Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Từ ả đến cái ả

Từ ả đến cái ả

Đọc lại câu văn này, bèn vỗ đùi cái đét rồi tủm tỉm cười: “Lạ gì thói đàn ông! Chẳng qua nhờ môi miệng, chim được cô ả tầm phơ thì cũng gỡ gạc chơi. Tội gì không! Phải xa vợ quanh năm thì anh nào chẳng giống anh nào? Vả lại có thiệt gì! Mỗi tháng mất năm hào để thuê nhà, đi giải phiền một lần cũng mất đến thế rồi. Mà lại lắm thứ lo. Đằng này vừa rẻ, vừa chắc chắn”. Ông nhà văn Nguyễn Công Hoan nói “trúng tim đen” của nhiều đấng mày râu.
Về chữ nghĩa, cơn cớ gì từ ả lại xuất hiện? Ta hãy so sánh với đoạn ngắn trong một lá thư in trong tập “Hoàng hậu Nam Phương” qua một số tư liệu chưa công bố (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh – 2023) của nhà sưu tầm Phạm Hy Tùng: “Bà Hoàng có gửi thư cho Ả, bà nói muốn về nước để thăm Ả và con kẻo nhớ quá nhưng sợ con không cho nên bà không dám… Còn Ả xin con trong giai đoạn này rất khó khăn nguy hiểm. Con nên thận trọng. Không nên săn bắn và chơi nhởi. Ả lấy làm lo quá. Con nên thương Ả” (tr.156). Ả là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba? Ả là danh từ riêng? Nếu không phải, vậy ả có nghĩa là gì?
Với câu hỏi này, tôi đồ rằng hầu hết những ai yêu thích “Truyện Kiều”, ngay lập tức nhớ đến câu: “Đầu lòng hai ả tố nga/ Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân”; hoặc thơ Hàn Mặc Tử có câu: “Tôi ưng ả thuyền quyên/ Cốt để dò xem ý lạ”. Ả trong ngữ cảnh này là chỉ cô gái trẻ. Cách nói này trung tính, chỉ phản ánh những gì mắt thấy tai nghe, không bình phẩm, không thể hiện sự đánh giá chủ quan.
Thật ra, trong một câu thơ, một đoạn văn, ngay cả giao tiếp hằng ngày, tùy vào trường hợp cụ thể, ta sẽ thấy tác giả, người nói cũng bộc lộ thái độ rõ ràng khi sử dụng từ ả cho nhân vật nào đó. Thí dụ, “Bên thì mấy ả mày ngài/ Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi”, dù không hiểu “mày ngài” nghĩa là gì, Nguyễn Du sử dụng theo điển tích, điển cố gì nhưng một khi nó “đối xứng” với từ “làng chơi” đã cho thấy sự chung chạ, đàn đúm của một nhóm người không đàng hoàng, đứng đắn cũng là loại “Mèo mả gà đồng”. Từ ả ở đây ta hiểu là “Nói những đàn bà con gái không có giá trị” – theo “Việt Nam từ điển” (1931), tức cách nói đánh giá thấp tư cách những người ấy.
Vậy, ả trong câu tục ngữ “Ăn như thuyền chở mã, làm như ả chơi trăng/ Ăn như thợ ngõa, làm như ả chơi trăng” “, ta cũng hiểu ả như trên? Khoan vội trả lời. Xin giải thích “mã/ chở mã” là chở hàng mã – những thứ đồ dùng để đốt khi cúng cho người dưới cõi âm – nó được đan bằng nan tre, bề ngoài dán giấy nên nhẹ hều, do đó, chở bao nhiêu cũng không khẳm; còn thợ ngõa, là thợ lợp ngói, nói chung là thợ xây, thợ nề làm công việc nặng nề, vất vả. Ngõa là từ Hán Việt nghĩa là ngói. Cả hai câu này, hiểu theo nghĩa bóng nhằm phê phán, cười chê ai đó tham ăn, lười làm.
Nếu “ả mày ngài” đi chung với bọn “làng chơi” nhằm chỉ cùng một giuộc, một phường không ra gì thì “thuyền chở mã/ thợ ngõa” chỉ những việc chính đáng/ những người lương thiện, vì thế một khi sánh cùng với “ả chơi trăng” thì ả chính là từ chỉ đàn bà con gái nói chung. Hoàn toàn khác với cách nói về mấy ả ở lầu xanh trong câu thơ Kiều. Rõ ràng, từ ả dùng chỉ hai hạng người khác nhau, hoặc xem thường hoặc không tỏ thái độ gì.
Tuy nhiên, ả không chỉ có những nghĩa như thế. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết “Đống rác cũ” của nhà văn Nguyễn Công Hoan có mẩu đối thoại: “Tôi chúa ghét đàn ông hay lăng nhăng, bạc tình, chỉ làm hại đàn bà con gái”. “Chà! Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên. Bụt trên tòa, gà nào dám mổ mắt”. Ta chú ý đến cụm từ “Tại anh, tại ả” và dễ dàng liên tưởng đến câu cửa miệng: “Việc ấy chẳng phải tại ai/ Tại anh, tại ả tại cả đôi bên”.
Cả hai câu này với từ “anh, ả” đều là tình huống ai đó nói về/ đánh giá về nhân vật thuộc ngôi thứ 3. Ả trong trường hợp này lại là chị, ta hiểu là ý muốn nói chuyện đó, sự việc đó của anh chị đó là do hai người đó gây ra, chứ không phải do tác động của ai khác. Anh ả tức anh chị, còn có thể tìm thấy trong câu: “Xứng anh xứng ả, xứng cả một đôi”.
Có hiểu như thế, ta mới dễ dàng giải thích câu tục ngữ “Làm anh, làm ả thì ngả mặt lên”. Ngả ở đây nghĩa là ngửa. Đã làm anh làm chị trong nhà/ tổ chức/ cơ quan/ công ty thì phải sống thế nào cho đáng mặt, xứng với uy quyền, chớ nên làm sai trái điều gì để rồi vì mắc cỡ, hổ thẹn phải lịt mặt, cúi gằm mặt không dám ngửa mặt nhìn khi gặp người vai vế thấp hơn. Với từ ả có nghĩa là chị, tìm về “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651), ta thấy hàng trăm năm trước người Việt đã sử dụng: “Ả, chị ả: Người chị sinh đầu tiên”.
Trở lại với bức thư trên, ngoài từ Ả, ta còn bắt gặp từ nhởi/ chơi nhởi, tập sách này chú thích: “Nhởi tức chơi đùa (phương ngữ)”. Cụm từ này xuất hiện trong câu: “Không nên săn bắn và chơi nhởi. Ả lấy làm lo quá”, ta sẽ thấy chú thích này không hợp lý ở chỗ nếu con chỉ chơi đùa tức đùa chơi, chơi giỡn một cách vui vẻ, vậy, có gì Ả phải lo?
Thật ra Ả lo là đúng vì chơi nhởi tức là chơi bời – “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích. Chơi bời ở đây là hiểu theo nghĩa mê đắm những thú tiêu khiển không lành mạnh, tiêu xài phung phí, ăn chơi trác táng, có những mối quan hệ phức tạp… Một khi nói đến chơi bời, ta thường nghe nói đến một vài cụm từ liên quan như “chơi bời hút xách”, “chơi bời lêu lổng”… Thế thì Ả lo nên dặn dò là phải rồi.
Không chỉ có “ả” mà còn có “cái ả”, có thể tìm thấy trong ca dao:
Thằng Ngô lắm nhẫn nhiều vòng
Làm cho cái ả phải lòng thằng Ngô
Một khi từ “cái/ cái ả” xuất hiện ở đây, cho thấy người nói đang đánh giá kẻ thấp hơn mình, ít ra về tuổi tác, tỏ ý xem thường, tương tự cách nói “cái thằng nọ”, “cái con mẹ kia”. Nay, ta thử tách riêng từ “cái” để bàn thêm, thí dụ, trong phép ăn uống của người Việt có câu: “Khôn ăn cái, dại ăn nước”. Nếu nắm rõ về một trong những cấu trúc đặc thù của tục ngữ, ta thừa biết rằng, trong câu này có hai vế đối với nhau: khôn – dại; cái – nước là từ trái nghĩa. Cấu trúc này cũng tương tự như “Khôn làm văn tế, dại làm văn bia”, “Khôn nhà, dại chợ”, “Miệng khôn, trôn dại”, “Hết khôn dồn đến dại” v.v… Dù không giải thích nhưng ai cũng thừa biết trong ngữ cảnh “Khôn ăn cái, dại ăn nước”, nước – chất lỏng khi nấu món ăn nào đó. Vậy, trái nghĩa với nước là cái – phần đặc còn lại, chất lương nhất, tùy theo nấu món gì.
Thế thì, ta hiểu làm sao với câu “Con dại cái mang”? Nếu nắm rõ về một trong những cấu trúc đặc thù của tục ngữ, ta thừa biết rằng, từ nguyên nhân sẽ dẫn tới kết quả, thí dụ như “Bụng làm dạ chịu”, “Tham thực cực thân”, “Bé chẳng vin, cả gẫy cành”… Lẽ ra con dại thì con phải chịu lấy, phải mang lấy, nhưng không, lại cái. Vậy cái là gì? Cái là từ Việt cổ dùng để chỉ người mẹ. Câu tục ngữ này nhấn mạnh đến vai trò giáo dục của người mẹ dành cho con, bởi thế mới có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
Nhằm chỉ về mẹ, không chỉ có từ “cái” mà còn có dăm từ khác nữa. “Từ điển Việt-Bồ-La” của A. de Rhodes (1651) ghi nhận cách nói của người Việt từ hơn 300 năm trước: “Áng ná: Cha và mẹ”. Về sau từ “ná” đã dần dần chuyển thành “nạ”, ta có thể tìm thấy trong câu “Sẩy nạ quạ tha”, “Đòng đòng theo nạ, quạ theo gà con”… Theo năm tháng từ “nạ” không còn phổ biến nữa, nếu còn chăng chính là “nạ/ nạ dòng” nhằm chỉ người đàn bà lớn tuổi, đã có chồng. Do không hiểu từ nạ nên người ta đã thay đổi bằng từ khác, chẳng hạn “Quen nhà mạ, lạ nhà chồng” hoặc “Chờ được vạ, má đã sưng”…
Không rõ, từ lúc nào tiếng “cái” biến mất trong cách gọi về mẹ? Khảo sát từ ca dao, tục ngữ, ta biết ở thế kỷ XVIII vẫn còn xuất hiện: “Em về nuôi cái cùng con/ Anh đi trẫy hội nước non Cao Bằng”; “Dấu Bố Cái rêu in nền miếu/ Cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa” (Phú Tây Hồ).  Nếu lấy “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) làm mốc thì ta biết trong thời điểm đó, “cái” không còn sử dụng để dùng chỉ người mẹ nữa, mà dùng để chỉ… con/ con gái. Ngộ nghĩnh chưa? “Con cái: Con trai và con gái, chỉ dùng cho người”. Cách hiểu này vẫn tồn tại đến nay, thí dụ một người đến chơi bạn đã hỏi: “Dạo này con cái học hành thế nào?” là hỏi con trai lẫn còn gái. “Con cái: Con, thế hệ con nói chung: Con cái đã trưởng thành, chăm lo việc học hành của con cái” – theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999).
Đừng tưởng, “cái” nhằm chỉ con gái như “Từ điển Việt-Bồ-La” ghi nhận, nay đã mất đi. Không đâu. Vẫn còn đó. “Cái” lại dùng để chỉ thân mật bạn bè cùng trang lứa, chẳng hạn, “Kìa, cái Thúy vừa tậu chiếc xe mới”. Nhưng gọi “cái con mẹ Thúy”, “cái ả Thúy” lại hàm nghĩa xem thường, khinh bỉ, miệt thị.
Tóm lại, ta hiểu từ Ả trong bức thư như thế nào?
Ta biết, thư này là mẹ viết cho con. Cụ thể bà Từ Cung viết cho con là cựu hoàng Bảo Đại vào ngày 22.12.1949, khi ông trở về nước và sống ở Đà Lạt. Hiểu “ả” có nghĩa là “mẹ” trong trường hợp này hoàn toàn chính xác, có điều tôi còn phân vân vì sao không một từ điển nào ghi nhận? Có thể đây là trường hợp cá biệt bởi lẽ người viết thư cho “thiên tử” dẫu do mình sinh ra nhưng họ vẫn nói trớ đi, chỉ dám xưng “ả” hiểu theo nghĩa là “chị”? Cũng không hợp lý, vì như ta biết vợ chồng Bảo Đại vẫn gọi bà Từ Cung là “mẫu hậu/ Đức Thái hậu” kia mà?
Suy luận này là thừa, đơn giản, “ả” còn đóng vai trò đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất.
25/12/2023
Lê Minh Quốc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được...