Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Nước mắt Mặc nưa

Nước mắt Mặc nưa

Thiệt hộc tốc chạy về khi vừa nghe dứt cú điện thoại của thằng Bình bát. Tháng sáu phủ nắng khắp miệt đồng bưng. Nắng nảy lên những tán lá xanh rì. Nắng trổ những trái non biêng biếc quanh mấy cành cụt. Nắng hong khô mấy cây hàng vừa da. Nắng nung người dân tay đen lấm tấm mồ hôi. Chỉ vậy thôi, nắng không thể bắt lửa để cháy vườn Mặc nưa. Thiệt tin con nắng xứ này cũng mang lòng phù sam, sao nỡ đốt thứ thảo thơm đã cho người lục tỉnh vang danh trăm năm qua. Thiệt cứ chạy. Chạy trối chết dọc trên bờ đê. Chạy băng qua mấy cánh ruộng. Chạy về phía lửa. Phía Mặc nưa đang mùa cho trái.
Ông bảo hay là thôi, bày vẽ ra thêm sẽ khiến mình mòn cả đời. Thiệt còn trẻ cứ theo tía má hay mấy anh chị tìm đường mà mưu sinh. Tỷ như tía má qua con phà Vàm Cống lên thị thành rồi gá luôn phận đời mình ở đó. Giàu sang không có nhưng cũng an ổn phần đời với đám con. Tỷ như xóm lãnh hồi đất xẻ châu thổ ra như người ta xẻ cá. Đất lên vùn vụt. Xứ chín nhánh tróc vảy từng mảng.
Thiên hạ chặt cây. Thiên hạ bỏ vườn. Đất gom lại thành khu công nghiệp. Công ty ào ạt dựng lên. Vô công ty làm thì đâu cần lo nắng lo mưa, lo lớn ròng con nước. Sáng đi, chiều về, tới tháng lãnh lương. Xóm lãnh cũng chặt Mặc nưa, dẹp khung, bỏ luôn đời tay đen mà tìm cái nghề cho nó xán lạn hơn. Chứ cái nghề này, nói thiệt, đã mai một theo biến thiên thời cuộc.
Lãnh theo thế thời cũng lụi tàn. Làm ra kỳ công, lại mắc tiền, đâu bằng mút-sơ-lin, hay thứ lụa pha nilon rẻ rề ngoài chợ. Thời công nghiệp hiện đại, mấy ai còn chuộng đồ thủ công làm lâu lắc. Giờ ra chợ mua xấp vải về may đồ, chứ lãnh thì đôi khi phải trông mưa trông nắng, trông mùa Mặc nưa, đợi giũ, đợi dập. Đời bây giờ đâu ai thèm đợi chờ một thứ mà tiền có thể mua ào ào.
Thiệt không nói gì, bỏ ra ngoài mé sàn lãng. Chiều dập dềnh mấy nhánh lục bình miên di phận đời lữ thứ. Lục bình rễ chùm. Lang thang tìm bến mà neo. Nhưng rễ có bám bến bén ngót chừng nào thì khi gặp sóng lớn đánh cũng rã nhánh mà trôi nổi theo luồng lạch sóng nước xứ này. Dẫu cũng ra bông nhưng luôn là phận đời long bong viễn xứ.
Chiều ai thả ngọn khói rơm rạ lên trời mà ngái nồng cả khúc sông.
Thiệt về sau mùa dịch khủng khiếp tràn qua thị thành. Đất phồn hoa xanh đỏ đèn màu thoáng chốc ngỡ như đi vào một cuộc chiến. Phố xá xám xịt. Tiếng còi hú inh ỏi. Nhà sát một điểm tập kết những người dính dịch, nên tim má thình thịch mỗi khi nghe xe cứu thương trung chuyển. Từ phía tầng lầu Thiệt nhìn xuống, lố nhố người trắng bệt gương mặt. Báo đài cập nhật con số nhảy múa như chưa bao giờ biết dừng. Hàng rào kẽm gai giăng đầy đường. Thị thành như bị xé toang loang lổ những vết thương, chằng chịt những nỗi đau.
Gia đình anh chị em tám phương tứ hướng thoảng khi mới nhắc nhau, đôi khi chỉ gặp nhau mấy bận về quê giỗ chạp Tết nhất nay tự nhiên biết thương nhau. Lập cái nhóm chat, gom hết nhau vào để hỏi thăm, để dạy nhau cách chống đỡ nếu lỡ nhà có ai bị dính. Cũng có khi là nhắc nhớ mấy cái ký ức xưa xa cũ càng rồi cười. Cũng có đêm bật khóc.
Đó là hôm dì khoe vẫn còn giữ cái bộ đồ bà ba may bằng lãnh Mỹ A. Dì mà có dính dịch chết, thì phải tẩn dì trong bộ bà ba này rồi hãy táng. Bộ bà ba ngoại cho làm của hồi môn khi dì theo chồng. Bộ này chắc tính ra cũng ba chục năm. Đâu hình như là bộ cuối cùng của cây hàng ngoại làm. Sau cây hàng đó, ngoại đã không còn sống với nghề tay đen.
Má coi đoạn chat tự dưng mắt đỏ hoe. Đêm má lên tầng lầu nhìn xuống trạm trung chuyển. Má rời thị thành là ba chục rồi sao? Cuộc đi ngày đó ngỡ chỉ là quá giang một đoạn đời ai ngờ gắn luôn phần số với thị thành này. Chưa bao giờ má thấy sợ như bây giờ. Chưa bao giờ đất này trống rỗng đến mênh mông. Má không sợ chết. Tầm tuổi này rồi thì sống chết cũng là một chuyến đi về. Cái má sợ là ngày về không được nằm trên đất quê. Không được chôn dưới chân ngoại.
Đêm Thiệt thấy má len lét thắp nhang lên bàn thờ gia tiên. Má mặc bộ đồ bà ba đen tuyền. Nhang trầm vương vào không gian trầm lặng. Ngoài kia tiếng xe cứu thương vẫn vọng vang. Con số đã lên mấy chục ngàn ca. Trong mấy chục ngàn ca đó, có vợ chồng bà bán bánh mì đầu hẻm. Hai vợ chồng phát bệnh, báo lên tổ trưởng khu phố. Và chờ! Chờ cả ngày vẫn chưa thấy xe tới rước.
Tin nhắn cuối cùng vào nhóm chat của khu phố là tin nhắn bà vợ báo hình như ông chồng ngưng thở. Mọi người thấp thỏm. Nhiều cú điện thoại gọi lên tổng đài. Các tổng đài đều quá tải. Xế trưa hôm sau xe đến. Hai cái băng ca quấn trắng toát được khiêng ra. Thiệt đứng trên lầu nhìn xuống. Mấy chục cái nhà là cả trăm cái ánh mắt ngó xuống. Ngó và sợ!
Nhưng sợ thì cũng chẳng thể làm gì khác cho đến một ngày dãy trọ cuối xóm gào lên. Mấy công nhân làm trong khu chế xuất Tân Thuận hết tiền, hết gạo, hết luôn cả mì gói, nhắn inh ỏi trong nhóm chat của xóm. Mọi người bàn nhau chia sẻ bớt. Thế là mỗi nhà một ít treo ngoài cửa. Mấy người công nhân qua cơn đói vài ngày.
Thoảng khi có xe hàng chạy vào xóm. Còn hai chục phần thôi bà con. Ai còn thì nhường người hết. Cuối xóm nhà bà Hương có tật cái chân một mình nuôi thằng con nhỏ, hai vợ chồng ông vé số, nhà đám sinh viên miền Trung, nhà mấy con nhỏ làm mát-xa. À nhớ chừa một ít cho đám công nhân. Mấy chục phần nhanh chóng hết cái vèo trong xóm nhỏ có trăm nóc nhà. Không ai được ra đường. Không chợ búa gì hết. Ở yên trong nhà và chờ.
Cánh đàn ông chờ trong bứt rứt bởi bây giờ bao cao su cũng là thứ xa xỉ. Cánh phụ nữ chờ trong ẩm ướt bởi bây giờ cái băng vệ sinh cũng không phải hàng thiết yếu. Tất cả phải chờ. Không chờ được thì gom nhóm và xông ra các chốt. Thông được chốt thì về cố hương. Đoàn người liều lĩnh trong đêm. Chốt chặn miền Tây bát nháo trăm ngàn người xe. Chốt chặn miền Đông phập phồng vỡ trận. Mười bốn triệu con người trong cái kén rỗng thoi thóp sống.
Thiệt phác thảo bản vẽ dựa trên một đề án từ phía Pháp gởi sang. Trằn trọc và suy nghĩ. Hai lần phác thảo bị từ chối. Đối tác yêu cầu cái gì đó thật lạ. Cái gì đó là của mày. Cái gì đó đặc trưng. Chứ tao không cần cái mà thế giới đã sẵn có. Thế giới có rồi, mày nhắm có vẽ ra thêm mà vượt hơn người ta thì vẽ. Không hơn thì thôi!
Quay về với quê hương của mày mà tìm. Những bức email trao đổi qua lại. Thời dịch ngưng trệ toàn cầu. Nhưng hãy nhớ rồi cơn dịch sẽ qua. Tất cả sẽ phải bắt đầu lại. Mày phải tận dụng. Thiệt leo lên tầng lầu ngồi ngó mông lung ra màn đêm đen kìn kịt. Đêm không trăng. Đêm không sao. Phố không đèn. Phố không người. Chỉ nhấp nháy chiếc xe dọc ngang có gắn đèn đỏ ưu tiên. Thành phố này vẫn thức. Không phải cái thức của ồn ào náo nhiệt của mưu sinh và ăn chơi. Mà thức vì sợ có khi mình ngủ một giấc là chẳng thể mở mắt ra nữa. Đêm vẫn quay cuồng trong đầu Thiệt với chênh chao.
Thiệt đi xuống nhà. Tiếng kinh đêm lầm rầm. Bài chú Đại bi má khấn mười phương chư phật gia hộ độ trì cho thành phố đi qua biến thiên thời cuộc này Thiệt thuộc nằm lòng. Bốn tháng nay, có không muốn nghe, có không để tâm thì Thiệt vẫn thuộc. Tám mươi bốn biến có là thần chú quảng đại viên mãn, cứu khổ cứu nạn, hay diệt vô lượng tội, được vô lượng phước và vãng sanh hương linh về cõi Tây Phương cực lạc. Thiệt không biết, nhưng, đêm nay, Thiệt quỳ cạnh má. Miệng vẫn khấn những câu quen thuộc. Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni.
Khói nhang mờ ảo cuộn tròn nhân ảnh. Khói tỏa những vòng xoắn lấy bộ bà ba đen bằng lãnh Mỹ A của má. Trong từng ngọn khói như từng con mắt mở ra. Mắt khói cay mắt người. Má vẫn rì rầm bài chú. Chỉ có mắt Thiệt rớt hột nước. Đêm mằn mẵn.
Chiếc xe dán cái băng rôn “Công đoàn khu chế xuất Tân Thuận” lù lù tiến vào đầu xóm nhỏ. Đám công nhân mừng tíu tít. Xe này cứu trợ công nhân, bà con xóm nếu đủ đồ ăn thì xin đừng lấy. Loa phát thanh ra rả. Có tiếng bà nhà giàu tru miệng từ cánh cửa sắt nhà mình vọng ra. Bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là thiếu trong lúc dịch này? Cha nội tổ trưởng chạy ngang qua nhìn căn nhà phán thẳng nhà giàu vậy mà la làng gì bà. Nhà giàu cũng có được ra đường đi chợ mua đồ ăn đâu. Nhà giàu cũng đói. Thấy đồ ăn là cũng phải xin.
Ông chủ tịch công đoàn ngó tới ngó lui. Giàu nghèo gì tầm này nữa mấy ông phát quà ơi! Xóm này đói rụng răng. Chết cũng chục mạng. Chết dịch chưa sợ bằng chết đói đâu mấy ông. Đói quắt quéo con người ra. Đói quá nên nhà giàu bỏ cái nhục mà đi xin ăn đây này. Ai đó trong đám công nhân đang xếp hàng bảo phát hết đi mấy chú. Đói cả xóm, chứ đâu chỉ có công nhân. Đói cả thành phố chứ có riêng gì người nghèo. Con vi-rút nó đâu có phân biệt giàu nghèo.
Ông chủ tịch công đoàn ngó lại cái xe quà, lí nhí gì đó với thằng lơ xe, xem chừng coi gói quà đủ phát hay không rồi ổng phủi tay ra hiệu: Phát! Mỗi phần quà là bao gạo, thùng mì, vỉ trứng, mớ rau mà quý còn hơn vàng. Lần đầu tiên sau 4 tháng dịch, Thiệt mới thò tay ra ngoài cửa nhà nhận một phần quà. Lần đầu tiên cả xóm nhỏ có quà. Cái xóm vỗ tay rần rần.
Ông chủ tịch công đoàn chấp tay xá lia lại. Ổng xá cái gì Thiệt không biết, nhưng sau lưng ổng, cha tổ trưởng khu phố mặt xám xịt. Nhà cha tổ trưởng khu phố ở con hẻm kế bên. Xe quà chưa kịp đi qua thì đã hết.
Tàn cuộc dịch, lệnh phong thành gỡ đi. Dân chúng túa ra đường kiếm ăn. Thành phố ngơ ngác kiếm tìm người quen. Người còn thì mừng. Người biệt dịch thì chẳng thể nhìn thành phố lúc này. Người vội vã trả phòng trọ gom hết đồ chạy về quê. Người lừng khừng cầm bộ hồ sơ đi xin việc. Bảng treo cho thuê mặt bằng giăng mắc từ đường nhỏ ra đường to, từ nhà trong hẻm ra đến khu trung tâm.
Thiệt chạy một vòng rồi thở dài. Ra phía quán cóc liêu xiêu bạt gió hay ngồi cùng đám bạn. Quán cóc vẫn chưa được mở hẳn. Bà chủ quán bán thập thò trong căn nhà nhỏ. Khách đến quăng cho cái ghế, kiếm góc cây khuất ngồi núp vào. Trong câu chuyện hỏi nhau qua lớp khẩu trang, bà bán nước cười buồn hiu. Ổng đi, người ta trả về là cái hủ cốt. Thằng con đầu cũng đoàn tụ theo cha. Hai cha con cách nhau đúng tuần lễ. Cái hẻm này nè, từ đầu đến cuối hẻm là gần năm chục mạng. Xê xích nhau vài ngày. Tới kỳ giỗ, chắc làm giỗ chung.
Giỗ chung.
Hai tiếng khiến Thiệt đau thắt ruột rà. Thể như máu ngưng tụ ứ dồn vào một chỗ đó. Bà bán nước pha ly cà phê như mọi ngày. Sao nay Thiệt chẳng thấy đắng mà vị cứ mặn chát môi.
Thiệt cầm bộ hồ sơ chạy đến công ty thứ ba thì rã rời và cảm thấy bế tắc. Thiệt ngó xuống đôi bàn tay trắng trơn của một thằng con trai gần ba chục tuổi đầu bươn chải với thị thành mà lòng tự biết thương chính mình. Giữa lúc lang thang tìm một cuộc mưu sinh mới thì Thiệt nhận được email. Bản thiết kế được thông qua. Số tiền làm dự án sẽ sớm được phía đối tác bên Pháp chuyển về. Họ hỏi tư cách pháp nhân của Thiệt là gì? Làm cá nhân hay là công ty? Họ cho Thiệt một tháng để hoàn thiện tư cách pháp nhân và nửa năm để Thiệt có thể biến các bản thiết kế thành sản phẩm.
Thiệt như điên dại la hét ngay góc phố mình đang qua…
Thiệt chọn trở về giữa cặp mắt rười rượi buồn của tía má. Chẳng ai buộc nổi gió trời. Tía nói vậy rồi cột mớ đồ nào là khung vẽ nào là ba lô thêm nhiều thứ nữa cho chuyến về miệt chín nhánh của thằng con bắt đầu biết thả cánh diều tương lai bay đi. Bay cao hay diều đứt dây thì chưa biết. Chỉ biết má lật đật chạy ra tận cổng dắm dúi một cái bao nhỏ cho Thiệt. Mắt má sưng mọng, có lẽ đêm qua tiếng cầu kinh của má lẫn vào tiếng nấc.
Thiệt nói với ông, Thiệt mở công ty. Một công ty hẳn hoi làm lãnh Mỹ A. Nhưng xứ này người ta quen lãnh truyền thống, tự làm ở nhà mình, mấy ai làm thành công ty. Từ làm nông chuyển qua làm công nhân không phải nói là làm bằng tay, mà là làm bằng cái đầu. Dân tay đen nào giờ cũng mặc định mình làm nông dân. Chưa bao giờ nghĩ đến cách làm lãnh mà chia xưởng, phân công đoạn ra như vậy!
Ông khuyên can mãi vẫn thấy thằng cháu chẳng lay động. Thằng cháu vẫn xất bất xang bang hỏi giấy tờ, tìm ruộng trồng Mặc nưa. Tìm dân tay đen đang lang bạt xứ nào đó để quy tụ. Lãnh Mỹ A phải tìm lại sự lấp lánh của thuở tầm tang rạng danh hơn cả Xá xị Xiêm.
Trong cơn say rượu gạo Phú Tân, một đêm Thiệt nghe lanh lảnh tiếng ai hát phía bên kia sàng lãng: “Bên nàng mặc lãnh Mỹ A. Đò đưa sang chợ, tưởng xa hóa gần”. Câu hát xưa cũ trôi bồng bềnh theo con nước đêm, theo ngọn gió đêm. Châu thổ này liệu còn có ai làm lãnh Mỹ A nữa hay không?
Đêm lảo đảo say. Thiệt lục trong mớ đồ gói đem về xứ, cái bao đồ của má dắm dúi nằm gọn trong đáy ba lô. Bộ bà ba lãnh Mỹ An đen huyền ánh màu nhưn nhức. Thiệt không biết phải làm sao? Thiệt thắp nhang lên bàn thờ gia tiên. Cạn chén với đêm. Thiệt ngủ quên trên cái đi-văng gỗ đã bạc thếch thời gian. Trong tay vẫn ôm khư khư bộ bà ba của má.
Mùi khói nhang nối hai miền thời gian. Giấc ngủ của ông cũng chập chờn đến rạng sáng khi gà mới gáy canh ba. Ông ung mớ trấu, pha ấm trà, bàn trà cạnh bên cái đi-văng gỗ. Ông lom khom người lục trong cái rương cũ kỹ giấu dưới bàn thờ, chạm đến đâu, bàn tay ông mát lạnh đến đó. Gió sớm trời đâu có cát bụi mà lùa mắt ông cay xè.
Thiên hạ bảo ông cháu nhà đó khùng quá chừng. Ai đời mở công ty làm lãnh ngay trong xứ ruộng đồng khỉ ho cò gáy. Công nhân làm lãnh. Lần đầu tiên mấy ông bà già nghe thấy. Rồi ký hợp đồng thuê đất. Rồi mướn công nhân phát lương, chia theo tổ. Làm lãnh gì kỳ cục thiệt. Đúng là mấy đứa nhỏ bây giờ làm toàn thứ hổng giống ai.
Nhưng, nói là chuyện thiên hạ, ông đi lân la kiếm mấy người bạn già, ông đưa cái bản vẽ của thằng cháu. Mấy ông già lụm cụm ngồi coi cái bộ đồ bà ba, coi áo dài lãnh trên hình mà run run tay rờ. Làm hay không? Được hay không? Mấy cái đó không quan trọng bằng mình được sống thêm một phần đời của dân bàn tay đen. Đôi tay nhăn nheo, đôi mắt xa xăm. Mấy ông bà già xứ lãnh mơ về thuở tầm tang xuôi ngược Đông Dương làm nên sự lẫy lừng cho miệt chín nhánh sông.
Xứ này còn một nơi có Mặc nưa. Chỉ một nơi thôi. Giáp biên giới. Còn một thằng khùng y hệt Thiệt. Mặc nưa chỉ bảy ngàn một ký. Người ta kêu chặt Mặc nưa đi. Trồng sầu riêng hay trồng thanh long, hay ít ra là trồng lúa. Thằng khùng vẫn cười hềnh hệch. Kệ tía tui. Tui trồng gì là đất nhà tui. Đất ông bà để lại. Trồng Mặc nưa trăm năm nay chứ có phải một ngày một bữa mà kêu chặt. Mặc nưa mũ vàng, gặp gió thành đen. Vàng đen xứ này mắc gì tui chặt. Tiền bao nhiêu cho đủ. Xứ này không lo đói, chỉ lo là một ngày nào đó thiếu Mặc nưa. Xứ lãnh mà không có Mặc nưa thì ai kêu là xứ lãnh.
Thiệt đi về vùng biên hỏi nhà thằng Bình bát. Thiên hạ nói lại thêm một thằng khùng. Hai thằng khùng ngồi hí hửng nhậu. Chiều phía núi thốc gió. Thằng Bình bát bảo hổng biết sao ba má tao đặt tao cái tên kỳ khôi. Hồi làm lại căn cước mấy ông trên xã hỏi đổi tên cho sang, cho đẹp, cho đời lên hương. Tao về nghĩ một đêm. Thắp nhang xin ba má. Đêm đó tao mơ thấy ba má ra đất chặt hết Mặc nưa.
Tỉnh dậy chạy ra vườn may mà còn nguyên. Từ đó tao đâu dám đổi tên, mà cũng không dám đụng đến mấy cây Mặc nưa. Nghèo thì sống lay lất cũng được, chứ có tội bất hiếu là không thể sống nổi ở trên đời này. Hai thằng khùng say rượu ngồi cười khục khặc, lôi bộ bà ba lãnh Mỹ A của má mình ra khoe nhau. Đứa nào cũng nói bộ má tao đẹp nhất. Cãi qua cãi lại đến ngủ gục cạnh bên nhau hồi nào không hay.
Xứ này còn một vùng dâu. Phía bên kia con sông Mòn Mỏi. Từ sàng lãng ngó qua. Ông chỉ về phía đó. Phía mà hôm trước phát ra câu ca vọng cổ xuống xề khiến lòng Thiệt tái tê. Ông chống xuồng nổ máy đuôi tôm về phía Mòn Mỏi. Căn nhà giáp mé sông của một bà mẹ đơn thân đâu đó ngoài bốn mươi. Nghĩ cho cùng, xứ này cũng còn sót lại chút nghĩa cũ càng với lãnh. Bà mẹ đơn thân nói vậy, khi châm trà cho hai ông cháu. Dòng Mòn Mỏi bận đó chiều đỏ ối ven sông.
Công ty trưng bảng lên, mấy cái khung dệt cũ được lôi ra, mấy ông bà già tụ nhau rôm rả. Già vậy cũng làm công nhân được hen. Ai đó nói. Tiếng cười rào rạo. Công nhân già nhưng hàng chất lượng nhất xứ lãnh này đó nghen. Chứ mấy đứa trẻ xứ này không qua phà lên thành thị thì cũng sang Gò đi Cam. Đứa đi trước rước đứa đi sau. Đi cho nhiều đến một chiều thì có đứa điện thoại về khóc mếu máo là lừa đảo. Cả đám bị bắt đi lừa đảo.
Từ Cam mấy ông chủ người Trung bắt gọi điện thoại lừa qua cái App gì đấy. Lừa không được thì bỏ đói, bị đánh. Chạy trốn thì bị bắt lại dần cho thừa chết thiếu sống. Chịu không nổi tông cửa chạy, nhảy xuống sông cũng nào thoát được. Sông nước chảy xiết. Có đứa trôi theo dòng mà trương phình lềnh bềnh nổi sau ba ngày. Đầu quay về cố hương. Có đứa may được cứu thoát.
Thiệt nghe mấy ông bà già kể chuyện. Ngập ngừng rồi quyết nhanh, hay tụ mấy đứa đó lại đây, dạy tụi nó làm lãnh. Giờ có đầu ra rồi, mình bán cho nước ngoài mà, nên chắc không nhiều thì cũng có ít cho tụi nó sống được. Không giàu nhưng đói thì chắc là không đâu. Mấy ông bà già, gật gù vậy hổng biết chữ cũng làm công nhân được nữa à? Được hết, miễn là chịu làm dân bàn tay đen. Ai đó gật gù vỗ đùi đen đét.
Công ty mang tên “Xứ tầm tang” ra đời khiến một vùng tứ giác Long Xuyên cũng chộn rộn theo. Nhưng người ta quen gọi bằng cái tên dân dã công ty “tay đen” nghe quê trớt nhưng mà đúng quá xá.
Nhưng mẻ hàng đầu tiên chưa kịp lên khung thì vườn Mặc nưa cháy ngùn ngụt. Khi Thiệt đến nơi, lửa vẫn còn âm ỉ. Thằng Bình bát chạy sống chết để cứu vườn. Bà con vùng biên tay chuyền nước múc từ con kinh cạnh bên cũng hối hả. Thằng Bình bát khóc ròng. Hay đám cò đất? Cũng có khi đám chủ hỏi mua. Nghe đâu họ xây khu nghỉ dưỡng. Bữa có ông nào đó nói đất này tựa núi, mặt ngó sông. Đất vùng giáp biên ai cho xây khu nghỉ dưỡng.
Có chăng là tụi nào ác ôn đem làm khu trung chuyển hàng lậu. Cách qua một con kinh là phía bên Cam. Nghỉ dưỡng gì chỗ này. Trong tức tưởi thằng Bình bát chỉ biết gào rống. Mồ tổ cha tụi ác nhơn. Đất nức ra vàng nên tụi nó điên hết trơn rồi. Vì đất mà tụi nó phá tàn phá mạt cả cái miệt này. Đất tróc như da cá. Những con cá châu thổ thoi thóp sống thiếu nước. Những con cá châu thổ phải long đong phận mình xứ khác. Châu thổ giờ đâu còn chín nhánh sông. Chỉ còn bảy mà thôi. Trời không thương người xứ này hay sao?
Thằng Bình bát khóc. Mếu máo chạy. Mếu máo cứu Mặc nưa. Đôi tay phỏng rộp lột cả da. Thiên hạ lôi nó ra, nó càng gào thét chạy vào.
Giữa hừng hực nóng, Thiệt nghe lòng mình rụng rời một niềm tin.
Tàn cơn lửa đỏ, vườn Mặc nưa còn sót lại chỉ một phần ba. Thiệt đang thất thểu trong xưởng xay thì tía má về. Cú điện thoại của ông khiến tía má thắt thẻo ruột gan. Đón chuyến xe sớm tía má về xứ lãnh. Trước cái xưởng đang xám xịt của thằng con, tía vỗ vai ra điều trầm ngâm. Má phủi tay cái rột. Không lấy được vườn thì ta lấy mót. Xứ này hổng lẽ hết Mặc nưa?
Mặc nưa không trồng vẫn mọc dại đâu đó trên ruộng, quanh rào, hay cũng coi như mình thử thách với tổ tiên thổ công. Hổng lẽ trời diệt đường lãnh. Đâu có ông chủ công ty nào mà khởi nghiệp vẹn nguyên không trầy da tróc vảy. Bà con chia ra đi lùng sục mót Mặc nưa. Một cây cũng mua, một cành cũng hái.
Tiếng xì xào rồi tiếng gật gù. Con nhỏ hồi đó giũ lãnh đẹp như múa của xóm Phú Tân nay trở về. Bởi nghề nó như cái nghiệp. Tha hương bôn ba xa xứ chứ tổ mà gọi thì cũng quay về thôi. Ai đó nhìn má nói. Má bâng quơ bảng lảng vào khung dệt. Đôi bàn tay má nhiều năm xa nghề biết có còn quen với khung cẩm tự. Biết tía có còn sức mà đập da nhứt. Mà dẫu có còn thì từ da nhứt đến da sáu là ròng rã cả tháng rưỡi phơi lưng cho trời bán mặt cho sông. Tự dưng Thiệt thấy mắt mình cay xè.
Cây lãnh làm ra khắc nghiệt hơn trong đầu Thiệt đã vẽ. Hay thôi mình buông chứ như vầy khổ cực quá chừng. Nhưng chưa kịp nói ra ý nghĩ đã thấy tiếng xuồng máy cập bến cuối xưởng. Hai mẹ con phía bên kia dòng Mòn Mỏi chất chồng mấy thúng dâu lá chở sang. Lẫn trong những thúng dâu lá có vài thúng Mặc nưa.
Mặc nưa vườn phía sau nhà. Trồng để nhớ vậy thôi! Ngờ đâu có ngày cần tới. Tui chặt nhánh từ hồi nghe vườn miệt biên Phú Tân bị đốt. Thứ cây kỳ lạ từ trong đớn đau mới xanh trái kết nhựa. Thể như đó chính là nước mắt của Mặc nưa. Trái đầu vụ, nhiều mủ nên nhuộm ít đập nhiều. Chừng trái cuối vụ, mủ ít đi thì mình nhuộm nhiều nhưng đập ít nghen ông chủ. Xứ này thiệt thà, ông chủ đừng buồn, bà con muốn làm nghề. Lãnh là cả cuộc đời họ. Họ làm cho ông chủ không phải vì tiền. Vì cái tình nghĩa với lãnh mà thôi!
Thiệt nghe bất giác tim mình như ngưng đập, cổ họng nghèn nghẹn. Thiệt phải làm. Thiệt phải đưa ra những cây hàng đẹp nhất. Phải may những bộ đồ đẹp nhất để người ta biết xứ tầm tang vẫn còn đó một cái nghề trứ danh thiên hạ.
Trên một đường thẳng dài Thiệt trang trí khung chín cải tiến từ cẩm tự để có thể dệt ra những cây hàng có chiều dài thước sáu thước tám. Má ngồi thoăn thắt quay tơ. Một cái con sông nho nhỏ để tía đi da nhứt. Màu Mặc nưa huyền mặc nhuộm vào khiến tấm lụa lánh lánh óng ánh. Mấy ông bà già chân trần nứt nẻ, mặt đen chai xạm, mười đầu ngón tay cũng dính mủ thô kệch xấu xí. Ông già mặc đồ bà ba lóng nga lóng ngóng trên chiếc xe đạp cũ mòn cũ rích. Bà già mặc áo dài tay xách giỏ đệm rụt rè ghé chỗ này lựa đòn bánh tét, qua chỗ kia chọn miếng mứt dừa.
Trong tiếng nhạc mênh mang của bài ca xưa cũ, thằng Bình bát tay cầm cây đờn rao dây Long Xuyên. Giọng xế xảng lảnh lót của người chị gái phía bên kia dòng Mòn Mỏi ngân nga câu ca hát trĩu lòng người: “Bao nhiêu ước mộng ban đầu, anh bắt nhịp cầu về xứ lụa Tân Châu”.
Cả cái sàn Runway quê trớt vậy mà nơi xứ người thiên hạ trầm trồ. Lần đầu tiên người ta thấy một bộ sưu tập lạ lùng. Một xứ tầm tang như miền cổ tích được phục dựng trong thời hiện đại. Cũng lần đầu tiên dưới ánh đèn thứ vải óng ánh lánh lánh theo từng bước chân mộc mạc mà chuyển động quyến dụ cặp mắt người xem không rời. Khán phòng đứng lên vỗ tay không ngừng. Mấy ông bà già quê cười hiền. Đứng nắm tay nhau giữa trăm ánh đèn flash. Bộ sưu tập lãnh Mỹ A mang tên “Tầm tang huyền diệu” được trao ngay Giải thưởng Grand Prix.
Phóng viên chụp hình ì xèo, chỉ thấy thằng nhỏ thiết kế chưa tới ba mươi tuổi bận đồ bà ba tay đen thui mắc cỡ gãi đầu liên tục. Sáng hôm sau báo chí từ Pháp tới Ý, từ Anh tới Mỹ, từ Âu sang Á và cả Việt Nam chụp tấm hình nguyên dàn người mẫu già nua mặc đồ lãnh, tay đen thui, đứng cười giữa kinh đô thời trang thế giới. Người ta hỏi phải mấy ông bà công nhân già này làm ra thứ lãnh Mỹ A không? Sao họ giỏi thế này? Chắc ở Việt Nam họ là nghệ nhân bậc thầy rồi! Mà phải già mới làm ra được lãnh à? Mấy ông bà già đâu biết tiếng nước ngoài. Chỉ biết cười. Cười trước trăm ngàn con mắt nhìn.
Mà ngộ, cười như khóc. Khóe mắt, nơi vết chân chim in hằn như phận đời trầm luân của lãnh Mỹ A, rõ ràng có mấy hột nước mắt.
20/12/2023
Tống Phước Bảo
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi mê 3000000

Cõi mê 3 Mười Sài Gòn, ngọc viễn đông, ngọc phương nam Ông Trọng vừa ăn xong bữa cơm tối một cách mệt mỏi. Ăn mà mệt, đó là bữa ăn của một...