Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Đêm chia tay ở Tà Niên

Đêm chia tay ở Tà Niên

1. Khoảng chín giờ tối, tôi lặng lẽ rời trường đi về hướng giếng Cây Trâm như lời hướng dẫn. Đèn đường lưa thưa, nên đoạn đường tối lờ mờ không nhìn rõ mặt người. Đêm như lặng lẽ bắt đầu với vài cơn gió hanh hanh mùi rạ khô dọc ven đường. Vừa đi tôi vừa cố nghe ngóng những động tĩnh chung quanh và mong rằng không gặp mặt học trò hoặc người quen. Lòng dạ xôn xao, cả ngày hôm nay tôi chẳng làm gì ra hồn và gần như không nuốt được buổi cơm chiều. Mặc dù đã hứa, tôi cứ mãi đắn đo không biết có nên giữ lời hứa đó hay không? Đây là buổi hẹn rất nguy hiểm cho người gặp gỡ và có khi sẽ là một lần vĩnh viễn chia tay. Những ngày tháng gần đây Rạch Giá trở thành nơi tập trung cho những chuyến ra đi, những chuyến ra đi biền biệt quê nhà. Ngôi trường cấp 3 Rạch Sỏi nhỏ bé của tôi cũng không ngoại lệ. Học trò bàn chuyện "vượt biển" nhiều hơn chuyện học. Thầy cô mỗi ngày nhìn xuống lớp, vài khuôn mặt mất đi giữa ghế bàn. Đôi lúc phải dồn lớp dạy mới đủ số học sinh. Đã có nhiều buổi chiều học sinh vào trường như thăm viếng thầy cô và để kín đáo nói lời chia tay. Ở tuổi các em "ăn chưa no, lo chưa tới" mà đã phải tự làm người lớn, vượt ngoài ý thức của bản thân. Một thế hệ "lớn trước tuổi", toan tính hoang mang nhiều hơn mơ mộng sách bài. Nhiều thầy cô giáo phải "nổi giận" vì tinh thần học tập sa sút của các em. Tôi thương các em nhiều hơn bao giờ hết. Nếu tôi là các em chắc cũng không thể làm khác, nhiều khi còn tệ hại hơn không chừng? Vì thương con, cha mẹ đã đẩy các em "ra khơi" mong sẽ tìm được một cuộc sống, một tương lai tốt đẹp hơn. Chỉ với hành trang là những tờ giấy trắng, các em phải làm gì cho những bước đường vô định, tương lai may rủi nơi bên kia xứ lạ quê người?
– Thầy Hoàng... thầy Hoàng phải không?
Tiếng gọi làm tôi giật mình, dừng bước chân lại. Chiếc xe lôi trờ tới, trời tối không nhìn rõ mặt người đàn ông chạy xe.
– Dạ... tôi đây. Tôi là thầy Hoàng.
– Thầy lên xe, tôi đưa thầy về Tắc Cậu.
Giọng người đàn ông rắn rỏi, chắc không còn trẻ. Mọi việc đúng như lời căn dặn của Dung, tôi bước vội lên chiếc xe lôi... Rồi không ai nói gì thêm, người đàn ông đạp chiếc xe lôi đưa tôi qua khỏi giếng Cây Trâm chạy về hướng Minh Lương. Tuy trời tối nhưng vì quá quen thuộc nên tôi có thể đoán được đoạn đường hai bên. Chạy một lúc sau, người đàn ông chợt quay xe trở ngược lại đường cũ. Có lẽ do thận trọng, tôi chỉ biết ngổi yên lặng phía sau. Đến ngã ba Sua Đũa thì chiếc xe lôi quẹo trái vào phía Tà Niên. Vài chiếc xe gắn máy vượt qua để lại những vệt đèn sáng phía trước. Đây là đoạn tôi có nhiều nhà của học trò chạy dài cho đến chợ Tà Niên và cả bến đò Tắc Cậu. Thật tình mà nói, tôi chẳng biết chiếc xe lôi sẽ đưa tôi đi đâu, ghé nơi nào? Chỉ biết đêm nay tôi sẽ đến nơi đưa tiễn LTT Dung, người bạn gái thân thương của những ngày tháng ở đại học sư phạm Sài Gòn. Cũng đêm nay ba chị em Dung sẽ cùng gia đình chồng tương lai rời bến ra khơi ở Tắc Cậu. Đây là chuyến đi "bán chính thức", tương đối an toàn vì mỗi người hình như phải đóng số tiền khá lớn: 10 cây vàng. Đó là chưa kể ba chị em phải mua giấy chứng nhận người Việt gốc Hoa, với một giá không phải rẻ. Vì hầu hết tổ chức dành cho người Việt gốc Hoa, mua tàu mua bãi của các chuyến vượt biển này. Tôi không biết rõ, chỉ nghe Dung nói lại. Cuộc hôn nhân của người đẹp khoa Anh ngữ: LTT Dung là ba chỗ cho nàng cùng hai đứa em trai, quà cưới của gia đình bên chồng? Chạy vào một khoảng không xa, chiếc xe lôi chợt chậm lại rồi ngừng trước cỗng của một căn nhà vườn. Tôi lo lắng, đúng ra phải vào tận Tắc Cậu kia mà. Đây là Tà Niên, nhà học trò tôi cùng khắp con đường này. Có lẽ đây cũng là đoạn đường đẹp nhất Tà Niên với những vườn khóm thẳng tấp, với những ao bông súng tím thẳm sau nhà. Tôi nhớ hình như nhà vườn của em Sĩ cũng ở gần đâu đây? Tôi có ghé căn nhà vườn trồng khóm của gia đình Sĩ vài lần. Rồi nhà của chị em Thanh Nga, Thanh Sơn... được mệnh danh là "con chim sơn ca" của trường cấp 3 Rạch Sỏi cũng ở Tà Niên... Nhưng hình như từ ngả ba Sua Đũa đi vào, không gần đến như vậy. Nếu bị học trò bắt gặp tôi không biết phải giải thích thế nào cho ổn thỏa: đang đêm thầy Hoàng vào đây để làm gì?
– Thầy Hoàng dô nhà... Cô Dung đang ở trổng!
Giọng người đàn ông đứng tuổi, kéo tay tôi bước vào nhà. Bên trong tôi đã thấy Dung đứng phía sau chiếc tủ thờ lớn. Nụ cười quen thuộc nở khó khăn trên khuôn mặt mệt mỏi của người con gái.
– Anh tưởng là Dung ở Tắc Cậu?
– Có chút thay đổi nên chưa kịp báo cho anh biết. Anh vào đây có gặp khó khăn gì không?
– Không, mọi chuyện bình thường. Gặp được Dung là mừng lắm rồi.
– Theo em...
Tôi theo chân Dung rời nhà trên, đi xuống phía nhà sau. Căn nhà dài qua vài căn phòng khá khang trang, phía sau là căn bếp lợp lá với chiếc bàn ăn tròn. Ngồi quanh chiếc bàn là hai thanh niên trẻ và người đàn bà đứng tuổi độ năm mươi cùng mấy tô cháo ăn lỡ. Mùi cháo cá và rau đắng nồng ấm gian nhà.
– Dũng, Cường hai em trai của Dung. Đây là dì Sáu, đi chung... Anh ngồi ăn chút cháo cá, nghen anh?
Tôi lắc đầu nhìn khuôn mặt lúng túng của Dung. Chưa bao giờ tôi thấy Dung như đêm nay! Nét kiêu sa trên khuôn mặt đẹp không còn nữa, mà những lo âu có chút sợ sệt khiến nàng trở nên vụng về. Có thể mấy đêm qua Dung đã không ngủ được. Không khí căn phòng chừng như căng thẳng, không ai muốn lên tiếng nói gì. Buổi ăn tối vội vã kết thúc, hai em trai Dung và người đàn bà đi chung chào tôi rồi lặng lẽ đi lên nhà trên. Họ tìm chút nghỉ ngơi cho cuộc hành trình dài, vô định sắp tới? Căn nhà bếp chỉ còn lại tôi và Dung. Có lẽ đã nửa đêm. Tôi ngồi xuống bàn đối diện nàng, nhìn bâng quơ không biết phải nói gì trước.
Có quá nhiều người đã bỏ ra đi. Có người tôi quen, có người yêu dấu. Những mất mát, đắng cay của quê hương không cầm chân được ai? Đêm nay tôi lại tiễn đưa thêm một người bạn gái thân thương của nhiều tháng ngày quen biết. Đã qua khỏi mức bạn bè, nhưng chưa lần vượt qua tình yêu như thể. Tôi có chút gì đó ngần ngại. Dung cũng dùng dằng ở mức đón đưa...
– Mấy giờ thì Dung vô Tắc Cậu? Tôi lên tiếng phá bầu không khí căng thẳng, khó thở.
– Ba giờ sáng. Để Dung pha cho anh ấm trà...
Chỉ còn vài tiếng nữa. Đêm luôn dài, nhưng bây giờ sao quá ngắn. Nét lo âu, mệt mỏi làm khuôn mặt Dung đẹp nhiều hơn. Đêm nay có lẽ Dung sẽ không phàn nàn, nếu tôi có tham lam nhìn nàng không rời mắt. Nhìn vệt chân mày rậm vắt ngang đôi mắt như biếng lười chăm sóc. Nhìn đôi môi ướt nhỏ, thỉnh thoảng bím chặc suy tư. Nhìn khuôn mặt thanh tú rõ từng sợi lông măng lưa thưa dọc đường chỉ tóc mai. Tôi nâng niu từng giây phút nầy với Dung như trân trọng tình bạn giữa tôi và nàng. Tình yêu sẽ là sự chiếm ngự, chỉ có tình bạn là chia sẻ, quý trọng lẫn nhau. Tình yêu sẽ cho bạn hạnh phúc và khổ đau. Tình bạn sẽ làm cho bạn thăng hoa và rộng lượng.
– Mình ra ngoài uống chút trà đi anh. Bên trong nhà nóng quá! Dung đưa tách trà cho tôi, nói nhỏ.
Bây giờ tôi mới cảm thấy hơi nóng hâm hâm trong căn nhà bếp. Hai đứa ngồi xuống bên hiên mái hè, trời tối đen hòa vào tiếng côn trùng, ếch nhái kêu đêm. Có quá nhiều câu hỏi cho Dung, nhưng không hiểu sao tôi vẫn yên lặng. Mấy ngụm trà nóng khiến tôi tỉnh táo hơn, thỉnh thoảng vài cơn gió thổi nhẹ mùi hương con gái nồng nàn.
– Anh nói với Dung hay hỏi Dung câu gì đi anh?
Chừng như nói câu nói, mọi câu hỏi đều trở nên vô nghĩa và trống rỗng. Chừng như chỉ có sự yên lặng là ngôn ngữ của cuộc chia ly? Đêm vây phủ như có bàn tay mềm mại đang ôm phủ bàn tay tôi ấm áp. Trong hơi ấm của bàn tay Dung sao tôi nghe như có tiếng thở dài. Tiếng thở dài đáng lẽ không nên có ở một người con gái. Người con gái đẹp, thông minh và mang niềm kiêu hảnh trong ánh mắt của người chung quanh. Đã có người tự tử vì nàng, đã có người buông bỏ tất cả tiền tài, gia đình để chỉ được có Dung. Chuyến đi này là tất cả những gì người đàn ông đó dành cho nàng và hai đứa em trai.
– Rồi Dung sẽ đến được bến bờ hạnh phúc. Anh sẽ cầu nguyện cho Dung, cho mọi người...
– Tất cả những điều anh nói là của ngày mai... Bây giờ Dung đang ở đây. Dung chỉ muốn hiện tại, đang bên cạnh anh...
Vài sợi tóc theo gió đêm Tà Niên vướng lòa nhòa trên mặt tôi. Hơi thở của Dung thật gần. Thật gần để bất chợt có bàn tay kéo khuôn mặt tôi vào chạm bờ môi con gái. Nụ hôn bỡ ngỡ, vụng về rồi bám chặc không rời. Nụ hôn dài như hương từng rẫy khóm của đêm Tà Niên ngọt lịm.
– Để anh đừng quên Dung... Để anh sẽ nhớ Dung...
Nụ hôn để nhớ, không phải để yêu. Không hiểu sao tôi nghe tiếng nấc nghèn nghẹn của Dung. Tôi rất sợ nước mắt, nhất là nước mắt của con gái. Như phản xạ tự nhiên, tôi kéo khuôn mặt nàng áp vào ngực của mình. Nước mắt của buổi tiễn đưa nào mà không thắm mặn. Đêm Tà Niên cuộn tròn thương tiếc, vùn vụt trôi nhanh.
– Cô Dung ơi, đã tới giờ... Phải đi rồi cô Dung!
Tiếng người đàn bà thì thào, hối thúc. Tôi kéo tay Dung đứng dậy đi vào. Bên trong mọi người trên tay một chiếc xách nhỏ chờ đợi. Không khí trở nên căng thẳng, ngột ngạt. Lấy một xách tay góc nhà, Dung đưa cho tôi:
– Nhờ anh đưa lại cho gia đình Dung...
Rồi chừng như không nói gì thêm được nữa, Dung cúi đầu đeo chiếc giỏ xách bước theo mọi người. Bên ngoài trời vẫn tối đen. Mấy chiếc xe lôi đang chờ sẵn, lặng lẽ đưa nhóm người chìm vào đêm tối. Tôi cầm chiếc xách tay, lên chiếc xe lôi khác quay trở lại trường. Đồng hồ đeo tay tôi chỉ 3 giờ 45 sáng ngày 4 tháng Ba, năm 1978 ở xóm nhỏ Tà Niên.
2. Đã hơn bốn mươi năm, thời gian thoáng chốc. Tất cả mọi đổi thay như xô đẩy chúng ta đi vào biết bao định mệnh đời người. Số phận không nói lên hoàn cảnh và đôi khi cùng hoàn cảnh lại có muôn vàn số phận khác nhau... Vài tuần lễ sau của đêm hôm đó, tôi đã đem chiếc xách tay đến cho gia đình Dung ở Sài Gòn. Nhưng mãi đến gần 4 tháng sau, tôi mới được tin của Dung từ gia đình nàng. Chuyến đi của Dung đã không đến được bến bờ tự do. Con tàu định mệnh đó vĩnh viễn nằm lại lòng biển rộng. Phải mất nhiều đêm, nhiều ngày tháng sau này để tôi có thể chấp nhận được sự thật đau xót này. Tất cả chừng như không có một hình ảnh nào, một vết tích nào để khỏa lấp ánh mắt, nụ cười và đôi môi hôn ấm của đêm chia tay vội vã ở Tà Niên. Tôi vẫn luôn tin rằng một nơi nào đó trong vùng trời tự do vĩnh cửu, Dung đang vun đấp cuộc sống có thật của mình. Nơi đó sẽ không còn khổ đau, không còn những hệ lụy cưu mang cho một kiếp người... Biển rộng bao la nhưng biển cũng hẹp tay người. Hình ảnh người con gái trong đêm chia tay ở Tà Niên luôn sống mãi trong tôi. Nụ hôn vội vàng để nhớ, là nụ hôn tha thiết nhất một đời có được:
... Tình yêu như biển
Biển hẹp tay người
Biển hẹp tay người lạc lối
Em đi về nơi ấy
Nơi đâu nơi đâu
Sông cạn đá mòn
Trăng treo đầu con sóng
Tan theo tan theo
Chút tình xa vắng... (1)
Mỗi số phận của chúng ta, đôi khi gắn liền với những biến động của hoàn cảnh và lớn rộng hơn, của lịch sử. Nhưng đôi khi, số mệnh của chúng ta lại lặng yên nằm bên lề của mọi cơn lốc cuộc đời. Dù ở phía nào đi nữa, sự hữu hạn của kiếp người, chỉ cho mỗi chúng ta chiêm nghiệm được một phần thật nhỏ nhoi của thân phận. Không có mẫu số chung cho định mệnh. Hãy mở rộng mọi ý thức và đừng bao giờ đóng kín những đổ vỡ của trái tim. Cuộc đời sẽ tin yêu ta, nếu ta đặt trọn mọi tin yêu có thể cho người. Lá khô rụng kín mùa này là mần non hoa trái mùa sau. Có bao nhiêu dư âm xưa trong đêm dài chờ sáng? Có bao nhiêu cuộc chia ly trong giọt lệ trùng phùng? Dù biết rằng trái tim luôn đập theo từng nhịp của hôm nay cho sự sống, nhưng không hiểu sao dòng máu chúng ta đôi lúc luân lưu, tuần hoàn trong mỗi tế bào của quá khứ? Những ngày đầu của mỗi tháng Ba, phải chăng vẫn buồn và vẫn khắc khoải trôi về:
... Phương trời mình đi xa thêm xa
Nghe vạn mùa thu sau lưng ta
Em ơi, em ơi! Thu thiết tha
Ơi người vì ta qua phong ba
Có còn gì sâu trong tâm tư
Mắt lệ mờ hoen dư âm xưa... (2)
Chú thích:
(1) Lặng Lẽ Nơi Này – Trịnh Công Sơn
(2) Tình Lỡ – Thanh Bình
Nguyễn Vĩnh Long
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trời mưa bong bóng

Trời mưa bong bóng Từ đường Cao Thắng tôi cho xe rẽ vào Trần Quý Cáp. Con đường chạy đến công trường Con Rùa với hàng cây thẳng tấp, rơp b...