Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Tết, nhớ mấy món từ dừa của má

Tết, nhớ mấy món từ dừa của má!

Ngày Tết, nhìn mấy sợi mứt dừa trong khay bánh mứt má bày biện trên bàn, tôi chợt nhớ ngôi nhà cũ của gia đình nằm lọt thỏm giữa khu vườn có tám cây dừa bao bọc xung quanh, chưa kể số cây mãng cầu, chanh, bơ…
Có lần tôi nghe ba nói bông đùa với một người bạn gặp nhau ngoài đường: “Anh cứ đến xóm Diên Hồng hỏi: “Biệt thự Dừa”của ông T… ở đâu, người ta chỉ liền à!” – Ba tôi cười hóm hỉnh. “Biệt thự Dừa”của gia đình tôi thật sự nổi tiếng cả xóm hồi đó. Nơi trung tâm phố thị mà sở hữu một ngôi nhà có khoảng sân rộng trồng đến tám cây dừa và nhiều loại cây ăn trái là thuộc diện số ít nhà có được.
Nói đến mấy món ăn làm từ dừa của má không chỉ có ngày Tết mà hầu như cả nhà được thưởng thức quanh năm – bốn mùa trái của tám cây dừa vừa ăn, vừa cho cũng không hết.
Này nhé! Mùa hè, chị em tôi được má nấu cho món chè đậu đen hạt tròn mây mẩy, thêm đá, nước cốt dừa béo ngậy, có mấy viên bột năng nhân dừa giòn sần sật làm cái nắng mùa hè tan chảy mát rười rượi.
Thu về, có ngày giỗ nội, má gói bánh ít lá gai nhân dừa có đậu phộng, vỏ quýt thơm nức mũi. Món bánh tráng, rau sống, thịt heo luộc cuốn chung với mấy miếng dừa xắt lát mỏng chấm mắm nêm chính tay má pha, ai thử một lần thì phải nói ngon nhức răng, lạnh tới thấu xương… Mỗi lần ăn món này ba tôi hay nhờ chú Tư Thìn bên cạnh nhà trèo lên cây mà dặn: ”Chú lựa vài trái “trọng trọng” hái xuống để anh em mình ăn bánh tráng nghen!” Trái “trọng trọng” không cần ba giải thích, tôi cũng hiểu là dừa có cơm không non không quá già, ăn dẻo dẻo, loại cơm dừa má tôi làm mứt hay xắt mỏng để ăn với bánh tráng.
Quê tôi – miền Nam Trung Bộ, mùa hạ có ngọn gió Nam thổi ngược, nắng rát bỏng da. Mùa đông, mưa tối trời đất, nước trên cao đổ xuống không nghỉ ngơi, lũ lụt kéo về, đứng trên đỉnh Tháp Nhạn nhìn ra thấy nước bao phủ khắp nơi. Mưa gió ngút ngàn, cây lá ở vườn nhà tôi cũng xơ xác, chỉ còn trơ lại cành khẳng khiu, mấy tàu lá dừa ủ rũ, trái rụng tả tơi, chị em tôi gom trái chất đầy trong kho. Phố phường nước lũ lênh láng, có nơi di chuyển bằng ghe. Chợ, trường học …tạm dừng hoạt động. Những ngày này bữa cơm gia đình tôi có món dừa kho keo của má, ai mới nhìn sơ qua miếng dừa kho vàng trong veo cũng tưởng là thịt mỡ. Món dừa kho ăn với rau muống luộc chẳng mấy chốc mà hết nồi cơm lúc nào không hay. Buổi tối, má đãi cả nhà một nồi sắn mì, khoai lang hấp nước cốt dừa…Vậy là mùa đông của chị em tôi thật ấm áp!
Ngày Tết thấy nhiều món làm từ dừa của má tôi nhất! Các loại bánh mứt, mâm ngũ quả… đều có sự hiện diện của dừa. Bánh mứt má làm ngon lắm! Năm nào cũng vậy, chưa đến Rằm Nguyên tiêu mà đã ăn hết.
Tôi rất mê món mứt dừa. Mứt dừa của má thường có hai màu – xanh lá dứa và trắng. Má chọn loại dừa “trọng trọng” bỏ ít đường nên ăn miếng mứt của má vừa dai, dẻo dẻo không quá ngọt.
Có lần về thăm má, dọn dẹp nhà giúp má tình cờ nhìn thấy cái khuôn bánh kẹp ngày trước tôi bùi ngùi xúc động nhớ tuổi thơ, nhớ cái bánh kẹp giòn tan thơm đậm mùi nước cốt dừa lẫn mè rang của má. Tôi đưa cái khuôn bánh ra nói đùa:
– Con làm bánh nghen!
Má nhìn tôi cười hiền:
– Để má mua cho, con ăn được mấy cái mà bày vẽ chi cho mất công.
Bữa nọ, má đi giỗ họ ở quê về mang theo một gói mứt dừa để trước mặt tôi hớn hở:
– Cho con mứt dừa của chị Trang làm nè!
Tôi lấy một miếng ra ăn rồi lắc đầu:
– Con thấy không ngon giống như má làm!
Má nhìn tôi chậc lưỡi:
– Cô Chín bày má với chị Trang làm mứt dừa sao không ngon giống, bay khó khăn như mẹ chồng.
Tôi nhìn má, cả hai má con cùng cười, tôi cười thật lớn, cười ra nước mắt – nụ cười hạnh phúc…Có lẽ tôi đã ăn những sợi mứt dừa có vị dẻo thơm của tình thương ấm áp của ba má dành cho chị em tôi ở những tháng năm tuổi thơ đẹp đẽ, êm đềm lặng lẽ trôi đi mà không thể có ở bất cứ nơi nào.
2/1/2024
Trương Duy Vũ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được...