Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Truyện ngắn Nguyễn Duy Hiến: Sau cơn bão

Truyện ngắn Nguyễn
Duy Hiến: Sau cơn bão

Phục viên, tôi chọn tỉnh Bình Phước là quê hương thứ hai của mình để lập nghiệp làm kinh tế. Tháng 11 vẫn còn trong mùa mưa bão, bâng khuâng tôi nhớ tới kỷ niệm những ngày đóng quân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Cơn bão số 9 gió giật trên cấp 10, cấp 11 đổ bộ vào khu vực miền Trung. Tỉnh Thừa Thiên – Huế mưa tầm tã mấy ngày liền không ngớt. Hàng trăm hécta lúa chín rộ của hai xã Thủy Châu và Thủy Dương, huyện Hương Thủy bị chìm ngập trong mênh mông nước. Ban Giám hiệu Trường Hậu cần Quân khu 4 yêu cầu các cán bộ đại đội phụ trách lớp khẩn trương triển khai cho học viên đến hai xã lúa bị ngập úng cắt giúp dân. Đại đội lớp đào tạo lái xe máy, lớp cán bộ hậu cần, tài vụ, quân nhu, quản lý trừ cán bộ trực ban lớp, còn lại đều đổ ra đồng giúp dân thu hoạch lúa. Chúng tôi thuộc lớp quản lý được Thiếu úy, Đại đội trưởng Trần Nết và Thiếu úy, Chính trị viên Lâm Ban dẫn đi đầu.
Qua quốc lộ 1A, chúng tôi hành tiến xuống hướng biển chừng non cây số đã thấy mênh mông nước. Nước trắng băng xa tít chỉ còn thấy vệt tre xanh của xã Thủy Dương vùng đất thấp. Người dân đang đổ ra đồng cắt lúa. Người cắt, kẻ gom bỏ lên thuyền đẩy vào bờ đê đông nghịt. Chiến dịch cứu lúa ngập úng sau cơn bão số 9 vừa cấp bách vừa khẩn thiết. Các đơn vị đóng quân quanh Sân bay Phú Bài đều thực hiện nhiệm vụ giúp dân thu hoạch lúa là công việc trước mắt.
Mấy ông Đội trưởng “đón quân” đưa khẩu phần ăn cho cán bộ lớp, bộ đội mỗi người một gói xôi đậu được đùm kỹ trong lá chuối hơ héo. Tôi nhận lưỡi liềm từ một cô gái trẻ tuổi chừng 18, 19 rồi ào xuống ruộng. Sau tôi là Trung và số chiến sĩ cùng Tiểu đội. Nước ngập quá rốn không biết đâu là bờ thửa. Những chiếc thuyền nan chở lúa sũng nước được lính đẩy te te vào con đường cái rồi chuyển qua xe bò kéo vào các kho đội Hợp tác xã Nông nghiệp. Tôi chủ ý cắt lúa gần cô thôn nữ khuôn mặt trái xoan, nước da trắng. Đôi mắt đen láy của cô gái đôi lúc lại nhìn qua tôi cười duyên dáng. Trời ạ. Chỉ có vậy, mà tôi thấy lòng ấm áp.
Trời nắng nhạt. Gió thốc trên mặt nước bàng bạc, lấp sấp sóng. Những vầng mây màu tro lững lờ trôi qua mấy dãy núi tụ về hướng huyện Nam Đông. Tôi vừa cắt lúa vừa bắt chuyện làm quen với cô gái bên cạnh:
– Nhà em ở xã Thủy Châu hay xã Thủy Dương?
– Em ở xã Thủy Châu anh. Từ Trường Hậu cần Quân khu 4 qua đồi đất sỏi trống là đến thôn em.
Hỏi kỹ mới biết em tên là Cẩm Liên – Nguyễn Thị Cẩm Liên, con gái rượu của một Trung tá, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn tăng thiết giáp Quân khu 4, ông vừa được nghỉ chế độ trong năm. Nước ngang bụng nhưng tay em vẫn cắt lúa thoăn thoắt. Mớ lúa chín bông dài ngâm trong nước đã mấy ngày qua trở màu vàng úa đưa lên thuyền nước chảy ròng. Tôi chạnh lòng nhìn người em ướt sũng, hai tay trắng nhợt vục sâu xuống, nước chao dưới lồng ngực dáng thắt lưng ong. Chiếc áo bà ba đen em mặc được nối thêm hai khúc ống tay áo vải khác màu.
Chúng tôi đi cắt lúa giúp dân vẫn quân phục lính sao mũ nai nịt chỉnh tề, chẳng khác gì khi học tập và sinh hoạt ở đơn vị, ngoài đôi giày cao cổ phải tháo ra bỏ lại trên bờ. Lớp quản lý toàn lính “đực” đa số trai tơ chưa vợ nên đứa nào cũng tìm đến cắt và gom lúa gần chỗ mấy cô gái trẻ là chuyện thường tình. Tôi và Hạ sĩ Trung quê ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền cắt lúa gần hai cô gái. Riêng Trung nhận gom lúa và theo sát cô gái cao cao có nước da bánh mật. Tội cho Trung quá! Cậu ta đang bị hắc lào ăn loang ở bụng, nước vào trong áo rất ngứa và khó chịu. Trung ôm lúa bỏ lên thuyền, xong ngại ngùng đưa tay vào bụng gãi. Nhìn qua bạn, tôi thương cảm. Trung gồng mình chịu đựng với cái đám hắc lào đang hoành hành.
Tôi nói nhỏ với Trung: “Hay là cậu đổi lên bộ phận đưa lúa vào sân kho. Để việc gom lúa cho mình! Chứ ở đây làm sao cậu chịu nổi. Nghe tớ đi!”.
Rồi tôi nói dối với hai cô gái: “Trung ngâm nước nhiều nên bị đau bụng. Bộ phận tiêu hóa cậu ấy xấu lắm. Anh để Trung vào trong làm việc khác, hai em cắt lúa anh gom cho!”.
Hai em nhìn tôi cười chia sẻ. Cô gái “của tôi” cười ánh mắt rất tươi. Tôi nhận ra đôi mắt em đen láy dưới hai hàng lông mày cong lá liễu.
Trước đây, tôi cũng đã dính hắc lào và sém trở thành em rể của Hạ sĩ Trung. Chuyện là thế này, ở lớp quản lý, tôi và Trung trong đội bóng chuyền. Đứng vị trí nào hai đứa đều thuận tay và chơi tốt. Chúng tôi hiểu ý nhau trong cách nêu bóng, nhả bóng và đập bóng ở hàng lưới. Thiếu úy Lâm Ban và Thiếu úy Trần Nết đặt niềm tin vào tôi và Trung trong các giải bóng chuyền do nhà trường tổ chức, hay đấu giao hữu với các đội bóng chuyền xã. Hai đứa chơi thân nhau nên sau mỗi buổi thi đấu, luyện tập, áo quần lót thay ra bỏ chung thau ngâm xà phòng để giặt.
Tôi bị lây hắc lào từ Trung qua do ngâm chung áo quần. Ít ngày sau tôi phát hiện ở bụng và bẹn nổi lên mấy nốt ngứa màu hồng nhạt. Càng gãi mấy nốt ngứa càng lan ra nhiều như hình tròn nhỏ. Cực hình nhất là khi đang học, đang tập luyện quân sự dưới nắng nóng. Mồ hôi đổ ra người càng ngứa dữ, ngứa đến… nổi da gà. Y sĩ bệnh xá nhà trường gọi lên, đám lính trẻ được bôi cồn i-ốt, da nóng rát nhảy cò cò trông rất buồn cười. Thuốc nhà trường có mạnh vẫn không dứt điểm đám hắc lào cứng đầu. Ở phần dưới bụng tôi còn sót lại mấy nốt ngứa vòng tròn khuyết sâu. Cũng nhờ ba tôi là bác sĩ làm ở bệnh viện huyện đem về cho lọ cồn i-ốt nguyên chất đặc trị mới hết hắc lào.
Trung có em gái nhỏ hơn tôi 4 tuổi, xinh đẹp, nết na và hứa hẹn rằng nếu tôi thích, cậu ta sẽ giúp. Sáng chủ nhật, em gái Trung đi xe đò từ thị trấn Sịa vào thăm anh trai mình. Trung hồ hởi:
– Tối nay mày đừng đi đâu nhé. Dành thời gian tâm sự với em gái mình. Trái tim nó đang rất cần “Mạnh thường quân” như mày.
Tôi hỏi vặn:
– Sao vậy?
– Nó vừa bị thằng bồ đá. Tao thích mầy vừa đẹp trai lại ngâm thơ hay, biết vẽ vời báo tường cho lớp. Còn đánh bóng chuyền thì khỏi nói.
– Mầy bốc tao vừa thôi! – Tôi cười.
Nàng đứng chờ tôi ở cửa lớp. Dáng thanh mảnh trong bộ áo quần bà ba đen. Mái tóc chấm vai thoảng hương bồ kết. Ánh trăng 16 sáng cả vùng đồi, óng ánh trên những mái nhà tôn của trường.
– Anh Tuấn quê ở đâu mà nói tiếng nằng nặng?
– Anh quê ở Quảng Bình.
Nàng kể lại mối tình đầu với một thanh niên ở quê. Hai người hứa hẹn ngày cưới thì bất chợt chàng quay ngang quen một cô gái khác, sắp tổ chức lễ cưới. Nàng rầu rĩ mấy ngày chẳng thiết cơm nước. Gia đình gửi thư cầu cứu Trung khuyên bảo em gái. Chắc vì thế mà Trung định đưa tôi khỏa lấp vào khoảng trống tình yêu của em gái mình chăng? Thật tình Trung rất yêu quý tôi, khác phân đội, tiểu đội nhưng trong lớp tôi và Trung đi chơi đâu thường có nhau. Ở quê gia đình vào thăm có bánh trái, thức ăn là Trung chia phần với tôi.
Đêm đó tôi và em gái Trung ngồi ở góc đồi sỏi trước lớp. Tôi hỏi em về gia đình và tình hình làm ăn ở quê. Em trả lời miễn cưỡng, giọng buồn buồn. Chưa tới 9 giờ, tôi giục em về nghỉ vì đến giờ điểm danh.
Tờ mờ sớm, em lội bộ ra quốc lộ 1 để bắt xe về quê, chưa kịp từ giã mọi người. Tôi thấy hụt hẫng và có lỗi với em gái của Trung. Nàng giận tôi. Nhưng em ạ, kỷ luật quân đội nghiêm lắm. 9 giờ, không có mặt ở đơn vị là bị kiểm điểm và còn bêu trước hàng quân sáng thứ hai, sau giờ chào cờ. Tôi nghĩ, rồi Trung sẽ nói cho em gái mình hiểu. Ba tháng sau, tôi đón xe ra thị trấn Sịa thăm em, nhân tiện biết gia đình của Trung. Chiều hoàng hôn, lòng lâng lâng tôi nhẹ bước vào nhà và đập vào mắt mình là một cô gái đầu cạo trọc ngồi trên giường. Tôi nhìn không chớp mắt. Nàng đấy ư?
– Hắn đi vô thăm thằng Trung về thì rứa đó. Thương đứa nào? Yêu đứa nào cũng không thành. Mà con là bạn của thằng Trung à?
– Dạ. Chúng con cùng học lớp quản lý. Con ở bộ đội biên phòng, đơn vị cử đi học. Em bị thế có phải nhờ thầy thuốc xem chữa trị không cô?
– Nỏ được mô? Hắn thất tình. Chỉ có đứa nào thương yêu nó, cưới nó, thì khỏi.
Tôi thấy mình có lỗi với Trung, bởi Trung luôn đặt hy vọng về tôi cho em gái mình. Nhưng không ngờ sự thể lại chuyển sang một hướng khác.
Sau vụ cắt lúa giúp dân, hết khóa học, tôi được điều về làm quản lý ở Huyện đội Hương Điền. Trước khi về đơn vị mới, tôi tranh thủ tìm đến nhà Cẩm Liên. Căn nhà gỗ 3 gian giữa vườn cây ăn trái tươi tốt. Cẩm Liên đi chợ chưa về. Ông bố thay mặt con gái tiếp tôi ở phòng khách. Sau khi hỏi thăm tình hình gia đình, ông vui vẻ kể lại quãng đời làm lính Cụ Hồ của mình: “Chú nghỉ hưu phần do sức khỏe kém và gia đình không có ai. Má Cẩm Liên mất sau Tết Mậu Thân. Nhà chỉ còn mình nó…”. Ông còn bộc bạch lần đầu gặp tôi đã có nhiều nét mến. Ông bảo nếu tôi không mặc quần áo lính, chắc ông đã lầm tôi như một giáo viên hay một sinh viên của trường nào đó.
Cẩm Liên về, ông ra vườn để con gái tiếp khách. Em nói: “Ba em bảo anh ở lại ăn cơm với gia đình”. Tôi đồng ý vì trước khi ra đây đã xin phép Thủ trưởng đơn vị. Tối đó, tôi xin phép ông đưa Cẩm Liên ra phố Triệu Lương chơi, nhân thể để chia tay em về đơn vị mới. Chúng tôi đi chưa đến phố thì tạt qua cái đồi sỏi lác đác vài mái nhà chấp chới ánh đèn. Tôi và Cẩm Liên ngồi sát nhau. Mái tóc đen mướt thơm hương bồ kết của em thoảng qua tôi ngây ngất. Tôi vòng tay qua Cẩm Liên. Em không phản ứng mà còn ép sát vào tôi hơn. Chớm đông. Gió chuyển mùa lạnh gai người.
– Mình về thôi anh, ngồi đây lạnh lắm!
Tôi cầm tay em đứng dậy.
– Anh về ngoài nớ công tác lâu lâu vào thăm ba và em.
Tôi gật đầu và đặt lên môi Cẩm Liên một nụ hôn.
Năm tháng sau, tôi cuốc xe đạp vào Thủy Châu thăm gia đình em. Cổng nhà im ắng khóa cửa ngoài. Hai cánh cửa gỗ chính cũng khóa kín. Tôi lo lắng linh tính có chuyện gì đã xảy ra với bố con Cẩm Liên? Vừa dắt xe đạp quay ra thì một phụ nữ nhà bên vội vàng qua cho biết, Cẩm Liên bị tai nạn giao thông đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tôi bàng hoàng. vội vàng nói lời cảm ơn người phụ nữ rồi ngồi lên yên xe gò lưng đạp miết đến bệnh viện trước khi trời tối.
Bệnh viện rất đông, lớp bệnh nhân, lớp người nuôi bệnh, lớp bác sĩ và các nhân viên y tế qua lại trên hành lang tầng hai của khoa ngoại. Từ xa thoáng thấy người đàn ông mặc áo quần bộ đội bạc màu, hai tay đẩy chiếc xe lăn ngồi trên là một cô gái trẻ. Tôi đi nhanh bám theo rồi gọi: “Cẩm Liên!”. Người đàn ông dừng xe lăn, quay lại. Cẩm Liên nhận ra tôi, ngỡ ngàng… Tôi xúc động nói: “Bố để con đẩy cho…”.
Bố Cẩm Liên nhường xe lăn cho tôi đẩy. Ông lặng người không nói được gì. Dường như ông đã cảm nhận được tình cảm của người lính trẻ dành cho con gái mình. Cẩm Liên đã bị gẫy ống chân trái do tai nạn giao thông. Điều ông lo nhất liệu con mình có bị tàn phế ngồi xe lăn cả đời không?
– Sao anh biết em ở đây..?
– Anh nghe chị nhà bên cạnh nói. Mà làm sao em bị tai nạn này? Có nghiêm trọng lắm không? Anh xin phép Thủ trưởng nghỉ thứ bảy và chủ nhật để vào thăm bố con em. Công việc chuyên môn anh đã nhờ người khác.
– Em ra thăm đồng về vừa qua chợ Triệu Lương tạt vào xã mình thì bị chiếc xe ben chở đá quẹt trúng. May mắn em lật người ra kịp chỉ bị gãy chân trái, không thì…
Bố Cẩm Liên về phòng trước. Tôi đưa em vào thang máy xuống dưới cho bớt không khí ngột ngạt. Các bác sĩ đã phẩu thuật sắp xương lại, em bị rạn xương từ đầu gối trở xuống ống chân.
Tôi dặn em ngồi đó đợi rồi vào căn-tin mua mấy quả cam sành, mua thêm con dao nhỏ gọt tách cam ra cho em ăn. Đôi mắt đen láy của Cẩm Liên nhìn tôi không chớp. Hai giọt nước trong veo từ khóe mắt em lăn xuống đọng lại trên khuôn mặt trái xoan hơi xanh xao. Tôi lấy khăn mùi xoa mình thấm nước mắt em, an ủi:
– Thôi, đừng buồn mọi chuyện sẽ qua thôi em. Anh bên cạnh em mà. Đừng khóc! – Tôi luồn bàn tay qua mái tóc em đổ dài xuống lưng sửa cho gọn lại. Cẩm Liên nhìn tôi với ánh mắt thao thiết. Em không khóc mà nước mắt cứ tuôn rơi.
Rồi từ một chuyện hiểu nhầm từ phía tôi, cuộc tình tan vỡ. Khi tôi nhận ra thì đã muộn, vì đã có những lời xúc phạm em. Tôi vô cùng ân hận nhưng biết làm sao bây giờ.
Một năm sau, nhân chuyến công tác vào thành phố Huế, tôi tạt vào thăm em. Cửa cổng khóa và cửa nhà cũng khóa. Nghe tiếng chó sủa, vẫn là người phụ nữ nhà bên cạnh đi qua cho tôi hay bố Cẩm Liên đã đi an dưỡng ở thành phố Đà Lạt nửa tháng nay, Cẩm Liên thì ở quê chồng…
Nghe người phụ nữ nói, tôi đứng lặng như trời trồng. Lát sau tôi mới bình tĩnh hỏi chị về tình hình sức khỏe và cái chân của Cẩm Liên đi đứng thế nào. Chị lắc đầu, chừng như hiểu được câu chuyện và chia sẻ với tôi, chị nói:
– Mấy tháng điều trị ở Bệnh viện Đông y tỉnh, con bé hồi phục và đi lại bình thường, có điều chân trái nó hơi yếu. Rồi không hiểu buồn chuyện gì, nó nhắm mắt lấy một người mới quen. Gia đình chồng Cẩm Liên giàu lắm, ở dưới phố An Cựu. Hắn về làm dâu chỉ ngồi bán tạp hóa chứ không làm việc nặng.
Tôi quay về đơn vị lòng nặng trĩu nỗi buồn. Nhìn ra xa mênh mông cánh đồng lúa của hai xã Thủy Châu và Thủy Dương đang thì con gái. Cơn gió mồ côi từ cánh đồng lúa thổi vào hồn tôi mang theo kỷ niệm của những ngày cắt lúa giúp dân sau cơn bão. Tôi vẫn thầm mong gặp lại Cẩm Liên để biết cuộc sống của em như thế nào. Tôi không trách em mà chỉ canh cánh nỗi lòng vì chuyện em có chồng đến với tôi quá nhanh.
Tôi làm quản lý Huyện đội Hương Điền được hai năm thì cấp trên cho đi học Trường Quân chính Quân khu 4, vẫn ở Phú Bài. Ngày đó tôi đưa lớp đến làm vệ sinh các con đường nông thôn ở xã Thủy Châu qua kết nghĩa cùng Đoàn xã. Cả lớp đang nghỉ trưa dưới bóng mấy cây xoài ở vườn của dân, chợt tôi thấy người phụ nữ chạy xe đạp ngang qua trước mặt. Trên xe còn có một đứa bé khoảng ba, bốn tuổi. Ai như Cẩm Liên. Đúng là cô ấy rồi. Tôi chạy theo gọi to:
– Cẩm Liên! Cẩm Liên! Có phải em đó không?
Người phụ nữ dừng xe lại quay mặt ra sau nhận ra tôi thì cắm đầu đạp xe chạy miết. Tôi chạy theo kịp giữ em lại, thở hổn hển:
– Sao lại tránh mặt anh? Anh vẫn rất thương nhớ em và bố…!
– Anh ơi! Em còn gì nữa để anh nhớ anh thương. Giờ em đã là gái có con…
– Anh không quan tâm tới chuyện em có con hay đã có chồng. Anh chỉ muốn biết về cuộc sống của em có được hạnh phúc hay không?
Cẩm Liên ôm đứa bé khóc. Cô kể lại quãng thời gian về làm dâu nhà chồng thường bị gia đình đối xử tẻ nhạt. Người chồng sau buổi đi làm về thường ăn nhậu tới khuya bỏ mặc Cẩm Liên ở nhà trông ngóng.
– Anh ta có bồ và thường ở lại qua đêm… Hạnh phúc gia đình tan vỡ. Chịu đựng hết nổi, em chủ động làm đơn ly hôn. Anh ta ký liền. Ra Tòa án huyện, nguyện vọng em xin đưa con bé về nuôi.
Tôi kể lại hôm lên nhà thăm bố con Cẩm Liên nhưng không gặp. Về Huyện đội công tác thêm thời gian thì được trên quyết định cho đi học Trường Quân chính. Cũng may trường đóng gần xã em, nên mới có cơ duyên gặp lại. Tôi hỏi thăm sức khỏe bố Cẩm Liên và hẹn tối sẽ đến nhà chơi. Cẩm Liên nhận lời vui vẻ. Tôi ẳm con gái Cẩm Liên. Cháu nhìn tôi cười. “Con gái giống mẹ quá em hử? Sau này lớn lên xinh như mẹ, là hoa khôi của xã Thủy Châu đây nha!”. Cẩm Liên nhìn tôi mỉm cười, nhưng ánh mắt em vẫn buồn.
– Em đi chợ đây, tối anh đến nhà chơi nghe. Bố thường nhắc đến anh đó. Không biết chú ấy đã có vợ con gì chưa…?
Cẩm Liên đạp xe đi. Tôi đứng dõi theo đáy thắt lưng ong cho đến khi khuất lùm tre trước mặt.
11/12/2023
Nguyễn Duy Hiến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi mê 3000000

Cõi mê 3 Mười Sài Gòn, ngọc viễn đông, ngọc phương nam Ông Trọng vừa ăn xong bữa cơm tối một cách mệt mỏi. Ăn mà mệt, đó là bữa ăn của một...