Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Dòng sông miền cỏ may

Dòng sông miền cỏ may

1. Nhà nàng ở bên sông Năng. Con sông thơ mộng, mềm như một dải lụa, vời vợi, chất chứa biết bao kỷ niệm buồn vui cuộc đời nàng.
Nàng yêu dòng sông quê với tất cả tình yêu thương cuộc đời mình, dẫu dòng sông có lúc vơi, lúc đầy, lúc êm đềm, hờn dỗi, mênh mang… Hồi tóc còn để đuôi gà, buộc bằng cọng rơm khô, nàng và lũ trẻ thường ra bờ sông trèo lên những cây sung, cây vả hái quả ăn, đen nhẻm cả miệng, rồi nhảy tùm xuống nước vùng vẫy, lặn ngụp, đuổi bắt. Sẵn có bè nứa, tụi con trai, con gái giành nhau cây to làm phao thả trôi theo dòng nước đến ngã ba sông, bên nào thua thì vác nứa cho bên kia, cứ thế cuộc thi kéo dài như bất tận. Mặc cho gai cào chân tay, mặt mũi tứa máu vẫn không biết chán cho đến khi mẹ gọi mới chịu về. Có hôm bị mẹ đánh đòn đau vì sợ thuồng luồng bắt đi con gái của mẹ. Nghe mẹ trách yêu mỗi lần khâu vá lại quần áo: “Con gái, con đứa gì mà đũng quần chẳng còn cái nào thế này”…
Nhớ lời mẹ dặn, không dám ngâm mình dưới nước lâu, nàng cùng lũ trẻ lại rủ nhau đi câu cá. Tụi con trai cầm cần câu, tụi con gái thì bứt mấy cọng cỏ may làm dây xâu cá. Hoa cỏ may mọc tua tủa, cơ ngàn ở bờ sông như ngàn vạn mũi chông dựng đứng chỉ chờ lũ trẻ đến là đua nhau bám đầy vào quần áo, chích vào da thịt con gái mịn màng, non tơ nhoi nhói, ngứa ngáy khó chịu, phải vừa đi vừa lấy tay nhổ, phủi hoa cỏ may. Nhổ và phủi cũng chẳng ăn thua gì nên đứa nào cũng phải kéo đũng quần của mình tụt xuống vừa đủ để hoa cỏ may khỏi chích vào “chỗ hiểm”. Con trai, con gái chẳng biết xấu hổ là gì, chúng vẫn giúp nhau nhổ những bông hoa cỏ may tím ngăn ngắt bám chi chít ở quần áo rồi thả xuống dòng sông. Những bông hoa cỏ may lấm chấm trôi theo dòng nước như những con thuyền tí teo. Có đứa nghịch ngợm bẹo vào “của quý” của đứa kia rồi đuổi nhau cười vang cả khúc sông…
Một hôm, thấy trong người khác lạ, máu rịn ra ướt đũng quần, nàng sợ hãi, xấu hổ, vất cả xâu cá xuống bờ sông chạy về tìm mẹ… Mẹ nàng cười, âu yếm giải thích ngọn ngành, nàng hiểu ra mình đã hết thời trẻ con, thành thiếu nữ rồi. Từ đó nàng không còn trèo cây hái quả, câu cá, đánh chắt, chơi ô ăn quan và tắm chung cùng tụi con trai nữa. Thân hình nàng ngày một hiện rõ những đường cong đầy nữ tính, “nụ tình yêu” nhú dần lên phớt hồng rồi căng mọng. Nàng đẹp, tinh khiết, rực rỡ mà e ấp, dịu dàng như một bông hoa vừa hé nở, rung rinh những giọt sương trong veo dưới ánh bình minh…
Tuổi thơ nàng xa dần, khuất dần theo ngày tháng như cánh buồm mới giong theo dòng chảy về bến bờ xa lắc, mà chỗ nhổ neo chính là bến sông nơi nàng và lũ trẻ đã neo đậu cả một thời thơ ấu. Cũng chính nơi bến sông Năng quê hương, ngọn lửa tình yêu đã đốt cháy nàng cùng với những rạo rực, đắm say, khát khao diệu kỳ mới mẻ. Và Linh là vầng sáng đầu tiên rực rỡ, mãi mãi của đời nàng, để nàng trao gửi, gìn giữ, hy vọng rồi khắc khoải đợi chờ…
– Quê nàng đẹp lắm! – Giọng Linh da diết. – Có hồ Ba Bể, được mệnh danh “thiên nhiên đệ nhất hồ”. Ngồi trên thuyền dạo quanh lòng hồ, ta ngỡ như mình đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh; cả trời, mây, non, nước một màu xanh dâng dâng ngút tận, khói sương vương vương la đà… Bao quanh hồ là núi non, vách đá, những khu rừng nguyên sinh, hang động bí ẩn, những thác tung bờm ngựa trắng xoá. Vượn, khỉ… hú rộn ràng, chim muông lảnh lót, hoa đua nhau nở ngào ngạt hương thơm. Màu xanh của lá, sắc thắm của hoa, núi rừng, mây trời lồng lộng… soi mình trên mặt hồ huyền ảo như một động tiên.
Ninh ơi! Khi nào chiến tranh kết thúc, tao đưa mày về thăm quê nàng. Tao và nàng sẽ dạy mày bơi thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể…
Giọng Linh trầm lắng, tha thiết truyền cảm.
2.– Có lệnh đánh cứ điểm Tà Pai, Ninh ạ! Trận này căng đấy. Theo trinh sát thì địa hình rất hiểm trở, bốn bề bùng nhùng dây thép gai, lại có cái lô cốt như là một cửa tử, vừa án ngữ rất lợi hại, vừa quan sát bao quát được sự cơ động của quân ta. Phải “thanh toán” cái lô cốt này trước thì mới chắc ăn. – Linh vừa lau khẩu súng AK vừa nói.
Nghĩ ngợi một lúc tôi bảo Linh:
– Mày suy nghĩ theo kiểu con nhà tài chính có lý đó. Nhưng để tiếp cận được cái lô cốt ấy không phải là chuyện dễ, vì pháo sáng của địch thả suốt đêm và đèn pha nữa, chúng sẽ dễ phát hiện được quân ta.
– Quả là khó thật… À, à… tao nghĩ ra rồi! Lợi dụng sương mù… Đúng, phải lợi dụng sương mù thì sẽ che mắt được địch…
– Mày giỏi! Mày giỏi!…
Tôi thán phục ý nghĩ đó của Linh. Đúng là ở Trường Sơn về mùa đông, thời điểm khoảng sau nửa đêm sương mù rất dày đặc, xe ô tô bật đèn sáng hết cỡ cũng rất khó phát hiện ra nhau.
– Nhưng lực lượng đánh lô cốt của ta sẽ phải hứng chịu sự phản công hết sức quyết liệt của địch từ những ụ súng máy được bố trí xung quanh…
Linh bỏ lửng câu nói nửa chừng, vẻ mặt trầm ngâm:
– … Chiến tranh không biết đến bao giờ mới kết thúc và những người lính như chúng mình thì cứ biền biệt, để nàng chờ đợi mòn mỏi… Trận bom B52 năm ấy, gia đình tao chẳng còn ai nữa, bây giờ nếu như tao có mệnh hệ gì thì cũng đỡ xót xa hơn và để nàng… Còn mày chỉ có một đứa em gái, chắc là bố mẹ mày nát ruột, nát gan mất thôi…
– Mày đừng nói gở nữa! Cái thằng này sao hôm nay ăn nói khó nghe, lẩn thẩn, dớ dẩn thế nhỉ? Mày mà có làm sao thì liệu nàng có sống nổi được không?! Thôi ông tướng ơi!
Tôi nói át đi suy nghĩ của Linh, chứ thực ra trong tâm trạng của mình cũng đang rối bời, hoang mang lắm. Biết Linh cũng đọc được suy nghĩ của tôi, có điều gì mà tôi qua mắt được Linh đâu. Trong tiểu đội có mười hai anh em, nhưng tôi thân Linh nhất, mặc dù Linh là người cuối cùng được bổ sung vào tiểu đội của tôi khi đơn vị đặt chân đến Trường Sơn. Gặp Linh, tôi thấy quen quen, hoá ra hai đứa cùng học ở Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội, lại cùng khoá và cùng nhập ngũ một ngày nữa chứ. Tôi huấn luyện tại Nam Định còn Linh huấn luyện ở Bắc Kạn nên không gặp nhau. Anh em trong tiểu đội bảo tôi và Linh là cặp bài trùng, vì vẻ bề ngoài khá giống nhau, cả cái tên cũng vậy, viết thì khác nhau nhưng nói thì nhiều khi cứ lộn tùng phèo vì cái âm “n” và “l”… Ninh cứ lẫn với Linh. Trong tiểu đội, Linh là đứa trầm tĩnh, chín chắn hơn cả, vậy mà hôm nay không hiểu sao lại nói ra điềm gở như vậy…
Thế rồi đúng như dự định của Linh, mười hai giờ đêm hôm ấy đơn vị tôi được lệnh đánh cứ điểm Tà Pai. Bom đạn tơi bời, hy sinh nhiều, có khi quân số vừa bổ sung lúc chập tối đến nửa đêm đã đi đánh nhau; cán bộ đại đội, trung đội chưa nhớ mặt, thậm chí anh em chưa kịp nhớ tên thì chết. Đêm, dưới tán lá đẫm sương ở cánh rừng Tà Cai, đại đội trưởng phổ biến phương án chiến đấu:
– … Bây chừ sương mù đang xuống, chút nữa sẽ dày đặc, các đơn vị thực hiện theo đúng phương án… Riêng mũi đánh lô cốt tôi sẽ trực tiếp chỉ huy cùng với mười đồng chí đã phổ biến, có tên sau đây…
Nghe giọng đại đội trưởng kéo dài nguyên âm của người Huế, tôi hồi hộp, bồn chồn, lo lắng …
– “Môột” “đôồng” chí Hà hai “đôồng” chí Nam… ba…”bôống” “đôồng” chí Thanh… – Tiếng đại đội trưởng chậm rãi đọc tên từng người một, tôi nghe mà cứ dài như cả thế kỷ. Hồi còn là sinh viên, có hôm phải ngồi chờ người yêu ở công viên dưới tiết trời mùa đông, rét như cắt da, cắt thịt cả tiếng đồng hồ mà cũng không nóng lòng, thắc thỏm, nôn nao đến vậy. Lời nói của Linh hồi tối: “… Nhưng lực lượng đánh lô cốt của ta sẽ phải hứng chịu sự phản công hết sức quyết liệt của địch từ những ụ súng máy được bố trí xung quanh…” cứ xoáy vào tâm trí tôi, khiến tôi rùng mình, lo sợ.
– … Năm “đôồng” chí Thắng; sáu… chín “đôồng” chí “Tiịnh”…
“Lạy trời đừng có tên con…” , tôi cứ lầm rầm, thầm cầu mong như vậy… Tôi nhớ đến mẹ, đến những người thân… những ngày tháng ở giảng đường đại học… bao ước mơ, hoài bão còn dang dở… Tôi thấy bóng mẹ thấp thoáng mờ nhoà trước mắt ở đâu đó rất gần, mẹ khóc gọi tên tôi, nước mắt chảy giàn giụa xuống tấm hình tôi nơi lồng ngực của mẹ… Rồi đôi mắt to sáng, rợp đen, lung linh ngấn nước của nàng thăm thẳm dõi nhìn tôi… Tiếng nàng thì thào, nghẹn ngào: “… Em chờ đợi anh… chờ đợi anh …”…
– Để đề phòng tình huống đặc biệt khó dứt điểm lô cốt đầu cầu, tôi quyết định điều bổ sung thêm hai đồng chí nữa từ tiểu đội hoả lực…
Tôi giật thót người. Bỏ mẹ, biết đâu lại có tên mình, trống ngực tôi đổ thình thịch như trống trận.
– Là … mười… mười “môột” “đôồng” chí Dũng…
Hơi thở tôi dồn dập, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập, mồ hôi tứa ra lạnh toát, từ đỉnh đầu xuống dọc sống lưng rần rật như có dòng xung điện, mặt mũi tối sầm lại hoảng hốt.
– Mười hai “đôồng” chí “Niinh”.
Tai tôi ù, ong ong, inh inh bởi hàng ngàn vạn lớp sóng âm thanh va đập vào nhau, rờn rợn, hãi hùng. “Liinh”, “Niinh”… Một ý nghĩ loé lên trong đầu tôi: “Ni…inh” hay là “Li…inh” vậy nhỉ? Có lẽ là mình đã nghe nhầm hay đại đội trưởng nhầm? Nhưng mà từ trước đến nay nơi nào khó khăn, nguy hiểm nhất, đòi hỏi trí thông minh, sáng tạo, sự dũng cảm, mưu trí thì thường là có Linh…
– Mười hai “đôồng” chí “Ni…inh” – Tiếng đại đội trưởng lại vang lên cùng với ánh đèn pin từ tay ông rọi xuống loang loáng. Chao ôi! Tôi nghe mà ngỡ như là một tiếng sét khủng khiếp cùng với tia chớp dằn dữ, giáng xuống trúng người mình. “Trời ơi! Đúng là mình rồi!”. Tôi bàng hoàng, chết lặng đi, run run xóc lại khẩu súng, cố lấy hết can đảm để bước ra khỏi hàng quân; nhưng không hiểu sao lúc đó đôi chân tôi nặng trĩu như có một sức mạnh vô hình nào đó níu chặt lại. Và trong phút chốc gần như tuyệt vọng ấy, như một tia sáng loé lên trước khi phụt tắt, tôi quay phắt lại nhìn Linh đang đứng sát ngay sau tôi. Trời tối đen như mực, tôi không thấy được những biểu hiện trên khuôn mặt của Linh và cũng không nghe Linh nói gì. Không còn hy vọng gì nữa, nước mắt tôi ngấn ra lặng lẽ… Tôi thầm thốt lên: “Vậy là hết thật rồi, hết tất cả …”, rồi xoay người định bước ra khỏi hàng quân thì từ phía sau, một bàn tay nắm chặt lấy vai tôi giữ lại, đồng thời cùng với một tiếng hô đanh gọn: “Có!”. Tôi lặng đi, nhìn người ấy chạy đến hàng quân sau lưng đại đội trưởng.
Cho đến những giây phút im lặng đến rợn người, trước giờ nổ súng, nhìn lớp lớp sương mù dày đặc thi nhau rải xuống rồi ngưng lại như dải tang trắng màu sữa đục, lơ lửng bao trùm trước mặt, nhớ lại những điều Linh nói trước trận đánh và cử chỉ nắm chặt lấy vai tôi lúc trong hàng quân, thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi bắt đầu thấy dằn vặt, tự nguyền rủa mình là đồ hèn nhát, là kẻ tội lỗi chỉ biết trốn tránh, thoái thác khó khăn, nguy hiểm, ham sống sợ chết… Linh đã “có” thay tôi; ân hận và thương Linh biết bao. Tôi cứ khấn nguyện mãi trong lòng cầu mong sao cho Linh bình an, vô sự…
Trận đánh diễn ra hết sức quyết liệt, mãi tới gần sáng thì mới chiếm được hoàn toàn cứ điểm Tà Pai. Bụi, khói, đất, cát… sương mù, máu và mùi tanh tưởi, lờm lợm của người chết quết đẫm lên thân thể của mọi người. Tôi tập tễnh bước qua ngổn ngang gạch đá, súng đạn, xác người… đi tìm Linh. “Li… inh… Linh ơi! Li … inh… Linh ơi!… mày ở đâu?…”. Tôi gọi đến rát cả cổ họng, khản đặc cả tiếng, có bao nhiêu sinh khí còn lại sau trận đánh dồn bằng hết mà chẳng thấy tiếng Linh đáp trả, chỉ có tiếng âm âm của núi rừng dội lại. Tôi ngơ ngác chạy hết chỗ này, đến chỗ khác, hỏi hết người này đến người khác có thấy Linh đâu không. Nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu, những ánh nhìn lặng lẽ…
3. Sau trận đánh, tôi và một số đồng đội được tuyên dương và đề nghị tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Còn Linh cùng với mười hai đồng chí trong mũi đánh lô cốt đã mãi mãi nằm lại tại cánh rừng Tà Cai của núi rừng Trường Sơn ngút ngàn… Buồn bã và đau đớn. Tôi giận và tự oán trách mình. Nước mắt tôi cứ trào ra, hối hận. Cho đến bấy giờ tôi vẫn cứ tưởng tượng đôi mắt sâu thẳm trong đêm của Linh nhìn tôi, tôi hình dung về cô gái miền sông Năng của Linh; và tôi vẫn nhớ như in, không thiếu một lời nào về truyền thuyết “ao Tiên – hồ Ba Bể” vừa cổ xưa vừa hiện đại; Linh mê mải kể, chìm đắm như mình đang sống và yêu trong thế giới truyền thuyết lung linh đó.
… Đêm ấy, trước khi Linh lên đường vào Nam chiến đấu, dưới ánh trăng thu bàng bạc, lấp lánh muôn vàn vì sao sáng rải lên từng lớp sóng nhấp nhô, họ nói với nhau bao nhiêu chuyện, dặn dò bao nhiêu điều, chỉ sợ không nói thì sẽ chẳng bao giờ nói với nhau được nữa:
“… Em biết không? Thuở ấy trời đất gần nhau lắm, có một nàng tiên vừa đến tuổi trăng tròn đang mải mê trang điểm, tình cờ nàng thấy trong chiếc gương thần đang soi một cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, quyến rũ đến mê hồn của hạ giới. Đó là vẻ đẹp huyền ảo của non nước, mây trời; diệu huyền như thật như mơ của hang động; kỳ vĩ, xanh thẳm núi rừng; lung linh muôn sắc thắm hoa lá, cỏ cây; tiếng ngân vọng rạo rực, rộn ràng bất tận của chim muông và thú… Không cưỡng lại được lòng mình, nàng vội vàng quên cả xin phép Ngọc Hoàng xuống hạ giới ngoạn cảnh. Nàng dừng lại, ngây ngất bên dòng sông xanh trong đến kỳ lạ, đang êm ả chảy vào một biển hồ mênh mang (sau này nàng tiên mới biết đó là sông Năng và hồ Ba Bể). Trên mặt sông hồ, dưới ánh bình minh vừa ló rạng chập chờn trong những màn sương mờ ảo là muôn ngàn bông hoa cỏ may như những chiếc thuyền hoa tí teo trên sóng nước lăn tăn. Nàng tiên ngẩn ngơ ngắm nhìn rồi trút xiêm y xuống tắm. Trong lúc ngâm mình dưới làn nước trong xanh rười rượi của biển hồ, nô đùa với những chiếc thuyền tí teo màu tím, nàng không hề biết có một chàng trai đi săn tình cờ nhìn thấy đang sững sờ như mất hồn. Chàng trai không còn tin vào mắt mình nữa trước vẻ đẹp khoả trần, ngời suốt, mềm mại của nàng. Chàng đắm say, ngất ngây, chìm ngập trong niềm khát khao khôn xiết…
Hoàng hôn buông xuống, nàng tiên sực nhớ phải về trời, vội vàng lên bờ mặc xiêm y. Bất chợt, nàng cảm thấy nhồn nhột, thật khó chịu như có những mũi kim nho nhỏ đang chích nhẹ vào da thịt nõn nà. Hoá ra, là những bông hoa cỏ may đã ghim chi chít lên bộ xiêm y từ trước mà nàng không hề để ý. Nàng âu lo, rồi vội vã nhặt hoa cỏ may, nhưng nhặt mãi, nhặt mãi, vẫn không sao hết được. Nàng hoảng hốt vừa nhặt, vừa khóc. Không cầm lòng được, chàng đi săn đành lên tiếng chào và mạnh dạn đến nhặt giúp hoa cỏ may cho nàng. Thoáng chốc sợ hãi, e ngại, nhưng rồi thấy gương mặt hiền lành, chân thành của chàng trai và lo không kịp về trời nên nàng để cho chàng nhặt giúp. Màn đêm bắt đầu buông, hoa cỏ may trên bộ xiêm y của nàng cũng hết. Nàng tiên lưu luyến, cảm tạ chàng rồi bay về trời. Nàng như con thiên nga nhỏ dịu dàng trắng ngần vỗ nhẹ cánh vút lên khoảng không tinh tú. Chàng trai đi săn ngẩn ngơ nhìn đến khi cái đốm sáng ấy mất hút mà nuối tiếc khôn cùng.
Những ngày sau, lòng dạ nàng tiên cũng bất ổn, đêm ngày nhớ chàng trai đi săn khôi ngô, tuấn tú, nhớ hồ Ba Bể, nhớ những bông hoa cỏ may màu tím như những chiếc thuyền hoa tí teo trên sóng nước và tần ngần nhìn bộ xiêm y đã có lần ghim đầy thứ hoa cỏ kỳ lạ ấy… Con tim khát khao, cháy bỏng yêu đương mách bảo nàng trốn xuống hạ giới đi tìm chàng; và họ không thể nào xa nhau được nữa. Yêu, hẹn hò, tình tự nơi lần đầu tình cờ gặp nhau, rồi cùng bơi thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể…
Thời gian miên man trôi đi. Năm ấy, giặc phương Bắc tràn xuống xâm lược nước ta, không đành lòng trước cảnh nước mất, nhà tan, cùng tráng đinh khắp vùng, chàng trai đi săn đã lên đường tòng chinh…
Nàng tiên lại xuống hạ giới, nhưng không gặp được người yêu nữa. Nàng tiên buồn, thẫn thờ nhìn mặt nước hồ Ba Bể đầy hoa cỏ may. Rồi nàng đi dọc triền sông mặc cho hoa cỏ may ghim đầy xiêm y, nàng lại ngồi nhặt, và ngóng mong, chờ đợi chàng trai đi chiến trận trở về… Nàng chờ mãi, chờ mãi… Chàng trai đi săn của nàng đã vĩnh viễn ở lại miền biên viễn. Thất vọng, nàng tiên khóc ngày này qua tháng khác nước mắt ướt đẫm những bông hoa cỏ may, rơi xuống hồ Ba Bể, ngày mỗi ngày nước dâng cao ngút lên sườn núi; và những bông hoa cỏ may biến thành màu tím đỏ bầm như máu…”.
Một câu chuyện buồn da diết. Họ ngồi lặng đi nhìn dòng sông trong tiếng sóng ngân ru, vỗ về, thao thiết. Một lát, nàng gục đầu vào vai anh, mái tóc đen xanh, hương bưởi nồng nàn và mùi thơm tươi nguyên từ cơ thể trinh nguyên của nàng… Đôi mắt nàng thăm thẳm, chan chứa, đôi môi nàng đỏ hồng, chúm chím nũng nịu. Nàng thì thào như tiếng vọng ra từ con tim mình: “Bao giờ trên đất này hết hoa cỏ may thì chúng mình mới hết yêu nhau, anh nhé!”. Nàng run run cắn nhè nhẹ vào bờ vai anh, nước mắt nàng thấm ướt da thịt anh. Linh áp mặt vào sóng tóc nàng. Anh nghe hơi thở dập dồn của nàng đang rung lên rạo rực. Bàn tay anh lần tìm gương mặt nàng, anh hôn miên man, run rẩy lên đôi môi mọng của nàng, rồi siết chặt lấy nàng, sợ nàng có cánh bay mất về trời như những nàng tiên trong truyền thuyết ao Tiên…” .
Câu chuyện tình lãng mạn của người bạn lính, tôi đã nghe Linh kể, và nhớ mãi, lại thèm muốn mối tình của mình cũng thơ mộng, da diết, nồng nàn như thế.
Khi ấy, chúng tôi ngồi bệt xuống nghỉ ở một cánh rừng Trường Sơn. Linh bảo tôi: Ninh ạ! Đêm qua tao nằm mơ thấy nàng. Nàng vừa giặt áo vừa khóc, nước mắt rơi lã chã xuống dòng sông. Nàng thổn thức nói rằng: “Linh ơi! Khi nào nhớ anh không chịu nổi là em lại ra bến sông này giặt áo cho anh, rồi đem phơi lên triền đê, để hoa cỏ may bám đầy vào áo. Hoa cỏ may bám nhiều bao nhiêu là những điềm may sẽ đến nhiều với anh bấy nhiêu. Anh có biết em đã giặt áo cho anh bao nhiêu lần rồi không hở anh?…”. Không biết nàng có ý nghĩ ấy từ bao giờ? Có lẽ vì quá đỗi nhớ mong, khắc khoải, chờ đợi, lo âu mà nàng tâm niệm, cầu mong và hy vọng như vậy. Chiếc áo dính đầy hoa cỏ may ấy là chiếc áo hồi còn sinh viên năm thứ hai, mẹ tao đã phải bán con lợn hai mươi mấy cân đang độ lớn để may cho tao…
Linh vừa nhặt hoa cỏ may bám đầy trên bộ quân phục đang mặc vừa kể cho tôi nghe. Hình như chính những bông hoa cỏ may tím ngắt kia đang cựa mình, khua động, làm trào dâng lên trong Linh cả một miền ký ức êm đềm, đẹp đẽ, thiết tha, cháy bỏng thuở nào…
Vậy mà, bây giờ câu chuyện kể ấy mãi mãi chỉ còn là của thời ký ức. Tôi sẽ không bao giờ được nghe nữa.
Hôm sau, đơn vị tổ chức lễ truy điệu và kiểm kê quân tư trang để làm chính sách cho các đồng chí đã hy sinh. Trong ba lô của Linh có chăn, màn cá nhân, ni lông, hai bộ quân phục, hai bộ quần áo lót và ở dưới đáy ba lô có một gói nhỏ bằng nắm tay. Khi mở gói nhỏ ra thì thấy nó được gói bằng một chiếc khăn mùi soa có thêu nổi hai trái tim lồng vào nhau màu đỏ, ở giữa là hai chữ hoa LT màu vàng. Bên trong lại được gói thêm một lớp giấy trắng nữa. Trong lớp giấy trắng ấy là những bông hoa cỏ may nằm nghiêng ngả, ken chặt lấy nhau. Trên bề mặt tờ giấy trắng có ghi hai câu thơ: “Hồn anh là hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bay đầy áo em”(1). Không biết những bông hoa cỏ may ấy Linh đã lấy ở đâu? Ở bến sông Năng quê nàng hay trên những cánh rừng ngút ngàn của Trường Sơn?
Nước mắt tôi trào ra không sao cầm giữ được, lòng dạ như có hàng ngàn ngàn mũi kim chích, đâm, bầm ứ đến cùng tận; cả trời đất quay cuồng, chao đảo trước mắt. Tôi khuỵu xuống ôm lấy chiếc ba lô, ôm lấy gói hoa cỏ may tím ngắt đang nằm im lìm ở trong đó…
Chao ôi! Những bông hoa cỏ may trong những câu chuyện kể của Linh, giữa đồng bãi quê tôi, trên khắp những cánh rừng Trường Sơn, và biết bao nơi chốn khác nữa… đâu chỉ sinh ra để rồi lụi tàn… Tôi mới hiểu những bông hoa cỏ may nhỏ nhoi ấy đã là niềm khát khao, cháy bỏng, lời thề nguyền, hy vọng, day dứt, thắt đau… linh thiêng và đáng tôn thờ biết nhường nào!!!…
4.… Tốt nghiệp đại học, tôi được đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài rồi về nước công tác, ngoảnh lại đã gần ba mươi năm chiến tranh đi qua, vụt như một giấc mơ. Công danh, sự nghiệp đã cuốn hút tôi vào vòng xoáy của cuộc đời. Từ lúc nào chẳng hề hay biết, tôi như một người khác hẳn, không còn là chính mình nữa. Tôi đã trở thành một người có địa vị, giàu sang, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp, con khôn… Sống mãn nguyện trong danh vọng, thậm chí nhiều khi còn tặc lưỡi: giàu nghèo, buồn vui, đau khổ, hạnh phúc… tất cả là do ông trời ban phát, định đoạt cả rồi. “Không ai thương bằng trời thương, chẳng ai hại bằng trời hại…”, con người sinh ra đều đã có sẵn một số phận riêng của cuộc đời mình… Và cũng chính những biện lý ấy mà trong tôi, ký ức về chiến tranh, những năm tháng hy sinh, máu lửa ở Trường Sơn cứ thế xa dần, nhạt nhoà dần…
Tình cờ tôi được mời tham dự một hội thảo khoa học về môi trường ở tỉnh Bắc Kạn. Đề tài của tôi được nhiều người đánh giá cao, duy chỉ có một ý kiến phản biện cho rằng: đề tài chỉ tập trung chủ yếu về mặt khoa học mà thiếu đi tính thực tiễn và xã hội học của nó, ví như dòng sông không chỉ đơn thuần là lưu lượng của dòng chảy…, những danh lam, thắng cảnh không thuần tuý chỉ là vẻ đẹp của tạo hoá, thiên nhiên … Vốn là người luôn không chịu lép vế trước người khác, tôi rất hằn học, khó chịu tìm mọi lý lẽ, luận cứ để thuyết giải…
Đêm ấy, cơ quan đăng cai hội thảo tổ chức chiêu đãi, giao lưu văn nghệ rất vui, nhưng tâm trạng tôi thì chẳng hào hứng chút nào cả, cứ buồn bực, bứt rứt. Đêm trong khách sạn, tôi thao thức, trăn trở mãi không sao ngủ được. Ý kiến phản biện đề tài của tôi hồi chiều như chiếc gai nhoi nhói trong đầu. Tôi đưa ra không biết bao nhiêu câu trả lời rồi lại thấy chẳng ổn chút nào. Tôi bắt đầu do dự, hoang mang về đề tài của mình nhưng lại tự nhủ phải bằng mọi giá bảo vệ thể diện và uy tín của mình…
Ngày hôm sau tôi đi khảo sát thực tế một số danh lam, thắng cảnh của tỉnh. Thật lạ kỳ ở đâu tôi cũng thấy gần gũi, thân quen như mình đã từng đặt chân đến…
Buổi chiều cuối cùng, trước khi rời Bắc Kạn, tôi tìm đến bến sông Năng. Một cô làm công tác hành chính của cơ quan đăng cai tổ chức hội thảo dẫn tôi đi dọc triền sông đầy hoa cỏ may tim tím ngút mắt. Cô gái bảo tôi: “Anh kéo ống quần cao lên, kẻo hoa cỏ may bám đầy gỡ không xuể đâu!”. Tôi như không nghe thấy lời cô cứ xăm xăm bước hướng về nơi bến sông. “Bến sông kia rồi” – Tôi thầm reo lên. Nhưng rồi tôi bất chợt sững lại, một người phụ nữ dáng quen quen đang thẫn thờ ngồi dứt hoa cỏ may thả xuống dòng sông, bên cạnh là một chiếc áo đang phơi dập dờn trên những thân cây cỏ may…
– Chị Hoài Thu ở cơ quan em đó, anh Ninh ạ! – Cô gái nhỏ nhẹ nói với tôi.
– Có phải chị Thu …
– Vâng anh ạ! Vừa thông minh lại đẹp người, đẹp nết, không khéo anh lại “…Vạt thương ướt cùng vạt nhớ”(2) đó….
Thì ra là chị ấy – người đã phản biện đề tài của mình đây.
– Trời lại gió heo may. Sông đầy hoa cỏ may… – Tôi buột miệng nói những lời trong tâm tưởng.
– Bao năm rồi vẫn thế. Chị ấy vẫn thường ra sông giặt áo rồi dứt hoa cỏ may thả xuống dòng sông, từ cái độ người yêu của chị ấy đi chiến đấu ở miền Nam rồi không về, anh ạ! Cũng hiếm có một người như thế. Như là cổ tích anh nhỉ. Kể chuyện, bọn  trẻ bây giờ cứ lắc đầu quầy quậy không tin có một mối tình như thế, bảo chị ấy điên…
Nói xong, cô gái thở dài:
– Cũng là một đời người con gái!
Tôi đứng như trời trồng, cảm giác có một bàn tay vô hình nào đó đang thắt nghẹt lấy con tim tôi. Tôi còn không ngờ sự tình đến như thế huống chi bọn trẻ? Mọi danh lợi, bạc tiền, tính toán, và những tình cảm hẹn tìm khất lần, nhớ nhung nửa vời của tôi… đều nhỏ bé, vô nghĩa trước người phụ nữ ngồi cô quạnh ở bến sông kia. Và thấp thoáng, mờ nhoà trước mắt tôi bóng một người, mặc chiếc áo dính đầy hoa cỏ may; mặt mũi, chân tay máu me đầm đìa, trên ngực và bụng có rất nhiều lỗ thủng, máu đang sủi lên, nhìn tôi trân trân… Đôi chân tôi bủn rủn không sao bước tới bến sông được nữa… Lạ kỳ thay, đầu óc tôi cứ thế quay cuồng điên đảo, cả bầu trời bỗng dưng tối sầm lại, dòng sông dâng sóng cuồn cuộn đỏ ngầu, gió rít ào ào như bão táp, trùng trùng bông hoa cỏ may tím ngắt như muôn vàn mũi tên sắc nhọn, tím bầm bay lên cuốn thành những cơn lốc vòng tròn xoáy rít lấy tôi…
* * *
Hoàng hôn buông tím ngát phía chân trời, gió heo may se sắt thổi những đám mây tím buồn cuối thu bồng bềnh trôi, bên kia sông ngẩn ngơ tím một con đò…Tất cả như một bức tranh màu tím lặng đến nao lòng, một niềm trắc ẩn khôn nguôi… Lung linh bóng một người thiếu phụ in hình xuống dòng sông màu mận tím, mênh mang, vời vợi, thao thiết chảy, mang theo những bông hoa cỏ may ngóng mong, đợi chờ…
Chú thích:
(1) Thơ Nguyễn Bính
(2) Thơ Đỗ Trung Lai
26/12/2023
Văn Xương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được...