Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Nỗi buồn Nga - Tiểu luận của Nguyễn Thị Lan

Nỗi buồn Nga - Tiểu luận
của Nguyễn Thị Lan

Tâm hồn Nga thật đẹp. Giữa bao nét đẹp, nét quý của tâm hồn Nga, một ấn tượng sâu đậm của những ai yêu nước Nga, văn hóa Nga, con người Nga là “nỗi buồn Nga”- nỗi buồn của một tâm hồn nhân hậu, nhạy cảm, tinh tế. Nhà thơ Phạm tiến Duật có lần đã nói: Nỗi buồn Nga thực đáng gọi là thày…
1. Người ta thường nói đến sự thiếu hụt tính cách nam, tâm hồn đầy nữ tính của người Nga trong con mắt của nhân gian. Đó là bản sắc của người Nga không trộn lẫn. “Tính nữ” trước hết bộc lộ trong “nỗi buồn Nga”, đó là đặc trưng của tâm hồn Nga và vì thế là đặc trưng của văn học, nghệ thuật Nga, trước hết là trong văn chương- một trong những thứ đặc sản làm nên hồn cốt nước Nga.
Nếu “Thơ gần nước mắt hơn gần nụ cười” thì “nỗi buồn Nga” có nhiều trong thơ của các thi sĩ, bắt đầu từ thơ Pushkin (1799- 1837) “mặt trời của thi ca Nga”. Trong bài thơ “Trên đồi Grudia” (1829) thi sĩ viết: “Tôi vừa buồn vừa thanh thản/ Nỗi buồn của tôi sáng trong”. Đặc điểm lớn trong thơ trữ tình của Pushkin là nỗi buồn. Ông có không ít bài thơ  nói về nỗi buồn.
Nỗi buồn trong sáng ấy xuất hiện nhiều trong những thời kỳ nhà thơ bị lưu đày, đặc biệt lần thứ hai ở phương Bắc. Đó là những nỗi khắc khoải, u hoài của một tâm hồn cô đơn, của thân phận cá nhân, hoàn cảnh đất nước bị mất tự do. Trong bài thơ “Buổi tối mùa đông” (1825), người thơ đã “nói” với bà vú già thân thiết: “Hỡi bạn lòng tri kỷ/ Những ngày thơ cơ hàn/ Rượu đâu? Ta nâng cốc/ Rượu vào nỗi buồn tan”. Trên “Con đường mùa đông” (1826), người đi đày đã phải thốt lên: “Ôi buồn đau, ôi cô lẻ”, “sầu lắm”. Nỗi buồn ấy: “rải ánh vàng lai láng”, “giăng xa” trên con đường mùa đông lạnh giá của nước Nga, đã để lại trong lòng người đọc những dư âm sầu muộn.
Nỗi buồn ấy còn xuất hiện trong rất nhiều bài thơ tình của Pushkin. Thi sĩ yêu nhiều, vì vậy thơ ông không thiếu những cảm giác buồn đau, thất vọng…của những mối tình dang dở, tan vỡ. Tuy những mối tình vô vọng ấy thấm đượm nỗi buồn nhưng đây là những nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu thương chân thành, trong sáng, nhân hậu, vị tha.
Trong bài “Tôi yêu em” (1829) có nỗi buồn của một tình yêu đơn phương:
“Tôi yêu em âm thầm không hy vọng/ Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”
Trong bài “Hết rồi tình đã vỡ tan” (1824) ta đọc được nỗi buồn sâu kín và cả  thất vọng khi anh nói với người bạn gái đã chia tay
“Hết rồi tình đã vỡ tan/ Anh ôm lần chót đôi bàn chân em”
Vết thương lòng trong anh khó lành dù thời gian qua đi:
“Chuyện tàn, có thể anh quên/ Tình yêu không thể đáp đền cho anh!”
Buồn biết bao, nhưng ở bài “Một chút tên tôi đối với nàng” (1830), chia tay rồi mà không hề oán trách giận hờn, chỉ còn lại trong người tình chung thủy ấy một trái tim yêu:
“Nhưng nếu gặp ngày buồn rầu đau đớn/ Em thì thầm hãy gọi tên lên/ Và hãy tin còn đây một kỷ niệm/ Em vẫn còn sống giữa một trái tim”
Thật nhân hậu. Với Puskin, nếu tình yêu đã đem đến những nỗi buồn thì đó là nỗi buồn trong sáng, nâng đỡ tâm hồn; còn lại trong anh là những kỷ niệm tốt lành:“Cả tiên thần cả nguồn cảm xúc/ Cả đời, cả lệ, cả tình yêu”
Nhà văn Dostoevsky (1821 – 1881), người được coi là “con người Nga và nhà văn Nga đến tận cùng sâu thẳm”; qua ông có thể giải đoán được tâm hồn Nga, bản tính Nga, tinh thần Nga. Kiệt tác “Những đêm trắng” của ông được coi là “bài ca” về nỗi khổ đau của con người. Truyện kể về một chàng viên chức xoàng mơ mộng, nhân hậu. Gặp gỡ tình cờ một cô gái, bốn đêm trò chuyện để rồi cô gái đi lấy chồng, nhân vật “tôi” như thấy “ngôi sao băng đã vút qua bầu trời”. Sáng hôm sau, anh lại tiếp tục cuộc đời cũ nhưng ảm đạm và rầu rĩ biết bao nhiêu. Cảnh vật trước mắt cũng buồn như anh: “ngôi nhà đối diện cũng trở nên lụ khụ và sầm tối lại..”, “tia sáng mặt trời đột nhiên ló ra từ sau đám mây đen lại lẩn ngay vào đám mây mang theo mưa và tất cả lại mờ tối đi”; và trước mắt anh vụt hiện ra tất cả viễn cảnh sau này của mình, mười lăm năm sau anh “vẫn trong căn buồng này, vẫn cô độc như thế”. Với anh: “Thế là hết! Hết tất cả”. Người mơ mộng ôm mối tình si đầy tiếc nuối. Cái kết của câu chuyện đượm buồn- một nỗi buồn mênh mang.
Nhưng tác phẩm không dừng lại ở đó. Kết thúc tác phẩm ta thấy bất ngờ sửng sốt trước tâm hồn cao quý của anh. Ta rung động với chất thơ tình cảm trong mộng ước của amh. Cảm xúc của anh trong sáng biết bao, tình người ở anh ấm áp biết bao: “Nhưng tôi đâu có mang lòng oán hận , Naxtenka ơi (…)Mong sao bầu trời của em sáng trong, mong sao nụ cười của em tươi tắn và thanh thản. Cầu trời ban phước cho em vì một phút hoan lạc mà em đã ban cho một trái tim khác, trái tim cô đơn và biết ơn. Trời ơi! Cả một phút hoan lạc! Như thế đâu phải là ít, dù là cho cả một đời người đi nữa?”…
Sergei Esenine (1895-1925) – “Ông hoàng của thi ca Nga”, nhà thơ của nỗi buồn Nga. I. Erenburg nhận xét: “Cái làm nên sức sống lâu bền vĩnh cửu của thơ Sergei Esenine chính là một nỗi buồn sâu lắng, dịu dàng”.  Ở Sergei Esenine, tình yêu quê hương thấm nhuần toàn bộ sáng tác của nhà thơ, nó trở đi trở lại như một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Âm hưởng chủ đạo trong những bài thơ da diết của thi sĩ là “nỗi buồn vô tận của ruộng đồng” (M. Gorki) và tình yêu thương với vùng quê nghèo: “dải đất đầy cay đắng”. Đã bao lần thi sĩ phải buồn bã thốt lên:
“Ôi quê ta heo hút/ Ôi quê ta bãi hoang”/ “Ôi vùng đất mưa dầm thời tiết xấu”
Cái vùng đất ấy đã khiến nhà thơ: “…yêu đến sướng vui và đau khổ/ Nỗi sầu thương, hồ nước trải mênh mang”.
Với tâm hồn cực kỳ nhạy cảm và đa cảm, Ê-xê-nhin luôn quan tâm đến tất cả  những gì liên quan đến con người và muôn vật, tới tất cả những điều mà người khác dễ dàng bàng quan, thờ ơ nhất: ánh trăng ngân, hàng cây bạch dương, tiếng thở dài của cánh rừng cuối thu, những giọt nước mắt của con chó mẹ, nỗi tuyệt vọng của một con ngựa đói…Nỗi buồn trong thơ  Ê-xê-nhin thật sâu lắng, dịu dàng, chân chất, nhân hậu- nỗi buồn Nga.
Và tình yêu tuổi trẻ nhiều đắm say và cũng lắm đắng cay ta gặp trong thơ Olga Berggoltz (1910-1975) – nữ nhà văn, nhà thơ Xô viết nổi tiếng với những sáng tác trong thời kỳ Lê nin grat bị bao vây. Olga Berggoltz được biết đến nhờ những tuyệt phẩm thơ tình: Không đề, Mùa lá rụng, Mùa hè rớt…Bài nào cũng có âm điệu chậm rãi, trầm buồn, như tiếng vọng từ sâu thẳm trái tim của nhân vật trữ tình em với những nỗi buồn chia ly, dang dở, mất mát:
“Em nhớ lại một chuyện ngày quá khứ/ Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ/ Ngôi sao cháy bùng trên sông Nê va/ Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà”– (Không đề)
Những dòng thơ viết về tình yêu dang dở ấy đã làm thổn thức trái tim bao người đọc.
Cũng viết về những mối tình dang dở ấy là bài thơ “Tôi hỏi cây tần bì” của tác giả Vladimir Kirshon (1902- 1938). Là nhà văn, nhà soạn kịch Xô viết nhưng cuối cùng tác phẩm nổi tiếng nhất và được yêu thích nhất của ông là bài thơ này. Thi phẩm nói về một chàng trai muốn tìm lại người yêu cũ của mình trong một nỗi thất vọng, nuối tiếc và sự hối hận muộn màng. Anh đến với những cảnh vật xưa cũ trong sự tìm kiếm vô vọng. Nơi đó có hàng phong trút lá vàng đỏ rực, những cơn mưa tầm tã vào mùa thu, hay bầu trời xanh ngút ngát không một gợn mây…nhưng người xưa không còn nữa:
“Tôi hỏi cây tần bì, người yêu tôi ở đâu/ Tần bì chỉ lắc đầu không đáp/ Tôi hỏi cây phong, người yêu tôi ở đâu/ Phong trút xuống lá mùa thu vàng rực”
Điệp từ “Tôi hỏi”lặp đi lặp lại suốt cả bài thơ như để nhấn mạnh sự tìm kiếm vô vọng, tâm trạng não nề ấy. Hòa vào nỗi niềm của chàng trai là phong cảnh vừa đẹp, vừa buồn, vừa dữ dội của nước Nga. Bài thơ thật buồn. Tiếng vọng của mối tình dang dở ấy đã để lại nỗi xót xa, làm thổn thức trái tim bao người đọc.
Rồi nỗi buồn chiến tranh và nỗi buồn thời hậu chiến, đó là nỗi buồn mất mát, nỗi buồn của rời xa mãi mãi. Nỗi buồn ấy được thể hiện một cách chân thực, cảm động trong truyện “Số phận con người” của Mikhail Sholokhov (1905- 1984)- nhà văn Liên xô nổi tiếng, được trao giải thưởng Nobel Văn học (1965). Số phận của hai nhân vật Shocolov, Vania trong tác phẩm là số phận của những con người bị chiến tranh tước đoạt tất cả những gì quý báu nhất: vợ con, nhà cửa, cha mẹ…Họ đều tứ cố vô thân và sống trong tuyệt vọng. Họ tồn tại sau chiến tranh như những con số không trống rỗng.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Lan – tác giả bài viết
2. Trong lĩnh vực âm nhạc Nga. Người ta nói: “Nốt nhạc chủ đạo trong âm nhạc Nga là nốt nhạc buồn nhưng đó là nỗi buồn thắng lợi”. Đúng vậy. Tchaicovky (1840-1893) là một nhạc sĩ Nga thiên tài với những tác phẩm bất hủ. Âm nhạc của ông đồng nghĩa với nước Nga về “nỗi buồn tê buốt” của nó. Ông là một trong những biểu tượng rực rỡ nhất của nước Nga, của tâm hồn Nga mang nặng “nữ tính”.
Rồi những bài hát của xứ sở Bạch Dương có giai điệu đẹp, trữ tình, sâu lắng, man mác buồn mang đến cho người nghe bao cảm xúc như: Chiều Moskva, Cây Bạch Dương, Chiều hải cảng, Triệu bông hồng, Kachiusa, Chiếc khăn xanh, Tôi hỏi cây tần bì… trong đó hành khúc Tạm biệt người con gái Slave đã đi vào huyền thoại, được coi là một trong những “biểu tượng âm nhạc” của nước Nga ngày nay. Giai điệu của bài hát gắn liền với hình ảnh chia tay của những người mẹ, người vợ, người yêu, người em gái… của các chiến sĩ Hồng quân ở sân ga. Nó đã được cất lên trong cuộc diễu binh lịch sử ngày 7.11.1941 trên quảng trường Đỏ, nơi người lính sẽ từ đây đi thẳng ra mặt trận để chiến đấu với kẻ thù. Lời hành khúc thật bi tráng, vừa sâu thẳm buồn vừa hào hùng:
“…Chào nhé! Quê nhà ơi/ Chào mẹ nhé ! Chúng con đi/ Từ biệt em! Ơi người yêu/ Xin tha thứ cho anh nói vĩnh biệt”/ “…Vì không chắc ai còn sẽ trở về”.
Bài hát mỗi khi được cất lên ở bất kỳ sân khấu, hội trường nào cũng làm nhiều khán giả người Nga hát theo và rơi nước mắt. Đặc biệt bài hát “Đàn sếu” do ca sĩ, nhạc sĩ Yan Fren Kel phổ nhạc bài thơ của nhà thơ nổi tiếng Rasul Gamzatov (1923- 2003) người dân tộc Avar, nước cộng hòa Daghestan thuộc Liên bang Nga, được xem là hay bậc nhất thế kỷ XX. Bài hát mở đầu bằng đoạn ca từ:
“Tôi cứ ngỡ biết bao người lính trẻ/ Từ chiến trường xưa đẫm máu không về/ Không phải họ nằm yên trong đất mẹ/ Mà hóa thành đàn sếu trắng giữa trời kia”
Âm điệu trầm buồn, ca từ da diết như một lời tưởng nhớ những người con của Tổ quốc đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng đất mẹ vì ngày chiến thắng. Hình tượng đàn sếu trong bài hát trở thành biểu tượng cho linh hồn những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941- 1945.
3. Trong lĩnh vực hội họa, nước Nga thế kỷ 19 có danh họa Lê vi tan (1860-1900) chuyên vẻ phong cảnh nông thôn hoặc thiên nhiên Nga. Những tuyệt tác như “Mùa thu vàng”, “Mùa xuân con nước”, “ Rừng bạch dương”, “Sự tĩnh lặng đời đời”… là những bức tranh phong cảnh mê hồn, quyến rũ. Levitan đã sáng tạo loại hình tranh “phong cảnh mang tâm trạng”. Ở đó, họa sĩ đã gửi gắm những mộng tưởng thầm lặng, những bâng khuâng vô định gần như sầu muộn mà mỗi lần xem tranh lòng ta quặn thắt vì vẻ “đẹp và buồn” của chúng. Những bức danh họa ấy lưu lại cho đời một vẻ đẹp và buồn xa vắng.
“Nỗi buồn Nga” là nỗi buồn- đẹp, trong veo, vang ngân mãi trong lòng người.
Mùa thu vàng – tranh của danh họa Levitan
4. Tâm hồn Nga đầy ắp nỗi buồn dịu dàng tha thiết, hết sức chân chất nhân hậu, phải chăng trước hết vì đất nước Nga mênh mông, hùng vĩ, tươi đẹp – một vẻ đẹp sâu lắng, mang nỗi buồn xa xăm bí ẩn; vì mùa Đông nước Nga dài ảm đạm với “tuyết trắng và rừng bao la”; vì mùa thu nước Nga vàng (nước Nga là thiên đường để ngắm lá thu); vì thiên nhiên Nga xanh; vì nước Nga đất rộng, người thưa?
“Nỗi buồn Nga” phải chăng còn xuất phát từ chính con người Nga với tâm hồn đa cảm, nhạy cảm, nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn; vì người Nga tốt? Văn hào Nga A. Tchekhov (1860- 1904) từng nói: “Những người tốt thường buồn”. Đó là nỗi buồn vì cái chưa hoàn hảo của cuộc đời, của con người, của bản thân mình;  nỗi buồn của những con người trung thực, vô tư, thanh cao. Chỉ biết rằng những “Nỗi buồn Nga” ấy đã vỗ về an ủi, nâng đỡ con người, làm trong lại hồn người. Nó giàu tính nhân văn cao cả. Nó làm nên những giá trị Nga, vẻ đẹp Nga. Vẻ đẹp ấy chắc chắn sẽ trường tồn bất chấp sự va đập của thế sự, sự trôi chảy của thời gian!.
14/12/2023
Nguyễn Thị Lan
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...