Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Thần thoại Sisyphus 1

Thần thoại Sisyphus 1

Lời giới thiệu

Trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphus bị các vị thần trừng phạt phải suốt đời phải đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi; khi lên tới đỉnh, anh phải đứng nhìn khối đá lăn xuống chân núi, và Sisyphus phải trở xuống đẩy hòn đá lên đỉnh, cứ như vậy. Với Albert Camus, nhà văn đoạt giải Nobel năm 1957, cuộc đời của Sisyphus đại diện cho bi kịch cuộc sống của đa số chúng ta: là con người có ý thức, về cơ bản đều muốn sống một cuộc đời tử tế (cao cả nếu có thể nhưng cuối cùng thường bị "trừng phạt" bằng một cuộc đời với những lặp lại vô nghĩa. Càng là anh hùng, càng muốn vươn tới sự cao cả, tử tế, cái bi kịch này dường như càng rõ và càng lớn. Và như thế, Albert Camus hỏi: Sống để làm gì?

Câu hỏi quan trọng và khó, thậm chí quá khó. Đứng về mô hình, thì cả hành trình sống lẫn đích của hành trình sống - cái chết - khiến toàn bộ mô hình dường như trở nên phi lý, vô nghĩa. Cho nên, với đa số chúng ta, câu hỏi "Sống để làm gì?" trở thành một câu hỏi tu từ chỉ để cười trừ. Có nghĩa hay không có nghĩa, đa số chúng ta hiểu rằng mình phải sống. Cái hiểu này trở thành một bi kịch vì cùng với cái hiểu đó, ta hiểu thêm rằng mình không đủ can đảm (hoặc không đủ hèn nhát để tự chấm dứt sự sống của mình, do đó ta chới với trong sự phi lý của tồn tại. Với một số nhỏ, câu hỏi này đưa tới câu trả lời quyết liệt bằng hành động: tự tử - một hành vi mà Camus cho là vấn đề triết học duy nhất đáng quan tâm.

Với những người không chọn hai cách trên mà muốn xem xét câu hỏi một cách nghiêm túc - họ thường đi tới hai xu hướng: hoặc tìm thấy câu trả lời ở một đấng siêu nhiên (ví dụ như Chúa hoặc đi tới sự duy lý cực đoan mà rốt ráo cũng chỉ là một thứ đức tin khác - tin rằng con người làm chủ cuộc sống của mình, và do đó câu hỏi "Sống để làm gì?" trở thành một đối tượng của trò chơi tư duy lý tính, chứ không phải một cuộc truy tìm ý nghĩa. Hỏi về ý nghĩa của cuộc sống - với một số nhà triết học - là một câu hỏi dở.

Trong Thần thoại Sisyphus, Camus cũng không có câu trả lời rốt ráo, nhưng những suy tư sâu sắc của ông trong việc tìm câu trả lời khiến cuốn sách này rất đáng đọc với bạn đọc thuộc mọi lứa tuổi, nhưng nhất là các bạn đọc trẻ. Ra đời năm 1942, Thần thoại Sisyphus cũng như các tác phẩm văn học của Camus (tiểu thuyết Người Lạ, Dịch Hạch, v.v nằm trong trào lưu triết học hiện sinh với những đại diện như Soren Kierkegaard, Jean Paul Satre, Heidegger…. Đây có thể coi là một cơn động tâm chung của châu Âu trong giai đoạn sau Chiến tranh thế giới I và trước Chiến tranh thế giới II, khi tôn giáo (Chúa ngày càng không thể thỏa mãn những câu hỏi của con người hiện đại về mục đích, ý nghĩa cuộc sống của mình; khi châu Âu phải chứng kiến sự tiêu vong đột ngột và khả năng tiếp tục tiêu vong, dấn thân, hy sinh (vô nghĩa? của hàng triệu người trong những chuyển động lịch sử mà không ai có thể cam đoan là những chuyển động có sắp đặt và có ý nghĩa. Triết học phi lý của Camus, cùng với trào lưu triết học hiện sinh, có thể được hiểu như một nỗ lực cắt nghĩa câu hỏi "Sống để làm gì?" nhằm tránh biến mình thành nạn nhân vô ý thức trong cơn lốc xoáy của lịch sử.

Tuy nhiên, khác với các tác phẩm triết học, Thần thoại Sisyphus là một cuốn tiểu luận triết của một nhà văn thông thái và thông minh; do đó nó chứa những biện luận triết lý trong cái vỏ của những khám phá trực tâm, nhạy cảm, được viết dễ hiểu và đẹp. Trong cuốn sách chỉ hơn 100 trang, Camus trình bày các luận điểm của ông về một thứ triết học mà ông gọi là triết học phi lý (Tư duy phi lý, Con người phi lý, Sáng tạo phi lý ; đồng thời xem xét sự áp dụng của triết học đó vào những ca cụ thể, ví dụ Don Juan. Nếu như ta kết luận rằng cả hành trình lẫn đích của hành trình sống - là cái chết - đều phi lý, thì có gì khác nhau nếu một người cư xử như Don Juan hay như Magnum? Don Juan điên rồ hay khôn ngoan tuyệt vời? Don Juan phù phiếm hay thông thái? Don Juan coi thường cuộc sống hay nhìn xuyên qua được tính phi lý (vô thường? của cuộc sống?

Với Camus, không nên tìm câu trả lời cho câu hỏi"Sống để làm gì?" ở mô hình tổng quan bởi vì điều đó đồng nghĩa với mặc định có sự hình thành có ý thức và có nghĩa của mô hình tổng quan - một mặc định lập tức biến câu hỏi về mục đích trở thành câu hỏi vòng tròn kiểu con gà và quả trứng. Camus xử lý câu hỏi bằng cách nhận rõ rằng mô hình chỉ là sự tồn tại - có thể hoàn toàn rời rạc - của các lát cắt ngang về thời gian mà ta cảm tưởng (ảo tưởng là liên tục. Nói cách khác, cuộc sống là phép cộng khổng lồ của các thời điểm sống. Khi xem xét như thế, trong mỗi thời điểm, ta có thể khả dĩ trả lời câu hỏi "Sống để làm gì?". Với Sisyphus, hãy xem xét thời điểm anh buông tay, đứng nhìn khối đá lăn xuống, hoàn toàn ý thức được việc mình phải đi xuống chân núi đẩy khối đá trở lại. Đấy là đỉnh cao của sự phi lý. Nhưng chính vì Sisyphus ý thức được điều đó, Sisyphus làm chủ, nên Sisyphus trở nên có nghĩa với anh, cuộc đời anh có nghĩa với anh, thuộc về anh - chứ không phải và không cần phải có nghĩa với một tổng thể vũ trụ hay một ai khác cao hơn. Công nhận sự thật - dù là sự thật về sự phi lý - chính là hành vi xóa bỏ sự phi lý.

"Con người phi lý, khi suy tư về sự đau khổ của mình, làm im tiếng tất cả thần tượng. Bản thân sự vật lộn đã đủ để lấp đầy trái tim anh ta. Ta buộc phải hình dung rằng Sisyphus hạnh phúc". - Camus viết.

Phi lý hay không phi lý, ta phải hình dung rằng sống, về cơ bản, là hạnh phúc.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc của tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng tác phẩm Thần thoại Sisyphus của nhà văn Albert Camus, qua bản dịch của dịch giả Trương thị Hoàng Yến - Phong Sa.


Phan Việt




Dành tặng Pascal Pia




Ôi tâm hồn ta, không mong muốn cuộc sống bất tử, nhưng hãy dốc cạn hết những giới hạn có thể.

Pindar Pythian




Những trang tiếp sau đây bàn về cảm thức phi lý có thể thấy được trong nhiều tác phẩm xuyên suốt thời đại này - chứ không bàn đến thứ triết học phi lý mà đến thời chúng ta, thẳng thắn mà nói thì cũng chưa ai biết đến. Vì vậy, cũng phải lẽ khi tôi xin nói luôn từ đầu rằng có những điều trong các trang viết này dựa vào quan điểm sẵn có của một số nhà tư tưởng đương đại. Tôi hoàn toàn không có ý giấu giếm sự thật này, các nhà tư tưởng nói trên sẽ được trích dẫn và bình luận xuyên suốt cuốn sách.

Nhưng cũng cần nói rõ thêm rằng sự phi lý, cho đến nay vẫn được các vị khác luận xét như là một kết luận, còn trong tiểu luận này tôi coi sự phi lý là điểm khởi đầu. Theo nghĩa đó, có thể nói rằng những điều tôi đưa ra trong cuốn sách này phần nào mang tính lâm thời: bởi đâu thể đoán định trước được luận điểm nó đưa đến. Cuốn sách này chỉ là những mô tả thuần túy về một tình trạng bất thường của trí tuệ. Nó không dính dấp tới các triết lý siêu hình hay tín ngưỡng. Có thể coi đó là những giới hạn và thiên kiến duy nhất của cuốn sách. Theo kinh nghiệm, tôi thiết nghĩ nên nói rõ như vậy ngay từ đầu.




Một lập luận phi lý

Phi lý và tự sát

Chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm túc, đó là sự tự sát. Đánh giá xem cuộc sống đáng sống hay không đáng sống cũng chính là trả lời cho câu hỏi có tính nền tảng của triết học. Tất cả những câu hỏi khác - đại loại như có phải thế giới có ba chiều hay không, hay liệu trí tuệ nên được phân thành chín hay mười hai phạm trù - đều xếp sau. Chúng là những trò chơi; muốn tham gia thì người ta cần phải trả lời câu hỏi đầu tiên trước đã. Và nếu quả đúng như tuyên bố của Nietzsche, rằng một nhà triết học phải lấy chính mình làm gương cho điều mình rao giảng thì mới xứng được tôn trọng, thì ta có thể thấy rằng câu trả lời cho câu hỏi đó thật hệ trọng, vì nó sẽ dẫn đến một hành động dứt khoát rõ ràng. Đây là những sự thật mà ta có thể cảm nhận bằng con tim; nhưng chúng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng thêm thì tâm trí của ta mới hiểu rõ được.

Nếu phải cân nhắc xem liệu vấn đề này có cấp bách hơn vấn đề khác hay không, tôi sẽ căn cứ vào những hành động hệ quả mà nó đưa tới. Chẳng hạn tôi chưa bao giờ thấy ai chết khi đưa ra luận chứng về bản thể cả. Galile thấu hiểu một chân lý khoa học vô cùng quan trọng, nhưng ông đã dễ dàng chối bỏ nó ngay khi mạng sống của mình bị đe dọa. Xét theo một nghĩa nào đó, ông đã làm đúng 1 . Chân lý ấy không đáng để ông chịu bị thiêu sống. Cho dù trái đất quay quanh mặt trời hay ngược lại thì cũng chẳng đáng quan tâm. Thành thật mà nói, đó là chuyện phù phiếm. Tôi cũng thấy nhiều người chết bởi họ cho rằng cuộc sống không đáng sống. Nghịch lý thay, tôi cũng thấy có những người bị giết vì những quan niệm hoặc ảo tưởng cho họ một lý do để sống (những gì được coi là lý do để sống cũng chính là lý do tuyệt vời để chết . Chính vì vậy tôi đi đến kết luận rằng câu hỏi cấp thiết nhất là: "ý nghĩa cuộc sống là gì?". Vậy làm thế nào để trả lời câu hỏi này? Khi xét tới các vấn đề quan trọng (ý tôi là các vấn đề có thể đẩy người ta đến cái chết hoặc làm tăng lòng ham sống , có lẽ chỉ có hai phương thức tư duy: phương pháp của La Palisse 2 và phương pháp của Don Quixote 3 . Chỉ khi cân bằng được thực chứng và niềm phấn hứng, ta mới đạt được đồng thời xúc cảm và sự sáng suốt. Có thể thấy rằng, trước một vấn đề quá tầm thường và nặng về cảm xúc, phép biện chứng học kinh điển và uyên bác phải nhường bước trước lối tư duy đơn giản hơn bắt nguồn đồng thời từ cách lập luận theo lẽ thường tình và sự thấu hiểu.

Vấn đề tự sát chưa bao giờ được xét tới, ngoại trừ với tư cách là một hiện tượng xã hội. Còn ở đây ngay từ đầu chúng ta đã quan tâm đến mối liên quan giữa suy nghĩ của cá nhân và hành động tự sát. Hành động ấy được chuẩn bị lặng thầm giữa cõi lòng, như quá trình tạo tác một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Bản thân người (tự sát cũng không hề ý thức về quá trình đó. Đơn giản là trong một buổi tối nào đó anh ta bóp cò súng hay nhảy lầu. Nhân vụ một người quản lý chung cư tự tử, người ta kể với tôi rằng năm năm trước anh ta mất đứa con gái, và kể từ đó anh đã chuyển biến ngày càng tệ hại, và rằng nỗi đau đó đã "gặm mòn" anh ta. Khó có thể tìm ra từ nào chính xác hơn. Quá trình tư duy bắt đầu đồng thời với quá trình tự hủy hoại. Xã hội bên ngoài hầu như chẳng liên quan gì với với những khởi nguồn như thế. Con sâu vốn ẩn trong trái tim con người. Đó là nơi phải tìm kiếm nó. Ta phải lần theo và thấu hiểu trò chơi chết chóc này, từ sự sáng suốt khi đang tồn tại cho đến cuộc thoát ly khỏi ánh sáng dương gian.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động tự sát; nói chung, những nguyên nhân hiển nhiên nhất lại không phải là những nguyên nhân mạnh mẽ nhất. Chúng ta hiếm khi quyết định tự sát sau một quá trình suy xét kỹ lưỡng (tuy nhiên không loại trừ giả định này . Nguồn cơn của bi kịch hầu như không bao giờ kiểm chứng được. Báo chí thường nói về "nỗi đau riêng" hoặc "tâm bệnh không thể lành". Những giải thích này nghe ra cũng hợp lý. Nhưng phải chăng một người bạn của con người tuyệt vọng đã cư xử vô tâm với anh ta vào đúng cái ngày không may đó. Người bạn ấy chính là kẻ có lỗi. Sự vô tâm đó đủ để làm bùng phát tất cả những nỗi hờn oán và chán chường chất chứa trong tâm can người quá cố.

Nhưng nếu quá khó để chỉ ra đâu là khoảnh khắc chính xác, bước chuyển mình vi tế khi tâm trí con người lựa chọn cái chết, thì ta có thể làm một việc dễ dàng hơn, đó là suy luận về các hậu quả hàm chứa trong hành vi tự sát. Theo một nghĩa nào đó, giống như trong kịch mêlô 4 , tự sát nghĩa là thừa nhận. Thừa nhận rằng cuộc sống đã làm ta thấy quá tải, hoặc ta không thể hiểu nổi nó nữa. Tuy nhiên, ta không nên đi quá xa trong những suy luận như vậy mà hãy cứ diễn đạt theo cách nói nôm na hằng ngày thì hơn. Tự sát đơn giản đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng "sống mà phải nhọc nhằn đến thế thì chẳng đáng". Sống, tất nhiên không bao giờ là dễ dàng. Vì nhiều lý do, ta cứ phải tiếp tục những hành vi mà quá trình tồn tại đòi hỏi. Trong đó lý do đầu tiên là thói quen. Tự nguyện chết hàm ý rằng ta đã nhận ra - cho dù có thể chỉ là cảm nhận theo bản năng - tính chất lố bịch của nếp sống theo thói quen đó, hay sự thiếu vắng một động lực đủ sâu sắc để tiếp tục tồn tại, tính chất điên rồ của những lo toan hằng ngày, và sự vô nghĩa của việc chịu đựng.

Vậy thì, cái cảm giác khôn lường đã tước đoạt từ trí não trạng thái thiếp ngủ vốn cần để sống tiếp là gì? Một thế giới được duy trì nhờ những lý do tệ hại dù sao vẫn là cái thế giới quen thuộc. Nhưng mặt khác, trong một vũ trụ đột nhiên bị tước hết những ảo tưởng và ánh sáng, con người cảm thấy xa lạ, một người lạ. Như con người tha hương tuyệt đường vì anh ta chẳng còn chút ký ức nào về chốn quê nhà đã mất lẫn niềm hy vọng về một miền đất hứa. Cuộc phân ly này giữa con người và cuộc đời, giữa người nghệ sĩ và màn kịch của anh ta chính xác là cảm giác về sự phi lý. Tất cả những người lành mạnh đều từng nghĩ đến việc tự sát; và dù không thể giải thích sâu thêm, chúng ta vẫn có thể thấy được rằng có mối liên kết trực tiếp giữa cảm giác đó và nỗi mong mỏi hướng tới cái chết.

Chủ đề của tiểu luận này chính là mối quan hệ giữa sự phi lý và tự sát, tiểu luận cũng bàn xem đến chừng mực chính xác nào thì tự sát là một giải pháp cho sự phi lý. Về nguyên tắc, có thể lập luận rằng đối với một người không lừa dối bản thân, thì điều anh ta tin là đúng phải quyết định hành động của anh ta. Do đó, niềm tin vào cái phi lý của kiếp tồn tại phải điều khiển hành vi của anh ta. Cũng là chính đáng khi đến đây quý vị hỏi cho rõ và không kèm vẻ thống thiết giả tạo, rằng liệu khi kết luận như vậy thì có cần loại trừ ngay không xét kiểu tình trạng mập mờ khó lý giải ở một số người hay không. Vâng, tất nhiên ở đây tôi đang bàn đến những người có xu hướng hòa hợp với bản thân họ.

Một khi đã được diễn tả rõ ràng ra, vấn đề này xem ra vừa đơn giản lại vừa khó giải quyết. Nhưng thật sai lầm nếu cho rằng câu trả lời cho những vấn đề đơn giản cũng giản đơn chẳng kém, và rằng cái hiển nhiên mang hàm ý hiển nhiên. Nếu vận dụng tiên nghiệm và lật ngược cách diễn đạt vấn đề, là chỉ xét xem người ta sẽ tự sát hay không tự sát, thì có vẻ như ta chỉ có hai giải pháp triết học, là giải pháp trả lời "có" hoặc giải pháp trả lời "không". Như vậy thì quá dễ dàng. Nhưng cũng phải tính đến những người không chịu kết luận mà cứ tiếp tục đặt câu hỏi. Nói kiểu châm biếm nhẹ nhàng một chút, thì những kẻ loại này chiếm đa số. Tôi cũng thấy rằng có những người trả lời "không" mà hành động như thể họ nghĩ là "có". Trong thực tế, nếu tôi chấp nhận tiêu chuẩn mang màu sắc nhất nguyên của Nietzsche, thì thật ra những người ấy đều nghĩ là "có" theo cách này hoặc cách kia. Mặt khác, thường những người tự sát lại có niềm tin chắc chắn về ý nghĩa cuộc sống. Những mâu thuẫn loại này vẫn luôn luôn tồn tại, thậm chí là nổi rõ hơn cả, vì ở đây suy luận logic xem ra mới là điều cầu mà khó có. Việc so sánh lý thuyết triết học và hành vi của những người tuyên xưng theo thuyết ấy chẳng phải chuyện mới mẻ gì. Nhưng phải chỉ ra rằng, trong số những nhà tư tưởng từ chối gán cho cuộc sống một ý nghĩa nào đó, chẳng có ai vì khẳng định logic của mình mà thực sự khước từ cuộc sống cả, ngoại trừ Kirilov 5 trong văn học, hay "truyền kỳ" về Peregrinos 6 , hay giả thuyết của Jules Lequier 7 , ông chấp nhận logic của mình đến mức độ có thể từ chối cuộc đời. Ý kiến của Schopenhauer 8 thường được người ta trích dẫn để mà cười, vì ông này ca ngợi việc tự sát trong khi ung dung sống đời êm ấm. Tự sát đâu phải là chủ đề để đùa cợt. Tỏ thái độ không nghiêm túc trước một vấn đề bi kịch kể ra cũng không phải tội lỗi gì quá trầm trọng, nhưng nó cũng phần nào giúp ta đánh giá một con người.

Trước bao nhiêu mâu thuẫn và mù mờ như vậy, phải chăng ta đành đi đến kết luận rằng không có mối liên hệ nào giữa quan điểm của một người về cuộc sống và hành động rời bỏ cuộc sống của người đó? Cũng không nên quá nghiêng theo hướng suy luận này. Sự gắn bó của một người với cuộc sống có cái gì đó mạnh hơn tất cả mọi thứ tệ hại trên đời. Thể xác tự nó cũng có năng lực phán đoán sáng suốt như tâm trí, và nó biết co lại tránh bị hủy diệt. Chúng ta hình thành thói quen sống trước khi đạt được thói quen suy nghĩ. Trong cuộc đua mỗi ngày mỗi đẩy nhanh chúng ta về phía cái chết, cơ thể vẫn luôn kiên định xu hướng ấy của nó. Nói một cách ngắn gọn, bản chất của mâu thuẫn đó nằm trong cái mà tôi sẽ gọi là hành động tránh né, bởi vì nó xấp xỉ khái niệm lãng hướng tâm tư của Pascal 9 . Tránh né là trò chơi bất biến. Hành động điển hình của tránh né, sự thoái thác chết người cấu thành chủ đề thứ ba của tiểu luận này, chính là hy vọng. Hy vọng về một cuộc đời khác mà người ta hẳn "xứng đáng" được sống, hoặc trò tự phỉnh mình của những kẻ không đặt lẽ sống ở bản thân cuộc sống, mà ở ý tưởng vĩ đại nào đó vượt lên trên cuộc sống, tinh lọc cuộc sống, gán cho nó một ý nghĩa, và phản bội lại nó.

Như vậy là tất cả đều góp phần khiến mọi sự càng thêm lẫn lộn.

Và cho đến nay, các nỗ lực đổ ra cũng không phải là lãng phí, người ta làm xiếc với ngôn từ và vờ tin rằng việc không gán cho cuộc sống một ý nghĩa tất yếu phải dẫn đến nhận định rằng cuộc đời này không đáng sống. Thật ra là đâu nhất thiết phải áp cùng một thước đo cho hai nhận định đó. Chỉ cần không để chính mình lầm lạc bởi những bối rối, những phân ly và sự không nhất quán như đã đề cập bên trên. Người ta phải gạt tất cả mọi thứ sang một bên và đi thẳng vào thực tế vấn đề. Người ta tự sát bởi vì cuộc sống là không đáng sống: đó chắc chắn là một chân lý, nhưng là một chân lý vô ích bởi nó vốn là sự thật hiển nhiên. Nhưng phải chăng điều đó (hành động tự sát xúc phạm đến sự tồn tại? phải chăng sự cự tuyệt dứt khoát sự sống đó bắt nguồn từ cái thực tế là cuộc sống không có ý nghĩa? Có phải sự phi lý của cuộc sống đòi hỏi người ta tìm lối thoát qua niềm hy vọng hoặc hành động tự sát - ấy chính là điều ta phải làm rõ, chúng ta cần phải gạn lọc, truy tận ngọn ngành, và làm sáng tỏ trong khi gạt sang một bên tất cả những phần còn lại. Liệu có phải Sự Phi Lý đẩy người ta đến cái chết không? Vấn đề này phải được ưu tiên suy xét hơn những vấn đề khác, đứng ngoài tất cả các phương pháp tư duy và các trò luyện tập của tâm trí vô tư. Sắc thái ý nghĩa, mâu thuẫn và phương pháp tâm lý mà một tâm trí "khách quan" luôn vận dụng cho tất cả các vấn đề không có chỗ trong cuộc theo đuổi và niềm đam mê nghiên cứu vấn đề này. Ở đây chỉ cần một lối tư duy không theo lẽ thường, hay nói cách khác là tư duy hợp lý (logic . Điều đó chẳng dễ dàng gì. Tư duy hợp lý thì quá đơn giản. Nhưng theo đuổi cái hợp lý đến tận kỳ cùng hầu như là bất khả. Do vậy những người tự sát thường đi theo khuynh hướng cảm xúc của họ. Suy tư về tự sát cho tôi cơ hội nêu lên vấn đề duy nhất mà tôi quan tâm: liệu có tồn tại một logic đưa đến cái chết hay không? Tôi không thể biết chính xác điều đó nếu tôi không theo đuổi tới cùng lập luận mà ở đây tôi đã chỉ ra nguồn gốc của nó. Tôi làm việc này không phải với niềm đam mê bồng bột khinh suất, mà dưới ánh sáng duy nhất của các bằng chứng. Tôi gọi đây là lập luận về sự phi lý. Nhiều người đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề này. Tôi vẫn chưa biết liệu họ có tiếp tục theo đuổi nó hay không.

Khi Karl Jaspers 10 phát hiện ra rằng không thể nào hướng thế giới này thành một thể thống nhất, ông đã kêu lên: "Sự hạn chế này dẫn tôi quay về chính bản thân mình, nơi tôi không còn có thể rút lui ra đằng sau quan điểm khách quan mà tôi chỉ đang là người đại diện nêu lên, nơi mà cả bản thân tôi lẫn sự tồn tại của những người khác đều không còn trở thành đối tượng nghiên cứu của tôi nữa". Sau bao nhiêu người trước, đến lượt ông gợi lên hình ảnh những bãi sa mạc khô cằn, nơi mà tư tưởng đã chạm tới những giới hạn của nó. Đã bao nhiêu người thử, đúng thực vậy, họ đã tha thiết muốn vượt qua khỏi những giới hạn đó biết chừng nào! Tại cái ngã rẽ cuối cùng đó, nơi tư duy ngập ngừng dao động, nhiều người đã đến, bao gồm một vài kẻ tầm thường nhất. Rồi họ bỏ lại cái từng là thứ quý giá nhất với mình: cuộc sống. Những người khác, những chúa trùm về tư tưởng, cũng từ bỏ như vậy, nhưng họ kích khởi sự tự sát của tư duy trong cuộc nổi dậy nguyên sơ nhất của nó. Nỗ lực thực sự của họ là lưu lại ở đó, nói đúng hơn là lưu lại trong chừng mực có thể, để nghiên cứu kỹ lưỡng đám thực bì kỳ quặc nơi miền xa xôi đó. Sự ngoan cường và nhạy bén là những khán giả có đặc quyền xem cuộc trình diễn phi nhân này, xem sự phi lý, hy vọng và cái chết đối thoại với nhau. Rồi sau đó tâm trí có thể phân tích những bóng hình trong vũ điệu vừa nguyên sơ vừa tinh tế đó trước khi minh họa lại và làm chúng hồi sinh.

Những tường thành phi lý

Giống như các tác phẩm lớn, những cảm nhận sâu sắc luôn chứa đựng nhiều tầng nghĩa hơn những lời ta chủ tâm dùng để biểu đạt chúng. Cơn bốc đồng hoặc cảm giác thôi thúc trong tâm hồn thường xuyên trỗi lên trong nếp quen hành động hay suy nghĩ được tái hiện trong những hệ quả mà chính tâm hồn không hề hay biết. Những cảm nhận lớn lao cuốn theo chúng vũ trụ của riêng mình, huy hoàng hay thảm hại. Với sự mãnh liệt của mình, những cảm xúc ấy thắp sáng một cõi riêng biệt có môi trường phù hợp với chúng. Có vũ trụ của lòng ghen tị, vũ trụ của tham vọng, vũ trụ của thói ích kỷ, vũ trụ của lòng quảng đại. Một vũ trụ, nói cách khác là một khái niệm siêu hình, một thái độ tinh thần. Những đặc tính gắn với những cảm nhận đã được định danh, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nơi những cảm xúc mà về cơ bản là bất định, vừa mơ hồ vừa "rõ rệt", vừa xa vời lại vừa rất "hiện thực"; hệt như những cảm giác dễ chịu khi nhìn vẻ đẹp hoặc cảm giác bị kích thích khi vấp phải sự phi lý.

Cảm nhận về phi lý có thể ập đến với bất kỳ ai ở bất cứ nơi đâu. Nó hiện ra như là chính nó, trong sự trần trụi đến đau đớn, được soi rọi trong thứ ánh sáng không tô vẽ; thật khó mà nắm bắt nó. Nhưng chính sự khó khăn vô cùng đó đáng cho chúng ta suy nghĩ. Quả là có lẽ ta mãi mãi không hiểu hết một con người, cái cốt lõi tối giản trong anh ta cứ trượt khỏi chúng ta. Nhưng trên thực tế ta có nhận biết được những người khác; ta nhận dạng được họ thông qua cách cư xử, qua toàn bộ những việc họ làm, qua những hệ quả cuộc sống mà họ để lại trong kiếp hiện hữu của họ. Tương tự, mặc dù những cảm nhận bất duy lý nêu trên không cho ta cơ sở nào để phân tích chúng, nhưng trên thực tế ta vẫn có thể định danh chúng, nhận thức được về chúng, bằng cách thu thập mọi kết quả sinh ra từ chúng xét trong bình diện trí tuệ, bằng cách nắm bắt và ghi nhận mọi khía cạnh của chúng, và vạch nên đường viền cái vũ trụ bao quanh chúng.

Rõ ràng là dù đã xem một diễn viên biểu diễn hàng trăm lần, ta cũng không vì thế mà hiểu anh ta hơn chút nào. Nhưng nếu ta đúc kết mọi vai diễn anh đã hóa thân, rồi nói rằng khi xem anh diễn đến vai thứ một trăm thì tôi hiểu rõ anh hơn một chút, thì lời tuyên bố ấy nghe ra có phần nào sự thật. Bởi vì cái nghịch lý hiển nhiên đó cũng là một ngụ ngôn. Nó ẩn chứa bài học đạo đức. Rằng con người định nghĩa bản thân mình bằng sự giả vờ bên ngoài lẫn những thôi thúc rất chân thực bên trong. Do đó, có một nấc cảm nhận thấp hơn của cảm xúc, tuy vẫn không để ta tiếp cận tận cốt lõi của nó, nhưng được bộc lộ phần nào qua hành động và tính cách vai diễn của người diễn viên. Rõ ràng đó chính là một phương pháp. Nhưng hiển nhiên phương pháp đó là để phân tích chứ không phải để đạt đến tri thức. Vì bản thân các phương pháp đều hàm chứa yếu tố siêu hình, nên chúng thường khẳng định vẫn còn nhiều điều chưa biết ở ngay trong những kết luận rút ra từ chúng; cũng như nội dung của những trang đầu của một cuốn sách có chứa đựng phần nào nội dung những trang cuối cùng của cuốn sách đó. Mối liên hệ đó là đương nhiên. Xác định và vận dụng một phương pháp cũng có nghĩa là thừa nhận cảm giác rằng không thể nào đạt được toàn bộ mọi hiểu biết đích thực. Ta chỉ có thể liệt kê ra những biểu hiện đơn lẻ và bối cảnh khiến ta cảm nhận được chúng.

Có lẽ chúng ta sẽ nắm bắt được cảm giác phi lý khó nắm bắt đó trong những bình diện khác biệt nhưng có liên hệ mật thiết như trí tuệ, lối sống, hay cả nghệ thuật. Hoàn cảnh nảy sinh sự phi lý xuất hiện ở giai đoạn khởi đầu. Điểm kết thúc là vũ trụ phi lý và một thái độ tinh thần soi sáng thế giới với những màu sắc thực của nó, đưa lại cho thế giới một diện mạo rạng ngời và không lay chuyển mà ta chỉ thấy được khi nhìn nhận thế giới với thái độ ấy.

° ° °

Tất cả những hành động và những tư tưởng vĩ đại đều khởi đầu có phần kỳ cục. Các tác phẩm lớn ra đời ngay sau ngã rẽ ở góc đường hay chỗ cửa xoay một nhà hàng. Vậy nên chúng gắn với sự phi lý. Khác với những môi trường khác, thế giới phi lý trích xuất được cái cao nhã từ hoàn cảnh ra đời tầm thường như vậy. Trong một số trường hợp nhất định, khi hỏi một người suy nghĩ hay cảm nhận về điều gì mà người đó trả lời "không gì cả", thì có thể anh ta đang giả vờ. Những kẻ được yêu khá rõ điều ấy. Nhưng giả sử câu đáp ấy là thành thật, nếu nó quả thực tượng trưng cho một trạng thái lạ thường của tâm hồn khi mà cái phần "không" lại trở nên hùng hồn, khi chuỗi hành vi hằng ngày bị bẻ gãy, khi trái tim vô vọng tìm kiếm mối liên kết giúp kết nối chuỗi hành vi đó lại một lần nữa, thì khi ấy có thể coi đó chính là dấu hiệu đầu tiên của sự phi lý.

Cũng có khi cái quy trình định sẵn từng bước sụp đổ. Sáng dậy, lên xe đi làm, bốn giờ trong văn phòng hoặc nhà máy, ăn trưa, lên xe về chỗ làm, bốn giờ công việc chiều, ăn tối, ngủ nghỉ, và Thứ Hai Thứ Ba Thứ Tư Thứ Năm Thứ Sáu và thứ Bảy cùng theo nhịp điệu này - cái lối mòn ta vẫn thường dễ dàng tuân theo. Nhưng một ngày nào đó, câu hỏi "tại sao" xuất hiện, thế là mọi sự bắt đầu trong cái mệt mỏi nhuốm màu kinh ngạc. "Bắt đầu" - đây là điều quan trọng. Sự mệt mỏi xuất hiện ở ngưỡng cuối cùng của chuỗi hành vi sống như cái máy, nhưng đồng thời nó kích khởi ý thức. Nó đánh thức ý thức và kích khởi những gì tiếp sau. Nghĩa là hoặc ta trở lại cái nhịp điệu đều đều trước đó của đời sống, hoặc đạt tới sự tỉnh thức hoàn toàn. Và khi sự tỉnh thức đã đi đến điểm tột cùng, thì kết quả chỉ có thể là tự sát hay hồi phục. Bản thân sự mệt mỏi chứa đựng trong nó cảm giác không thể chịu đựng nổi, mà ở đây, tôi phải kết luận rằng điều đó là tốt. Vì mọi sự đều bắt đầu với ý thức, và cái "không gì cả" chỉ trở nên có giá trị một khi người ta ý thức về nó. Những nhận xét trên không có gì là mới mẻ độc đáo. Nhưng chúng là hiển nhiên, thế đã là đủ cho quá trình ta khảo sát sơ qua nguồn gốc của phi lý. Chỉ có "nỗi bất an", như Heidegger 11 nói, mới là nguồn gốc của tất cả mọi thứ.

Tương tự, thời gian gánh đưa chúng ta trong dòng chảy của nó, ngày lại ngày trong suốt cuộc đời bình lặng. Nhưng thể nào cũng đến một khoảnh khắc mà chúng ta phải gánh lấy thời gian. Chúng ta sống bằng tương lai: "ngày mai", "sau đó", "khi ta đã định rõ được phương hướng", "cứ sống đủ lâu đi rồi hiểu chuyện". Những lời trì hoãn "chưa tới lúc" ấy thật hay ho, bởi nói cho cùng, sống là quá trình đi dần đến cái chết. Tuy nhiên, rồi đến một ngày người nọ được nhắc nhở hoặc tự nhận ra rằng anh ta đã đến tuổi ba mươi. Anh khẳng định sự trẻ trung của mình vào thời điểm đó. Nhưng đồng thời anh cũng đặt mình vào mối liên hệ với thời gian. Anh nhận lấy vị trí của mình trong đó. Anh thừa nhận mình đang đứng ở một điểm nhất định trên đường cong thời gian mà anh phải đi cho đến tận cùng. Anh ta thuộc về thời gian, và khi nỗi kinh sợ bóp nghẹt mình, anh ta nhận ra kẻ thù tồi tệ nhất. Ngày mai, anh ta khao khát ngày mai, trong khi chính bản thân anh phải chối bỏ nó. Cuộc nổi dậy đó của xác thịt chính là một sự phi lý 12 .

Hay ở nấc thấp hơn là cảm giác xa lạ: Ta nhận thức rằng thế giới này "bất khả xâm nhập", ta cảm nhận được cái hòn đá kia xa lạ, nó không hề vì ta mà đổi hình đổi dạng; thiên nhiên mãnh liệt hay phong cảnh kia đâu cần gì sự hiện diện của chúng ta. Cốt lõi của mọi vẻ đẹp đều chứa đựng một cái gì đó phi nhân tính; và những ngọn đồi này, bầu trời dịu êm kia, các đường viền của bóng cây nọ, tại chính giây phút này mất đi ý nghĩa hão huyền mà chúng ta đã khoác lên cho chúng, để̀ rồi chúng trượt xa ta hơn cả một thiên đường đã mất. Qua hàng thiên niên kỷ, sự thù địch nguyên thủy của thế giới trỗi dậy để đối mặt với chúng ta, trong tích tắc ta thôi không còn hiểu được thế giới, bởi vì hàng nhiều thế kỷ nay, ta chỉ còn thấy được những hình ảnh và đường nét mà ta gán cho nó từ trước; và bởi vì từ tích tắc ấy trở đi chúng ta không còn sức mạnh để vận dụng cái mưu mẹo đó. Thế giới né tránh ta vì nó sẽ trở về là chính nó, một lần nữa. Tấm phông cảnh trí sân khấu từng bị che phủ bởi nếp sống theo thói quen lại một lần nữa lộ ra chân thực. Nó lùi ra cách ta một quãng. Cũng như có những ngày, dưới khuôn mặt quen thuộc của người phụ nữ trong gia đình, chúng ta thấy một phiên bản xa lạ của chính người mà chúng ta đã yêu thương nhiều tháng hoặc nhiều năm trước, và có lẽ chúng ta thậm chí sẽ khao khát chính cái điều đột nhiên khiến chúng ta trở nên cô đơn đến vậy. Nhưng thời khắc ấy vẫn chưa đến. Giờ ta chỉ thấy rõ: sự bất khả xâm nhập và xa lạ đó của thế giới là sự phi lý.

Trong con người cũng ẩn giấu yếu tố phi nhân tính. Vào những thời điểm nhất định, con người tuy vẫn sáng suốt nhưng những cử chỉ cứng nhắc như máy, những hành động như kịch câm vô nghĩa của họ khiến mọi thứ xung quanh nhuốm màu ngớ ngẩn. Ví như khi quan sát một người đang nói chuyện điện thoại sau bức vách bằng kính; ta không thể nghe ông ta, nhưng khi xem màn múa máy tay chân ngớ ngẩn ấy, hẳn ta phải tự hỏi ông ta sống trên đời vì cái gì. Vẻ nhăn nhíu trên mặt người đàn ông chứa đựng sự phi nhân tính, sự sụp đổ khôn lường hình ảnh của chúng ta, cái sự "buồn nôn" này, như một nhà văn ngày nay gọi nó 13 , cũng là sự phi lý. Cũng như có những lúc thoáng qua ta ngỡ ngàng thấy trong gương là người lạ; hình ảnh thân thuộc mà vẫn khiến ta hoang mang trong những bức ảnh cũ của chính mình cũng là sự phi lý.

Cuối cùng tôi xin bàn tới cái chết và thái độ chúng ta trước cái chết. Cho đến thời điểm này, mọi điều xoay quanh chủ đề ấy đều đã được bàn tới, và điều duy nhất hợp lẽ bây giờ là tránh mọi phân tích lâm ly thống thiết. Điều vô cùng đáng ngạc nhiên chính là, mọi người trên đời đều sống như thể chẳng ai "từng biết" chết là gì. Đó là do chưa ai từng có kinh nghiệm về sự chết. Nói một cách chính xác, người ta chỉ có kinh nghiệm về những gì đã làm trong thời gian sống có ý thức. Không ai có thể nói về kinh nghiệm tử vong của người khác. Cái chết luôn là một ảo ảnh, một kinh nghiệm của ai khác, vì thê không bao giờ ta nhận thức được hoàn toàn. Cái thủ tục u sầu ấy của đời người không bao giờ có thể có tính thuyết phục. Ta cảm nhận được khía cạnh khủng khiếp của cái chết khi tính toán về nó. Thời gian gây nỗi kinh hoàng nơi ta vì nó làm nảy sinh vấn đề mà giải pháp thì đến sau đó. Tất cả những lời hay ho về linh hồn sẽ bị phủ định, ít nhất là trong một quãng thời gian nhất định. Trong cái thể xác trơ trơ đến nỗi cái tát cũng không còn có thể in dấu, linh hồn đã biến mất. Khía cạnh cơ bản và tột cùng này của chuyến hành trình cuộc đời chứa đựng cảm giác phi lý. Dưới ánh soi chiếu chết người của số phận, sự vô dụng của nó trở nên rõ ràng. Không có chuẩn mực đạo đức nào, không có nỗ lực nào có thể biện minh một cách tiên nghiệm cho phép tính tàn nhẫn quyết định hoàn cảnh của chúng ta.

Xin nhắc lại: tất cả những điều trên đã được nhiều người khác nói đến nhiều lần. Ở đây tôi chỉ phân loại nhanh những ý kiến ấy và chỉ ra những xu hướng rõ rệt, vốn xuất hiện trong mọi nền văn học lẫn triết học. Ta bàn về những chủ đề ấy hằng ngày, nên không cần thiết phải "phát minh" chúng lần nữa. Nhưng quan trọng là phải chắc chắn về những điều trên để có thể đặt câu hỏi tiếp theo dựa trên câu hỏi gốc. Điều tôi quan tâm, xin nhắc lại, không đi sâu vào khám phá phi lý là gì mà chú trọng hơn vào những hậu quả của chúng. Nếu có người chắc chắn được về những sự thật này, thì người đó có thể rút ra kết luận gì? Và người đó phải tiến xa đến đâu thì mới đến mức không còn phải tránh né câu hỏi nào nữa? Liệu khi ấy người đó sẽ chết một cách vui lòng tự nguyện, hay vẫn ôm ấp hy vọng bất chấp mọi điều mình biết? Trước tiên, ta cũng cần điểm nhanh qua những xu hướng tương tự trên bình diện trí tuệ.

° ° °

Quá trình đầu tiên của tâm trí là phân biệt đâu là đúng đâu là sai. Nhưng khi ta biết nghĩ suy về những suy nghĩ của chính mình, thì phát hiện đầu tiên chính là sự mâu thuẫn. Mọi cố gắng chứng minh mình đúng trong trường hợp này là vô dụng. Nhiều thế kỷ nay, không ai diễn tả vấn đề này rõ ràng và súc tích hơn Aristotle 14 : "Các ý kiến này thường đưa đến kết quả nực cười là chúng phủ định chính mình. Vì khi khẳng định tất cả đều đúng, thì có nghĩa là phản đề của nó cũng đúng, như thế chính đề của ta trở thành sai (bởi phản đề không thừa nhận là nó đúng . Còn nếu nói tất cả đều sai, thì chính bản thân lập luận đó đã sai rồi. Nếu ta cho rằng chỉ duy nhất lời khẳng định trái ngược với lập luận của chúng ta là sai hoặc chỉ duy có lập luận của ta là không sai, thì dù sao ta vẫn buộc phải thừa nhận vô số các nhận định hoặc đúng hoặc sai. Bởi người nêu lên một khẳng định đúng đồng thời cũng cho rằng nó là đúng, và cứ như vậy ad infinitum (vô cùng tận ".

Vòng luẩn quẩn này chỉ là mắt xích đầu tiên của hàng loạt trường hợp khi mà trí tuệ tự nghiền ngẫm về chính nó thì bị lạc trong vòng xoáy choáng váng. Chính sự đơn giản vô cùng của những nghịch lý này khiến không thể quy giản chúng hơn nữa. Dù đó có là trò lắt léo của ngôn ngữ hay lý luận đi nữa, thì trên hết, sự lĩnh hội đồng nghĩa với sự quy nhất. Mong muốn sâu thẳm nhất của tâm trí, ngay cả khi đang tư duy ở mức tinh vi phức tạp nhất, là cố gắng làm đồng bộ những xúc cảm vô ý thức trong thế giới nó nhận thức được: nó khăng khăng hướng về cái thân thuộc, nó khao khát sự rõ ràng. Đối với con người, lĩnh hội thế giới chính là quá trình quy giản nó về hệ quy chiếu của loài người, đóng con dấu cá nhân vào nó. Vũ trụ của con mèo không phải là vũ trụ trong tổ kiến . Sự thật hiển nhiên "Tất cả tư duy đều theo thuyết nhân hình" đúng chính xác là như vậy. Cũng như khi trí óc muốn lĩnh hội thực tế, thì nó chỉ thỏa mãn khi quy được cái thực tế ấy về giới hạn của tư duy. Nếu con người thấy rằng vũ trụ cũng biết yêu và đau khổ như anh ta, thì anh ta được an lòng. Còn nếu, qua những tấm gương soi chiếu - chính là các hiện tượng xảy ra, tâm trí nhìn thấy được những mối tương quan vĩnh hằng có thể tổng quy tư tưởng cũng như tổng quy chính chúng theo cùng một nguyên tắc đơn nhất, thì tâm trí sẽ được hưởng niềm vui trí tuệ là nhận ra huyền thoại về các đấng thánh thần chẳng qua chỉ là sự mô phỏng nực cười. Nỗi hoài vọng về nhất nguyên và niềm khát khao về cái tuyệt đối minh họa cho đường dây vận động cốt lõi trong vở kịch loài người. Nỗi hoài vọng đó tồn tại, nhưng không có nghĩa là nó sẽ được đáp ứng ngay tức thì. Vì, nếu lấp đi được vực sâu cách biệt giữa khao khát và chinh phục, thì coi như ta đã khẳng định trước Parmenides 15 sự tồn tại của Nhất Thể (bất kể đó là gì , và khi đó ta lại rơi vào mâu thuẫn lố bịch khi khẳng định sự thống nhất toàn thể, rồi dùng chính sự thống nhất đó chứng minh sự khác biệt của nó, cũng như sự đa dạng mà nó muốn quy nhất lại. Thêm cái vòng luẩn quẩn này nữa là đủ để dập tắt hy vọng của chúng ta.

Những điều trên cũng là sự thật rõ rành rành. Xin nhắc lại rằng bản thân những điều hiển nhiên đó không có gì mới lạ, nhưng những hệ quả rút ra từ chúng thì lại đáng quan tâm. Ví như tôi biết một sự thật hiển nhiên: rằng người ta ai cũng chết. Có biết bao bộ óc từng rút ra những kết luận cực đoan từ điều hiển nhiên đó. Khi đọc tiểu luận này, luôn phải ý thức cái khoảng cách giữa điều ta muốn biết và điều ta thực sự biết được, giữa sự chấp nhận trên thực tế và thái độ vờ như không biết, nhờ đó ta sống an ổn với những tư tưởng mà, nếu ta thật sự kiểm nghiệm chúng, thì hẳn là toàn bộ cuộc sống của ta sẽ bị xáo lộn. Đứng trước nỗi mâu thuẫn của tâm trí không bao giờ có thể dứt bỏ đi này, ta hiểu được trọn vẹn vực sâu phân cách giữa chúng ta với những gì chính ta sáng tạo ra. Chừng nào mà tâm trí còn ngủ yên trong thế giới tĩnh tại như nó mong muốn, thì mọi vật hãy còn được phản ánh và sắp đặt đúng theo nếp hằn trước nay nó từng biết. Nhưng chỉ cần tâm trí thức động, là cái thế giới ấy rạn nứt rồi sụp đổ, bày ra muôn vàn mảnh vỡ lấp lóa dội vào hiểu biết. Chúng ta phải mãi mãi từ bỏ hy vọng tái dựng tại cái bề mặt quen thuộc, bình lặng khiến ta yên lòng đó. Bao nhiêu thế kỷ kiếm tìm đã thất bại, bao nhiêu nhà tư tưởng phải bỏ cuộc, như thế đủ khiến ta nhận rõ rằng: thực tế đó là chắc chắn, trong tất cả mọi mảng tri thức con người. Và ngoại trừ những người chuyên theo hẳn con đường duy lý, thì đa phần con người ngày nay không mong gì đạt được sự thấu tỏ thật sự. Và nếu chỉ được ghi lại một quá trình lịch sử quan trọng duy nhất của tư tưởng con người, thì đó hẳn phải là lịch sử của những hối tiếc kế tiếp tiếc nuối và nỗi bất lực đi kèm.

Tôi có thể thực sự tuyên bố "Tôi có biết" về ai hay về vật gì được đây. Trái tim này đập trong lồng ngực tôi, tôi có thể cảm thấy nó, và tôi cho rằng nó tồn tại. Tương tự, tôi có thể chạm vào thế giới này, nên tôi cho rằng nó tồn tại. Hiểu biết của tôi chỉ tới đó, phần còn lại là do tôi tự dựng lên. Vì nếu tôi cố gắng để nắm bắt lấy bản chất của thứ mà tôi ngỡ mình đã biết chắc, nếu tôi cố gắng định nghĩa nó, khái quát hóa nó, thì chẳng khác nào cố dùng tay nắm bắt làn nước, nước cuối cùng cũng chảy hết qua kẽ tay. Tôi có thể phác họa tất cả các đặc tính nó có, những diện mạo nó mang, như sự giáo dục này, nguồn gốc ấy, sự nhiệt tình như vậy, những khoảng lặng kia, vẻ cao quý hoặc đồi bại nọ. Nhưng những khía cạnh ấy không thể cộng gộp lại đúng bằng một "nó" chính xác. Tôi không thể xác định rõ ngay cả chính trái tim mình. Giữa sự chắc chắn mà tôi biết về sự tồn tại của mình với những nội dung tôi cố gắng đưa ra để xác nhận sự chắc chắn đó là một khoảng cách, và khoảng cách ấy không bao giờ có thể lấp đầy. Mãi mãi, tôi là một người xa lạ với chính mình. Trong tâm lý học, cũng giống như trong logic, có nhiều chân lý nhưng không có sự thật. Như câu Socrates nói "Hãy tìm biết chính mình" cũng có giá trị như lời răn "Hãy sống đạo đức" ta nghe trong phòng xưng tội. Những lời ấy thể hiện sự hoài vọng cũng như sự thiếu hiểu biết. Chúng là những bài luyện tập vô ích trước những chủ đề lớn. Chúng chỉ có lý trong chừng mực tiệm cận chân lý.

Những cây cối này, tôi biết bề mặt xù xì của chúng; làn nước này, tôi nếm được vị mát lành của nó. Mùi cỏ tươi và những ngôi sao trong đêm, cả những buổi chiều yên ả cho cõi lòng ta nguôi dịu; vậy thì làm sao phủ nhận thế giới này, khi mà ta vẫn cảm nhận thấy năng lượng và sức mạnh của nó? Tuy nhiên, mọi hiểu biết trên đời đều không đảm bảo được với tôi rằng thế giới này là của tôi. Người ta miêu tả thế giới cho tôi, dạy tôi phân loại những gì có trong nó. Người ta liệt kê ra những quy luật của nó và trong cơn khát hiểu biết, tôi thừa nhận rằng chúng là sự thật. Đến lúc người ta chia nhỏ cấu trúc của nó ra từng phần để xem xét, hy vọng của tôi càng tăng. Rồi cuối cùng người ta dạy tôi rằng vũ trụ kỳ diệu được tạo thành từ các nguyên tử và bản thân nguyên tử cũng có thể được quy thành các điện tử. Hay quá, tôi tiếp tục chờ được biết thêm. Nhưng rồi người ta lại nói đến một hệ thống gồm các điện tử quay quanh và hướng về hạt nhân, mà cái hình ảnh đó không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Thế hóa ra người ta dùng một hình tượng để giải thích thế giới này cho tôi. Hóa ra rốt cuộc ta quy về địa hạt thơ ca: tôi sẽ không bao giờ biết rõ (bản chất của thế giới . Tôi có thời gian để phẫn nộ không? Những học thuyết đã thay đổi. Thế là khoa học vốn nhằm dạy tôi hiểu biết mọi điều cuối cùng quy về một giả thiết; cái rõ ràng minh bạch sa xuống sự ẩn dụ, và điều không chắc chắn ấy được làm rõ bằng một tác phẩm nghệ thuật. Vậy cần gì tôi phải nỗ lực nhiều đến vậy? Đường viền mềm mại của những ngọn đồi và niềm an ủi của buổi chiều tà với trái tim bối rối này còn cho tôi biết nhiều hơn thế. Tôi trở về điểm khởi đầu. Tôi nhận ra rằng cho dù có thể thông qua khoa học nắm bắt và liệt kê các hiện tượng, thì tôi vẫn không thể nhờ đó mà thấu tỏ được thế giới. Dù có ra sức tìm hiểu thật kỹ những gì khoa học cung cấp cho, thì tôi vẫn sẽ không biết gì thêm. Người ta bắt tôi lựa chọn giữa một bên là mô tả chắc chắn nhưng không dạy tôi điều gì, một bên là những giả thuyết có thể cho tôi kiến thức nhưng bản thân chúng lại không có gì chắc chắn. Tôi là người lạ ngay với bản thân mình và với thế giới, trong tay chỉ có duy nhất một ý định vốn tự phủ định ngay khi nó trỗi lên. Vậy tình trạng này là gì, khi mà tôi chỉ có thể sống yên ổn khi từ chối hiểu biết và từ chối sống, khi mà khát khao chinh phục va phải những tường thành chẳng xem nỗ lực đó vào đâu? Tỏ ý chí đồng nghĩa với việc khuấy lên nghịch lý. Tất cả mọi thứ được sắp xếp chỉn chu theo một trật tự nhằm đưa lại sự yên bình bị đầu độc, được sản sinh ra khi óc không nghĩ suy, tim không thúc giục hay bao nhiêu lần buông xuôi theo cái chết.

Từ đây, trí tuệ cũng mách bảo tôi theo cách của nó, rằng thế giới này là phi lý. Trái ngược với nó, lý trí mù quáng cũng có thể khẳng định hùng hồn không kém rằng tất cả đều rõ ràng; tôi chờ đợi bằng chứng và khao khát mong nó là đúng. Nhưng bất kể sau bao nhiêu thế kỷ ồn ào, bao nhiêu nhân vật giỏi hùng biện và thuyết phục, tôi vẫn biết điều đó là sai. Ít nhất trên phương diện này, tôi không hạnh phúc nếu tôi không thể hiểu biết. Lý trí phổ biến trong thực tế hay trong đạo đức, thuyết tất định, những phạm trù giúp lý giải tất cả mọi thứ đó đủ khiến một người lịch sự mấy cũng phải phì cười. Chúng chẳng giúp được gì cho trí tuệ. Chúng phủ nhận sự thật sâu xa, đã bị xích xiềng của tâm trí. Rồi trong cái vũ trụ bị giới hạn và không thể lý giải đó, số phận con người được khoác cho ý nghĩa của nó. Rồi hàng loạt những điều phi lý bung nở và bao bọc con người cho đến tận cuối đời. Rồi khi sự sáng suốt được phục hồi, và giờ đây đi kèm với sự cân nhắc có chủ tâm, cảm giác phi lý càng chắc chắn và rõ ràng. Tôi có nói rằng thế giới là vô lý, nói vậy là quá vội vàng. Thế giới chứa đựng điều không thể lý giải được, ta chỉ có thể nói vậy. Cái phi lý nằm ở xung đột giữa sự không thể lý giải này và nỗi khát khao mãnh liệt được hiểu biết rõ ràng về thế giới vốn luôn dội trong trái tim con người. Sự phi lý phụ thuộc vào con người cũng nhiều như phụ thuộc vào thế giới. Tạm thời nó là tất cả những gì liên kết con người và thế giới lại với nhau. Cũng như có khi nỗi hận thù là mối dây duy nhất gắn kết hai con người. Đây là tất cả những gì tôi có thể nhận thức rõ ràng trong vũ trụ khôn lường này, nơi chuyến phiêu lưu của tôi diễn ra. Chúng ta hãy dừng lại ở đây. Nếu tôi coi sự phi lý đang điều chỉnh mối quan hệ của tôi với cuộc sống là thật, nếu tôi triệt để thấm nhuần quan điểm neo tôi lại trong thế giới này, với sự sáng suốt đặt lên tôi do theo đuổi một tri thức, thì tôi phải hy sinh tất cả mọi thứ cho những điều chắc chắn này, và phải luôn chuyên chú vào chúng mới có thể duy trì chúng. Trên tất cả, tôi phải điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp và lần theo mọi hậu quả sinh ra từ chúng. Phép tắc đúng theo lý phải là như vậy. Nhưng trước hết tôi muốn biết liệu tư duy có thể sống trong những sa mạc này hay không.

° ° °

Tôi đã biết rằng ít nhất, tư duy xâm nhập được vào những sa mạc ấy. Ở đó, nó tìm thấy thứ nuôi sống nó thực sự. Và cũng ở đó, nó nhận ra rằng trước đó nó chỉ được nuôi bằng ảo tưởng. Nó đã lấp liếm biện hộ cho một số chủ đề suy ngẫm bức bách nhất của con người.

Từ thời điểm sự phi lý được nhận ra, nó trở thành một niềm đam mê đau đớn nhất. Nhưng vấn đề là liệu có ai sống được với những đam mê của mình, có ai chấp nhận được quy luật của chúng, những quy luật đốt cháy con tim mà chúng đang đồng thời chắp cánh, toàn bộ vấn đề là ở đó. Nhưng ta chưa đặt ra câu hỏi đó ngay bây giờ. Nó đứng ở cốt lõi trải nghiệm này. Sẽ có lúc ta trở lại với nó. Thay vào đó, ta hãy cảm nhận những chủ đề và những thôi thúc bắt nguồn từ sa mạc này. Chỉ cần liệt kê chúng ra là đủ. Bởi ngày nay chúng cũng đã được biết đến rộng rãi. Luôn luôn có những người đứng ra bảo vệ quyền của những điều không thể lý giải. Những suy nghĩ làm hạ thấp con người luôn tồn tại xuyên suốt lịch sử. Những chỉ trích nhằm vào chủ nghĩa duy lý xuất hiện thường xuyên đến nỗi có vẻ như không cần thiết khơi lại nữa. Tuy nhiên, kỷ nguyên của chúng ta được đánh dấu bằng sự hồi sinh của những hệ thống nghịch lý nỗ lực cản đường lý trí, như thể nó thực sự luôn tiến về phía trước. Nhưng điều đó không hẳn là một bằng chứng về sự hiệu quả của lý trí như ta thiết tha hy vọng. Trên bình diện lịch sử, sự tồn tại bền bỉ hai thái độ như thế là điển hình cho niềm đam mê trong bản chất của con người, bị giằng xé giữa một bên là thôi thúc ngả về nhất nguyên và một bên là cái nhìn rõ ràng về những tường thành vây quanh con người.

Nhưng có lẽ chưa bao giờ cuộc tấn công vào lý trí lại khốc liệt như trong thời của chúng ta. Kể từ sự bùng nổ của Zarathustra 16 : "Sự ngẫu nhiên là điều cao quý lâu đời nhất thế gian. Ta gán đặc tính này cho vạn vật khi tuyên bố rằng ở trên vạn vật không có ý chí bất diệt nào được thực thi cả", 17 kể từ căn bệnh chết người của Kierkegaard 18 , "chứng bệnh đưa đến cái chết, không có gì khác theo sau nó"; những chủ đề quan trọng và gây nhiều trăn trở về tư duy phi lý đã nối nhau ra đời. Hoặc ít nhất, và đây là điều kiện cốt yếu, là những đề tài mang tính tôn giáo và không thể lý giải. Từ Jaspers 19 đến Heidegger, từ Kierkegaard đến Chestov 20 , từ những nhà hiện tượng học đến Scheler 21 ; trên bình diện logic lẫn bình diện đạo đức, những trí tuệ nói trên phần nào chung nỗi hoài vọng, nhưng khác nhau ở phương pháp và mục đích, đã kiên trì ngăn chặn đại lộ hoàng kim của lý trí và khơi lại những nẻo đường trực tiếp dẫn đến sự thật. Ở đây tôi giả sử những tư tưởng này đã được biết đến và được duy trì. Bất kể họ muốn đạt được điều gì, thì những điều đó hẳn đều bắt nguồn từ cái vũ trụ không thể mô tả này, nơi mà mâu thuẫn, nghịch lý, sự dằn vặt đau đớn, hay nỗi bất lực ngự trị. Và điểm chung giữa những tư tưởng ấy chính là những chủ đề ngày nay đã được phơi bày. Phải nói rằng, đối với họ, điều quan trọng hơn hết chính là những kết luận họ rút ra được từ những khám phá đó. Điều đó quan trọng đến nỗi ta cần đặt nó riêng ra để xem xét. Nhưng ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến những khám phá và những thử nghiệm ban đầu của họ. Chúng ta chỉ quan tâm đến những điểm họ đồng thuận với nhau. Nếu như nỗ lực mổ xẻ triết lý của các vị ấy bị cho là quá mức tự tin, thì ta khả dĩ làm được một việc là giới thiệu xu hướng chung của họ.

Heidegger lạnh lùng xem xét thân phận con người và cho rằng kiếp thế nhân quả thực tồi tàn. "Nỗi bất an" là điều duy nhất có thật phủ lên toàn bộ chuỗi hiện hữu. Đối với con người lạc giữa thế gian thường biến với bao điều khiến họ nhãng tâm, thì nỗi bất an chỉ là cảm giác sợ hãi thoáng qua. Nhưng nếu nỗi sợ hãi ý thức được về chính nó, thì nó sẽ chuyển thành nỗi thống khổ dai dẳng đeo bám con người sáng suốt "chứa đựng sự tồn tại đậm đặc". Vị giáo sư triết học này viết không run tay, bằng thứ ngôn ngữ trừu tượng nhất đời rằng "tính chất hữu hạn và bị hạn chế trong sự tồn tại của con người còn nguyên thủy hơn chính con người". Ông quan tâm đến triết lý của Kant chỉ để nhìn nhận sự hạn chế trong khái niệm "Lý tính thuần túy" của triết gia này. Điều này khớp với phần cuối trong phân tích của ông rằng "thế giới không còn có thể ban thêm bất cứ điều gì cho con người một khi anh ta đã bị nỗi thống khổ chất đầy". Đối với ông, nỗi bất an này dường như quan trọng hơn mọi phạm trù khác, nên ông chỉ suy ngẫm và bàn luận về nó. Ông liệt kê ra mọi khía cạnh của nó: nỗi buồn chán khi con người bình thường cố gắng dồn nén và làm tê liệt cảm giác ấy trong tâm; nỗi khiếp sợ khi tâm trí chiêm ngắm cái chết. Ông cũng không tách bạch ý thức và sự phi lý. Ý thức về cái chết là tiếng gọi của nỗi thống khổ mà "kiếp hiện hữu gửi cho chính nó lời hiệu triệu thông qua trung gian là ý thức". Đó là tiếng nói tột cùng của nỗi thống khổ và nó khẩn thiết gọi tồn tại "trở về đi, để khỏi mất hút giữa cõi Người Ta vô danh". Đối với ông, con người không được yên ngủ mà phải luôn tỉnh thức sẵn sàng cho đến cùng. Ông đứng giữa thế giới phi lý này và chỉ ra tính chất phù du của nó. Ông tìm lối đi giữa những đổ nát.

Jaspers không trông mong gì vào mọi quan điểm của bản thể học vì ông tuyên bố rằng chúng ta đã mất đi "tính ngây thơ". Ông biết con người không thể đạt tới điều gì siêu việt, vượt lên khỏi trò chơi chết chóc khi người ta phải lần lượt ra rồi vào sân khấu thế gian. Ông biết rằng kết cục của tâm trí là thất bại. Ông dừng lại khá lâu để nghiền ngẫm những cuộc phiêu lưu tinh thần ghi lại trong lịch sử, và vạch ra không thương tiếc lỗ hổng trong mỗi hệ thống, cái ảo tưởng cứu rỗi mọi điều, những bài thuyết giáo không che giấu được gì. Trong cõi thế gian bị tàn phá này, nơi mà kiến thức vấp phải sự bất khả, dường như hư vô vĩnh cửu là thực tế duy nhất, và nỗi tuyệt vọng không sao cứu vãn là thái độ duy nhất, ông cố công kết lại sợi chỉ của nàng Ariadne 22 để lần đến những điều thiêng liêng còn ẩn giấu.

Về phần Chestov, trong tác phẩm đơn điệu tuyệt vời của mình, ông cũng không ngừng hướng về những chân lý tương tự. Ông đã ra sức chứng minh một cách không mệt mỏi rằng ngay cả hệ thống quan niệm chặt chẽ nhất, chủ nghĩa duy lý phổ quát nhất cuối cùng cũng luôn phải vấp ngã trên điều mà tư duy con người không thể lý giải. Ông không bỏ sót bất kỳ một chân lý mỉa mai nào, hay một mâu thuẫn nực cười nào mà trong đó lý trí bị hạ thấp. Ông chỉ quan tâm đến một ngoại lệ duy nhất, dù trong tâm trí hay trái tim con người. Qua những trải nghiệm của con người bị trừng phạt trong tác phẩm Dostoevsky, qua cuộc phiêu lưu cuồng nộ trong tâm trí Nietzsche, qua những lời nguyền rủa của Hamlet, qua địa vị quý tộc chát đắng của Ibsen, ông lần theo, nắm bắt, làm sáng tỏ, và phóng chiếu những cuộc nổi dậy của con người chống lại những điều không thể cứu vãn. Ông khước từ những lý lẽ của lý trí và quyết định lại dấn bước giữa sa mạc trơ trọi không sắc màu kia, nơi mà mọi điều chắc chắn đều biến thành đá sỏi.

Trong số các vị tôi liệt kê ở đây, có lẽ người dấn sâu nhất là Kierkegaard, vì ít nhất một phần sự tồn tại của ông hiến cho việc trải nghiệm sự phi lý chứ không chỉ khám phá nó. Con người đã viết nên dòng chữ: "Cách công hiệu nhất để giữ im lặng không phải là ngậm miệng mà là cất lời" khẳng định ngay từ đầu rằng không sự thật nào là tuyệt đối hoặc có thể làm thỏa mãn kiếp hiện hữu mà sự bất khả ở ngay trong bản thân nó. Là một Don Juan của nhận thức, ông tạo ra rất nhiều bút danh và những sự mâu thuẫn; ông viết tác phẩm Những bài thuyết giảng Khai sáng 23 của mình cùng một thời gian với cuốn cẩm nang của thuyết duy linh yếm thế, Nhật ký của kẻ quyến rũ 24 . Ông từ chối mọi sự xoa dịu, đạo đức và những nguyên tắc chắc chắn. Ông luôn chú ý không dập tắt nỗi đau từ cái gai nhức nhối trong tim mình. Ngược lại, ông xoáy vào nó, và trong niềm vui tuyệt vọng của người tìm thấy hạnh phúc khi bị đóng đinh câu rút, ông dựng nên từng mảnh ghép một của con người ám ảnh: sự sáng suốt, sự từ chối, những giả tưởng ẩn dụ 25 . Khuôn mặt vừa hiền dịu vừa khinh nhạo ấy, những quay cuồng được nối tiếp bởi tiếng thét từ con tim là tinh thần phi lý đang vật lộn với thực tế ngoài tầm nắm bắt của nó. Và cuộc phiêu lưu tinh thần đưa đẩy Kierkegaard tới những vụ tai tiếng (do quan điểm cũng như đời tư bị dư luận hăm hở xâu xé, cũng bắt đầu từ những xáo trộn khi mà trải nghiệm nhân sinh tuột khỏi phông màn lớp lang dàn sẵn cho nó và trở về trạng thái trơ vơ nguyên thủy.

Trên một bình diện hoàn toàn khác về mặt phương pháp, Husserl và các nhà hiện tượng học, với sự ngông cuồng rất mực, khôi phục lại thế giới trong trạng thái muôn màu muôn vẻ của nó và phủ nhận sức mạnh siêu việt của lý trí. Qua cách nhìn của họ, vũ trụ tinh thần trở nên phong phú vô chừng. Cánh hoa hồng, cột mốc chỉ dẫn, hoặc bàn tay con người cũng quan trọng như tình yêu, khát vọng, hoặc định luật hấp dẫn. Suy nghĩ không còn thống nhất hoặc đội danh một nguyên tắc phổ quát nào đó để tạo ra vẻ quen thuộc bề ngoài ở vạn vật. Tư duy trở thành quá trình học hỏi lại tất cả một lần nữa để thấy, để chuyên chú, để tập trung ý thức; nó biến mọi ý tưởng và mọi hình ảnh thành khoảnh khắc đặc quyền theo một cách rất Proust 26 . Biện minh cho tư tưởng là ý thức cực đoan của nó. Cách thức tiến hành của Husserl mặc dù tích cực hơn Kierkegaard hoặc Chestov, nhưng ngay từ giai đoạn đầu đã phủ nhận phương pháp duy lý cổ điển, dập đi niềm hy vọng, mở ra vô số hiện tượng cho trực giác và trái tim cảm nhận, mà sự đa dạng tràn trề đó ẩn chứa nét gì đó phi nhân tính. Những nẻo đường tư duy này sẽ dẫn đến mọi tri thức hoặc không gì cả. Cũng có nghĩa là trong trường hợp này phương tiện là quan trọng hơn kết quả. Điều xét đến ở đây là "một thái độ trước sự hiểu biết" chứ không phải sự xoa dịu. Xin được nhắc lại: ở giai đoạn đầu trong phương pháp của ông, ít nhất là vậy.

Làm sao có thể không nhận ra mối liên hệ căn bản giữa những trí tuệ nêu trên! Làm sao có thể không thấy rằng họ định một chỗ cho mình xung quanh khoảnh khắc đặc quyền mà cay đắng, trong đó niềm hy vọng không còn chỗ để lùi? Tôi muốn được giải thích rõ ràng về mọi thứ, hoặc không gì cả. Và lý trí đành bất lực khi nghe tiếng thét ấy từ trái tim. Trí tuệ bị kích thích bởi đòi hỏi khăng khăng ấy, ra sức tìm kiếm nhưng chẳng thấy gì ngoài những mâu thuẫn và rối rắm vô nghĩa. Điều tôi không hiểu chính là sự vô nghĩa đó. Thế giới đầy những phi lý như vậy. Mà một khi tôi không hiểu bất kỳ ý nghĩa nào trong thế giới này, thì bản thân thế giới cũng chính là một bất hợp lý khổng lồ. Nếu ai có thể tuyên bố, dù chỉ một lần rằng: "Điều này là rõ ràng", thì tất cả sẽ được vãn hồi. Nhưng các vị nói trên đều tranh nhau khẳng định ngược lại, rằng không có gì (có thể giải thích rõ ràng, tất cả đều hỗn loạn, và rằng con người chỉ có thể giữ được sự sáng suốt và nhận biết nhất định về những bức tường thành vây quanh mình.

Tất cả những trải nghiệm nói trên hòa hợp và khẳng định lẫn nhau. Khi trí tuệ bị đẩy tới giới hạn, nó phải đưa ra đánh giá và chọn kết luận cho mình. Đó cũng là thời khắc có lời giải đáp hay tự sát. Nhưng tôi muốn đảo ngược quá trình truy vấn ấy, bắt đầu từ cuộc dấn thân của trí tuệ và trở lại xem xét những hành vi thường ngày, Những trải nghiệm khiến tâm trí phải lay động sinh ra giữa sa mạc nơi ta không được phép tụt lại đằng sau. Hay ít nhất cũng phải biết những người khác đã tiến xa đến đâu rồi. Ở điểm này, nỗ lực của con người đối mặt trực tiếp với sự bất hợp lý. Con người cảm thấy trong lòng nỗi khát khao hạnh phúc và lý trí. Sự phi lý được sinh ra từ xung đột giữa nhu cầu con người và sự im lặng vô lý của thế giới. Điều này không được phép lãng quên. Phải luôn bám chặt lấy nó bởi toàn bộ hệ quả phát sinh trong đời có thể phụ thuộc vào nó. Sự bất duy lý, niềm hoài vọng của con người, và sự phi lý phát sinh từ cuộc đối đầu của chúng - đó là ba nhân vật trong vở kịch nhất thiết sẽ tới lúc phải hạ màn với tất cả các logic mà một kiếp hiện hữu biết được.

Tự sát triết học

Cảm giác phi lý không phải toàn bộ khái niệm về sự phi lý, mà đặt nền móng cho sự phi lý, chỉ có vậy. Cảm giác phi lý không bó hẹp trong khái niệm ấy, ngoại trừ trong khoảnh khắc ngắn ngủi khi nó đưa ra nhận xét về vũ trụ. Tiếp sau đó, cảm giác phi lý có cơ hội tiến xa hơn. Nó vẫn sống; hay nói cách khác là trừ khi nó chết hẳn, còn nếu không nó sẽ được ánh chiếu lại. Như vậy là, nó gắn với những chủ đề chúng ta đã tổng hợp lại ở đây. Tôi không quan tâm đến những tác phẩm hay tư tưởng, việc phê bình những thứ ấy xin dành cho lúc khác, nơi khác; ở đây tôi chỉ để tâm phát hiện điểm chung trong kết luận của những tác phẩm và tư tưởng đó. Có lẽ chưa khi nào các tư tưởng lại khác nhau đến vậy. Nhưng ta vẫn nhận ra được rằng chúng khởi đầu ở những bối cảnh tinh thần giống nhau như hệt. Và cho dù dấn vào những lĩnh vực tri thức khác nhau, nhưng tiếng thét chấm dứt hành trình của chúng đều vang lên theo cùng một cách. Rõ ràng là các nhà tư tưởng chúng ta vừa nhắc trên đây đi theo một xu hướng chung.

Không hề là chơi chữ khi nói rằng cái xu hướng chung ấy nhuốm mùi chết chóc. Sống dưới áp lực ngột ngạt đó, người ta buộc phải đi khỏi hoặc trụ lại. Quan trọng là tìm hiểu được người ta rời đi như thế nào và nếu trụ lại thì là vì sao. Đây là cách tôi xác định vấn đề tự sát và những điều đáng quan tâm có thể rút ra được từ các kết luận của triết học hiện sinh.

Nhưng trước tiên tôi muốn tạm vòng tránh khỏi con đường trực tiếp. Cho đến nay chúng ta đã khoanh vùng được định nghĩa về sự phi lý từ bên ngoài. Tuy nhiên người ta vẫn có thể đặt câu hỏi khái niệm đó rõ ràng đến mức nào và trực tiếp mổ xẻ nó, để một mặt khám phá ý nghĩa của nó, mặt khác tìm hiểu những hệ quả liên đới từ nó.

Nếu tôi buộc cho một người vô tội một tội ác ghê gớm, nếu tôi nói với một người sống rất đạo đức rằng anh ta thèm muốn cô em gái ruột, thì anh ta sẽ trả lời rằng cáo buộc ấy là phi lý. Sự phẫn nộ của anh ta ẩn chứa khía cạnh hài hước trong nó. Nhưng nó cũng đồng thời chứa đựng lý trí nền tảng. Khi đáp trả như vậy, con người đạo đức ấy chỉ rõ sự mâu thuẫn giữa hành động tôi gán cho anh ta và các nguyên tắc suốt đời anh ta tuân thủ. "Điều đó là phi lý" có nghĩa là "Chuyện đó là không thể nào", cũng có ý là "Điều đó thật mâu thuẫn". Nếu tôi nhìn thấy một người đàn ông chỉ có thanh gươm trong tay mà tấn công cả nhóm người có mang súng máy, tôi sẽ cho rằng hành động của anh ta là phi lý. Nhưng tôi thấy phi lý chỉ vì ý định của anh ta và cái thực tế anh ta phải đối mặt bất cân xứng; vì tôi nhận thấy mâu thuẫn giữa sức mạnh thực sự anh ta có và mục tiêu anh muốn đạt được. Tương tự như vậy, chúng ta coi một nhận định nào đó là phi lý khi đối chiếu nó với điều được thực tế khẳng định rõ ràng. Và cũng như vậy, phi lý phô bày khi so sánh hậu quả của một lập luận như thế với thực tế hợp lý mà người ta muốn dựng nên. Trong mọi trường hợp tương tự, từ trường hợp đơn giản nhất cho đến phức tạp nhất, khoảng cách giữa hai vế trong phép so sánh của tôi càng xa thì độ phi lý càng lớn.

Có những cuộc hôn nhân phi lý, những thách thức phi lý, những thù oán phi lý, những sự im lặng phi lý, những cuộc chiến tranh phi lý, và thậm chí cả những hiệp ước hòa bình phi lý. Trong mỗi trường hợp, sự phi lý đều bắt nguồn từ phép so sánh. Như vậy ở đây tôi đang chứng minh rằng cảm giác về sự phi lý không sinh ra khi chỉ khảo sát kỹ lưỡng một sự kiện hoặc cảm tưởng nào đó, mà nó bùng lên từ sự so sánh giữa một sự kiện bị tách rời với bối cảnh của nó và một thực tế cụ thể; giữa một hành động và ngoại giới vượt quá tầm của nó. Phi lý, về bản chất, là một cuộc phân ly. Nó không nằm trong các yếu tố được so sánh; nó được sinh ra từ sự đối đầu giữa chúng.

Do đó, trong trường hợp đặc biệt này và trên bình diện trí tuệ, tôi có thể nói rằng Phi lý không ở trong con người (nếu ẩn dụ như thế có ý nghĩa , cũng không sẵn ở ngoại giới, mà trong sự hiện diện cùng nhau của con người và ngoại giới. Cho đến thời điểm này nó là mối dây duy nhất liên kết hai bên. Còn nếu nói theo kiểu trình bày sự việc thuần túy, thì tôi biết những gì con người muốn; tôi biết những gì ngoại giới hiến cho anh ta, và bây giờ tôi có thể nói thêm rằng mình cũng biết những gì liên kết anh ta và ngoại giới. Tôi không cần phải đào sâu hơn nữa. Một sự đảm bảo duy nhất như vậy đã đủ cho ai đang tìm kiếm. Giờ người đó phải nhận lấy mọi hệ quả từ nó.

Hệ quả trước mắt cũng chính là một nguyên tắc của phương pháp. Bộ ba kỳ quặc vừa được đưa ra ánh sáng theo cách trên chắc chắn không phải là một phát hiện đáng ngạc nhiên. Nhưng nó giống dữ liệu của kinh nghiệm ở chỗ: cả hai đều vô cùng đơn giản đồng thời vô cùng phức tạp. Về mặt này, điểm khác biệt đặc trưng đầu tiên của phi lý chính là nó không thể phân chia. Phá hủy một vế trong phép so sánh nghĩa là phá hủy toàn bộ. Không có phi lý tồn tại bên ngoài tâm trí con người. Như vậy, giống như mọi thứ khác, sự phi lý kết thúc với cái chết. Nhưng cũng không có phi lý nằm ngoài thế giới này. Và cũng bởi tiêu chí cơ bản này mà tôi coi khái niệm về phi lý là quan trọng, có thể đứng đầu trong danh sách các sự thật tôi công nhận. Nguyên tắc của phương pháp được nói đến bên trên lại xuất hiện ở đây. Nếu tôi đánh giá một điều nào đó là đúng thì tôi phải bảo vệ nó. Nếu tôi cố gắng giải quyết một bài toán, thì ít nhất tôi không được dùng cái phương pháp cực đoan là bỏ hẳn đi một thành tố trong đầu đề. Đối với tôi, cứ liệu duy nhất là sự phi lý. Điều kiện đầu tiên và cũng là điều kiện duy nhất trong quá trình tìm hiểu của tôi là bảo vệ chính cái điều vắt kiệt tôi, cũng là tỏ sự tôn trọng những gì mà tôi cho là quan trọng trong nó. Tôi vừa định nghĩa phi lý như là cuộc đối đầu và đấu tranh không ngừng.

Rồi khi theo đuổi logic phi lý này cho tới tận kết luận của nó, tôi phải thừa nhận rằng cuộc đấu tranh đó hàm ý sự vắng mặt hoàn toàn của hy vọng (vốn chẳng thể làm gì để lấp đầy nỗi tuyệt vọng , một sự từ chối liên tục (không được nhầm lẫn nó với sự từ bỏ , và một sự không thỏa mãn có ý thức (không được so sánh nó với nỗi bất mãn do chưa cân nhắc chín chắn . Mọi thứ phá bỏ, lấy đi, hoặc gạt đi các yêu cầu này (mà đầu tiên là sự đồng lòng thỏa hiệp khiến cuộc phân ly không thành đều làm tan nát sự phi lý và làm giảm giá trị quan điểm có thể đưa ra tiếp theo đó. Sự phi lý có ý nghĩa chỉ trong chừng mực nó không nhận được sự đồng tình.

° ° °

Như vậy, có một thực tế rành rành xem ra hoàn toàn phải lẽ: rằng con người luôn luôn là một nạn nhân của những sự thật mình nhận ra. Một khi đã thừa nhận chúng, anh ta không thể tự giải thoát khỏi chúng. Người ta phải trả một giá nhất định cho sự thật. Người ta một khi đã ý thức được về sự phi lý thì mãi mãi sẽ bị ràng buộc với nó. Một người không có hy vọng và ý thức được tình trạng đó của mình không còn thuộc về tương lai. Điều đó là tự nhiên. Mà việc anh ta cố thoát khỏi vũ trụ do chính mình tạo dựng cũng tự nhiên không kém. Tất cả những điều trên có ý nghĩa chỉ nhờ nghịch lý này. Một số người, bắt đầu từ việc phê bình chủ nghĩa duy lý, đã thừa nhận xu hướng phi lý. Để thấy rõ về vấn đề này, cách hiệu quả nhất là xem xét kỹ lưỡng cách thức họ xây dựng những kết quả của mình.

Nếu chỉ xét trong các lý thuyết triết học hiện sinh, tôi thấy rằng không có lý thuyết nào gợi ý đào thoát. Thông qua một lập luận kỳ lạ, bắt nguồn từ sự phi lý trên đống đổ nát của lý trí, trong một vũ trụ đóng kín dành cho con người, những triết lý hiện sinh này thần thánh hóa chính cái điều đã nghiền nát chúng và tìm ra lý lẽ để đặt hy vọng trong chính cái điều đã ép chúng đến kiệt cùng. Các triết lý đó đều tìm niềm hy vọng gượng gạo đó trong tôn giáo. Điều này quả đáng chú ý.

Tôi sẽ chỉ phân tích làm ví dụ một số chủ đề gần gũi với quan điểm của Chestov và Kierkegaard. Nhưng Jaspers cũng cho ta một ví dụ điển hình cho thái độ này, dù dưới hình thức bị bóp méo. Chính vì thế quan điểm của các vị còn lại rõ ràng dễ thấy hơn. Jaspers không thấu tỏ được cái siêu việt, không lường được độ sâu của kinh nghiệm, và ý thức được rằng vũ trụ đảo lộn khi con người cảm nghiệm sự thất bại. Ông sẽ đạt được bước tiến nào, hoặc ít nhất rút ra được kết luận từ đó? Jaspers không đóng góp gì mới. Ông đã không tìm thấy gì trong quá trình trải nghiệm ngoài lời thú nhận về sự bất lực của mình, cũng không có cơ hội luận ra bất kỳ nguyên tắc thỏa đáng nào. Nhưng rồi đột nhiên, không cần bất kỳ sự chứng minh nào, như ông từng tự thừa nhận, ông đột nhiên cùng lúc khẳng định cả cái siêu việt, bản chất của kinh nghiệm, và ý nghĩa phi thường của cuộc sống khi ông viết: "Vượt ngoài mọi lời giải thích và diễn giải, thất bại của con người báo hiệu sự hiện hữu của siêu việt, chứ không phải là sự thiếu vắng nó, không phải vậy sao?" Đột nhiên bị thúc đẩy bởi lòng tự tin mù quáng của con người, ông lý giải cho tất cả mọi điều, mà ông định nghĩa là "sự thống nhất không thể tưởng tượng của cái chung toàn thể và cái cụ thể". Như vậy sự phi lý trở nên thần thánh (theo nghĩa rộng nhất của từ này và sự vô năng lực thấu hiểu của con người lại trở thành một hiện hữu soi rọi mọi điều. Lập luận này không có tiền đề logic nào. Tôi gọi nó là một bước nhảy. Và nghịch lý thay, cũng có thể hiểu rằng sự khăng khăng của Jasper, lòng kiên nhẫn vô chừng của ông chỉ biến cái siêu việt thành điều không thể thấu tỏ được. Nói đơn giản hơn, cái định nghĩa ấy càng trống rỗng, thì cái siêu việt càng trở nên thực với ông, vì niềm đam mê tận tụy ông dành để khẳng định nó tỷ lệ thuận với khoảng cách giữa năng lực giải thích của ông và sự không thể lý giải của thế giới lẫn của trải nghiệm. Như vậy xem ra Jaspers càng cay đắng phá hủy những định kiến của lý trí thì ông càng giải thích thế giới một cách triệt để hơn. Vị tông đồ mang tư tưởng bị hạ nhục này sẽ tìm thấy ở tận cùng của sự chà đạp đó các phương tiện phục hồi sự tồn tại ở tột cùng chiều sâu của nó.

Lâu nay những tư tưởng nhuốm màu sắc tâm linh thần bí đã khiến ta quen thuộc với những phương kế như vậy. Chúng chính đáng không kém bất kỳ quan điểm trí tuệ nào khác. Nhưng lúc này tôi áp dụng quy trình như khi xem xét một vấn đề nghiêm túc. Nghĩa là không đánh giá trước giá trị chung của quan điểm này hoặc tác dụng giáo dục của nó, mà tôi chỉ xét xem liệu nó có đáp ứng được các điều kiện tôi đặt ra cho bản thân mình, và liệu nó có phản ánh mối xung đột mà tôi quan tâm hay không. Bây giờ xin trở lại với Chestov. Có một nhận xét rất đáng quan tâm của ông được thuật lại như sau:

"Giải pháp duy nhất đúng", ông nói, "chính ở nơi mà óc phán đoán của con người không tìm thấy giải pháp. Nếu không, chúng ta có cần gì từ Thượng đế? Chúng ta tìm về với Thượng đế chỉ để mong đạt được những điều bất khả. Còn những điều có thể thực hiện được, thì con người đủ sức tự giải quyết". Nếu có một cái gọi là triết học Chestov, tôi có thể nói câu trên khái quát cho các quan điểm của ông. Rồi để kết luận những phân tích hùng hồn của mình khi phát hiện ra sự phi lý cơ bản trong mọi hiện hữu, Chestov không nói: "Đây là sự phi lý", mà là: "Đây là Thượng đế: chúng ta phải nương dựa vào đấng ấy ngay cả khi không thể quy ngài vào bất kỳ phạm trù lý trí nào của chúng ta". Để loại trừ khả năng có thể gây nhầm lẫn, triết gia người Nga này thậm chí còn ám chỉ rằng Thượng đế này có lẽ là chứa đầy hận thù oán ghét, khó hiểu và mâu thuẫn; nhưng bộ mặt của ngài càng ghê tởm thì ngài càng khẳng định rõ quyền lực của mình. Sự vĩ đại của ngài nằm chính ở sự thất thường bất quy tắc. Bằng chứng ngài tồn tại chính là sự vô nhân tính của ngài. Người ta phải nhảy vào ngài và nhờ bước nhảy vọt ấy mà giải phóng bản thân khỏi những ảo tưởng lý trí. Như vậy, đối với Chestov, việc chấp nhận phi lý diễn ra cùng lúc với sự xuất hiện của phi lý. Nhận thức về phi lý phát triển thành thái độ chấp nhận nó, và toàn bộ nỗ lực suy nghĩ logic của ông là để đưa nó ra ánh sáng, để cùng lúc niềm hy vọng lớn lao gắn với nó tuôn trào. Xin nhắc lại rằng thái độ nhìn nhận này hoàn toàn hợp thức, chưa bàn đến đúng sai. Nhưng ở đây tôi đang kiên trì xoáy vào một vấn đề duy nhất và tất cả các hệ quả của nó. Tôi không phải xét đến khía cạnh cảm xúc của một tư tưởng hoặc một hành động của đức tin. Tôi còn có cả đời để làm điều đó. Tôi biết rằng một nhà duy lý hẳn sẽ thấy khó chịu trước quan điểm của Chestov. Nhưng bản thân tôi ngả về quan điểm của ông hơn các vị kia, và tôi chỉ muốn biết ông ta có trung thành và nhất quán với các điều răn của sự phi lý hay không.

Bây giờ, nếu thừa nhận rằng phi lý là điều trái ngược của hy vọng, thì có thể thấy là tư tưởng hiện sinh cho phép Chestov tiền giả định về phi lý, nhưng ông chứng minh nó tồn tại chỉ để gạt nó đi. Tư duy lắt léo như vậy quả là trò quỷ thuật trong cảm xúc của tay pháp sư cao cường. Mặt khác khi Chestov đặt sự phi lý theo cách hiểu của ông đối lập với đạo đức và lý trí hiện tại, ông gọi đó là sự thật và cứu chuộc. Do đó, về cơ bản, định nghĩa về phi lý của Chestov đã có sự tán thành của ông trong đó. Còn nếu thừa nhận rằng tất cả sức mạnh của khái niệm phi lý nằm trong cách thức nó đi ngược lại với những hy vọng cơ bản của chúng ta, nếu cảm thấy rằng để tiếp tục duy trì, sự phi lý phải không được chấp thuận; thì rõ ràng nó đã mất đi khía cạnh thật sự của nó, tính người của nó và cả tính cách tương đối của nó để nhập vào một thể vĩnh hằng đồng thời chứa đựng cả hai điều: viên mãn và không thể thấu hiểu. Nếu có sự phi lý, thì nó ở trong vũ trụ của con người. Thời điểm khái niệm ấy biến thành tấm ván để dậm nhảy vào vĩnh hằng, nó đã không còn kết nối với sự sáng suốt của con người nữa. Phi lý không còn là bằng chứng mà con người biết chắc chắn dù không chấp thuận nó. Cuộc đối đầu bị lảng tránh. Con người hòa nhập với phi lý và trong sự hiệp thông đó làm biến mất đặc trưng cơ bản của phi lý, đó là sự đối lập, sự xé rách và phân ly. Bước nhảy vọt này là một lối thoát. Chestov, người rất thích trích dẫn nhận xét của Hamlet: "Thời gian trôi trật khỏi dòng" 27 , viết về bước nhảy ấy với một niềm hy vọng nguyên thủy chừng như chỉ thuộc về riêng ông. Vì nó không mang ý nghĩa như Shakespeare từng đặt vào lời Hamlet. Cảm giác say sưa trước sự không thể lý giải cũng như tiếng gọi từ nước thiên đàng đã đẩy trí tuệ sáng suốt của ông xa khỏi sự phi lý. Với Chestov lý trí là vô dụng nhưng hãy còn cái gì đó vượt xa ngoài lý trí. Còn đối với một trí óc thực sự nhìn thấu sự phi lý, thì lý trí là vô dụng và không có gì vượt ngoài nó nữa.

Bước nhảy vọt này ít nhất có thể soi sáng cho chúng ta biết thêm một chút về bản chất thật sự của sự phi lý. Chúng ta biết rằng nó không có giá trị gì trừ khi đặt trong trạng thái cân bằng, khi nó nằm trong phép so sánh chứ không phải trong một vế nào của phép so sánh ấy. Mà khéo làm sao Chestov lại chỉ nhấn mạnh vào một vế và phá vỡ thế cân bằng ấy. Ta chỉ thấu tỏ được niềm khao khát hiểu biết và nỗi hoài vọng về cái tuyệt đối khi ta hiểu biết và lý giải được nhiều điều khác trước đó. Phủ nhận lý trí một cách tuyệt đối là vô ích. Nó vẫn hiệu quả trong giới hạn của nó. Nó chính thực là một phần trải nghiệm của con người. Do lý trí mà ta muốn tìm hiểu rõ ràng mọi thứ. Nếu chúng ta không thể hiểu rõ mọi thứ như mong muốn, nếu sự phi lý được sinh ra, thì nó phải được sinh ra ở đúng ngay điểm gặp nhau của lý trí có hiệu quả nhưng bị giới hạn và những điều không thể lý giải không ngừng trỗi dậy. Giờ khi Chestov chống lại những khẳng định theo kiểu triết học Hegel đại loại "sự chuyển động của hệ mặt trời tuân theo các định luật bất biến và những định luật này là lý tính của nó", khi ông hăng hái cố lật ngược quan điểm duy lý của Spinoza 28 , thì thực ra trong quá trình đó ông lại đang làm nổi rõ lên cái hư huyễn trong mọi lý lẽ. Rồi từ đó, ông chuyển sang khẳng định rất "ngọt" rằng sự không thể lý giải vượt trội hơn tất cả 29 . Nhưng quá trình chuyển đổi này không phải rạch ròi dễ thấy. Vì ở đây có sự ảnh hưởng của giới hạn và cấp độ. Các quy luật tự nhiên có ý nghĩa trong một giới hạn nhất định, còn khi vượt ngoài những giới hạn ấy chúng quay lại chống chính bản thân chúng, thế là sự phi lý ra đời. Hoặc những quy luật ấy tỏ ra hiệu quả khi dừng ở cấp độ mô tả sự vật hiện tượng, chứ không phải ở cấp độ lý giải sự vật hiện tượng.

Tất cả đều bị hiến sinh cho điều không thể lý giải, đòi hỏi hiểu biết rành rõ tận tường mọi sự bị gạt đi, cái phi lý cũng biến mất cùng một vế trong phép so sánh của nó. Con người phi lý không làm như trên. Anh ta thừa nhận cuộc đấu tranh, không hoàn toàn bác bỏ lý trí, và thừa nhận những gì không thể lý giải. Anh ta lướt mắt nhìn bao quát mọi thông tin trong suốt quá trình trải nghiệm của mình, và ít khả năng là anh ta sẽ thực hiện cú nhảy trước khi biết rõ. Anh ta chỉ đơn giản biết rằng, nhận thức tỉnh táo không chừa chút dư địa nào cho hy vọng.

Những gì ta thấy được trong quan điểm của Leo Chestov được thể hiện, thậm chí còn rõ ràng hơn, trong quan điểm của Kierkegaard. Quả là rất khó chỉ rõ nhận định của ông trong những tác phẩm có tiếng là khó hiểu ông để lại. Nhưng, dù những tác phẩm của ông chịu bao phản bác, dù ông ẩn mình sau bao nhiêu bút danh, bao nhiêu câu chữ lắt léo hay hài hước, thì ta vẫn có thể cảm thấy trong các tác phẩm đó, như nó vốn thế, một dự cảm (đồng thời là sự lĩnh hội về một sự thật mà rốt cuộc bùng lên trong các tác phẩm cuối cùng: Kierkegaard cũng đã thực hiện bước nhảy của đức tin. Thời thơ ấu của ông đã bị phủ bóng đậm nét bởi đạo Thiên Chúa, đến cuối đời ông lại cũng trở về với khía cạnh khắc nghiệt nhất của nó. Cũng vậy, đối với ông, mâu thuẫn và nghịch lý trở thành tiêu chuẩn của người tu hành. Ông phê phán sự lạc lối của đạo Thiên Chúa đương thời, thế nhưng điều Kierkegaard muốn đạt được rõ ràng chính là sự hy sinh thứ ba mà thánh Ignatius Loyola kêu gọi: "Sự hy sinh trí tuệ" 30

Ý nghĩa này của "bước nhảy" thật kỳ quặc, nhưng không làm chúng ta ngạc nhiên thêm chút nào nữa. Ông coi sự phi lý là tiêu chuẩn của thế giới khác, trong khi nó đơn giản chỉ là phần lắng lại của kinh nghiệm về thế giới này. "Trong thất bại của mình," Kierkegaard nói, "người tín hữu tìm thấy niềm vui chiến thắng".

Tôi không quan tâm quan điểm đó liệu có liên quan tới bài thuyết giảng hào hứng nào của ông không. Tôi chỉ muốn biết sự trình diễn và bản chất của phi lý có đủ chứng minh cho chính nó hay không. Về điểm này, tôi biết rằng là không. Khi xem xét lại nội hàm ý nghĩa của phi lý, ta hiểu rõ hơn cái cách thức đã truyền cảm hứng cho Kierkegaard. Giữa sự không thể lý giải của thế giới và nỗi hoài vọng về sự phi lý đang trỗi dậy, ông không duy trì được trạng thái cân bằng. Ông không tôn trọng đúng mực mối quan hệ vốn cấu thành cảm giác phi lý, nói chính xác là như vậy. Vì biết chắc rằng mình không thể thoát khỏi cảm giác không lý giải được, ông muốn ít nhất tự cứu mình tránh khỏi nỗi hoài vọng mãnh liệt mà dường như ông cho là vô ích và không hàm ẩn điều gì. Nhưng nếu nhận định của ông đúng về điểm này, thì sự phủ định của ông không thể đúng. Nếu ông lấy sự tuân phục cuồng tín thay thế cho tiếng kêu phản kháng của mình, thì ngay khi đó ông sẽ bị đẩy tới bước tự bịt mắt mình, không thấy được sự phi lý từ trước đến thời điểm ấy vẫn soi sáng cho ông, và quay ra thần thánh hóa điều chắc chắn duy nhất ông nắm được từ lúc ấy về sau: sự không thể lý giải được. Như trong thư của đức cha Abbe Galiani gửi bà d’Epinay, điều quan trọng không phải là được chữa lành, mà là sống chung với bệnh tật của mình. Kierkegaard muốn được chữa lành. Được chữa lành là mong muốn điên cuồng của ông, thể hiện xuyên suốt tập nhật ký của ông. Toàn bộ nỗ lực trí tuệ của ông là nhằm thoát khỏi mâu thuẫn trong thân phận con người. Ta càng thấy nỗ lực ấy mãnh liệt hơn khi trong những lời tự thoại, ông vẫn thường xuyên nhận ra sự hư huyễn của nó, như thể nỗi kính sợ Chúa hay lòng mộ đạo đều không thể cho ông cảm giác bình yên. Rồi cuối cùng sau nhiều lần miễn cưỡng lảng tránh, ông trao cho điều không thể lý giải một diện mạo, và gán cho Chúa những thuộc tính của phi lý: bất công, không theo lớp lang bài bản, và không thể hiểu nổi. Một mình trí óc của ông cố công áp chế những nhu cầu khuất lấp của trái tim con người. Vì không có thứ gì được chứng minh, tất cả mọi thứ đều được minh chứng.

Quả thực, Kierkegaard có chỉ cho chúng ta thấy con đường ông đi. Tôi không muốn đề nghị bất cứ điều gì ở đây, nhưng làm sao khi đọc các công trình của ông mà không nhận ra các dấu hiệu của một sự cắt xén gần như cố ý của linh hồn ấy, để cân xứng với sự cắt xén phải chấp nhận trước sự phi lý? Đây là chủ đề lặp đi lặp lại trong tác phẩm Nhật ký. "Cái tôi thiếu là một sinh vật cũng tuân theo số phận con người... Nhưng thế thì hãy cho tôi một xác thân". Và đây nữa: "Ôi! Nhất là trong thời thanh thiếu, tôi đã không được trao cho thứ gì để được là một con người, thậm chí chỉ trong sáu tháng... những gì tôi thiếu, về cơ bản, là một thân xác và hoàn cảnh vật lý để tồn tại". Rồi ở một nơi khác, vẫn là ông tiếp nối tiếng rao truyền của hy vọng đã vang qua nhiều thế kỷ khiến bao con tim lay động dập dồn, ngoại trừ trái tim của con người phi lý. "Nhưng đối với người Thiên Chúa giáo cái chết chắc chắn không phải là kết thúc mọi điều, nó hứa hẹn đưa lại cho ta vô vàn hy vọng, hơn nhiều so với hy vọng cuộc đời này đưa lại, ngay cả khi cuộc sống tràn đầy sức khỏe và sinh lực". Hòa giải 31 thông qua một trung gian đầy bê bối vẫn cứ là hòa giải. Có lẽ nó để cho người ta tìm được hy vọng trong phạm trù trái ngược của nó, là cái chết. Nhưng ngay cả khi do đồng tín niệm mà ngả theo quan niệm này, thì cũng cần nói rõ rằng bước đi siêu nghiệm đó cũng không giúp đạt được gì. Điều đó vượt quá tầm vóc nhân sinh, như từ người ta vẫn thường nói, do đó phải là siêu nhân mới làm được. Nhưng phần suy luận "do đó" này là thừa. Cái logic ấy vốn không chắc chắn. Cũng chưa có sự kiện thực tế từng xảy ra để có thể dự báo điều đó dựa trên kinh nghiệm và chứng cứ. Tôi chỉ có thể nói rằng, trong thực tế, điều đó vượt qua tầm vóc con người của tôi. Và nếu không rút ra kết luận phủ định nào từ nó, thì ít nhất tôi cũng không muốn dựng nên bất kỳ điều gì dựa trên nền tảng mình không hiểu được. Tôi muốn biết liệu mình có sống được với những gì mình biết, và chỉ những điều mình biết thôi hay không. Phải, tôi được nhắc nhở rằng điều hứa hẹn đó diễn ra với điều kiện là trí tuệ phải hiến sinh niềm tự hào của nó, và lý trí phải cúi mình. Nhưng dù có tôi nhận ra những giới hạn của lý trí, tôi cũng không vì vậy mà phủ nhận nó, tôi chỉ thấy rõ sức mạnh tương đối của nó. Tôi chỉ muốn dừng ở giữa con đường này, nơi mà trí tuệ hãy còn minh mẫn rõ ràng. Ví như, không có gì sâu sắc hơn quan điểm Kierkegaard rằng tuyệt vọng không phải là một thực tế mà là một trạng thái: trạng thái tột cùng của tội lỗi. Vì tội lỗi vốn cách xa Chúa Trời. Sự phi lý, một trạng thái siêu hình của con người có ý thức, không dẫn dắt ta đến với Chúa Trời 32 . Hay có lẽ sẽ rõ ý hơn nếu tôi liều diễn ý theo cách táo bạo như thế này: phi lý là tội lỗi nằm ngoài sự phán xét của Chúa Trời.

Vấn đề ở đây là sống trong trạng thái phi lý mà tôi biết nó hình thành từ đâu; tâm trí và thế giới này co kéo lẫn nhau mà không thể gắn bó với nhau. Tôi đòi hỏi được biết quy luật của cuộc sống ở trạng thái đó, thế rồi tôi nhận được lời đề nghị thôi hãy bỏ qua nền tảng dựng lên nó, phủ định một trong hai vế của cuộc sự đối lập đau đớn đó, và hãy cam chịu chấp nhận. Tôi đặt câu hỏi về những gì liên quan đến tình trạng mà tôi nhìn nhận là của mình; tôi biết nó hàm ẩn nhiều điều tối tăm khó hiểu và sự vô tri; thế rồi tôi được đảm bảo rằng sự vô tri ấy sẽ giúp làm sáng tỏ mọi điều, và cái u minh ấy chính là ánh sáng soi rọi cho tôi. Nhưng rõ ràng không hề có lời đáp trả cho điều tôi muốn biết, những khuyến dụ hùng hồn xúc động ấy không thể che giấu các nghịch lý khỏi mắt tôi. Trong tình cảnh đó, hẳn người ta đành phải quay đi. Kierkegaard có thể lớn tiếng cảnh báo rằng: "Nếu con người không có ý thức bất diệt, nếu ở đáy tất cả mọi thứ, chỉ có độc mỗi một lực lượng hoang dại sục sôi sản sinh ra vạn vật, từ cái lớn lao tới cái nhỏ bé tầm thường, trong cơn bão của những đam mê tăm tối, nếu đỡ lót dưới tất cả mọi thứ chỉ là sự trống rỗng vô tận không đáy, thì cuộc sống sẽ là gì khác ngoài nỗi thất vọng?" Tiếng kêu này không ngăn được con người phi lý. Tìm kiếm sự thật đâu phải là tìm kiếm điều ta kỳ vọng. Nếu để tránh né câu hỏi cứ khiến ta không yên rằng "Cuộc sống là gì?", mà ta phải nuốt đám hoa hồng ảo tưởng như con lừa, thì tâm trí phi lý không muốn nhượng bộ ảo tưởng dối lừa, chẳng thà chấp nhận lời đáp không sợ hãi của Kierkegaard: "tuyệt vọng". Một tâm hồn cả quyết sẽ luôn có cách chịu đựng được mọi thứ mà nó xem xét.

° ° °

Ở đây tôi mạn phép gọi quan điểm hiện sinh này là sự tự sát triết học. Nhưng cách gọi đó không phải lời đánh giá, mà chỉ để tiện nhắc đến quá trình tư duy vận động phủ định chính nó, và hướng tới vượt quá chính nó ở mức độ phủ định tự thân tột cùng. Với người theo thuyết hiện sinh sự phủ định là Thượng đế của họ. Nói cho chính xác, vị thượng đế này chỉ được duy trì thông qua sự phủ định lý trí con người 33 . Nhưng, cũng giống như người tự sát có thể chết theo nhiều cách thức không giống nhau, thần thánh trong tâm niệm mỗi người mỗi khác. Có nhiều cách để thực hiện bước nhảy, điều quan trọng cốt lõi là phải nhảy. Những phủ định nhằm cứu chuộc này, những chống đối tối hậu phủ nhận chướng ngại chưa thể nhảy qua này, hoàn toàn có thể nảy sinh từ cảm hứng tôn giáo, cũng như từ tư duy lý trí theo trình tự (đây cũng là nghịch lý mà lập luận này muốn chỉ ra . Họ luôn kêu đòi sự vĩnh hằng, và chỉ duy nhất vì nó mà họ thực hiện bước nhảy.

Cần nhắc lại rằng lối lập luận trong tiểu luận này loại trừ toàn bộ thái độ tinh thần phổ biến nhất trong thế kỷ Khai Sáng: thái độ hòng lý giải cả thế giới dựa trên nguyên tắc lý trí bao trùm tất cả. Một khi đã chấp nhận rằng thế giới này là rõ ràng chắc chắn, thì có quan điểm rõ ràng về nó âu cũng là điều tự nhiên. Quan điểm ấy thậm chí có thể coi là chính đáng, nhưng không liên quan đến lập luận của chúng ta ở đây. Mục tiêu của chúng ta là làm sáng tỏ những bước đi của tâm trí, bắt đầu từ triết lý về sự thiếu vắng ý nghĩa trong thế giới này, cho đến bước tận cùng là tìm ra ý nghĩa và chiều sâu trong nó. Phần lâm ly nhất trong những bước này là cái lõi tôn giáo trong bản chất; nó được thấy rõ ràng trong nội dung bàn về những điều không thể lý giải. Nhưng nghịch lý nhất và quan trọng nhất chắc chắn là phần quy gán những lý lẽ đầy lý trí cho một thế giới vốn ban đầu được hình dung là không có bất kỳ nguyên tắc nào định hướng. Không thể nào đạt được kết quả mà chúng ta quan tâm nếu không trước hết xét qua thành tựu mới này của tinh thần hoài vọng.

Ở đây tôi sẽ chỉ xem xét khái niệm "Ý hướng" được Husserl và các nhà hiện tượng học làm cho trở nên thịnh hành. Tôi đã có nhắc qua về nó. Thoạt kỳ thủy, phương pháp (hiện tượng học của Husserl phủ định quy trình kinh điển của lý trí. Xin nhắc lại. Tư duy không phải là quá trình hợp nhất hay tạo ra vẻ bề ngoài quen thuộc cho sự vật hiện tượng dưới vỏ bọc là một nguyên tắc phổ quát nào đó. Tư duy là quá trình học hỏi lại tất cả một lần nữa cách nhìn để thấy, để tập trung ý thức, để dành cho mọi hình ảnh ghi nhận được một vị trí đặc quyền. Nói cách khác, hiện tượng học từ chối giải thích thế giới, mà chỉ muốn đơn thuần mô tả những trải nghiệm có thực. Nó thừa nhận tư duy phi lý ngay trong lời khẳng định ban đầu rằng chỉ có nhiều chân lý chứ không có sự thật. Làn gió nhẹ buổi tối hay bàn tay đặt lên vai tôi lúc này, tất cả đều ẩn chứa chân lý của nó. Ý thức soi tỏ nó bằng cách chú ý đến nó. Ý thức không tự tạo nên đối tượng để lý giải, nó chỉ đơn thuần tập trung chú ý; và nếu mượn kiểu diễn đạt hình tượng của triết gia Bergson thì ý thức giống như chiếc máy đèn chiếu đột nhiên tập trung vào một hình ảnh nào đó. Chỉ khác là sự tập trung của ý thức vào các hình ảnh không theo kịch bản như hình phát trên máy chiếu, mà chỉ là một chuỗi minh họa liên tiếp mà không mạch lạc. Trong cái máy chiếu ấy, mọi hình ảnh đều được dành đặc quyền. Ý thức tạm thời ngưng đọng khi trải nghiệm các đối tượng nó đang chú ý vào. Ý thức cô lập các đối tượng nhờ năng lực kỳ diệu của nó. Từ lúc ấy trở đi, các đối tượng ấy đã vượt ngoài mọi phán xét đánh giá. Đây chính là cái "ý hướng" đặc trưng cho ý thức. Nhưng thuật ngữ cụ thể ấy không hàm ý bất kỳ kết luận tối hậu nào; người ta chỉ lẩy ra phần ý nghĩa "chỉ phương hướng" của từ ấy: nó chỉ như phép đo vẽ cho ta một ý niệm bên ngoài để dễ hình dung mà thôi.

Thoạt nhìn, quan điểm này xem ra không có gì trái với tinh thần phi lý. Rõ ràng ở đây tư duy khiêm tốn khoanh mình trong việc mô tả những gì nó từ chối giải thích. Cái kỷ luật mà tư duy chủ tâm khép mình vào ấy, nghịch lý thay, lại khiến cho trải nghiệm trở nên giàu có, sâu sắc lên, và thế giới tái sinh với tất cả vẻ rườm rà của nó, đó đều là những quy trình phi lý. Ít nhất thoạt nhìn ta thấy vậy. Các phương pháp tư duy, trong trường hợp này hay bất kỳ trường hợp nào khác, luôn luôn khoác lên hai diện mạo, một là tâm lý và cái kia là siêu hình 34 . Theo đó, chúng ẩn giấu hai sự thật. Nếu hành động có chủ tâm nêu trên chỉ đại biểu cho một quan điểm tâm lý, theo đó thực tế bị vắt kiệt chứ không được lý giải, thì thật ra không có gì cách biệt nó với tinh thần phi lý. Nó chỉ nhằm liệt kê ra những gì nó không thể vượt qua. Nó chỉ khẳng định rằng dù không có bất kỳ nguyên tắc nền tảng thống nhất nào, thì tư duy vẫn có thể thỏa thích mô tả và nhận thức được mọi khía cạnh của trải nghiệm. Và những chân lý nhận thức tìm được ứng với mỗi khía cạnh nói trên, về bản chất, thuộc phạm trù tâm lý. Nó chỉ đơn giản chứng nghiệm cho "điều đáng quan tâm" mà thực tế cung cấp. Đó là một cách thức tỉnh thế giới đang im ngủ, làm cho nó trở nên sinh động trước tâm trí. Nhưng nếu ai đó cố gắng đi xa hơn nữa và đặt một nền tảng lý tính cho ý niệm về chân lý đó, nếu ai đó tuyên bố rằng bằng cách này, anh ta khám phá ra được "bản chất cốt lõi" trong từng đối tượng của tri thức, thì anh ta đồng thời đào lại vực thẳm ngăn cách nó với kinh nghiệm. Đối với một tâm trí phi lý, điều đó không thể hiểu nổi. Giờ chính cái dao động giữa sự khoanh mình khiêm tốn và sự đoan chắc mới la điều đáng chú ý trong quan điểm ý hướng này, và hơn bất kỳ điều gì khác, vẻ lờ mờ này của tư tưởng hiện tượng học là minh họa tốt nhất cho lập luận phi lý.

Phát biểu tương tự của Husserl về "bản chất cốt lõi nằm ngoài thời gian" được chủ tâm đưa ra xem xét có mang hơi hướng Plato. Tất cả không thể được lý giải bởi chỉ một, mà phải bởi tất cả. Tôi thấy không có sự khác biệt. Hẳn nhiên, những ý niệm hay những tinh chất cốt lõi mà ý thức "tạo dựng" nên cuối mỗi quá trình mô tả (thành phần của thế giới chưa phải là mẫu hình hoàn hảo. Nhưng có thể khẳng định rằng chúng trực tiếp hiện diện trong mỗi một dữ kiện của nhận thức. Không còn nữa một ý niệm duy nhất giải thích tất cả mọi thứ, mà là vô số bản chất cốt lõi làm nên ý nghĩa cho vô số các đối tượng. Thế giới chạm điểm kết ngưng, nhưng đồng thời cũng được chiếu rọi sáng bừng. Thuyết duy thực Plato nhuốm màu trực cảm, nhưng nó vẫn là quan điểm hiện thực. Kierkegaard đã bị nuốt chửng trong Thượng đế của chính mình; Parmenides nhận chìm tư duy vào Nhất Thể. Ở đây tư duy tự ném mình vào một tôn giáo đa thần trừu tượng. Nhưng chưa hết: những ảo giác và hình ảnh tưởng tượng cũng thuộc về thế giới của "các bản chất cốt lõi ngoài thời gian". Trong thế giới mới của các ý niệm, loài nhân mã nghiêng mình bắt tay với người thị dân bình thường.

Đối với con người phi lý, có một sự thật lẫn nỗi cay đắng trong ý kiến thuần túy thuộc phạm trù tâm lý rằng tất cả các khía cạnh của thế giới đều có vị trí đặc quyền. Nói mọi thứ đều có đặc quyền tương đương với nói rằng tất cả mọi thứ đều ngang nhau. Nhưng khía cạnh siêu hình của sự thật đó đã bị đẩy đi quá xa đến nỗi trong một phản ứng nguyên sơ, con người phi lý cảm thấy mình có lẽ gần với Plato hơn. Anh ta được truyền cho ý tưởng rằng, mọi hình ảnh đều được tiền giả định có một bản chất cốt lõi mang đặc quyền ngang nhau. Trong thế giới lý tưởng vô cấp bậc này, quân đội hẳn gồm toàn các tướng quân. Chắc chắn trong đó sự siêu việt đã bị loại bỏ. Nhưng đột nhiên một thay đổi đột ngột trong tư duy mang trở lại cho thế giới một dạng nội tại chắp vá, từ đó khôi phục chiều sâu của vũ trụ.

Tôi có nên lo ngại rằng mình đã đưa đi quá xa một chủ đề vốn được những người tạo ra nó xem xét với sự thận trọng lớn hơn nhiều? Ở đây tôi chỉ xin đọc những nhận định này của Husserl, nghịch lý rành rành nhưng cũng vô cùng chặt chẽ hợp logic, nếu như ta thừa nhận điều ông nêu ra trước đó: "Điều gì là thật sẽ là sự thật tuyệt đối, tận trong cốt lõi; sự thật là một, là đồng nhất với chính nó, nhưng những đối tượng cảm nhận được nó lại không đồng nhất, có thể là con người, quái vật, thiên thần hay các đấng thần linh". Tôi không thể phủ nhận hồi kèn chiến thắng của lý trí vang ra từ câu đó. Những khẳng định từ tiền đề đó có ý nghĩa gì trong thế giới phi lý? Cảm nhận của một thiên thần hay một thần linh không có ý nghĩa đối với tôi. Cái bối cảnh phát sinh hình học 35 nơi lý trí thần thánh ân chuẩn cho tôi đó luôn không thể nào hiểu nổi đối với tôi. Cũng ở đó, tôi thấy rõ được một bước nhảy, và mặc dù chỉ được thực hiện một cách trừu tượng, nhưng dù sao đối với tôi, nó vẫn có nghĩa là quên lãng những gì tôi không muốn quên. Khi sau đó Husserl thốt lên: "Nếu tất cả các khối lượng chịu lực hấp dẫn mà biến mất, thì định luật hấp dẫn vẫn không bị phá bỏ, mà chỉ đơn giản là không còn lại bất kỳ cái gì để ứng dụng định luật đó nữa", tôi biết rằng mình phải đối mặt với sự an ủi siêu hình. Rồi nếu muốn tìm ra nơi tư duy rời khỏi con đường thực chứng, tôi chỉ cần phải đọc lại lập luận tương tự của Husserl về tinh thần: "Nếu có thể chiêm ngưỡng rõ ràng những định luật chính xác chi phối các quá trình (hoạt động tinh thần, thì hẳn chúng ta cũng sẽ thấy là chúng vĩnh cửu và bất biến như những định luật cơ bản trong lý thuyết khoa học tự nhiên. Do đó chúng có giá trị, ngay cả khi không phát sinh bất kỳ hoạt động tinh thần nào". Ngay cả khi tinh thần không tồn tại thì các định luật của nó vẫn tồn tại! Tôi nhận ra một sự thật tâm lý mà Husserl muốn biến thành một quy tắc hợp lý: sau khi phủ nhận năng lực kết nối của lý trí con người, ông dùng phương cách ấy để nhảy tới Lý trí vĩnh cửu.

Luận điểm sau đó của Husserl về một "vũ trụ cụ thể" không làm tôi bất ngờ nữa. Nên khi đọc thấy rằng tất cả các bản chất cốt lõi không phải đều là hình thức mà một số chúng là vật chất, rằng loại đầu tiên là đối tượng của logic và loại thứ hai là đối tượng của khoa học, thì đây thuần túy chỉ là cách định nghĩa. Lại nghe rằng sự trừu tượng chỉ biểu lộ một phần của vũ trụ cụ thể, mà trong chính nó cũng không có sự nhất quán. Chính từ những chỗ không vững trong các luận điểm trên mà tôi có thể làm sáng tỏ những nhầm lẫn trong đó. Vì những điều trên có nghĩa rằng đối tượng cụ thể mà tôi chú ý đến, bầu trời này, sự phản chiếu của làn nước trên tà áo này, tự nó bảo lưu hơi thở hiện thực đã bị sự chú ý của tôi tách riêng ra khỏi thế giới. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng những điều trên cũng có thể mang nghĩa rằng bản thân chiếc áo khoác này cũng có tính phổ quát, có bản chất cốt lõi đặc thù hẳn hoi, và nó thuộc về thế giới ý niệm 36 . Rồi tôi nhận ra rằng ở đây chỉ đơn thuần thay đổi thứ tự của quá trình. Thế giới này đã không còn nhận ánh phản chiếu từ một vũ trụ vượt cao hơn nó, mà thiên đường của ý niệm giờ hiện ra trong vô vàn hình ảnh trên thế giới này. Với tôi, chẳng có gì thay đổi. Thay vì nếm được ý vị của sự rõ ràng cụ thể, vốn là ý nghĩa của hoàn cảnh sống của con người, thì tôi tìm thấy thuyết duy lý được thả cương đến độ có thể tự thân khái quát hóa được sự cụ thể ấy.

° ° °

Chẳng ích gì mà ngạc nhiên trước nghịch lý hiển nhiên dẫn dắt tư tưởng đến chỗ tự phủ định nó, theo hai con đường đối nghịch là hạ thấp lý trí hay tôn vinh lý trí. Từ vị Thượng đế trừu tượng của Husserl đến Thiên Chúa rực rỡ của Kierkegaard, khoảng cách không phải là quá lớn. Lý trí và bất duy lý đều đưa đến chủ trương như nhau. Để đến với sự thật, đường đi cũng có vai trò nhưng không quan trọng lắm; ý chí quyết đi đến nơi là đủ. Triết gia trừu tượng và triết gia tôn giáo cùng khởi hành từ nỗi trăn trở như nhau, và nâng đỡ cho nhau trong cùng một nỗi bất an. Tuy nhiên, cốt yếu là họ đều ra sức lý giải. Ở đây nỗi hoài vọng mạnh hơn tri thức. Điều quan trọng là tư tưởng thời đại thấm đẫm trong một thứ triết học về sự vô nghĩa của thế giới và đồng thời chia rẽ nhiều nhất ở phần kết luận. Nó dao động liên tục giữa một bên là sự lý giải thực tế theo hướng duy lý cực đoan, hòng muốn chia nhỏ tư tưởng đó thành các chân lý chuẩn mực; còn bên kia là quan điểm cho rằng về sự bất duy lý cũng cực đoan không kém, có xu hướng thần thánh hóa nó. Nhưng sự phân ly này chỉ hiển nhiên rành rõ ở vẻ ngoài. Còn thực ra đây là sự hòa giải, và trong cả hai trường hợp ta đều có thể thực hiện cú nhảy. Người ta vẫn luôn nghĩ lầm rằng khái niệm về lý trí là khái niệm một chiều. Thật ra, cho dù có muốn khắt khe chặt chẽ tới đâu, thì khái niệm này vẫn không hoàn toàn vững chắc, cũng như những khái niệm khác. Lý trí mang một khía cạnh rất con người, nhưng nó cũng có thể hướng về phía thần thánh. Kể từ thời Plotinus, người đầu tiên làm nó hòa hợp được với xu hướng vĩnh cửu, lý trí đã học được cách né khỏi phạm trù yêu chuộng nhất những nguyên tắc của nó, tức sự mâu thuẫn, để nhập vào trong nó yếu tố lạ thường nhất và cũng thật kỳ diệu 37 . Nó là một công cụ của tư duy chứ bản thân không phải là tư duy. Trên tất cả, tư duy con người chính là nỗi hoài vọng của anh ta.

Cũng giống như lý trí từng làm dịu được cơn u sầu của Plotinus, giờ nó cung cấp những phương tiện để nỗi thống khổ hiện đại tự nguôi ngoai trong cái phông nền vĩnh hằng quen thuộc. Tinh thần phi lý ít được may mắn như thế. Vì đối với nó, thế giới không duy lý đến thế mà cũng không bất duy lý đến thế. Thế giới này không thể lý giải được, chỉ có vậy. Với Husserl lý trí không có giới hạn cuối cùng. Ngược lại, phi lý phải thiết lập giới hạn cho mình bởi nó không có khả năng làm nguôi dịu được nỗi thống khổ nó mang. Kierkegaard độc lập khẳng định rằng chỉ cần một giới hạn duy nhất là đủ để làm tan đi nỗi khổ đó. Nhưng phi lý không đi tới đó. Với nó giới hạn đó chỉ hướng tới những tham vọng mà lý trí muốn đạt được. Luận điểm về sự bất duy lý, theo như các nhà hiện sinh quan niệm, chính là lý trí trở nên bối rối và trốn tránh bằng cách phủ nhận chính nó. Còn phi lý là lý trí sáng suốt biết lưu ý nhận biết những giới hạn của mình.

Chỉ khi đến cuối con đường khó khăn này, con người phi lý mới nhận ra những động cơ thực sự của mình. Khi so sánh giữa nhu cầu nội tại cấp bách của mình và viễn cảnh chờ đón mình, con người phi lý đột nhiên cảm thấy muốn quay đi. Trong vũ trụ của Husserl thế giới trở nên rõ ràng, thế nên nỗi khao khát về sự quen thuộc, nơi trái tim con người nương náu, trở nên vô dụng. Còn trong sự khải huyền của Kierkegaard, trước hết ta phải từ bỏ mong muốn thấu hiểu rõ ràng thế giới nếu muốn thỏa mãn mong muốn đó. Hiểu biết về tội lỗi không nhiều (nếu không thì ai ai cũng giữ được mình vô tội bằng niềm mong muốn hiểu biết về tội lỗi. Thật sự, đó là tội lỗi duy nhất mà con người phi lý cảm thấy nó cấu thành cả lỗi lầm lẫn sự vô tội của anh ta. Anh ta được bày trước mắt một giải pháp, trong đó mọi mâu thuẫn trong quá khứ trở thành trò luận chiến đơn thuần. Nhưng đó không phải là con đường anh ta từng trải nghiệm những mâu thuẫn ấy. Sự thật trong chúng phải được bảo toàn, chính ở trạng thái không được thỏa mãn. Con người phi lý không muốn nghe lời rao truyền.

Lập luận của tôi muốn trung thành với bằng chứng đã khuấy động nó lên. Bằng chứng đó là phi lý. Đó là cuộc phân ly giữa tinh thần khát khao hiểu biết và thế giới gây thất vọng cho nó; giữa nỗi hoài vọng của tôi về trạng thái thống nhất, vũ trụ bị phân mảnh này và cái mâu thuẫn mà nối kết chúng lại với nhau. Kierkegaard đè nén nỗi hoài vọng của tôi, còn Husserl gom hợp lại vũ trụ đó. Đó không phải điều tôi mong đợi. Vấn đề là sống và tư duy với những phân liệt đó, là biết phân biệt phải chấp nhận hay khước từ. Không thể che lấp phi lý hay đè nén sự phi lý bằng cách bỏ đi một trong hai vế phương trình cân bằng của nó. Điều quan trọng là phải biết ta có sống chung được với nó hay không, hay mặt khác, liệu theo logic ta có buộc phải chết vì nó hay không. Tôi không quan tâm đến tự sát triết học bằng sự tự sát đơn thuần. Tôi chỉ muốn thanh tẩy nó khỏi nội hàm cảm xúc và hiểu được logic của nó, tính toàn vẹn của nó. Bất kỳ vị trí tiếp cận nào khác đều hàm ý sự lừa dối tâm trí phi lý và sự rút lui của tâm trí trước khi nó được đưa ra ánh sáng. Husserl tuyên bố đi theo khát khao được thoát khỏi "thói quen thâm căn cố đế là sống và tư duy trong hoàn cảnh dễ chịu mà bản thân tương đối biết rõ", nhưng bước nhảy cuối cùng đã phục hồi trong ông sự vĩnh cửu và nguồn an ủi của nó. Bước nhảy ấy không đại diện cho mối nguy hiểm tột cùng như Kierkegaard hằng mong. Sự nguy hiểm ấy, ngược lại, chỉ nằm trong cái chốc lát vi tế ngay trước bước nhảy. Có thể trụ lại ở đỉnh cao ngất ngưởng đến chóng mặt đó là sự vẹn toàn, phần còn lại là sự lẩn tránh. Tôi cũng biết rằng chưa bao giờ sự bất lực truyền cảm hứng và giúp đạt được sự hòa hợp đáng kinh ngạc như trong trường hợp của Kierkegaard. Nhưng nếu giả như sự bất lực ấy quả có một vị trí nào trong cảnh quan vô tư của lịch sử, thì nó vẫn không là gì trong lập luận mà giờ ta đã biết được nhu cầu bức thiết của nó.

Tự do phi lý

Giờ chuyện chính đã xét xong, tôi quy tụ được một số nền tảng không thể tách rời. Những gì tôi biết, những gì là chắc chắn, những gì tôi không thể phủ nhận, những gì tôi không thể gạt bỏ - đây là những điều đáng kể. Tôi có thể phủ nhận toàn bộ cái phần trong tôi muốn sống với nỗi hoài vọng mơ hồ, ngoại trừ mong muốn về sự hợp nhất, khát khao làm sáng tỏ mọi điều và nhu cầu thấy thế giới này là rõ ràng và gắn kết. Tôi có thể bác bỏ tất cả mọi thứ phạm đến tôi hoặc khiến tôi say mê trong thế giới xung quanh mình, ngoại trừ sự hỗn loạn này, cơ hội thần diệu này và phép tương đương thần thánh sinh ra từ chính tình trạng hỗn loạn. Tôi không rõ thế giới này có hay không một ý nghĩa vượt cao hơn nó. Nhưng tôi biết rằng nếu có thì tôi cũng không biết, và ngay lúc này tôi không có cách nào tìm biết. Làm sao tôi cảm thấu được một ý nghĩa siêu nghiệm vượt ngoài bối cảnh nhân sinh? Tôi chỉ có thể hiểu những gì trong giới hạn con người. Tôi hiểu được thứ tôi chạm được vào, những thứ chống kháng lại tôi. Tôi cũng biết mình không thể nào dung hòa hai điều chắc chắn như nhau: là nỗi khao khát hướng về sự tuyệt đối và nhất nguyên, cũng như nỗi bất lực không thể quy giản thế giới này về một nguyên tắc lý trí duy nhất mà (con người có thể lý giải được. Tôi có thể thừa nhận sự thật nào khác mà không phải dối trá, mà không làm nảy lên niềm hy vọng tôi vốn thiếu và cũng chẳng có ý nghĩa gì trong hoàn cảnh của tôi?

Giả như tôi là một cái cây giữa rừng, giả như tôi là một con mèo giữa muôn loài động vật, thì cuộc sống này sẽ có một ý nghĩa, hay đúng hơn là vấn đề này sẽ không được đặt ra, bởi vì tôi thuộc về thế giới này. Khi đó tôi sẽ là thế giới này, cái thế giới mà giờ tôi chống lại với toàn bộ ý thức của mình lẫn nỗi khăng khăng hướng về những gì thân thuộc. Chính lý trí lố bịch này đặt tôi vào thế đối lập với tất cả tạo vật. Tôi không thể đơn giản lấy bút gạch bỏ nó đi. Tôi phải bảo vệ lấy điều tôi tin là đúng. Tôi phải ủng hộ tới cùng điều tôi thấy rõ rành rành, cho dù nó chống lại tôi. Và nếu không phải là nhận thức, thì còn có thứ gì tạo nên cơ sở của xung đột đó, cho sự rạn nứt giữa thế giới và tâm trí tôi? Vì thế, nếu tôi muốn bảo toàn nó, nhận thức của tôi sẽ trong tình trạng luôn luôn tỉnh thức, luôn luôn được khuấy động. Tại lúc này, tôi phải nhớ như vậy. Tại lúc này, sự phi lý, đã quá rõ ràng và vì thế khó lòng giành chiến thắng, quay về cuộc sống bình thường của con người và tìm thấy chốn nương náu của nó. Cũng chính tại thời điểm này, tâm trí có thể rời con đường cằn kiệt và vô vị hướng tới mục tiêu soi tỏ mọi điều. Con đường đó bây giờ mở ra trong cuộc sống hằng ngày. Nó chạm trán với thế giới "người ta" vô danh vô tính, nhưng cũng từ đó trở đi con người dự phần vào cùng sự nổi dậy và sáng suốt của mình. Anh ta đã quên cách hy vọng. Địa ngục ngay phút hiện tại này chính là Nước Trời cùng tận. Mọi vấn đề tái phục hồi khía cạnh sắc bén của chúng. Chứng cứ trừu tượng lui bước trước chất thơ của các hình thái và màu sắc. Các xung đột tinh thần nên hình nên dạng, quay về chốn trú ẩn bé mọn mà tráng lệ nơi trái tim con người. Không mối xung đột tinh thần nào được giải quyết. Nhưng tất cả đều được tôn cao nổi rõ. Phải chăng người ta sẽ chết đi, đào thoát bằng bước nhảy, rồi xây dựng lại dinh thự nguy nga của các ý niệm và hình thái theo chuẩn mực của riêng mình? Hay ngược lại, phải chăng người ta sẽ tiếp tục gánh lấy thách thức thống khổ mà tuyệt diệu của sự phi lý? Chúng ta hãy nỗ lực lần cuối cùng và rút ra mọi kết luận liên quan. Xác thân, tình cảm, sáng tạo, hành động, sự cao quý của con người sau đó sẽ lấy lại vị trí của chúng trong thế giới điên rồ này. Ở đó, con người cuối cùng sẽ một lần nữa tìm thấy thứ rượu vang phi lý và món bánh mì của sự thờ ơ mà anh ta dùng nó nuôi dưỡng sự vĩ đại của mình.

Xin nhấn mạnh một lần nữa về phương pháp: quan trọng là phải kiên trì bền bỉ. Đến một điểm nhất định trên con đường của mình, con người phi lý thấy mình bị cám dỗ. Lịch sử không thiếu các loại tôn giáo lẫn những đấng tiên tri, thậm chí cả khi không có thánh thần. Con người phi lý bị thôi thúc phải nhảy. Khi đó anh ta chỉ có thể đáp trả rằng anh không hiểu hết, rằng cú nhảy ấy không rõ ràng. Thật vậy, anh ta không muốn làm bất cứ điều gì ngoài những gì anh ta hoàn toàn hiểu rõ. Con người phi lý lại nghe khẳng định rằng thái độ đó là tội lỗi sinh ra từ thói kiêu ngạo, nhưng anh ta vốn không hiểu khái niệm tội lỗi; có thể sau này anh phải xuống địa ngục thật, nhưng hiện giờ anh ta không đủ trí tưởng tượng để hình dung ra tương lai kỳ lạ đó; rồi anh ta lại bị thuyết giáo rằng anh đang tự tay đánh mất cuộc sống bất tử về sau, nhưng điều đó đối với anh xem ra chỉ là cách nhìn nhận không căn cứ. Ta có thể thấy được bao nhiêu nỗ lực để bắt anh phải thừa nhận tội lỗi của mình. Còn bản thân con người phi lý thấy mình vô tội. Thật ra, tất cả những gì anh ta cảm thấy là sự vô tội không gì suy suyển được. Điều đó cho phép anh ta làm mọi điều. Vậy là anh yêu cầu bản thân là chỉ sống theo những gì mình biết, để thích nghi với ngoại giới như nó vốn thế, và không xét đến bất kỳ điều gì không chắc chắn. Anh được rao giảng rằng vạn sự đều là hư không, nhưng nói vậy thì ít nhất bản thân câu khẳng định đó cũng là một điều chắc chắn. Và đó chính là điều khiến con người phi lý quan tâm: anh ta muốn tìm hiểu xem có thể sống mà không viện cầu hay không.

Giờ xin bắt đầu đi vào khái niệm tự sát. Bên trên đã nhắc tới giải pháp nó đưa lại. Còn ở đây vấn đề được lật lại. Ban đầu là tìm hiểu xem để sống trên đời, liệu cuộc sống có cần mang một ý nghĩa nào đó không. Giờ đã rõ rằng, ngược lại, cuộc sống tốt hơn nhiều nếu nó không phải gánh ý nghĩa nào cả. Đi qua một trải nghiệm, sống hết số phận cụ thể của mình, chính là chấp nhận nó hoàn toàn. Giờ không ai chấp nhận số phận một khi đã biết nó là phi lý, trừ khi người đó làm tất cả mọi cách để giữ trước mặt mình sự phi lý được soi tỏ dưới ánh sáng nhận thức đó. Phủ nhận một trong hai vế đối lập đặt nền cho cuộc sống của anh đồng nghĩa với trốn tránh nó. Dập đi sự nổi dậy của ý thức là thoái thác vấn đề. Cuộc nổi dậy lâu dài đó vì thế được chuyển vào trải nghiệm sống của mỗi cá nhân. Quá trình sống chính là quá trình giữ cho sự phi lý sống động. Mà làm như vậy, trên hết, là để suy ngẫm về nó. Không như Eurydice 38 , sự phi lý chỉ chết khi ta quay lưng lại với nó. Cũng vì vậy, một trong những lập trường triết học chặt chẽ liền mạch hiếm hoi chính là sự nổi dậy. Nó là cuộc đối đầu liên tục giữa con người và sự u minh của chính mình. Nó đại diện cho thái độ khăng khăng hướng về sự minh bạch rõ ràng không thể nào đạt tới. Nó thách thức thế giới trong từng giây từng phút. Cũng giống như hoàn cảnh hiểm nghèo là thời khắc có một không hai khiến nhận thức con người bừng tỉnh, thì cuộc nổi dậy siêu hình đó khai mở cho nhận thức vươn phủ hết tầm trải nghiệm trong kiếp nhân sinh. Nó đại diện cho sự hiện diện liên tục của con người trong mắt chính anh ta. Nó không phải là khát vọng, bởi nó không chứa đựng hy vọng. Cuộc nổi dậy đó là điều chắc chắn xuyên suốt kiếp mệnh nhân sinh sớm muộn cũng bị cái chết nghiền nát, và dù cho như thế, (con người phi lý không chấp nhận cam chịu.

Cũng ngay điểm này ta có thể chứng kiến trải nghiệm phi lý cách xa hành động tự sát đến mức nào. Có thể có người cho rằng tự sát là hệ quả kéo theo từ sự nổi dậy - không phải vậy. Vì tự sát không phải là kết quả hợp lý của quá trình nổi dậy. Nó chỉ trái ngược với sự đồng tình mà nó phỏng định trước đó. Tự sát, cũng như bước nhảy, là sự chấp nhận ở mức tột cùng. Mọi thứ kết thúc, con người tự ghi tên vào trang sử đời mình. Tương lai của người đó, cái tương lai đáng sợ của riêng mình - anh ta thấy rõ và lao về phía nó. Tự sát dẹp yên sự phi lý theo cách của nó. Nó nhấn chìm phi lý trong cái chết. Nhưng tôi biết rằng để phi lý vẫn tiếp tục tồn tại, thì nó không được phép nguôi lắng. Nó tránh khỏi kết cục tự sát, ở chừng mức rằng nó nhận thức được và khước từ cái chết. Sự phi lý chính là sợi dây giày con người sắp tự sát nhìn thấy trong vệt lóe nhận thức tột cùng, giữa bao nhiêu thứ khác, ngay sát bờ vực của cú nhảy choáng váng. Thật ra điều đối ngược với hành động tự sát chính là con người bị kết án tử.

Cuộc nổi dậy đó đem lại giá trị cho cuộc sống. Nó lấy lại vẻ cao quý cho cuộc đời nó tồn tại xuyên suốt. Người nào không muốn sống trong mù lòa, thì tầm nhìn tốt nhất dành cho anh ta chính là tầm nhìn của trí tuệ khi hòa bện với cái thực tế vốn vượt ngoài tầm nó. Tầm nhìn của lòng kiêu hãnh nhân loại là vô song. Không gì có thể làm ô danh nó. Nếp kỷ luật mà tâm trí tự khép mình vào, cái ý chí sinh ra dù vô căn vô cội, cuộc đấu tranh trực diện đó, tất cả đều vô cùng đặc biệt. Nghèo kiệt hóa cái thực tế mà chính khía cạnh phi nhân lạnh lùng của nó tôn lên vẻ uy nghi của con người cũng chính là làm nghèo kiệt chính bản thân người đó. Tôi giờ đã hiểu vì sao những nguyên tắc giáo điều vốn giúp tôi lý giải mọi điều trong ngoại giới cũng đồng thời khiến cho tôi trở nên yếu nhược. Chúng đỡ khỏi tôi gánh nặng cuộc đời mình, nhưng tôi vốn phải tự mình gánh lấy. Ở điểm này, tôi không dám tưởng tượng rằng phép siêu hình đầy hoài nghi đó có chút gì liên hệ với hành động hy sinh quên mình.

Ý thức và cuộc nổi dậy, những sự khước từ ấy, là thái cực trái với sự hy sinh. Ngược lại, chính niềm say mê và tinh thần không cam khuất phục trong trái tim con người thôi thúc hai điều ấy. Điều cốt yếu là chết mà không cam chịu và không tự nguyện. Tự sát là sự phản đối. Con người phi lý chỉ có thể bòn vắt mọi thứ cho đến tận kết thúc kiệt cùng cay đắng, và rút cạn cả chính mình. Cái phi lý chính là sự căng thẳng tột độ mà anh ta một mình cố gắng duy trì liên tục, vì anh biết trong nhận thức và trong cuộc nổi dậy từng ngày từng giờ đó, anh đang tiếp thêm bằng chứng cho sự thật duy nhất đối với anh, là sự kháng cự không cam chịu. Đây là kết quả đầu tiên.

° ° °

Nếu còn nán lại vị trí dọn sẵn để rút ra mọi kết luận (và không gì khác nữa liên quan đến một khái niệm mới vừa khám phá, thì tôi phải đối mặt với nghịch lý thứ hai. Để vẫn trung thành với phương pháp của mình, tôi không xét đến sự tự do siêu hình. Tôi không quan tâm đến chuyện con người có được tự do hay không. Tôi chỉ có thể trải nghiệm sự tự do của riêng mình. Đối với nó, tôi không xây dựng các khái niệm tổng quát, mà chỉ đưa ra được một số chiêm nghiệm sâu. Luận đề "tự do đúng nghĩa" chẳng có ý nghĩa gì, vì nó liên quan đến Thượng đế, dù theo một cách rất khác. Tìm hiểu xem con người có tự do hay không sẽ liên quan đến việc tìm hiểu xem người đó có bị đấng bề trên nào chi phối hay không. Sự phi lý ở đây là: chính khái niệm bồi đắp nên luận đề tự do đã tước đi ý nghĩa của tự do. Vì trong sự hiện diện của Thượng đế, xem ra cái xấu được ưu tiên hơn tự do. Ta đã biết có hai khả năng thay thế nhau: Hoặc là chúng ta không tự do, và đấng Thượng đế toàn năng phải chịu trách nhiệm cho mọi cái xấu cái ác trên đời. Hoặc là chúng ta tự do và chịu trách nhiệm về những điều xấu đã làm, nhưng như vậy thì Thượng đế không phải toàn năng. Mọi quan điểm kinh viện tinh vi đều tránh không thêm gì cũng chẳng bớt gì vào nghịch lý gay gắt đó.

Cũng vì vậy mà tôi không thể đi theo hướng vinh danh đấng tối cao hay tin vào định nghĩa thuần túy của khái niệm (tự do vốn vượt quá tầm hiểu biết của tôi, và sẽ mất đi ý nghĩa ngay khi nó vượt khỏi cái khung tham chiếu là trải nghiệm tự thân của tôi. Tôi không hiểu thứ tự do gì sẽ được trao cho mình bởi một đấng cao hơn mình. Tôi đã mất đi ý thức về thứ bậc. Cách hiểu duy nhất về tự do mà tôi biết là cách hiểu về tự do của một người tù hay của một cá nhân trong lãnh thổ có Nhà nước. Tự do duy nhất tôi biết là tự do trong tư tưởng và hành động. Cho dù sự phi lý tước đi mọi cơ hội đến với tự do vĩnh cửu của tôi, thì mặt khác nó phục hồi và mở rộng tự do của tôi trong hành động. Thiếu vắng hy vọng và tương lai chính là tăng tính sẵn sàng trong hiện tại của con người.

Trước khi chạm trán sự phi lý, hằng ngày con người vẫn sống với những mục tiêu, mải bận tâm cho tương lai hoặc một cơ sở để cậy mong (ở đây không xét đến trông cậy vào ai hay thứ gì . Người đó tính toán những khả năng, trông mong vào "một ngày nào đó", lúc nghỉ hưu hay việc làm cho lũ con trai trong nhà. Anh ta vẫn nghĩ rằng mình định hướng được phần nào đó trong cuộc đời mình. Thật ra, anh ta hành động như thể anh ta có tự do, ngay cả khi tất cả mọi sự diễn ra đều chứng minh điều ngược lại. Nhưng sau khi vấp phải sự phi lý, mọi thứ đảo lộn. Hình dung của tôi về bản thân, cách tôi hành xử như thể mọi điều đều có một ý nghĩa nhất định (dù thảng hoặc tôi cũng kêu lên rằng mọi thứ thật vô nghĩa - tất cả đều bị gán cho một niềm tin sai lạc đến choáng váng bởi sự phi lý trong cái chết sau này. Nhưng tới thời điểm đó, tôi nhận rõ rằng sự tự do ở mức cao hơn, cái tự do sẽ có sau này, vốn tự nó đủ trở thành nền tảng cho một sự thật, không hề tồn tại. Cái chết ở phút lâm tử là thực tại duy nhất. Sau cái chết, ván bài đến hồi lật ngửa. Chính tôi cũng không được tự do để làm cho bản thân mình bất diệt, mà tôi là một nô lệ, hơn nữa còn là kẻ nô lệ không có hy vọng nhưng vẫn phải duy trì cuộc nổi dậy không ngừng nghỉ, và không viện đến sự hạ mình. Và ai còn có thể là nô lệ một khi không còn đấu tranh và không phải hạ mình? Thứ tự do gì có thể hiện hữu theo nghĩa trọn vẹn nhất nếu không có sự bảo đảm đời đời?

Nhưng đồng thời con người phi lý nhận ra rằng cho đến lúc đó anh ta vẫn bị gắn chặt với định đề về tự do vốn dựng trên những ảo tưởng mà anh ta đang chung sống. Xét theo một nghĩa nào đó, điều đó cản trở anh ta. Chừng nào anh ta còn tưởng tượng đến một mục đích trong đời, thì anh ta còn uốn mình theo các đòi hỏi để đạt được yêu cầu đó, và trở thành nô lệ của chính sự tự do. Như vậy ta chỉ có thể cư xử như một người cha (hoặc người kỹ sư hoặc người lãnh đạo của một quốc gia hoặc một tay thư ký quèn ở bưu điện , tức vai trò mà ta đang chuẩn bị để đảm đương. Ta nghĩ mình có thể chọn trở thành như vậy, chứ không phải là bất cứ gì khác. Tôi nghĩ vậy một cách vô thức, chắc chắn là thế. Nhưng đồng thời tôi cũng đang củng cố định đề của mình bằng niềm tin về những gì xung quanh tôi, bằng những những giả định về môi trường tôi sống (Những người khác đều chắc mẩm là họ đang được tự do, mà thái độ lạc quan đó rất dễ lây lan! Dù cho một người có giữ được cự ly bao xa khỏi những giả định về mặt đạo đức hay xã hội, thì người đó dù sao cũng phần nào chịu ảnh hưởng từ chúng; và thậm chí, trước giả định mạnh nhất trong số đó (có giả định tốt và giả định xấu , người đó còn điều chỉnh cuộc đời mình theo chúng. Khi đó con người phi lý nhận ra anh ta đã không thực sự tự do. Để nói rõ, trong chừng mức tôi gây niềm hy vọng, trong chừng mức tôi lo nghĩ về sự thật trong cách thức tồn tại hay sáng tạo - cái sự thật có lẽ chỉ riêng dành cho tôi, trong chừng mức tôi xếp đặt đời mình và qua quá trình ấy chứng minh rằng tôi thừa nhận cuộc đời mang một ý nghĩa; thì tôi đang tự dựng nên những hàng rào hãm đời mình trong đó. Tôi hành động hệt như bao nhiêu "tay chức việc" quan liêu điều khiển tâm trí và trái tim tôi, vốn toàn nhồi vào tôi những điều kinh tởm và nết xấu xa duy nhất của họ, như bây giờ tôi đã nhận rõ, là đã chủ tâm xét định tự do của con người.

Phi lý soi sáng cho tôi nhận rõ điểm này: không có tương lai. Từ lúc đó, đây chính là lý lẽ để tôi vươn đến tự do nội tại. Ở đây xin nêu ra hai so sánh như sau: Trước hết là những người tin theo tâm linh thần bí, họ tìm thấy tự do khi hiến mình. Khi đánh mất bản thân vào tay vị thánh thần của họ, khi chấp nhận những quy tắc của đấng ấy, họ lặng thầm có được tự do. Khi tự nguyện chấp nhận tình trạng nô lệ, họ có được sự độc lập sâu xa hơn. Nhưng sự tự do ấy có ý nghĩa gì? Có thể nói rằng, trên hết, họ cảm thấy được tự do trước chính mình, chứ không phải tự do vì được giải phóng. Tương tự, khi toàn tâm hướng về cái chết (mà ở đây được coi là sự phi lý rõ rệt nhất , con người phi lý cảm thấy được giải thoát khỏi mọi thứ trong ngoại giới mà sự say mê trước chúng đã kết tinh trong lòng anh ta. Anh tận hưởng sự tự do trước những hàng rào quy tắc hợp lẽ thường. Ở điểm này có thể thấy rằng những chủ đề khởi điểm của triết học hiện sinh vẫn vẹn nguyên giá trị của nó. Quay về với nhận thức, đào thoát khỏi giấc ngủ triền miên ngày qua ngày, tất cả tượng trưng cho những bước đầu tiên hướng tới tự do phi lý. Nhưng như thế cũng là ám chỉ đến sự rao truyền của chủ nghĩa hiện sinh, và cùng với đó là bước nhảy tinh thần thoát khỏi nhận thức. Theo cùng cách như vậy (đây là sự so sánh thứ hai của tôi , những nô lệ thời cổ đại cũng không làm chủ chính họ. Nhưng họ biết tự do chính là ở chỗ không cảm thấy phải gánh trách nhiệm 39 . Cái chết cũng mang những bàn tay quý tộc, trong khi nghiền nát cũng đồng thời giải phóng người ta.

Thả mình trong sự chắc chắn vô tận, cảm thấy từ nay trở đi đã lùi đủ xa khỏi cuộc sống của chính mình để phát triển nó và quan sát nó từ góc nhìn rộng mở - điều này bao hàm nguyên tắc cơ bản của sự giải phóng. Sự độc lập mới có được đó giới hạn về mặt thời gian, cũng như bất kỳ sự tự do nào trong hành động. Nó không hứa hẹn sự vĩnh hằng. Nhưng nó thế chỗ cho những ảo tưởng về tự do, vốn sẽ tiêu tan cùng với cái chết. Thái độ sẵn sàng cung hiến thiêng liêng của con người bị kết án trước cánh cửa ngục mở ra trước mặt anh ta vào một sớm mai nào đó, sự ơ hờ khó tin trước mọi sự ngoại trừ ngọn lửa tinh khiết của cuộc sống - rõ ràng cái chết và sự phi lý là những nguyên tắc đưa tới sự tự do duy nhất có thể lý giải: thứ tự do mà trái tim con người có thể thực sự sống và trải nghiệm. Đây chính là kết quả thứ hai. Từ đó con người phi lý có thể thấu suốt vũ trụ hữu hạn vừa cháy bỏng vừa giá băng, trong đó mọi điều đều bất khả nhưng đồng thời mọi thứ đều được phô bày, và vượt ngoài vũ trụ đó chỉ có sụp đổ và hư vô. Con người phi lý khi đó quyết định chấp nhận vũ trụ này và trích rút từ nó sức mạnh, sự khước từ trước hy vọng và bằng chứng đanh thép về một cuộc đời không cần được xoa dịu.

° ° °

Nhưng trong một vũ trụ như vậy thì cuộc sống mang ý nghĩa gì? Không có gì khác ngoài sự dửng dưng trước tương lai và mong muốn tận dụng tất cả mọi thứ được trao cho. Niềm tin vào ý nghĩa của cuộc sống luôn luôn đồng thời ngụ ý một thang giá trị, một sự lựa chọn, và những sở thích. Còn niềm tin vào phi lý, theo định nghĩa của chúng ta ở đây, chủ trương điều ngược lại. Điều này đáng để xét kỹ.

Tất cả những gì tôi quan tâm là tìm hiểu xem liệu người ta có thể sống mà không viện cầu hay không. Tôi không muốn làm điều quá tầm hiểu biết của mình. Khía cạnh này của cuộc sống được hé lộ cho tôi, liệu tôi có điều chỉnh mình để thích nghi với nó? Trước mối quan tâm cụ thể này, niềm tin vào sự phi lý chẳng khác nào thay thế số lượng trải nghiệm bằng chất lượng trải nghiệm. Nếu tôi thuyết phục bản thân mình rằng cuộc sống này không có khía cạnh nào khác hơn sự phi lý; nếu tôi cảm thấy rằng toàn bộ trạng thái cân bằng của nó phụ thuộc vào sự đối lập vĩnh viễn giữa cuộc nổi dậy trong ý thức của tôi và sự tăm tối nó đấu tranh chống lại; nếu tôi thừa nhận rằng sự tự do của mình không có ý nghĩa gì trừ khi đặt trong mối liên hệ với phận người hữu hạn, vậy thì tôi phải nói rằng điều quan trọng không phải là sống cuộc đời lý tưởng nhất mà là sống trọn vẹn nhất. Tôi không cần phải tự hỏi điều này là thô tục hay ghê tởm, cao nhã hay tồi tệ. Một lần cho mãi mãi, các đánh giá về giá trị bị loại bỏ, nhường chỗ cho đánh giá dựa trên thực tế. Tôi chỉ rút ra kết luận từ những gì mình thấy chứ không bao giờ từ giả định. Nếu như lối sống như vậy chẳng có gì danh giá, thì sự đúng đắn đích thực buộc tôi phải trở nên vô danh giá như vậy.

Sống trọn vẹn nhất, hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này, coi quy tắc là vô nghĩa. Nó đòi hỏi định nghĩa mọi điều. Chừng như nó xuất phát từ lập luận rằng khái niệm số lượng hãy còn chưa được khám phá đầy đủ. Vì nó có thể chiếm một phần lớn trong toàn bộ trải nghiệm nhân sinh. Quy tắc ứng xử và thang giá trị của một người không có ý nghĩa gì nếu không nhờ có số lượng cũng như sự đa dạng của các trải nghiệm mà người đó tích lũy. Giờ bối cảnh sống hiện đại áp đặt lên phần lớn mọi người cùng một lượng sự kiện và do đó trải nghiệm mỗi người cũng nông sâu tương đương nhau. Chắc hẳn còn phải xét đến phần đóng góp tự nguyện của mỗi cá nhân, tức yếu tố "dâng hiến" trong anh ta. Nhưng tôi không lượng xét được điều đó, và xin nhắc lại rằng quy tắc của tôi là chỉ dựa trên bằng chứng trực tiếp trước mắt. Tôi thấy rằng bản chất của chuẩn mực đạo đức thông thường không đặt trong mức độ quan trọng của những nguyên tắc cơ bản nó bao hàm, mà nằm nhiều hơn ở chuẩn mực trải nghiệm nó có thể đo lường. Suy xa thêm một chút, người Hy Lạp khi xưa có chuẩn mực giải trí của họ cũng như chúng ta có chuẩn mực làm việc tám giờ một ngày. Nhưng đã nhiều ví dụ bi kịch trong loài người khiến ta đi đến dự báo rằng kẻ có trải nghiệm dài lâu hơn sẽ thay đổi bảng giá trị này. Những người đó khiến ta hình dung rằng kẻ chỉ đơn thuần trải qua những biến cố hàng ngày, sẽ phá vỡ mọi kỷ lục (tôi cố tình dùng cách diễn đạt trong thể thao ở đây nhờ số lượng trải nghiệm và được trao quy tắc đạo đức của riêng mình 40 . Nhưng ta hãy tránh sa vào chủ nghĩa lãng mạn ở đây, và nên tự hỏi rằng thái độ đó có ý nghĩa gì với một người, khi mà tâm trí của anh ta được dọn sẵn để chấp nhận vụ đánh cược và đồng thời để giám sát nghiêm ngặt xem anh chọn luật chơi là gì.

Phá vỡ tất cả các kỷ lục, đầu tiên và trên hết, chính là đối mặt với thế giới một cách thường xuyên nhất co thể. Làm sao đạt được điều đó mà né tránh được những mâu thuẫn và không vận dụng đến trò lắt léo của chữ nghĩa? Bởi vì một mặt phi lý chủ trương rằng mọi sự kiện trải nghiệm đều không quan trọng, mặt khác phi lý lại thúc giục ta trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Làm thế nào tránh khỏi vết xe của bao nhiêu người mà tôi đã nhắc tới ở phần trước - rằng một mặt chọn lối sống cho ta nhiều chất liệu nhân sinh nhất có thể, trong khi mặt khác lối sống đó lại thể hiện ra thang giá trị mà người đó đồng thời tuyên bố không chấp nhận?

Một lần nữa lại chính phi lý và cuộc đời phi lý đầy mâu thuẫn chỉ lối cho ta. Vì thật sai lầm khi cho rằng số lượng trải nghiệm phụ thuộc vào những hoàn cảnh ta trải qua trong cuộc sống, trong khi thật ra nó chỉ phụ thuộc vào chúng ta. Ở đây chúng ta phải thật tối giản. Thế giới trao cho hai người có cùng số năm sống trên đời số lượng trải nghiệm như nhau. Nhận thức được chúng hay không là tùy ở ta. Nhận thức được về cuộc sống, về sự nổi dậy, về tự do, đến hết mức, chính là sống và sống trọn vẹn hết mức. Một khi sự sáng suốt đã lên ngôi, thì thang giá trị trở thành vô dụng. Hãy gắng tinh giản hơn nữa. Rằng trở lực duy nhất, thiếu sót duy nhất để làm được như vậy là cái chết sớm. Như vậy trong mắt con người phi lý, không chiều sâu hiểu biết nào, không tình cảm hay niềm say mê nào, không sự hy sinh nào có thể khiến cuộc đời tỉnh thức trong bốn mươi năm trở nên ngang bằng được với hơn sáu mươi năm minh mẫn 41 (dù cho anh ta từng muốn thế . Tình trạng điên rồ và cái chết là điều không thể cải sửa được. Con người không chọn. Phi lý và cuộc sống trọn đầy hơn nó đem lại không bảo vệ cho ý chí con người, mà chính là đối cực của nó: cái chết 42 . Nếu cẩn thận chọn từ ngữ diễn đạt, thì đó hoàn toàn là chuyện may rủi. Người ta chỉ có thể chấp nhận. Không có gì thay thế được cho hai mươi năm sống và trải nghiệm.

Rồi theo sau mâu thuẫn kỳ quặc trong cuộc đua tỉnh thức đó, người Hy Lạp tuyên bố rằng những người chết trẻ là những người được các vị thần yêu quý. Điều đó chỉ đúng nếu ta sẵn lòng tin tưởng rằng bước vào thế giới vô lý của các vị thần là mãi mãi mất đi niềm vui tinh khiết nhất, chính là cảm giác, thứ ta chỉ có được trên trái đất này. Hiện tại và các hiện tại tiếp nối liên tục trước linh hồn luôn luôn tỉnh thức là lý tưởng của con người phi lý. Nhưng từ "lý tưởng" là nốt nhạc vang sai trong mối liên hệ này. Nó thậm chí không phải là thiên hướng của con người phi lý, mà chỉ đơn thuần là kết quả thứ ba từ lý luận của anh ta. Khởi đầu từ nhận thức đớn đau về cái phi nhân tính, suy ngẫm về sự phi lý khi đến cuối cuộc hành trình liền quay về ngay tâm điểm ngọn lửa đam mê bùng cháy cuộc nổi dậy của con người 43 .

° ° °

Vậy tôi đã rút ra ba kết quả từ sự phi lý, đó là cuộc nổi dậy của tôi, tự do của tôi, và niềm đam mê của tôi. Bằng hoạt động ý thức đơn thuần, tôi biến lời mời tiến vào cõi chết thành quy tắc của sự sống - và tôi khước từ hành vi tự sát. Tôi rất biết những phản hồi âm ỉ rung lên trong suốt thời đại này. Nhưng tôi vẫn chỉ nói một lời: như thế là cần thiết. Khi Nietzsche viết: "Rõ ràng điều cốt yếu trên thiên đàng cũng như địa giới là phải tuân phục trong thời gian dài và chỉ theo một hướng: rồi sau cùng sẽ hình thành nên thứ gì đó đáng để ta gắng sống tiếp, ví như đức hạnh, nghệ thuật, âm nhạc, điệu nhảy, lý trí, tâm trí - những thứ được tôn cao nổi rõ, những thứ tinh tế, điên rồ hay thiêng liêng", ông giải thích rõ quy luật của một chuẩn mực đạo đức thực sự xuất sắc. Đồng thời ông cũng chỉ ra con đường cho con người phi lý. Tuân theo ngọn lửa cuộc sống là điều dễ nhất mà cũng là điều khó nhất. Dù sao, thi thoảng tự phán xét chính mình cũng là điều tốt. Vì chỉ mình ta có thể làm điều đó.

Như Alain nói: "cầu nguyện, là khi màn đêm phủ trên tư tưởng".

"Nhưng tâm trí vẫn phải gặp màn đêm", những người theo thuyết thần bí và hiện sinh đáp trả. Phải, quả thực như vậy, nhưng không phải là thứ bóng đêm sinh ra dưới mi mắt nhắm và chỉ duy bởi ý chí con người - cái đêm đen dày đặc không thể xuyên thủng mà tâm trí triệu hồi để lao mình vào đó. Nếu phải đương đầu với màn đêm, thì chẳng thà đương đầu với nỗi tuyệt vọng, vì khi dù sao vẫn giữ được sáng suốt - cái đêm nơi địa cực, đêm canh thức của tâm trí, từ đó có lẽ sẽ nảy sinh ánh chói ngời tinh khiết bao viền lấy mọi khách thể trong ánh sáng trí tuệ. Ở tầm mức đó, sự say mê hiểu biết được cân bằng. Khi đó thậm chí việc đánh giá bước nhảy hiện sinh không còn là vấn đề cần bàn nữa. Nó trở lại vị trí của mình, là một phần trong bức bích họa cũ xưa thể hiện muôn vàn quan điểm con người. Còn từ góc độ người quan sát, nếu đủ tỉnh táo, anh ta sẽ nhận ra bước nhảy ấy dù sao vẫn phi lý. Khi nó nghĩ đã giải quyết được nghịch lý, nó phục hồi lại nguyên vẹn chính mình. Về mặt này, nó vẫn đang vận động. Về mặt này, mọi thứ lại tiếp tục vị trí của nó và thế giới phi lý được tái sinh trong vẻ huy hoàng và đa dạng.

Nhưng thật đáng buồn khi ngừng lại tại đây, thật khó hài lòng với lối nhìn nhận duy nhất, thật sai lầm khi tiếp tục mà không còn mâu thuẫn, lực lượng tinh thần có thể coi là tinh tế nhất. Những điều nói trên chỉ vạch ra con đường tư duy. Điều cốt yếu là phải sống.

--------------------------------

1

Xét từ góc độ rằng chân lý dù sao cũng chỉ có giá trị tương đối. Còn xét từ đức tính đàn ông "dám làm dám chịu" thì sự yếu đuối của học giả này có hơi buồn cười - gốc.

2

Jacques de la Palisse, một quý tộc - quân nhân người Pháp, ở đây tượng trưng cho lối suy nghĩ duy lý - BTV

3

Nhân vật trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes, ở đây tượng trưng cho lối suy nghĩ duy cảm - BTV

4

Loại kịch có những tình tiết éo le, lâm ly, nhân vật chính diện thường bị các thế lực phản diện đàn áp, cuộc đấu tranh giữa hai phe vì thế rất căng thẳng. - BTV

5

Kirilov là nhân vật trong tác phẩm Lũ người quỷ ám của Dostoevsky - BTV

6

Tôi nghe nói có nhà văn thời hậu chiến là Peregrinos, sau khi viết xong tác phẩm đầu tiên liền tự sát để sách của ông được chú ý đến. Mục đích ấy quả có đạt được, nhưng tác phẩm bị cho là không hay. - Gốc.

7

Nhà triết học người Pháp thế kỷ 19, ông cho rằng hành động của con người là khởi nguồn cho một loạt sự kiện khác kéo theo. Trước khi con người thực hiện hành động, tương lai vẫn là các khả năng mở ngỏ. Con người đã luôn có thể thực hiện khác đi so với điều mình đã làm, và nếu con người được tự do xét theo nghĩa này, thì mỗi người đều góp phần sáng tạo ra thế giới. - BTV

8

Arthur Schopenhauer: triết gia Đức, con trai của một gia đình giàu có. - BTV

9

Theo Pascal, con người luôn phải liên tục làm lãng hướng tâm tư (diversion , để thoát khỏi những đắng cay khổ sở của đời sống. Và nếu một người thực sự đang hạnh phúc trong hoàn cảnh hiện tại thì anh ta không việc gì phải tìm cách tránh nghĩ về thực trạng của mình. - BTV

10

Triết gia, nhà phân tâm học người Đức, ông đề xuất ý niệm "mật mã", đó là sự trừu tượng hóa triết học có thể đại diện cho mọi hệ thống tư tưởng, cho phép chúng dù dị biệt vẫn có thể chia sẻ với nhau điểm thỏa thuận chung. Ông cũng trình bày khả năng về một sự thống nhất chính trị trên toàn thế giới. - BTV

11

Martin Heidegger: triết học gia nổi tiếng người Đức, một trong những nhà sáng lập chủ nghĩa hiện sinh, tác phẩm quan trọng nhất có tính đột phá của ông là cuốn Being and Time (Hiện hữu và Thời gian - 1923 - BTV

12

Ở đây tôi chưa định nghĩa, mà chỉ liệt kê ra những cảm giác có khả năng thừa nhận sự phi lý. Khi việc liệt kê đã xong, sự phi lý vẫn chưa khô cạn. - Gốc.

13

Tác phẩm "La Nausée" (Buồn nôn , xuất bản năm 1938 là một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của tác gia, nhà triết học hiện sinh Pháp Jean-Paul Charles Aymard Sartre. Tác phẩm thể hiện nhiều ý tưởng và chủ đề triết học. - BTV

14

Aristotle: nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại - BTV

15

Triết gia Hy Lạp cổ đại, ông khẳng định thực tại là đơn nhất và bất biến; tồn tại là vĩnh viễn, đồng nhất, cần thiết và cũng không thay đổi. - BTV

16

Zarathustra: triết gia cổ sáng lập ra Zoroastrianism, một tôn giáo Iran cổ và là một triết học tôn giáo - BTV

17

Trích Và Zarathustra đã nói như thế (Thus spoke Zarathustra của Friedrich Nietzsche. Theo Zarathustra, vũ trụ này được lèo lái không phải bởi lý trí và mục đích, mà bởi những sự tình cờ, ngẫu nhiên. - BTV

18

Kierkegaard: triết gia và nhà thơ Đan Mạch thế kỷ 19. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông có tựa The sickness unto Death, nhấn mạnh cái chết về tinh thần chứ không phải thể xác, theo đó nỗi tuyệt vọng mới là căn bệnh chết người. - BTV

19

Karl Theodor Jaspers: triết gia và bác sĩ tâm lý người Đức. - BTV

20

Lev Isaakovich Shestov: triết gia hiện sinh Nga. - BTV

21

Max Scheler Ferdinand là một triết gia Đức nổi tiếng với các công trình trong hiện tượng học, đạo đức, triết học và nhân chủng học. - BTV

22

Công chúa Adriane trong thần thoại Hy Lạp. Nàng trao cho người yêu là dũng sĩ Theseus thanh gươm cùng cuộn chỉ để sau khi chàng giết được con quái vật đầu bò thì tìm được đường ra khỏi mê cung. - BTV

23

Tựa tiếng Anh: Discourses of Edification

24

Tựa tiếng Anh: The Diary of the Seducer - BTV

25

Søren Kierkegaard là triết gia, nhà thần học, nhà phê bình xã hội và tác gia nổi tiếng người Đan Mạch, sống vào thế kỷ 19. Một ví dụ về những câu truyện giả tưởng mang tính ẩn dụ của ông là về quốc gia của những con vịt. Vào sáng Chủ nhật, bọn vịt đều đến nhà thờ, lạch bạch ngồi vào chỗ. Rồi linh mục vịt tiến vào, mở Thánh kinh Vịt ra và đọc, "Hỡi chúng Vịt! Các người có cánh, nhờ có cánh các ngươi có thể bay lượn như đại bàng. Các ngươi có thể lao vút vào bầu trời thẳm! Hỡi chúng Vịt! Các ngươi có cánh!" Bọn vịt reo lên "Amen" rồi trở về nhà. Không con nào cất cánh bay hay thậm chí thử làm thế. - BTV

26

Valentin Louis Georges Eugène Marcel Proust: tác gia người Pháp. Một trong những tác phẩm quan trọng của ông là Đi tìm thời gian đã mất. - BTV

27

The time is out of joint.

28

Baruch de Spinoza (tên của ông có nhiều dị bản , nhà triết học theo chủ nghĩa duy lý sống vào thế kỷ 17 với nhiều tác phẩm được cho là đặt nền móng quan trọng cho thời kỳ Khai sáng thế kỷ 18. - BTV

29

Đặc biệt trong khái niệm về ngoại lệ trái ngược với quan điểm Aristotle. - Gốc

30

Hẳn có quý vị cho rằng ở đây tôi đã bỏ sót một điều cốt yếu là đức tin. Nhưng tôi không phải đang xét triết lý của Kierkegaard, Chestov hay ở đoạn sau là Husserl (vốn cần được đề cập ở bài khác và với quan điểm suy xét khác ; ở đây tôi chỉ mượn một chủ đề trong các tư tưởng của họ và xét xem các hệ quả của chúng có nhất quán với các quy tắc đã đặt ra hay không. - Gốc

31

Bí tích Hòa Giải là bí tích Chúa Giêsu lập nên để tha các tội mà con chiên đã phạm và giao hòa con chiên với Thiên Chúa - N.D.

32

Tôi không nói "bác bỏ Chúa Trời", bởi như thế cũng hàm ý khẳng định Ngài tồn tại.

33

Xin nhắc lại, ở đây không xét tới vấn đề Thượng đế có tồn tại hay không mà là xét logic dẫn tới sự tồn tại đó. - Gốc

34

Ngay cả những nhận thức luận khắt khe nhất cũng hàm chứa yếu tố siêu hình. Yếu tố đó ở nhiều nhà tư tưởng đương đại thể hiện ở khía cạnh là trong nhận thức luận không chứa đựng bất kỳ gì khác ngoài nó. - Gốc

35

Husserl có viết một tiểu luận ngắn nhưng có sức ảnh hưởng lớn là The Origin of Geometry (Cội nguồn hình học , nhằm tìm hiểu ý nghĩa nguyên sơ của hình học đối với người đầu tiên tìm ra nó, các đối tượng của nó và bối cảnh ra đời khiến nó trở thành một tri thức được lưu truyền về sau. - BTV

36

Theo Plato, ứng với mỗi đối tượng hay tính chất đều có một ý niệm, ý niệm đó là tinh túy cốt lõi, vượt ngoài không gian, thời gian. Thế giới vật chất chỉ là sự phản chiếu nhợt nhạt của thế giới ý niệm đó. - BTV

37

A. Đến lúc đó lý trí phải tự biến đổi để thích nghi hoặc chết. Và nó chọn biến đổi chính mình. Với Plotinus, sau duy lý là mỹ học. Ẩn dụ thay thế cho suy luận logic. B. Đây không phải là đóng góp duy nhất của Plotinus đối với hiện tượng học. Quan điểm này đã được bao gồm trong khái niệm rất gần với tư tưởng trường phái Alexandria rằng không chỉ có ý niệm ứng với con người mà còn có ý niệm ứng với Socrates. - Gốc

38

Eurydice: một trong những con gái của Apollo (thần ánh sáng và là vợ của Orpheus, cô chết vì dẫm vào một con rắn trong lúc bị thần rừng đuổi. Orpheus đã cố gắng mang cô trở lại từ cõi chết với âm nhạc mê hoặc của ông. - BTV

39

Ở đây tôi xét tới sự so sánh giữa hai đối tượng, chứ không biện hộ cho việc hạ nhục con người. Con người phi lý là đối cực của con người cam chịu. - Gốc

40

Trong một số trường hợp, số lượng tạo nên chất lượng. Nếu tôi tin vào thuyết khoa học mới nhất hiện thời rằng vạn vật đều được cấu thành từ các trung tâm năng lượng. Số lượng nhiều hay ít quyết định nét đặc trưng rõ hay không. Một tỉ ion hẳn khác với một ion không chỉ về mặt số lượng mà còn ở chất lượng. Dễ suy ra điều tương tự cho kinh nghiệm của con người. - Gốc

41

Một khái niệm hoàn toàn khác nhưng được phản ánh tương tự là ý niệm về hư vô vĩnh cửu. Nó không thêm cũng không bớt gì từ hiện tại. Trải nghiệm tâm lý về hư vô đặt hư vô vĩnh cửu trong tâm thế rằng sau hai nghìn năm nữa sự hư vô của chúng ta mới thật sự có ý nghĩa. Xét theo một khía cạnh, hư vô vĩnh cửu được cấu thành đúng bằng những sự sống tích tụ, không phải của chúng ta - sẽ xuất hiện trên thế gian sau này.- Gốc

42

Quan trọng là tính mạch lạc chặt chẽ. Xuất phát điểm của chúng ta ở đây là sự chấp nhận thế giới. Nhưng tư duy phương Đông dạy rằng vẫn có thể thỏa mãn với cùng nỗ lực lập luận nếu chọn chống lại thế giới. Điểm xuất phát đó cũng hoàn toàn chính đáng, giúp chỉ ra những giới hạn cũng như đối sánh với tiểu luận này. Nhưng nếu sự phủ định thế giới cũng được thực hiện nghiêm ngặt, thì người ta cũng thường đạt được (trong một số trường phái Vedanta, Ấn Độ những kết quả tương tự, ví dụ sự dửng dưng trong tác phẩm. Một quyển sách rất quan trọng của Jean Grenier là Lựa Chọn (Le Choix đã xây dựng theo hướng này một triết lý có tên gọi rất xác đáng là "triết lý của sự dửng dưng".- Gốc

43

Trong trường hợp này ý chí chỉ là trung gian duy trì ý thức. Nó giữ kỷ luật cho cuộc sống, điều đó quan trọng. - Gốc

Con người phi lý

Nếu Stavrogin tin tưởng, ông không nghĩ rằng mình tin tưởng. Nếu ông không tin tưởng, ông cũng không nghĩ rằng mình không tin tưởng.

Lũ người quỷ ám 1

Goethe nói: "Đồng đất của tôi là thời gian". 2 Lời ấy quả là phi lý. Vậy thực ra, con người phi lý là ai? Anh ta chính là kẻ không làm gì để đạt được sự vĩnh cửu dù không phủ nhận nó. Nỗi niềm một thuở anh ta từng ao ước đó không lấy gì làm xa lạ, nhưng con người phi lý chọn cho mình lòng can đảm và lý trí. Lòng can đảm dạy anh hãy sống không viện cầu và thích nghi với cái mình có; lý trí cho anh ta biết những giới hạn của mình. Một khi đã biết chắc mình có được sự tự do dù trong hữu hạn, biết mình sẽ tiếp tục nổi dậy không ngừng trong khi từ chối tương lai và nhận thức rõ về cái chết, con người phi lý thỏa sức phiêu lưu suốt quãng thời gian cuộc đời dành cho mình. Anh bảo vệ đồng đất của mình và hành động của mình trước mọi sự phán xét, chỉ trừ phán xét của riêng anh. Đối với anh, cuộc đời huy hoàng hơn không có nghĩa là cuộc đời nào khác. Bởi như thế là không công bằng. Đó là tôi còn chưa bàn đến sự vĩnh cửu tầm thường mà người ta vẫn gọi là hậu thế. Bà Roland 3 chỉ trông cậy vào chính mình. Sự khinh suất đó đã được dạy một bài học. Hậu thế thích trích dẫn lời bà, nhưng quên mất đánh giá nó. Bà Roland thờ ơ với việc lưu tử truyền tôn.

Ở đây xin không bàn dông dài về đạo đức. Tôi từng chứng kiến những người đức cao vọng trọng nhưng hành xử không ra sao, và mỗi ngày tôi đều nhận thấy rằng không cần có quy tắc vẫn giữ được lòng chính trực. Nhưng vẫn có một chuẩn mực đạo đức mà con người phi lý chấp nhận, một chuẩn bị không tách rời khỏi Thượng đế: Một chuẩn mực bị áp đặt. Đáng ngạc nhiên ở chỗ con người phi lý vốn sống ngoài sự dẫn dắt của vị Thượng đế ấy. Còn với những người khác (ý tôi chỉ những người theo thuyết phi đạo đức), con người phi lý chỉ thấy họ đưa ra đủ loại lý lẽ biện hộ, mà anh ta thì không có gì để biện hộ cho mình. Trước hết xin nói về nguyên tắc vô tội của con người phi lý.

Sự vô tội đó quả đáng sợ. "Mọi điều đều được phép" Ivan Karamazov 4 nói như thế. Câu đó cũng thoảng mùi phi lý. Nhưng với điều kiện không hiểu nó theo nghĩa thông tục. Tôi không biết liệu có ai từng chỉ rõ rằng câu ấy không phải sự vỡ òa giải thoát hay vui sướng, mà là sự thừa nhận cay đắng trước thực tế. Sự tồn tại chắc chắn của Thượng đế, giúp đem lại ý nghĩa cho cuộc đời, hấp dẫn hơn nhiều so với khả năng được hành xử xấu xa mà không sợ bị trừng phạt. Không khó khi phải đưa ra lựa chọn giữa hai khả năng ấy. Nhưng thật ra chẳng có lựa chọn nào, chính vì thế mà người ta cay đắng. Sự phi lý không giải phóng, mà trói buộc. Nó không cho phép mọi hành động. "Mọi điều đều được phép" không có nghĩa rằng không thứ gì bị cấm. Sự phi lý chỉ đơn thuần đặt một dấu tương đương giữa hậu quả những hành động đó. Sự phi lý không khuyến khích tội ác, bởi thế chẳng khác nào trò trẻ, nhưng nó cho thấy cái vô ích trong sự ăn năn sau đó. Tương tự, nếu như mọi trải nghiệm đều không tốt cũng chẳng xấu, thì bổn phận nhiệm vụ cũng hợp thức như mọi trải nghiệm khác. Người ta có thể trở nên đạo đức ngay trong một ý nghĩ chợt nảy ra.

Mọi hệ thống đạo đức đều dựa trên ý tưởng rằng những hậu quả từ một hành động sẽ quyết định hành động đó là hợp lẽ hay cần hủy bỏ. Còn một tâm trí thấm nhuần sự phi lý chỉ đơn thuần cho rằng cần điềm tĩnh xem xét những hậu quả đó. Nó sẵn sàng trả giá. Nói cách khác, nó cho rằng có những kẻ phải chịu trách nhiệm, nhưng không tồn tại con người tội lỗi. Cùng lắm thì tâm trí phi lý chỉ chấp nhận coi trải nghiệm trong quá khứ là cơ sở cho hành động trong tương lai. Thời gian bồi đắp cho thời gian, và cuộc sống phụng sự cho chính nó. Trong kiếp người vừa hữu hạn vừa đầy ứ các khả năng này, con người không đoán trước được bất kỳ điều gì, chỉ trừ sự sáng suốt của riêng mình. Liệu nguyên tắc luật lệ nào có thể sinh ra từ trình tự không thể lý giải đó? Sự thật duy nhất xem ra con người phi lý chấp nhận dùng để định hướng lại không đi theo trình tự chính thống: nó sinh ra từ cuộc sống, và hé mở giữa nhân tâm. Tâm trí phi lý không thể trông mong rút ra các chuẩn mực đạo đức ở cuối chuỗi lập luận của nó, mà là các minh họa và hơi thở nhân sinh. Một số hình tượng minh họa dưới đây thuộc loại đó. Chúng nối dài lập luận phi lý bằng cách góp vào đó một quan điểm cụ thể và hơi ấm của chúng.

Liệu tôi có cần thuyết minh rằng ví dụ đưa ra minh họa không nhất thiết được lấy làm căn cứ suy xét (mà nếu có thì trong thế giới phi lý càng ít khả năng đó hơn), và những minh họa này cũng không phải hình mẫu? Ngoài kẻ ngớ ngẩn bẩm sinh, hẳn cũng có người sẽ tự biến mình thành ngớ ngẩn theo mọi nghĩa của từ này khi rút ra kết luận từ Rousseau 5 là con người phải đi bằng cả bốn chi, và từ Nietzsche rằng ta phải ngược đãi mẹ mình. "Cần phi lý, nhưng không cần trò bịp", một tác giả hiện đại nói thế. Có khi chỉ cần xét các mâu thuẫn trong quan điểm là thấy được ý nghĩa của nó. Một viên thư ký quèn trong bưu điện cũng ngang bằng với một kẻ chinh phục nếu cả hai đều có ý thức. Trong trường hợp này, tất cả trải nghiệm cụ thể (của họ) đều không liên quan. Có những điều vừa giúp ích vừa làm hại con người. Chúng giúp ích khi người đó tỉnh thức. Nếu không, cũng không quan trọng: thất bại của con người ngụ ý sự đánh giá chính anh ta, chứ không phải những hoàn cảnh anh ta trải qua.

Ở đây tôi chỉ bàn đến những người chỉ muốn dùng kiệt bản thân hoặc những người mà tôi thấy là đang dùng kiệt bản thân. Câu này không ngụ ý gì sâu xa hơn. Lúc này đây tôi chỉ muốn bàn về một thế giới trong đó các tư tưởng, cũng như cuộc sống, đều thiếu vắng tương lai. Mọi ý nghĩ kích thích con người làm việc và cảm thấy hào hứng đều viện đến niềm hy vọng. Vì vậy tư tưởng duy nhất không bị xuyên tạc chính là tư tưởng vô ích. Trong thế giới phi lý, giá trị của một khái niệm hay một cuộc đời được đo lường bằng sự vô ích của nó.

Don Juan

Nếu chỉ yêu là đủ thì sự đời quá ư đơn giản. Tình yêu càng lớn thì sự phi lý càng tăng. Don Juan không ngừng trêu đào ghẹo nguyệt chẳng phải vì gã thiếu tình yêu. Thật ngớ ngẩn khi coi gã là một tín đồ truy tầm tình yêu tuyệt đối. Nhưng quả thực cũng chính vì gã yêu mọi người tình bằng niềm đam mê cháy bỏng như nhau và với toàn bộ con người gã, nên mỗi lần yêu gã phải lặp lại sự cho đi và cuộc kiếm tìm thăm thẳm ấy. Do đó mỗi phụ nữ quen gã đều hy vọng đem lại cho gã điều mà không cô nào khác có thể. Nhưng lần nào họ cũng sai, và chỉ khiến gã cảm thấy cần phải yêu lần nữa. "Cuối cùng," một trong số các nàng ấy thốt lên, "em đã cho anh tình yêu". Nếu Don Juan bật cười trước câu ấy thì chúng ta có đáng ngạc nhiên không? "Cuối cùng sao? Không đâu," gã đáp, "phải là lần nữa mới đúng". Tại sao cứ phải ít yêu thì mới yêu được sâu?

Don Juan liệu có u sầu? Điều này không có khả năng. Tôi không tin lắm vào các truyền thuyết về anh chàng này. Cái cười đó, sự chinh phục xấc xược, sự vui đùa đó và sự tái hiện nhân vật này trên sân khấu đều rõ ràng và vui vẻ.

Mọi sinh vật khỏe mạnh đều có xu hướng nhân giống chính mình. Don Juan cũng vậy. Người ta thường u sầu vì hai lý do: hoặc là họ không biết, hoặc là họ ôm hy vọng. Còn Don Juan rất biết và không hy vọng. Anh gợi cho ta nghĩ đến người nghệ sĩ biết đâu là giới hạn của mình và không bao giờ cố vượt qua, và trong quãng đời hữu hạn nơi đặt cái bệ đỡ tinh thần đó, họ được hưởng sự thanh thản tuyệt diệu của người làm chủ. Như thế là rất khôn ngoan, cái trí tuệ biết được giới hạn của nó. Trước giới hạn là cái chết của thể xác, Don Juan không biết thế nào là u sầu. Anh ngộ ra, và từ đó trở đi chỉ có cười, tiếng cười làm cho người ta tha thứ mọi điều. Anh từng u sầu khi anh hy vọng. Còn bây giờ, từ miệng người phụ nữ đó, anh nhận ra vị đắng cay lẫn an ủi của hiểu biết duy nhất. Cay đắng ư? Chẳng đáng gì: sự bất toàn cần thiết đó khiến ta cảm nhận được hạnh phúc!

Thật sai lầm khi cố tìm ra trong Don Juan những nét tính cách của con người được nuôi lớn theo Ecclesiastes 6 . Bởi đối với gã, chính cái hy vọng vào cuộc sống khác (sau khi chết) mới là điều hư ảo duy nhất. Gã chứng minh cho điều này bởi gã cược rằng cuộc sống khác ấy không phải thiên đường. Nỗi khát khao được vùi chết trong cảm giác thỏa mãn, điều thường thấy ở con người bất lực, không lặp lại nơi gã. Nhưng điều đó đúng với Faust 7 , kẻ tin ở Chúa đủ nhiều đến mức bán mình cho quỷ. Với Don Juan, mọi chuyện đơn giản hơn. Burlador 8 của Molina thậm chí còn đáp trả lại lời đe dọa phải đọa địa ngục sau khi chết: "Thế thì ngài dành cho tôi thời gian trì hoãn khá dài đấy!" Điều đến sau cái chết chẳng ích gì, và với bất cứ ai biết cách sống thì thời gian ngày nối ngày trên đời này mới dài làm sao! Faust khát thèm những điều trần tục; kẻ nghèo khó chỉ biết chìa tay xin. Kể từ lúc không còn có thể đem lại niềm vui cho tâm hồn mình, anh ta coi như đã bán nó rồi. Còn sự thỏa mãn mà Don Juan luôn đòi hỏi thì trái lại. Gã từ bỏ một người phụ nữ hoàn toàn không phải vì gã thôi không còn khao khát nàng. Người phụ nữ đẹp lúc nào cũng đáng ước ao. Mà vì gã khao khát thứ khác, và không, không phải là cùng một thứ.

Cuộc sống này làm hài lòng mọi mong muốn của gã, không gì là tồi tệ hơn mất đi nó. Gã đàn ông điên rồ này thật ra khôn ngoan tuyệt vời. Nhưng những kẻ sống bằng niềm hy vọng thật ra không được huy hoàng lắm trong vũ trụ này, nơi mà sự tử tế nhường chỗ cho lòng độ lượng, niềm yêu chuộng nhường cho sự im lặng nam tính, và sự đồng cảm lui lại trước lòng dũng cảm đơn độc. Tất cả đều thúc ta phải nói rằng: "Anh ấy là một kẻ yếu đuối, một người theo chủ nghĩa lý tưởng hoặc một vị thánh". Người ta buộc phải miệt thị sự vĩ đại chứa điều sỉ nhục.

° ° °

Người ta đã khá bực mình (hoặc mỉm cười đồng lõa hạ thấp cái điều mà chính nụ cười ấy ngưỡng mộ) trước những tuyên ngôn của Don Juan cũng như nhận định chung rằng gã lợi dụng mọi phụ nữ. Nhưng với tư cách là người đi tính đếm số niềm vui của gã, ta chỉ quan tâm đến vấn đề hiệu quả. Tác dụng của những mật lệnh phức tạp đã trụ vững sau bao nhiêu thử thách là gì? Không có ai, dù là đàn ông hay đàn bà, lắng nghe chúng, mà chỉ nghe giọng nói tuyên cáo chúng. Chúng là quy tắc, ước lệ, và những cử chỉ xã giao lịch sự. Sau khi chúng đã được nói ra, thì điều quan trọng nhất vẫn còn chờ được hoàn thành nốt. Don Juan đã sẵn sàng thực hiện. Vì sao gã phải tự rước vấn đề đạo đức vào thân? Gã đâu phải như trong Manara của Milosz 9 , vị tác giả đã nhấn chìm gã ta trong khát vọng trở thành vị thánh sống. Đối với gã, địa ngục là thứ để mà trêu cợt. Gã chỉ có duy nhất một lời đáp trả trước cơn tức giận của thánh thần, và đó chính là danh dự của con người: "Tôi có danh dư,̣" gã nói với Viên chỉ huy, và "tôi đang thực hiện lời hứa của mình bởi tôi là hiệp sĩ". Nhưng nếu coi gã là người theo thuyết phi đạo đức thì đúng là sai lầm lớn. Về mặt này, gã "cũng như mọi người khác": Gã có chuẩn mực đạo đức về những điều thích hay không thích làm. Chỉ có thể hiểu đúng về nhân vật này nếu ta tự liên tục nhắc mình gã thường xuyên tượng trưng cho điều gì: một kẻ quyến rũ bình thường và vận động viên giường chiếu. Gã chính là một kẻ quyến rũ bình thường 10 . Chỉ khác rằng gã có ý thức, vì vậy gã trở nên phi lý. Kẻ quyến rũ không thay đổi bản tính khi trở nên sáng suốt. Quyến rũ và gạ gẫm là thân phận của gã trong cuộc đời này. Chỉ trong tiểu thuyết thì con người ta mới thay đổi thân phận hay trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng phải nói là tuy không có gì thay đổi, nhưng mọi thứ đều biến đổi. Điều Don Juan nhận ra trong hành động của gã là đạo lý về số lượng trải nghiệm, trong khi ngược lại, bậc thánh sống coi trọng chất lượng trải nghiệm. Không tin vào ý nghĩa sâu xa của sự vật là đặc tính của con người phi lý. Vì trước những gương mặt chân thành hay sững sờ choáng váng, anh ta quan sát, tích lũy, nhưng không dừng lại ở đó. Thời gian song hành với anh ta. Con người phi lý không đứng ngoài thời gian. Don Juan không nghĩ đến chuyện "sưu tầm" phụ nữ. Gã kiệt sức với số lượng những người phụ nữ đến cùng những cơ hội khác nhau trong đời gã. "Sưu tầm" có nghĩa là có khả năng sống nhờ vào quá khứ. Còn gã khước từ sự hối tiếc, một hình thức khác của hy vọng. Gã không thể nhìn ngắm những tấm chân dung.

° ° °

Như vậy, phải chẳng Don Juan là kẻ ích kỷ? Có lẽ vậy, theo cách của gã. Nhưng cũng như trên, điều cốt yếu ở đây là phải nhìn thấu được một điều khác.

Có người sinh ra để sống và có người sinh ra để yêu. Ít nhất là Don Juan sẽ có ý nói như vậy. Nhưng nếu có nói, hẳn anh ta dùng rất ít lời lẽ, cũng như anh ta có rất ít khả năng lựa chọn. Vì thứ tình yêu ta đang nhắc tới ở đây được khoác lên ảo tưởng về sự vĩnh hằng. Như các bậc thầy hiểu rõ thế nào là đam mê dạy ta, tình yêu vĩnh cửu chỉ có thể là tình yêu bị cách ngăn. Không có đam mê nào không cần tranh đấu. Tình yêu chỉ lên đến đỉnh điểm trong sự đối ngược tột cùng là cái chết. Người ta phải là một Werther 11 , hoặc chẳng là gì. Có rất nhiều cách để tự sát, một trong số đó là hoàn toàn cho đi và hoàn toàn quên đi cái tôi. Don Juan, cũng như bất cứ ai khác, biết rằng điều này gây xúc động lòng người. Nhưng gã là một trong rất ít người biết rằng đây không phải là điều quan trọng. Gã cũng biết rằng ai quay lưng lại với cuộc đời riêng vì một tình yêu vĩ đại không chắc sẽ làm giàu cho chính họ, nhưng chắc chắn sẽ làm hao mòn cùng kiệt đối tượng họ yêu thương. Một người mẹ đầy tình thương hay một người vợ say đắm tất yếu có một trái tim khép kín, vì nó quay lưng lại với thế giới. Chỉ còn một cảm xúc duy nhất, một người thương duy nhất, một khuôn mặt duy nhất, nhưng tất cả đều bị giày vò. Tình yêu của Don Juan thì khác hẳn, tình yêu này có tính giải phóng. Nó hé lộ mọi khuôn mặt cho thế giới, và sự rung động của nó xuất phát từ một thực tế nó biết rõ, rằng tình say ắt có lúc tàn. Don Juan đã lựa chọn không trở thành gì cả.

Đối với gã, vấn đề là phải nhìn thấu. Chúng ta gọi điều gắn kết ta với người nào đó là tình yêu chỉ do căn cứ trên những quan niệm về tình yêu trong sách vở hay truyền thuyết. Nhưng trong tình yêu tôi biết, chỉ có sự hòa trộn của khát khao, niềm yêu thích và trí tuệ gắn kết tôi với người này hay người khác. Sự hòa trộn đó ở mỗi người mỗi khác. Tôi không có quyền đặt chung một cái tên cho trải nghiệm của mọi người. Như vậy người ta không phải yêu theo cùng một cách giống nhau. Con người phi lý một lần nữa nhân lên cái điều mà anh ta không thể hợp nhất. Do đó anh ta phát hiện ra một phương pháp tồn tại mới có thể giải thoát anh ta, ít nhất cũng bằng mức nó giải phóng những người tiếp cận anh ta. Tình yêu chỉ có thể vươn lên tầm cao quý khi nó tự thừa nhận rằng nó ngắn ngủi và nó là độc nhất vô nhị. Tất cả những sự lụi tàn và tái sinh ấy tập hợp thành bó hoa cuộc đời cho Don Juan. Đó là cách cho đi và trao truyền sức sống của gã. Tới đây tôi xin nhường quý vị quyết định xem như thế có phải là ích kỷ không.

° ° °

Tới đây, tôi lại nghĩ đến những người khăng khăng muốn Don Juan bị trừng phạt. Không chỉ ở kiếp lai sinh, mà cả ở cuộc đời hiện tại. Tôi nghĩ về những truyện kể, truyền thuyết và những lời nhạo cười về nhân vật Don Juan tính đến nay hẳn đã già lão lắm. Nhưng Don Juan đã sẵn sàng. Với một con người có ý thức, tuổi già và những gì nó báo trước không có gì bất ngờ. Thật ra, ý thức của gã thể hiện ở chừng mực gã không không che giấu nỗi kinh hoàng trước nó. Ở Athens có một ngôi đền dành riêng cho tuổi già. Từ nhỏ trẻ em đã được đưa đến đó. Đối với Don Juan, càng có nhiều người cười gã, hình tượng của gã càng nổi bật. Bởi thế, gã chối từ điều mà những nhà lãng mạn thêm thắt vào cho gã. Không ai nỡ cười một Don Juan bị hành hạ và đáng thương. Gã được xót thương, thiên đường sẽ cứu rỗi gã chăng? Nhưng không phải như thế. Cái vũ trụ mà Don Juan thoáng nhìn thấu được chút gì này, cũng bao hàm sự nhạo báng. Hẳn gã cho rằng bị trừng phạt thì cũng bình thường thôi. Luật chơi là thế. Mà thật ra, chấp nhận mọi luật chơi cũng là tính cách điển hình ở người có địa vị cao quý như gã. Nhưng gã biết mình đúng, và thật ra không có gì gọi là trừng phạt. Số phận không phải là sự trừng phạt.

Đó là tội lỗi của gã, cũng dễ hiểu vì sao những người con của Chúa kêu gọi phải giáng sự trừng phạt xuống đầu gã. Gã đạt được sự hiểu biết không dung chứa ảo tưởng và hiểu biết ấy phủ định mọi thứ những kẻ kia tuyên xưng. Tình yêu và sở hữu, chinh phục và hưởng thụ, đó là phương cách Don Juan tìm biết. (Trong Kinh thánh từ "tìm biết" này còn có nghĩa chỉ quan hệ xác thịt 12 Gã là kẻ thù tồi tệ nhất đối với những kẻ kia, dù gã chẳng biết gì về họ. Một nhà chép sử thuật lại rằng nhân vật Burlador ngoài đời bị ám sát bởi những tín đồ dòng Fransciscan; những người này muốn "đặt dấu chấm hết cho sự thái quá và phỉ báng của Don Juan, nhân vật này ra đời đảm bảo cho kẻ ấy không bị trừng phạt". Sau đó, họ tuyên bố rằng trời phạt anh ta. Không ai làm rõ được cái chết kỳ lạ đó. Không ai cố chứng minh khác đi. Nhưng dù không thắc mắc chuyện đó có khả năng xảy ra thật hay không, thì tôi cũng thấy rằng nó nghe khá hợp logic. Ở đây tôi chỉ nhặt ra từ "ra đời" để mà chơi chữ chút đỉnh: chính việc sống trên đời mới đảm bảo sự vô tội của anh ta. Còn tội lỗi giờ đã trở thành huyền thoại của anh được rút ra từ cái chết.

Liệu Viên chỉ huy bằng đá đó còn có thể ám chỉ điều gì khác, khi mà khối đá lạnh lẽo được cho cất bước đi để trừng phạt máu nóng và lòng can đảm dám tư duy 13 ? Mọi quyền năng của Lý trí vĩnh cửu, của trật tự, của đạo đức phổ quát, trước tất cả vẻ hùng vĩ xa lạ của một Đấng tối cao đang phẫn nộ kết tinh trong hình tượng đó. Khối đá khổng lồ và vô hồn đó tượng trưng cho mọi lực lượng mà Don Juan mãi mãi phủ nhận. Nhưng sứ mệnh của Viên chỉ huy chỉ tới đó. Sấm sét có thể quay lại cõi thiên đường mô phỏng nơi chúng được triệu hồi. Bi kịch thực sự diễn ra chẳng liên quan gì đến những phương tiện trừng phạt đó. Không, Don Juan không chết dưới bàn tay đá ấy. Tôi muốn tin vào dáng vẻ ngông ngạo đã thành huyền thoại, tin vào tiếng cười khinh cuồng của con người khỏe mạnh trêu ngươi một Thượng đế không tồn tại. Nhưng trên hết, tôi tin rằng vào cái đêm Don Juan ngồi đợi ở nhà Anna, Viên chỉ huy thật ra không đến, và sau nửa đêm, kẻ ăn nói báng bổ chắc hẳn cảm nhận được nỗi đắng cay đáng sợ của những người trước nay luôn luôn đúng. Thậm chí tôi càng sẵn lòng chấp nhận một kịch bản khác về cuộc đời Don Juan, rằng gã ta đến cuối đời lánh mình trong tu viện. Nhưng không phải vì lý do đạo đức. Gã còn có thể cầu xin chỗ nương náu nào từ Thượng đế nữa? Nhưng kịch bản đó tượng trưng cho kết quả hợp logic của một cuộc đời hoàn toàn thấm nhuần sự phi lý, đó là kết cục nghiệt ngã cho một kiếp tồn tại luôn hướng về niềm vui sống ngắn ngủi. Khi đó niềm khoái lạc xác thịt trỗi lên trong nếp tu hành khổ hạnh. Cần thấy rằng chúng có thể là hai mặt thể hiện của cùng một sự cùng quẫn. Còn gì khủng khiếp hơn cảnh tượng người đàn ông bị chính thân xác mình bội phản, mà lý do đơn giản chỉ vì ông ta đã không chết vào đúng thời điểm; giờ phải kéo nốt với vở hài kịch chờ phút hạ màn, đối mặt trực tiếp với vị Chúa trời ông ta không hề tôn sùng, và phụng sự vị ấy như ông ta từng phụng sự cuộc sống, quỳ gối trước cái trống rỗng và giang tay về phía thiên đường thiếu vắng sức thuyết phục mà ông biết là đối với mình, nơi đó chẳng có chiều sâu?

Tôi như thấy Don Juan trong hốc phòng nhỏ tại một trong những tu viện Tây Ban Nha nằm khuất dạng trên đỉnh đồi. Và nếu gã ta có chiêm ngắm thứ gì, thì hẳn đó không phải là bóng ma của những cuộc tình trong quá khứ, mà có lẽ qua khe hẹp trên bức tường đang tắm mình dưới nắng, gã thấy cảnh bình nguyên yên tĩnh ở đâu đó trên đất nước Tây Ban Nha, miền đất xinh đẹp, vô hồn, nơi gã nhận ra chính mình. Phải, màn phải buông xuống ngay cảnh u sầu mà rực rỡ này. Kết cục cuối cùng, được chờ đợi nhưng không bao giờ trở thành điều ao ước, kết cục đó không có gì đáng kể.

Kịch nghệ

"Vở kịch là nơi," Hamlet nói, "ta bắt lương tâm của nhà vua".

Từ "bắt" ở đây dùng rất đắt. Vì lương tâm khi cần có thể luồn lách rất nhanh hay rút mình náu trong chính nó. Vậy nên phải bắt nó ngay tại thời điểm khả thức hiếm hoi khi nó thoáng tự liếc nhìn vào chính mình. Thường ngày, con người không được phép nấn ná. Ngược lại, mọi thứ đều thúc anh ta vội vã lao về phía trước. Nhưng đồng thời không gì làm anh quan tâm hơn chính bản thân mình, đặc biệt là những tiềm năng. Do đó con người thích sân khấu, thích vở diễn, khi bao nhiêu số phận bày ra trước mắt anh ta, và anh có thể thản nhiên đắm mình vào lời thơ trong vở mà không phải thấy đau khổ. Ít nhất có thể nhận ra con người không suy tư ở đó, và anh ta tiếp tục vội vàng lao về hướng niềm hy vọng riêng mình hay mục tiêu nào khác. Con người phi lý xuất hiện đúng nơi con người kia rời đi, khi mà tâm trí ngừng quan sát vở kịch mà muốn dự phần vào. Đi vào những số phận kia, đi qua những trải nghiệm đa dạng của chúng, chính là đóng vai những số phận đó. Tôi không có ý nói rằng các diễn viên đều là con người phi lý và đều tuân theo sự thôi thúc đó; tôi muốn nói rằng số phận của họ là số phận phi lý, chúng mê hoặc và thu hút trái tim sáng suốt. Cần phải làm rõ điều này để hiểu mà không lầm lẫn phần trình bày tiếp sau.

Vương quốc của người diễn viên là vương quốc của phù du. Trong mọi thứ danh vọng trên đời, danh vọng của người diễn viên là phù du nhất. Ít nhất người ta thường cảm thán như vậy. Nhưng có danh vọng nào lại chẳng phù du? Nếu nhìn từ chòm sao Thiên Lang 14 , các tác phẩm của Goethe sau mười nghìn năm nữa sẽ thành tro bụi và tên tuổi của ông sẽ chìm vào lãng quên. Có lẽ chỉ còn vài nhà khảo cổ học đi tìm "dấu chứng" của thời đại chúng ta. Viễn cảnh đó luôn chứa đựng bài học đáng giá. Khi ngẫm kỹ về điều đó, ta bớt quá bận lòng về sự cao quý sâu sắc mà về sau có được tìm thấy cũng là trong thờ ơ của người đời. Trên hết, bài học đó hướng ta chuyên chú vào điều chắc chắn nhất, đó là những thứ ngay trước mắt. Sự huy hoàng ít gây lóa mắt lừa mị nhất là sự huy hoàng tại thế.

Bởi vậy, người diễn viên đã chọn khoác lên người những tên tuổi khác nhau, vốn đã được tôn sùng và thử thách qua thời gian. Anh rút ra kết luận hợp lý nhất từ thực tế rằng tới một ngày nào đó, ai cũng đều phải chết. Diễn viên hoặc là thành công hoặc là không thành công. Một nhà văn dù vô danh vẫn ôm chút hy vọng le lói, những mong các tác phẩm để lại sẽ cho người đời thấy con người ông khi trước như thế nào. Còn tối đa người diễn viên chỉ để lại được một tấm ảnh, và không có gì tượng trưng cho con người anh ta truyền lại được về sau, như những cử chỉ, những khoảng lặng, hơi thở gấp hay khát khao yêu thương. Đối với người diễn viên, không được biết tới nghĩa là không diễn, và không diễn là chết đi cả trăm lần cùng với mọi nhân vật anh đã có thể làm sống lại trên đời.

° ° °

Sao ta phải ngạc nhiên khi nhận ra danh tiếng phù du được xây dựng trên những sáng tạo phù du nhất? Người diễn viên có ba giờ để hóa thân thành Iago hay Alceste, Phedre hoặc Gloucester. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, anh làm cho họ sống lại rồi chết đi trên bốn chục mét vuông sàn diễn. Chưa khi nào sự phi lý được minh họa rõ nét như thế hay được minh họa trong quãng thời gian như thế. Còn bản toát yếu nào phơi bày được rõ ràng hơn những cuộc đời tuyệt diệu, những số phận khác thường được bộc lộ chỉ trong vài giờ trên không gian sân khấu? Xuống khỏi sân khấu, Sigismundo không còn được ai để ý đến. Hai tiếng sau, người ta thấy anh này ra ngoài dùng bữa. Như vậy, có lẽ cuộc đời đó là một giấc mơ. Nhưng tiếp sau Sigismundo lại là một nhân vật khác. Người anh hùng phải chịu đựng nỗi chông chênh thế vai trò của kẻ gầm rống đòi báo thù. Như vậy bằng cách lướt qua hàng thế kỷ và bao nhiêu tâm trí, bằng cách đóng giả những nhân vật ấy theo khả năng của mình, người diễn viên có nhiều điểm chung với một cá nhân phi lý khác, là người lữ hành. Cũng như người lữ hành, người diễn viên vắt kiệt thứ gì đó và liên tục vận động. Anh là người lữ hành trong thời gian, và tuyệt vời nhất, anh là người lữ hành bị săn đuổi, bị bám theo bởi các linh hồn. Nếu có khi nào chuẩn mực đạo đức tôn vinh số lượng trải nghiệm tìm được chất liệu nuôi dưỡng nó, thì quả thực nó sẽ tìm thấy trên cái sân khấu lạ lùng đó. Cũng khó nói người diễn viên được lợi từ các nhân vật anh ta sắm vai đến mức nào. Nhưng điều ấy không quan trọng. Chỉ cần biết anh ta tự đánh đồng bản thân với những cuộc đời có một không hai đến mức nào. Thường người diễn viên đưa những nhân vật ấy theo vào cuộc sống của mình, thế là ở chừng mực nào đó, chúng tràn qua không gian thời gian nơi chúng ra đời. Chúng đồng hành với người diễn viên, anh này không thể nào dễ dàng tách rời bản thân với nhân vật mình từng hóa thân. Đôi lúc, khi vươn tay lấy ly rượu, anh làm sống lại cử chỉ của Hamlet khi nâng ly. Không, khoảng cách giữa người diễn viên và những nhân vật mà anh truyền cho sức sống không quá lớn. Hàng tháng hay hàng ngày, anh minh họa rõ ràng cho sự thật đầy khơi gợi rằng không có rào cản nào giữa người anh ta muốn trở thành và con người hiện tại của anh ta. Vì lúc nào cũng muốn nhập vai cho đạt hơn, anh biểu diễn ở một tầm mức mà sự hiện diện (trên sân khấu) tạo ra tồn tại. Vì đó là nghệ thuật của người diễn viên - nghĩa là nhập vai hoàn toàn, là đẩy chính mình càng sâu càng tốt vào những cuộc đời không phải của mình. Rồi đến tận cùng nỗ lực đó, thiên hướng của anh ta lộ ra rõ ràng: là toàn tâm ép mình thành cái không hoặc trở thành rất nhiều. Khoảng giới hạn dành cho người nghệ sĩ khi sáng tạo nhân vật của mình càng hạn hẹp thì càng đòi hỏi nhiều tài năng. Anh sẽ chết sau ba tiếng dưới tấm mặt nạ anh mang hôm nay. Trong ba tiếng đồng hồ đó, anh phải sống và thể hiện ra cả một cuộc đời khác thường. Đó gọi là đánh mất bản thể để tìm thấy bản thể. Trong ba tiếng đồng hồ đó, người diễn viên đi hết con đường tận cùng bằng cái chết, trong khi khán giả đi con đường đó phải mất trọn một đời.

° ° °

Trong nghệ thuật kịch câm phù du, người diễn viên rèn luyện và hoàn thiện mình chỉ trong những lần ra sân khấu. Quy ước sân khấu là tâm ý phải được tỏ bày và truyền tải chỉ qua các cử chỉ điệu bộ và cơ thể - hoặc thông qua giọng nói, vốn cũng biểu đạt tâm hồn mạnh như cơ thể. Quy tắc nghệ thuật đó buộc mọi tâm tư tình cảm phải được phóng đại và chuyển dịch vào xác thân. Nếu trên sân khấu cần bày tỏ tình yêu như người ta yêu ngoài đời, cần dùng đến tiếng nói không gì thay thế được của con tim, để suy xét như người ta suy xét ngoài đời, thì lời lẽ của ta phải được mã hóa. Ở đây, những khoảng lặng khiến người ta nghe thấu. Khi đó tình yêu cất tiếng vang vọng hơn, và bản thân sự bất động trở nên ngoạn mục. Cơ thể là chúa tể, không phải ai cũng có thể "đóng kịch", và cái từ bị phỉ báng một cách bất công đó bao hàm một thẩm mỹ toàn vẹn và chuẩn mực đạo đức toàn vẹn. Người ta mất nửa đời người để nói năng bóng gió, để né tránh, và im lặng. Còn ở đây, người diễn viên là kẻ xâm nhập. Anh ta phá vỡ câu thần chú xiềng xích tâm hồn, thả cho các cảm xúc mạnh mẽ vội vã lao lên sân khấu dành cho chúng. Chúng cất lời qua từng cử chỉ; chúng chỉ sống trong những tiếng thét gào. Như vậy người diễn viên tạo ra những nhân vật để trình diễn. Anh ta phác thảo hay khắc chạm những nhân vật ấy, lặng lẽ đi vào vỏ ngoài tưởng tượng về họ, truyền máu mình cho những bóng ma ấy. Tất nhiên ở đây tôi đang đề cập đến những tuyệt phẩm sân khấu, nơi người diễn viên được trao cơ hội hoàn thành số mệnh cho toàn bộ thân thể của mình. Ví như kịch của Shakespeare. Trong tác phẩm kịch tính của ông, sự bùng nổ của vũ điệu thân thể nổi rõ hàng đầu. Chúng giải thích cho mọi sự. Nếu không có chúng, mọi thứ khác đều sụp đổ. Vua Lear sẽ không bao giờ khăng khăng theo ý chỉ ban ra trong cơn điên rồ nếu ông không có cử chỉ tàn bạo là lưu đày Cordelia và kết án Edgar. Cũng hợp lẽ khi bi kịch mở ra sau đó diễn ra trong sự điên rồ. Những linh hồn trong đó đã bị trao cho bọn quỷ dữ và vũ điệu xaraban của chúng. Có ít nhất bốn kẻ điên rồ: Một do trả giá, một do cố ý, và hai linh hồn còn lại là do chịu đựng - bốn thân xác méo mó rối loạn, bốn khía cạnh khôn tả của cùng một tình trạng.

Cơ thể con người không đủ diễn tả. Mặt nạ, giày sân khấu, lớp hóa trang làm biến đổi và nổi bật những nét cần thiết của gương mặt, phục trang cường điệu hay tiết giản - toàn bộ thế giới ấy hy sinh mọi thứ cho vẻ ngoài chỉ duy nhất dành cho thị giác thưởng lãm. Rồi nhờ một kỳ tích phi lý, cũng chính là cơ thể mang lại sự hiểu biết. Tôi sẽ không bao giờ hiểu được Iago nếu không sắm vai anh ta. Chỉ nghe anh ta là không đủ, vì tôi chỉ nắm bắt được anh trong khoảnh khắc tôi nhìn thấy anh. Người diễn viên sở hữu sự đơn điệu phi lý trong bản chất, cái bóng đơn độc bị làm mờ, vừa quen vừa lạ, mà anh ta đưa theo khi sắm vai hết vai anh hùng này tới vai anh hùng khác. Cũng chính những tác phẩm vĩ đại góp phần làm nên phong thái nhất quán này 15 . Đó là khi người diễn viên mâu thuẫn với chính mình: Cùng một linh hồn, nhưng cũng rất nhiều linh hồn khác nhau tích tụ trong cùng một thể xác. Bản thân điều đó cũng là sự mâu thuẫn phi lý, khi một cá nhân muốn đạt tới mọi điều và sống mọi kiếp người, cái nỗ lực vô ích đó, sự kiên trì vô hiệu đó. Sự mâu thuẫn thường trực luôn có trong anh. Thân xác và tâm trí quy tụ lại một chỗ trong người diễn viên, và khi tâm trí mệt mỏi vì bị đánh bại, nó bèn quay sang đồng minh trung thành nhất của mình. Hamlet nói, "Sung sướng thay là những người mà tình cảm sôi nổi cùng với lý trí điều hòa mật thiết, họ không cam phận làm ống sáo để cất lên những tiếng theo ý thích của thần Số mệnh đưa ngón tay điều khiển".

Làm sao Giáo hội có thể bỏ qua không trừng phạt cái lề thói ấy của người diễn viên? Trong môn nghệ thuật này, Giáo hội phản đối sự nhân bội các tâm hồn dị giáo, sự buông thả trong cảm xúc, và vẻ ngạo mạn chướng mắt của một tâm trí không cam chỉ sống một cuộc đời và ném mình vào mọi dạng thức vượt ngoài chuẩn mực. Giáo hội bài trừ thái độ ưu ái đời sống trong thực tại cũng như chiến thắng kiểu Proteus 16 vốn đi ngược với mọi điều nhà thờ răn dạy. Sự bất diệt đâu có phải trò chơi. Thế nên tâm trí ngu ngốc nào chọn hài kịch thay vì sự bất diệt thì đã đánh mất sự cứu rỗi linh hồn. Giữa "ở khắp mọi nơi" và "mãi mãi" không có thỏa hiệp. Cũng từ đó mà nghề nghiệp bị gán bao điều tiếng xấu đó làm dậy nên xung đột tinh thần to lớn. Nietzsche nói, "Điều quan trọng không phải là sống mãi mãi mà là sống động mãi mãi". Thật ra, mọi vở kịch đều đặt ra lựa chọn này.

Adrienne Lecouvreur 17 khi hấp hối trên giường bệnh đã sẵn sàng xưng tội và chuẩn bị nhận sự hiệp thông, nhưng cô từ chối nguyện bỏ nghề nghiệp của mình. Vì thế cô không được làm lễ. Lựa chọn như thế chẳng phải đã thể hiện rõ rằng cô thà chọn niềm đam mê nồng nàn của mình thay vì Thiên Chúa đó sao? Và người phụ nữ đó, trong phút vật lộn với cái chết, đã không muốn rơi lệ chối từ nghệ thuật của mình; điều đó là bằng chứng cho tầm vóc vĩ đại mà cô chưa bao giờ đạt tới dưới ánh đèn sân khấu. Đây là vai diễn đẹp nhất mà cũng khó nhất cô từng đóng. Lựa chọn giữa thiên đàng và lòng trung thực đến đáng cười, nghiêng về sự bất diệt hay đánh mất chính mình vào tay Thiên Chúa là bi kịch xưa cũ mà ai cũng phải đến lúc phải nhận vai.

Các diễn viên của thời ấy biết họ sẽ bị rút phép thông công. Bước vào nghề có nghĩa là lựa chọn Địa ngục. Và Giáo hội thấy trong con người nghệ sĩ những kẻ thù tồi tệ nhất của mình. Có những vị học giả hẳn sẽ phản đối: "Sao chứ! Từ chối thực hiện các nghi thức tôn giáo khi an táng Moliere à!" Nhưng điều đó là có cơ sở, nhất là khi người diễn viên 18 gục chết ngay trên sân khấu và trút hơi thở cuối cùng khi vẫn còn nguyên lớp hóa trang, sau khi dành trọn cuộc đời để gieo rắc những gì Giáo hội phản đối. Trong trường hợp của Moliere, người ta viện tới lý do rằng ông là thiên tài, lấy đó để biện hộ cho mọi điều. Nhưng thiên tài không biện hộ cho bất cứ gì, đơn giản vì từ chối làm như vậy.

Vào phút ấy, người diễn viên biết hình phạt nào đang đón chờ mình. Nhưng những đe dọa mơ hồ ấy liệu có là gì nếu so với hình phạt cuối cùng mà cuộc đời dành sẵn cho anh ta? Đó là điều anh đã dự cảm trước và hoàn toàn chấp nhận. Đối với người diễn viên, cũng như với con người phi lý, cái chết đến khi tuổi đời còn chưa già là điều không gì bù đắp được. Không gì có thể bù cho những gương mặt, những thế kỷ mà người diễn viên đúng ra có thể đi qua nếu chưa chết. Nhưng dù sao đi nữa, ai cũng phải chết. Người diễn viên chắc chắn đã có mặt được ở mọi nơi, nhưng thời gian cũng cuốn anh đi, và để lại dấu ấn của nó trên người anh.

Chỉ cần chút trí tưởng tượng là có thể hình dung ra số phận người diễn viên có ý nghĩa như thế nào. Có thời anh tạo dựng và tính đếm các nhân vật. Cũng đến thời anh học được cách làm chủ chúng. Anh càng sống qua nhiều kiếp đời khác nhau, thì càng có thể giữ mình tách biệt khỏi chúng. Rồi đến lúc anh phải chết trên sàn diễn cũng như trong thế giới thực. Những thân phận anh từng sống qua đối diện với anh. Anh nhìn thấu rõ. Anh cảm nhận được nỗi đau và phẩm chất không gì thay thế được trong cuộc phiêu lưu đó. Anh biết, và giờ có thể yên nghỉ. Có chốn lui về cho các diễn viên lớn tuổi.

Cuộc chinh phục

"Không," người chinh phục nói, "đừng cho rằng vì tôi yêu hành động mà quên cách suy nghĩ. Ngược lại tôi có thể xác định rất rõ những gì tôi tin. Niềm tin ấy vững chắc, tôi thấy điều tôi tin một cách rõ ràng và chắc chắn. Hãy cảnh giác với những ai nói: ‘Tôi biết điều này quá rõ rồi nên không bày tỏ ra được’. Họ không thể làm như vậy là vì họ không biết cách tỏ bày, hoặc vì lười biếng mà họ dừng lại ở lớp vỏ bên ngoài".

"Tôi không có nhiều ý kiến". Đến cuối đời, con người nhận ra anh ta đã dành bao nhiêu năm chỉ để biết chắc chắn một sự thật duy nhất. Nhưng sự thật duy nhất đó, nếu nó là rõ rành hiển nhiên, cũng đã đủ để định hướng một kiếp tồn tại. Về phần tôi, tôi dứt khoát có điều để nói về cá nhân. Người ta phải nói thẳng về cá nhân, và nếu cần, với một sự bất chấp thích hợp.

Một con người vượt ra khỏi tầm vóc chính mình nhờ những điều anh ta giữ cho riêng mình, hơn là những điều anh nói ra. Có rất nhiều điều tôi sẽ giữ cho riêng tôi. Nhưng tôi cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng tất cả những ai từng phán xét cá nhân đã làm điều đó dựa trên cơ sở kinh nghiệm ít hơn chúng ta bây giờ. Trí tuệ, cái trí tuệ không yên đó có lẽ đã dự báo được điều quan trọng cần ghi nhận. Nhưng thời đại này, những tàn tích của nó, và máu của nó làm ta ngập tràn với vô vàn sự kiện. Những quốc gia cổ đại, và thậm chí cả những quốc gia gần hơn với thời đại kim khí của ta, đã có thể cân lường đức hạnh của xã hội và của cá nhân, để xem cái nào phụng sự cho cái nào. Trước tiên, điều đó có thể thực hiện vì sự lầm lạc ương ngạnh của trái tim con người, theo đó nhân loại được sinh ra để phụng sự hay được phụng sự. Thứ hai, điều đó có thể thực hiện vì cả xã hội lẫn cá nhân đều chưa bộc lộ hết mọi khả năng của mình.

Tôi đã thấy nhiều bậc trí giả tỏ ra sửng sốt trước những kiệt tác của các họa sĩ Hà Lan được vẽ ra khi cuộc chiến đẫm máu ở Flanders đang cháy bỏng; hay những lời kinh cầu nguyện của người mộ đạo tại Silesia trong Cuộc chiến Ba mươi năm khủng khiếp. Họ ngạc nhiên vì những giá trị vĩnh cửu vẫn tồn tại được sau những biến loạn thế tục. Nhưng từ bấy đến nay, đã có cả một tiến trình. Các họa sĩ ngày nay đã bị tước mất sự bình tâm đó. Cho dù về cơ bản họ vẫn mang trái tim của một người sáng tạo - ý tôi là một trái tim đóng kín - nhưng thế vẫn vô ích; vì tất cả mọi người, bao gồm cả bậc thánh, đều được huy động đến. Có lẽ đây là điều tôi cảm nhận được sâu sắc nhất. Cái bất diệt đã thua trong từng thất bại trong chiến hào, hay khi mọi đường nét, ẩn dụ hay lời cầu nguyện bị nghiền nát dưới thép lạnh. Ý thức được rằng mình không thể tách rời khỏi thời gian, tôi quyết trở thành một phần của nó. Tôi chú trọng nghiên cứu cá nhân, bởi nó làm tôi sững sờ trước sự ngớ ngẩn và nhục nhã của nó. Vì biết chẳng hề có nguyên nhân chiến thắng, nên tôi ưa xét nguyên nhân thất bại: chúng đòi hỏi một linh hồn vô nhiễm, có thể chịu được thất bại cũng như những chiến thắng nhất thời. Những ai cảm thấy mình gắn bó mật thiết với số mệnh của thế giới này, thì hẳn cảm thấy có phần đau đớn trước những xung đột và va chạm trong các nền văn minh. Tôi cũng đón nhận nỗi đau đó khi quyết định dấn nhập vào thế giới. Giữa lịch sử và sự bất diệt, tôi chọn lịch sử, vì tôi chỉ ưa những gì chắc chắn. Ít nhất, tôi chắc chắn về nó, và làm sao tôi phủ nhận được rằng chính lực lượng này nghiền nát tôi?

Luôn luôn sẽ đến một thời điểm mà người ta phải chọn lựa giữa chiêm nghiệm và hành động. Đó gọi là quá trình trở thành một con người. Nỗi vặn mình trăn trở ấy quả là khủng khiếp. Nhưng trái tim kiêu hãnh không có chỗ cho sự thỏa hiệp. Chúa trời hay thời gian, cây thập tự kia hay lưỡi gươm này. Thế giới này mang một ý nghĩa siêu vượt khỏi những lo lắng, hay chẳng gì là thật ngoài những lo lắng ấy. Người ta phải sống trong thời gian và chết cùng thời gian, hoặc là tránh đối mặt với nó để mong về một cuộc sống huy hoàng hơn. Tôi biết người ta vẫn có thể thỏa hiệp và sống trong thế giới này trong khi giữ niềm tin về cõi bất diệt. Đó gọi là chấp nhận. Nhưng tôi ghê tởm từ ấy, tôi chỉ muốn hoặc là tất cả, hoặc là không chút gì. Nếu tôi chọn hành động, thì xin đừng cho rằng chiêm nghiệm suy ngẫm trở thành phạm trù xa lạ với tôi. Chỉ là nó không thể cho tôi mọi điều, và một khi đã tách khỏi bất diệt, tôi muốn kết đồng minh với thời gian. Tôi không muốn chỉ tích lấy những hoài vọng và cay đắng, tôi chỉ muốn nhìn rõ. Để tôi nói với quý vị, ngày mai, quý vị sẽ bị điều động. Đối với quý vị cũng như đối với tôi, đó là sự giải phóng. Cá nhân không thể làm gì, nhưng cũng có thể làm tất cả. Khi ở trong trạng thái không bị ràng buộc tuyệt vời đó, quý vị sẽ hiểu vì sao tôi cùng lúc vừa đề cao vừa nghiền nát cá nhân. Thế giới này nghiền nát cá nhân, còn tôi thì giải phóng. Tôi trao cho cá nhân tất cả mọi quyền.

Những người chinh phục hiểu rằng tự bản thân hành động đó là vô dụng. Chỉ có một hành động hữu ích duy nhất, là tái tạo con người và trái đất. Tôi sẽ không bao giờ tái tạo con người. Nhưng hãy cứ làm "như thể". Vì con đường tranh đấu đưa tôi đến xác thịt. Thậm chí dù có bị làm nhục, thì xác thịt vẫn là sự chắc chắn duy nhất của tôi. Tôi có thể chỉ dựa vào nó mà sống. Tôi vốn là một sinh vật sống. Cũng vì vậy mà tôi chọn thực hiện nỗ lực phi lý và vô hiệu này. Cũng vì vậy mà tôi đứng về phía đấu tranh. Thời điểm đã chín mùi, như tôi đã nói. Cho đến nay, sự vĩ đại của kẻ chinh phục thể hiện ở khía cạnh địa lý. Người ta chỉ xét xem những lãnh thổ chinh phục được rộng lớn bao nhiêu. Ý nghĩa của từ ấy đã thay đổi, và nó không còn tượng trưng cho chiến thắng toàn diện. Sự vĩ đại đã đổi phe. Giờ nó nằm trong sự phản kháng và những hy sinh thiếu vắng tương lai. Ở đây không có nghĩa là ưa thích thất bại. Chiến thắng là điều được khát khao. Nhưng chỉ có một chiến thắng duy nhất, đó là sự bất diệt. Mà tôi không bao giờ có được điều đó. Tôi vấp ngã và bấu víu vào đó. Một cuộc cách mạng luôn diễn ra hòng chống lại các vị thần, bắt đầu là cuộc cách mạng của Prometheus 19 , người đầu tiên trong số những kẻ chinh phục có quan điểm mới. Những đòi hỏi của con người trái với số phận của họ; những đòi hỏi của kẻ nghèo khó là một cái cớ. Nhưng tôi có thể nắm bắt tinh thần đó trong hành động lịch sử của nó, và tôi kết nối được với nó ngay điểm ấy. Nhưng đừng cho là tôi thích làm như vậy: trước mâu thuẫn cốt lõi, tôi vẫn kiên trì mâu thuẫn con người của mình. Tôi xây đắp sự sáng suốt giữa những thứ phủ nhận nó. Tôi tôn vinh con người trước những gì nghiền nát đó, và tự do của tôi, sự nổi dậy của tôi niềm đam mê của tôi hợp lại cùng nhau trong tình trạng căng thẳng đó, sự sáng suốt đó, và sự lặp lại kỳ vĩ đó.

Phải, con người là mục đích của bản thân anh ta. Và anh ta là mục đích duy nhất của chính mình. Nếu anh ta hướng tới điều gì khác, thì nó phải trong cuộc đời này. Giờ tôi đã hiểu quá rõ chuyện ấy. Những người chinh phục đôi khi có bàn về chế ngự và chiến thắng. Nhưng ý họ luôn là "chiến thắng bản thân". Hẳn quý vị hiểu rõ điều đó nghĩa là gì. Ai cũng đều có những khoảnh khắc thấy mình sáng ngang với thánh thần. Ít nhất, người ta nói vậy. Cảm giác đó đến từ khoảnh khắc chớp lóe khi con người cảm nhận được sự hùng vĩ tuyệt vời của tâm trí. Những người chinh phục đơn giản là những kẻ ý thức đủ rõ về sức mạnh của mình để liên tục duy trì trạng thái đỉnh cao đó, và nhận thức rõ sự hùng vĩ đó. Đây trở thành vấn đề số học, về hơn hay kém. Những người chinh phục có thể vượt trội hơn. Nhưng họ không thể vượt hơn con người khi anh ta đã muốn. Chính vì vậy họ không bao giờ rời khỏi nơi tôi luyện con người, lao mình vào linh hồn sôi sục của những cuộc nổi dậy.

Ở đó, họ thấy những con người què cụt bất toàn, nhưng họ cũng gặp ở đó các giá trị duy nhất mà họ ưa thích và ngưỡng mộ, con người và sự im lặng của anh ta. Đây vừa là sự cùng cực vừa là sự giàu có của họ. Họ chỉ có được một thứ xa xỉ, đó là những mối quan hệ giữa con người. Làm sao có ai không nhận thấy được rằng trong cõi vũ trụ dễ tổn thương này, chỉ duy con người mang được một ý nghĩa sống động hơn? Những gương mặt căng thẳng, tình huynh đệ bị đe dọa, tình bạn mạnh mẽ và trong sáng đến vậy giữa con người với nhau, đó là những của cải thật sự vì chúng vốn phù du. Giữa những của cải ấy, tâm trí nhận thấy rõ ràng nhất những quyền năng cũng như giới hạn của nó. Hay có thể nói, tính hiệu quả của nó. Đã có người bàn về trí óc bậc thiên tài. Nhưng chủ đề ấy dễ bàn, ở đây tôi muốn nói tới trí tuệ. Phải nói rằng nó có thể trở nên vĩ đại. Trí tuệ thắp sáng cõi sa mạc này và làm chủ nó. Trí tuệ biết những nghĩa vụ của mình và làm sáng tỏ chúng. Nó sẽ chết cùng lúc với thể xác. Nhưng khi biết được điều này, nó được tự do.

Chúng ta không phải là không biết mọi nhà thờ đều chống lại chúng ta. Một trái tim quá sôi nổi đến độ lẩn tránh sự bất diệt, mà các nhà thờ thuần túy hay nhà thờ chính trị đều tuyên bố có thể đưa lại điều này. Hạnh phúc và lòng can đảm, sự trừng phạt hay công lý đều là những mục tiêu thứ cấp của họ. Đó là giáo điều họ rao truyền, và buộc người ta chấp nhận. Nhưng tôi không quan tâm gì đến sự bất diệt. Những chân lý trong tầm hiểu biết của tôi có thể sờ tận tay. Tôi không thể tách rời khỏi chúng. Chính vì vậy không thể dựa vào tôi để đặt cơ sở cho bất kỳ điều gì: Kẻ chinh phục không để lại bất kỳ gì, kể cả những giáo điều của anh ta.

Tận cùng của tất cả là cái chết. Ta biết cái chết kết thúc mọi thứ. Vì vậy những nghĩa trang trên toàn Châu Âu này đều trông thật đáng ghét, có người còn bị chúng ám ảnh. Con người chỉ điểm tô cho những gì họ yêu chuộng, còn cái chết làm người ta khó chịu và bào mòn kiên nhẫn. Bản thân nó cũng sẽ bị chinh phục. Người Carrara cuối cùng, người tù nhân ở Padua, thành phố hoang vắng vì bệnh dịch và bị người Venice vây hãm, anh ta vừa chạy vừa gào thét trong cung điện không bóng người: Anh ta triệu hồi ma quỷ và kêu đòi cái chết. Đó là một cách để chiến thắng cái chết. Và cũng là một dấu hiệu về lòng can đảm của người phương Tây khi mà các nghĩa trang, nơi cái chết nghĩ là nó được tôn vinh, bị họ xây thành xấu xí đến vậy. Trong vũ trụ nổi loạn, cái chết tôn tụng sự bất công. Đó là sự lăng mạ tối thượng.

"Cũng có những kẻ không chấp nhận thỏa hiệp, đã chọn sự bất diệt và phản đối ảo ảnh trong thế giới này. Những nghĩa trang của họ tràn đầy hoa và chim chóc. Điều đó cho người chinh phục thấy rõ mình đã chối bỏ điều gì. Ngược lại, anh đã chọn nghĩa trang viền rào sắt đen hay thậm chí những bãi tha ma cho kẻ vô danh. Những nguời tử tế nhất trong số con cái Chúa trời đôi khi sợ hãi nghĩ tới và thương hại cho những kẻ sống với hình ảnh về cái chết như thế. Nhưng họ lại tìm thấy sức mạnh và sự biện minh từ đó. Số phận đứng trước mặt ta, ta khiêu khích nó. Hoàn cảnh bất lực của ta xuất phát từ nhận thức hơn là từ lòng kiêu hãnh. Bản thân chúng ta đôi khi cũng thấy thương thân. Đó là lòng thương cảm duy nhất ta chấp nhận, cảm giác ấy khó lòng hiểu được và nó xem ra cũng chẳng mấy đàn ông. Những kẻ táo gan nhất trong chúng ta từng cảm thấy nó. Ta coi những người sáng suốt là đàn ông chân chính, và ta không muốn nguồn sức mạnh nào tách rời khỏi sự sáng suốt.

° ° °

Xin nhắc lại rằng những hình ảnh trên không nhằm đưa ra quy tắc đạo đức hay sự phán xét nào: chúng chỉ là những phác thảo. Chúng đơn thuần đại biểu cho một lối sống. Người tình, người diễn viên, hay kẻ lữ hành đóng vai phi lý. Nhưng nếu muốn, người ta vẫn có thể vào vai người đức hạnh, người công chức, hay tổng thống một nền cộng hòa, lựa chọn đó cũng tốt tương đương. Chỉ cần biết rõ và không che giấu gì là đủ. Trong viện bảo tàng Ý đôi khi ta tìm thấy những tấm màn nhỏ được tô vẽ mà linh mục dùng che mặt kẻ bị kết tội để hắn ta không thấy đoạn đầu đài. Bước nhảy, trong mọi hình thức, đều là lao vào cõi thiêng liêng hay bất diệt, đầu hàng trước những ảo ảnh trong cuộc sống hàng ngày hoặc ý niệm của lý trí - tất cả những tấm màn ấy đều che giấu sự phi lý. Nhưng cũng có những viên chức việc không bị che màn, tôi chính là muốn nói đến những người này. Tôi đã chọn được những người cực đoan nhất. Ở chừng mực này, sự phi lý trao cho họ quyền năng đế vương. Quả là những ông hoàng ấy không có vương quốc của mình. Nhưng họ có một lợi thế vượt trội hơn hết thảy: họ biết mọi vương triều đều là hư hão. Họ biết đó là toàn bộ vẻ cao quý của những kẻ kia, và chẳng ích gì khi nói về những nỗi bất hạnh ẩn giấu hay tàn tro của sự vỡ mộng của họ. Bị tước đi hy vọng không phải là tuyệt vọng. Những ngọn lửa trên trái đất chắc chắn có giá trị như hương thơm thiên đàng. Không có ai, kể cả tôi có quyền phán xét họ. Họ không phấn đấu để trở nên tốt hơn; họ chỉ đang cố gắng để trở nên hòa hợp. Nếu có thể dùng từ "con người khôn ngoan" để chỉ những ai sống với những gì họ có chứ không xét đến những gì họ không có, thì họ là những người khôn ngoan. Một trong số họ, kẻ chinh phục trong địa hạt tâm trí, một Don Juan của tri thức, người diễn viên của trí tuệ, biết rõ điều này hơn ai hết: "Ngươi tuyệt không xứng đặc ân trên trái đất lẫn trên thiên đàng vì đã dẫn dắt những con cừu nhỏ ngoan ngoãn của ngươi đến sự hoàn mỹ; nhưng ngươi tối đa vẫn chỉ là con cừu nhỏ ngu ngốc với cặp sừng và không gì khác nữa - giả như ngươi không nổ tung với sự phù phiếm và không gây vụ tai tiếng bằng cách tự cho mình là quan tòa".

Trong trường hợp nào đi nữa, điều quan trọng là phải đưa thêm cho lập luận phi lý nhiều ví dụ chân thực. Trí tưởng tượng có thể giúp ta thêm vào nhiều người khác, cũng không tách rời khỏi thời gian và sự lưu đày, những người biết làm sao sống hòa hợp với một vũ trụ không có tương lai và không có sự yếu hèn. Thế giới phi lý, vô thần vô thánh này, khi đó sẽ là nơi cư ngụ với những con người suy nghĩ rõ ràng và không còn bấu víu vào hy vọng. Tôi hãy còn chưa đề cập đến nhân vật phi lý nhất, đó là con người sáng tạo.

Chú thích:

1.

Tựa tiếng Anh: Demons hay The possessed. Tác phẩm gốc bằng tiếng Nga của nhà văn Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky. - BTV

2.

Nguyên văn tiếng Đức: Mein Vermächtniss, wie herrlich weit und breit; Die Zeit ist mein Vermächtniss, mein Acker ist die Zeit. (Tạm dịch nghĩa: Di sản truyền cho tôi, thật bao la bát ngát; Thời gian là đồng đất, để cho tôi kế thừa) - BTV.

3.

Marie-Jeanne Phlippon Roland, thường được gọi là Madame Roland, người Pháp, bà ủng hộ cách mạng Pháp và có nhiều đóng góp cho phái ôn hòa Girondins. Một trong những câu nói nổi tiếng của bà được hậu thế trích dẫn rộng rãi: "O Liberté, que de crimes on commet en ton nom!" (Ôi tự do, người ta nhân danh mi để gây ra bao tội ác!) Tài liệu không ghi nhận bà có con cái. - BTV.

4.

Ivan Karamazov, nhân vật trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov của nhà văn Dostoievsky. Nguyên văn câu nói đại lý: "Nếu Chúa không tồn tại, thì mọi điều đều được phép". - BTV

5.

Jean-Jacques Rousseau là nhà triết học thuộc trào lưu Khai minh, ông từng viết bài luận văn "Về nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa con người", cho rằng con người rời khỏi trạng thái tự nhiên đã đánh mất sự tự do và bình đẳng nguyên thủy. Nhà triết học - đại văn hào Voltaire không đồng tình với luận điểm đó và cho rằng: "Sau khi đọc tác phẩm trên, người ta chỉ muốn trở lại trạng thái sơ khai và đi bằng bốn chi mà thôi". - BTV

6.

Sách Giảng Viên, một quyển trong bộ Cựu Ước.

7.

Nhân vật chính trong nhiều tác phẩm dân gian và nghệ thuật Đức. Faust là một học giả nhưng không thỏa mãn với những hiểu biết của mình, nên đổi linh hồn với con quỷ Mephistopheles lấy tri thức vô hạn và tất cả mọi lạc thú trên đời. - BTV

8.

Nhà soạn kịch người Tây Ban Nha Tirso de Molina viết vở kịch El burlador de Sevila y el cambido de pierra (kẻ quyến rũ ở Sevilla và bức tượng đá), nhân vật chính là Don Juan hào hoa bạc tình. - BTV

9.

Nguyên gốc: Miguel Mañara. Mystère en six tableaux, tác phẩm kịch của Oscar Vladislas de Lubicz Milosz - BTV

10.

Theo nghĩa trọn vẹn nhất của từ này, với những khiếm khuyết của gã. Một quan điểm lành mạnh cũng có khiếm khuyết. - Gốc

11.

Nhân vật trong tiểu thuyết Nỗi đau của chàng Werther (Die Leiden des jungen Werther) của văn hào Johann Wolfgang von Goethe, chàng yêu sâu sắc nàng Lohtéa và tự kết thúc đời mình khi chìm đắm trong đam mê tình ái của bản thân. - BTV

12.

Know. Như trong sách Sáng thế ký (Genesis) có câu: "Adam knew Eve his wife"(Adam đã ăn ở với vợ là Eve) - BTV

13.

Trong tác phẩm Vị khách đá của Alexandre Puskin, viết dựa trên truyền thuyết của Tây Ban Nha về Don Juan, nhân vật này quyến rũ bà góa của viên chỉ huy khi bà này đi viếng mộ chồng, Don Juan ngạo mạn mời bức tượng ông này đến nhà chứng kiến cuộc hẹn hò giữa gã và bà góa. Rồi hôm đó hai người quả nghe tiếng chân tượng đá bước vào, và chìa tay ra với Don Juan. Gã nắm lấy, và cả hai cùng ngã xuống. - BTV

14.

Ở đây có lẽ ám chỉ thủ pháp kể chuyện từ quan điểm của người kể chuyện xa lạ (so với bối cảnh truyện); được dùng phổ biến trong thế kỷ 18, nhằm đưa lại cái nhìn sống động, lạ thường và tươi mới về thực tế. Như trong truyện ngắn The Micromegas của Voltaire, nhân vật chính là "người khổng lồ bé nhỏ" từ chòm sao Thiên Lang (Sirius) đến trái đất để thám hiểm. Mọi thứ quen thuộc trên trái đất đều trở nên lạ lẫm dưới cái nhìn của nhân vật này do xét theo hệ quy chiếu khác. - BTV

15.

Ở đây tôi liên tưởng đến nhân vật Alceste trong kịch Moliere. Mọi điều với chàng đều rất đơn giản, rõ ràng và dung tục. Alceste tương phản với Philinte, Celimene tương phản với Elianthe (Các nhân vật trong vở kịch Kẻ ghét đời của Molière), đó là hậu quả phi lý của một bản tính được đẩy tới mức cực đoan; và bản thân những lời thơ trong vở kịch, những câu "thơ dở", rất ít dấu trọng âm, đều đều như sự đơn điệu trong bản chất nhân vật. - Gốc

16.

Một vị thần trong thần thoại Hy Lạp, có khả năng thay hình đổi dạng linh hoạt. - BTV

17.

Nữ diễn viên người Pháp. Giáo hội Công giáo từ chối làm lễ an táng cho cô theo nghi thức tôn giáo. - BTV

18.

Khi đang diễn trên sân khấu, Moliere ngã quỵ và qua đời vài giờ sau đó, năm đó ông mới 28 tuổi. Phải nhờ sự can thiệp của đích thân nhà vua, ông mới được an táng theo nghi lễ nhà thờ. - BTV

19.

Một vị thần trong thần thoại Hy Lạp, được cho là đã lấy lửa của thần Zeus và trao cho loài người.

 Albert Camus
Trương Thị Hoàng Yến và Phong Sa dịch
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...