Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Tình yêu dè dặt, thiêng liêng trong truyện mới của Nguyễn Nhật Ánh

Tình yêu dè dặt, thiêng liêng trong
truyện mới của Nguyễn Nhật Ánh

Tác phẩm “Mùa hè không tên” của Nguyễn Nhật Ánh vừa ra mắt mới đây đã tiếp tục quyến rũ bạn đọc tuổi thơ và làm xao xuyến những bạn đọc tuổi lớn.
Cuốn sách lại trở về tuổi thơ, hay nói theo cách tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ nổi tiếng từ cách đây chừng mười lăm năm, rằng Nguyễn Nhật Ánh lại có thêm một chuyến tàu đi tuổi thơ; và bạn đọc cũng vậy, lại có được một tấm vé đi tuổi thơ nữa theo cách của mỗi người.
Theo cách hình dung ấy, tác phẩm nào của Nguyễn Nhật Ánh chẳng là những dịp đi tuổi thơ, mỗi chuyến mỗi khác, con tàu khác, hành khách khác, bối cảnh khác. Vừa quen vừa lạ. Thân thuộc và bỡ ngỡ. Mùa hè không tên chính là một chuyến đi tuổi thơ nữa trong hành trình sáng tạo của nhà văn.
Cái cảm giác vừa quen vừa lạ của bạn đọc khi bước vào tác phẩm này là có thật. Tựa như ta gặp lại người bạn tuổi thơ sau nhiều năm xa cách, nay cả hai tuổi đã lớn, đã khác xưa, thậm chí nhiều lạ lẫm nhưng sao vẫn thấy có gì quen thuộc, thậm chí thân thuộc. Như một hương xưa hư thoảng hiện về… Tại sao lại có cảm giác thú vị này?
Những motif quen thuộc
Trước hết nói về cái cảm giác quen, nói đúng hơn là quen quen, như một từ láy để chỉ tính chất không rõ rệt, không xác thực của nó.
Ngôi làng mang tên Đo Đo chẳng hạn, một ngôi làng nằm không xa thị trấn, nghèo khó, người dân chủ yếu làm nghề nông với nhiều cảnh đời đa dạng, lưa thưa một số gia đình làm nghề tiểu thương, một số người dân đi làm ăn nơi xa theo mùa vụ; có không gian đường làng, quán nước, chợ nghèo, có trường học cho lứa tuổi cấp một cấp hai; có các thiết chế tâm linh quen thuộc như đình, chùa miếu, bãi tha ma…
Đặc biệt, ở ngôi làng này có những đứa trẻ đang tuổi đi học, sống hồn nhiên, tinh nghịch, nhiều khao khát, nhiều mơ mộng trong mối quan hệ ràng rịt với nhau, với các thế hệ người lớn gồm ông bà, cha mẹ, các anh chị thanh niên đang tuổi yêu đương.
Mà như thể tự ngàn đời nay vẫn vậy, ở mỗi làng quê Việt trên xứ sở này đều có một vài người rất đặc biệt: họ có khi là người chẳng may khuyết tật/tàn tật, chẳng may dở điên dở dại, hoặc có một lối sống kỳ dị, khác người, chẳng giống ai. Ấy thế mà họ tồn tại như một hợp phần không thể thiếu được của làng, nếu vắng họ, làng sẽ trở nên có phần trống trải, nhạt vị đi nhiều.
Có một đám trẻ con trong làng sàn sàn một lứa phần lớn học cùng lớp cùng trường, hoặc nhỉnh hơn một hai tuổi học trên một hai lớp, chúng quấn túm lấy nhau tạo thành một nhóm bạn bầy, trong đó có các thành viên chủ chốt như là những hạt nhân. Những nhóm kiểu này có chung tuổi thơ, chung nhiều kỷ niệm trong trường học và trong đời sống; cứ tưởng không gì có thể làm cho chúng xa nhau được, nhưng rồi khi lớn lên, mỗi đứa mỗi nơi, khác nhau thân phận, được cái vẫn nhớ nhau, thân quý nhau, tin cậy nhau, mong muốn gặp lại nhau mỗi khi có thể… Và không thể thiếu tình bạn vô tư, tình bạn khác giới hoặc cả hai, mơ hồ mà thi vị…
Có thể gọi đây là motif nhóm bạn tuổi thơ, một motif được nhà văn không ngần ngại trưng dụng ở khá nhiều tác phẩm khác nhau.
Ở các nhóm bạn bầy này, thể nào cũng có một đôi bạn nam nữ thân thiết, ban đầu tuyệt đối vô tư ngốc nghếch trẻ con, dần lớn lên rồi bỗng xuất hiện thứ cảm xúc khác giới mơ hồ, rồi sau đó do hoàn cảnh sống xô đẩy nên phải xa nhau, để lại nhiều tiếc nuối và nước mắt.
Có thể gọi đây là motif tình cảm tuổi hoa. Vừa là tình bạn vừa có chút gì hồi hộp mong manh nhung nhớ… hơn cả tình bạn, và kết cục thường là tự “bốc hơi” bởi muôn nghìn lý do không đâu, không lường hết, không thể lý giải…
Cặp quan hệ giữa hai nhân vật Khang và Nhàn trong Mùa hè không tên chẳng phải là ánh xạ của cặp nhân vật Mùi và Tủn trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đó sao!…
Motif cuối cùng tạm gọi là motif đoàn viên. Ở thì hiện tại, những nhân vật trẻ con trong nhóm kia nay đã thành người lớn lại tìm gặp nhau với muôn vàn lý do khác nhau, và nhất là cái đôi bạn ấu thơ kia cũng đã gặp lại nhau theo một cách nào đấy.
Cái Tủn trước khi lấy chồng đến gặp lại nhân vật tôi (thằng Mùi) để nói vu vơ mấy câu về những rung động trẻ con thuở trước. Khang đã trở về ngôi làng tuổi thơ, nhìn thấy Nhàn cùng đứa trẻ sau lưng, bỗng lặng lẽ bỏ đi mang theo một sự hiểu nhầm, để rồi ngay hôm sau trở lại gửi quà theo cái cách không lộ mặt.
Motif là một đơn vị nhỏ nhất của cốt truyện được lặp lại ở trong một số tác phẩm của cùng một nhà văn, hoặc rộng hơn, trong thể loại, trong nền/khu vực văn học nào đó… Chúng lặp lại không phải như là kết quả của việc thiếu tính sáng tạo, mà ngược lại, chính là kết quả của một lao động nghệ thuật vi diệu.
Chúng như một loại tín hiệu thẩm mỹ cho thấy nhiều điều về tác giả: mối quan tâm tha thiết và thường trực của nhà văn, những ám ảnh ấu thơ của nhà văn, những tiếng vọng chấn thương mà nhà văn đã trải…
Tôi không rõ với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong cơ chế sáng tạo của mình đã ứng với một hay hơn một điều nào trong các điều trên, nhưng tôi dám chắc là đã có. Điều này không ai khác, ngoài chính nhà văn mới có thể biết được.
Ở đây đã có một điều kỳ diệu xảy ra: mỗi khi trở lại các motif kể trên, chính nhà văn có khi không hẳn đã chủ ý, không hẳn đã kiểm soát nổi ngòi bút của mình. Và nhờ đó, kết quả là hễ cứ viết những gì liên quan đến các motif ấy, ngòi bút người nghệ sĩ bỗng trở nên run rẩy như chạm phải những vi mạch cảm xúc tế vi nhất của tâm hồn.
Tác phẩm Mùa hè không tên của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Bút pháp vô chiêu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Những motif vừa kể trên có mặt trong tác phẩm Mùa hè không tên làm nên dáng vẻ thân quen đối với người đọc. Nhưng một tác phẩm thành công đồng thời phải mang tính lạ nữa, lạ trong mối quan hệ với tính quen, quen mà lạ, lạ mà quen. Cái tính nước đôi ấy làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm.
Tôi cho rằng điểm lạ nhất của tác phẩm này là ở cái tứ của toàn truyện. Không ai có thể ngờ rằng cái hình ảnh nhành cây trứng cá vu vơ ở bài hát bolero kia lại là một hình ảnh trở đi trở lại, có mặt, can thiệp vào đời sống nhân vật theo cách tưởng như rất ngẫu nhiên, tình cờ mà lại hữu lý và dư vị.
Nó có mặt từ lúc người kể chuyện xưng “tôi” cho biết nhân vật Nhàn đem đến và cùng Khang trồng hai cây ở bờ ao. Có thể việc trồng cây trứng cá chỉ là là một ý thích vô tư, ngẫu hứng, nhất thời; thế nhưng trong cái nhìn của nhân vật cậu Châu, người đang độ tuổi yêu đương, bỗng nhiên gán cho nó một nghĩa khác, cái nghĩa đầy tình ý của lời bài hát.
Thế rồi, cả hai nhân vật Khang và Nhàn theo độ trưởng thành dần, thỉnh thoảng cái nhành cây trứng cá gắn liền với hai cây trứng cá kia lại dội về tham dự vào đời sống của họ.
Ban đầu Khang tặng Nhàn một nhành cây trứng cá trong sự ngạc nhiên và khó hiểu của Nhàn khi cô nàng chưa hề nghe bài hát, chưa hiểu ý nghĩa của quà tặng, rồi bị cô giáo phạt vì tội xả rác. Tiếp đến là khi Khang rời làng lên thị trấn học thì bất ngờ nhận được món quà chia tay của Nhàn cũng lại là một nhành cây trứng cá khi mà Nhàn đã nghe bài hát ấy rồi (trong khi Khang cũng chưa hề nghe bài hát, mới chỉ học lỏm được câu hát từ người cậu). Và cuối cùng là dịp sau 10 năm Khang trở về làng, gửi lại bọc quà kèm theo một nhành cây trứng cá…
Bạn đọc chỉ biết có vậy, và chỉ biết đến lúc ấy thôi. Còn nhân vật Khang có quay trở lại gặp Nhàn thật hay không, và rồi khi gặp thì thế nào, kết cục ra sao… không một ai biết nữa. Nhiều khả năng của đời sống được mở ra theo cách mà mỗi bạn đọc tưởng tượng và mong muốn.
Nhành cây trứng cá kia như một thông điệp tình yêu dè dặt và thiêng liêng biết mấy, sáng trong biết mấy, và cũng có phần tội tội, ngùi ngùi…
Nhành cây trứng cá ấy chính là biểu tượng cho tình cảm đầu đời trong ngần và to lớn. Đó là cái tứ đẹp đẽ thần tiên của câu chuyện, của cả áng truyện. Nó xâu chuỗi, nối kết toàn bộ mạch truyện, toàn bộ nhân vật, toàn bộ chất liệu và ngôn ngữ để tạo thành một chuyện tình tuổi hoa – tuổi mới lớn, thiêng liêng và cảm động.
Nhà phê bình văn học Văn Giá – tác giả bài viết
Một điểm lạ nữa trong cách kết thúc tác phẩm, Nguyễn Nhật Ánh “chơi” phần Phụ lục đến hơn ba chục trang, trong đó có hai bài thơ, một bức thư tác giả gửi cho bạn đọc Nhật Bản trong bản tiếng Nhật của Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ và 8 phiến đoạn đánh số (tương tự 79 phiến đoạn ở phần chính văn).
Thoạt nhìn vào phần phụ lục này thấy có vẻ lộn xộn, như thể tiện mà thêm vào, hay như thể tiếc cái viết có sẵn của mình mà đặt vào… Nhưng ngẫm kỹ, hóa ra không phải. Nó vẫn nhất quán ở mạch truyện, ở tâm trạng nhân vật “tôi” – một nhân vật được người kể chuyện cố ý đồng nhất với tác giả, ở mạch truyện nối dài (chẳng phải tâm lý người đọc muốn biết kết cục câu chuyện và số phận của các nhân vật đó sao?).
Trong nghệ thuật tiểu thuyết, người ta gọi đó là là phép “mơ hồ hóa nghệ thuật”. Nhà văn đã sử dụng nó như một cách nhằm “đánh lừa” người đọc, gây bất ngờ cho người đọc; hay cũng có thể là một cái mẹo để tạo tính đa thanh đa sắc nhằm tăng cường hiệu quả nghệ thuật cho tác phẩm đối với bạn đọc. Phụ lục mà không phụ, mà lại hữu cơ, chính yếu, nằm trong chỉnh thể nghệ thuật toàn tác phẩm.
Đọc đến quyển sách này của Nguyễn Nhật Ánh, không nhớ rõ là quyển thứ bao nhiêu, nhưng thật lạ, tôi vẫn không thôi ngạc nhiên về cái vốn liếng tuổi thơ ăm ắp của tác giả. Nó như thể một cái giếng ngọc, mà nguồn nước trong lành ở đó không khi nào vơi cạn. Đọc Nguyễn Nhật Ánh luôn có cảm giác anh viết dễ như chơi, như nhấc bút lên là chạy một mạch từ chữ đầu tiên cho đến chữ cuối cùng, chẳng phải khó nhọc gì.
Thực ra trong sáng tạo nghệ thuật, không thể có chuyện dễ dàng như vậy. Bút pháp của những bậc tài năng thực sự bao giờ cũng đạt tới cái tưởng dễ như chơi ấy…
10/12/2023
Văn Giá
Nguồn: Tạp chí Tri Thức NEWSVN
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi mê 3000000

Cõi mê 3 Mười Sài Gòn, ngọc viễn đông, ngọc phương nam Ông Trọng vừa ăn xong bữa cơm tối một cách mệt mỏi. Ăn mà mệt, đó là bữa ăn của một...