Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Rượu hoa mất trí

Rượu hoa mất trí

Bà Sa kéo người Thào Mông ngồi xuống, luống cuống run rẩy rót hết li rượu hoa này đến li rượu hoa khác đưa tay người Thào Mông uống. Người Thào Mông uống rượu hoa, tay múa trống như lên đồng. Đêm nay, bà muốn say cùng người Thào Mông này. Bà xoè váy nhảy múa cùng tiếng trống người Thào Mông. Nghe tiếng trống bà như dòng Mường Hoa lồng lên dữ dội. Bà vừa múa vừa lần lượt cởi váy…
Chợ vãn lâu rồi. Nắng xé sương rắc bụi vàng trên đám lá cây rừng. Nắng rơi li ti, vãi ngọc trên những chồi xanh đêm qua vừa nhoi mắt biêng biếc. Con sông Mường Hoa đổ từ đỉnh Fansipan xuống như một dải lụa bạc vắt qua bao núi đồi, trườn về đầy ắp một bến hẹn dịu dàng ở Thung Hoa. Sáng nay, nắng đã thay áo mới cho sông. Những sóng lụa bạc âu yếm vỗ về bờ đá quanh thung lũng. Sông cũng như người con gái no tình vừa tắm gội, đang hong tóc mềm mượt bên thung.
Chợ vãn đã lâu. Mường Hoa vắng tênh. Đâu đó trên những thảm cỏ, hương rượu còn bốc mùi ngun ngún. Chiếc thắt lưng thêu rơi vội dưới thảm cỏ. Những người say cuối cùng cũng đã chất cái thân thể nhũn nhảo lên lưng ngựa phì phò rời thung ngược núi, men theo con đường đá quanh co ngập sắc hoa Tớ dày để trèo sương trở về nhà.
Giờ này bà Sa vẫn còn say. Bà chưa buồn nhấc đôi chân quấn xà cạp thêu hoa Tớ dày hồng trở dậy. Đôi chân bà cứ đuỗn ra chết giấc, ngây dại dưới nắng trời. Bộ váy đẹp nhất, dệt từ những sợi lanh khoẻ nhất, mềm mại dẻo dai nhất, thêu kín trăm loại hoa rừng tinh xảo giờ phơi ruột phơi gan giữa gió xuân.
Váy thêu của bà Sa nổi tiếng nhất Mường Hoa. Váy mà như những chiếc mùa xuân nồng nã trăm hoa khoe sắc. Bà Sa tự tay trồng lanh, xé lanh, dệt vải, trồng chàm, giã chàm rồi kì công nhuộm màu. Với bà, vải mà không ngửi thấy mùi sợi lanh thơm dịu, mùi lá chàm hăng hắc, mùi ngọt lùi của lửa, mùi cay của khói, mùi thảo mộc và mùi hương của muôn loại hoa bà thêu trong tấm vải, thì bà không có cảm giác đó là vải thật. Bà Sa dành hết cả thanh xuân để dệt vải, thêu váy và ủ rượu. Bà nghĩ, cái nghề trồng lanh, dệt vải, khâu váy, ủ rượu mẹ truyền con nối nơi bản Mường Hum này đàn bà con gái Mông phải biết giữ.
Bà Sa mê dệt vải thêu váy cũng như cách mà bà nghiện chưng rượu hoa.  Loại rượu mà bản Mường Hum chỉ còn mỗi bà biết bí quyết. Nghe nói, tộc người Hoa ngày xưa hay ủ rượu hoa, còn bây giờ cũng chả thấy ai nói đến nữa. Thế mà bản Mường Hum này, việc đi hái hoa, nhặt hoa, cất hoa rồi ủ thành rượu của bà Sa nức tiếng cả vùng. Bà thức đợi đông để lấy hoa Hồng, thức suốt mùa xuân để lấy hoa Quế, hoa Hồi, những loài hoa có mùi thơm nồng nàn, nhiều tinh dầu nhưng ít nước. Nhưng bà còn bất chấp cả công thức ủ rượu hoa của cụ kị truyền lại, khi kì công hái cả những bông Tớ dày ngậm sương đêm. Bà ngóng cây Lềnh si mỗi năm trổ hoa một lần rồi trèo núi hái cho được bông Lềnh si đỏ ối. Bà qua cánh đồng hoa Tam giác mạch hái đầy gùi. Bao nhiêu loài hoa trên núi cao đẹp nhất, thơm nhất, rực rỡ nhất, bà gom về phơi ba mùa nắng, bảy mùa sương. Phơi cho khi nào bông hoa héo dần mà trong nhuỵ hoa không rã nát, vẫn nguyên màu sắc, hương vẫn còn quện trong từng cánh hoa, bà mới đem ủ rượu. Nước chưng rượu hoa bà phải hứng từng giọt nhỏ xuống từ nhũ đá vách núi Fansipan. Cõng nước thiêng về, bà ủ rượu chưng hoa suốt mùa đông, chưng sang mùa hè, cất sang mùa xuân mỗi năm được dăm vò rượu sánh mùi mật hương chín rục.
Rượu hoa của bà, cả Mường Hum có muốn mua bà cũng không bán. Nhưng nhà ai trong Mường có con gái đi lấy chồng bà đều tặng một chung nhỏ cho cô dâu chú rể cùng uống trong lễ hợp cẩn. Người cao tuổi nhất ở Mường Hum nói. Trai gái ngày hợp cẩn, uống rượu hoa bà Sa ủ, như uống mật ngọt hạnh phúc. Rượu hoa làm cho tình yêu lên hương, trai gái bện hơi, sinh con đẻ cái, thương nhau, trọng nhau, tri kỉ suốt đời. Nhưng người nào đau tình, uống được một ngụm rượu hoa của bà Sa thì sẽ quên hết mọi kí ức phiền muộn. Uống được một chén rượu hoa của bà Sa thì cả gương mặt và hình hài người mình muốn quên đi bỗng dưng tan biến mất như là một hơi rượu. Uống thêm chén nữa, thấy trong trẻo tâm hồn, yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống mến thương. Rượu quý trả bằng bạc, bằng vàng bà Sa cũng không bán. Bà chắt chiu dành dụm để tặng trai gái ngày hợp hôn, còn lại mỗi năm bà mang xuống chợ một lần.
Cả đời bà Sa đến chợ Mường Hoa chỉ để phơi váy và uống rượu. Bà phơi váy lên cây Tớ dày, bày rượu hoa lên phiến đá rồi ngồi tựa lưng vào cây Lềnh si thổi khèn. Váy thổ cẩm của bà Sa như mời mọc, như kiêu hãnh thách thức các bọn con trai con gái xuống chợ. Nhìn thấy váy của bà những con mắt thiếu nữ Mông sáng lên như gặp sao trời. Chúng xin phép bà đưa tay sờ thử những nốt thêu mịn và đẹp như sợi tóc mềm thời thiếu nữ của bà Sa. Chúng xuýt xoa cầm lên tấm vải lanh thô mộc, sợi vải đanh, dẻo, thuần khiết và mát thơm như da thịt người thiếu nữ quanh năm cõng bắp, cõng sương, cõng cả mặt trời.
Phiên chợ năm nay, bà Sa theo con ngựa Dáy già xuống núi từ khi gà gọi sương. Ngựa Dáy bao nhiêu năm thắc thẻo theo bà Sa xuống chợ rồi còn gì. Nay bờm nó xác xơ, mắt của nó mờ đục, móng của nó không gõ cồm cộp xuống đá những bước đi cuốn bụi đỏ nữa. Nó cùng già như bà Sa, chậm chạm trèo đá xuống thung.
Bà Sa lại say quá rồi. Phiên này bà uống nhiều rượu đến nỗi cả người bà bốc lên mùi rượu chua lẫn với mùi sương, mùi cỏ, mùi vỏ cây Lềnh si bà ngồi nhẵn cả rễ trồi trong đêm chợ. Uống nhiều đến mức con ngựa Dáy đứng cạnh gếch mỏm ngửi hơi rượu của bà mà đổ kềnh bốn chân say lướt khướt theo tiếng khèn của bà.  Bà Sa suốt đời đi chợ để tìm người. Mà thực ra có năm nào bà tìm được đâu. Năm nào bà đến chợ cũng là để thổi khèn và say rượu. Cái mỏm đá bằng phẳng dưới cây Lềnh si, bên dòng sông Mường Hoa mòn vẹt lõm đúng một chỗ ngồi. Gốc cây Tớ dày bên cạnh cây Lềnh si cũng bóng sờn lên một đường thẳng đứng chỗ bà Sa buộc ngựa. Bà ngồi cho đến khi hoa Tớ dày phủ hồng lên trên người như phủ một nấm mồ hoa mà bà vẫn không nhúc nhích dậy.
Năm nay cây Lềnh si sốt ruột rụng nốt những bông hoa to tướng đỏ mọng lộp độp lên nấm mồ hoa đánh thức bà Sa. Ông Si đã đến tìm bà rồi kìa. Bà Sa uể oải thu váy. Nhưng lạ là ông Si càng đến gần, bà Sa càng thấy khác. Bà dụi mãi, dụi mãi đôi mắt đỏ tía. Người đàn ông đứng trước mặt bà đâu phải ông Si. Ôi ra là người Thào Mông bà đi tìm bấy lâu. Bà Sa dụi mắt đứng thẳng người lên như trời trồng, mặc vò rượu hoa lăn lóc dưới chân, mặc con ngựa Dáy trở chứng sốt ruột gõ móng cồm cộp đòi về. Bà Sa ngạc nhiên quá. Bà đờ người như tảng đá chết câm bên miệng vực. Rồi bà run như cái thây ma cứng đơ vừa sống lại, máu rì rào chảy trong từng chùm mạch phồng căng. Ôi là người Thào Mông chết tiệt. Bao năm sinh con đẻ cái bện hơi chồng rồi mà bà không quên được mùi của nó. Nó mang theo trống kìa. Bao nhiêu năm bà không quên được tiếng trống của nó. Tiếng trống nó ám bà đến nỗi bà không muốn nghe thêm tiếng khèn của ông Si, dù đó là tiếng khèn hay nhất bản Mường Hum, chỉ ông Si biết thổi mà thôi. Ôi người Thào Mông kia, tao vừa sống lại vừa chết đi, lại vừa sống lại, vừa chết đi lần nữa khi nhìn thấy mày.
Sao mày đứng như trời trồng nhìn tao thế kia. Không lẽ mày không còn nhận ra mùi tao. Mùi hoa Tớ dày, hoa Lềnh si trên tóc tao, má tao, váy áo của tao.  Trong cái lần hò hẹn chợ tình đầu tiên, mày nói mùi tao thơm đến nỗi mày mất ngủ suốt một năm để chờ tao đến chợ tình cho mày tìm gặp. Ôi cái người Thào Mông này, tao đi tìm mày suốt cả cuộc đời chỉ để nói với mày một lời xin lỗi. Lỡ một buổi chợ với mày mà tao say lảo đảo cả đời. Cả đời tao lấy chồng sinh con rồi vẫn nhớ tiếng trống của mày khiến tao phải ủ rượu hoa, đi tìm mày để uống cùng cho quên hết sinh kiếp. Mày có biết mỗi lần tao xuống chợ ông ấy buồn như đụn sương héo, tẻ như bắp ngô chỉ còn cùi không hạt. Mỗi lần tao xuống chợ tìm người cũ là ông ấy ngồi bên bếp khóc thành sương vây kín lấy đỉnh đồi nhà tao. Vậy mà tao vẫn dắt con Dáy chở vò rượu hoa xé sương xé núi đi tìm mày đấy. Mỗi năm có một ngày tao được nhớ về mày, được đi tìm mày.
Bà Sa kéo người Thào Mông ngồi xuống, luống cuống run rẩy rót hết li rượu hoa này đến li rượu hoa khác đưa tay người Thào Mông uống. Người Thào Mông uống rượu hoa, tay múa trống như lên đồng. Đêm nay, bà muốn say cùng người Thào Mông này. Bà xoè váy nhảy múa cùng tiếng trống người Thào Mông. Nghe tiếng trống bà như dòng Mường Hoa lồng lên dữ dội. Bà vừa múa vừa lần lượt cởi váy…
Ôi rượu hoa vỡ hết rồi! Mùi thơm của rượu tràn ra đất. Bà Sa mặc kệ, bà không thể cưỡng được cơn đê mê với tiếc nấc nghẹn khiến bà tê dại.
Ô kìa tiếng con Dáy già hí lên. Bà mở bừng mắt ngây người nhìn thấy ông Si đứng dưới gốc cây Tớ dày bên con Dáy đã gục bốn vó ngã khuỵ trên đất. Ông Si mắt vằn đỏ, tay cầm chai mật hoa hét lên tức giận rồi cạy mồm bà Sa lúc này đã sắp cứng lại để đổ những giọt mật hoa vào miệng bà. Chưa bao giờ bà Sa thấy ông Si như vậy. Cơn giận làm tóc ông Si dựng đứng, râu ria đâm tủa ra xếch ngược. Tiếng thét của ông Si làm tất cả các nơ ron thần kinh trong não bà, cơ thể bà đột ngột thức dậy hết. Bà dụi mãi mắt cũng chẳng còn thấy người Thào Mông vừa nãy ở đâu. Phía xa, dòng Mường Hoa như dải bạc lấp lánh cười. Nhìn thấy con ngựa Dáy già mở mắt nhìn trừng trừng nhìn trời, bà Sa đau thắt ngực. Bà chỉ kịp nức nở hỏi ông Si ngựa Dáy chết rồi à. Ông Si nói như hét. Nó chết rồi, để không ai đưa bà đi xuống chợ được nữa. Bà già quá rồi, già quá rồi, quá già rồi, bà hiểu không.
Ông Si không nói không rằng, bế xốc bà Sa nhẹ như dải sương héo vắt lên lưng. Ông chậm chạp cõng bà, cõng cả cơn say ngún nghín dập dềnh của bà cúi mặt đạp núi trở về.
Núi vắt dải mây hồng
Móng ngựa gõ mông lung
Thung buông tấm lụa lam
Gập ghềnh núi gọi núi
Hoa Tớ dày như mưa
Phủ hồng khắp mọi lối
Cây Lềnh si đỏ chói
Dăng đèn lồng trên cây
Người cũ anh không có
Lủi thủi đi trong mây
Ông Si hát thẳm cả đường đi, thẳm cả núi đá, vừa khi con Dúi nhận ra người rít lên ở cầu thang là bà Sa cũng tỉnh. Bà thốt lên “Ây dà! Ây dà! Để tôi đi đun nước nóng cho mình ngâm chân, hâm ít rượu cho mình ăn ngô mới nhé”. Bà Sa lảo đảo. Chân chưa chạm sàn đã đổ kềnh bên bếp lửa. Bếp vẫn còn âm ấm hơi than chưa kịp tàn từ đêm hôm trước. Ông Si chắc là thức suốt đêm đốt lửa đợi bà đi chợ về. Ông Si ra chỗ cây mận vẫn buộc con ngựa Dáy cứ thế cắm phập con dao quăng vào ràn ngựa ngửa mặt lên khóc tu tu từng hồi, tiếng khóc ồ ồ vẩn đục như lũ ống đục ngầu thọc xuyên qua sương đêm.
Đêm đã ngún sương khắp lối đi. Sương thập thò từng mảng như bông gòn rơi lơ lửng trước mặt, ngỡ thò tay vốc được từng nắm. Sương đã bò kín lổm ngổm lên bậc cầu thang. Ông Si lặng lẽ đi rút củi khô gác sau sàn bếp thong thả nhóm. Lửa xoè hoa trên bếp, lửa bắt đầu bám cành củi khô reo phần phật, phần phật. Lửa cười tí tách, nhảy múa, liếm chiếc lưỡi dài quanh bếp cho đến khi nước trong ấm sôi reo xào xào. Ông Si bê chậu pha nước nóng. Khói lên nghi ngút gặp sương vờn chả mấy chốc tan thành vẩy li ti rây lên sàn. Ông Si lấy chiếc khăn bông thêu của bà Sa, thả vào chậu nước nóng cho chiếc khăn lên hơi ấm sực nức, từ từ lau mặt lau cổ cho bà. Ông gỡ những lớp váy, những lớp xà cạp, lau nhẹ nhàng tí một. Ông Si tỉ mẩn lau đến bàn chân thì cũng là lúc bà Sa tỉnh hẳn. Bà Sa lầm bầm: Ây dà chồng ơi, chồng à, xin lỗi chồng… rượu hoa làm tôi mất trí quá….  Bà Sa lồm cồm định dậy thì ông Si ấn xuống ghế.
Trên bếp, chõ xôi đã thong thả lên hương. Mùi nếp mới quện với mùi lửa, bung khói thơm dìu dặt, thơm lan tận mọi ngóc ngách của khứu giác. Ông Si lụi cụi bày ra mẹt một đĩa muối kiến rang thơm lừng và kịp rót đầy hai chén rượu hoa thơm ngát bầy cạnh. Ông Si chạy lại nhấc hai chân bà Sa ra khỏi chậu nước nóng. Ông xới bát xôi nghi ngút khói nóng sực đặt vào tay cho bà Sa. Bà Sa cúi xuống bát xôi ngửi thật lâu hít một hơi thật dài như nuốt bằng hết những hơi khói mịn màng thơm rức. Những hạt nếp nương no tròn, béo đẫy xếp mịn màng tăm tắp trong bát như những hạt ngọc bé xíu lấp la lấp lánh cười. Bà Sa hít mãi, hít mãi hương gạo nếp mới, hít cho đến khi chõ xôi trên bếp vơi nửa, củi trong bếp ùn ra từng đoạn than hồng như khúc mía đỏ. Ông Si chắc nhịn đói từ lúc bà Sa khăn gói xuống chợ giờ ăn hết ba bát xôi trứng kiến, uống hết bương rượu hoa sót lại buổi chợ, đổ kềnh ra sàn nhà ngáy trong tiếng nấc mệt nhọc mà bà Sa vẫn chưa đụng vào một hạt xôi nương nào. Bà muốn hỏi ông Si sao con ngựa Dáy của bà lại chết, rằng ông có nhìn thấy người Thào Mông không hay bà bị mất trí bởi rượu, nhưng chưa kịp hỏi. Trong mơ ông Si khóc rống lên. Ông lầm bầm trong cổ họng. Ông Si muốn nói gì đó nhưng ông say mất rồi, giấc ngủ kéo sập cả hai mi mắt ông. Sương trắng trời đêm, sương sà từng đụn, từng đụn bay la đà bâu kín lấy căn nhà sàn. Sương bay vào bếp đòi dụi tắt nốt những ngún than hồng. Bà Sa đặt bát xôi xuống mẹt, bà lần xuống cầu thang ra chỗ cây mận nơi vẫn buộc con ngựa Dáy già của bà. Ôm lấy gốc cây, bà Sa ngửa mặt khóc khô không thành tiếng.…
Chợ Mường Hoa năm nay không còn bà Sa ngồi ở gốc cây Lềnh si phơi váy và uống rượu nữa. Bọn con gái con trai tìm được nhau hay không tìm được nhau, ghé chỗ bà Sa năm xưa, tiếc ngơ ngẩn những ngụm rượu mùi mật chín, mùi sương sớm, mùi nắng mai, mùi hoa Lềnh si, hoa Tớ dày ngan ngát. Tiếc ngơ ngẩn những bông Tớ dáy hồng phơn phớt trên nền lam thẫm của váy bà Sa. Tiếc đứt ruột đứt gan những bông Lềnh si đỏ như máu tươi nhỏ giọt trên nền chàm thẫm. Đàn ông đàn bà luống tuổi tìm được nhau không còn thấy bà Sa ngồi đó nữa để đến mà đến nghe điệu khèn bà thổi. Đàn ông già, đàn bà già không tìm được nhau chẳng còn thấy bà Sa đâu nữa để mà nằm phục dưới chân bà uống rượu bí tỉ nghe bà hát bài hát cũ.
Con hoãng trốn sương
Con hoẵng trốn trăng
Con hoẵng trốn nắng
Con hoẵng nhớ bạn
Xuống thung tìm ai
Hôm đó, ông Si ngủ lăn một mạch đến tận khi nắng treo trên đỉnh xà, nắng dọn quang quất hết những đụn sương già bò quanh nếp nhà sàn của người Mường Hum. Nắng vào tận bếp dụi vào mắt, bò râm ran trên má trên mặt thì ông mới tỉnh. Bà Sa vẫn như đang say ngủ. Giấc ngủ ngon lành thanh thản của người mãn nguyện. Chỉ lạ là hôm nay bà Sa ngủ đẹp thế làm gì không biết. Đi ngủ mà như đi chợ tết, như đi hội Mường Hum, như đi Thung Hoa tìm người cũ. Bà Sa chết viên mãn dưới nắng. Nắng trưa bò len lỏi dưới những chùm khoen hoa bạc trên cổ, trên tay trên đầu dưới thắt lưng, dưới chân bà xôn xao réo rắt. Có bao nhiêu váy áo, vòng bạc trong nhà, bà Sa diện lên hết. Ông Si lằm rằm thúc vào chân bà Sa. Nhưng ông Si thúc rồi huých cùi chõ mấy lần, bà Sa cũng không nhúc nhích. Chỉ có tiếng vòng bạc reo lên khe khẽ vui tai. Chỉ có nắng nghịch ngợm thả những chùm hoa nhảy nhót trên sàn bếp, trên tường gỗ. Ông Si làu bàu đi thổi bếp. Lửa reo quanh ấm nước sôi. Ông Si lại pha nước nóng vào cái chậu gỗ bách xanh mà ông rất quý. Cây gỗ đó ông tìm được trong một lần đi rừng già.  Ông tự tay đẵn cây, khó khăn lắm mới vác được về xẻ ra làm ván thưng vách nhà và lát sàn. Ông biết bà Sa thích mùi thơm của gỗ bách xanh. Chồng à, không bao giờ tôi bỏ cái nhà sàn ông bà tổ tiên để lại để đổi lấy cái nhà xi măng đâu. Ây dà, về đến nhà, lên cầu thang mùi gỗ bách xanh tôi thấy khoẻ như uống một bương rượu hoa mát lịm.
Lửa quanh bếp reo lớn, hoa nắng thả đầy nhà sàn, chỉ có thân thể bà Sa là im lìm như bức vách gỗ. Trên mũi bà Sa không còn sợi lông nào động đậy. Trên ngực bà Sa phẳng lì không một chút phập phồng. Đến lúc này ông Si mới hoảng hồn ghé sát tai vào ngực bà. Ông ngã vật ra nền nhà ngồi thừ người ngây dại. Bà Sa ngủ ngon quá. Bà ngủ như thể đã xong hết việc thì phải đi ngủ thôi. Những nếp nhăn nơi khoé mắt giãn rộng ra, những đường rãnh nơi khoé miệng dường như cũng nhạt hẳn. Bà Sa đang cười kìa, một nụ cười bâng khuâng như ngày hoa Tớ dày trút mưa hồng bên thung hoa, như buổi chiều hoa Lềnh si thả những bông đỏ thắm bên vực núi đá.
Ông Si ngồi thừ như thế cho đến khi giật mình chạm sương. Thiếu chút nữa, ngôi nhà sàn của ông bà chìm hẳn trong sương. Mặt trời chưa đi ngủ mà sương đã bò lê la khắp nơi. Mấy cụm sương già chỉ chực chờ tắt nắng là tụ lại quanh quất dưới chân. Ông Si chậm rãi tìm trên chái nhà cái súng kíp. Súng từ thời cụ kị để lại đã đen kít nước bồ hóng, lâu không dùng, ông phải tháo ra lau kỹ mới lắp đạn ghém vào được. Mang súng kíp ra cầu thang, ông Si ngửa đầu bắn ba phát súng lên đám mây đang cụm lại giữa khoảng trời trước cửa nhà. Tiếng đạn nổ làm lũ chim rừng đậu trên cây Tớ dày, cây Lềnh si giật mình vỗ cánh bay tao tác.
Khi vợ chồng lũ con bồng bế dắt díu nhau về kín nhà thì ông Si đã tươm tất hết việc cho bà Sa. Thầy Dờ Mú đã tới. Ông Si bế bà Sa nhẹ như một đoá Lềnh si chín rục đặt ngay ngắn trên tấm ván gỗ bách xanh. Lúc này, chiếc chậu bách xanh dùng để bà Sa rửa mặt hằng ngày đã được ông Si cho vào bếp lửa giữa nhà. Gỗ Bách Xanh gặp lửa, rí rách cháy hương toả thơm ngát cả không gian. Thầy Dờ Mú bắt đầu làm công việc của mình. Dưới cầu thang, gà lợn kêu quang quác đã bắt đầu được chọc tiết hiến lễ. Dân bản cũng đã rậm rịch kéo đến chật chân nhà sàn. Ông Si vận khăn áo chỉnh tề bắt đầu lôi chiếc khèn làm bằng bằng gỗ cây Măng dê và vỏ cây Tớ dày ông giấu trên nóc sàn nhà xuống. Đã lâu lắm rồi ông không thổi khèn ống. Chắc là từ ngày kéo được bà Sa về làm vợ, rồi đẻ một lô một lốc mấy đứa con, ông không mấy khi dùng đến chiếc khèn này. Ông Si có biệt tài thổi khèn ở Thung Hoa. Tiếng khèn của ông đến con mang trên đỉnh núi trốn sương cũng phải rời núi xuống bản. Con sói trong hốc núi nghe tiếng khèn của ông Si cũng phải tự dẫn xác ra bìa rừng làm mồi cho gã thợ săn. Tiếng khèn ông cất lên, con gấu đang ngủ đông cũng phải rộn rực trở dậy tìm mật. Vậy mà bà Sa lại không mê tiếng khèn của ông Si. Thế thì ông Si thổi khèn trên chiếc khèn ông kì công chế tác từ gỗ cây Thông đá, gỗ Pơ mu, gỗ cây Măng dê, vỏ cây Tớ dày để làm gì chứ… Ông gác chiếc khèn từ ngày bà Sa đẻ con San. Ông không thổi khèn nơi cầu thang cho bà Sa những mùa trăng, sương xuống chân cầu thang kín đặc nữa. Bà Sa bảo tiếng khèn của ông Si buồn như thác đổ mùa trăng, buồn như chú hoẵng trốn sương lạnh, buồn như chó sói mất bạn, … buồn đến nỗi khi tiếng khèn của ông Si cất lên là bà Sa chột mất sữa cho con San bú. Kể từ đó, ông Si gác chiếc khèn lên chái nhà sàn. Chiếc khèn hệt như chiếc súng kíp, những tưởng đã vĩnh viễn ngủ yên nơi chái bếp.
Gà trống hoa cúng đã bày trên mẹt. Ai đó đã kịp đồ lên đĩa xôi ngũ sắc cùng một bó hoa Tớ dày to đùng đẫm sương. Dưới nhà sàn, mùi thơm của nếp nương, mùi thịt lợn nướng, mùi rượu hoa đã bay lên dậy khắp ngõ ngách. Con ngựa Dáy già được ai đó khiêng về đặt ngay ngắn trên chiếc chiếu hoa dưới nhà sàn. Ai đó đã buộc nơ đỏ trên bờm ngựa. Trên đầu con Dáy già bát hương cháy đỏ bên bó hoa Lềnh si cũng đã kịp hái về để cạnh. Ông Si bắt đầu nhấc chiếc khèn lên và cứ thế thổi như không dứt. Tiếng khèn của ông Si vang lên bồi hồi, tha thiết như ngày cha mẹ ông sang nhà bà Sa hỏi thách cưới con dâu. Tiếng khèn ông Si như suối nhạc reo vui ngày ông Si kéo bà Sa về giữa chợ đông người. Bà Sa như bông Lềnh si đỏ rụng vào đời ông đẹp nhức nhối. Tiếng khèn ông Si rưng rưng não lòng buồn bã như những ngày ông ở nhà một mình còn bà Sa sắm sửa háo hức tinh mơ xuống chợ. Tiếng khèn ông Si thiết tha reo vui khi đón bà Sa từ chợ trở về. Ông cứ thổi mãi, thổi mãi, khi vui tươi, lúc hờn tủi, thổi cho đến khi ông mệt quá gục dưới tấm phản nơi bà Sa nằm bình thản đợi tổ tiên.
Trong mơ màng ông Si nghe tiếng trống của ai dồn dập náo nức nhà sàn. Tiếng trống này chắc chắn được cất lên từ một loại da trâu rừng già. Âm thanh tiếng trống nện vào mặt trống rắn đanh, rền và vang vọng. Thân trống chắc chắn phải được chế tác từ thân gỗ cây Pơ mu cổ thụ. Người đánh trống chắc hẳn phải là một nghệ danh được giao trọng trách nuôi trống, chăm trống cả một đời. Tiếng gậy sênh đánh trống cũng phải làm từ thân cây Trúc cổ trăm năm. Tiếng trống lạ của ai dồn thúc vào trí não ông Si liên hồi. Chắc chắn người đánh trống không phải của bản Mường Hum rồi. Người ở bản Mường Hum không có ai đánh trống thổi khèn qua được đôi tai điêu luyện của ông Si. Chắc chắn người đánh trống phải từ nơi khác đến. Nghe tiếng trống là biết hồn người. Tiếng trống như thác trên đỉnh Fansipan đổ ào xuống. Như con vực ngầm cuộn trào mùa lũ ống, như dòng Mường Hoa rì rào buổi chợ xuân.  Có khi tiếng trống nức nở như tiếng mưa hoa Tớ dày rơi khắp thung lũng. Tiếng trống nhức nhối như tiếng của những bông Lềnh si rụng
bến Thung Hoa. Tiếng trống ào ạt, như tiếng gào thét gọi người yêu, như tiếng reo vui hoan ca ngày gặp mặt; mãnh liệt như trai gái quấn lấy nhau trong phiên chợ ở Thung Hoa tìm được người cũ; như tổ tiên tìm về với nhau trong chén rượu nồng. Ông Si lồm cồm bò dậy, lặng lẽ rời chỗ tấm phản nơi bà Sa nằm. Ông xuống sàn nhà, đào lên vò rượu hoa cuối cùng bà Sa ủ mấy năm trước. Bà Sa bảo với ông, nếu ngày nào một trong hai người về với tổ tiên trước thì đào vò rượu hoa cuối cùng này lên để mời người đến đánh trống thổi khèn đưa tang mình.
Ông Si lảo đảo mang rượu lên để dưới chân tấm phản và ghé tai nói nhỏ với thầy Dờ Mú. Thầy Dờ Mú gọi người đánh trống lên ra hiệu cho ông Si và người đánh trống cùng quỳ dưới chỗ bà Sa nằm rồi múa hương vừa múa vừa hát
Rượu vò đã chín
Ủ mấy mùa trăng
Rượu vò đã thơm
Ủ mùa sương ngấu
Mày uống càng nhớ
Mày uống càng quên
Rượu như tình cũ
Uống vào nhớ thêm
Thầy Dờ Mú rót ra ba bát rượu. Một bát thầy để bên cạnh bà Sa. Còn hai bát đưa cho ông Si và người đánh trống. Thầy bảo hai mày uống hết bát rượu này, thì hãy đánh trống thổi khèn. Tiếng trống và tiếng khèn cất lên điệu nhạc gọi hồn, tấu lên khúc nhạc tâm linh trong nghi lễ thiêng liêng. Tiếng trống đưa nỗi buồn, tiếc nuối, bệnh tật, mọi chuyện xấu đi. Tiếng trống tiếng khèn mang hồn hoa màu về đầy nhà, mang hồn hoa Lềnh si về trước cửa, mang hồn hoa Tam giác mạch trên cánh đồng về đậu trên nệm chăn. Mang hoa Tớ dày về đậu trên váy áo. Tiếng trống mang hồn con người và gia súc vàng bạc về khắp nhà. Tiếng trống mang tình yêu mãnh liệt của đôi trai gái đến với nhau đêm tân hôn. Thầy Dờ Mú mang chén rượu hoa lên vẩy khắp thân thể bà Sa, vừa nhảy vừa múa vừa hát. Thầy quay sang ông Si. Mày uống rượu hoa xong rồi mày thổi khèn đi. Tiếng khèn phải tươi vui rộn rã như đi trẩy hội, như bạn hiền gặp được nhau, như trai gái tìm thấy nhau trao tình trong mùa hò hẹn. Tiếng trống phải như người cũ tìm được người cũ trao nhau chén rượu hết duyên bên cửa Thung Hoa, thì mới đưa được linh hồn người chết nhẹ nhàng thanh thản tìm đường về với tổ tiên. Còn mày, thầy Dớ Mú quay sang người đánh trống. Rượu này bà Sa ủ 9 mùa trăng dành riêng đấy. Mày uống xong mày nhảy sung như bò tót, mày lắc lư đầu như sư tử, mày múa trống như con công múa điệu tìm bạn tình. Mày uống rượu hoa bà Sa ủ, tay mày khoẻ như cánh tay con vượn trong rừng già, chân mày nhanh như chân con hoẵng tơ. Tiếng trống của mày tượng trưng cho âm khí, dẫn đường cho bà Sa hết duyên hết nợ tìm về với sinh kiếp của mình.
Từ đó ông Si không còn nhớ gì nữa. Ông thổi khèn mà trong óc lộng vang tiếng trống của người Thào Mông. Người Thào Mông này đánh trống hay quá, đôi tay cầm cây gậy sênh múa trên mặt trống. Mặt trống chế từ mảnh da trâu rừng già dày, rền, nẩy bật tưng tưng hoà điệu với tiếng khèn của ông Si. Ô kìa, bà Sa đã tỉnh giấc, bà từ từ nhỏm dậy khỏi tấm phản. Bà bước xuống sàn nhà. Những chiếc vòng bạc rung lên khe khẽ, rồi rung lên dữ dội theo bước chân của bà. Ôi ông trời ơi, bà Sa dậy được rồi kìa, bà ấy chụm chân nhún nhảy theo nhịp khèn nhịp trống. Đôi tay bà bắt đầu múa, bà múa điệu cầu mưa, bà múa điệu Sênh, bà nhảy điệu cầu vồng. Ô kìa bà Sa trẻ như cô gái 16 trăng tròn, váy áo múa hát theo nhịp nhảy. Đôi chân nhẹ tênh, dẻo như đoá Lềnh si trong điệu múa đưa chân, quay đổi chổ, quay tại chỗ. Bà múa điệu vờn khèn, điệu lăn nghiêng, lăn ngửa. Bà múa điệu ngồi xổm, chân bà thoăn thoắt bước tiến bước lùi, gót chân bên này của bà chạm gót chân bên kia. Bà khom khom lưng ong mềm mại. Người Thào Mông múa trống bên bà, họ lướt đi trong giai điệu rộn rã tươi vui. Gương mặt bà Sa ửng hồng, cặp má mọng căng, đôi môi tươi rói, tóc như mây bay bay thật đẹp. Ô, bà Sa rời người Thào Mông mang rượu lại mời ông Si uống. Ông Si chảy cả nước mắt vì vui. Bà Sa cầm chiếc khèn đưa lên miệng ông Si, giục ông Si thổi khèn và múa khèn điệu chồng vợ cùng bà.  Ông Si ngửa cổ tu cả vò rượu hoa. Dưới sàn con ngựa Dáy cũng vừa thức giấc hí vang thung. Ngựa Dáy nghe tiếng trống tiếng khèn cũng dậm chân lắc bờm nhún nhảy. Ô kìa, người Thào Mông đứng một mình buồn hay sao mà tiếng trống hờn tủi vang xa day dứt thế. Sao bà Sa không nhảy múa với người Thào Mông. Bà Sa nhìn ông Si cười. Nụ cười làm tim ông Si xốn xang. Tay bà quàng vai ông Si mời chén rượu tình như cách người cũ tìm thấy nhau trong phiên chợ yêu. Ô kìa, bà Sa ơi, người Thào Mông đến giằng lấy vò rượu hoa từ tay ông Si ngửa cổ đổ ừng ực vào họng. Dưới nhà sàn ngựa Dáy đang hí, mọi người đã lục tục kéo nhau lên nhà sàn hết. Mùi rượu thịt thơm nhức mũi. Tất cả cùng tung khăn xoè váy, xoay tròn trong điệu khèn tiếng trống. Ông Si thổi khèn, nước mắt đầm đìa cười ha hả. Ông Si lượn điệu múa khèn bên bà Sa lúc này đôi má chín như cánh Lềnh si đỏ mà làu bàu: Bà đừng đùa tôi nữa. Bà muốn xuống Thung Hoa đi chợ tìm người bao lần cũng được. Bà thích lên núi tìm hoa Lềnh si hay xuống thung hái bao nhiêu hoa Tớ dày về tôi cũng giúp bà phơi trăng phơi sương. Bà thích ủ bao nhiêu rượu hoa để mang xuống chợ tìm người cũ tôi cũng giúp. Bà thích thì cứ uống cho say, tôi nhất định sẽ xuống chợ tìm bà, tìm con ngựa tía lông đỏ có 4 chân thật khoẻ thay con Dáy già đưa bà về. Bà đi bao nhiêu mùa chợ tim tôi không đau nữa đâu… Nhưng bà ngủ trên ván bách xanh thế này thì tôi đau lắm. Bà dậy đi! Dậy đi! Dậy đi mùa trăng này đi phơi sương cùng tôi. Sương già thế, phơi ba mùa là hoa lên men ngấu rượu…
Chợ Mường Hoa vẫn mỗi năm họp một lần vào mùa cúng nước. Năm nay có một người Thào Mông cùng đến ngồi bên ông Si từ sáng sớm cho đến tàn buổi chợ. Người Thào Mông đánh trống hay quá. Tiếng trống cho trai gái tìm đến múa xoè. Ông Si ghét người Thào Mông này, mấy lần định đuổi không cho ngồi cùng cơ mà tay trống của người Thào Mông này kéo hồn ông Si leo lên chín tầng mây, bay dạt dào qua bao đỉnh núi. Tiếng trống người Thào Mông này làm tiếng khèn của ông Si bật lên nức nở, cứa vào thịt da như đứt nghìn khúc ruột.
Ông Si mấy lần đã định hỏi người Thào Mông sao bây giờ mới đến chợ Thung Hoa. Mà càng uống rượu vào, ông Si càng quên. Ông Si muốn hỏi người Thào Mông. Chắc mày cũng vô duyên như tao không có lấy một mảnh tình cũ để đến chợ tình. Nếu có mày đã đạp sương xuống chợ. Nghĩ đến đây, ông Si vui quá cười ha ha. Ông Si múa lớn điệu khèn vui. Nhưng sao tiếng khèn của ông cứ run lên. Khèn cũng nhớ bà Sa như ông sao mà hoà điệu thương điệu nhớ. Rốt cục người như ông không muốn xuống chợ mà mỗi năm vẫn phải đạp núi xuống thung một lần. Thung Hoa làm ông đau bã bời vì xuống chợ ông lại thấy bà Sa ngồi uống rượu khóc khô. Bà khóc không nước mắt, chỉ thấy hai mắt đỏ rưng rức. Ông không muốn đi chợ cũng vẫn phải xuống để dìu bà Sa về. Dìu bà Sa say chất ngất hết đoạn đường, nước mắt ông Si cũng xói tim mà dốc ngược vào trong. Ông chỉ muốn đi qua quãng núi nào, nỗi đau theo sương mà rớt xuống chân, tan biến như hơi rượu. Mỗi lần vậy, ông chỉ muốn rượu hoa làm ông mất trí hẳn. Ôi, ông Si muốn bảo người Thào Mông ngừng múa trống uống với ông chén rượu, để ông hỏi điều bấy lâu canh cánh trong lòng. Nước mắt ông Si to tròn nóng hổi rơi đồm độp làm thủng lỗ chỗ cả cụm sương già quấn chân.
Ây dà, ông Si lấy tay ngăn không để nước mắt tự ý rơi. Ông muốn hỏi người Thào Mông giỏi múa trống kia quá, sao giống người Thào Mông múa trống trong đám tang năm ngoái của bà Sa.
Nhưng rượu hoa làm ông mất trí rồi.
Rượu hoa làm ông mất trí.
Mùa xuân cuối cùng. Thung Hoa còn thấy hai ông già ngồi cạnh nhau.
Họ ngồi hát cùng nhau vì họ đã quá già, không ai đủ sức để thổi khèn đánh trống nữa.
Từ đó, Thung Hoa không còn ai nhìn thấy họ
Chợ tình vẫn họp ngày một đông đúc xôn xao.
Mọi người quên mất bà Sa.
Họ quên luôn có ông Si mặt buồn xuống chợ tìm bà về.
Họ quên mất có một người Thào Mông rời bản Mường Hum lâu lắm, nay mới trở về bên Thung Hoa trong cơn mưa Tớ dày ngập lối.
16/12/2023
Như Bình
Nguồn: Văn Nghệ 2022-24
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...