Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Làm chị Hai thật là oai

Làm chị Hai thật là oai!

Nhà văn Nguyễn Thái Hải (Khôi Vũ) ở Đồng Nai vừa ra mắt bạn đọc tập truyện dài thiếu nhi “Làm chị Hai thật là oai”. Đây là tập sách thứ 74 của ông và là tập sách thiếu nhi thứ 43.
Sách dày 124 trang với 32 câu chuyện của chị Hai Phương được phát hành 2.000 bản bởi Nhà xuất bản Văn học.
Tập truyện xoay quanh nhân vật chị Hai có tên là Phương, học lớp 1.4, trường tiểu học Gió Mới và một cô em rất dễ thương tên là Quỳnh, mới 10 tháng tuổi. Chị Hai bước vào lớp một khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội. Tất cả các trường học trên cả nước đều phải đóng cửa. Học sinh và thầy cô giáo phải chuyển sang một hình thức dạy học mới là “trực tuyến” qua phòng học Zoom. Bố mẹ vẫn phải đi làm hằng ngày, nên ở nhà chỉ có Phương, em Quỳnh và ông bà nội. Ông nội lớn tuổi, mắt đã mờ, chân đã yếu nên không thể trông em Quỳnh, ông chỉ có thể hỗ trợ Phương lúc học bài mà thôi. Vì thế, ngoài khung giờ học trực tuyến từ bảy giờ bốn lăm đến mười rưỡi sáng, Phương phải trông em để bà nội làm việc nhà. Câu chuyện bắt đầu từ những buổi đầu lạ lẫm với hình thức học và trông em như thế.
Hơn 50 năm viết cho thiếu nhi, đây có lẽ là lần đầu tiên nhà văn Nguyễn Thái Hải có hình mẫu nhân vật tương tác trực tiếp với mình ngay trong nhà. Nhân vật Phương và em Quỳnh là nguyên mẫu hai đứa cháu nội của nhà văn. Câu chuyện học trực tuyến của Phương cũng là câu chuyện có thật khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và vợ chồng nhà văn phải đóng cửa ở trong nhà cùng hai đứa cháu lém lỉnh, đáng yêu. Những khó chịu vì giãn cách, vì cấm ra ngoài của nhà văn được xoa dịu nhờ chính hai nhân vật trẻ thơ đáng yêu này. Những quan sát thực tế cộng thêm kỹ năng viết truyện thiếu nhi lâu năm của nhà văn Nguyễn Thái Hải đã cho ra đời một tập truyện dễ thương và hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học. Chính những ngôn từ ngây thơ của Phương đã đi vào tác phẩm của ông nội một cách hồn nhiên nhất.
Trao đổi với chúng tôi về hình mẫu nhân vật “người thật việc thật” trong cuốn sách này, nhà văn Nguyễn Thái Hải thổ lộ: “Thường thì các nhân vật trong truyện thiếu nhi của tôi chỉ giống nguyên mẫu khoảng một nửa, còn thì là hư cấu. Duy trong “Làm chị Hai thật là oai” thì khác hẳn. Đầu tiên tôi chỉ ghi “nhật ký” để sau này làm tài liệu sáng tác. Hết đợt học “trực tuyến” của cháu, đọc lại thì thấy đây đã sẵn là một truyện dài rồi. Tôi chỉ còn một việc là viết lại và đổi tên thật của cháu thành tên nhân vật là hoàn thành”.
Mặc dù lấy nhân vật là hình mẫu có thật ngoài đời, nhưng nhà văn Nguyễn Thái Hải đã lồng vào đó những bài học về sự yêu thương, chia sẻ, về sự biết ơn và những sự đáng yêu nhí nhảnh mà độ tuổi này luôn có. Mỗi câu chuyện xảy ra đều được tác giả viết dưới con mắt hồn nhiên trẻ thơ của chị Hai Phương, vì thế các bạn nhỏ sẽ rất thích thú khi thấy thấp thoáng dáng hình mình trong những câu chuyện này.
Vanvn trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải.
HOÀNG HÀ giới thiệu
CÂU CHUYỆN NÀY CÓ THẬT ĐẤY!
Vì sao vậy? Vì nhân vật chính “Chị Hai” có thật, em Quỳnh có thật, bố, mẹ, ông bà nội có thật. cô giáo cũng có thật.
Chuyện bắt đầu từ đâu năm học mới khi “Chị Hai” phải học trực tuyến có ông nội ngồi kèm. Buổi chiều, ông nội ghi lại chuyện diễn ra trong các buổi học sáng cùng chuyện của “Chị Hai” trông em ở nhà vào máy vi tính của ông, rồi bảo “Chị Hai” đọc đoạn văn vừa viết ấy. Chỗ nào “Chị Hai” đọc sai hay sót chữ thì ông nhắc để đọc lại cho đúng. Ngược lại, khi phát hiện một chữ nào bị sai dấu – do hai năm nay mắt ông nội bị mờ –  thì “Chị Hai” nhắc để cho ông sửa. Cứ thế, hai ông cháu cùng nhau “hợp tác” viết và sửa chữa cho đến khi “Chị Hai” được đi học trực tiếp tại trường thì câu chuyện dừng lại.
Chuyện có thật là như vậy.
Các bạn học sinh tiểu học, và lớn hơn nữa, đều có thể tìm thấy nhiều hình ảnh quen thuộc của mình trong câu chuyện này. Ngay cả các bạn học xong lớp Một cũng có thể đọc một cách thích thú.
Nào, chúng ta cùng đọc chuyện của “Chị Hai” nhé!
PHƯƠNG LÀ CHỊ HAI
Năm nay Phương sáu tuổi, học lớp Một. Không còn đi trường Mầm Non nữa, nghĩa là Phương đã lớn rồi phải không nào? Phương có em Quỳnh mười tháng tuổi, sắp thôi nôi. Vậy Phương là chị Hai quá đúng rồi!
Vào lớp Một nhưng Phương chưa được đến trường ngày nào. Bố nói dịch cúm đang lan rộng nên học sinh không thể đi học trực tiếp được mà phải học trực tuyến. Rắc rối quá! Phương không hiểu rõ lắm thế nào là trực tiếp, thế nào là trực tuyến. Học kiểu nào cũng “trực” cả. Là sao ta? Bố lại giải thích: “Học trực tiếp tức là đi đến trường, ngồi học trong lớp cùng cô giáo và các bạn. Còn học trực tuyến là học ở nhà qua máy vi tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Học cách này thì chỉ nhìn và nghe cô dạy, nhìn và nghe các bạn cùng học với mình”. Giải thích thế này thì Phương đã hơi hơi hiểu. Phương hỏi thêm:
– Thế con có phải đeo khẩu trang trong khi học trực tuyến không?
– Không, con gái à. Khi nào gặp nhau trực tiếp thì mới phải đeo khẩu trang để phòng ngừa bị lây bệnh cúm. Mà còn phải đứng cách nhau hai mét nữa.
Bố lại nói “trực” nữa rồi!
EM QUỲNH
Ngày Phương bắt đầu vào học trực tuyến thì em Quỳnh được hơn mười tháng tuổi. Em đã ngồi vững, bò khá nhanh và đang tập đứng. Đặt em nằm trên giường, em nhanh chóng lật người để bò rồi ngồi dậy. Thỉnh thoảng em vịn tường để đứng lên. Chỉ đứng chút xíu, em đã ngã lăn ra. Có khi em ngã ngửa. Có lần em bị ngã va đầu vào tường. Nhưng em không khóc, không cười, chỉ đưa mắt ngơ ngác nhìn mọi người. Em cũng chưa biết chơi đồ chơi. Cái gì vào tay em, em chỉ cầm hờ hững.
Bố mẹ đều đi làm. Bố là công chức, buổi trưa bố còn về ăn cơm, nghỉ ngơi một lúc rồi đầu giờ chiều đi làm tiếp. Mẹ thì làm ở công ty may đến cuối buổi chiều mới về. Bà nội trông em Quỳnh là chính, gần trưa hay xế chiều thì nấu cơm. Ông nội mắt kém, chỉ khi cần lắm mới trông em mươi, mười lăm phút. Phương được giao nhiệm vụ giúp bà nội cùng trông em sau khi học xong. Sợ nhất là em bị ngã từ trên giường xuống đất nên khi làm nhiệm vụ Phương phải lưu ý lúc em tập đứng lên. Phương không cho em đến gần cuối giường hay cạnh giường mà chỉ cho tập đứng ở nửa trước của giường, nơi có hai bức tường che chắn. May quá, chưa có “tai nạn” nào xảy ra cho em Quỳnh. Nghĩa là Phương đã hoàn thành nhiệm vụ.
Thật ra nhiều lúc Phương cũng lo ra, nhất là khi trên truyền hình chiếu một phim họat hình hấp dẫn. Bà nội hay nói: “Mắt cứ dán vào máy thế kia thì làm sao trông em hả con?”. Phương chống chế: “Con vừa xem phim vừa trông em mà…”. Bố thì nói: “Mỗi ngày con học trực tuyến đã phải nhìn màn hình gần ba tiếng đồng hồ, nếu lại xem thêm truyền hình nhiều quá thì hại mắt lắm”.
Không biết bố nói có đúng không, chứ Phương thấy mình vẫn nhìn tinh lắm. Mà các bộ phim họat hình hay đến thế, nhất là phim cổ tích Việt Nam, không xem thì thật uổng…
HỌC TRỰC TUYẾN LẠ RỒI CŨNG QUEN!
Phương ngồi học trực tuyến vào buổi sáng, từ “bảy giờ bốn lăm”, giờ học mà Phương nhớ là trên đồng hồ kim ngắn chỉ quá số 7 còn kim dài chỉ số 9. Hồi học Mầm Non, Phương chưa được dạy xem giờ trên đồng hồ mà đây là ông nội hướng dẫn cho biết.
Trước bảy giờ, bố mẹ đều lần lượt đi làm nên bố mở máy vào “phòng học” trước rồi để đó. Dần dần bố hướng dẫn lại cho ông nội rồi ông nội chỉ cho Phương. Ông nội cũng dùng máy vi tính nhưng máy được mở chữ lớn để dễ đọc. Qua nhìn máy của bố chỉ để cỡ chữ thông thường, ông phải dùng kính lúp soi đọc mà cũng chưa rõ nên khi cần, ông phải bảo Phương đọc chữ giúp thì mới xử lý được. Trên màn hình vi tính toàn là chữ nước ngoài, Phương phải đánh vần cho ông nội nghe. Như Phương nói: “Chỗ này có chữ Z, O, O, M, có đúng dấu hiệu cần tìm không nội?”. Phòng học của Phương ở trên lầu, ông nội phải leo cầu thang từng bậc một, thương lắm. Trước đây, có lần ông nội bị trượt chân ngã ngồi giữa cầu thang, may mà không sao. Một lần khác, ông nội bước hụt chân bậc thang cuối, ngã nhào ra nền nhà, sưng tay, sưng chân cả tuần mới khỏi. Vì vậy lần nào ông nội lên hay xuống thang, Phương cũng nhắc: “Ông nội đi cẩn thận nhé”. Ông nội lịch sự: “Ông cảm ơn con. Ông nhớ rồi”.
Dần dần, Phương quen với việc học trực tuyến. Mấy ngày đầu tiên Phương làm quen với việc dùng “chuột” để mở “Cam” cho cô nhìn thấy mình, mở “Mic” khi cô gọi rồi sau đó tắt đi để giữ im lặng cho phòng học. Buồn cười lắm. Con chuột thật thì có đôi mắt tinh quái, thân thể lại hôi hám, Phương rất sợ. Thế mà hàng ngày Phương lại cầm một “con chuột” trong tay, là “con chuột máy tính”! Ông nội bảo tên chuyên môn vi tính của nó viết là Mouse, có nghĩa là con chuột. Thực ra nó chỉ hao hao giống con chuột thôi, ai lại chuột mà cái đuôi nối với máy tính dài quá cỡ!
Tuần lễ thứ nhì, ông nội hướng dẫn Phương khởi động máy, vào “phòng học”, đánh mật khẩu dưới tên mình để “vào lớp”. Từ đó ông nội chỉ ngồi bên cạnh để nhắc nhở Phương ngồi họ cho ngay ngắn, tập trung nghe lời cô dạy, không chơi đồ chơi hay ăn uống trong lúc học…
Có lần đang học thì Phương không thấy cô cùng bài học trên màn hình đâu nữa. Ông nội loay hoay mãi vẫn không trở lại “phòng học” được. Ông gọi điện cho bố, bố hướng dẫn nhưng vẫn không vào được. Thế là bố phải báo cho cô biết để cô cho Phương nghỉ học. Chiều về, bố kiểm tra thì biết là bị lỗi ở nhà mạng. Bố và ông nội nói với nhau là “bị rớt mạng”. Phương chỉ hiểu sơ sơ. Sau lần ấy, bố bảo Phương khi nào bị “thoát” thì Phương “vào phòng học” trở lại từ đầu xem sao. Nếu vẫn không vào lại được thì mới báo cho bố biết.
Phương nhìn cái máy vi tính của bố. Trông nó gọn gàng, nhỏ nhắn thế mà đầy những bí mật và làm được rất nhiều việc khác nhau. Phương hỏi ông nội:
– Ai làm ra cái máy này vậy ông nội?
– Là các nhà khoa học, các kỹ sư. Họ nghiên cứu rồi chế tạo ra máy. Các kỹ sư khác thì viết ra các phần mềm ứng dụng, ví dụ như phần mềm ZOOM mà con đang vào học đó.
– Thế muốn thành nhà khoa học hay kỹ sư thì phải làm thế nào cơ?
– Phải chăm chỉ học con ạ.
Phương đang học đây! Lớp Một-Bốn trường tiểu học Gió Mới. Lớp của Phương có ba mươi bốn bạn, kể cả Phương.
Em Quỳnh “nói chuyện” với Phương và mọi người trong nhà bằng tiếng duy nhất là “Ư… ư”. Khoảng mười giờ rưỡi sáng, học trực tuyến xong, Phương xuống phòng bà nội vừa chơi vừa trông em. Ông nội thì về phòng mình mở máy vi tính làm việc của ông.
Em Quỳnh khá hiếu động nên Phương luôn phải để mắt. Lúc em nằm chơi im lặng và Phương cũng chẳng nói gì, làm gì, thế nào ở dưới bếp bà nội cũng hỏi vọng lên:
– Phương đang làm gì vậy con?
Phương trả lời:
– Con đang trông em mà.
– Thế thì giỏi.
Phương thích được bà nội khen lắm. Phương là chị Hai mà!
CHỊ HAI DỖ EM
Em Quỳnh thích nghe nhạc trên truyền hình. Phương thì thích xem phim họat hình hơn. Khi trên máy phát bài hát cho tuổi nhi đồng, em Quỳnh ngồi im vừa xem vừa nghe say mê. Thỉnh thoảng em lại giơ hai tay lên cao khỏi đầu, đôi khi vỗ hai tay vào nhau. Là Phương dạy em vỗ tay đó. Chương trình ca nhạc cho nhi đồng trên truyền hình ngày nào cũng chỉ phát đúng hai bài hát trong số mấy bài quen thuộc. Là các bài “Bố là tất cả”.  “Tấm Cám”, bài “Chú bộ đội”, “Thiên nga”, “Con bướm vàng”… Tất cả các bài này Phương đều biết hát và thuộc từ hồi còn học Mầm Non. Vì vậy khi truyền hình không phát thì Phương hát cho em nghe. Em Quỳnh nghe chị Hai hát cũng mê như xem, nghe hát trên máy. Em cũng giơ tay lên khỏi đầu hay vỗ tay. Khi thích chí, em không nói “Ư… ư…” mà hét lên tiếng “A…A…” thật to và kéo dài! Bà nội đang làm bếp hỏi vọng lên: “Em làm sao thế?”. Phương trả lời: “Không có gì đâu ạ. Em Quỳnh khen con hát hay đó mà”.
Phương nói thế thôi. Chứ em Quỳnh đã biết thế nào là hay hay không hay đâu. Chẳng sao cả! Phương chơi với em mà em không khóc là tốt rồi.
MÔN TIẾNG VIỆT HỌC KHÔNG DỄ ĐÂU
Phương học đến phần học những bài tiếng Việt ghép âm ở đầu với vần ở sau thành tiếng, kế đó là ghép hai tiếng thành từ.
Mới học, Phương cảm thấy rắc rối quá. Hồi đầu khi được cô mời đọc rồi phân tích. Phương đã mở “Mic” đọc thế này:
– A… nờ… An. Bờ An Ban nặng Bạn. Bạn học. Có âm An, muốn có tiếng Bạn ta thêm âm Bờ đứng trước, thêm dấu nặng dưới âm A.
Cô sửa lại:
– Có vần An chứ không phải âm An…  Phương phân tích lại đi nào.
– Dạ cô… Có vần An, muốn có tiếng Bạn ta thêm âm Bờ đứng trước, dấu nặng dưới âm A.
Vậy mà hôm sau Phương lại sai khi cô mời đọc và phân tích tiếng:
– Có âm Ăn, muốn có tiếng Lặn ta thêm âm Lờ đứng trước, dấu nặng dưới âm Ă.
Cô lại phải chỉnh cho Phương đọc đúng là vần Ăn..
Nhiều bạn cũng sai như Phương, cứ gọi vần là âm. Cô vẫn kiên nhẫn sửa cho từng bạn. Khi bạn đọc, Phương lẩm nhẩm đọc theo cho quen miệng.
Sau buổi học, ông nội dạy thêm cho Phương:
– Con cần nhớ vần gồm hai hay ba âm nằm ở phía sau, còn âm thì nằm phía trước. Âm và vần ghép lại với nhau thành tiếng.  Nào, con thử phân tích tiếng “Cào” cho ông nghe xem.
– Dạ, con nhớ rồi. Có vần Ao, muốn có tiếng Cào ta thêm âm Cờ đứng trước, thêm dấu huyền trên âm A.
– Tốt lắm! Thế bây giờ con thử tìm vài tiếng có vần AO xem nào…
Phương ngẫm nghĩ chút xíu rồi trả lời ông:
– Dạ… Là Ông Sao, Hàng Rào, Chim Sáo…
– Ao thêm dấu hỏi là tiếng gì?
– Biển Đảo ạ…
– Còn dấu ngã…”
Tới đây thì Phương “bí”. Ông nội đáp thay:
– Bão biển.
Phương nhìn ông đep cặp kính già, râu cằm lún phún nửa đen nửa trắng, bật cười:
– Ông Lão nữa!
Ông phì cười:
– Cái con bé ranh mãnh này. Trêu ông nội đấy phải không?
Lúc trông em, Phương cứ lẩm nhẩm: “Vần thì đứng phía sau, âm thì đứng phía trước. Âm và vần ghép lại thì thành tiếng…”. Em Quỳnh mở to mắt nhìn chị Hai mà không hiểu gì… Tất nhiên rồi! Phương bật cười. cất tiếng hát: “Kìa con bướm vàng, kìa con bướm vàng. Xòe đôi cánh… Xòe đôi cánh…”. Em Quỳnh thích quá, giơ hai tay lên cao khỏi đầu, miệng cười rõ tươi…
MÔN TOÁN CŨNG CHẲNG DỄ GÌ
Phương học toán, đến phần các phép toán cộng dưới 10. Phần này Phương không sợ.
Phương nhớ hồi nhà chưa có thêm em Quỳnh, Phương còn học Mầm Non. Buổi chiều được bà nội đón về nhà, Phương hay đòi ông nội đưa ra ngồi trước hiên chờ bố mẹ đi làm về.
Nhà ở mặt đường lớn, trên vỉa hè có trồng những cây dầu. Ông nội bảo Phương nhặt mấy chiếc lá cây dầu già rụng xuống vỉa hè không còn màu xanh mà chuyển thành màu vàng hay nâu. Rồi ông xé hai đường gân lá, gấp lại theo cuống lá thành hình con trâu. Lá to ông bảo là trâu bố, trâu mẹ, lá nhỏ là trâu con, tức là con nghé! Ông còn dạy: con bò con thì gọi là con bê. Nhưng con ngựa con vẫn gọi là ngựa con thôi. Sau cùng ông bảo Phương đếm “Một, hai, ba, bốn…” theo số những con trâu, bò bằng lá dầu.
Ông nội còn cho Phương ôn bài nhận màu sắc học ở lớp Mầm bằng cách nhìn xe hơi đi qua mà nói màu. Dần dần ông nội dạy Phương tập đếm xe. Từ một đến mười. Rồi từ mười một đến hai mươi và hơn nữa. Phương nhớ và đếm được đến năm mươi. Nhưng thường cứ đếm đến năm mươi chín là Phương chịu thua. Ông nội nhắc: “Một, hai, ba, bốn, năm rồi đến mấy?”. “Dạ đến sáu” “Vậy thì năm mươi chín rồi đến mấy?”. “Con biết rồi. Đến sáu mươi”.
Vào lớp Một thì Phương đã biết đếm đến một trăm. Vì vậy bây giờ học mười một chữ số đầu tiên với Phương dễ như ăn… cháo (Nhưng phải là cháo thịt cơ!). Nhiều bạn cứ trả lời câu hỏi có bao nhiêu chữ số là mười, quên số không. Phương thì nhớ như in là mười một. Những bài toán cho so sánh số lớn hơn hay số nhỏ hơn, cô hỏi, Phương trả lời được ngay mà không cần suy nghĩ như nhiều bạn khác.  Cảm ơn ông nội nhiều lắm!
Học làm tính cộng, tính trừ, Phương đếm ngón tay khá nhanh để có đáp số. Tức một điều là vẫn cứ chậm hơn một hai bạn là con trai.
HAI CHỊ EM
Mọi người bảo Phương có gương mặt giống mẹ còn em Quỳnh thì giống bố. Phương lại thấy hai chị em giống cả bố lẫn mẹ và… giống nhau. Chỉ khác là Phương hơi bị lớn con hơn những đứa trẻ cùng trang lứa, còn em Quỳnh thì nhìn chỉ thấy bụ bẫm tí xíu.
Hồi được mười tháng, em Quỳnh đã ngồi vững, bắt đầu tập bò. Em ngả người, bò được một hai bước là ngã sấp mặt, nhìn thương lắm. Một hai tuần sau em mới bò được, rồi bò rất nhanh. Có lần em bò trên nệm trải dưới nền, vượt ra ngoài cái nệm khá cao lọt xuống nền, lăn cù. Đầu em đập xuống nền nghe rõ một tiếng “Cộp”. Thế là em khóc ré lên. Mẹ bế em lên dỗ dành. Phương thì làm trò, vờ la em: “Quỳnh hư! Quỳnh xấu xí xầu xì! Quỳnh bị u đầu! Quỳnh khóc hu hu!”. Tất nhiên là em không hiểu chị Hai nói gì rồi mà em chỉ nhìn điệu bộ của Phương, thấy vui mắt nên em… cười! Bố khen: “Chị Hai có tài dỗ em đấy!”.
Phương thích lắm! Phương là chị Hai mà!
PHƯƠNG THÍCH HỌC VẼ VÀ HỌC HÁT
Ngoài hai môn học chính là Tiếng Việt và Toán, Phương còn được học mấy môn nữa là Tự nhiên Xã hội, Đạo đức, Mỹ thuật, Âm Nhạc, Giáo dục Thể chất và Trải nghiệm, … Cuối tháng ở môn Trải nghiệm có phần học về địa phương. Nói thật là ngay lần đầu Phương đã không thích chỉ vì nó khó hiểu. Gì mà ông nào đó đi khai phá đất nước, rồi dẫn quân đánh giặc bảo vệ dân. Nghe hơi giống chuyện cổ tích nhưng không có hoàng tử cứu công chúa, không phải chuyện công chúa bị hóa phép thành nàng ếch hay chuyện chú bé sinh ra chỉ bé tí bằng ngón tay…
Các phần khác của môn Trải nghiệm, Phương cũng chỉ thích hơi hơi. Cô dạy ở nhà hay vào lớp phải làm những điều tốt và có ích. Chưa được học “trực tiếp” nên cô hẹn sẽ dạy thêm sau. Còn ở nhà thì phải phụ giúp bố mẹ, ông bà… Phương biết rồi. Nhưng khi giúp bà hay mẹ nhặt rau, Phương hay bị chê lên chê xuống là chậm chạp. Giúp rửa bát mà lỡ tay làm vỡ bát, lại bị la là vụng về. Chỉ mỗi việc dỗ em Quỳnh là thỉnh thoảng Phương mới được khen.
Môn Giáo dục thể chất, Phương chịu khó tập các động tác cô hướng dẫn. Cô bảo cả lớp mỗi ngày đều phải tự tập ít nhất một lần để có sức khỏe. Mẹ còn bảo tập để giảm cân, vóc dáng sẽ đẹp hơn. Không biết kết quả sẽ thế nào nhưng trước mắt, mỗi lần tập là Phương lại thấy… mệt!
Hai môn Mỹ Thuật và Âm nhạc, Phương thích bằng nhau.
Vào mười phút nghỉ giải lao mỗi buổi học, Phương hay lấy giấy ra vẽ tự do. Thường là vẽ nhà, cây cối, hoa, ông mặt trời, đám mây bay… Có hôm Phương vẽ ông bà nội, bố mẹ, em Quỳnh và chính Phương. Khi đem khoe, ai cũng khen Phương vẽ đẹp, có sáng tạo, chỉ chưa thật đẹp ở chỗ vẽ ai cũng giống… người khác! Ngày Nhà giáo, Phương đã vẽ chân dung cô ở giữa tờ giấy, chung quanh có rất nhiều hoa rồi nhờ bố chụp lại, gửi tặng cô. Cô gửi lời cảm ơn Phương và bảo tiếc là Phương vẽ cô mới hơi hơi giống!
Môn Âm nhạc, Phương cũng học với sự thích thú. Đơn giản vì Phương được học mấy bài hát mới. Đám con gái trong lớp học hát thường được cô khen trong khi đám con trai tập hát nghe rất buồn cười. Có bạn hát mà nghe như đọc bài tiếng Việt vậy. Có lần cô dạy bài hát mà Phương đã biết hát từ hồi Mầm Non. Cô hỏi ai trong lớp biết hát thì hát thử cho cả lớp nghe. Phương xung phong hát. Cô khen Phương quá xá. Hì hì… Bài này Phương từng hát biểu diễn trong buổi lễ tổng kết cuối năm lớp Lá mà… Tấm ảnh Phương mặc váy màu hồng đứng hát trong buổi lễ còn treo trên tường kia kìa…
Phương thích học hát còn em Quỳnh lại thích nghe hát. Em mê nghe hát từ lúc nào không biết. Khi Phương hát, em mở to mắt nhìn chị Hai, cái môi em trề ra như muốn hát theo. Rồi em vỗ tay cứ như một khán giả người lớn biết phép lịch sự.
Qua việc này, tự nhiên Phương biết rằng việc học rất có ích.
1/1/2024
Nguyễn Thái Hải
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...