Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Mọi chuyện bắt đầu từ một bài thơ của Trần Dần

Mọi chuyện bắt đầu từ
một bài thơ của Trần Dần

Hồi ức của nhà thơ Hà Nhật – Lương Duy Cán: Hóa ra trong cái buổi gọi là phê bình văn học nghệ thuật hôm ấy, người ta đã đánh tới tấp cả tập sách Giai phẩm Mùa Xuân, quyết liệt cứ như đánh một tập đoàn những quân phản động! Hầu như ai cũng phải lên tiếng, tìm cho ra chỗ để kết tội.
Tháng 7.1954, đang là học sinh lớp Đệ Tam ở Trường Trung học Chuyên khoa Khải Định, cũng đang chuẩn bị vào Huế tựu trường (tôi đã được đề nghị cấp học bổng), tôi bỗng quyết định: ở lại Quảng Bình, nghĩa là ở lại phần đất sắp trở thành Miền Bắc.
Với tâm hồn của chàng trai 17 đầy lãng mạn, tôi thấy mình đã có một sự lựa chọn đẹp. Cuộc kháng chiến là một cái gì thật tuyệt vời, những con người trở về từ cuộc Kháng chiến như là tượng trưng cho cái đẹp.
Thế rồi, tôi phải đi dự những buổi đấu tố, những lần chứng kiến “những tên địa chủ gian ác” đổ gục ngay trước mắt mình. Một cái gì đó đang bắt đầu vỡ ra.
May mà ngay từ đầu năm 1955, tôi đã ra Hà Nội. Tôi tiếp tục việc học hành. Rồi đến đầu năm 1956, tôi đang học lớp Đệ Nhất, chuẩn bị dự kỳ thi Tú tài cuối cùng của Miền Bắc. Tôi đã đỗ Tú tài Toán, nhưng sau đó lại vào Đại học ở một cái khoa trớ trêu, bắt đầu mọi khốn khổ cực nhọc cho đời mình: Khoa Văn!
Còn nhớ cái buổi học chiều đầu tiên sau Tết năm 1956 ấy. Thầy Trương Tửu bước vào lớp với dáng vẻ khá xúc động. Ngày ấy, thầy Tửu là thần tượng của tất cả chúng tôi. Riêng với tôi, ở gần nhà (nhà thầy số 53, tôi ở số 10 phố Hàng Gà) nên càng cảm thấy vinh dự.
Thầy kể cho cả lớp biết một sự việc quan trọng: hôm qua thầy vừa dự một cuộc họp để trao đổi về một hiện tượng văn học bất ngờ. Đó là một tập sách có tên là: Giai phẩm Mùa Xuân. Đây là một tập hợp gồm truyện, tiểu luận, phê bình, thơ, tranh…  được phát hành bởi một nhà xuất bản tư nhân có tên là Minh Đức, mà chủ nhân tên là Trần Thiếu Bảo. Sau này thì các báo gọi ông này là Trần Thiếu … bảo đảm. Người viết toàn lã những tên tuổi “ghê gớm” những ngày này: Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Lê Đạt, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Sáng, Sỹ Ngọc, Đặng Đình Hưng…
Hóa ra trong cái buổi gọi là phê bình văn học nghệ thuật hôm ấy, người ta đã đánh tới tấp cả tập sách Giai phẩm Mùa Xuân, quyết liệt cứ như đánh một tập đoàn những quân phản động! Hầu như ai cũng phải lên tiếng, tìm cho ra chỗ để kết tội. Phải kết tội được kẻ xấu mới chứng tỏ được mình là người tốt chứ! Không thể đánh mất ý thức cách mạng, tinh thần cảnh giác cách mạng!
Tuy nhiên, cái đinh trong buổi kết tội này chính là một bài thơ của Trần Dần: “Nhất định thắng”!
Đến nay, ngồi đọc lại, tôi cũng không hiểu vì sao bài thơ này đã bị quăng quật đến như vậy. Bài thơ tuy có những ý buồn, những câu buồn, nhưng vẫn khẳng định niềm tin lạc quan vào tương lai kia mà! Tên của bài thơ còn là “Nhất định thắng” kia mà!
Bài thơ có những đoạn tâm sự tuy buồn nhưng rất đáng yêu:
“Tôi ở phố Sinh Từ:/ Hai người/ Một gian nhà chật./ Rất yêu nhau, sao cuộc sống không vui?/ Tổ Quốc hôm nay/ tuy gọi sống Hoà Bình/ Nhưng mới chỉ là năm thứ nhất/ Chúng ta còn muôn việc rối tinh…/ Chúng ta/ Ngày làm việc, đêm thì lo đẫy giấc/ Vợ con đau thì rối ruột thuốc men/ Khi mảng vui – khi chợt nhớ – chợt quên/ Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt/ Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt”.
Có những câu, những đoạn, những ý thơ cũng đầy lạc quan, nếu không nói là rất hào hùng.
Tuy nhiên, phần lớn những câu thơ, những ý thơ trong bài này lại dành cho những điều buồn, những chuyện buồn. Cũng phải thôi. Cuộc sống đang trải qua, vừa trải qua, những chuyện buồn, mà là buồn ghê gớm. Cuộc Cải cách Ruộng đất vừa nhận ra cả một đống sai lầm, mà là sai lầm ở tầm cỡ ghê gớm! Rồi một trận vỡ đê Mai Lâm! Rồi cả thiếu đói! Chỉ kẻ vô tâm, cứng lòng, mới không nhận ra, mới có thể vui, dù là vui gượng!
Trong cái buồn chung, lại còn cả cái buồn riêng. Làm sao mà không buồn! Làm sao mà bắt mình “lạc quan cách mạng” được?!
“Gặp em trong mưa/ Em đi tìm việc/ Mỗi ngày đi lại cúi đầu về/ – Anh ạ./ Họ vẫn bảo chờ…/ Tôi không gặng hỏi, nói gì ư?/ Trời mưa, trời mưa/ Ba tháng rồi/ Em đợi/ Sống bằng tương lai/ Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi/ Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã…/ Em đi/ trong mưa/ cúi đầu/ nghiêng vai/ Người con gái mới mười chín tuổi”
Cái hình ảnh cô gái trẻ Hà Nội đi trong cơn mưa “cúi đầu nghiêng vai” đúng là buồn, buồn đến nao lòng! Lại cũng là một hình ảnh mang sức mạnh nghệ thuật rất cao, cứ đọc là phải nhớ.
Phải nói rằng nếu gọi “Nhất định thắng” là một bài thơ thì quả là một bài thơ lạ lùng xưa nay chưa từng có. Bài thơ gồm đến 9 đoạn, được đánh số rõ ràng, mà đoạn nào cũng tương đương với một bài thơ dài.
Đúng hơn, đây là một bài xã luận, một bài chính luận bằng thơ. Thì chính Trần Dần đã nói trắng ra rồi mà: “Chút tài mọn tôi làm thơ chính trị”
Nói thật, tôi khá bị bất ngờ khi thấy tên tác giả bài thơ. Trần Dần là tác giả văn xuôi chuyên nghiệp cơ mà. Ông là tác giả cuốn “Người người lớp lớp” đang chiếm vị trí trang trọng trên các quầy sách kia mà!
Ai ngờ Trần Dần làm thơ, mà thơ ông điêu luyện đến thế, cao tay đến thế! Thì chính cái điêu luyện ấy, cái cao tay ấy đang làm khổ ông đấy.
Trong bài thơ dài mấy trăm câu ấy, có mấy câu, cứ đọc qua là nhớ ngay. Mấy câu ấy lại trở đi trở lại, mấy lần, như một thứ điệp khúc chủ đề của một bản symphony, một gam màu chử đạo trong một bức tranh. Đúng là những câu thơ “chết người”:
“Những ngày ấy bao nhiêu thương xót/ Tôi bước đi/ không thấy phố/ không thấy nhà/ Chỉ thấy mưa sa/ trên màu cờ đỏ”
Chết ai thì chưa biết, nhưng tác giả của nó thì chắc là phải chết. Sau này, có những người, dù chưa hề đọc bài thơ của Trần Dần, nhưng thuộc cả đoạn thơ đó để rồi viện dãn nó ra theo ý đồ này hay ý đồ khác.
Trong những năm tôi dạy học ở Quảng Bình, tôi có dạy hay đến đâu, thì tôi vẫn phải đeo lên ngực một cái bảng tên, vô hình nhưng ai cũng đọc được: bọn Nhân Văn Giai Phẩm.
Đừng ngu mà cựa quậy! Có một điều mãi đến nay tôi cũng chưa thể biết: trong các giờ dạy của tôi, tôi dạy gì, nói gì, đọc thơ ai, đều được báo cáo đi đâu đó. Rồi các bài thơ , thậm chí một đoạn ngắn tôi mới viết trong sổ tay hoặc vở nháp, cũng được chuyển đến một nơi nào đó.
Trong những buổi họp hội đồng giáo viên, tôi thường ngồi im lắng nghe. Bởi nếu tôi có góp ý, chỉ ra một điều kém cỏi nào đó, lập tức tôi nghe ngay một lời răn dạy: “Thử xem lại cái nhìn của anh hình như phảng phất “không thấy phố thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.
Thế là xong. Đúng là ông Trần Dần làm khổ tôi!
Nhưng chuyện đâu chỉ có thể. Đúng là kỷ quặc. Mấy tháng sau, tự nhiên trên tờ báo Văn Nghệ của Hội Văn Nghệ Việt Nam, bỗng xuất hiện ngang nhiên bài thơ của Trần Dần. Rồi món hàng quốc cấm Giai phẩm mùa Xuân được in lại và bày bán công khai. Không có một lời giải thích nào. Cứ như anh chàng Aladin ở xứ Ba Tư vừa chà ngón tay của mình lên cây đèn cổ vậy!
Sự việc cứ thế mà tuần tự xảy ra: các tập Giai phẩm mùa thu, rồi Giai phẩm mùa Đông, rồi Đất Mới của sinh viên … Đúng là trăm hoa đua nở!
Cao trào là xuất hiện của tờ báo Nhân Văn, mà ngay trong số 1, mấy bài viết đã gây choáng váng: bài thơ của Lê Đạt “Nhân câu chuyện mấy người tự tử”,  bút ký của Hoàng Cầm về “Con người Trần Dần”, truyện ngắn “Con ngựa già của Chúa Trịnh” của Phùng Cung…
Thiên hạ vừa mừng vừa lo. Tuy nhiên, mừng và lo đều không lâu. Báo Nhân Văn ra được đến số 5. Người ta hong hóng tờ số 6. Thì ôi thôi, số báo bị chặn ngay từ nhà in, bởi “giai cấp công nhân” cương quyết không in!
Vậy là xuất hiện ngay một phong trào rầm rộ: cả nước quyết tâm đấu tranh chống bọn Nhân Văn – Giai phẩm.
Cứ thế cho đến lúc mọi chuyện kết thúc trọn vẹn bằng một cuộc họp lớn tại Thái Hà Ấp. Trong cuộc họp này, các văn nghệ sĩ tự kiếm điểm và tố cáo lẫn nhau (gọi là giúp đỡ nhau) về tội lỗi của mình. Cuộc họp đã thành công mỹ mãn sau khi ông Tố Hữu đọc một bản báo cáo dài: Bọn Nhân Văn – Giai phẩm trước toà án dư luận.
Mọi chuyện thế là xong!.
25/12/2023
Lương Duy Cần
Nguồn: Báo Ngày Nay - 7.2022
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được...