Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Nắm đất tình quê

Nắm đất tình quê

Đất là một vật vô tri, vô giác. Bình thường nó đứng yên một chỗ trừ khi có tác động của con người hoặc biến cố thiên nhiên, đất làm nên những cuộc xê dịch, biến đổi hình dạng khác nhau.
Đất, qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, người thợ lành nghề ngành gốm sứ đã tạo ra những sản phẩm rất tuyệt vời, dùng để trang trí, được ưa chuộng khắp nơi. Cũng con người đã nhào nặn đất thành hình hài và thổi linh hồn cho những vật vô tri đó sống động hơn. Lạ thay, khi trở thành “tác phẩm” nghệ thuật, đất càng trở nên có giá trị. Vì vậy, nó được con người nâng niu, cẩn thận, nhẹ nhàng hơn vì nếu không khéo sẽ vỡ tan tành. Vậy mới biết vật chất luôn thay đổi muôn hình vạn trạng. Nhưng đất đâu chỉ có thế.
Chẳng phải có một thời chúng ta từng ở trong những ngôi nhà tranh vách đất đó sao? Thậm chí có cả một trường Đại học ở đồng bằng cũng “xây” những khu giảng đường như thế. Rất may, hình thức bên ngoài không tác động ý thức con người thời buổi khó khăn. Nếu ai đã từng ở trong ngôi nhà, từng học dưới mái trường làm bằng vách đất ngày xưa, đến nay chắc chưa thể nào quên dù bây giờ những nơi đó đã thay tường gạch, mái tol, mái bằng khang trang hơn rất nhiều.
Tôi hay đem những ngăn ký ức cũ ra lau chùi nên thỉnh thoảng có đắm chìm với những kỷ niệm xưa.
Một trong những nỗi nhớ ấy có liên quan đến đất.
Hồi đó, thật ra, bây giờ ít ai còn nhớ. Mỗi lần đi đâu xa má tôi hay gói một nắm đất đựng trong cái túi nhỏ bỏ vô giỏ đồ mang theo. Tôi hỏi để làm gì? Má nói “tới chỗ lạ không bị chói nước”. Nghe thì biết vậy chớ đâu hiểu một ý nghĩa sâu xa nào khác.
Rồi tôi lớn lên, nếu đi một mình, má cũng dặn làm như vậy. Một việc làm được lặp lại nhiều lần thành thói quen. Đôi khi thấy có chút vướng víu, nhất là đi đâu bằng máy bay, qua các khâu kiểm tra rất phiền phức, nên thôi. Biết má buồn nhưng vì cái sự bất tiện kia riết rồi cũng phải thông cảm.
Má tôi hiền lắm không bao giờ càm ràm con cái dù vẫn thường xuyên nhắc nhở việc này, việc kia.
Ngày tôi rời quê theo chồng lập nghiệp ở một nơi cách nhà hơn trăm cây số. Má đã gói sẵn nắm đất và dặn nhớ đem theo nghe con. Tôi nghe man mác một niềm thương nỗi nhớ nơi chốn cố hương. Tấm lòng của má, tôi đâu nỡ chối từ.
Mỗi khi ra đứng cửa sau, mây chiều chuyển hướng sa mưa, nhớ tiếng mo cau rụng ngoài vườn và cái giật mình thảng thốt của má, tôi cúi nhìn xuống lắng nghe lời thì thầm của đất. Hình bóng quê nhà hiện ra và dáng má ngồi buồn rười rượi, rưng rưng, lòng thắt thẻo dõi theo bóng con dần xa khuất, lúc đó tôi mới hiểu tại sao má thường nhắc mang nắm đất theo mỗi khi xa quê.
Lúc tôi cất nhà nơi ở mới, má cồn cả mang lủ khủ đồ quê tới và tất nhiên không quên nắm đất quê nhà. Lần này má bỏ đất ra trộn lẫn với miếng đất tôi đang sống. Má làm một cách cẩn thận như gởi gắm vô đó một tình thương, một lời nhắc luôn biết tìm về xứ sở quê hương.
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Đất có linh hồn không? Có thể là không. Nhưng tình thương của má đã thổi bùng ngọn lửa sưởi ấm lòng tôi mọi lúc. Có thể nỗi nhớ sẽ dần nguôi ngoai theo năm tháng, khi nhớ má tôi luôn thấy bình yên và ấm áp vô cùng. Việc làm của má tuy đơn giản nhưng sâu sắc, nhất là đối với ai xa quê sẽ càng thắm thía hơn nhiều. Hồn quê cứ thế lớn dần, len lỏi trong từng mạch máu. Đến một lúc nào đó thấy nó thắm đượm, nồng say là lúc ta quay quắc nhớ đến cồn cào.
Tôi có dịp đi khá nhiều nơi, mỗi nơi đặt chân đến thấy có nhiều cảnh đẹp, thích thú, ước ao và so sánh với quê nhà… Nhưng ở năm ba ngày nỗi nhớ nơi mình được sinh ra, ngôi nhà mình đang sống, những suy nghĩ thoáng qua đó nhanh chóng tan biến đi. Mỗi chúng ta ai cũng luôn “vọng cố hương, biết thương xứ sở”. Điều này tôi có được từ những lần má nhắc về nắm đất nên mang theo bên mình. Má đã gieo vào lòng tôi tình yêu chân chất, hồn hậu của người châu thổ luôn biết quí từng hạt phù sa bồi lắng, tạo ra một làng quê trù phú, một bãi bồi lấn biển thêm rừng. Trên hết là mảnh đất nơi tôi được sinh ra và lớn lên, nơi gắn liền với tuổi thơ ngập tràn trong ký ức.
Đất cũng là những nguồn cơn “giận quá mất khôn”, những tranh chấp bất hoà trong anh em dòng họ. Những xung đột lớn hơn giữa các láng giềng xâm lấn đất đai. Tình làng nghĩa xóm mất đi. Mối giao hoà rạn nứt cũng vì đất.
Vì mưu sinh phải đi lập nghiệp nơi xa nhưng hình bóng quê nhà luôn hiện hữu trong tôi. Mà lạ lắm. Càng lớn tuổi nỗi nhớ quê càng trở nên da diết. Tôi nhớ mái nhà nhỏ đơn sơ mỗi khi mưa dột không chỗ ngủ. Nhớ vị trí từng gốc cây lớn nhỏ trong vườn. Tôi không biết “trời” ban cho tôi một trí nhớ tốt, hay do tôi luôn sống trong hoài niệm mà đến cái mô đất thấp cao trong vườn, hang cua, hang còng dưới những con mương dẫn nước vô vườn tôi cũng nhớ. Tôi nhớ cả đám cỏ lá tre mọc xanh um dưới gốc quýt cạnh đầu mương. Và những giọt sương long lanh trong nắng sớm.
Tôi lại nhớ lời của một thiền sư đã viết: “Trăm triệu hạt mưa rơi không hạt nào rơi nhầm chỗ”. Nhưng có một hạt mưa trong suốt, lặng lẽ rơi mỗi khi nhớ con cháu nơi xa làm tôi ứa nghẹn, rưng rưng. Tôi biết đã đến lúc, ngọn đèn kia đang dần cạn, có đổ dầu thêm vô cái tiêm cũng không thể bùng cháy rực rỡ lên được nữa.
Dù bây giờ, không còn ai nhắc con cháu về việc đem nắm đất theo mỗi khi có việc rời quê. Có thể việc “chói nước” đã trở thành quá cũ. Riêng đối với tôi nó vẫn luôn ẩn sâu trong tiềm thức. Lần gần đây nhất, khi tiễn má đi xa lần cuối, ai đó đặt vào tay tôi nắm đất gởi theo để má an lòng, tôi mới hiểu cuộc người cuối cùng chỉ còn lại bấy nhiêu thôi. Tôi đã oà khóc, nhớ về nắm đất tình quê của má. Chẳng phải tất cả chúng ta khi trở về với cát bụi đều được người thân đưa tiễn bằng một nắm đất đó sao?
Viết trong những ngày nhớ má
13/12/2023
Cao Thanh Mai
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi mê 3000000

Cõi mê 3 Mười Sài Gòn, ngọc viễn đông, ngọc phương nam Ông Trọng vừa ăn xong bữa cơm tối một cách mệt mỏi. Ăn mà mệt, đó là bữa ăn của một...