Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Hồ Minh Thông - Tựa vào trăng, tựa vào hư vô tỉnh táo

Hồ Minh Thông - Tựa vào trăng,
tựa vào hư vô tỉnh táo

Tại sao không tựa vào núi, vào sông, vào rừng, vào bể, vào quá khứ, hiện tại, vào tương lai… hay đơn giản là tựa vào một bờ vai, một ánh mắt mà lại ngồi tựa vào trăng? Tôi băn khoăn tự hỏi và tìm kiếm câu trả lời khi đọc tác phẩm của Hồ Minh Thông, từ tập Đêm trở dạ cho đến Ngồi tựa vào trăng của chị.
Đêm trở dạ của Hồ Minh Thông có rất nhiều trăng và rất nhiều đêm. Đêm giày vò, đêm thao thức, đêm trở dạ, đêm hoang mang, đêm tuyệt vọng “tôi cầm tù đêm/ dù biết người đã thuộc về đêm khác”… Và sau cuối, trong tận cùng của đêm, chỉ còn có vầng trăng bầu bạn. Trò chuyện, đối thoại, giãi bày, thủ thỉ với trăng, nhưng rồi cuối cùng vẫn chỉ còn lại riêng mình độc thoại cùng cõi mênh mang, thẳm sâu của vũ trụ, của nhân thế. Bởi “Trăng vô tình lọt vào khung cửa vắng/Rồi bị cầm tù trong những bức tường câm” (Trăng), hay “Đêm qua nhặt một mảnh trăng/Đem về giấu kín trong chăn… với mình/Sáng ra ngồi đó, giật mình/Mảnh trăng ấy cũng dứt tình bỏ đi” (Nhặt). Trăng hiện hữu của khát khao mộng tưởng nhưng cũng lạnh lùng nhẫn tâm, trăng gần lắm mà cũng cách xa vời vợi, trăng nồng nàn mê đắm mà cũng vô tình lãng quên… Nhiều đêm, Hồ Minh Thông không chỉ đối diện với trăng, đồng thoại cùng trăng giữa cõi sống, mà còn chủ động tựa vào trăng!
Tôi bị ấn tượng bởi những câu thơ chất chứa những nỗi buồn đẹp đẽ của chị “Ngồi lại bên tôi một đóa sen hồng/em mang đến từ những buổi chiều không hình dạng/ …/ Ngồi lại bên tôi ao hồ tĩnh lặng/giọt sương rơi xao xác gót chân son” (Ngồi lại bên tôi). Nhưng rồi cũng bị cuốn vào những câu thơ thế sự, nhiều day dứt “khi những con cá ngậm dầu/nôn ọe dưới đáy đại dương/những con mực phun ra bể xô máu đen ngòm” (Những con thuyền phiền muộn), những mũi tên vô hình  đang lén bắn vào biển “Biển vẫn bị thương/đại dương đẫm máu (Vết thương xuyên đêm), đàn cò bị giết chết trên hành trình khát vọng của mình “Cánh đồng biến thành hình của những đám mây/ Rụng lả tả những giấc mơ mơ màu trắng” (Bi ca cánh cò) hay cánh rừng bị đốt cháy trong tiếng than khóc của người đàn bà mộng du tìm giọt sương sót lại mớm cho con: “Người đàn bà đi tìm kiếm giọt sương/mớm cho đứa con khát sữa/bầu vú thơm cháy rần rần như lửa/gương mặt vục vào khói ho sặc sụa” (Mộng du)…Tác giả  quyết liệt bóc từng lớp vỏ hiện thực của đời sống bằng bản năng thi sĩ “ném vào dòng sông đẫm trăng trước mặt/… ném ra cánh đồng/nơi ngày xưa mẹ tôi chôn nhúm rau ở đó” để cuối cùng “Tôi bóc thịt da tôi/bóng đêm trị vì đặc quánh/Sao người không làm tên lính/canh cánh cổng của đêm/nơi giam giữ tôi suốt cả một đời?”
Nói cho cùng, khi đặt bút viết một câu thơ, người thơ đã đặt bước chân đầu tiên trên hành trình tâm hồn đi tìm bản ngã của mình. Cái hành trình có khởi đầu và không bao giờ kết thúc ấy sẽ bồi đắp nên chân dung nhà thơ. Tôi đồ rằng, cho dù có nhiều câu thơ dịu dàng, tinh tế, nhưng trong nhiều bài thơ của Hồ Minh Thông, sự quyết liệt từ trách nhiệm công dân – thi sĩ trước hiện thực đời sống, trước thiên nhiên đang bị hủy hoại, trước biển đến “một ngày/con sóng bạc đầu bật khóc/sẽ rong ruổi đến tận khi nào/ đến tận bao giờ/ đến khi bờ biến mất hay khi cát không còn tồn tại nữa?” (Bụi sóng) đang làm nên một phần chân dung mới của thơ Hồ Minh Thông. Chân dung thơ ấy không chỉ là thế giới thăm thẳm cùng tận trong những riêng tư sâu kín mà còn là suy tư, thái độ, trách nhiệm của người nghệ sĩ trước cuộc đời, con người. Xúc cảm phập phồng, mãnh liệt ấy trong mảng cảm hứng này đã tạo nên những mới mẻ đặc biệt hấp dẫn của thơ của chị.
Trăng là hình tượng nghệ thuật gần như xuyên suốt trong nhiều bài, nhiều tập thơ của Hồ Minh Thông. Nhưng điểm nhấn không phải là trăng ấy mà là một người con gái cô đơn trò chuyện với trăng, tựa vào trăng. Trăng xuất hiện nhiều trong đông tây kim cổ thi ca, và Hồ Minh Thông cũng đã có được một vầng trăng rất riêng của mình. Trăng là mảnh gương, trăng là chiếc lá. Trăng xây xước dăn deo trên ngực người thiếu phụ… Viết về trăng, tác giả vẫn một thái độ nhất quán quyết liệt “Tôi treo ngược tôi giữa bóng trăng/Đêm qua ai khóc, bóng mây chăng/Ngón tay đau buốt cào trong gió/Chỉ chạm chút trăng vỡ bẽ bàng” (Bóng trăng)… và đến “hay gặp trăng rơi/cuối chân mây/chiều qua người nhặt/vài mảnh vỡ/trăng xao xác rụng/dưới chân cầu” (Gió bay về nơi ấy) thì câu thơ đã trở nên hiện đại hơn, mang cá tính sáng tạo của thi sĩ.
Hồ Minh Thông ngồi kể với trăng chuyện một lần say “nhìn đáy mắt người/thấy mây bay/đổ tình vào bể/theo tăm cá/vớt cả một đời/ sóng có hay” nhưng cuối cùng “đêm tàn/trăng cũng bỏ ta đi”… Tác giả hóa thân vào hình bóng của nàng Mỵ Châu thú tội với trăng, thú tội với tình “trước mắt xa thẳm mù khơi/trắng xóa một trời gió bụi/… mây trôi vặn dặm bẽ bàng…”. Cái xa thẳm ấy là cái vô biên của nỗi đau, cái miên viễn mịt mù của mất mát xa xót, tựa như “mây trôi sông vắng bẽ bàng/ để tang con đò chết đuối”. Cứ thẳng thắn thế đi để đối diện với nỗi đau, bởi vì chỉ có đối mặt ta mới vượt được qua nó. Và tôi chợt nhận ra, tựa vào trăng chính là cách lựa chọn tựa vào hư vô tỉnh táo, vào cái bất khả để được cưu mang, vỗ về, bày tỏ trên hành trình tìm bản ngã thi nhân. Và có lẽ nhờ vậy mà chị vẫn giữ được những câu thơ xuất thần thi sĩ “Có những chiếc xích đu chở đầy buổi sáng/… Xích đu vẫn ngỡ mình đang treo giữa dòng sông…” (Xích đu buổi sáng) và mang thi ảnh thật đẹp “Con cõng nắng trên cánh đồng rơm rạ/…Con gói nắng bay theo từng ngọn gió” (Bỗng gặp hoa bay).
Đọc thơ Hồ Minh Thông một cách hệ thống mới thấy khâm phục sự bền bỉ của chị trên hành trình mải miết đi tìm cái đẹp. Thơ Hồ Minh Thông có khi là những rung động tinh tế, ngọt ngào của đêm sâu, trong giấc mơ về cha mẹ, người thân và vùng đất miền Trung nhiều nắng gió, có khi lại sâu sắc, quyết liệt, dữ dội, ám ảnh hơn trong những suy tư về thế sự, về phận người; chữ ngày một kỹ hơn, cấu tứ lại càng thêm chặt chẽ. Chị đã có được trong hành trang nghệ thuật của mình những tập thơ dày dặn mang sức nặng thi ca – điều không phải ai cũng làm được trong cuộc sống nhiều chộn rộn này. Mong chị tiếp tục viết hay, tiến về phía trước trong sứ mệnh tâm hồn mà chị đã lựa chọn.
5/1/2024
Hữu Việt
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được...