Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Người lính và chiến tranh cách mạng vẫn là những đề tài sinh động

Người lính và chiến tranh cách mạng
vẫn là những đề tài sinh động

Những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ về số lượng sáng tác văn học nghệ thuật nói chung, công chúng cũng đón nhận được ngày càng nhiều sáng tác về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng”.
Thoạt nghe thì khô khan, khó thu hút, nhưng thực tiễn lại cho thấy đây vẫn là mảng đề tài thu hút được đông đảo lực lượng sáng tác, không chỉ với đội ngũ nhà văn, nhà thơ, quay phim, nhiếp ảnh, đạo diễn… từng mặc áo lính mà còn có cả những nhà văn trẻ tham gia.
Chỉ tính riêng những trại sáng tác gần đây do NXB Quân đội nhân dân phối hợp Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, cũng thấy rõ điều này. Cụ thể như sau trại sáng tác tổ chức năm 2019 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có 8 tiểu thuyết về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” được xuất bản phục vụ đông đảo bạn đọc.
Tiếp đó, tại Trại viết năm 2020 tổ chức ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng), có 16 bản thảo (trong đó có 10 tiểu thuyết) của các nhà văn: Hà Đình Cẩn, Châu La Việt, Nguyễn Ngọc Mộc, Uông Thái Biểu, Nguyễn Duy Hiến, Nguyễn Thanh Hương, Đặng Duy Lưu, Vương Thu Thủy, Phùng Phương Quý… Trại sáng tác năm 2022 tại Thành phố Cần Thơ cũng có 8 tiểu thuyết viết về các lực lượng vũ trang trong chiến tranh và trong hòa bình.
Những tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh được đánh giá thành công. Ở Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” tổ chức đầu tháng 8.2023 tại TP Đà Nẵng, ngoài những văn nghệ sĩ chung thủy và lão luyện với đề tài người lính và chiến tranh cách mạng như An Bình Minh, Hoàng Dự, Hà Phạm Phú, Hà Đình Cẩn, Châu La Việt… còn có các cây bút trẻ như Trương Chí Hùng, Xuân Hùng, Biên Linh, Linh Tâm… Trẻ hoặc lần đầu đến với trại viết nhưng họ đều có những sáng tác về đề tài người chiến sĩ, được công chúng đón nhận.
Kết thúc trại sáng tác này, đã có 17 bản thảo văn học dày dặn được hoàn thành, trong đó có 11 tiểu thuyết – kỷ lục của trại viết trong 5 năm trở lại đây. Tất cả các bản thảo này đều hướng về kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cùng trong năm 2023 này, Trại sáng tác Mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng (do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) tổ chức vào cuối tháng 4, tại TP Đà Lạt, đã có 16 họa sĩ trong và ngoài Quân đội tham gia và sáng tác được 31 tác phẩm thể hiện bằng các chất liệu sơn dầu, acrylic và khắc gỗ mộc bản.
Một điểm rất đáng ghi nhận của Trại sáng tác Mỹ thuật này là sự phong phú về đề tài thể hiện. Ngoài dòng đề tài chủ đạo khắc họa tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến, tái hiện khoảnh khắc của thời chiến tranh, còn có nhiều tác phẩm phản ánh hoạt động của bộ đội trên các lĩnh vực công tác, vẻ đẹp của biển đảo và người chiến sĩ, hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Cũng tại Thành phố Đà Lạt, tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII – 2023 (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức từ ngày 21 đến 25.11.2023), Điện ảnh Quân đội nhân dân đã ghi được dấu ấn qua 12 tác phẩm tham dự, trong đó có 9 phim tài liệu và 3 phim khoa học.
Trong số các phim này, giải Bông sen Vàng đã được trao cho phim Khoa học “Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy”, giới thiệu những sản phẩm chữa cháy do chính quân đội tạo ra. Giải Bông sen Bạc được trao cho phim tài liệu “Bầu trời của hòa bình“, thể hiện những chính sách nhân đạo của Việt Nam đối với các tù binh phi công Mỹ trong năm 1972-1973; cảm xúc của các tù binh phi công Mỹ khi họ ở tại trại giam Hà Nội và sau khi được trở về với gia đình…
Cùng với đó là giải “Quay phim xuất sắc nhất” được trao tặng cho nhóm tác giả Vũ Trọng Quảng – Nguyễn Bảo Khánh – Nguyễn Ngọc Sơn với phim Khoa học “Sinh tồn” đề cập đến một giáo trình độc đáo của Quân đội dạy người lính cách duy trì sự sống khi bị lạc trên đảo nhiệt đới không người. Giải thưởng “Âm thanh xuất sắc nhất” được trao cho 2 kỹ sư âm thanh Chu Đức Thắng – Đào Thị Hằng với phim Tài liệu “Thép trong lòng biển sâu”.
Điểm lại một số thông tin nổi bật như thế để thấy: Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” vẫn được đội ngũ văn nghệ sĩ quan tâm, “vẫn còn tầng tầng, lớp lớp những vỉa quặng quý” mà chúng ta chưa khai thác hết.
Chúng ta cũng đủ cơ sở để nói rằng: Trong quá trình lãnh đạo các lĩnh vực xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo được sức bật cho sự phát triển cho văn hóa, văn nghệ. Ở chiều ngược lại, sự phát triển của văn học nghệ thuật cũng đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của sự nghiệp phát triển văn hóa, con người, như Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII đúc kết: “Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội”.
30/12/2023
Lương Duy Cường
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...