Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Tiêu đề thơ - Nơi tư tưởng nhà thơ được khải thị - Trường hợp Trần Lê Khánh

Tiêu đề thơ - Nơi tư tưởng nhà thơ được
khải thị - Trường hợp Trần Lê Khánh

Tiêu đề bài thơ của Trần Lê Khánh không đánh đố bạn đọc. Nhưng cũng không phải là giản đơn: tôi đi tìm cái nửa của tôi; tự nhiên; thánh hiền; thơ; bắt chước; quân tử; em vẫn không đổi thay… Những tiêu đề này rất tự nhiên, nhưng cũng là kết quả của tư duy nhà thơ. Trong sự tự nhiên của vạn vật anh nhìn ra những điều khác biệt và từ sự khác biệt ấy anh muốn chúng ta hiểu mọi thứ như nó đang là để hướng đến bản chất của mọi thứ.
1. Tiêu đề thơ tham gia vào cấu thành một bài thơ
Hầu như, các nhà phê bình văn học ít khi bàn về tiêu đề trong một tác phẩm văn chương, cụ thể là tiêu đề một bài thơ. Có người còn coi tiêu đề nhiều khi không nên quá cầu kỳ, cứ ngắn gọn, súc tích, hoặc có người tạo “sốc -sến” là được, miễn sao gây sự tò mò cho độc giả. Có người cũng đặt tiêu đề, mà nhiều khi không liên quan gì đến nội dung tác phẩm, có thể là để đánh đố hay gây hấn cho người đọc. Có tác phẩm trước là tên thế này, sau khi in lại đặt tên thế khác, có thể do khi tác phẩm khởi sinh, đến lúc tác phẩm hình thành, người viết đã có nghĩ ngợi khác. Có tác phẩm sau khi trở nên cổ điển, thì tên tác phẩm lại do người đọc, hay bên in ấn đặt lại…
Tuy nhiên, đọc kỹ Trần Lê Khánh chúng ta sẽ nhận thấy anh đứng ngoài những trường hợp ấy. Tiêu đề trong thơ anh giữ vị trí quan trọng, xương sống và không thể thay thế được. Những bài thơ ngắn, tiêu đề vừa như một đối trọng giữ thế hài hoà, vững chãi vừa như một điểm tựa để bài thơ không bị phù phiếm, chênh vênh cho dù trí tưởng của nhà thơ có đi xa đến đâu.
nước mắt
mùa thu
dòng sông chảy dài hơn năm tháng
chạy dài hơn đôi bờ
uốn lượn phù du
Bài thơ trên là một ví dụ quan trọng thể hiện được điều đó. Nếu như che tiêu đề bài thơ lại, người đọc sẽ chỉ đơn thuần nghĩ rằng bài thơ đang nói về con sông mùa thu. Tuy nhiên, khi kết nối với tiêu đề thì không những liên tưởng của bạn đọc được mở rộng ra mà ta còn thấy ở nhà thơ có một cách nhìn siêu thực. Tiêu đề nước mắt đã giúp cho bài thơ không bị đi vào lối mòn trong sự kể/tả về dòng sông mùa thu một cách thông thường mà ngược lại, tiêu đề ấy đã đem đến sự ngạc nhiên lớn. Bắt đầu từ đôi mắt, mà đây chắc chắn phải là một đôi mắt đẹp như vẻ đẹp của mùa thu. Mùa thu vừa có cái yên ả bình lặng nhưng mùa thu cũng không vắng những bão giông những thăm thẳm. Chắc chắn đôi mắt ấy đều biểu cảm được những yếu tố trên nên nhà thơ đã nhìn vào đôi mắt như nhìn vào mùa thu. Và từ đôi mắt/mùa thu ấy, dòng nước mắt chảy ra như dòng sông uốn lượn trong không gian mùa thu vời vợi. Yếu tố dài hơn năm tháng, dài hơn đôi bờ lại càng tôn lên nét siêu thực của bài thơ nước mắt. Với Trần Lê Khánh, thơ của anh không có sự thông thường nào cả, mọi yếu tố đều chỉ ra sự đặc biệt, độc đáo.
Việc đặt tên bài thơ gây ấn tượng và độc đáo nhất, có lẽ nhà thơ Tagore (Ấn Độ), người đầu tiên của châu Á đạt giải Nobel Văn học đã làm. Ông thường đặt tên bài thơ theo các con số. Việc làm này của Tagore không phải dễ dãi. Mà khi tiếp cận tác phẩm, thấy rằng, các bài thơ của Tago như những mảnh ghép tạo nên triết lí nhân sinh, tư tưởng nhân loại, lấy nền tảng là tình yêu thương mãnh liệt đối với con người. Các bài thơ này dù xếp ở vị trí nào cũng không ảnh hưởng đến tổng quan tác phẩm của một thi tập.
Nhưng ở một thi sĩ khác, là Trần Lê Khánh, anh lại coi tiêu đề như một sự tham gia có chủ đích vào mỗi bài thơ. Và có lẽ đó là thi pháp mà Trần Lê Khánh hướng đến. Thậm chí, tiêu đề bài thơ như một phần của bài thơ, mất nó đi, bài thơ bỗng nhiên mất đi một nghĩa, hoặc là mất đi linh hồn.
Trong bài mùa đông nảy mầm Trần Lê Khánh viết:
mùa đông nảy mầm
con đường
mọc ra buổi chiều
tiếng guốc em về
xới nhẹ ngày sâu
Nếu ta bỏ tiêu đề mùa đông nảy mầm, thông qua bốn câu thơ còn lại, người đọc có thể hiểu có một buổi chiều, em trở về, ngày cứ sâu hun hút, bởi tiếng guốc của em. Nhưng không gian thơ sẽ chỉ dừng lại ở sự bình thường đó. Khi có thêm tiêu đề, người đọc hình dung ra được: hoá ra, không gian được vẽ ra đó là vào mùa đông. Có thể là bắt đầu đông, mùa đông vừa chớm đến. Như vậy, không khí bài thơ dễ dàng đi vào cõi lòng hơn. Vì nó cho thấy sự cô quạnh đến lạnh lẽo của một buổi chiều đông sâu hút. Và cũng có thể những hình ảnh kia chỉ được nhìn ra trong bối cảnh của một mùa đông hay một cách nhìn hình tượng hơn chính là mùa đông đã nảy mầm (tạo ra) những hình ảnh trong bài thơ.
Việc cho tiêu đề tham gia sâu vào bài thơ được thể hiện nhất quán hơn trong bài thơ buồn nhất là dòng sông:
buồn nhất là dòng sông
gió và cây cầu
thi nhau xem ai đứng lâu hơn
một hôm em đi qua
cũng tham gia vào cuộc tiêu sầu
Từ những hình ảnh trong bài thơ ta thấy rõ, gió là sự linh động, cây cầu là sự tĩnh tại, hai trạng thái đối lập này cùng tồn tại trong một bối cảnh (thơ Trần Lê Khánh luôn tạo nên những bối cảnh tạo được cho bạn đọc những ngẫm ngợi sâu xa). Em là một khách thể trong bối cảnh ấy nhưng bằng sự kết nối với bối cảnh thì em cũng dần trở thành chủ thể của bối cảnh chung – một cách hoàn toàn tự nhiên như thể sự xuất hiện ấy làm cho bức tranh trở nên sinh động và hài hoà hơn. Câu thơ cuối như một sự đóng đinh, vĩnh cửu vào bức tranh. Nhưng dòng sông không được nhắc đến trong bài. Dòng sông được nhắc ở tiêu đề bài thơ, như một chủ thể chứng kiến toàn bộ bối cảnh trên. Nhưng nếu đặt cả dòng sông vào bức tranh đó thì dòng sông lại trở nên như một khách thể vì dòng sông không thể chạm vào em và cây cầu được cho dù dòng sông làm nền cho hai đối tượng trên. Và vì thế, dòng sông sẽ là buồn nhất. Dòng sông trở nên lạc lõng và cô đơn bởi chính sự mênh mông của mình. Mọi thứ dường như đã có trật tự của nó. Có những điều chúng ta nhìn thấy đó, ở gần đó nhưng vẫn không thể chạm tới. Có những điều sẽ thay đổi và biến hoá tuỳ vào góc nhìn của mỗi chúng ta. Đó là quy luật mà chúng ta không thể chống lại. Nếu không có mặt của dòng sông ở tiêu đề thì bài thơ chỉ là một câu chuyện khô khan, vô nghĩa.
2. Tiêu đề biểu hiện cho sự tự do nhất của Trần Lê Khánh
Như chúng ta đã biết, con người có ngôn ngữ và tư duy. Ngôn ngữ còn được hiểu là vỏ bọc của tư duy. Từ ngôn ngữ mà con người truyền đạt đi suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình. Trong văn học, nhất là ở thơ, người sáng tạo thật khó mà giấu mình được, điều đó sẽ phát lộ qua từng câu thơ. Dù người nghệ sĩ đại tài thế nào cũng khó mà bí mật hoá được bản thân khi đã diễn đạt qua ngôn ngữ.
Trần Lê Khánh đã chủ ý viết thường tên tiêu đề, như là để sự tự do cho ngôn ngữ. Anh muốn trả lại vị trí sơ khai cho ngôn ngữ, đó là không bắt buộc một từ ngữ nào phải viết hoa. Điều này cho thấy, nhà thơ muốn trả mọi thứ lại với khởi nguyên ban đầu vốn có. Không có một ràng buộc nào. Tất cả là do những ham muốn, sự cầu toàn của con người tạo nên. Trần Lê Khánh đã để ngôn ngữ trở về đúng như khi nó đã được sinh ra – đó là một sự tôn vinh ngôn ngữ ở mức cao nhất.
Tiêu đề bài thơ của Trần Lê Khánh không đánh đố bạn đọc. Nhưng cũng không phải là giản đơn: tôi đi tìm cái nửa của tôi; tự nhiên; thánh hiền; thơ; bắt chước; quân tử; em vẫn không đổi thay… Những tiêu đề này rất tự nhiên, nhưng cũng là kết quả của tư duy nhà thơ. Trong sự tự nhiên của vạn vật anh nhìn ra những điều khác biệt và từ sự khác biệt ấy anh muốn chúng ta hiểu mọi thứ như nó đang là để hướng đến bản chất của mọi thứ. Và cứ thế, nếu muốn biết tiêu đề thế nào, độc giả hãy tiếp cận nội dung bài thơ. Nội dung bài thơ với những câu thơ có sự ràng buộc khắng khít với tiêu đề, không thể tách rời.
Tôi tư duy nên tôi không tồn tại
thiền
là biến suy nghĩ của mình
như điếu thuốc đang cháy
thành tàn thuốc.
Có những trường hợp, tiêu đề bài thơ là sự chơi chữ như bài thơ trên. Nhưng để chơi chữ được như vậy thì Trần Lê Khánh phải là người am hiểu triết học cũng như thiền học. Anh đã phản biện lại vị triết ra nổi tiếng trong một trường hợp cụ thể, đồng thời đưa ra nhận định của mình. Từ đó ta thấy rõ tư tưởng của nhà thơ được biểu đạt rất rõ trong lối đặt tiêu đề này. Với mục đích đi đến bản chất của thiền nhưng tiêu để lại là cái mà nhà thơ cảm thấy sau khi đã thực hành thiền một cách sâu sắc. Điều này cũng cho thấy, nhà thơ đã trở nên tự do thực sự sau khi trải qua những thực hành sáng tạo. Tự do chính là nấc thang quan trọng để ghi dấu ấn một thi sĩ đích thực.
3. Từ tiêu đề, Trần Lê Khánh muốn đơn giản mọi thứ
Có những nhà thơ đặt tiêu đề khiến người đọc phải “dằn vặt” mình để hiểu ý nghĩa của nó là gì, mang ẩn ý ra sao. Có những nhà thơ đặt tên bài thơ cũng rất dài, để cốt biểu đạt điều muốn nói. Có những nhà thơ, coi tiêu đề bài thơ như là chìa khoá, như là sự quy nạp, bởi họ sẽ đặt tên bài thơ sau khi bài thơ đã nên hình hài.
Ở Trần Lê Khánh, có lẽ, anh nghĩ tiêu đề trước, bởi từ tên tiêu đề, anh sẽ triển khai ra nội dung tiếp theo. Có thể anh muốn tiêu đề như cái móng nhà, từ đó đặt thêm những viên gạch, để xây nên ngôi nhà thơ. Chẳng cần phải để ý kỹ, ta nhận ra ngay, tiêu đề bài thơ của Trần Lê Khánh rất ngắn, một từ, hai từ, ba từ…
Việc đặt tên tiêu đề ngắn, biểu hiện cho người viết muốn tinh giản hơn trong thơ nhưng việc này cũng đồng nghĩa với việc sự tinh giản ấy phải nói được nhiều hơn, gợi đến sự lớn lao hơn. Đây là trạng thái viết của người đã đạt được sự thượng thừa. Anh cho thấy sự một cách nhìn giản dị về thiên nhiên, con người, và những gì thuộc về con người cũng hoá tự nhiên. Nhưng như đã nói ở trên, cái đơn giản ở anh là cái đơn giản của người đã trải qua thực hành, trải nghiệm, chiêm nghiệm; đó là cái đơn giản chỉ có ở người có trí tuệ và rất thi sĩ.
Các tiêu đề minh chứng cho sự tinh giản đến mức có thể trong thơ Trần Lê Khánh như: mẹ; thơ; mai; hằng; bồi hồi; bỡ ngỡ; lười… Có lẽ ở điều này, Trần Lê Khánh đã gặp lại suy tư của những nhà thơ thiền. Dùng hình ảnh để nói nhiều điều, chứ không phải nói nhiều điều về một hình ảnh. Tiêu đề như vậy vừa tạo sức gợi, lại vừa tạo sự nhớ dễ dàng cho người đọc. Dù tiêu đề chỉ có một từ, nhưng nó vẫn là chất kết dính, là điểm tựa cho toàn bộ bài thơ. Nhiều khi, tiêu đề bài thơ lại là nhận xét về bài thơ:
thơ
gió lạnh quá
lời thì thầm
trốn trong tai em
lâu hơn một chút
Đã có biết bao nhiêu định nghĩa về thơ từ cổ đến kim. Định nghĩa nào cũng có vẻ đúng nhưng dường như ít có định nghĩa nào thực sự thấu đáo và khó có định nghĩa nào làm hài lòng nhân loại. Bởi thơ vốn là thứ thuộc về cảm nhận, mà mỗi người mỗi một cảm nhận bởi vậy nên mới có muôn hình vạn trạng định nghĩa về thơ. Khi đọc bài thơ trên ta hiểu ra, thơ vốn rất gần gũi. Nhà thơ đã đưa một phạm trù vốn được gọi tên bằng những định nghĩa rất cao siêu trở nên giản dị hơn, thấm thía hơn, dễ hiểu hơn và có thể chạm đến được tất cả chúng ta. Và nếu như tiêu đề bài thơ này không phải là thơ thì chắc chắn giá trị của bài thơ cũng đã khác đi rất nhiều.
4. Tiêu đề là nơi tư tưởng được khải thị
Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh là một nét mới, nét riêng, điều này giúp người đọc tránh sự nhàm chán. Có thể do sự chắt lọc ngôn ngữ, bài thơ không quá dài, nên không gian mỗi bài thơ đều khác đi. Chúng ta bước vào đó, thấy mình cũng khác đi. Tâm trạng thay đổi theo hướng tính cực.
Chúng ta bước vào không-gian-thơ Trần Lê Khánh như cảm nhận được sự lâng lâng của luồng gió mát thổi qua. Ta bắt gặp những hình ảnh cũ, được sắp đặt ở một cấu trúc mới, ta thấy lạ lẫm, nhưng rồi cũng thân quen. Trần Lê Khánh có thể suy tư rất nhiều khi đặt một tiêu đề. Bởi từ tiêu đề ngắn đó, mà anh triển khai ra được các nhánh của một bài thơ.
Tiêu đề trong thơ Trần Lê Khánh là nơi để tư tưởng nhà thơ được khải thị. Qua đó anh nói lên điều huyền bí, bí mật chưa bao giờ được ai nói ra. Bởi rằng, điều huyền bí, bí mật đó, được soi chiếu qua trí tưởng tượng của Trần Lê Khánh. Và giờ đây, anh kể cho độc giả nghe. Khải thị thường được dùng trong Kinh Thánh. Như đã nói, khải thị chỉ ra những bí mật, huyền bí. Ta mượn hai từ này để nói về sự sáng tạo thi ca và lối thơ của Trần Lê Khánh – đặc biệt là trong cách đặt tiêu đề thơ, nơi dấu ấn tư tưởng của anh được thể hiện rất rõ – anh đã vén tấm màn cho chúng ta thấy những điều bí mật bên trong của vũ trụ và nhân loại. Có thể anh đã nghĩ rất lâu, nhưng cũng có thể tên bài thơ thoáng qua và nằm gọn trong dòng suy nghĩ, thi nhân bắt lấy và vẽ ra muôn màu thế giới mới lạ. Nhưng dù thế giới có khác biệt đến đâu, thì khi con người xuất hiện trong đó, đều mang từ bi, đức hạnh. Qua những bài thơ người đọc sẽ tìm thấy điều gì đó hữu ích, giá trị cho tâm hồn, cho cách nhìn hiện thực và vũ trụ bao la.
Cũng từ tiêu đề bài thơ, Trần Lê Khánh hướng con người đi tìm trung đạo, như Đức Phật xưa kia cũng đi tìm vậy.
trung đạo
thì quá khứ thì tương lai
đời như quả lắc miệt mài hai bên
miệt mài quả lắc đi tìm
tìm xem bản ngã trái tim bên nào
Từ chữ trung đạo, Trần Lê Khánh đã hình tượng cuộc đời con người luôn vướng chấp vào cái đã qua, tức quá khứ, và hi vọng vào tương lai, cái mơ hồ. Nhưng thực tại là cái mà chúng ta muốn thì chúng ta lại không tìm thấy. Trung đạo cũng có thể là trái tim. Kể cả người viết ra những câu thơ trên, có lẽ cũng đang đi tìm trung đạo. Trung đạo của riêng thi nhân.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có lẽ là vị thiền sư nói nhiều nhất về cái thực tại. Thiền sư cho rằng, ngay lúc này, tại đây, con người hãy biết cảm nhận về bản thân, về sự sống. Hiện tại đó là tịnh độ, là niết bàn. Chứ không phải mường tượng về một tương lai chưa thể nắm bắt được. Càng không thể đau khổ, hay hoài niệm những cái đã qua. Hãy đếm từng hơi thở, bước chân, bạn sẽ cảm thấy mình đang sống, đang là vẻ đẹp của thế gian này.
Trần Lê Khánh đang thực hành được điều mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói đến. Anh biết cái thực tại quan trọng đến thế nào. Nó là trái tim. Nhưng anh muốn tìm cái bản ngã, cái chân thật ấy ra sao. Trần Lê Khánh không vội vàng sống gấp gáp như Xuân Diệu, anh lặng lẽ thâm trầm đếm thời gian để minh định mọi thứ. Đó là một cách sống. Một chọn lựa sống. Một lối sống thiền.
Khải thị là hai từ quan trọng trong Kinh Thánh, nó thường được nhắc đến để nói về sự hiện diện của Chúa Trời. Như trong Sáng Thế ký, Gia-cốp từng nói: “Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu”. Đó được coi là sự khải thị của Đức Chúa Trời. Ở trong thơ, Trần Lê Khánh là người tạo ra những tư tưởng, làm chủ tư tưởng trong mỗi bài thơ. Tư tưởng ấy, trước hết, khi hiện diện trong mỗi bài thơ đều bắt đầu từ những tiêu đề. Nó như là cánh cửa mở ra, hoặc là ngọn hải đăng trên biển, là hoa tiêu để cho dẫu chúng ta có lạc bước thì vẫn biết quay về với bản chất mà thi nhân hướng đến.
đồng sàng dị mộng
hình gì đẹp nhất, hình dung
hỏi người trong mộng có cùng giấc mơ
Con người ta cứ luôn đi hỏi nhau, mà ít tìm ra ý nghĩa của nhau. Trần Lê Khánh vẽ ra chân dung con người “dị mộng”, suy tư không có đích đến, bất tận. Ở hầu hết các tập thơ của Trần Lê Khánh, như Xứ – Rung một ngọn mây, Ngày như chiếc lá, Giọt nắng tràn ly… ta đều thấy anh luôn như vậy, đi vào sự vô cùng, vô tận của thế giới nhưng vẫn dùng tiêu đề làm điểm tựa, điểm tựa đó là tư tưởng của nhà thơ.
Hiếm có một nhà thơ nào lại cất công đưa mình vào những suy tư như Trần Lê Khánh. Anh có lẽ là “một mình một ngựa” đi tìm một thứ thơ mới lạ, mà chính anh đang đi đến. Anh khước từ mọi lối nghĩ mà các nhà thơ đi trước đã làm. Thơ Trần Lê Khánh không thuộc tuýp thơ theo chủ đề, chủ điểm, theo phong trào, hay miêu tả vào một thứ gì đó cố định, mà thơ anh uyển chuyển, uyên áo, hướng thượng. Ta có thể đặt bài thơ của anh vào bất cứ thời gian nào, nơi nào, bối cảnh nào thì nó đều mang đến vẻ đẹp riêng, không cũ, không màu mè mà vẫn lay động, thấm thía người được đọc.
Trong nỗ lực tìm kiếm, cách tân thi ca, Trần Lê Khánh đã có những đóng góp đáng nể về thi pháp, về cách nghĩ, cách bày biện không gian một bài thơ. Từ đó, tư tưởng của Trần Lê Khánh ánh lên, người đọc có thể cảm nhận được, và giữ lấy. Tiêu đề thơ Trần Lê Khánh chỉ là một góc nhìn, một cách tiếp cận trong nhiều cách nhìn khác để hiểu được tư tưởng thơ của nhà thơ. Để hiểu thơ anh một cách toàn diện hơn cần thêm nhiều nghiên cứu, nhiều cách tiếp cận khác.
1/1/2024
Vũ Hà
Nguồn: NXB Hội Nhà văn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...