Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Bìm bịp trong lòng

Bìm bịp trong lòng

Tôi hẹn gặp chị Mận sau cuộc điện thoại đầy nước mắt. Cú điện thoại bất ngờ sau mấy mươi năm tôi đi tìm mà chẳng gặp. Chị xuất hiện và chặng đời dài trải ra trong một chiều sóng nước Cần Thơ tròng trành phận lữ thứ. Qua năm bảy người quen bắc cầu chị mới lần hồi ra số điện thoại.
Cuộc nói chuyện qua sóng điện thoại vỏn vẹn một tiếng với lời nỉ non của chị khiến tôi bời bời tấc dạ. Đất Mũi mù xa thiệt nhưng lòng người rộng mở. Em cứ tới một lần đi rồi sẽ hiểu. Em tới ngó Mũi Cà Mau xem có giống người ta miêu tả qua sách báo không? Đừng nói với chị đường xa ngái em ngại bước chân nghe. Bây giờ, từ chỗ em ở đi liền một mạch tới Đất Mũi luôn được rồi. Dễ ợt thôi mà!
Tôi tò mò muốn biết ai đã kéo chị về nơi chót mũi ấy, quanh năm nhà mở cửa đón gió căng đầy, và biển lúc nào cũng cồn lên những cơn sóng dào dạt vỗ bờ. Tôi và chị quen biết đã lâu. Từ thời sinh viên từng ở chung phòng, ăn cơm chung mâm toàn cá khô mục kho với tương hột, canh rau muống “toàn quốc”. Chân dép lào lên giảng đường Đại học. Sau giờ lên lớp, ngủ nghỉ chung, một thời gian rất dài.
Chị lớn hơn tôi vài tuổi lại là dân kháng chiến, đã một lần dang dở. Người yêu chị hy sinh sát ngày giải phóng miền Nam. Chị nói, chưa bao giờ quên anh nên khó mở lòng với bất cứ ai muốn tới với mình. Đôi mắt chị lúc nào cũng phảng phất một nỗi buồn, vì nhiều lẽ. Thời gian chị u sầu nhiều hơn gấp ngàn lần thấy được chị vui. Trong hành trang chị bao giờ cũng có tấm hình chân dung anh giải phóng quân đội nón tai bèo, cười rất tươi. Ánh mắt người trong hình như gởi gắm một niềm tin yêu tha thiết khiến chị luôn sống trong hoài niệm.
Tôi về Đất Mũi với chị đâu chừng hơn tháng sau. Tôi còn đang bối rối chưa biết đây là thực hay mơ, thì chị nói:
– Em vô nhà chào anh đi, hai anh em ngồi đây nói chuyện chị chạy ra vuông bắt vài con tôm, ít con cua lên đãi em.
Nói xong, chị tất tả chạy đi. Tướng người cực từ nhỏ lúc nào cũng tất bật dù việc quỡn đãi hay gấp gáp. Cái số chị khổ, muốn thư thả như em cũng không được. Vừa đi chị vừa nói.
Rồi chị bỏ mặc tôi với nguồn nước mắt mấy mươi năm kìm nén dành cho cuộc gặp gỡ này. Lát sau thấy chị khệ nệ bưng cái rỗ đầy cá, tôm sú, có cả cua nữa đặt trước mặt tôi và anh. Miệng nói, tay bắt những con cua chắc nụi đưa cho tôi xem. Giọng xởi lởi:
– Ủa! Làm gì em khóc hoài vậy? Ở đây nước đủ mặn rồi nghe! Đây em nhìn đi. Ngon lắm. Cứ ở chơi với anh chị vài bữa, ăn hoài không hết đâu. Hai anh em đã làm quen nhau chưa? Em có hỏi xem anh biết người yêu em không? Tội nghiệp, hồi đó nó yêu bộ đội lắm đó anh. Ai hỏi nó cứ nói có người yêu rồi. Ảnh đang chiến đấu bên K. Em ở chung nên biết. Nhớ người yêu khóc hoài hà.
Lời chị nói, người nghe đau điếng trong lòng.
– Ở chiến trường một đơn vị có cả ngàn quân, mà nhiều đơn vị như vậy làm sao biết hết được. Chỉ những trường hợp ở chung tiểu đội, trung đội thì may ra biết.
Tôi nghe từng đợt gió lao xao từ rừng đước thổi về, dù rất thoảng cũng đủ làm khoé mắt tôi thêm cay xé. Tiếng bìm bịp bắt đầu buông làm loang cả mặt nước khi mặt trời sắp thôi rực rỡ. Tôi hiểu, không có cuồng phong, nước không có cớ cuộn trào.
Giữa chúng tôi có một sợi dây vô hình nào đó siết chặt lại. Chị vẫn vô tư mừng rỡ. Đây là cuộc gặp định mệnh. Ông trời khéo bày vẽ trớ trêu. Nơi đây giờ là vùng đất đặc quyền của chị. Nó vững chãi như những rễ đước cắm sâu vào ngực đất, không ai có thể phá vỡ. Một mái nhà đang ấm êm, hạnh phúc, cửa rộng mở đón gió chướng về, hay ngọn bấc qua thì trong gian bếp kia ngọn lửa vẫn luôn bập bùng cháy.
Mái tóc dầy ngày xưa đã vơi đi ít nhiều, những sợi tóc đen cô đơn loà xoà lẫn trong mớ tóc trắng lưa thưa càng làm cho con người trở nên cũ càng hơn. Có lẽ lâu ngày chị không son phấn? Da sạm nắng, đầy vết thâm. Mà son phấn để làm gì, cho ai xem giữa cánh đồng nước mặn chan đầy nắng kia. Gương lược đôi khi sử dụng nhiều nhất một lần trong ngày. Chị vui hay buồn đôi mắt cũng ươn ướt của người không cần níu lấy thanh xuân nữa.
Đêm, dưới ánh trăng bàng bạc trải lênh loáng trên mặt nước, một chút tròng trành, chếnh choáng. Chị dặn anh đi ngủ sớm, đừng đợi, hai chị em còn tâm sự. Lòng người chùng lại, con nhện do dự giăng tơ trước gió, thoáng ngập ngừng.
– Hồi ấy, cơ duyên nào hai anh chị gặp nhau vậy? Đã đến lúc mọi thắc mắc trong lòng tôi cần phải biết rõ ràng nhất.
Chị cười nhẹ tênh. Chị có quen biết gì anh đâu. Năm anh bị thương từ bên K đưa về cùng chuyến với em trai chị. Chị đi nuôi thằng em, anh nằm cùng phòng, không có người nhà chăm sóc. Vậy là việc gì cần anh đều nhờ chị. Từ đó thành quen. Thằng em ra viện, anh còn nằm lại vì vết thương nặng hơn. Chị ở nhà được hai ngày, thấy bứt rứt trong người, lo cho anh không ai phụ giúp. Nói với má, chị đi có việc. Vậy là lên xe đi một mạch xuống bệnh viện. Tới nơi anh vẫn còn nằm đó, một mình, buồn hiu. Bốn mắt nhìn nhau, lẳng lặng mà hiểu thế thôi!
Một tháng sau ra viện, chính chị đưa anh về. Thấy nhà cửa đơn chiếc, má lại già yếu, các em còn nhỏ. Vậy là chị nói sẽ ở lại chăm sóc đến khi nào ảnh không cần nữa chị về. Mà em coi, thương binh cụt chân, chưa quen việc đi lại lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn. Thỉnh thoảng anh lên cơn sốt rét nữa. Hồi đó, chị quen anh Thắng tới khi ngày hy sinh còn chưa dám cầm tay. Còn với anh Vĩnh, chị thấy gần gũi thân thương thiệt lòng. Chắc là duyên nợ đời người!
Đêm vẫn phả gió lên mảnh đất cuối cùng của tổ quốc những cơn lạnh se thắt lòng. Hồi chưa gặp chị ảnh có người yêu không? Tôi tò mò muốn biết điều này. Chị lại tỉnh queo trả lời như đó là một điều chẳng khiến lòng vướng bận. Có. Chị có hỏi, người đó giờ ở đâu, nhưng ảnh trả lời không biết, rồi mặt buồn xo. Chị nghĩ ảnh nói thiệt em à. Đôi lúc thấy ảnh ngồi thẩn thờ chẳng khác người vô hồn. Đó. Giống như từ lúc gặp em là bạn của chị mà chẳng nói năng gì. Thiệt tình chị cũng ngại, em thông cảm nghe. Cái tánh vậy chớ tốt lắm. Bấy lâu nay sống với chị vì nghĩa thôi. Chắc còn nghĩ về người cũ, cũng khổ hé em?
Tâm hồn chị thánh thiện quá! Tôi buông lời khi gió thốc hơi phù sa bay mênh mang cả quãng trời đêm. Chớ chị biết làm sao? Em đã từng nghe con bìm bịp kêu chiều chưa? Nó buồn thê thiết lắm. Em từng thấy con bìm bịp mắt nó đỏ không? Vì nó khóc hoài sợ phải xa con. Em có biết người con gái nào bỏ xứ theo chồng về nơi xa không một người thân quen vẫn phải cắn răng chịu đựng? Chung quanh đây, em nhìn đi, đước, mắm mọc trùng trùng lấn biển. Mọi thứ xa tít mù, thăm thẳm một màu xanh nhưng màu nào là hình bóng quê nhà? Tất cả đều vời vợi nhớ thương. Mình gắn cuộc đời với nơi đây như đước cứ cắm mãi rồi quen dần với đất trở thành máu thịt của mình lúc nào chẳng biết.
Tiếng súng nổ ngoài biên giới, chiến tranh đã phá nát cuộc sống yên bình của người dân. Nó gây bao cảnh chia ly, mất mát, đau thương, thiếu phụ bơ vơ, con thơ côi cút. Sau giải phóng Phnom Pênh ba năm, chàng trai trẻ được về phép một lần. Đôi trai gái hẹn nhau ngày tàn cuộc chiến Tây Nam sẽ cùng nhau về quê sống đời thanh bình. Nhưng, chiến trường mịt mùng khói súng. Thời gian kéo người chiến sĩ đi qua mùa chinh chiến. Nhưng, thời gian lại trả về cô gái hậu phương đang đợi chờ một hung tin anh hy sinh trong một trận giáp lá cà cùng địch. Đúng là lần đó anh bị thương cụt mất bàn chân này. Ai cũng nghĩ anh đã hy sinh. May mà có chuyến bay tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội qua và chở thương binh về. Anh được về chuyến đó và nằm điều trị tại bệnh viện Quân khu một thời gian khá lâu. Vì vết thương bị nhiễm trùng. Nếu xử lý kịp thời đâu đến nỗi cưa chân. Nhưng thôi. Hoàn cảnh chiến tranh mà, phải chấp nhận. Lúc đó bộ đội mình bị thương về nằm chật kín bệnh viện. Đa số cụt chân do đạp phải mìn của bọn Pốt. Còn số hy sinh được chôn cất bên K cũng rất nhiều.
Cuộc trò chuyện nối hai miền thời gian giữa hai con người từ sau lần về phép đó khiến đêm châu thổ cồn cào sóng lòng. Bấy nhiêu đủ để tôi hiểu vì sao con bìm bịp kêu buồn đến vậy.
Tôi nhớ đêm đó trước khi vào nhà ngủ chị có hỏi
– À! Lâu nay em có được tin tức gì về người yêu em không? Lo nói chuyện chị mà quên hỏi em. Cũng mấy chục năm rồi chớ ít gì.
– Lúc trước có người nói anh ấy đã hy sinh. Em không tin. Mới đây thôi, em biết anh còn sống, đã có một gia đình ấm êm. Em rất mừng.
– Vậy em gặp lại người đó chưa?
Tôi không biết trả lời chị sao, bởi tôi chưa bao giờ nghe tiếng con bìm bịp kêu khi gặp lại người xưa mà chưa bao giờ cũ. Đêm vẫn mang mang những cơn gió. Gió Đất Mũi lạnh hay tại người xứ gạo trắng trăng thanh mới về đây lần đầu nên chưa quen dãi dầu như cây mắm cây đước.
Một tuần sau, trong điện thoại chị nhắn anh ngã bệnh, lần này yếu hơn hẳn. Chị hỏi rốt cuộc con bìm bịp gặp lại người xưa nó kêu làm sao? Con bìm bịp có vui không đổi tiếng. Có buồn cũng chẳng nức nở hơn. Duy chỉ có cái khác là tiếng kêu con bìm bịp khi lòng khắc khoải sẽ khô ran chứ không ngọt sóng nước phù sa. Nhưng em à, thiệt ra tụi mình ai cũng có một con bìm bịp trong lòng. Tôi đọc tin nhắn, bất giác nghẹn ngào. Thấy tiếng bìm bịp trong lòng mình bỗng khô ran.
5/1/2024
Cao Thanh Mai
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được...