọn logic đó: Ông muốn tự
giết mình để trở thành chúa.
Lập luận thật rõ ràng và kinh điển. Nếu Chúa trời
không tồn tại, thì Kirilov là chúa. Nếu Chúa trời không tồn tại, thì
Kirilov phải tự sát. Như vậy, Kirilov phải tự sát để trở thành chúa.
Logic đó quả là phi lý, nhưng cần như thế. Tuy nhiên, điều thú vị là
ở chỗ nó gán một ý nghĩa cho thế lực thần thánh đó được hồi sinh ở
trái đất. Điều đó chẳng khác nào tuyên bố: "Nếu Chúa trời không tồn
tại, thì tôi là chúa", mà lập luận này vẫn khá là mù mờ. Quan
trọng là phải chú ý ngay từ đầu rằng người đàn ông cất lời tuyên
bố điên rồ đó thật sự thuộc về thế giới này. Ông mỗi sáng đều tập
thể dục để bảo vệ sức khỏe. Ông bứt rứt không yên khi thấy Shatov vui
sướng khi tái hợp với bà vợ 10 . Trên mảnh giấy mà người ta tìm
thấy sau khi ông chết, ông muốn vẽ một khuôn mặt thè lưỡi vào
"bọn chúng no". Ông trẻ con và nóng nảy, sôi nổi, ngăn nắp và
nhạy cảm. Ông không có yếu tố gì của một siêu nhân ngoài logic và nỗi ám ảnh,
trong khi ông có đầy đủ mọi yếu tố của một con người. Tuy nhiên, cũng
chính con người này nói về sự thần thánh của mình một cách rất
bình tĩnh. Ông không điên, bởi nếu vậy Dostoevsky hẳn cũng điên. Do đó
thứ kích thích ông không phải là ảo tưởng của chứng hoang tưởng tự
đại. Và trong trường hợp này, lẩy ra từng từ để xét theo nghĩa cụ
thể là ngớ ngẩn.
Chính Kirilov giúp ta hiểu ông. Khi trả lời một câu hỏi của
Stavrogin, ông nói rõ rằng mình không có ý chỉ một con-người-thần-thánh.
Có lẽ có người nghĩ rằng ông muốn phân biệt mình với Chúa Jesus.
Nhưng thật ra, ông mong muốn nhập làm một với Chúa Jesus. Kirilov rất
háo hức mong chờ đến thời khắc Jesus chết và không thấy chính
ngài được lên Thiên đàng. Khi đó Chúa nhận ra sự tra tấn ngài phải
chịu là vô ích. Viên kỹ sư nói, "Các quy luật của tự nhiên khiến
Chúa sống giữa lầm ảo và chết trong lầm ảo". Chỉ trong nét nghĩa
này, Jesus thực sự là hiện thân của toàn bộ tấn kịch nhân loại.
Ngài là con người hoàn chỉnh, là con người nhận thức được bối cảnh
phi lý nhất. Ông không phải là con-người-thần-thánh mà là một vị-thần-người.
Và cũng như ông ta, mỗi người chúng ta đều có thể bị đóng đinh câu
rút hoặc bị biến thành vật hy sinh ở mức độ nào đó.
Vì thế đấng thần linh nhắc đến ở đây hoàn toàn ở
ngay tại trái đất này. Kirilov nói: "Trong suốt ba năm, tôi tìm
kiếm các thuộc tính thánh thần trong tôi và đã tìm ra nó. Thuộc
tính thánh thần chính là sự độc lập". Đến đây tiền đề lập
luận của Kirilov đã rõ: "Nếu Chúa không tồn tại, thì tôi là Chúa".
Trở thành Chúa chỉ đơn giản là trở nên tự do trên trái đất này,
không phải phụng sự một đấng bất tử nào. Tất nhiên, trên hết, có
thể rút ra mọi kết luận từ sự độc lập đau đớn đó. Nếu Chúa tồn
tại, mọi sự đều cậy vào ngài, và ta không thể làm gì trái với ý
chí của ngài. Còn nếu ngài không tồn tại, thì mọi sự đều tùy
thuộc vào chính chúng ta. Đối với Kirilov, cũng như với Nietzsche,
giết Chúa là tự mình trở thành chúa: là nhận ra cuộc sống vĩnh
cửu trên trái đất này, như Phúc Âm đã viết 11 . Nhưng nếu chỉ riêng tội ác siêu
hình này cũng đã đủ thành toàn cho con người, vậy thì cần thêm tự
sát làm gì nữa? Tại sao phải tự sát và rời khỏi thế giới này một
khi đã giành được tự do? Đó là điểm mâu thuẫn. Kirilov cũng nhận rõ
điều đó, vì ông có nói thêm rằng: "Nếu anh cảm thấy được điều
đó, thì hẳn anh là Sa hoàng, và thay vì tự sát, anh sẽ sống ngập
trong huy hoàng". Nhưng nói chung, con người không hiểu điều đó. Họ
không cảm thấu được điều đó. Con người ấp ủ những hy vọng mù
quáng hệt như thời thần Prometheus 12 . Họ cần được chỉ lối và không thể
làm gì nếu không nghe thuyết giảng. Do đó, Kirilov phải tự sát vì
tình yêu nhân loại. Ông phải cho những người anh em của mình thấy con
đường vương giả và khó khăn mà ông tiên phong dấn bước vào. Đó là vụ
tự sát có tính giáo dục. Kirilov hy sinh bản thân. Nhưng dù ông có bị
hành hạ đi nữa, thì ông cũng sẽ không bị biến thành vật hy sinh. Ông
vẫn là một vị-thần-người, tin tưởng vào cái chết không có gì sau
nó nữa, thấm đẫm vẻ sầu muộn của kinh phúc âm. Ông nói: "Tôi
bất hạnh bởi tôi buộc phải khẳng định sự tự do của
mình".
Nhưng một khi ông chết và con người cuối cùng cũng được giác
ngộ, thì trái đất này sẽ toàn là các Sa hoàng và sáng bừng vinh quang của
con người. Phát súng lục của Kirilov sẽ là sự báo hiệu cho cuộc cách
mạng cuối cùng. Như vậy, không phải nỗi tuyệt vọng đẩy ông đến cái
chết, mà ông chết vì tình yêu và lợi ích của đồng loại. Trước khi
kết liễu trong máu đỏ cuộc phiêu lưu tinh thần khôn tả của mình,
Kirilov buông một câu cũng cũ xưa như nỗi đau khổ của con người: "Mọi
chuyện đều tốt đẹp".
Do đó, chủ đề tự sát trong tác phẩm của Dostoevsky thực sự
là một chủ đề phi lý. Cần lưu ý điểm này, trước khi tiếp tục xét sự
tái hiện của Kirilov ở những nhân vật khác mà bản thân những nhân
vật ấy cũng được đặt trong những chủ đề phi lý khác. Stavrogin và
Ivan Karamazov thử áp những chân lý phi lý vào đời sống thực tế. Họ
là những người được giải thoát bởi cái chết của Kirilov. Họ thử vào vai Sa
hoàng. Stavrogin sống cuộc đời "đầy mỉa mai", và khá nổi tiếng về
mặt này. Ông gợi lên lòng căm thù xung quanh mình. Tuy thế, chìa khóa để
hiểu được nhân vật này lại được tìm thấy trong lá thư vĩnh biệt:
"Tôi chưa từng khi nào có khả năng ghét cay ghét đắng bất cứ điều
gì". Ông ta là một Sa hoàng trong sự thờ ơ. Tương tự, Ivan "thử
vai" bằng cách khước từ quy phục vương quyền của tâm trí. Đối
với những người dùng cuộc sống của chính mình để chứng minh, như em
trai của Ivan, rằng quan trọng là phải hạ thấp bản thân đi để giữ
niềm tin, Ivan có lẽ sẽ đáp trả rằng điều kiện ấy quả đáng xấu
hổ. Nhận định chủ chốt của ông là: "Mọi điều đều được
phép", ẩn dưới tán u sầu đủ rộng. Giống như Nietzsche, người nổi tiếng
nhất trong những kẻ rắp ranh giết chết Chúa trời, ông ta cuối cùng
hóa điên. Nhưng đây là một rủi ro đáng để liều, và khi phải đối mặt
những kết thúc bi thảm như vậy, sự thôi thúc thuộc về bản chất của tâm trí
phi lý sẽ hỏi: "Điều đó chứng minh cho cái gì?"
° ° °
Những tiểu thuyết như Nhật ký, nêu lên vấn đề phi lý.
Chúng dựng lên logic dẫn đến cái chết, sự tôn vinh, tự do "đáng sợ",
niềm vinh quang của các Sa hoàng trở nên rất con người. Mọi chuyện đều
ổn, mọi điều đều được phép, không có gì là đáng ghét - đây là những
phán xét phi lý. Nhưng đó quả là thế giới sáng tạo tuyệt vời, nơi
những con người như đồng thời được tạo ra từ lửa và băng đó dường như
quá quen thuộc với chúng ta. Thế giới của sự dửng dưng mà đầy sôi nổi
vang dội trong trái tim những nhân vật ấy, đối với chúng ta sao chẳng
có vẻ gì là quái gở. Ta nhận ra nó trong những lo âu hàng ngày. Và
có lẽ chưa có ai phủ cho thế giới phi lý vẻ mê hoặc đau đớn và quen
thuộc như Dostoevsky.
Vậy nhưng kết luận cuối cùng của ông là gì? Hai câu trích
dưới đây thể hiện quan điểm siêu hình đối ngược hoàn toàn của tác
giả. Lập luận của người cam nguyện tự tử logic đã làm dấy lên những
chỉ trích; tác giả, trong phần đăng tiếp theo của Nhật ký, bàn
sâu rộng hơn về quan điểm của mình và kết luận: "Nếu con người
cần đức tin vào sự bất diệt đến như vậy (đến nỗi khi không có nó
thì tự sát), thì nó phải là một trạng thái bình thường của nhân
loại. Mà nếu vậy, linh hồn con người chắc chắn bất tử, không hồ nghi
gì nữa". Rồi ở những trang cuối của cuốn tiểu thuyết cuối
cùng, ở đoạn kết cuộc chiến vĩ đại ở Chúa, những đứa trẻ hỏi
Aliosha: "Karamazov, có phải tôn giáo dạy rằng chúng ta sẽ hồi
sinh từ cái chết, và sẽ được hội ngộ lần nữa?" Aliosha đáp:
"Hẳn rồi, chúng ta sẽ hội ngộ lần nữa, khi đó chúng ta sẽ vui
sướng kể cho nhau nghe mọi điều đã xảy ra".
Nói như vậy, Kirilov, Stavrogin và cả Ivan đều đã
bại. Anh em nhà Karamazov đã đáp lời cho Lũ người quỷ
ám. Và đó chính là một kết luận. Trường hợp của Aliosha không hề mơ
hồ như hoàng thân Myshkin 13 . Ông hoàng ốm yếu sống trong một
thực tại miên viễn, nhàn nhạt những nụ cười và sự dửng dưng, và
trạng thái hạnh phúc ấy có lẽ chính là cuộc đời vĩnh cửu mà ông
nói đến. Ngược lại, Aliosha nói rất rõ ràng: "Chúng ta sẽ gặp
nhau lần nữa". Chuyện tự tử hay hóa điên không còn đặt ra ở đây.
Bởi những kẻ đã nắm chắc sự bất diệt cùng những niềm hạnh phúc
nó đưa lại đâu cần đến chúng làm gì? Con người đánh đổi sự thần
thánh của mình lấy hạnh phúc. "Chúng ta sẽ vui sướng kể cho nhau
nghe mọi điều đã xảy ra". Như vậy là một lần nữa tiếng súng
của Kirilov lại vang lên đâu đó ở nước Nga, nhưng thế giới này vẫn
tiếp tục tôn tụng những hy vọng mù quáng. Con người đã không hiểu
được điều đó.
Do vậy ở đây không phải một tiểu thuyết gia phi lý
đang nói với chúng ta một tiểu thuyết gia hiện sinh. Ở đây bước nhảy
thật thống thiết, làm cao quý thêm cho môn nghệ thuật đã truyền cảm
hứng cho nó. Nó là một sự cam thuận không yên, lổn nhổn những nghi
ngờ, không chắc chắn và cháy bỏng. Về tác phẩm Anh em nhà
Karamazov của mình, Dostoevsky viết: "Vấn đề chính yếu được
đặt ra xuyên suốt tác phẩm này chính là điều dằn vặt tôi suốt đời,
một cách có ý thức hay vô ý thức: Đó là sự tồn tại của
Chúa". Thật khó lòng tin nổi một tiểu thuyết có thể chuyển
biến nỗi đau khổ suốt đời đó thành niềm hạnh phúc chắc chắn. Một
nhà phê bình 14 đã chỉ ra rất chính xác rằng
Dostoevsky đứng về phía Ivan, và những chương tiểu thuyết đầy tính
khẳng định đó được viết trong ba tháng ròng nỗ lực, trong khi những
phần "báng bổ", nói như lời ông, được viết trong vỏn vẹn ba
tuần trong tâm thế phấn khích. Không nhân vật nào của ông không phải
mang gai nhọn đớn đau trong da thịt, không ai không vạch ngoáy nó thêm
hay cố tìm cách chữa trị nó thông qua cảm thức hay sự bất diệt 15 . Dù cách nào đi nữa, chúng ta hãy
cứ giữ mối hoài nghi này. Đây là một tác phẩm phối hợp thủ pháp
tương phản vô cùng rõ ràng, cho phép chúng ta hiểu thấu cuộc đấu
tranh của một người chống lại những hy vọng của mình. Một khi đã
đến tận cùng, người sáng tạo lại quyết định chống lại nhân vật của
ông. Mâu thuẫn đó giúp ta phân biệt rõ. Đây không phải là một tác
phẩm phi lý, mà là tác phẩm gợi lên vấn đề phi lý.
Câu trả lời của Dostoevsky là nhục nhã, hay nói như
Stavrogin là "đáng xấu hổ". Ngược lại, tác phẩm phi lý không
đưa ra câu trả lời; sự khác biệt chính là nằm ở đó. Hãy để ý kỹ
điều này trong phần kết: Trong tác phẩm đó, đối ngược với sự phi lý
không phải là bản chất Thiên Chúa trong nó, mà là tuyên ngôn về cuộc
sống tương lai. Hoàn toàn có thể là người Thiên Chúa giáo và là
người phi lý. Đã có những ví dụ về người theo đạo Thiên Chúa nhưng không
tin vào kiếp lai sinh. Xét về tác phẩm nghệ thuật, đúng ra nó có
thể vạch ra một trong số những hướng phân tích phi lý vốn đã được
tiên báo trong những trang trước. Nó khơi lên "sự phi lý của Phúc
Âm". Nó soi sáng ý tưởng này, vun bón bằng những hậu quả, sự
chắc chắn ấy không ngăn được mối hoài nghi. Ngược lại, dễ thấy rằng
tác giả của Lũ người quỷ ám, do đã quá quen với những nẻo
đường như vậy, khi kết luận lại chọn con đường hoàn toàn khác. Câu
trả lời đáng ngạc nhiên của người sáng tạo cho những nhân vật của
mình, của Dostoevsky với Kirilov, có thể tóm tắt bằng một câu: Tồn
tại là ảo tưởng và nó bất diệt.
Sáng tạo phù du
Đến đây tôi nhận ra rằng không thể mãi lảng tránh hy
vọng, nó thậm chí quấn lấy cả những người muốn thoát khỏi nó. Tôi
phát hiện ra điều thú vị này trong những tác phẩm ta bàn ở đây. Ít
nhất, trong địa hạt sáng tạo, tôi có thể liệt kê ra một vài tác
phẩm phi lý đích thực 16 . Nhưng thứ gì cũng có khởi đầu.
Đối tượng ta tìm kiếm ở đây là lòng trung thành ở mức độ nhất
định. Có lẽ khi trước Giáo hội khắc nghiệt với những kẻ dị giáo
đến vậy chỉ vì Giáo hội cho rằng không có kẻ thù nào tồi tệ hơn một đứa
con lầm đường lạc lối. Nhưng "thành tích" của những kẻ (bị
coi là) vô liêm sỉ theo thuyết Ngộ Đạo 17 và sự kiên trì của trào lưu Mani
giáo đóng góp vào việc xây dựng tín điều chính thống còn nhiều hơn
mọi lời cầu nguyện. Xét kỹ ra, điều tương tự cũng đúng với sự phi
lý. Ta nhận ra hướng đi của một người thông qua việc phát hiện những
nẻo đường lệch khỏi nó. Cũng như ở kết luận cuối một chuỗi suy
luận theo logic phi lý, thì điều quan trọng không phải ở chỗ sự dửng
dưng sẽ đưa niềm hy vọng quay trở lại trong vỏ bọc thống thiết nhất
của nó. Điều đó cho thấy rất khó để sự phi lý khép mình theo kỷ
luật nghiêm khắc đã đặt ra 18 . Trên hết, điều đó cho thấy cần
phải liên tục giữ được sự tỉnh thức và xác định hướng đi chung của
tiểu luận này.
Nếu như đến đây hãy còn quá sớm để liệt kê các tác phẩm
phi lý, thì ít nhất ta đi tới được một kết luận về quan điểm sáng
tạo, một trong những quan điểm giúp tồn tại phi lý trở nên hoàn
chỉnh. Không gì phụng sự nghệ thuật tốt bằng tư tưởng tiêu cực. Để
hiểu được tác phẩm lớn, cần tồn tại cả những cách tiếp cận dốt
nát và bị hạ nhục, cũng như cần có đen để hiểu thế nào là trắng.
Lao động và sáng tạo "không vì điều gì", chạm khắc trên đất
sét, biết rằng sự sáng tạo của mình không có tương lai, thấy tác phẩm
của mình bị phá hủy chỉ trong một ngày trong khi nhận thức được
rằng về cơ bản, nó cũng không hề quan trọng hơn những tạo tác tồn
tại được hàng thế kỷ - đây là những thấu ngộ đầy khó khăn mà tư duy
phi lý công nhận. Thực hiện đồng thời hai việc này, nghĩa là một
mặt thì phủ định còn mặt khác tán dương, là mở ra con đường cho
người sáng tạo phi lý. Người ấy phải tô màu cho hư không.
Điều này cũng dẫn tới một quan niệm đặc biệt về
tác phẩm nghệ thuật. Thường tác phẩm của nhà sáng tạo được coi là
một loạt những chứng nghiệm riêng biệt. Như vậy khái niệm người nghệ
sĩ và người học giả bị lẫn lộn với nhau. Một tư tưởng sâu sắc luôn
trong trạng thái điều chỉnh liên tục; nó thu nạp trải nghiệm trong
cuộc sống để nên hình nên dạng, tương tự, sự sáng tạo của một người
được củng cố qua nhiều khía cạnh liên tục: chính là các tác phẩm
của người đó. Tác phẩm sau nối tác phẩm trước, chúng bổ sung cho
nhau, điều chỉnh hay vượt qua, thậm chí mâu thuẫn nhau. Nếu quả có
điều gì đưa sự sáng tạo đến điểm tận cùng, thì đó không phải là
tiếng thét ảo tưởng mừng chiến thắng của nhà nghệ sĩ mù quáng,
rằng "Ta đã thể hiện hết mọi điều", mà chính là cái chết
của người sáng tạo, cái chết đóng lại chặng đường trải nghiệm lẫn
cuốn sách thể hiện tài năng thiên phú của người ấy.
Nỗ lực đó, ý thức siêu nhân đó không nhất thiết rõ
ràng dễ thấy trong mắt người đọc. Sự sáng tạo của con người không có
gì là kỳ bí. Chính ý chí tạo ra điều kỳ diệu ấy. Nhưng quả là
không có sự sáng tạo đích thực nào không ẩn chứa bí mật. Những tác
phẩm nối tiếp nhau không là gì khác ngoài hàng loạt những biến thể
xấp xỉ nhau của cùng một tư duy gốc. Nhưng một dạng sáng tạo khác
có thể hình thành khi đặt các tác phẩm đó cạnh nhau. Khi đó chúng
trông có vẻ không liên quan gì tới nhau. Xét ở một cấp độ nào đó,
chúng mâu thuẫn nhau.
Nhưng khi được đặt cạnh nhau để cùng xem xét, thì
những tác phẩm ấy vẫn toát lên đặc tính chung tự nhiên. Ví dụ, từ
cái chết chúng tìm được ý nghĩa đáng tin cậy nhất về mình. Chúng
tiếp nhận thứ ánh sáng rõ ràng nhất từ cuộc đời của chính người
tác giả. Vào thời khắc người ấy chết đi, những tác phẩm tiếp nối
nhau ông từng sáng tác chỉ là một bộ sưu tập những thất bại. Nhưng
nếu giả như những thất bại ấy đều có độ ngân vang như nhau, thì
người sáng tạo đã làm được việc là phỏng lặp lại thân phận của
mình, làm cho cái bí mật vô ích mà ông sở hữu vang vọng trong không
gian.
Ở đây nỗ lực kiềm chế là rất đáng kể. Nhưng trí
tuệ con người có khả năng vượt cao hơn thế nữa. Nó chỉ rõ khía cạnh
tự nguyện của sáng tạo. Tôi từng viết trong một bài khác rằng ý
chí con người không có mục đích nào khác hơn là duy trì sự tỉnh
thức. Nhưng không thể làm vậy nếu không có kỷ luật. Sáng tạo là
trường học rèn tính kiên nhẫn và sự sáng suốt hiệu quả nhất. Nó
cũng là bằng chứng đáng ngạc nhiên về phẩm giá duy nhất của con người:
chính là cuộc nổi dậy bền bỉ chống lại thân phận của mình, kiên
trì theo đuổi một nỗ lực được cho là vô ích. Nó đòi hỏi sự cố
gắng hàng ngày, sự tự chủ, và phán đoán chính xác về những giới
hạn của sự thật, mức độ và sức mạnh. Tất cả đó, là một chế
độ khổ hạnh. Và tất cả đều "vì cái hư không", để phỏng
lặp và để lại dấu chân mình trong dòng chảy thời gian. Tác phẩm
nghệ thuật vĩ đại là thử thách đặt ra cho con người, cũng là cơ hội
để người sáng tạo vượt qua những bóng ma của mình và tiến gần hơn
một chút đến sự thật trần trụi. Vai trò này của các tác phẩm lớn
có lẽ còn quan trọng hơn giá trị tự thân của nó.
° ° °
Đừng nhầm lẫn khi xét đến khía cạnh thẩm mỹ. Ở đây
tôi không cần đến những phân tích vô ích bất tận của những bài luận
văn. Hoàn toàn ngược lại. Tiểu thuyết-luận đề, loại tác phẩm để
chứng minh, cái thể loại đáng ghét nhất, thường nảy sinh từ một ý
nghĩ tự mãn. Tác giả chứng tỏ mình chắc chắn về chân lý mình
nắm giữ. Nhưng đó chỉ là những ý kiến đưa ra, mà ý kiến là sự
trái ngược của tư duy. Mà những nhà sáng tạo ấy lại chính là triết
gia, thật đáng xấu hổ. Tôi chỉ muốn bàn đến ở đây các nhà tư tưởng
sáng suốt. Ở một mức nào đó, khi tư duy quay về nghiền ngẫm chính
nó, thì nó hình dung tác phẩm như là biểu tượng hiển nhiên của một
tư duy giới hạn, không phải là bất tử, và có tính phản kháng.
Có lẽ những người tôi nói đến cũng có chứng tỏ
điều gì đó. Nhưng đó là những bằng chứng mà tiểu thuyết gia cung
cấp cho chính mình hơn là cho thế giới. Điều cốt yếu là, tiểu thuyết
gia mừng chiến thắng trong cái cụ thể, và chính điều này làm nên sự
cao quý của họ. Cái chiến thắng hoàn toàn trần tục này đã được
dọn sẵn chờ họ nhờ những thế lực trừu tượng bị hạ thấp trong tư
duy của họ. Và khi chúng bị hạ thấp hoàn toàn, thì cùng lúc những
yếu tố thuộc cõi phàm này sẽ khiến tác phẩm sáng lên lấp lánh
trong vẻ huy hoàng phi lý. Rốt cuộc, những triết lý mỉa mai sản sinh
ra tác phẩm đầy đam mê.
Bất kỳ tư duy nào phản đối nhất nguyên cũng đều tôn
vinh sự đa dạng. Mà sự đa dạng là ngôi nhà của nghệ thuật. Tư duy
độc nhất giải phóng tâm trí là tư duy không can thiệp đến nó, chắc
chắn về những giới hạn cũng như kết thúc sớm muộn sẽ đến với nó.
Không học thuyết, giáo điều nào cám dỗ được tư duy ấy. Nó chờ đợi sự
chín muồi của các tác phẩm và cuộc sống. Một khi không lệ thuộc vào nó,
tác phẩm sẽ cất lên tiếng nói không bị bóp nghẹt của một linh hồn
Mãi mãi được giải thoát khỏi niềm hy vọng. Hoặc ngược lại, nó không
biểu lộ điều gì, nếu người sáng tạo đã mệt mỏi và muốn quay đi.
Hai cách diễn đạt đó tương đương nhau.
° ° °
Vậy là, tôi đòi hỏi ở sáng tạo phi lý đúng những
gì tôi đòi hỏi từ tư tưởng - sự phản kháng, tự do, và đa dạng. Rồi
sau đó, sáng tạo phi lý sẽ thể hiện sự vô ích hoàn toàn của nó.
Trong những nỗ lực ngày thường, khi mà trí tuệ và niềm đam mê hòa
quyện và khơi gợi lẫn nhau, con người phi lý phát hiện ra nếp kỷ
luật đưa lại cho anh sức mạnh lớn lao nhất. Sự cần mẫn bắt buộc,
tính ngoan cường bền bỉ và sự sáng suốt, những yếu tố đó cũng
tương tự như quan điểm của người chinh phục. Sáng tạo cũng giống như
tạo hình định dạng cho một số phận con người. Với những người này,
tác phẩm sáng tạo của họ cũng định nghĩa họ, ít ra là ngang bằng
với mức họ định nghĩa chúng. Người diễn viên dạy ta một điều rằng:
giữa bản chất vai diễn và vẻ ngoài trình diễn không có gì ngăn cách.
Xin được nhắc lại. Không gì trong số những điều này
mang ý nghĩa thực sự. Trên con đường đạt tới sự giải phóng, hãy còn
cả một quá trình. Nỗ lực cuối cùng của những tâm trí đề cập ở
đây, dù của người sáng tạo hay người chinh phục, là giải thoát họ
khỏi gánh nặng đang mang: là công nhận những công việc của họ, cho dù
nó là sự chinh phục, yêu đương hay sáng tạo có thể không phải là như
thế; hoàn thành sự vô ích tột cùng của cuộc đời một cá nhân. Thật
ra, điều đó cho họ thêm nhiều tự do để nhìn nhận tác phẩm đó, cũng
như nhận thức được sự phi lý của cuộc đời đã cho phép họ lao mình
vào nó hết mình, không gì kiềm chế.
Tất cả những gì còn lại là một số phận mà chỉ có kết cục
là nhuốm màu chết chóc. Ngoài cái chết đã định duy nhất đó, mọi
thứ khác, niềm vui sướng hay hạnh phúc, là sự giải phóng. Thế giới
diễn tiến với người chủ nhân duy nhất là con người. Những gì từng
trói buộc anh ta là ảo tưởng của một thế giới khác. Kết quả của tư
duy người ấy, vốn không còn bị khước từ nữa, bung nở trong vô vàn
hình tượng. Nó đùa nghịch - có lẽ chỉ trong những điều hư cấu, nhưng
những hư cấu đó không có chiều sâu nào ngoài chiều sâu của nỗi khổ
con người và cũng vô tận như thế. Không phải trong những truyền thuyết
thánh thần đáng cười và mù quáng, mà chính trong những gương mặt,
hành vi, và vở kịch ngay trên trái đất này mà sự thấu ngộ đầy khó
khăn và niềm đam mê phù du được kết tinh.
--------------------------------
Núi Ôliu là núi ở thành phố Jerusalem, gắn với các
truyền thống của người Do Thái và Kitô giáo. |
|
Phần trên cùng của mặt tiền đền thờ. - BTV |
|
Nay là Ethiopia. Nhà thơ Pháp Jean Nicolas Arthur
Rimbaud từng có thời gian sống ở đây nhưng không sáng tác thơ mà làm
nhà buôn, trong đó có buôn súng, café và da thú. |
|
Thật kỳ lạ khi nhận thấy rằng trong thể loại hội
họa giàu trí tuệ nhất, cố gắng quy giản thực tế thành những yếu
tố cốt yếu nhất của nó, thì kết quả không gì khác hơn là niềm
vui sướng cho thị giác. Những tác phẩm ấy đã giữ trọn được màu
sắc của thế giới này, (Thể hiện đặc biệt rõ trong tranh Leger). -
Gốc |
|
Triết gia Đức được cho là "khô khan", ít mỹ
cảm, có thời gian dài không nói về mỹ học và không coi cái đẹp là
đối tượng của triết học. Mãi về sau ông mới viết cuốn Phê
phán năng lực phán đoán (1790), đặt ra nhiều vấn đề nền tảng,
với nhiều cách tiếp cận khác nhau về cái đẹp và nghệ thuật.- BTV |
|
Nếu ngừng suy xét đến khía cạnh này, người ta có
thể cho ra những tiểu thuyết dở nhất. Hầu như ai cũng cho rằng mình
có khả năng tư duy và trong một chừng mực nào đó, người ta quả có
suy nghĩ thật, cho dù là đúng hay sai. Ngược lại rất hiếm người có
khả năng cho rằng mình là nhà thơ hay nghệ sĩ của từ ngữ. Ngay lúc
tư duy chiến thắng phong cách, thì đủ loại người hỗn tạp ùa vào
địa hạt tiểu thuyết. Kể ra đó cũng không phải tội ác ghê gớm gì
như người ta nói. Những người giỏi nhất sẽ phải tự đòi hỏi cao hơn
nữa. Còn những ai không chống chọi nổi thì không xứng tồn tại. - Gốc |
|
Ví dụ như tác phẩm của Malraux. Nhưng như thế cần
phải đồng thời giải quyết vấn đề xã hội không thể tránh né bằng
tư duy phi lý (cho dù tư duy ấy có thể đưa ra vô số giải pháp khác
nhau). Người ta dù sao cũng phải biết tự tiết chế. - Gốc |
|
Nguyên tác tiếng Nga. Tựa tiếng Anh: The diary of a
Writer. Đây là tác phẩm gồm các bài viết hư cấu lẫn phi hư cấu của
nhà văn Fyodor Dostoyevsky, được rút từ bài đăng trên tạp chí xuất
bản định kỳ. |
|
Nguyên tác tiếng Nga. Tựa tiếng Anh: Demons hay The
Possessed. |
|
Theo tác phẩm, vợ Shatov lúc này đang mang thai con
của người khác. |
|
Stavrogin trong Lũ người quỷ ám nói:
"Anh có tin vào cuộc sống bất diệt trong thế giới khác
không?" Kirilov: "Không, nhưng tôi tin cuộc sống bất diệt trong
thế giới này". - Gốc |
|
"Con người dựng lên Chúa đơn giản là để không
phải tự giết mình. Đó là tổng kết về lịch sử vũ trụ cho đến
thời điểm này". - Gốc |
|
Nhân vật chính trong tiểu thuyết Chàng ngốc (nguyên
tác tiếng Nga, tựa tiếng Anh: The Idiot). Hoàng thân Lev
Nikolayevich Myshkin là hậu duệ của gia đình thuộc hoàng tộc nhưng
đã suy sụp. - BTV |
|
Boris de Schloezer. - Gốc |
|
Nhận định kỳ lạ mà thấm thía của Gide: Hầu như
mọi nhân vật chính của Dostoevsky đều đa thê.- Gốc |
|
Ví dụ tác phẩm Moby Dick của Melville. - Gốc |
|
Gnosticism: Xuất phát từ chữ "gnosis" trong
tiếng Hy Lạp cổ là "hiểu biết". |
|
Ascesis: Khổ chế. |
Thần thoại Sisyphus
Các vị thần đã phạt Sisyphus không ngừng vần một tảng đá lên
đỉnh một ngọn núi, rồi tảng đá lại tự lăn xuống. Họ đã có lý khi cho rằng
không có hình phạt nào khủng khiếp hơn lao động hoài công và vô vọng.
Nếu tin lời Homer 1 thì
Sisyphus là người khôn ngoan và hiểu biết nhất trong thế giới những loài khả tử.
Tuy nhiên, theo một giai thoại khác, chàng bị cho là lục lâm thảo khấu. Bản
thân tôi thấy không có gì mâu thuẫn ở đây. Có nhiều ý kiến khác nhau về
nguyên nhân chàng phải lao động khổ sai vô ích như vậy ở địa ngục. Trước hết,
chàng bị kết tội khinh thường các vị thần. Chàng đã đánh cắp những bí mật của họ.
Aegina, con gái của Aesopus, bị Jupiter bắt đi. Người cha rúng động vì
chuyện đó và kể với Sisyphus. Chàng vốn biết rõ đầu đuôi vụ bắt cóc này,
bèn hứa sẽ nói sự thật với điều kiện Aesopus cung cấp nước cho thành đô
Corinth. Để có được dòng nước mát lành, Sisyphus bất chấp cơn thịnh nộ
của trời. Vậy là chàng bị phạt phải đọa địa ngục Homer còn kể thêm
là chính Sisyphus đã xích thần Chết lại. Diêm Vương không thể chịu đựng nổi cảnh
tượng trống trải im lìm trong đế chế của ông ta. Thế là ông ta đã phái thần Chiến
tranh lên mặt đất, giải phóng thần Chết khỏi tay kẻ đã hàng phục được thần.
Người ta cũng nói rằng Sisyphus, lúc gần từ giã cõi đời, đã
muốn thử thách tình yêu của vợ mình một cách thiếu suy nghĩ. Chàng ra lệnh
cho nàng phơi xác mình lộ thiên ngay giữa quảng trường công cộng. Sisyphus
tỉnh dậy ở cõi âm. Chàng giận dữ vì cô vợ quá mức vâng lời đến nỗi làm
chuyện đi ngược lại cả tình cảm con người, chàng xin được Diêm Vương cho
phép trở lại mặt đất để trừng trị cô vợ. Nhưng khi chàng nhìn lại được mặt đất,
sung sướng vì lại được hưởng làn nước và mặt trời, những tảng đá ấm áp và
biển cả, Sisyphus không muốn quay về địa ngục tối tăm nữa. Những lời triệu hồi,
những dấu hiệu giận dữ, những lời cảnh cáo đều vô hiệu. Chàng sống thêm nhiều
năm nữa để ngắm nhìn đường cong của bờ vịnh, mặt biển lấp lánh và những nụ
cười của mặt đất. Cuối cùng phải cần đến một sắc dụ của các vị thần. Thần
Mercury đến và túm lấy cổ áo kẻ trơ tráo, kéo chàng ra khỏi những niềm vui sướng,
áp giải chàng trở lại địa ngục, nơi tảng đá hình phạt đang chờ sẵn.
Như vậy quý vị đã thấy Sisyphus là một anh hùng phi
lý. Chàng là người hùng phi lý do những đam mê lẫn khổ hình
chàng phải chịu, hai lý do này tương đương nhau. Sự khinh thường của chàng với
các vị thần, nỗi thù ghét cái chết và tình yêu cuộc sống nồng nhiệt đã bắt
chàng chịu hình phạt khôn tả, khi mà toàn bộ kiếp bình sinh bị dốc vào một
việc không đạt đến gì cả. Đó là cái giá phải trả cho những đam mê trần thế.
Không nghe nói gì thêm về cuộc sống Sisyphus ở cõi âm. Các thần thoại được
tạo ra để trí tưởng tượng thổi sinh khí vào chúng. Trong thần thoại này, ta chỉ
thấy nỗ lực của một thân hình gồng lên cố sức nâng tảng đá lớn, vần đẩy nó lên
sườn dốc hàng trăm lần; ta thấy khuôn mặt rắn đanh lại, má tì chặt vào tảng đá,
bờ vai đỡ lấy khối nặng phủ đầy đất sét, bàn chân chèn khối đá, mỗi lần
đẩy lên là đôi cánh tay căng rướn, tất cả chỉ dựa vào hai bàn tay
lấm đất. Đến tận cùng nỗ lực dài dằng dặc sánh với không gian không có bầu
trời và thời gian không có chiều sâu, chàng đã đến đích. Thế rồi Sisyphus
nhìn tảng đá lăn ào xuống dưới chỉ trong vài khoảnh khắc, về lại cái
nơi mà từ đó chàng sẽ phải đẩy nó lên lại đỉnh núi. Chàng đi trở xuống chân
núi.
Chính vào lúc trở lại đó, trong khoảng khắc ngừng tay đó,
Sisyphus lôi cuốn sự chú ý của tôi. Một khuôn mặt cực nhọc luôn phải áp sát
mặt đá đến nỗi trông cũng như đá! Tôi nhìn thấy con người đó đi trở xuống
bằng những bước chân nặng nề nhưng đều đặn, về phía khổ hình mà chàng không bao
giờ biết đến sự kết thúc. Giờ khắc đó cũng giống như quãng tạm nghỉ, vốn
chắc chắn sẽ lặp lại như sự hành xác, đó chính là giờ khắc của ý thức.
Tại mỗi khoảnh khắc trên chặng đường từ đỉnh cao từ từ ngập dần vào sào huyệt
của các vị thần đó, chàng vượt lên cao hơn số phận mình. Chàng mạnh hơn tảng
đá.
Thần thoại này bi đát là do nhân vật chính ở đây tỉnh
thức.Quả vậy, nếu có niềm hy vọng đạt tới thành công nâng từng bước
chân anh thì đâu còn gì là hành xác? Ngày nay người lao động cũng
phải làm đi làm lại suốt đời những việc giống nhau, số phận như thế
cũng chẳng kém phần phi lý. Bi kịch bùng lên ngay trong những khoảnh
khắc hiếm hoi khi nó được ý thức tới. Sisyphus, kẻ vô thần vô thánh,
không quyền lực mà dám phản kháng, thấu hiểu hoàn toàn số phận
cùng cực của mình: đó hẳn là những gì chàng nghĩ ngợi trong lúc xuống
núi. Sự sáng suốt làm nên khổ hình của chàng lại cũng đồng thời đội cho
chàng vòng hoa chiến thắng. Không có số phận nào không thể vượt qua bằng sự
khinh ngạo ấy.
Nếu chặng đường đi xuống đó đôi khi diễn ra trong sầu thảm,
thì nó cũng có thể đi hết trong niềm vui. Nói như vậy không hề quá. Một lần
nữa, tôi hình dung thấy Sisyphus quay trở lại tảng đá của chàng ta, và nỗi đau
khổ lại bắt đầu. Khi hình ảnh trần gian bám quá chặt trong ký ức, khi tiếng gọi
của hạnh phúc trở nên quá dai dẳng, thì sự u sầu trào dâng trong trái tim con
người: đây là chiến thắng của tảng đá, đây chính là tảng đá. Nỗi thương đau vô
hạn quả là nặng nề quá sức chịu đựng. Đây là những đêm ở vườn
Gethsemane 2 .
Nhưng những sự thật nghiền nát con người ấy sẽ tàn lụi đi sau khi được nhận
chân. Cũng như Oedipus, lúc đầu tuân phục số phận mà không hề hay biết. Nhưng từ
lúc ông ta phát hiện ra thì bi kịch của ông mới bắt đầu. Cùng từ thời điểm đó,
giữa mù lòa và tuyệt vọng, ông ta nhận ra liên kết duy nhất nối mình với thế
giới là bàn tay của một người con gái. Thế rồi ông cất lên nhận xét lớn
lao: "Dù phải chịu bao nhiêu thử thách, tuổi tác dãi dầu và sự cao
quý của tâm hồn ta làm cho ta kết luận rằng mọi sự đều tốt đẹp". Oedipus của
Sophocles, hệt như Kirilov của Dostoevsky, đã đưa ra công thức cho sự chiến thắng
phi lý. Sự khôn ngoan cổ xưa khẳng định cho chủ nghĩa anh hùng hiện đại.
Người ta không khám phá ra cái phi lý khi chưa bị lôi kéo vào
việc viết sách hướng dẫn cho hạnh phúc. "Sao chứ! Bằng những phương
cách thiển cận như vậy ư...?". Dù sao thì cũng chỉ có một thế giới. Hạnh
phúc và phi lý là hai đứa con của cùng một thế gian. Chúng không thể nào phân
chia ra được. Thật sai lầm khi nói rằng hạnh phúc nhất thiết sẽ nảy ra từ việc
khám phá cái phi lý. Cũng tương tự khi nói rằng cảm giác phi lý nảy sinh từ
hạnh phúc. "Ta kết luận rằng mọi sự đều tốt đẹp", Oedipus nói, nhận
xét này thật thiêng liêng. Nó vang vọng trong vũ trụ hoang dại và bị giới hạn của
con người. Nó dạy rằng mọi sự không phải, chưa phải, đã cùng kiệt. Nó đuổi khỏi
thế giới này một đấng thánh thần đã đến trong sự bất mãn và ưa những khổ đau
vô ích. Nó biến số phận thành một vấn đề của con người, mà phải được dàn xếp
bởi con người.
Chính trong điều này chứa đựng niềm vui lặng lẽ của
Sisyphus. Số phận của chàng thuộc về chính chàng. Tảng đá kia là công việc của
chàng. Cũng như vậy, con người phi lý, khi suy tư về sự đau khổ của mình, làm
im tiếng tất cả thần tượng. Trong vũ trụ đột nhiên được hoàn lại sự tĩnh lặng,
vô vàn những tiếng nói nhỏ bé của thế gian cất lên. Vô thức, những thôi thúc
bí mật, những lời mời gọi từ đủ khuôn mặt, chúng là mặt trái và cái giá cần thiết
của chiến thắng. Không có mặt trời nào không có bóng, và hiểu biết về đêm tối
là điều cốt yếu. Con người phi lý đáp lời và từ đó về sau, nỗ lực của anh ta sẽ
không ngừng nghỉ. Nếu có cái gì gọi là số phận cá nhân, thì không còn định
mệnh nào cao hơn, hoặc giả nếu có thì đó là định mệnh mà anh ta xác
định là không tránh khỏi và đáng khinh. Ngoài ra, anh ta biết bản thân mình là
chủ nhân của mọi ngày trong cuộc đời mình. Vào giây phút mơ hồ khi con người liếc
nhìn lại cuộc đời mình sau lưng, Sisyphus trở về phía tảng đá, trong cái quay đầu
nhẹ bẫng ấy chàng ta suy ngẫm lại chuỗi hành động không liên quan với nhau đã
trở thành số phận của mình, do chính chàng tạo ra, kết hợp lại dưới con mắt của
ký ức chàng, và chẳng bao lâu bị phong kín lại bởi cái chết của chàng. Vì vậy,
khi hoàn toàn tin rằng nguồn gốc của tất cả những gì thuộc về con người đều
mang tính con người, một người mù sẽ hăm hở muốn gặp ai đó biết rằng bóng
đêm dài vô hạn, nhưng anh ta vẫn tiếp tục bước đi. Tảng đá lại tiếp tục lăn.
Tôi bỏ đi, để lại Sisyphus dưới chân núi! Người ta sẽ luôn
luôn tìm thấy lại gánh nặng của mình. Nhưng Sisyphus dạy cho ta một sự chân thật
cao hơn, đến độ có thể phủ nhận các vị thần và nâng những tảng đá lên. Chàng
cũng kết luận mọi sự đều tốt đẹp. Vũ trụ từ đây không còn chủ nhân dường như
không còn trơ trụi hay vô ích đối với chàng. Mỗi nguyên tử của tảng đá kia, mỗi
vảy khoáng vật trong ngọn núi ngập bóng đêm kia, trong bản thân nó tạo thành một
thế giới. Bản thân cuộc tranh đấu hướng tới đỉnh cao là đủ để lấp đầy trái
tim con người. Ta phải tưởng tượng là Sisyphus hạnh phúc.
Hy vọng và phi lý trong tác phẩm của Franz Kafka
Toàn bộ nghệ thuật của Kafka là ở chỗ buộc độc giả phải đọc lại
tác phẩm của mình. Những kết cục trong tác phẩm của ông, hay sự vắng mặt của
ông trong những kết cục, gợi cho cho độc giả những lời giải thích, nhưng những
lời giải thích này không được viết rõ ràng ra, và người ta phải đọc lại
câu truyện từ một góc nhìn khác thì mới thấy là nó có vẻ hợp lý.
Tác phẩm thi thoảng điểm những đoạn có thể diễn giải theo hai cách,
như vậy độc giả phải đọc tới hai lần. Tác giả chính là muốn như vậy.
Nhưng sẽ thật sai lầm nếu cố diễn giải chi tiết mọi điều trong tác
phẩm của Kafka. Biểu tượng thì lúc nào cũng chung chung, và dù cho
có chuyển tải nó chính xác đến đâu chăng nữa, thì người nghệ sĩ
cũng chỉ có thể tái dựng sự vận động của nó: không thể diễn dịch
sát theo từng chữ một. Vả lại, không gì khó khăn hơn là hiểu một tác phẩm
mang tính biểu tượng. Biểu tượng luôn luôn vượt khỏi tầm người tạo nó và
trên thực tế, nó khiến tác giả bày tỏ được nhiều điều hơn là những
gì tác giả thể hiện một cách có ý thức. Về mặt này, cách chắc
chắn nhất để "cầm cương" nó là đừng kích động nó, cứ bắt
đầu viết tác phẩm với thái độ không định kiến và đừng cố tìm những
dòng chảy ẩn của nó. Trong trường hợp Kafka, quả là nên tuân theo quy tắc
của ông, nghĩa là xem xét một vở kịch qua những gì thấy từ màn
diễn và xét tác phẩm tiểu thuyết qua hình thức của nó.
Một độc giả bình thường, thoạt đọc sẽ cảm thấy
những tác phẩm của Kafka là những cuộc phiêu lưu đọc phát mệt người,
đưa theo nó những rung chấn và các nhân vật cứ nhất định theo đuổi
những vấn đề mà họ không bao giờ bày tỏ cho rõ ràng ra được. Nhưng
trong tiểu thuyết Vụ án 3 ,
Joseph K. bị buộc tội. Nhưng ông ta không biết bị buộc tội gì. Chắc
chắn ông ta rất muốn bào chữa cho mình, nhưng lại không biết vì sao
phải làm như vậy. Các luật sư thấy trường hợp này quả khó nhằn. Mà
trong thời gian đó, ông vẫn không hề xao lãng chuyện ăn uống, yêu đương,
hay thậm chí là thói quen đọc báo. Rồi ông bị kết án. Nhưng phòng
xử án rất tối tăm. Ông không hiểu cho lắm, Ông chỉ láng máng cho rằng
mình đã bị kết án, nhưng về tội gì thì ông không chắc. Đôi lúc mối
thắc mắc ấy dấy lên, và ông vẫn tiếp tục sống. Rồi một thời gian
sau, hai quý ông lịch sự ăn mặc bảnh bao đến gặp và mời ông theo họ.
Một cách rất tao nhã, họ đưa ông ra một khu ngoại ô bần cùng, áp đầu
ông lên một tảng đá, và rạch đứt cổ họng ông. Trước khi chết, con
người bị kết án đó chỉ nói: "Thật như một con chó".
Có thể thấy rằng rất khó để diễn đạt một biểu
tượng trong câu chuyện mà đặc trưng rõ ràng nhất của nó tình cờ lại
chính là vẻ tự nhiên. Nhưng rất khó hiểu thế nào là "có vẻ tự
nhiên". Có nhiều tác phẩm mô tả sự kiện mà người đọc cảm thấy
tự nhiên. Nhưng cũng có những tác phẩm (tất nhiên là hiếm hơn), trong
đó nhân vật cho rằng những chuyện xảy đến với mình là tự nhiên. Bởi
theo một nghịch lý kỳ lạ nhưng hiển nhiên, cuộc phiêu lưu của nhân vật
chính càng phi thường thì tính tự nhiên của câu chuyện càng nổi rõ:
nó tỉ lệ với sự tách biệt người đọc cảm thấy được giữa cuộc đời
lạ kỳ của nhân vật và sự chấp nhận đơn giản của anh ta trước nó.
Có lẽ sự tự nhiên trong tác phẩm Kafka thuộc kiểu này. Người đọc
biết chính xác Vụ Án nói về nội dung gì. Một hình tượng về số
phận con người. Chắc chắn như vậy. Nhưng điều đó chỉ khiến tác phẩm
vừa đơn giản vừa phức tạp hơn. Ý tôi là, ý nghĩa của tác phẩm có
tính cụ thể riêng tư hơn đối với Kafka. Vì nói cách nào đó, lời thú
nhận cất lên từ chính ông, dù hướng đến tôi mà nói. Ông sống và ông
bị kết án. Ông đã dần biết được điều này ngay từ những trang đầu
tiên của cuốn tiểu thuyết, thứ ông chọn theo đuổi trên thế gian, và
cho dù phải cố chống chọi với điều này, thì ông vẫn làm như vậy mà
không hề ngạc nhiên. Ông sẽ không bao giờ tỏ ra ngạc nhiên một cách
đích đáng trước thái độ không ngạc nhiên đó. Nhờ những mâu thuẫn như
vậy mà ta nhận ra được những dấu hiệu đầu tiên của một tác phẩm phi
lý. Tâm trí phóng chiếu vào bối cảnh cụ thể bi kịch tinh thần của
nó. Và nó chỉ có thể làm như vậy thông qua phương cách của một
nghịch lý bất diệt, trao cho các màu sắc quyền thể hiện cái hư không
và trao cho những hành vi hàng ngày sức mạnh chuyển tải những tham
vọng vĩnh cửu.
Tương tự, tiểu thuyết Lâu đài 4 có
lẽ là nghiên cứu thần học thể hiện qua hành động, nhưng trước hết,
đó là cuộc phiêu lưu của một linh hồn để tìm kiếm hồng ân dành cho
nó, cuộc phiêu lưu của một người tìm hỏi điều bí mật vương giả của
những khách thể trên thế giới này và hỏi các phụ nữ dấu hiệu của
vị thần ngủ yên trong họ. Rồi Hóa thân 5 rõ
ràng miêu tả hình tượng kinh khủng của một nguyên tắc xử thế cực kỳ
rõ ràng minh mẫn. Nhưng đó cũng là kết quả của nỗi kinh ngạc khôn
xiết mà nhân vật chính cảm thấy khi ý thức được về con quái vật
mình đang dễ dàng chuyển hóa thành. Trạng thái mơ hồ cốt lõi đó ẩn
chứa một bí mật của Kafka. Những dao động liên tục giữa sự tự nhiên
và khác thường, giữa cá nhân và toàn vũ trụ, giữa bi kịch và những
chuyện thường ngày, giữa phi lý và hợp logic, tất cả đều được tìm
thấy trong suốt tác phẩm này, đem lại cho nó ý nghĩa lẫn sức cộng
hưởng. Cần phải kê đếm ra những nghịch lý này, cần tô đậm những mâu
thuẫn để thấu hiểu được tác phẩm phi lý.
Một biểu tượng thật ra đứng ở hai bình diện, hai thế
giới của các ý kiến và thụ cảm, và một pho những hồi đáp qua lại
giữa hai bên. Cái đấy mới là phần khó viết nhất. Nhưng ý thức rõ
được về hai thế giới được đặt đối diện lẫn nhau cũng đồng nghĩa
với việc nắm được dấu tích về những mối quan hệ bí mật giữa chúng.
Trong tác phẩm Kafka, một mặt hai thế giới này nằm trong đời sống
hàng ngày, một mặt nằm trong nỗi lo lắng siêu nhiên 6 .
Dường như ở đây ta đang được chứng kiến quá trình khai triển dài dòng
một nhận định của Nietzsche rằng: "Biến cố lớn lao hãy còn trên
đường khai diễn".
Trong thân phận con người (và đây cũng là điểm tương đồng
của mọi loại hình văn chương), có điều phi lý cơ bản cũng như sự cao
quý không gì lay chuyển được. Hai điều ấy trùng khớp với nhau, như
một điều tự nhiên. Xin nhắc lại, cả hai đều được thể hiện trong sự
phân ly ngớ ngẩn chia tách sự vượt quá giới hạn về mặt tinh thần và
niềm vui phù du của thể xác. Điều phi lý là ở chỗ linh hồn vượt cao
hơn quá mức tấm thân chứa đựng nó. Bất kỳ ai muốn mô tả sự phi lý
này đều phải làm nó sống lại trong một loạt những tương phản tương
đương nhau. Vì vậy Kafka diễn tả bi kịch qua những gì xảy ra hàng
ngày và diễn tả sự phi lý qua những điều hợp logic.
Người diễn viên càng dồn nhiều tâm lực thể hiện vào
nhân vật bi kịch thì càng cẩn thận cố tránh cường điệu nó. Nếu anh
ta biết chừng mực, hiệu quả lay động của vai diễn sẽ vô chừng mực.
Về mặt này, bi kịch Hy Lạp là bài học lớn. Trong đó số phận luôn
tự khiến nó trở nên đẹp đẽ hơn dưới lớp vỏ logic hay sự tự nhiên.
Số phận Odiepus đã được định từ trước. Một cách hết sức siêu nhiên,
chàng được định là sẽ giết cha và loạn luân với mẹ. Toàn bộ vở
kịch là để thể hiện chuỗi logic mà, từ suy diễn này tới suy diễn
khác, sẽ đội vòng hoa cho sự bất hạnh của người anh hùng. Nếu vở
kịch chỉ đơn thuần phản ánh trước mắt ta số phận khác thường của
chàng thì chẳng có gì là rúng động, bởi lẽ đơn giản là số phận
đó không có thực. Nhưng nếu sự tất yếu của bi kịch đó được trình
bày trong bối cảnh cuộc sống hàng này của cá nhân, xã hội, quốc
gia, và những cảm xúc quen thuộc, thì nỗi kinh sợ được tôn cao. Trong
sự phản kháng khiến người ta rúng động mà thốt lên: "Chuyện đó
thật không thể nào", thì trong lòng người nói câu ấy cũng đã
manh nha hình thành một chấm niềm tin chắc chắn mà tuyệt vọng rằng
"chuyện đó" quả có khả năng xảy ra thật.
Đây là toàn bộ bí mật của bi kịch Hy Lạp, hoặc ít nhất là bí
mật của một trong những khía cạnh của thể loại này. Vì hãy còn một
khía cạnh khác cũng giúp ta hiểu tác phẩm của Kafka, tuy theo một
cách khác hẳn. Trái tim con người có một xu hướng rất phiền là luôn
gắn nhãn "số phận" cho những gì nghiền nát nó. Nhưng niềm
hạnh phúc cũng bị gán là do số phận, dù không vì lý do gì, bởi
không thể khác được. Còn con người hiện đại lại cho rằng bất hạnh hay
hạnh phúc là ở mình, tất nhiên là khi nhận ra được những cơn cớ ấy.
Ta cũng thấy được nhiều điều từ những số phận được ưu ái trong bi
kịch Hy Lạp hay trong truyền thuyết; ví như Odysseus 7 ,
họ đã được cứu khỏi chính mình khi đang trầm luân giữa cuộc phiêu lưu
tồi tệ nhất. Trở về Ithaca quả chẳng dễ dàng gì.
Điều cần nhớ trong mọi trường hợp là sự thông đồng
bí mật, kết nối logic và bối cảnh hàng ngày vào bi kịch. Chính vì
vậy mà Samsa, nhân vật chính trong Hóa thân, được thiết kế là
người bán hàng rong. Cũng chính vì vậy mà điều duy nhất khiến ông
phiền lòng khi đột nhiên thấy mình bị biến thành con bọ lại là: ông
lo chủ tức giận vì ông không thể đi làm trong lốt sâu bọ. Những cẳng
chân và xúc tu mọc ra từ người ông, xương sống uốn cong lại, những
chấm trắng hiện ra trên bụng và - tôi không nên nói rằng chuyện như
vậy không khiến ông ngạc nhiên bởi sẽ làm hỏng hiệu ứng tác phẩm -
nhưng những chuyện ấy chỉ khiến ông "hơi thấy phiền lòng".
Toàn bộ nghệ thuật của Kafka nằm trong nét độc đáo đó. Trong tác
phẩm chính của mình, Lâu Đài, những chi tiết trong cuộc sống
hàng ngày nổi bật rành rành, nhưng trong tiểu thuyết lạ lùng không
có kết luận và mọi chuyện lại bắt đầu lần nữa, thì điều cốt yếu
được thể hiện lại là chuyến tìm kiếm ân huệ của một linh hồn. Ta
cũng có thể thấy sự truyền đạt vấn đề qua hành động, sự trùng
khớp giữa cái phổ quát và cái cụ thể qua những thủ pháp nhỏ mà
mọi nhà sáng tạo vĩ đại đều vận dụng. Trong tác phẩm Vụ án,
nhân vật chính cũng có thể tên Schmidt hay Franz Kafka. Nhưng ông ta được
đặt là Joseph K. Ông không phải Kafka nhưng ông cũng chính là Kafka. Ông
là một người Châu Âu bình thường. Ông giống như bất kỳ ai khác. Nhưng
ông cũng đồng thời là một thực thể tồn tại tên K., ẩn số x trong
phương trình xác thân cụ thể này.
Tương tự, nếu Kafka muốn thể hiện sự phi lý, ông sẽ vận
dụng đến sự nhất quán. Ta đã biết câu chuyện về kẻ điên câu cá ngay
trong bồn tắm. Một bác sĩ cho rằng ông bị bệnh tâm thần, bèn hỏi
"cá có cắn câu không", kẻ này bèn gắt: "Tất nhiên là
không, đồ ngốc, đây là cái bồn tắm mà". Câu chuyện này có phần
khoa trương kiểu phong cách baroque. Nhưng nó nắm bắt khá rõ ảnh hưởng
phi lý được nối kết với sự "vượt rào" logic đến mức độ
nào. Thế giới của Kafka trên thực tế cũng là một cõi mơ hồ khôn tả,
nơi người ta cho phép tự dằn vặt mình một cách xa xỉ là câu cá ngay
trong bồn tắm, dù biết rằng sẽ chẳng được gì.
Bởi vậy, tôi nhận ra đây là một tác phẩm phi lý từ
các nguyên tắc xây dựng nó. Cũng như trong tác phẩm Vụ Án, tôi
phải nói rằng đó là một thành công hoàn toàn. Cái đời thường đã
thắng. Tác phẩm ấy không thiếu gì, cả sự phản kháng không được biểu
lộ ra (nhưng chính nó là điều đang được viết về), lẫn sự
sáng suốt và nỗi tuyệt vọng câm lặng (nhưng chính nó là
điều đang được tạo ra), và sự tự do hành xử đáng kinh ngạc mà các
nhân vật trong tác phẩm là minh họa cụ thể cho đến tận khi chết.
° ° °
Nhưng thế giới này đâu có khép kín như vẻ ngoài.
Kafka định đưa hy vọng vào cõi vũ trụ thiếu vắng sự tiến triển này
dưới một hình thức khác lạ. Xét về mặt này, Vụ Án và Lâu
Đài không theo cùng một hướng. Chúng bổ sung cho nhau. Tiến triển
khó lòng nhận thấy từ tác phẩm này đến tác phẩm kia tượng trưng cho
cuộc chinh phục vĩ đại trong sự lảng tránh thoái thác. Vụ Án nêu
lên vấn đề, Lâu Đài giải quyết đó, trong một chừng mực nào
đó. Tác phẩm đầu mô tả vấn đề theo phương pháp có vẻ khá khoa học
và không đưa ra kết luận. Còn tác phẩm hai lý giải nó, trong chừng
mực nhất định. Vụ Án chẩn bệnh, Lâu Đài hình dung
cách chữa trị. Nhưng phương thuốc đưa ra không chữa lành. Nó chỉ mang
chứng bệnh quay về cuộc sống bình thường. Nó giúp người ta chấp
nhận nó. Theo một nghĩa nào đó (làm ta liên tưởng đến Kierkegaard),
nó khiến người ta đâm ra mến chuộng nó. Viên đạc điền K. không thể
màng đến mối bận tâm nào khác ngoài điều đang khiến ông lo nghĩ.
Những con người rất người quanh ông dần quen với sự trống rỗng và
nỗi đau không lời đó, như thể trong hoàn cảnh này, chịu đựng là một
kiểu đặc quyền. Frieda nói với K: "Em cần anh biết bao. Em thấy
trống vắng biết nhường nào từ khi biết anh mà anh không ở cạnh
em". Cái phương thuốc tinh vi khiến ta yêu mến chính điều dằn vặt
mình và làm cho hy vọng bung vọt trong thế gian không có vấn đề gì
để mà tranh cãi, "cú nhảy" đột ngột qua đó mọi thứ đổi
thay, là bí mật của cuộc cách mạng hiện sinh và của tác phẩm Lâu
Đài.
Rất hiếm tác phẩm có kết cấu phát triển khắt khe
hơn Lâu Đài. K. là tên của viên đạc điền của Lâu Đài, ông đến
làng để làm việc. Nhưng ngôi làng ấy và Lâu Đài không có phương tiện
nào để liên lạc (nên không xác nhận được thân phận của ông). Trong
suốt mấy trăm trang dài K. vẫn kiên định tìm cách, cố gắng đạt mọi
bước tiến có thể, vận dụng mọi mưu mẹo và mánh khóe, không bao giờ
nổi cáu, và luôn giữ thiện chí không lay chuyển là cố hoàn thành
nhiệm vụ mình được giao phó. Cứ mỗi chương ông lại gặp chuyện buồn
bực mới. Và mỗi chương cũng là sự khởi đầu mới. Phương pháp đó
không logic, nhưng nhất quán. Chính mức độ khăng khăng đó của nhân vật
đã cấu thành tính bi kịch của tác phẩm. Khi K. gọi điện cho Lâu Đài,
ông chỉ nghe những giọng người líu nhíu lẫn vào nhau, những tiếng
cười và những câu mời chào văng vẳng. Như thế là đã đủ để ông nuôi
hy vọng, cũng như đôi ba dấu hiệu xuất hiện trên bầu trời hè hoặc
những đêm Vọng là đã đủ lý do để ta trông vào mà sống. Ở đây ta
thấy được bí mật của sự lập dị u sầu đối với Kafka. Thật ra ta
cũng thấy được điều tương tự trong tác phẩm của Proust hay bối cảnh
của Plotinus 8 nỗi
hoài vọng về thiên đường đã mất. "Tôi trở nên thật buồn", Olga
nói, "Khi sáng ngày ra Barnabas nói với tôi rằng ông sẽ đến Lâu đài:
chuyến đi có thể là vô ích, ngày hôm đó có thể bị lãng phí, hy vọng đó có
thể chẳng được gì".
"Có thể" - Từ này ngụ ý Kafka đem toàn bộ tác
phẩm của mình ra đặt cược. Nhưng không được gì, ở đây cuộc kiếm tìm
sự bất diệt quá tỉ mỉ chi tiết. Và những nhân vật tự động được
truyền cảm hứng đó của Kafka cho ta hình dung chính xác mình sẽ như
thế nào nếu bị tước đi mọi trò khiến tâm trí xao nhãng 9 ,
và gửi gắm bản thân vào những thể thức hạ mình trước đấng thiêng
liêng.
Trong Lâu đài, sự hàng phục trước những sự việc
hàng ngày đó trở thành một nếp đạo đức. Hy vọng to lớn mà K. ôm ấp
là Lâu Đài chấp nhận ông. Vì không thể tự mình đạt được điều ấy,
hòng xứng với đặc ân ấy, ông dốc hết tâm sức để trở thành một cư dân
trong làng, để xóa đi cái cảm giác "người ngoài" mà ông cảm
thấy khi tiếp xúc với người làng. Ông muốn một cái nghề, một ngôi
nhà, một cuộc sống của người đàn ông bình thường khỏe mạnh. Ông hết
chịu nổi sự điên cuồng của mình. Ông muốn trở nên hợp lý. Ông muốn
rũ bỏ lời nguyền chỉ giáng lên mình, ông biến ông thành kẻ lạ giữa
ngôi làng. Xét trong mục đích này, nhân vật Frieda có vai trò quan
trọng. Ông định cưới người phụ nữ này là do trước đây cô có biết
một vị chức việc trong Lâu Đài. Ông có được từ cô thứ gì đó vượt
quá con người mình trong khi vẫn ý thức được điều gì đã khiến cô
mãi mãi không còn được Lâu Đài cần đến nữa. Tới đây ta liên tưởng
đến tình yêu kỳ lạ của Kierkegaard dành cho Regina Olsen. Đối với một
số người, ngọn lửa bất diệt thiêu đốt họ cháy mạnh đến nỗi có thể
đốt thành tro cả trái tim của người thân cận họ nhất. Sai lầm chết
người chính là ở chỗ trao cho Chúa thứ không dành cho Chúa, đó cũng
là chủ đề trong phần này của Lâu Đài. Nhưng đối với Kafka, xem ra
đó không phải là sai lầm. Đó là một nguyên tắc, một "cú
nhảy". Không có gì là không thuộc về Chúa.
Một sự kiện còn ý nghĩa hơn là viên đạc điền bỏ
Frieda để đến với chị em nhà Barnabas. Vì gia đình Barnabas là gia đình
duy nhất trong làng bị cả Lâu Đài lẫn dân làng ngoảnh mặt. Cô chị
Amalia đã từ chối những lời gạ gẫm đáng hổ thẹn của một tay chức
việc trong Lâu Đài. Lời nguyền phóng đãng do chuyện đó đã vĩnh viễn
gạt cô khỏi tình yêu của Chúa. Không thể đánh mất danh dự của mình
vì Chúa cũng có nghĩa rằng không còn xứng đáng với hồng ân của
ngài. Có thể thấy ở đây chủ đề quen thuộc với triết học hiện sinh:
sự thật trái ngược với đạo đức. Tới đoạn này mọi yếu tố đã diễn
tiến khá xa. Bởi con đường mà nhân vật chính của Kafka lựa chọn, là
rời bỏ Frieda và chọn chị em Barnabas, là con đường thực sự dẫn từ
tình yêu đầy tin cậy đến sự tôn sùng phi lý. Ở đây tư duy của Kafka
song hành với Kierkegaard. Không có gì đáng ngạc nhiên khi "câu
chuyện nhà Barnabas" được đặt tận cuối cuốn tiểu thuyết. Nỗ lực
cuối cùng của viên đạc điền là đoạt lại Chúa thông qua hành động
phủ định ngài, để nhận ra ngài, không phải theo những chuẩn mực về
sự tử tế và cái đẹp của người đời, mà ngay đằng sau những trống
rỗng và ghê tởm của sự dửng dưng, sự bất công lẫn lòng căm ghét của
ông ta. Con người xa lạ xin Lâu Đài thâu nhận ông ta, đến đoạn cuối
sách trở thành không hơn gì một kẻ bị lưu đày, bởi đến thời điểm
đó ông đã không còn trung thành với chính mình, với thứ đạo đức bị
ruồng bỏ, logic, và những chân lý lý trí, để cố dấn thân vào sa mạc
của những ân huệ thiêng liêng, với thứ duy nhất được cấp cho là niềm
hy vọng điên rồ của ông ta 10 .
° ° °
Từ "hy vọng" được sử dụng ở đây không có gì đáng
cười. Ngược lại, những thân phận dưới ngòi bút Kafka càng bi thảm
thì hy vọng càng chắc chắn và mạnh mẽ. Sự phi lý Sự phi lý
trong Phiên tòa càng chân thật thì "bước nhảy" ngập
cảm xúc trong Lâu đài càng cảm động và xa logic. Một lần
nữa, ta lại thấy nghịch lý của tư duy hiện sinh được biểu hiện ra
rất tinh thuần. Ví dụ, Kierkegaard nói rằng: "Mọi hy vọng trần
tục phải bị bóp chết; chi khi đó con người mới được cứu rỗi bởi hy
vọng đích thực" 11 ,
câu này có thể diễn dịch thành: "Nhà văn phải viết xong Vụ
Án thì mới cáng đáng nổi Lâu Đài".
° ° °
Hầu hết những người từng bàn về Kafka đều định
nghĩa tác phẩm của ông như tiếng thét tuyệt vọng của con người không
còn nơi dựa cậy. Nhưng ý này cần xét lại. Trong tác phẩm của ông có
hy vọng và hy vọng. Đối với tôi, tác phẩm lạc quan của Henry
Bordeaux 12 mới
đặc biệt gây ngã lòng. Vì nó chẳng có gì để giúp người ta phân
biệt cả. Còn tư duy của Malraux 13 lúc
nào cũng làm người ta mạnh mẽ lên. Nhưng niềm hy vọng và nỗi tuyệt
vọng trong tác phẩm cả hai vị này không giống như trong tác phẩm
Kafka. Tôi chỉ thấy rằng bản thân tác phẩm phi lý có thể dẫn đến sự
phản bội (với tín niệm của mình) mà tôi muốn tránh. Tác phẩm từng
là sự phỏng lặp không hoàn hảo của một thân phận vô ích và vinh
quang sáng suốt của sự phù du, giờ trở thành một mớ ảo tưởng. Nó
lý giải, nó dựng dáng hình cho hy vọng. Người sáng tạo không còn
tách rời bản thân mình khỏi hy vọng. Nó không còn là trò chơi bi
kịch như từng là. Nó cho cuộc đời nhà văn một ý nghĩa.
Thật kỳ lạ là các tác phẩm bắt nguồn từ những cảm
hứng gần gũi nhau, như tác phẩm của Kafka, Kierkegaard hay Chestov -
nghĩa là các tiểu thuyết gia và triết gia hiện sinh hoàn toàn hướng
về Sự Phi Lý và các hậu quả của nó - xét về lâu về dài lại đưa
tới thét vang của niềm hy vọng.
Họ ôm lấy vị Chúa khiến họ héo hon. Hy vọng chỉ đến
qua sự hạ mình. Bởi sự phi lý của tồn tại này đảm bảo họ có thêm
chút thực tại siêu nhiên. Nếu con đường đời quả dẫn đến nơi Thiên
Chúa, thì nói cho cùng, nó cũng có một kết quả. Và sự khăng khăng,
nhất quán mà các nhân vật của Kierkegaard, Chestov và Kafka lặp đi lặp
lại trong chuyến hành trình của mình là sự đảm bảo đặc biệt cho
thấy có một sức mạnh nâng đỡ cho nó 14 .
Kafka khước từ sự đạo đức cao quý, những bằng chứng,
đức hạnh, tính chặt chẽ của đức chúa trong ông, nhưng chỉ để ngả
vào vòng tay người sâu thêm. Sự phi lý được nhận ra, được thừa nhận,
và rồi con người cam chịu nó, nhưng chính từ lúc ấy ta biết rằng đó
không còn là sự phi lý nữa. Giữa những giới hạn của thân phận con
người, còn có hy vọng nào lớn lao hơn hy vọng được thoát khỏi cái
thân phận đó? Khi tôi nhìn lại lần nữa, tư tưởng hiện sinh xét về
mặt này (trái với ý kiến đương thời) thấm đẫm niềm hy vọng vô cùng.
Chính niềm hy vọng trong buổi bình minh Thiên Chúa khi tin mừng lan
truyền làm sáng bừng thế gian thuở xa xưa. Nhưng trong bước nhảy tiêu
biểu cho mọi tư duy phi lý, trong sự khẳng định đó, trong sự xem xét
một đấng thiêng liêng vô diện đó, làm sao có thể không nhận ra dấu ấn
của một tia sáng suốt đã bác bỏ chính nó? Quá trình này chỉ được
diễn tả rằng đây là niềm kiêu hãnh từ bỏ chính nó để tự cứu nó.
Sự bác bỏ như vậy có thể thành công. Nhưng ở đây thì không. Giá trị
đạo đức của sự sáng suốt không hề giảm sút trong mắt tôi ngay cả khi
nó tự cho rằng mình vô ích như mọi niềm kiêu hãnh khác. Bởi sự
thật, theo định nghĩa tột cùng của nó, thì cũng vô ích mà thôi. Mọi
lập luận đều như thế. Trong thế giới mà mọi điều cứ thế được đưa ra
mà không gì được lý giải, thì sự sự phong phú của một giá trị hay
một siêu hình chỉ là một khái niệm thiếu vắng ý nghĩa.
Trong trường hợp nào đi nữa, ta cũng thấy được nếp tư
duy trong các tác phẩm của Kafka. Rõ ràng tiến trình dẫn từ Vụ
Án đến Lâu đài là không thể tránh khỏi. Joseph K. và
viên đạc điền K đơn giản là hai thái cực hút lấy Kafka 15 .
Nói như kiểu của tác giả, thì tác phẩm của ông có lẽ không phi lý.
Nhưng điều ấy không ngăn ta nhận ra sự cao quý và tính phổ quát của
chúng. Vì rõ ràng ông đã thể hiện ra được vô cùng đầy đủ chuyến đi
hàng ngày từ hy vọng đến đau khổ, và từ sự thông tuệ tuyệt vọng
đến sự mù quáng có chủ tâm. Tác phẩm của ông có tính phổ quát
(một tác phẩm phi lý thực sự thì không phổ quát), ở chừng mức là
nó thể hiện gương mặt đầy biểu cảm đến rúng động của con người
chạy trốn nhân gian; con người rút ra từ những mâu thuẫn của anh ta
những lý do để tin tưởng, những lý do để hy vọng từ vô số nỗi thất
vọng, và coi cuộc đời là đợt thực tập khủng khiếp cho cái chết.
Tác phẩm có tính phổ quát bởi nguồn cảm hứng có màu sắc tôi giáo.
Trong mọi tôn giáo, con người được giải thoát khỏi gánh đời. Nhưng cho
dù tôi biết thế, thậm chí tôi ca tụng tác phẩm, thì tôi vẫn biết
rằng mình không tìm kiếm điều phổ quát, mà tìm kiếm sự thật. Hai
điều ấy không phải là một.
Quan điểm trên hẳn sẽ dễ hiểu hơn nếu tôi nói rằng tư
tưởng vô hy vọng thật tình cờ lại được định nghĩa nhờ nhưng tiêu
chuẩn đối lập với nó, và tác phẩm bi kịch có thể là tác phẩm mô
tả cuộc đời của con người hạnh phúc, sau khi mọi hy vọng vào tương
lai đều bị lưu đày. Cuộc đời càng nồng nhiệt, thì ý nghĩ đánh mất
nó lại càng phi lý. Có lẽ đây chính là bí mật của vẻ khô cằn kiêu
hãnh ta cảm thấy được trong tác phẩm của Nietzsche. Dường như Nietzsche
là nghệ sĩ duy nhất rút trích được những hậu quả cực đoan của mỹ
học về Sự phi lý tự thông điệp cuối cùng của ông gửi gắm trong sự
sáng suốt đã nắm quyền chế ngự và vô ích lẫn sự phủ định khăng khăng
trước mọi sự xoa dịu từ mọi thế lực siêu nhiên.
Những phần nêu trên cũng đã đủ nêu bật những ý nghĩa
quan trọng cốt lõi trong tác phẩm Kafka, xét trong khuôn khổ bài luận
này. Tác phẩm đặt ra vấn đề về những giới hạn của tư duy con người.
Phải nói rằng mọi điều trong tác phẩm đó đều thiết yếu, xét theo
nghĩa toàn diện nhất của từ này. Trong mọi cảnh ngộ đặt ra, tác
phẩm đều gợi lên vấn đề phi lý. Nếu có quý vị nào định so sánh
những kết luận ở đây với những nhận định ban đầu của tôi; giữa nội
dung và hình thức; giữa ý nghĩa bí mật của Lâu Đài với
nghệ thuật rất tự nhiên đã khuôn đúc nên tác phẩm ấy; giữa sự nồng
nhiệt và cuộc kiếm tìm đầy kiêu hãnh của K. với bối cảnh đời thường
mỗi ngày, thì hẳn có thể nhận ra được đâu là yếu tố vĩ đại nhất
trong tác phẩm này. Vì nếu nỗi hoài vọng là dấu vết đóng hằn lên
nhân loại, thì có lẽ chưa từng có ai diễn tả được những bóng ma
nuối tiếc đó một cách cụ thể và đồ sộ như vậy. Nhưng đồng thời có
lẽ ta cũng nhận ra rằng sự cao quý đặc biệt chỉ có ở tác phẩm phi
lý vắng mặt ở đây. Nếu bản chất của nghệ thuật là gắn kết cái
chung với cái cá biệt, giữa sự bất diệt phù du của một giọt nước
với diễn xuất của những ánh sáng muôn màu chiếu vào nó, thì càng phải lẽ
khi đánh giá sự vĩ đại của một nhà văn phi lý qua khoảng cách ông
chỉ ra được giữa hai thế giới đó. Bí mật của người viết đó nằm ở
khả năng tìm đúng giao điểm hai thế giới ấy gặp nhau, khi sự bất cân
xứng của chúng đạt đỉnh điểm.
Và phải nói thật rằng, nếu có một trái tim thuần
khiết, ta có thể thấy cái quỹ tích hình học của nhân loại và phi
nhân ở khắp mọi nơi. Faust và Don Quixote là những sáng tạo kiệt xuất
của nghệ thuật, bởi hai nhân vật ấy chỉ cho chúng ta thấy những nét
thanh cao vô lượng bằng chính bàn tay trần thế của họ. Nhưng luôn sẽ
đến cái khoảnh khắc khi mà tâm trí phủ định những chân lý mà những
bàn tay ấy chạm được đến. Khoảnh khắc ấy là khi nhân vật không còn
được tiếp cận theo hướng bi kịch, mà được xử lý nghiêm túc. Khi đó
con người bắt đầu đặt nặng hy vọng. Nhưng đó đâu phải việc của anh
ta. Việc của anh ta là phải tránh xa những thủ đoạn lảng tránh vấn
đề. Nhưng tôi lại thấy đúng thủ đoạn này trong kết luận của những vụ
kiện của Kafka chống lại toàn thể thế gian. Lời tuyên án không sao tin
nổi của ông chính là: trong thế giới ghê tởm và khổ não này, cả
đến nốt ruồi cũng cả gan hy vọng 16.
Chú thích:
1. |
Homer: Nhà thơ, nghệ sĩ thời cổ Hy Lạp, được công nhận là tác giả của tác phẩm Iliad và Odyssey. |
2. |
Còn gọi là Vườn Cây Dầu, nơi Chúa Jesus và các tông đồ thường đến, họ cũng ở đây cầu nguyện vào đêm trước khi ngài bị bắt đi đóng đinh câu rút. |
3. |
Nguyên tác bằng tiếng Đức. Tựa tiếng Anh: The Trial. - BTV |
4. |
Nguyên tác tiếng Đức, tựa tiếng Anh: The Castle - BTV |
5. |
Nguyên tác tiếng Đức, tựa tiếng Anh: Metamorphosis - BTV |
6. |
Đáng chú ý là các tác phẩm của Kafka cũng hoàn toàn có thể diễn giải theo chủ nghĩa phê bình xã hội (ví như tác phẩm Vụ Án) Không cần thiết phải lựa chọn, bởi cả hai cách hiểu đều thỏa đáng. Nói theo thuật ngữ phi lý, sự phản kháng chống lại con người cũng đồng thời dẫn đến chống lại Thượng đế: Những cuộc cách mạng vĩ đại đều siêu hình. - Gốc |
7. |
Theo sử thi Odyssey của Hy lạp, người anh Hùng Odysseus trở về quê hương Ithaca sau cuộc chiến thành Troy, do nhiều sự kiện xảy ra, cuộc hành trình kéo dài hơn 10 năm. Cuối cùng chàng cũng đến nơi với sự giúp đỡ của chư thần. - BTV |
8. |
Plotinus: triết gia lớn thời Hy Lạp cổ đại. - BTV |
9. |
Trong tác phẩm Lâu Đài, dường như từ "những trò xao nhãng" hiểu theo trường phái Pascal tượng trưng cho những tay phụ tá giúp K. "xao nhãng" khỏi nỗi lo âu của mình. Cuối cùng Frieda kết hôn với một trong những kẻ ấy là vì cô ưa cái bối cảnh sân khấu cuộc đời đã dọn sẵn hơn là sự thật, ưa cuộc sống đời thường hơn là cùng sẻ chia nỗi đau khổ. - Gốc. |
10. |
Điều này thể hiện rất rõ trong bản thảo chưa hoàn tất của tác phẩm Lâu Đài mà Kafka để lại. Nhưng không rõ nếu ông viết ra những chương cuối thì có phá vỡ giọng điệu nhất quán của tác phẩm hay không. - Gốc |
11. |
Trái tim thuần khiết. - Gốc |
12. |
Nhà văn, luật sư người Pháp. Ông viết nhiều tác phẩm, phản ánh những giá trị truyền thống của cộng đồng Công giáo. - BTV |
13. |
André Malraux, tiểu thuyết gia, nhà lý luận người Pháp. Tác giả cuốn Thân phận con người (Nguyên tác tiếng Pháp, tựa tiếng Anh: Man’s fate) và các tác phẩm khác. - BTV |
14. |
Nhân vật duy nhất không ôm hy vọng trong Lâu Đài là Amalia. Cô là nhân vật tương phản mạnh mẽ nhất với Viên đạc điền.- Gốc |
15. |
Về hai khía cạnh của tư tưởng Kafka, tham khảo thêm trích đoạn sau ở In the Penal Colony (Trại trừng giới): "Tội lỗi (ở đây hiểu là của con người) không có gì để mà nghi hoặc", và một câu trong Lâu Đài của viên thư ký Momus: "Tội danh của Viên đạc điền K. khó thành lập". - Gốc |
16. |
Những điều tôi đề cập trên đây hoàn toàn là sự diễn dịch tác phẩm của Kafka. Nhưng cũng là phải lẽ khi nói thêm rằng bất kể diễn dịch cách nào, không gì ngăn nó được xem xét từ góc độ mỹ học thuần túy. Ví như trong lời bạt xuất sắc của B. Groethuysen cho tác phẩm Vụ Án, ông đã khôn ngoan chỉ bình luận về những tưởng tượng đau đớn của "kẻ mơ mộng", một cách gọi vô cùng ấn tượng. Vận mệnh, và có lẽ sự vĩ đại của tác phẩm là ở chỗ nó đưa ra mọi điều nhưng không khẳng định điều gì. - Gốc |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét