Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Sa và đường tới cuộc hẹn với chính mình

Sa và đường tới
cuộc hẹn với chính mình

Khi Như Bình chia sẻ cho tôi về những nhận xét của nhà văn Ma Văn Kháng sau khi đọc xong “Rượu hoa mất trí” của chị, tôi càng tò mò để đọc kỹ truyện ngắn này. Và tôi đã bị chị chuốc cho đến say mèm với truyện ngắn “Rượu hoa mất trí” dự thi trên Báo Văn Nghệ số 48, ra ngày 2.12.2023 rồi, mà rượu chữ của chị vẫn vấn vít tôi không ra khỏi được cơn say. 
Thiên truyện đẹp về miền núi. “Rượu hoa mất trí” được xây dựng trên nền không gian núi rừng kì vĩ. Núi Fansipan chạm đỉnh trời và con sông Mường Hoa tuôn dài như áng tóc dày mềm nhưng nhức của Sa. Vẫn là một đề tài cũ muôn thuở: Chuyện tình và tình tay ba. Thế nhưng phải cao tay và giỏi về thủ pháp, Như Bình mới ung dung tự tại, rủi rải một cách tự tin để kể câu chuyện “xưa như trái đất”. Chị tự tin để mà đi vào lòng người, đánh thức mọi giác quan của người đọc bằng những ám gợi và thao thức hoà quyện trong ngôn ngữ và không khí truyện của chị. Hoa, rượu, váy thêu, khèn, trống, sông, thác, núi, đá, sương ngún… là những “nhân vật” có cá tính đắt trong thiên truyện của chị, đậm đặc tập tục văn hoá vùng cao, là tấm phông nâng đỡ đời sống con người. Mối tình của Sa và hai người đàn ông, hai biểu tượng văn hoá kỳ vĩ của người Mông “khèn” và “trống” mở ra những thông điệp nhân văn sâu sắc. Truyện như một bức tranh thổ cẩm đẹp thấm đẫm những tinh tuý văn hoá của người Mông nơi cổng trời.
1. Chất sử thi: “Rượu hoa mất trí” mang hơi hướng sử thi, vượt trào khỏi khuôn khổ của một truyện ngắn thông thường. Bầu khí quyển vùng cao trong vắt, ngân nga dài như một tiếng chiêng đồng đã cho tôi thoảng giọng kể khan trong ngôi nhà bên bếp lửa của già làng. Truyện mở ra núi đồi sừng sững, vách đá cheo leo, bầu trời trong xanh, suối sâu thăm thẳm và khói lam tuyền như một áng mây màu thiên thanh quấn quýt mỗi nếp nhà vào những khoảnh khắc chiều rơi. Giữa đại ngàn tráng lệ,  âm vang, khát vọng tâm hồn con người gửi qua tiếng khèn, tiếng trống điêu luyện, kì tài; sự việc chết đi, sống dậy rồi lại trở về với đất của Sa đã điền đầy vào sự man ru, phủ một tấm màn bí ẩn, khiến câu chuyện càng có tính sử thi, mang vẻ đẹp huyền bí.
Đặc biệt là cách tác giả sử dụng biện pháp tu từ so sánh và điệp ngữ để khắc họa nhân vật, đậm đặc văn hóa vùng cao: “Mày ngu như con chó rừng, mày si như con nhím đầy gai, mày gan như con cóc núi, mày chậm như con sên hang, mày đần như con bò rừng”, “mày nhảy sung như bò tót, mày lắc lư đầu như sư tử, mày múa trống như con công múa điệu tìm bạn tình. Mày uống rượu hoa bà Sa ủ, tay mày khoẻ như cánh tay con vượn trong rừng già, chân mày nhanh như chân con hoẵng tơ”. “Tiếng trống như thác trên đỉnh Fansipan đổ ào xuống. Như con vực ngầm cuộn trào mùa lũ ống, như dòng Mường Hoa rì rào buổi chợ xuân”. Màn đánh trống và thổi khèn trong “Rươụ hoa mất trí” của Như Bình được mô tả bằng những phút xuất thần. Văn Như Bình giàu hình ảnh, chất thơ. Độc giả như lạc vào không khí cổ xưa, thuở bình minh của loài người. Tạo ra sự lạ lẫm, cách ngắt nhịp, giọng điệu sử thi đặc trưng, đem đến cho nhân vật và thiên nhiên chiều kích phi thường.
2. Âm hưởng dân gian: Văn đẹp như thơ, truyện đầy chất dân gian, cho dù là người đàn bà xứ cát trắng, nhưng Như Bình lại cho tôi cảm giác chị là đứa con của núi đá, của mù sương. Không thế tại sao chị nhập nhuyễn vào không gian văn hóa vùng cao đến vậy. Nơi con người sống giữa hoang vu, thanh sạch, yêu ánh sáng, thích tự do và mượn tiếng hát để bộc bày tâm trạng. Lời của Sa khi xuống chợ tình đã cho người đọc hình dung một câu chuyện:
“Con hoẵng trốn sương
Con hoẵng trốn trăng
Con hoẵng trốn nắng
Con hoẵng nhớ bạn
Xuống thung tìm ai”
Và lời của Si – chồng Sa khi xuống chợ đón vợ trở về cũng mở ra một biển mênh mông bi kịch tình yêu, buồn mà đẹp.
“Núi vắt dải mây hồng
Móng ngựa gõ mông lung
Thung buông tấm lụa lam
Gập ghềnh núi gọi núi
Hoa tớ dày như mưa
Phủ hồng khắp mọi lối
Hoa Lềnh si đỏ chói
Giăng đèn lồng trên cây
Người cũ anh không có
Lủi thủi đi trong mây”
Lẽ ra, người đàn ông giữ tiết như Si, tài hoa và thuỷ chung như Si, yêu vợ đến tận tuỵ, quên bản thân như Si, xứng đáng có một người vợ cũng yêu mình đẹp như Sa, tận tuỵ với chồng như cách Sa đi hái hoa ủ rượu, và nồng nã với mình như khi Sa giã lanh dệt vải, thêu váy. Nhưng lẽ đời, tình yêu đi liền với nỗi đau. Vì thế khúc tình tự của Si cũng mang giá trị của một vết thương tâm. Cái tài tình của Như Bình là dựng nhân vật qua một ít ngôn ngữ, nhưng các nhân vật sống động và gây ám ảnh lâu dài, họ có thể không rõ mặt nhưng rõ trái tim, rõ tâm hồn, tính cách. Cả nhân vật chồng Sa là ông Si, và nhân vật người yêu cũ của Sa là Thào Mông thấp thoáng với màn đánh trống gây bừng thức mọi giác quan của người đọc đều đặc sắc, đủ để độc giả phải thốt lên rằng họ xuất hiện trong đời Sa hay thế, lạ lùng thế. Như Bình để cho hai người đàn ông xuất hiện trong đời Sa gặp nhau cuối thiên truyện thật bất ngờ. Cuối cùng cái thứ rượu hoa một đời Sa ủ để tìm Thào Mông trao cho người đàn ông trong mộng của Sa nhưng không gặp. Khi người Thào Mông chạm môi vào rượu hoa của Sa thì hồn Sa cũng đã về trời. Rươụ Hoa lúc này vừa đắng vừa đau, muốn uống quên hoá ra lại uống nhớ:
“Rượu vò đã chín
Ủ mấy mùa trăng
Rượu vò đã thơm
Ủ mùa sương ngấu
Mày uống càng nhớ
Mày uống càng quên
Rượu như tình cũ
Uống vào nhớ thêm”
Đưa những đoạn thơ đầy tính dân gian, sử thi vào truyện, Như Bình đã dựng nên một không gian văn hoá miền núi vùng cao Tây Bắc đẹp thấm đẫm hồn người.
3. Sương, Hoa và Rượu cũng là những nhân vật sống động: Ba chi tiết nghệ thuật trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm, đẹp đến ám ảnh là: Sương, Hoa và Rượu là những nhân vật điển hình của người Mông. Như Bình đã nhân hóa, khiến chúng cũng là những nhân vật rõ tính cách mang đầy tâm trạng. Trong sự liên tưởng của tôi, sương và hoa đó là nước mắt và nhan sắc đàn bà. Rượu là tình yêu. Tác giả đã trao sinh mệnh cho sương, hoa, rượu, trao cho họ đời sống phập phồng. Sa bước vào tác phẩm cùng với làn sương thiên di. Bắt đầu là “nắng xé sương rắc bụi vàng trên đám lá cây rừng”- thiếu phụ Sa trong cơn “no tình”. Khi bước chân trên nẻo đàn bà chênh vênh, sương sa xuống đời Sa “đêm đã ngún sương khắp lối đi. Sương thập thò từng mảng như bông gòn rơi lơ lửng trước mặt, ngỡ thò tay vốc được từng nắm. Sương đã bò kín lổm ngổm lên bậc cầu thang”. “Sương trắng trời đêm, sương sà từng đụn, từng đụn bay la đà bâu kín lấy căn nhà sàn. Sương bay vào bếp đòi dụi tắt nốt những ngún than hồng”. Đời Sương cũng như đời Sa, rực rỡ thiếu nữ rồi già và tàn lụi. Qua một phiên tình, “Sa nhẹ như dải sương héo”. Sa chết “nỗi đau theo sương mà rớt xuống chân” Si.
Hoa là thứ cùng với nước mắt của núi Fansipan chưng cất thứ “rượu hoa mất trí”. Dưới ngòi bút huyền ảo của Như Bình, những đóa hoa rừng thi nhau tỏa hương: hoa hồng, hoa tớ dày, hoa lềnh si buồn thổn thức … mỗi loài mỗi vẻ, vẽ trọn vẹn nhan sắc Sa và vẻ đẹp miền núi cao Tây Bắc. Hoa là khuôn mặt, vóc hình và tâm hồn Sa. Đóa hoa ấy đi qua bao cơn vọng tưởng, tận tụy với gia đình, mê mải theo đường thêu nếp váy rập rờn, đến nỗi bướm ong tìm đến hút nhụy. Hoa táp sương trên nẻo đến phiên chợ tìm người tình mong đợi. Để rồi đường về năm nào của Sa cũng là cơn say đến héo mòn, vắt ngang lưng ngựa như một dải hoa kiệt cùng.  “Cái mỏm đá bằng phẳng dưới cây lềnh si, bên dòng sông Mường Hoa mòn vẹt lõm đúng một chỗ ngồi. Gốc cây tớ dày bên cạnh cây lềnh si cũng bóng sờn lên một đường thẳng đứng chỗ bà Sa buộc ngựa. Bà ngồi cho đến khi hoa tớ dày phủ hồng lên trên người như phủ một nấm mồ hoa”. Vừa câm nín, khát thèm, lại giữ gìn, u uẩn. Cả trong cơn say ngủ hay khi sinh mệnh đã bị số phận rút cạn kiệt, Như Bình đều “chôn” Sa trong ngôi mộ hoa. Người đàn bà đẹp, đến cả khi chết đi rồi vẫn lộng lẫy trong tàn phai rực rỡ. Một bóng hoa đi vào tình yêu, tạ từ cõi nhân gian vẫn mang vẻ đẹp mà tạo hóa trổ bằng “nét mong manh thấp thoáng cánh hoa bay”.
Rượu cũng chính là Sa. Sa là một vò rượu mà “Trai gái ngày hợp cẩn, uống rượu hoa bà Sa ủ, như uống mật ngọt hạnh phúc. Rượu hoa làm cho tình yêu lên hương, trai gái bện hơi, sinh con đẻ cái, thương nhau, trọng nhau, tri kỉ suốt đời. Nhưng người nào đau tình, uống được một ngụm rượu hoa của bà Sa thì sẽ quên hết mọi kí ức phiền muộn. Uống được một chén rượu hoa của bà Sa thì cả gương mặt và hình hài người mình muốn quên đi bỗng dưng tan biến mất như là một hơi rượu. Uống thêm chén nữa, thấy trong trẻo tâm hồn, yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống mến thương”.
Sương, rượu, hoa hay là Sa thì họ đều là những tinh tuý trong đời sống của người Mông, yêu tự do, sống mãnh liệt đầy khao khát, dù đôi khi họ cũng lầm lạc, ảo tưởng trong tình yêu. Sa hiện thân của những người phụ nữ Mông, sống chỉn chu với thân phận, tôn trọng gia đình nhưng vẫn đề cao tự do, quyền được tôn trọng bản thân. Sa đàn bà hơn tất cả những người đàn bà. Tuổi trẻ phập phồng và cũng ngây thơ lầm tưởng. Những vương vấn ảo diệu với tình đầu sau tà áo mỏng đã mãi  nhịp thổn thức trong trái tim Sa. Để thảng hoặc trong những chợ phiên tình tự, Sa vẫn dốc hết thẫn thờ cho miền tuổi trẻ trong veo ấy. Nhưng ra khỏi phiên chợ, tình cũ chôn cất tận đáy huyệt đàn bà.
Sa chết như bi kịch tình yêu, tưởng thế mà không phải thế. Biểu tượng cho nét văn hoá phụ nữ Á Đông: thủy chung, khát vọng, cuồng nhiệt, mất mát, gìn giữ đấy lại muốn bứt phá đấy. Thân đàn bà, dù đến tận cùng vẫn co tròn trong bổn phận. Chỉ dám khóc niềm khao khát cháy hết mình chỉ bằng một cơn say mà thôi. Sa đẹp cả hồn lẫn xác, như một thứ rượu quý cất bằng muôn loài hoa giữa vách đá cheo leo, chưng bằng phẩm hạnh đàn bà. Tình yêu hay cái đẹp đều mong manh, sinh mệnh ngắn ngủi vô thường. Vì quá đẹp, đã đầy luyến ái, Sa như một kiểu nhân vật vẽ bởi hiện thực và hư ảo. Hai thứ đó nhập nhòa làm một, khiến Sa của Như Bình như một làn sương, một hương thơm. Thứ vưu vật ấy chỉ có thể cảm nhận được bằng sự tinh tế. Vì thế Sa chính là rượu nhân gian, thứ men lử để khi nhấp, bất kì ai cũng tưởng ra một thế giới đẹp như chiêm bao, lại xót đau như dao cứa. Dưới ngòi bút Như Bình, Sa được khai sinh, được sống và yêu, được lầm tưởng và đau nhớ. Âu cũng là lẽ hạnh phúc đương nhiên rất đỗi đàn bà. Sa cho tôi uống say từng giọt chữ Như Bình.
4. Chất liêu trai của bút pháp hiện thực huyền ảo: Con chữ Như Bình đã phủ một lớp mơ màng, đem đến cho thiên truyện chút phảng phất liêu trai. Bước ra từ đó, Sa rất vùng cao, lại thật đồng bằng, ngợp hương rừng lại nao nức phố phường. Sa là cơn cớ, thân phận đàn bà. Khi đọc, tôi như thấy giọt lệ Sa đang cay trong khoé mắt mình. Sa sống thơm như hoa khai, “chết đẹp” như hoa rũ, giữa váy áo, hương hoa và giọt lệ đàn ông của Si, trong tập tục cúng lễ của văn hóa vùng cao. Nhưng dường như Sa chưa dứt khỏi sinh mệnh, vì tình yêu với người xưa như một sợi dây, neo Sa lại bến trần gian. Chỉ khi người Thào Mông xuất hiện, dưới cánh tay săn đầy, tiếng trống lật tung kí ức, Sa đã đi cơn rực rỡ cuối cùng của tuổi trẻ, nàng nhảy múa như chưa hề sống trong thân phận hôn nhân, tựa hồ tuổi trẻ đang phập phồng bừng thức dưới vòm ngực căng. Khoảnh khắc như là đầu tiên, tựa hồ cuối cùng, duy nhất ấy đã cho Sa thỏa cơn khát mộng. Nhưng cuối cùng, trong cuộc hẹn với chính mình, Sa mới nhận ra người đáng cho Sa yêu cả cuộc đời chính là chồng Sa. Người Sa tưởng đã yêu cả cuộc đời là Thào Mông hoá ra lại không phải. Sa yêu chồng mà quên mất mình yêu. Sa yêu chồng mà lầm tưởng là vẫn yêu người cũ. Như Bình cao tay khi viết nên câu chuyện tình muôn thuở của ba người, tưởng đấy mà không phải đấy, thực mà hoá ra mộng…và tỉnh cơn mộng mới nhận ra mình thuộc về ai. Viết đến đây tôi liên tưởng tới tựa đề cuốn sách mới ra mắt của diễn giả Từ Huy: “Sống là đang trên đường tới cuộc hẹn với chính mình. Điểm hẹn chính là đường chân trời, là ranh giới của các mảnh không thể hợp nhất của bản ngã”.
“Rượu hoa mất trí”, đã đưa độc giả nhập vào lô xô núi đá, thăm thẳm đại ngàn, một bức vẽ về văn hoá vùng cao mà nhân vật trung tâm là người phụ nữ. Truyện đẹp như một đoá hoa trổ trên vách đá, ngôn từ chắt ra từ những mảng màu của đời sống, thơ ca, hội họa, cảm hứng nhân văn và âm hưởng vùng cao, chất liệu hiện thực ngồn ngộn. “Rượu hoa mất trí” của Như Bình là yêu thương, cảm thông của người đàn bà viết với vẻ đẹp và thân phận đàn bà, lại như một sự trân trọng và xót tiếc, thông điệp bảo tồn những giá trị văn hóa tinh thần vùng cao. Không hề quá lời khi nói rằng, truyện của nhà văn Như Bình, dù chỉ dăm trang giấy nhưng tựa như một bảo tàng về nhịp sống văn hoá và con người, thiên nhiên vùng cao. Giữa thời buổi, có quá nhiều thực đơn ăn nhanh, đó là một điều đáng để độc giả trân trọng.
Viết đến đây tôi lại nhớ lại lời của nhà văn Ma Văn Kháng khi ông đọc truyện ngắn “Rượu hoa mất trí” và nhắn cho Như Bình: “Trời! Một chuyện tình thấm đẫm hương hoa, mùi rượu, tiếng trống, tiếng khèn run rẩy và da diết, xốc xáo cả tim gan con người. Yêu quá con người chưa phân thân còn nguyên khối chân tình giữa không gian nguyên thuỷ ngát hương mộc mạc tinh khiết đến cùng. Truyện hay từng chi tiết câu văn. Tài tình quá Như Bình ơi”. Xin phép nhà văn Ma Văn Kháng cho tôi được trích dẫn nhận xét này thay cho lời kết của bài viết như một tặng thưởng cho truyện ngắn mới của chị, dẫu khi ra đời, mỗi truyện ngắn dù đời sống dài hay ngắn, thì bản thân nó đã có một định mệnh riêng rồi.
6/12/2023
Hoa Đỗ Quyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...