Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Nỏ - Tản văn của Phan Thị Hồng Cẩm

Nỏ - Tản văn của Phan Thị Hồng Cẩm

Hà Tĩnh có nhiều từ địa phương thú vị như “mô” là đâu, ở đâu, “rú” là núi, “mô ri” là ở đâu đây. “Nỏ” là không, “nỏ chộ” là không thấy, chẳng thấy…  
NỎ
Răng anh nỏ về, về lại quê em xứ Nghệ?
Răng anh nỏ về, lời thề em có chi sai.
Em đã dặn lòng, dù cho đá nát vàng phai…
(Răng anh nỏ về – Dương Tiến Thành).
Cô gái luyến láy “răng anh nỏ về” với tiếng ca da diết. Có gì đó như là trách móc, như là hờn dỗi, nhưng là yêu thương. Có gì đó vừa nhẹ nhàng, sâu kín mà vừa đáo để …kín tận cõi sâu. Tiếng hát ấy hẳn đã làm ta tạm quên đi cái nắng miền Trung khô khốc, rát bỏng tận đáy của hơi thở.
Bất giác, tôi nghĩ ngay đến việc tìm đến một tình ca nữa của xứ Nghệ quê mình. Điệu ví dặm là em – tình khúc đã làm từng làm mềm lòng trái tim bao chàng trai được cất lên giữa cái khát khao, nồng nã của mảnh đất “đòn gánh cong hai đầu thương nhau”
Em cứ đùa anh “nỏ cho” và “nỏ lấy”. Sao mềm lòng ngồi hát để anh nghe. Khúc dân ca có từ trong máu thịt. Không thể dối lòng…Làm sống dậy một hồn quê (Nhạc: Quốc Nam –Thơ: Lê Văn)
Tiếng Nỏ quê tôi đã tự nhiên đi vào âm nhạc, đi vào cõi thánh thót của tâm hồn như thế! Như mưa, như nắng, như gió trời, như sương mai nặng hạt, như áo ai thấm giọt mồ hôi, như lúa vàng trên cánh đồng mùa gặt, như bát cơm ngọt mát vị tình người…
Tôi Nỏ dám bon chen vào địa hạt ngôn ngữ nhưng Nỏ là một từ ngữ rất đặc biệt trong phương ngữ xứ Nghệ. Đã bao lần tôi ấp ủ về Nỏ nhưng chưa nhưng chưa một lần ngỏ ý cùng ai. Trong tiếng Việt, danh từ Nỏ chỉ khí giới hình cái cung, có cán làm tay cầm và có lẫy, căng bật dây để bắn tên, chẳng hạn: giương nỏ bắn chim, lẫy nỏ… Ngoài nghĩa chung của toàn dân như trong từ điển, dân Nghệ còn dùng Nỏ với nghĩa là Không, là Chẳng. Có nhiều người hài hước còn đùa rằng: Nỏ Nghệ chỉ ít hơn No trong tiếng Anh có một dấu hỏi, mà dễ nhớ, dễ thương đến lạ! Mỗi ngày mật độ người dân dùng Nỏ trong hội thoại khá dày đặc:
Tui nỏ muốn/ Tui nỏ cần…
Em nỏ biết/ Em nỏ ưng/ Em nỏ đi/ Nỏ có chi…
Anh nỏ về/ Anh nỏ hiểu/ Anh nỏ nghe…
“Thương em nỏ biết mần răng, Mười đêm ra đứng trông trăng cả mười.” (Ca dao)
Đặc sản “Nỏ” xứ Nghệ
Người Hà Tĩnh không ai không hiểu và có lẽ không ít hơn một lần biết dùng Nỏ theo cách riêng của mình. Ở độ trung hòa về cảm xúc người ta dùng từ Nỏ như một thói quen ngang bằng tiếng Không cùng cả nước. Có khi, chiếc Nỏ của người dân quê tôi giương lên khi đang muốn phủ định điều gì đó mang chứa rất nhiều xúc cảm. Ngoài ra, tiếng Nỏ cất lên với nghĩa phủ định nhưng tiềm ẩn những biểu cảm đặc biệt. Chẳng biết, bạn đã bao giờ nhấm nháp đặc sản Nỏ của người Nghệ chưa?
Nếu sẵn lòng! Tôi sẽ dẫn dụ một số trường hợp Nỏ mà hằng ngày tôi vẫn dùng với người tôi yêu và yêu tôi như hơi thở của mình, để bạn tỏ tường về đường đi lối lại của Nỏ miền Trung.
Khi mới chập chững bước vào trường Yêu, anh í hỏi: Em có nhớ anh không? Em có yêu anh không?… Tôi đỏ mặt, lí nhí trọng cổ họng: Em Nỏ biết!
Thật không? Nỏ biết thật mà!… Và ánh mắt người ta đã sáng lên niềm hạnh phúc vì biết chắc “cá đã cắn câu”.
Đang yêu, Nỏ xuất hiện khi tôi phụng phịu, vùng vằng với người tôi biết chắc là rất yêu mình Nỏ cần nựa (không cần nữa). Chiếc Nỏ ấy buộc đối phương phải hạ giọng dỗ dành để tránh một “trận cuồng phong” mà tai ương nó gây ra còn khủng khiếp hơn cả một núi lở.
Triệt tiêu được một cơn thịnh nộ, chắc hẳn trong đầu hắn đắc thắng suy nghĩ: Hóa ra, điều trị những kẻ mắc bệnh Hờn cũng Nỏ khó!!!
Biển lặng sóng, thuyền tình yêu trở về với bình yên! Nỏ biết yêu nhau đến độ nào nhưng biết chắc chắn rằng xa nhau một ngày đã nhớ nhung thao thiết!
Rồi một ngày kia, khi kẻ thường xuyên phải đối mặt với đặc sản Nỏ xa nhà. Trong bất cứ cuộc điện thoại nào cũng hỏi: Nhớ anh không? Em Nỏ nhớ! Nỏ cần nhớ! … Là khi… thương nhớ đang dâng đầy trong tim nhưng không muốn đầu dây bên kia phải lắng lo. Là khi… tôi muốn nén chặt cảm giác yếu đuối, muốn giữ lại giọt nước mắt nũng nịu cho lần gặp gỡ. Là khi, tôi muốn nửa kia của đời mình luôn chân cứng đá mềm trên mọi nẻo đường.
Vừa rồi, trong một lớp học trên zoom, tôi nghe mấy cô miền Nam trêu đùa các “anh đồ” xứ Nghệ rằng “Anh khi nói tiếng Anh nhanh như gió nhưng em nghe tiếng có tiếng không”. Đùa mà cũng thật! Người Nghệ nói chung, khi đi ra khỏi quê mình hoặc đối thoại với người vùng khác thường phải sử dụng ngôn ngữ phổ thông. Tôi cũng vậy! Nhưng cho dù đi đâu, tôi vẫn luôn mang theo chiếc Nỏ bên mình. Nó là liều thuốc màu nhiệm của yêu thương! Là vũ khí chiến đấu để mang lại bình yên cho gia đình. Thương lắm, yêu lắm đặc sản Nỏ quê tôi!.
6/1/2024
Phan Thị Hồng Cẩm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...