Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Bến lở - Truyện ngắn của Nguyễn Thảo Nguyên

Bến lở - Truyện ngắn của
Nguyễn Thảo Nguyên

Nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên ở Bến Tre, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, vừa đoạt Giải nhất Cuộc thi Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 với tác phẩm “Bến lở”. Vanvn.vn trân trọng giới thiệu truyện ngắn đặc sắc này đến bạn đọc.
Chị Liên nhìn chiếc ghe bán dạo chạy qua trên con sông trước nhà. Như mọi chiều, nó đang phát ra những hồi kèn đặc trưng thay tiếng rao mời. Đã biết bao lần, âm thanh cùng hình ảnh đó gợi chị nhớ lại khoảng đời thương hồ của mình. Đó là một phần trong những cuộc lênh đênh sông nước kéo dài qua ba thế hệ, bắt đầu từ những ngày ông ngoại và má chị buộc phải rời bỏ quê hương.
Một vùng đất xa xôi mà chị Liên chưa được đặt chân. Nơi này đã từng xảy ra trận bom, pháo kéo dài. Khi những âm thanh chết chóc ngừng lại, trong khung cảnh tang tóc của xóm làng có người đàn ông đội khăn tang chôn cất vội vàng bốn cái xác của vợ con. Đứa con gái nhỏ duy nhất còn sống sót của ông ngồi nhìn ba nó cùng hàng xóm làm công việc đó trong đôi mắt thảng thốt, nhưng nó chưa thể hình dung hết nỗi đau mất mát quá lớn vừa xảy đến gia đình. “Phải đi thôi!”. Suy nghĩ đó rộ lên trong ông vào những ngày sau đó, khi nhìn dòng người lần lượt rời quê lánh đạn bom. Đến một buổi sáng, hai cha con xuống chiếc ghe ra sông.
Sau nhiều năm chọn nghiệp thương hồ, đến một ngày ông ngoại chị Liên qua đời, một mình má chị tiếp tục xuôi ghe để nhiều khi đêm về cắm sào ở ngã ba sông. Đó là nơi khởi nguồn con sông chảy qua khu chợ của một thị trấn trù phú và cũng là bến đậu quen thuộc của ghe, thuyền lỡ chuyến về đêm. Rồi định mệnh khiến xui có những lần bà cặp ghe qua đêm với một người đàn ông mình cảm thương. Đêm chị Liên chào đời trên chiếc ghe hàng của má, chỉ mình bà tự đỡ đẻ. Trước đó, sau những lần ái ân, người đàn ông nhổ sào từ biệt và không một lần trở lại.
Tiếng đất lở rơi xuống sông rất gần kéo chị Liên khỏi dòng hồi ức. Đất lở từ lâu đã không còn là chuyện mới mẻ của xứ này. Mười lăm năm trước, ở tuổi ba mươi, chị Liên dùng số tiền tích cóp qua ba đời nổi trôi của gia đình mua miếng đất và dựng một căn nhà nhỏ bên sông. Chị muốn để má lên bờ nghỉ ngơi, chữa bệnh. Sức khỏe về già của bà suy sụp nhanh do đã trải một quãng dài cơ cực. Cạnh chỗ chị Liên ở có bến ghe qua sông và con đường đất dẫn vào xóm dân cư, nhờ vậy má con chị có thể sống được bằng việc mở một tiệm tạp hóa nhỏ. Nhưng chỉ sau ba năm, má chị qua đời. Đất ngày càng lở sâu. Đến nay căn nhà kê của chị đã hai lần dời lùi, còn bến ghe ngoài kia trở nên thiếu an toàn cho khách nên nó được chuyển về phía thượng nguồn từ hơn một năm trước. Con đường đất cạnh nhà chị Liên vì vậy trở nên vắng người và cái tiệm của chị cũng không còn hoạt động.
Thằng Hòa bước dọc bờ mương, vừa đi vừa quan sát một đoạn rồi dừng lại lội xuống và nhẹ men đến chỗ có mấy cái hang nằm phía trên mép nước vài phân. Nó nhìn kỹ một lần nữa trước khi móc miếng mồi trùn vô lưỡi câu. Dù hôm nay thằng Hòa trở nên thành thạo nhưng cứ mỗi khi làm mấy việc thế này, nó thường nhớ đến những điều đã được thằng Phi hướng dẫn:
“Phải biết phân biệt vì lươn với cua làm hang ở những chỗ rất giống nhau. Nếu cho lộn vô hang cua sẽ bị chúng kẹp, rỉa làm uổng công và hao mồi thôi. Do lươn phải trườn lách mình khi ra, vô nên miệng hang trơn bóng; còn ở hang cua nhìn thấy dấu ngoe nó bò để lại.”.
Sáng nay thằng Hòa đi câu một mình vì thằng Phi phải đến trường lao động rồi còn được chia nhóm chuẩn bị sinh hoạt hè. Lâu nay khi đi bắt cá hay vô xóm chơi đùa, thằng Hòa thường được thằng Phi đi cùng.
Thằng Hòa nhớ lại chuyện cũ…
Một chiều bọn trẻ rủ nhau bơi qua bờ bên kia con rạch, nơi có nhiều ổi mọc hoang để hái trái. Những cây ổi sẻ cùng nhiều cây dại khác mọc gie ra rạch làm râm mát một đoạn dài, thu hút cá về trú ẩn nên vào đêm có nhiều xuồng câu neo đậu. Lúc hái trái xong, cả bọn lội xuống bãi bùn chuẩn bị bơi về thì có tiếng la hoảng của thằng Hòa. Nó giẫm phải cái hộp thiếc cạnh bén, có lẽ do người từ chiếc xuồng nào đó dùng xong vô ý liệng xuống. Một đường cắt khá dài ở lòng bàn chân nó khiến máu chảy nhiều. Thằng Phi kè thằng Hòa bơi vội qua sông rồi cõng chạy một đoạn dài tới nhà chú Tám y tá để khâu, băng vết thương. Lần khác, lúc chơi với các bạn cạnh bờ dừa mà không có thằng Phi, do mải đuổi nhau khiến thằng Hòa sơ ý lao mạnh vào người thằng Thám đang đi chài trở về. Cái thùng trên tay thằng Thám rơi xuống đất làm đổ cá ra ngoài, có con cá lóc và vài con cá rô do không bắt lại kịp lách xuống mương. Thằng Thám nổi giận táng mạnh mấy cái làm thằng Hòa khóc mếu máo. Mấy hôm sau, thằng Thám đang chơi bắn bi thì thằng Phi trên mặt và tay còn vương vết bùn đi tới liệng hai con cá lóc đã được cột xâu lại trước mặt thằng Thám: “Tao đền mầy mấy con cá thằng Hòa làm sẩy bữa trước.”. Thằng Thám chưa hết ngạc nhiên đã bị thằng Phi níu cổ áo kéo đứng lên: “Còn chuyện mầy lớn hơn mà đánh thằng Hòa thì bữa nay tao đánh lại mầy.”. Nói xong, thằng Phi đấm thẳng mặt thằng Thám rồi hai đứa lao vào nhau. Đến khi được can ra thì cả hai đều bị xây xát, rũ rượi…
Móc mồi xong, thằng Hòa đưa vô miệng hang rồi dùng hai ngón tay nhẹ nhàng se dây đẩy dần vào bên trong. Nó lại nhớ lời chỉ dẫn rành rọt của thằng Phi:
“Phải nhớ một tay luôn giữ chặt dây. Lươn kỹ ăn lắm, nó ngậm mồi từ từ chứ không táp nuốt liền như đám lóc hay rô. Cho nên nếu giật dây ngay lúc vừa bị kéo căng thì thế nào lươn cũng nhả ra, mà đã vuột mồi câu rồi nó khó ăn lại lắm. Chờ một lúc cho nó nuốt, mình mới kéo tay hơi mạnh thì lưỡi câu sẽ móc vô họng hay hàm của nó. Đến đó cũng chưa phải cố hết sức lôi ra bởi lươn còn khỏe, nó ghì lại sẽ làm đứt dây. Cứ giữ kéo nhấp dây một hồi để lưỡi câu nhịp liên tục làm nó đau mất sức dần. Về sau nó đuối rồi mình dễ dàng kéo ra.”.
Một đỗi, thằng Hòa thấy đoạn dây câu căng ra và kéo giật lại tay nó.
Ngồi trong chái bếp bên hông nhà, dì Tư nói vọng ra khi thấy thằng Hòa tay cầm cái đụt đang đứng trước ngõ nhìn vô:
“Kiếm anh Phi hả con? Nó đi trường rồi!”.
“Dạ!…”.
Thằng Hòa lên tiếng rồi đi đến đứng cạnh dì Tư. Tưởng nó chưa nghe rõ, dì nói lại:
“Sáng nay anh Phi đi lao động ở trường rồi con!”.
“Dạ! Bữa con có nghe ảnh nói.”.
Thằng Hòa trả lời mà ánh mắt lo lắng vẫn chưa thôi ngó chừng ra xung quanh. Dì Tư hiểu lý do sự rụt rè của thằng Hòa. Nó ngại gặp một người.
Thằng Hòa mở miệng cái đụt rồi đưa tay kéo ra một con lươn. Bàn tay thành thục của nó giữ chặt cho dù con vật đang giãy giụa.
“Con cho anh Phi con lươn, nghen bà!”.
“Í, đừng! Con đem về ăn với má đi!”.
Dì Tư đẩy tay thằng Hòa nhưng nó đã nhanh nhẹn bỏ con lươn vô một cái xô trống cạnh đó. Nó cười:
“Con còn!”.
Dì Tư nhìn thấy trong cái đụt còn một con. Đó là hai con lươn thằng Hòa vừa câu được sáng nay. Dì nhìn từ phía sau gáy của thằng Hòa lúc nó ngồi xổm cúi người gài lại miệng cái đụt, rồi nhủ thầm: “Trời ơi! Cái tướng hai anh em nó giống nhau quá!”.
Thằng Hòa dợm đứng lên:
“Thôi, con về!”.
“Ờ, mà nè! Nghỉ bán tiệm rồi má con có làm gì không?”.
“Chiều chiều má đi gom mua rau vườn để sáng sớm giao chợ. Độ rày má cũng có học làm ươm, ghép cây giống nữa.”.
“Sông nuốt lần miếng đất của má mầy có còn được bao nhiêu. Chỗ đâu để ươm cây?”. – Dì Tư hỏi theo trí nhớ của lần cuối cùng ghé tiệm chị Liên, lúc có việc đến bến ghe cũ khi nó chưa được dời đi, cách đây gần hai năm.
“Hổm con nghe má hỏi bà Sáu chủ đất mé sau cho má mượn chỗ để làm.”.
Có tiếng xe máy mỗi lúc một gần. Thằng Hòa nói: “Con về!”, rồi bước thật nhanh sang lối tắt bên vườn.
Chị Phấn về tới. Dựng xong chiếc xe, chị hỏi khi nhìn theo cái dáng vừa khuất sau hàng chanh xen trong bờ dừa:
“Ai như thằng Hòa hả má?”.
“Ừa! Đi câu về, nó ghé cho thằng Phi con lươn.”.
Giọng chị Phấn trở nên khó chịu:
“Sao cứ bị dây dưa hoài với mấy người đó. Hổng biết kiếp trước con nợ nần gì với họ nữa. Mà má nhận làm chi đồ của nó!”.
Dì Tư phiền lòng:
“Tao có muốn đâu! Tụi nó tự nhiên quý nhau thôi, mình làm sao cản được. Mà suy cho cùng chúng cũng là anh em mà!”.
“Má cứ…”.
Giọng chị Phấn nghèn nghẹn. Có vẻ như chị muốn nói gì đó, rồi thôi. Chị lấy từ xe những thứ vừa mua về để vô một góc bếp rồi uể oải ngồi lên chiếc ghế cạnh đó. Dì Tư nhìn con, thương cảm:
“Thôi, con! Chuyện đã lâu rồi còn thắt chặt làm gì. Má nói bao lần là buông bỏ để nhẹ lòng. Số phần con đã vậy, ba thằng Phi cũng không còn. Giờ anh em nó ở cạnh chăm sóc nhau cũng là điều tốt.”.
“Má lại chuyện anh em nữa rồi! Nếu không có người đàn bà đó thì lâu nay thằng Phi đâu phải thiếu em ở căn nhà này.”.
Dì Tư nhìn những sợi tóc bạc của chị Phấn rồi khẽ thở dài. Cách đây mười mấy năm khi gả chị về một gia đình khá giả, dì hài lòng với ý nghĩ con gái sẽ được hạnh phúc. Nào ngờ chị chỉ có được điều đó vài năm còn về sau là biết bao nỗi buồn, thậm chí nhiều lúc dì cảm nhận con gái như bị trầm cảm.
“Thôi! Tới giờ đi đám giỗ rồi. Lúc nãy đi chợ con có mua cái này, má cầm qua bển đốt nhang cho cô Năm!”.
Chị Phấn hối thúc. Chị hiểu suy nghĩ của má lúc này và muốn bà thoát khỏi muộn phiền.
Chị biết trẻ con không có lỗi nhưng sao cứ thấy khó chịu khi nhìn thằng Hòa chơi đùa cùng con trai mình, dù chuyện trôi qua đã nhiều năm. Hôm ấy chồng chị nói lên tỉnh họp bạn thời học phổ thông, đến tối muộn vẫn chưa về. Điện thoại nhiều cuộc anh không bắt máy, chị linh cảm có điều bất an nên để thằng Phi lúc ấy chưa đầy hai tuổi cho bà ngoại nó trông chừng với ý định lội dần ra bến ghe nghe ngóng. Dì Tư ngăn cản vì ngoài trời có mưa mà con gái lại đang mang thai nhưng chị quyết đi để rồi bị trượt chân dọc đường. Nhưng bất hạnh đến với chị không chỉ thế. Trong khi chị đau buồn vì phải mất đi đứa con trong bụng do cú trượt chân tai hại ấy, thì cũng đêm đó chồng chị đang trên giường cùng người phụ nữ khác. Chị biết điều này từ thú nhận của anh chỉ hai năm sau, trước khi anh mất do bệnh. Anh xin chị tha lỗi vì đã có con với người phụ nữ đó và mong muốn sau này thằng Phi nhìn nhận em của nó.
Đêm nay chị Liên không ngủ được. Phần vì mưa vỗ mạnh trên mái tole cùng tiếng khua đập từng đợt của vách nhà trước những đợt gió mạnh, phần nữa là cơn mưa thật lớn giống như đã từng ở đêm nào gợi cho chị bao hình ảnh kỷ niệm.
Đó là những ngày chị tập làm quen cuộc sống đơn độc từ sau khi má mất. Một điều an ủi là tiệm tạp hóa của chị nằm bên đường đất cạnh bến ghe thường có khách lui tới cũng giúp chị nguôi cơn trống vắng nhưng đó là vào ban ngày, còn khi đêm về thì sự lẻ loi trong không gian tĩnh lặng thường xuyên tạo nỗi lo sợ với cảm giác hụt hẫng. Trong sự cô đơn đó chị thèm được nương tựa, được chia sẻ và được yêu. Kể cũng lạ – chị nghĩ – thời trẻ trung xuôi ngược thương hồ tiếp xúc biết bao trai tráng, trong đó có những người ngỏ lời muốn được sống lâu dài cùng chị nhưng đều không gây ở chị sự rung động nào. Đến khi vào tuổi lỡ thì, chị đâu ngờ rằng mong muốn được bày tỏ, được thể hiện cảm xúc, được gắn bó lâu dài với người mình thương thường khi ùa về trong khát khao cháy bỏng.
Và rồi chị đã yêu. Đó là người thường vì công việc đến bến ghe để qua sông, thỉnh thoảng ghé tiệm của chị mua bao thuốc lá hay ít đồ dùng cá nhân. Nhưng thật trớ trêu bởi anh đã có vợ con. Chị cố chôn vùi tình yêu đầu đời đó của mình nhưng không hiểu sao lòng vẫn xao động khi tiếp xúc với anh.
Vào một đêm, cơn mưa lớn trút xuống khi ngoài sông chuyến ghe cuối cùng còn chưa kịp cặp bờ bên này. Loay hoay dọn quán và ghi chép sổ sách xong, chị lên giường nhưng không sao ngủ được. Có một nỗi lo vừa mơ hồ vừa rất thật cứ miên man trong đầu. Chị trở dậy quan sát và lấy chiếc đèn pin soi qua cửa sổ về phía đường đất bên ngoài. Bất chợt chị giật mình trong lo lắng khi nhìn thấy có một người đang quỳ gục đầu bên một thân cây. Nơi này còn cách xóm dân cư một khoảng. Cố nén nỗi sợ bước ra ngoài, chị bất ngờ và nghe tim đập nhanh khi nhận ra đó là người từng khiến chị vấn vương. Anh uể oải hướng mắt nhìn rồi gắng gượng thốt lên nhưng quá nhỏ chị không nghe được.
“Say rồi!”. – Chị nghĩ khi đến gần anh và ngửi thấy mùi rượu.
Có chút đắn đo nhưng rồi chị cố dìu anh đứng lên đưa vô nhà.
Quá nửa đêm khi anh tỉnh lại, chị còn ngồi bên. Anh nói nhưng với chị thì tiếng nghe, tiếng mất trong tâm trạng bối rối. Đến khi anh nắm tay chị thì chị không còn kìm giữ được nữa. Sau đó, thêm vài lần hai người gặp nhau. Thằng Hòa là kết quả của những lần ấy. Nhưng cuộc tình vụng trộm của anh chị không lâu. Một cơn bạo bệnh đã đưa anh đi vội khi thằng Hòa chưa tròn thôi nôi.
Sự ra đời của thằng Hòa giúp chị Liên bớt nỗi cô đơn nhưng từ khi chiếc giường của mình có hơi đàn ông, chị thường lo sợ xen trong mặc cảm lỗi lầm. Chị cứ nơm nớp về một ngày phải đối mặt với vợ anh. Rồi ngày đó đã đến. Khoảng bốn tháng sau khi anh mất, chị Phấn đến gọi mua vài món vặt nhưng chị Liên nghĩ mục đích của khách không phải vì việc ấy. Ánh mắt lạnh lùng của chị Phấn nhìn xung quanh rồi dừng lại khá lâu trên bàn thờ. Ở đó có hai lọ nhang nhưng chỉ có một di ảnh của má chị Liên, bởi từ bốn tháng nay chị đặt thêm lọ nhang để đốt cho anh nhưng còn ảnh của anh thì chị không có; mà nếu có chị cũng không dám đặt lên. Chị Liên lặng người chờ đón nhận cơn giận dữ từ khách nhưng chỉ có sự im lặng và cuối cùng chị Phấn quay về trong ánh mắt buồn.
Chị Liên nghĩ số kiếp của mình giống má, đều lỡ làng duyên phận để rồi làm mẹ đơn thân với những tháng ngày chông chênh. Nhiều lúc muốn đưa con rời bỏ bến lở này với ý nghĩ xua đi nỗi lo sợ cùng mặc cảm lỗi lầm nhưng chị không có chỗ để đi. Bởi từ nhỏ chị chỉ quen nổi trôi trên sông nước và cũng thật xa lạ cả với quê hương của mình.
Thằng Phi ngồi nhìn ra khoảng sân trước nhà. Tiếng ve ngân đều đều trong ánh nắng chiều gay gắt gây cho nó cảm giác khó chịu. Thường những lúc rảnh ở thời điểm thế này, nó với thằng Hòa đi thả dây câu hoặc cùng lao vô những trò đùa nghịch với đám bạn. Thằng Phi trở nên ít quan tâm đến những trò ấy từ hơn nửa tháng nay, khi thằng Hòa bị rắn cắn lúc đi bắt chuột rồi sau đó má nó không cho vô xóm chơi nữa. Hôm trên bờ đất giáp mí ruộng, thằng Phi cầm cuốc bới hang còn thằng Hòa đứng canh. Con chuột phóng ra nhưng thằng Hòa chụp hụt để nó lủi vô bụi trâm bầu non gần đó. Thằng Hòa lao theo vạch bắt nhưng liền sau đó nó nhăn nhó kêu lên: “Rắn, anh Phi ơi!”. Thằng Phi nhìn thấy con rắn bò nhanh khỏi bụi trâm bầu rồi chui vô khe nứt dưới ruộng. Nó chồm tới nâng bàn tay thằng Hòa, máu đang chảy ra từ hai dấu răng rắn để lại. “Mầy đừng cử động!”. Nói xong, Thằng Phi cúi người xốc thằng Hòa lên lưng cõng vội đến chú Tám y tá. Thằng Hòa sau đó được đưa vô bệnh viện nằm đó mấy ngày.
Thằng Phi bước đến nhìn qua cửa sổ vô nhà. Má nó đang ngồi lui cui bên chiếc máy may. Nó lại vòng ra sau nhà để đi đến một chỗ trong lều chứa củi rồi khom xuống vạch ra ngó mấy trái xoài ở đó. Xong, nó trở vô chái bếp, nơi có dì Tư đang ngồi.
“Xoài chín rồi, có cái gì đựng xách đi không ngoại?”.
Dì Tư lấy cái giỏ đệm đưa thằng Phi rồi dặn:
“Nhớ lót lá chuối khô, chứ không nó bị giập nghen con!”.
Đối với thằng Phi, trong nhà này, bà ngoại dễ thông cảm với nó hơn má. Trước đây, một lần thằng Phi hỏi lúc chỉ có hai bà cháu với nhau:
“Bộ thằng Hòa là em của con hả ngoại?”.
“Ai nói với con vậy?”. – Dì Tư hỏi sau một thoáng sửng người.
“Hôm qua đi về tình cờ con nghe được lúc ngoại với má nói chuyện.”.
“Con không được nói lại chuyện này với ai nghe chưa, cả má con và thằng Hòa!”.
“Nhưng mà điều đó có đúng không?”.
Dì Tư nhìn thằng Phi, khẽ gật.
Từ đó thằng Phi dần hiểu ra vì sao má thường tỏ ý khó chịu khi thấy nó đi cùng thằng Hòa. Nó giữ lời hứa với bà ngoại nhưng càng gần gũi, quan tâm thằng Hòa nhiều hơn. Thằng Hòa vốn nhút nhát và có phần yếu đuối so với đám bạn cùng lứa mà thằng Phi không muốn em bị bắt nạt. Đang vô mùa xoài. Mấy hôm trước nhìn những cây đầy trái nhà mình, thằng Phi nghĩ nhà thằng Hòa nằm chơ vơ ở bờ đất lở không trồng gì được. Muốn có xoài chín để đem cho em mà không biết làm cách nào, thằng Phi năn nỉ bà ngoại giúp và nói đừng để má nó biết. Đợi lúc chị Phấn đi vắng, hai bà cháu hái một số trái già đem giú trong góc khuất của lều chứa củi.
Thằng Phi xách giỏ xoài đi nhanh mà không biết má nó đang đứng trong nhà nhìn cái dáng lầm lũi của con trai bước theo lối tắt bên hàng chanh. Một lúc, chị Phấn khẽ thở dài rồi đến dẫn chiếc xe máy ra ngoài:
“Má ngó chừng nhà dùm con nghen!”.
“Đi đâu vậy con?”. Dì Tư nhìn con gái.
“Ra chợ huyện. Chiều má nấu cơm rồi hai bà cháu ăn trước. Đừng đợi! Chắc con về trễ.”.
Dì Tư thắc mắc vì chị Phấn khi cần mua sắm thường chỉ đi chợ xã gần nhà chứ hiếm khi ra huyện. Dì định hỏi nhưng thấy mặt con gái không vui, nên thôi.
Lúc ngồi lên xe chị Phấn dặn thêm:
“Má nói thằng Phi mai mốt nhà hái xoài, nó muốn cho ai thì cứ hỏi mà lấy chứ đừng giấu đút như vậy!”.
Dì Tư quan tâm:
“Con biết nó đem xoài cho thằng Hòa à?”.
Chị Phấn tránh ánh nhìn của má:
“Thì tại sợ nó thập thò leo cây vội vội vàng vàng lỡ có chuyện gì… Mệt quá! Cứ dính từ chuyện này sang chuyện khác với bên nhà đó. Mọi sự cũng tại ba nó hồi đó hết thôi.”.
Chị Phấn lái xe đi lúc dì Tư càu nhàu:
“Tâm lành mà sao cứ nặng nề miệng lưỡi hoài vậy hổng biết!”.
Trong ánh tà dương vừa tắt, chị Phấn cảm thấy căn nhà giữa không gian yên ắng chừng như nhỏ bé và yếu ớt hơn trước những cơn gió giật, cùng khoảng mênh mông của con nước rong giữa tháng đang nhẹ trôi trên sông. Đó là điều chị đã không để ý nhận ra mỗi lúc có việc đi qua bến ghe cũ trước đây, cả lần chị bước vô căn nhà này chỉ vài tháng sau khi chồng mất. Và, còn những lần sau nữa, chị đều đứng trong khoảng không gian này với ý định vô gặp để nói “cho ra lẽ” với người đàn bà ở đây về nhiều điều mình đã chuẩn bị. Nhưng rồi chị đều lưỡng lự để cuối cùng lặng lẽ quay lưng trong nỗi day dứt và tự dằn vặt về sự bất lực của bản thân. Giờ đây, chị Phấn trở lại với cảm giác hồi hộp xen chút lo lắng lúc bước chân lên bậc thềm của căn nhà. Đang lúc bối rối trước cánh cửa đóng thì chị nghe tiếng:
“Xoài ngon quá, má!”.
Nghiêng đầu qua khe cửa sổ khép hờ để nhìn vô nhà, chị Phấn thấy thằng Hòa đang ngồi bên dĩa xoài chín đã được cắt nhỏ còn cạnh đó, chị Liên đứng đốt nhang trước bàn thờ.
“Mà sao anh Phi thương con quá vậy, má?”.
Chị Liên dừng tay nhìn con, vẻ hơi bối rối nhưng chưa trả lời thì thằng Hòa nói tiếp:
“Trong xóm, ảnh hay binh vực con. Có ảnh, hổng đứa nào dám ăn hiếp con hết!”.
Cắm nhang xong, chị Liên đến ngồi cạnh con trai. Thằng Hòa nhìn má một lúc, vẻ như đắn đo rồi nó nói có phần rụt rè:
“Mơi mốt… má… cho con vô xóm chơi nữa nghen!”.
“Không được!”.
Chị Liên khẳng định rồi chợt nhận ra nét mặt thất vọng của con, chị nhẹ nhàng xoa đầu nó:
“Đã xảy ra biết bao chuyện với con rồi. Lỡ có bề gì làm sao má chịu nổi! Vừa rồi bị rắn cắn thế nào, con quên rồi hả?”.
Chị Liên nhớ lời bác sĩ lúc thằng Hòa nằm điều trị qua cơn nguy kịch: “May mà đưa đến bệnh viện kịp thời. Đó là loài rắn rất độc nếu cấp cứu không kịp sẽ gây chết người, nhẹ hơn cũng có thể làm hoại tử tay dẫn đến tháo khớp.”.
Thằng Hòa cảm thương khi nghe giọng xúc động của má. Nó với nắm lấy bàn tay của chị Liên vung nhè nhẹ rồi nói:
“Tội nghiệp anh Phi quá! Bữa đó cõng con đi xa tới nhà chú Tám chắc ảnh mệt lắm”.
“Ừa! Anh Phi thương và lo lắng cho con như vậy, sau này con đừng làm gì để ảnh buồn nghen!”.
“Dạ!”.
Trả lời xong, thằng Hòa lại nhớ chuyện cũ:
“Nhưng mà con muốn… Hồi chiều đem xoài tới nhà mình, anh Phi kêu con xin má cho vô xóm chơi lại chứ ở nhà hoài buồn lắm!”.
“Ừ, buồn thiệt!”. Đứng bên ngoài chị Phấn nghĩ và nhìn ra phía trước nhà. Trăng rằm đã nhô khỏi các rặng cây tỏa ánh gây phản chiếu trên những con sóng hết đợt này tới đợt khác theo các ngọn gió liên tục thổi về, tạo hình ảnh đơn điệu với cảm giác buồn trong khoảng mênh mông. Có thể trước đây người ta đã không chú ý đến chuyển động của những con sóng vỗ bờ đó, nhưng nó cứ âm thầm xảy ra để đến lúc gây nên điều không mong muốn: xói mòn rồi làm sạt lở khu bờ sông này. Chị Phấn lại nghe nhói lòng trong suy nghĩ cũng từng có một mối tình âm thầm từ bờ lở này dẫn đến quá nhiều xáo trộn trong cuộc sống, tình cảm của gia đình chị hơn mười năm nay.
Những ngày này chị Phấn càng rõ chuyện phát triển tình cảm của hai đứa nhỏ diễn ra một cách rất tự nhiên, ngoài điều chị định. Lâu nay chị không muốn con trai giao du với thằng Hòa, có lúc chị cố biểu hiện thật khó chịu để làm chúng e dè và hạn chế tiếp xúc. Nhưng rồi chúng vẫn hồn nhiên gắn bó với nhau. Chị nhớ điều má chị đã từng nói: “Người lớn xảy ra chuyện nếu không êm thấm được, có thể giận hờn thậm chí oán hận nhau nhưng đừng để con nít bị ảnh hưởng. Bởi chúng không có lỗi gì cả. Còn nếu buông bỏ được, con sẽ thấy thanh thản hơn!”.
Từ trong nhà có tiếng chị Liên:
“Thôi được rồi! Sắp đám giỗ ba, ở nhà phụ má. Xong, má cho đi nhưng phải cẩn thận hơn nghe chưa!”.
“Dạ, má!”.
Chị Phấn lại nhìn vô nhà. Thằng Hòa đang toét miệng cười, mắt nó sáng lên.
“Ngày mốt…”. Chị Phấn nghĩ rồi hướng mắt về phía bàn thờ. Nơi đó hầu như không thay đổi gì so với lần trước chị đến. Phía sau một lọ nhang có khung ảnh người phụ nữ, còn lọ nhang ở cạnh thì không. Giờ nhìn lại, chị thấy xót xa chứ không còn cảm giác tức giận như trước nữa. Chị chạm nhẹ tay vào chiếc giỏ đang mang theo, trong ấy có khung ảnh chồng chị vừa lúc chiều chị ra cửa hiệu ở chợ huyện đặt làm. Mốt là ngày giỗ anh. Chị nghĩ chỗ trống phía sau lọ nhang đó từ giỗ lần này sẽ có ảnh.
Có chút lưỡng lự khi định gõ cửa nhưng rồi chị Phấn nghĩ đến con trai. Hẳn thằng Phi sẽ hỏi bà ngoại về sự vắng mặt của má khi chỉ có hai bà cháu ngồi bàn cơm chiều nay và giờ đây có lẽ nó cũng đang trong ánh mắt bồn chồn, lo lắng khi chưa thấy má về. Đó cũng là ánh mắt mà mấy giờ trước chị nhìn thấy ở con khi nó ngồi trước cửa nhà mình ngó mông ra ngoài trong tiếng ve ngân, cũng là ánh mắt của nó trong nhiều lần trước đây khi chị cố nêu lý do ngăn nó đi ra ngoài với thằng Hòa. Giờ chị không muốn nhìn thấy ánh mắt trong tâm trạng đó của con nữa; nó phải luôn giống ánh mắt của thằng Hòa vừa rồi, lúc được chị Liên hứa sẽ cho trở vô xóm chơi.
Một cách dứt khoát, chị Phấn đưa tay gõ cửa.
10/12/2023
Nguyễn Thảo Nguyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...