Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Một chuyến về thăm "Góc sân và khoảng trời"

Một chuyến về thăm
"Góc sân và khoảng trời"

Bước qua cánh cổng, chúng tôi lặn vào không gian bình yên của ngôi nhà. Mặt sân được lát bằng thứ gạch đỏ nung già lửa, sạch như lau như li, vị trí đẹp nhất không gian thuộc về cây hoa giấy lâu năm. Trong khu vườn nho nhỏ, vài loại cây ăn trái đang chờ người đến hái. Mấy cây dừa cao vọt chìa ra những tàu lá to khỏe, nhòm xuống mái ngói rờm rợm màu rêu nâu.
Đang say sưa ngắm “quả trứng ốp la” vừa nhú ra ở phía Đông, không ai bảo ai, chúng tôi cuống cuồng chạy ào vào xe. Nhoáng một cái, cánh cửa nơi ghế trước đóng lại, nhà thơ Trần Đăng Khoa thốt lên:
– Các mợ nhanh nhẹn thật!
Phải thế chứ! Có hẹn với nhân vật bận đến mức thời gian được tính bằng nano giây, cùng lúc đảm đương 11 công việc ở 11 vị trí khác nhau, mà vị trí nào cũng vô cùng danh giá, chúng tôi sao có thể cà kê.
Tôi ngồi ở ghế sau, giữa hai cây viết cực tốc độ – nhà văn Kiều Bích Hậu và nhà văn Khánh Phương, chẳng thể kìm nổi tràng cười sảng khoái hồn nhiên bật ra sau mỗi câu nói của tác giả “Hạt gạo làng ta”. Tôi trộm nghĩ, Trần Đăng Khoa nếu không phải là thần đồng thơ thì biết đâu chừng bây giờ ông đã là một đại thụ làng hài. Duyên chọc cười của ông có lẽ ai gặp cũng phải nể, phải dấm dứt ôm bụng cười bò.
Bình minh hiền lành mướt mải đuổi theo xe chúng tôi cho đến khi hóa thân thành những trảng nắng gắt gỏng, nhăm nhe xuyên thủng lớp kính dày như muốn cảnh báo rằng, El Nino năm nay kéo dài, các người đừng hòng được thấy mùa đông.
Con đường chất lượng kết nối Hà Nội và Hải Dương tạo điều kiện cho xe chúng tôi bứt tốc. Màu xanh rầm rì của hàng cây bạch đàn cao ngút bên đường ru hai người chị cạnh tôi vào giấc ngủ chóng vánh. Tôi cố nhướn cặp mi mỏi nhừ lên để hóng hớt không khí xung quanh. Nhà thơ Trần Đăng Khoa là người tỉnh táo nhất đoàn, ông đang kể cho nữ tài xế nghe vài câu chuyện hài, chắc có ý giúp cô ấy tỉnh táo vì đường về quê ông còn xa.
Trước khi có duyên đến thăm nơi chôn rau cắt rốn của anh em nhà thơ Trần Nhuận Minh – Trần Đăng Khoa, làng Điền Trì hiện lên trong tâm trí tôi vỏn vẹn trong 4 chữ “Hạt gạo làng ta” – bài thơ được sáng tác khi Trần Đăng Khoa còn rất nhỏ. Một thời, khách thập phương nô nức tìm đến làng Điền Trì để diện kiến cậu bé làm thơ được coi là thần đồng. Thậm chí, tập thơ “Góc sân và khoảng trời” với những dấu ấn khó quên của tuổi thơ Trần Đăng Khoa được in lần đầu khi tác giả mới 10 tuổi, còn nhận được sự ngưỡng mộ của biết bao thế hệ yêu nghệ thuật.Giờ tôi mới rõ, Làng Điền Trì của chú bé Khoa năm xưa nay là thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Nữ tài xế người Hải Dương kể rằng, cậu con trai nhỏ của cô, khi biết mẹ mình có duyên đón nhà thơ Trần Đăng Khoa về quê, thì cứ rối rít:
– Mẹ ơi mẹ! Mẹ có số điện thoại của ông “Hạt gạo làng ta” không mẹ? Mẹ nhớ chụp ảnh với ông “Hạt gạo làng ta” nhé mẹ!
“Con bướm vàng/ Con bướm vàng/ Bay nhẹ nhàng/ Trên bờ cỏ/ Em thích quá/ Em đuổi theo…”.
Độc giả nhí biết đến ông “Hạt gạo làng ta” thì hẳn sẽ thuộc lòng bài thơ “Con bướm vàng” – tác phẩm nằm trong tuyển tập “Góc sân và khoảng trời”, nay đã được tái bản lần thứ 153.
Ở tuổi 65, thần đồng Trần Đăng Khoa ngày nào đã lên chức ông của thế hệ độc giả thiếu nhi bây giờ, nhưng tâm hồn dí dỏm của ông vẫn có thể làm bạn với tụi “nhất quỷ nhì ma” này. Tôi để ý, ông vui vẻ và hào hứng lạ thường mỗi khi ai đó nhắc đến trẻ con.
Đoạn đường hẹp dần như muốn nhắc nhở làng Điền Trì đang ở rất gần. Thời điểm đông chưa kịp tới, thu chưa kịp đi, ruộng hai bên đường làng rợp trong màu xanh sậm của những cụm hành, tịnh không thấy một bông lúa nào.
Thứ màu xanh ảo diệu khác khiến tôi ngẩn ngơ là mặt nước phẳng như mặt băng của khoảnh ao đầu làng. Nơi này chứa đựng ký ức tuổi thơ của biết bao người dân Điền Trì, thế nên nó mới có được vẻ ngoài dịu hiền và tĩnh lặng đến mức khiến những viễn khách như chúng tôi cũng muốn “ăn chực” một chút cảm xúc khi lướt qua.
Con đường càng hẹp thì càng quanh co, đến đoạn không thể nhích thêm chút nào nữa, xe chúng tôi đành dừng. “Góc sân và khoảng trời” chỉ còn cách chúng tôi vài chục mét. Con ngõ dẫn vào ngôi nhà xưa của anh em nhà thơ nổi tiếng đã ở trước mắt. Người đầu tiên ra đón chúng tôi là nhà thơ Trần Nhuận Minh. Dáng vẻ rắn chắc gọn gàng, nhanh nhẹn, giọng nói đầy năng lượng khiến chúng tôi không tin ông đã cận kề tuổi 80. Em trai yêu quý của ông nhanh nhảu “phốt” ngay rằng, mỗi ngày anh trai bơi 10 kilomet nên mới trộm vía thế đấy.
Trong mắt người yêu thơ và giới phê bình thơ, Trần Nhuận Minh đã sử dụng thành công bút pháp hiện thực theo truyền thống thơ Đỗ Phủ, sở hữu những vần thơ da diết, đau đáu một nỗi niềm nhân thế. Còn trong mắt người thân và bè bạn, Trần Nhuận Minh quả thật là một bậc kỳ tài về chăm sóc sức khỏe.
Sau khi thưởng thức vị trà đặc biệt nhà thơ Trần Đăng Khoa chu đáo mang từ Hà Nội về, chúng tôi được nhà thơ Trần Nhuận Minh đưa đi thăm nhà lưu niệm – nơi lưu giữ kỷ vật và tư liệu vô giá của gia đình.
Kỳ thực, đây là ngôi nhà được cha mẹ hai ông gây dựng năm 1972 để thay thế cho ngôi nhà gianh, nay hai anh em góp sức, kỳ công tu sửa để níu giữ lại phần ký ức không chỉ của gia đình mà còn là hoài niệm của biết bao thế hệ thiếu nhi lớn lên trong những năm chống Mỹ.
Sau khi ngôi nhà được tu sửa, nhà thơ Trần Nhuận Minh đầu tư nhiều thời gian sưu tầm tư liệu, sách vở, hình ảnh quý về cha mẹ và về hai anh em, gom lại hết ở đó. Ở giữa căn nhà là gian thờ tưởng nhớ cha mẹ. Hai bên là không gian dành cho hai anh em. Phần còn lại là những hiện vật gắn bó với cuộc sống của cha mẹ, với tuổi thơ của hai anh em. Ngoài nhóm viết chúng tôi, lần này nhà lưu niệm của Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa còn đón đoàn truyền hình, nhà báo từ một tỉnh xa về làm phóng sự.
Trong không gian hoài niệm này, tôi thấy cơ man nào là sách. Với tài năng và năng lượng vô cùng vô tận của hai anh em, sách tuôn ra nườm nượp không phải chuyện lạ. Nhà thơ Trần Nhuận Minh lúc này trong vai trò hướng dẫn viên, giới thiệu từng mốc thời gian mỗi cuốn sách ra đời. Riêng ông có đến hơn 60 đầu sách đã xuất bản, trong đó “Trường ca đá cháy” đã tái bản lần thứ 34. Sách ở đây, ai thích cuốn nào thì có thể mang về, miễn phí. Mà nếu cảm thấy áy náy thì có để đặt vài đồng tượng trưng vào chiếc hũ sành.
Điều đáng ngưỡng mộ ở nhà thơ Trần Nhuận Minh là sự chăm chỉ và tinh thần ham học hỏi. Ông kể thời trẻ, có bao nhiêu tiền ông đều dồn mua sách, có thời điểm, sách của ông lên đến hàng vạn cuốn. Sách mua có xe chở về, đổ thành đống, nhờ người gánh về nhà.
Nhà lưu niệm bây giờ vẫn còn giữ tủ đựng sách của anh em Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa được đóng năm 1966. Ngỡ ngàng hơn nữa là hai anh em vẫn giữ được những bức thư của tác giả “Dế mèn Phiêu lưu ký” – nhà văn Tô Hoài, tác giả “Tiếng hát con tàu” – nhà thơ Chế Lan Viên, tác giả “Tràng Giang” – nhà thơ Huy Cận. Họ đều là những người bạn hữu của gia đình.
Anh em tác giả “Góc sân và khoảng trời” còn giữ được những hiện vật khiến người xem xúc động. Nào là chiếc võng cha mẹ nhà thơ vẫn ngồi, chiếc chõng tre gia đình thường dùng tiếp đón nhiều khách văn chương nổi tiếng ở Hà Nội về thăm, chiếc vại sành, chiếc cối đá, cái chạn bát, quang chành, chiếc đòn gánh cong…
Nhiều hiện vật còn trang trọng gắn mảnh giấy đề những câu thơ của Trần Đăng Khoa mà ai nấy đều thuộc lòng: “Nghe trời trở gió heo may/ Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau…”; “Em đi chọc ếch chiều nay/ Giỏ không, thoắt đã đựng đầy tiếng kêu…”; “Chỉ có hạt gạo mẹ sàng/ trên nền đất/ Mới nuôi con thành một chàng trai/ Bay lên bầu trời…”.
Chứng kiến Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa nâng niu, âu yếm lưu giữ từng kỷ vật trong ngôi nhà, chúng tôi chỉ biết lặng thinh để bày tỏ sự kính trọng và ngưỡng mộ. Chuyến du hành về tuổi thơ của hai nhà thơ nổi tiếng dường như lắng đọng mãi ở chiếc giỏ đựng ếch, chiếc sàng sảy gạo, cái chạn đựng bát…
Đúng thật như ai đó từng nói, ký ức về làng quê của hai anh em nhà thơ Trần Đăng Khoa và Trần Nhuận Minh, cũng chính là ký ức của nhiều người. Bởi vì trong chúng ta, gần như ai cũng được sinh ra từ làng, hay là đều có một quê hương nguồn cội, đều có một góc sân và khoảng trời của riêng mình, để khi lớn lên, được bay cao bay xa, thì lại đau đáu nhớ về. Vẻ đẹp của cuộc sống thật ra cũng giống như niềm hạnh phúc nằm sâu trong ngăn ký ức tuổi thơ, mà nếu không gìn giữ, thì sẽ chẳng bao giờ tìm thấy.
Tôi và những người chị văn chương nhanh nhẹn đuổi theo bước chân bận rộn của nhà thơ Trần Đăng Khoa để kịp lên xe trở lại Thủ đô trước giờ tan tầm, hành lý ních đầy cảm xúc và những gói quà quê, nào bưởi, nào chuối… được chị ruột Trần Thị Bình và anh rể nhà thơ Trần Đăng Khoa tự hái.
Đón trên tay những sản vật đơm hoa kết trái từ mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng hai nhà thơ xuất chúng, tôi thấy biết ơn và trân quý vô cùng. Trảng nắng quái ác của mùa dở thu dở đông đậm chất El Nino dường như tan biến trong tiếng cười và sự nồng hậu của người Điền Trì. Chúng tôi lại có thêm một địa chỉ yên bình ghi trong cuốn sổ tay để tìm về mỗi khi thấy thèm và nhớ không khí rộn rạo, đượm ấm tình quê.
20/12/2023
Thủy Kiều
Nguồn: LĐO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi mê 3000000

Cõi mê 3 Mười Sài Gòn, ngọc viễn đông, ngọc phương nam Ông Trọng vừa ăn xong bữa cơm tối một cách mệt mỏi. Ăn mà mệt, đó là bữa ăn của một...