Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Trịnh Hoài Đức công thần nhiều công đức

Trịnh Hoài Đức
công thần nhiều công đức

Đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về Trịnh Hoài Đức, phần lớn viết về thời hiển đạt, ít có tài liệu nêu rõ về nguyên quán, tuổi thơ của ông. Trịnh Hoài Đức (có tên khác gọi là An, tên tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai), tuổi “con gà”, sinh năm Ất Dậu (năm 1765), mất cũng năm Ất Dậu (năm 1825), nguyên quán ở làng quê nghèo Phúc Hồ, thuộc quận Trường Lạc (nay thuộc TP. Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến), nơi nhìn ra eo biển Đài Loan.
Cuộc đời của Trịnh Hoài Đức có thể chia thành hai chặng: Tuổi thơ bình dân và trưởng thành vinh hiển.
Thân phận bình dân
Thế kỷ XVIII, ông nội Trịnh Hoài Đức là Trịnh Hội theo đoàn người Hoa phản Thanh phục Minh vượt biển vào Đàng Trong, ngụ cư tại vùng đất mới (do Nguyễn Cảnh định danh là xã Thanh Hà, thuộc huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa); lúc đầu thử làm gốm da chu, sau làm nghề buôn bán, dần trở nên khá giả.
Cha Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh ham học, nổi tiếng là chữ đẹp và cao cờ; lúc nhỏ học thi thư, lớn lên thông lục nghệ, bỏ tiền của mua được chức quan nhỏ trông coi việc thu thóc; vì để thóc chìm nên bị quan trên chuyển xuống cho làm lại tốt ở đội Tả phùng dực, rồi đến kinh đô Phú Xuân nộp tiền để nhận áo mũ hàng lục phẩm và nhận việc ở phủ Tân Bình, mang gia quyến đi theo.
Riêng Gia định Thành thông chí, Trịnh Hoài Đức biên soạn trong thời gian đương nhiệm tại Gia Định (không rõ cụ thể từ năm nào) gồm 6 quyển: Quyển I: Tinh dã chí; Quyển II: Sơn Xuyên chí; Quyển III: Cương vực chí; Quyển IV: Phong tục chí; Quyển V: Sản vật chí; Quyển VI: Thành trì chí. Đây được xem là bộ sách kinh điển về địa phương Nam bộ, hiện đã có nhiều bản dịch; những người nghiên cứu lịch sử văn hóa Nam bộ đều có căn cứ từ đấy với lòng tin phục về tài năng, tâm huyết và phương pháp khoa học của học giả Trịnh Hoài Đức.
Thời gian ở phủ Tân Bình với cha, Trịnh Hoài Đức học hành trong vòng tay mẹ và chỉ dẫn của thầy giáo làng dạy ấu học trong vùng.
Đến năm lên mười tuổi, Trịnh Hoài Đức mồ côi cha, theo mẹ và anh chị về chỗ ở cũ tại xã Thanh Hà để phụng dưỡng bà nội. Nhiều tài liệu có khác nhau sau sự cố này. Lê Quang Trường cho rằng Trịnh Hoài Đức theo mẹ về lại Biên Hòa, sống đời dân dã. Từ năm 1776, quân Tây Sơn đánh chiếm Trấn Biên, mẹ Trịnh Hoài Đức lại đưa cả nhà đến trấn Phiên An, lưu ngụ tại huyện Tân Long, sống nhờ nghề canh cửi của người mẹ quả phụ. Dù nghèo khó, kiếm sống vất vả trong loạn lạc, mẹ Trịnh Hoài Đức vẫn luôn nghiêm nghị, khuyên dạy và dồn sức cho Trịnh Hoài Đức theo thầy học tập.
Trong thôn xóm, trẻ thiếu thầy dạy, phần lớn chỉ biết tự học, tự giảng. Trịnh Hoài Đức cùng người bạn cùng cảnh ngộ lớn hơn 3 tuổi là Ngô Nhân Tĩnh tìm đến thọ học thầy Xử sĩ Võ Trường Toản; cùng học còn có Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu, sau đều trở thành công thần triều Nguyễn Gia Long. Khi quân Tây Sơn tiến Gia Định lần nữa (khoảng năm 1783), Trịnh Hoài Đức cùng gia đình chạy loạn, có lúc đến Cao Miên, có lúc về Mỗi Suy (Bà Rịa).
Như vậy, từ thơ ấu đến tuổi ba mươi ba “tam thập nhi lập”, cuộc đời của Trịnh Hoài Đức luôn trong bối cảnh gia đình “gánh mẹ” neo đơn, chạy loạn, vượt khó học hành.
Công thần đầu triều
Đến năm 1788, khi Nguyễn Ánh thu phục Gia Định, dựng phủ Soái, mở khoa thi, chiêu mộ nhân tài thì Trịnh Hoài Đức ứng thí, được tuyển dụng. Cuộc đời vinh hiển mở ra từ đây.
Trịnh Hoài Đức bắt đầu công vụ bằng chức vụ Hàn Lâm chế cáo ngay khi trúng tuyển; sau đó được bổ làm Tri huyện Tân Bình (năm 1789), rồi được kiêm Điền Tuấn coi việc khai khẩn đất Gia Định; nhậm chức Đông cung Thị giảng (năm 1793); Ký lục dinh Trấn Dinh, Hộ bộ Hữu tham tri (năm 1794), Tiếp vận quân lương (năm 1801); Thượng thư Bộ Hộ, Chánh sứ sang Đại Thanh (năm 1802); hai lần Hiệp trấn Gia Định thành phụ tá Tổng trấn Nguyễn Văn Nhân (các năm 1808, 1816); Thượng thư Bộ Lễ kiêm quản Khâm thiên giám (năm 1812); hai lần Thượng thư Bộ Lại (năm 1811, và từ năm 1814-1820); Quyền Tổng trấn Gia Định thành (năm 1820); Binh bộ Thượng thư sung chức Phó tổng tài Quốc tử giám, thăng Hiệp biện Đại học sĩ (từ năm 1820); Giám khảo Kỳ thi Ân khoa (năm 1822).
Năm 1823, ở tuổi 58, nghĩ mình đã già yếu, Trịnh Hoài Đức dâng sớ từ quan, nhưng ông chỉ được vua phê chuẩn nghỉ dưỡng 3 tháng; sau đó về Phú Xuân tiếp tục công việc, cho đến khi qua đời.
Trịnh Hoài Đức là một khai quốc công thần của Nguyễn vương Phúc Ánh, công thần đầu triều Nguyễn được giao nhiều việc hệ trọng, việc nào cũng hoàn thành tốt, được vua tin cậy, ban nhiều đặc ân: Ban tiền để xây nhà ở do thanh liêm không có dinh thự riêng; ban thuốc quý khi dưỡng bệnh. Khi ông mất, vua truy tặng hàm “Thái bảo, Cần chánh điện Đại học sĩ”, tên thụy là Văn Khắc; ban lệnh làm tang lễ trọng thể, an táng tại quê nhà theo nguyện vọng; cử hoàng tử Miên Hoằng đến viếng tang, danh thần Lê Văn Duyệt phúng viếng và di quan an táng tại làng Bình Trước (nay thuộc P. Trung Dũng, TP. Biên Hòa).
Linh vị của Trịnh Hoài Đức được đưa vào điện thờ tại miếu Trung hưng Công thần (năm 1852) và đền Hiền Lương (năm 1858).
Đa tài, đa năng
Hiếm có vị đại quan công thần nào như Trịnh Hoài Đức: Xuất thân bình dân, vinh hiển tột bậc, thăng tiến thực tài, tâm đức rạng ngời, lập công thời trung hưng, tận tụy phụng sự hai đời vua (Gia Long, Minh Mạng).
Thân là quan đầu triều, nhưng Trịnh Hoài Đức không có gia sản đáng kể, không dinh thự riêng, đến cuối đời mới được vua ban 2 ngàn quan tiền để xây nhà ở. Năm Đinh Sửu 1817, ông về quê tham gia việc trùng tu Thất phủ cổ miếu, phát hiện dấu hiệu ông nội là Trịnh Hội tham gia việc khởi dựng, cha là Trịnh Khánh góp phần trùng tu năm 1743, nỗi niềm người con của xứ sở Trấn Biên rưng rưng nước mắt.
Xét việc Trịnh Hoài Đức đã thực hiện tốt các việc được giao ở nhiều lĩnh vực, ông là người đa tài, đa năng lực: Quản lý việc khai khẩn ruộng đất (quan Điền Tuấn); quản lý hành chánh địa phương (Tri huyện Tân Bình, hai lần Hiệp Tổng trấn và một lần Quyền Tổng trấn Gia Định thành); đại thần trọng trách điều hành các nhiệm vụ quốc gia về hành chính, lễ nghi, tài nguyên, văn hóa, quốc phòng (Thượng thư 4 bộ); mẫu mực trong giáo dục tạo nguồn nhân lực (Đông cung Thị giảng, Phó tổng tài Quốc tử giám, Giám khảo Kỳ thi Ân khoa), giỏi việc quân lương hậu cần (Tiếp vận quân lương); nhà ngoại giao thực tài (Chánh sứ đi sứ sang Đại Thanh)…
Công đức của Trịnh Hoài Đức được người đời sau ghi nhớ nhiều nhất có lẽ là tri thức văn hóa. Ông là người hiến kế vua Minh Mạng ban “Chiếu cầu sách cũ” (năm 1820) và chính ông là người thực hiện công đầu, dâng lên vua những bộ sách quý: Gia Định Thành thông chí (chính ông biên soạn), Bột di ngư văn thảo (của Mạc Thiên Tứ), Lịch đại kỷ nguyên và Khang tế lục; khuyến khích người bạn Lê Quang Định dâng lên vua Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Đó là những bộ sách kinh điển mang giá trị văn hóa muôn đời.
Trịnh Hoài Đức còn để lại cho đời di sản thơ văn giàu cảm xúc, nhiều tâm sự: Cấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập, Gia Định tam gia thi tập, Đi sứ cảm tác.  Qua các thi tập của ông, có thể thấy một thi nhân tài hoa, đa tình, đa cảm; có lẽ vậy mà ông được thi hữu yêu quý, xem ông là cốt lõi trong “Gia Định Tam gia”, hạt nhân trong văn đàn “Bình Dương Thi xã”.

Cấn Trai trước hết là một thi sĩ đi nhiều, quan sát kỹ, cảm nhận ở tự nhiên những vẻ đẹp tinh tế, đầy nhân tính.

* Đa tâm sự
Trong “Gia Định tam thập cảnh”, Chỉ Sơn tiên sinh cảm nhận ba mươi cảnh đẹp của xứ Gia Định, mỗi cảnh có sắc thái riêng, đều lấp lánh hình bóng của con người: Đất đỏ ở Long Đất như có người bừa mây “Chu thổ sừ vân”; bến quê Tân Triều như chiếc thuyền lẻ nằm ngang, lòng khách tha thiết gửi vào nước sông trong “Tân Triều đãi độ”; Ông Tiều ở Hố Nai gió thổi tung mái tóc trắng phau, tiếng hát hồn nhiên vang trong núi, hòa điệu tiếng nhịp chặt cây và tiếng suối chảy “Lộc động tiều ca”. Trước vẻ đẹp của sen và cô gái hái sen, tác giả tưởng như có chuyện hẹn hò, sợ làm kinh động:

Du nữ thái liên hưu loạn động,

Cựu minh do đãi trục lai triều.
Dịch nghĩa
(Các cô gái đến hái sen đừng làm kinh động,
Hẹn cũ còn chờ theo nước triều lên).
Hoặc như, viết về cây bần ở Nam bộ, bài thơ ví thân cây như lưng cô gái nho nhỏ, thướt tha yếu đuối, vẫn nhờ làn gió nâng niu ở bờ sông đất Việt, hoa nở từng chùm đỏ ối, cành quả hàng chuỗi xanh rì, ban đêm đom đóm lập lòe như cây lửa “Thủy liễu”… Không yêu quý thiên nhiên thì không cảm nhận tinh tế đến vậy.
Trịnh Hoài Đức là người con chí hiếu, luôn biết ơn mẹ, luôn nghĩ về mẹ. Khi chuẩn bị đi sứ xa mẹ lâu ngày, quan Chánh sứ trăn trở với trái tim thơ:
Dịch nghĩa
Lìa hiệp tang thương kể mấy hồi
Ân tình ai cũng khéo phanh phui
Trăng lòa ải bắc nhàn chinh bóng
Thu quạnh trời nam quạ đút mồi
Ngay thảo tưởng rồi sa nước mắt
Công danh nghĩ lại đổ mồ hôi
Quân thân tuy cách lòng đâu cách
Trọn đạo con là trọn đạo tôi.
Ở Trịnh Hoài Đức, tình bạn thắm thiết, thủy chung chiếm vị trí trang trọng trong thơ. Rất nhiều bài thơ với nhiều cung bậc cảm xúc dành cho những người bạn thân thiết lấy chữ Sơn làm nhân hiệu như Nhữ Sơn Ngô Nhân Tĩnh, Chỉ Sơn Lê Quang Định,  Hối Sơn Hoàng Ngọc Uẩn. Bài thơ “Khốc Hộ bộ Thượng thư Mẫn Chính hầu Lê Quang Định” đau thắt ruột gan: Bạn thân ở Gia Định đã một nửa héo lụi, Lê khanh nay lại cưỡi sao Vĩ mà đi, cởi áo cừu đã làm lễ nhập quan, vẫn còn khóc như mưa phải nâng vạt áo lau.
Gặp lại người bạn cũ tại một ngôi chùa ở Biên Hòa, Trịnh Hoài Đức có thơ “Tặng Giác Lâm Viên Quang thiền sư” với lời lẽ chân tình, ấm tình bạn, đậm màu thiền; dịch nghĩa:
Nhớ thuở thái bình xưa
Đồng Nai vừa thịnh mỹ
Đạo Thích được tôn sùng
Nhà ngoại còn phú quý
Ta làm trẻ dâng hương
Sư là người giữ giới
Áo tuy chia xanh vàng
Lòng vẫn chung ý khí
Bạn giỏi xót phong trần
Quỷ đói ngập thế giới
Bọt nước chuyện mất còn
Bèo hoang phận chìm nổi
Trải hơn bốn mươi năm
Mà như không mấy đổi
Đồng tây rảnh dạo quanh
Cửa núi chợt gặp lại
Ta Hiệp trấn thành này
Sư Hòa thượng ngôi ấy
Cầm tay tựa mơ mòng
Mở lòng còn run rẩy
Chuyện xưa nói làm gì
Đạo lớn thảy như vậy
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
90 năm sau khi “Cấn Trai thi tập” được ấn hành, Nguyễn Liên Phong phổ biến bài thơ nêu trên, kèm theo mấy dòng cảm tác trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca:
Giác Lâm chùa tổ sơ khai,
Tục kêu Cẩm Đệm lâu dài thạnh sung.
Thuở xưa Hoài Đức Trịnh công,
Viên Quang Hòa thượng cũng đồng bạn chơi.
Kẻ Vương người Phật theo đời.
Khi sau hội ngộ có lời tặng ngôn.
Một bài cổ điệu ngũ ngôn,
Trịnh công thủ bút thuyền môn rõ ràng.
Tâm sự trung quân ái quốc của Trịnh Hoài Đức rõ nhất trong “Bắc sứ thi tập” và “Đi sứ cảm tác”. Ở đó, Trịnh Hoài Đức làm thơ ghi chép gần như là nhật ký cảm xúc về mọi sự, bàng bạc trong thơ là tấm lòng trung trinh với vua, thương nhớ quê nhà.
Hành trình đi sứ kéo dài khiến cho Trịnh Hoài Đức thêm lo lắng, lòng trĩu nặng ơn vua nợ nước. Bài Đông nguyệt do Quảng Đông thủy trình vãng Quảng Tây tỉnh có đoạn được dịch nghĩa:
Ơn vua ơn nước còn mang nặng chưa đền đáp,
Năm tháng xa cách còn dần dà chưa về.
Đẩy cửa cao giọng gọi lái đò,
Nhổ neo giương buồm gấp gấp vượt sông.
Có lúc ông cảm thấy thẹn lòng vì không lo được việc nhà:
Cờ sứ cách trở lần lữa nơi dịch quán,
Người vợ thuở hàn vi lại bị bệnh ở phương trời xa.
Chí trẻ mưu sự kinh luân tế thế của ta thật lầm lẫn,
Cung tên treo lên thuở mới sinh, chợt cười đã thành chuyện hão.
                                         Lữ thứ hoa triêu
Nghe tiếng sáo như tiếng thổi bùng ngọn lửa trong lòng:
Tha hương làm khách mãi,
Chiết liễu điệu xui lòng.
Chín khúc sông sầu nhớ,
Quanh thành sông lượn vòng.
Tương hành tạp vịnh văn địch
Tương tự, khi lên lầu ở Trường Sa, trông những cánh buồm, dừng chén rượu, nhớ mùa thu quê hương “Đăng Trường Sa Củng Cực lâu lưu đề”. Khi nằm bệnh, giấc mộng mơ màng theo tiếng chuông bay về cõi quê hương; trời thu như gió mát để đưa tiễn đưa về quê sớm “Khai Phong phủ hành quán lập thu bệnh trung ngâm”.
* Tự tình, tự trào
Trịnh Hoài Đức ít nói về mình, nhưng có thể tìm thấy tính cách của ông trong thơ. Bài thơ Cấn Trai đề bích, có ý nghĩa tự sự, như khắc họa một con người kết tinh của Trời Đất, thừa hưởng tinh hoa của con người, sống có nguyên tắc vì xã hội và quốc gia, biết kiềm giữ, dù đã thành danh nhưng luôn vươn tới cái mới, uống rượu nhiều, khổ luyện làm thơ, có tâm hồn nhân văn “Không bẻ hoa trước sân, dành để thưởng xuân tự nhiên”:
Phiên âm
Thiên địa chung nhân tú,
Nhân thừa thiên địa chân.
Tửu đa giới đãng tính,
Thi khổ cảnh lao thần.
Lý du cương duy lập,
Danh thành đức nghiệp tân.
Đình hoa khai bất chiết,
Lưu thưởng tu nhiên xuân.
Dịch nghĩa
Trời đất chung đúc khí linh tú nên người,
Người thừa hưởng cái chân của trời đất.
Uống rượu nhiều, tự răn về tính khoáng đãng,
Khổ công làm thơ, cảnh giác về chuyện mệt mỏi tinh thần.
Lý đầy đủ, nguyên tắc để ràng buộc xã hội và quốc gia được lập,
Đã thành danh, đạo đức, sự nghiệp phải có cái mới.
Hoa trước sân nở không bẻ,
Dành để thưởng cái xuân tự nhiên.
Bài thơ Tự trào tự kiểm, tự đùa vui với mình, thể hiện tâm tình lạc quan, hài lòng với cuộc sống, ngạo với đàn thơ, vui với nước đẹp, núi lạ:
Phiên âm
Thiên nhược ư dư hống tiếu đoan,
Sinh phùng loạn thế cưỡng danh an.
Nhân nhưng mang tuế thâu nhàn nhật,
Tàm quý vi tài bác hảo quan.
Nê tuý nhất bôi kiêu tửu bá,
Nha đồ ngũ vận ngạo thi đàn.
Cận lai kiêu hãnh càn khôn lượng,
Thuỷ tú sơn kỳ túc ngã hoan.
Dịch nghĩa
Trời dường như trêu cợt ta,
Sinh gặp đời loạn mà vẫn gượng giữ vẹn được danh.
Bởi vẫn năm bận rộn trộm rút lấy ngày nhàn,
Thẹn mình tài nhỏ mà lại được chức quan kha khá.
Say nhà một chén kiêu căng với tửu bá,
Bôi lem nhem năm vận ngạo với đàn thơ.
Gần đây đánh cuộc may rủi đo lường trời đất,
Nước đẹp núi lạ đủ cho ta vui.
Muốn hiểu thêm về Trịnh Hoài Đức, có thể tìm hiểu hai cặp đối ở di tích mộ ông. Hai cặp đối ấy hoặc làm theo di nguyện của Trịnh Hoài Đức, hoặc của bạn tâm giao, thấu hiểu tâm đức của người quá cố.
Cặp đối 1, mỗi vế 7 chữ thể hiện triết lý đượm màu thiền về con người với tự nhiên:

Sơn thủy hữu tình thành quyến thuộc
(Núi sông hữu tình thành người thân trong nhà)

Càn khôn vô vực thị gia hương
(Trời, Đất không có ranh giới chính là quê nhà).
Cặp đối 2 mỗi vế 5 chữ về đạo lý ứng xử ở đời mang tính giáo huấn:

Các nhân chính tẩu mã
(Người sống ở đời chính là đang cưỡi ngựa)

Cử thế kiên hành chu
(Việc xử thế ở đời như là kiên trì chèo thuyền)
Muốn hiểu thâm ý cặp đối 5 chữ này, phải thuộc lời giáo huấn của cổ nhân, cũng qua câu đối:
Tâm như bình nguyên mục mã, dị phóng nan thu
Học như nghịch thủy hành chu, bất tiến tất thoái
(Lòng người như cưỡi ngựa trên bình nguyên, phóng đi thì dễ, ghìm giữ mới khó.
Việc học như chèo thuyền ngược nước, không tiến tới được, ắt sẽ tụt lùi).
Hai cặp đối ấy có ý nghĩa triết lý nhân sinh như là bài học từ cuộc đời của Trịnh Hoài Đức để lại cho đời. Có thể lấy chữ Đức để diễn đạt về Trịnh Hoài Đức: Công đức, tâm đức và nhơn đức.
19/12/2023
Huỳnh Văn Tới
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi mê 3000000

Cõi mê 3 Mười Sài Gòn, ngọc viễn đông, ngọc phương nam Ông Trọng vừa ăn xong bữa cơm tối một cách mệt mỏi. Ăn mà mệt, đó là bữa ăn của một...