Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Nhớ ngày tiễn người về miền mây xanh

Nhớ ngày tiễn người
về miền mây xanh

Đại tướng là mẫu người mà như cách nói của Fidel Castro là “không nên chết”, như câu thơ của Tố Hữu “… cái chết hóa thành bất tử!”. Cái chết gieo mầm cho sự sống! Ngày ấy, 13 tháng 10 năm 2013, đã rảnh hoàn toàn việc nước, ông về quê trên chuyến chuyên cơ. Đất và nước Hoành sơn, vũng Chùa đảo Yến đón ông về. Người Quảng Bình bày hương án, cúi mình chắp tay rước ông về. Người miền Trung kéo đoàn ngợp đường đón ông về. Người cả nước hướng về vũng Chùa đảo Yến vọng ông về. Ngày ông về với đất mẹ là một ngày mùa thu thật đẹp trời. 
Cũng một ngày cuối xuân đầu hè cuối thập niên năm mươi thế kỷ trước, khi giai điệu ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” vang lên hào sảng trong không gian, Đại tướng về quê, làng An Xá, bên kia sông. Người cả huyện kéo về chào đón. Không gì cưỡng nổi lũ trẻ con chúng tôi đang tắm, vượt sông, ào ạt chạy theo chiếc xe đang trôi chầm chậm trên đường làng. Giữa ánh nắng hè chói chang, trong bao nhiêu là hỗn độn chen chúc, tôi nghẹn ngào bỗng thấy một vị tướng đứng trên xe mui trần, cánh tay gập, bàn tay năm ngón khép kín duỗi thẳng trên vành mũ kê pi. Chỉ bấy nhiêu thôi. Bao nhiêu ngày hè, bao nhiêu mùa hè sau đó, về bến sông tắm, thỉnh thoảng bọn trẻ vẫn hỏi nhau: – Khi mô ôông Giáp về nữa hè?
“ Quảng Bình là nhà tôi…” Đã hơn ba mươi năm, câu nói của vị tướng già đồng hương vào một chiều cuối xuân năm 1992 trên đỉnh Hoành Sơn cứ mãi vang vọng trong lòng tôi, như một câu dân ca, như một lời hẹn, giản dị vô cùng mà thấm đẫm nghĩa tình…
Ly hương từ năm 14 tuổi, đi về phía nam, vào kinh đô. Gần bảy mươi năm sau, người về từ phương bắc, cũng phía kinh đô, về nhà, vẫn một giọng nói ấy dù có già đi qua năm tháng:
“Thiếu tiểu li gia đại lão hồi
Hương âm bất cải mấn mao tồi”
(Xa quê từ rất nhỏ, rất già mới trở về, vẫn nói giọng quê hương)
Quê hương luôn trong giọng nói, trong trái tim, luôn đau đáu một ngày về. Từ buổi chiều ấy, buổi chiều trên đỉnh Hoành Sơn, khi Đại tướng nghỉ hưu, chính thức về thăm quê rồi tạm biệt quê hương để trở ra thủ đô, gửi lại một lời hẹn “Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà” , suốt hơn hai mươi năm, lâu lâu người Quảng Bình lại ngóng ra phía Bắc mà hỏi nhau rằng : “- Khi mô bác Giáp lại về?”
Với tôi, câu hỏi ấy có từ thời thơ ấu.
Cũng một ngày cuối xuân đầu hè cuối thập niên năm mươi thế kỷ trước, khi giai điệu ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” vang lên hào sảng trong không gian, Đại tướng về quê, làng An Xá, bên kia sông. Người cả huyện kéo về chào đón. Không gì cưỡng nổi lũ trẻ con chúng tôi đang tắm, vượt sông, ào ạt chạy theo chiếc xe đang trôi chầm chậm trên đường làng. Giữa ánh nắng hè chói chang, trong bao nhiêu là hỗn độn chen chúc, tôi nghẹn ngào bỗng thấy một vị tướng đứng trên xe mui trần, cánh tay gập, bàn tay năm ngón khép kín duỗi thẳng trên vành mũ kê pi. Chỉ bấy nhiêu thôi. Bao nhiêu ngày hè, bao nhiêu mùa hè sau đó, về bến sông tắm, thỉnh thoảng bọn trẻ vẫn hỏi nhau: – Khi mô ôông Giáp về nữa hè?
Rồi, tôi rời bến nước đi học xa. Từ nơi xa ấy, tôi nhập ngũ, làm một người lính Binh nhì của Đại tướng Tổng tư lệnh. Mỗi lần giơ tay chào theo quân lệnh, bất giác tôi luôn gập cánh tay nghiêm cẩn, năm ngón tay khép chặt trên vành mũ và nhớ giây phút được đón ông về quê.
Năm tháng cứ chầm chậm trôi qua. Biết rằng đời người là hữu hạn, không ai sống mãi trên đời. Vừa kịp mừng thọ một trăm tuổi cùng với niềm hân hoan trong lễ hội bơi thuyền thuyền thống ở quê hương, cả hai đội tuyển bơi đua nam nữ làng An Xá quê hương đều giành giải nhất, thì được tin ông nhập viện, hôn mê.
Và điều gì phải đến đã đến. Bảy giờ tối, cả nước giật mình bàng hoàng khi phát thanh viên lên hình mặc áo tang: Bác Giáp đi rồi! Trong cơn bàng hoàng thảng thốt hầu như chưa ai kịp nghĩ phải làm gì thì một nhóm sinh viên, chính là tuổi trẻ trí thức tương lai, đã tự phát đến cổng 30 Hoàng Diệu thắp lên những ngọn nến buồn thương, ngưỡng mộ, đưa tiễn. Rồi, cả Hà Nội đến xếp hàng rồng rắn chờ giây phút được vào kính viếng, cả nước hướng về thủ đô cùng một niềm thương tiếc một vị tướng huyền thoại, vị tướng của hòa bình, vị tướng của nhân dân vừa ra đi.
“Văn lo việc nước Văn thành Võ
Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn”.
Đại tướng là mẫu người mà như cách nói của Phi đen Castro là “không nên chết”, như câu thơ của Tố Hữu “… cái chết hóa thành bất tử!”. Cái chết gieo mầm cho sự sống! Ngày ấy, 13 tháng 10 năm 2013, đã rảnh hoàn toàn việc nước, ông về quê trên chuyến chuyên cơ. Đất và nước Hoành sơn, vũng Chùa đảo Yến đón ông về. Người Quảng Bình bày hương án, cúi mình chắp tay rước ông về. Người miền Trung kéo đoàn ngợp đường đón ông về. Người cả nước hướng về vũng Chùa đảo Yến vọng ông về. Ngày ông về với đất mẹ là một ngày mùa thu thật đẹp trời. Sau mấy ngày mưa dầm sùi sụt, buổi sáng chuyên cơ cất cánh rời thủ đô hướng về miền Trung, trời bất ngờ tạnh ráo, nắng chan hòa mà dịu mát. Biển người tràn về vùng đất Nam Hoành Sơn. Nhiều người may mắn được tiếp cận lễ mai táng kể rằng, phút giây hạ huyệt, từ mặt nước Vũng Chùa có một luồng ánh sáng bảy sắc vụt lên trời. Không tờ báo nào đưa tin chi tiết đó và cũng không nhà chép sử nào lưu tâm, nhưng đó là linh khí trời đất, là lòng dân ngưỡng mộ và chắc chắn sẽ còn truyền khẩu trong dân gian…
Quê tôi, những lão trượng đức cao vọng trọng đắc thọ trên trăm tuổi, khi mất thường được kính cẩn gọi là “Ngài HÓA”. Nghe tin ngài Đại tướng HÓA, dù đã tiên liệu trước, nhưng cả gia đình tôi vẫn bàng hoàng. Biết rằng, tôi đặc biệt yêu kính ông cụ và cũng được ông cụ thương, nên những ngày đó, cả nhà lặng lẽ, ít lời hơn mọi ngày. Các cháu hăng hái đi phóng to bức ảnh tôi được vinh dự chụp chung với ông cụ ở 30 Hoàng Diệu. Bỗng, phóng viên Thông Tấn xã đến xin ghi hình phỏng vấn và đề nghị tôi ôm bức ảnh khi trả lời, thì, không cầm lòng được tôi khóc òa như một đứa trẻ. Sau này, bình tâm lại, tôi hiểu rằng, không phải chỉ với riêng tôi, mà sự ra đi của Đại tướng đã để lại trong cõi lòng, trong trái tim mỗi người một sự trống vắng không bù đắp được. Một giá trị lớn có thể sánh như một di sản về nhân cách, văn hóa đã ra đi. Sợi dây kết nối với giá trị thời đại vốn mong manh trong những tháng ngày Đại tướng hôn mê sâu, nay đã đứt.
Người về ven mái Hoành Sơn! Gần một nghìn năm trước, vó ngựa và chiến thuyền của thái úy Lý Thường Kiệt vượt Hoành Sơn mở đất mở biển về phương nam, thì hôm nay anh linh Đại tướng về trấn giữ yên lành thiên thu cho đất và biển.
“Cuộc trường chinh ngừng nghỉ giữa lưng đèo”.
Vậy mà đã mười năm!
Từ lâu rồi, trong dân gian truyền tụng tín ngưỡng rằng, trên bầu trời ngày bình yên thì đầy mây trắng, đêm bình yên thì trời đầy trăng sao, trước cơn mưa gió thì đầy mây đen vần vũ. Nhưng ở một góc trời, ngày hay đêm mưa hay nắng, luôn có một vùng mây xanh, chính là nơi lưu lại linh hồn các bậc tuấn kiệt, các vị phúc thần. Từ nơi đó, như ánh mặt trời có thể xuyên thấu, như ánh trăng đêm có thể rải khắp, phù hộ độ trì cho quê hương, cho tổ quốc mình luôn được bình yên…
Vậy chăng!.
26/12/2023
Nguyễn Thế Tường
Nguồn: Tạp chí Nhật Lệ số 10.2023
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được...