Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Cánh phượng rơi

Cánh phượng rơi

Khi những cây phượng trong sân trường lác đác một vài bông hoa đỏ, tôi vui thích làm sao! Giờ chơi là dịp tốt nhất để mà ngắm những cành cây đẹp đẽ ấy. Tôi không có óc thẩm mỹ đặc biệt và cũng không biết làm thơ, nhưng tôi vẫn thấy những cành phượng thật là đẹp và thỉnh thoảng trong lúc thầy giảng bài, tôi lơ đãng cho hồn đi dạo ngoài sân trường ngắm hoa phượng và tay tôi bâng quơ ghi vài dòng chữ trên trang giấy vở có kẻ ô vuông, những dòng chữ chẳng phải là thơ, nhưng tôi đọc lại cùng thấy... thơ thơ.
Lá phượng xanh trông thật mát mát, khác hẳn với màu hắc ám của cái bảng đen, nó cho tôi cảm giác như vừa được uống một ly thạch trắng, có thêm mấy giọt dầu chuối thơm tho, cái màu xanh dễ thương, tràn đầy hy vọng, tiềm tàng một sức sống đồi dào có một hấp lực thật đặc biệt đối với tôi và mấy đứa bạn. Chúng tôi đắm mắt trong màu xanh ấy để cho bao nhiêu mệt mỏi tiêu tan; bạn tôi bảo đó là một cách để giết những cơn buồn ngủ vô cùng hữu hiệu.
Màu xanh của lá đẹp thế nào thì màu đỏ của hoa cũng đẹp không kém. Những bông hoa năm cánh, bốn cánh đỏ tươi, một cánh lốm đồm trắng, nổi bật giữa nền lá xanh, rung rung nhè nhẹ theo cơn gió thoảng, trong nắng vàng hanh sao mà quyến rũ thế! Bọn chúng tôi đã qua cái tuổi hái hoa phượng, bứt lấy nhụy làm gà đá ngày nào. Hấp dẫn thật nhưng... dã man làm sao. Bây giờ chúng tôi chỉ mong sao đôi mắt của mấy vị giám thị quay đi chỗ khác để vội vàng hái lén một vài bông thấp nhất, nhẹ nhàng đem ép giữa lòng vở trắng. Bạn tôi hái được một bông, chúng tôi xem đó là một chiến thắng lớn (ấy, chúng tôi cứ cho rằng vi phạm một lỗi gì mà giám thị không bắt được tức là đã chiến thắng, chắc mấy vị giám thị biết được tư tưởng quái lạ này cũng chẳng giận gì chúng tôi, vì ai chả biết bọn trẻ chúng tôi có nhiều ý nghĩ rất kỳ cục!). Trước khi trịnh trọng ép vào vở, bạn tôi hãnh diện giơ bông hoa trước mặt tôi, cao giọng: “Mi thấy có giống con phượng không nào? Cái đuôi của nó đây này!”, nó vừa nói vừa chỉ cho tôi xem cái cánh có lốm đốm trắng; tôi gật đầu và thèm ghê lắm.
Nhưng chỉ ít ngày sau, hoa phượng không còn cao giá như trước nữa, hoa mọc và nở thật nhiều, hoa rụng đầy sân, chúng tôi tha hồ lựa chọn những bông thật tươi, thật đẹp và nguyên vẹn, không phải tranh giành nhau mà muốn bao nhiêu hoa cũng có. Nhìn lên trên cây, chao ơi, hoa nhiều ơi là nhiều, cả cây đã biến ra màu đỏ chói dưới ánh mặt trời. Màu xanh bây giờ đành giữ vai trò thiểu số, khép nép bên cạnh những chùm hoa đỏ rực rỡ và kiêu hãnh.
Chính lúc những bông hoa kiêu hãnh vì đang độ rực rỡ, tôi bắt đầu thấy buồn. Phượng vẫn đẹp nhưng bớt phần thu hút rồi, tôi đang phải nghĩ tới những chuyện khác... Chẳng còn mấy ngày nữa thì nghỉ hè.
Nghỉ hè, thực tình tôi không muốn nhắc tới hai chữ đó! Không phải tại tôi chăm chỉ (nếu biết có ai nghĩ vậy, chắc đủ làm tôi xấu hổ đỏ mặt), nhưng vì tôi bắt đầu thấy tiếc những giờ học vẫn đều đặn nối tiếp nhau bình thản trôi đi. Tiếc, vì không biết những niên khóa sau còn có được những giờ học êm đềm và vui tươi như năm nay không.
Thích nhất là những giờ Quốc văn, thầy tôi yêu nghề và yêu học trò, thầy giảng bài say mê hình như không biết mệt. Biết bao lần trong năm tôi đã ngẩn người nghe thầy ca tụng ngôn ngữ và văn chương Việt Nam, giọng thầy thiết tha, trầm ấm nhưng đầy phấn khởi. Thầy không dạy học trò chữ nghĩa xuông, mà thầy dạy chúng tôi yêu tiếng Việt, ngôn ngữ của dân tộc tôi, của cha mẹ tôi, của ông bà và tổ tiên tôi. Nhờ thầy, chúng tôi có được niềm kiêu hãnh vì tiếng nước tôi, vì văn chương dân tộc tôi. Nhờ thầy, chúng tôi thấy hồn sông hồn núi hiển hiện giữa những dòng chữ đen trên giấy trắng. Nhờ thầy, chúng tôi biết xúc động mãnh liệt trước những trang sách ghi lại thời kỳ lập quốc của dân tộc, nhắc đến công cuộc tranh đấu để bảo vệ đất nước và chủ quyền của tổ tiên chúng tôi. Và cũng nhờ thầy, chúng tôi biết hổ thẹn vì một bài luận văn làm cẩu thả, tư tưởng trống rỗng, chữ dùng vụng về để nhận được những lời phê trách cứ của thầy, kèm theo một điểm kém, dẫn đầu bằng một con số không, con số hàng đơn vị đứng sau, tủi hổ, trơ trẽn.
Thầy tôi giảng bài, chấm bài, sửa bài thật mê say, chúng tôi nghĩ là thầy không biết mệt. Thật là một nhận xét sai lầm, tôi biết thế nhân một lần có việc đi qua cửa phòng giáo sư, tôi không có ý tò mò nhưng vô tình đưa mắt nhìn vào, thầy tôi ngồi giữa những giáo sư khác, tay thầy cầm ly nước trà, nhưng thầy không uống, vì... thầy đang ho, thầy hơi cúi mình về phía trước và mặt thầy đỏ gay! Tôi bước vội để khỏi phải nhìn hình ảnh đau lòng ấy, nhưng còn giọng ho, nó vẫn quấn lấy tôi tưởng như không bao giờ dứt! Tuần lễ ấy tôi tỏ ra rất ngoan ngoãn, tôi chăm chỉ làm bài, vào lớp không nói chuyện, tôi tránh ăn quà trong lớp... tất cả chỉ vì tôi muốn an ủi thầy, muốn thầy nhận ra rằng thầy vẫn có những đứa học trò ngoan... như tôi, để thầy đừng chán nản trong công việc. Tôi bực mình và chỉ muốn cãi nhau với những bạn vẫn vô tình cười đùa trong giờ thầy giảng, làm thầy phải ngưng lại, gõ bàn hay nói to hơn nữa. Tôi nhận ra từng cái cau mày của thầy, dù rất nhẹ nhàng, kín đáo.
Nhưng thật đáng trách cho tôi! Tôi chẳng phải là học trò ngoan như đã nghĩ. Tuần lễ sau, hình ảnh thầy tôi trong cơn ho rũ rượi, gập mình về phía trước, mặt đỏ gay đã mờ nhạt trong ký ức tôi, tôi không còn lấy làm áy náy nữa, và tôi trở về với cái bản tính tự nhiên của tuổi học trò. Tôi lại thích lười, tôi soạn bài qua quít, đôi khi còn không soạn là khác. Vào lớp tôi lại nói chuyện như điên, mà sao chúng tôi lắm chuyện đến thế, chuyện nào cũng thấy cần nói và cũng thích nói, hình như chính lúc thầy giảng thì lại càng có nhiều cái phải nói hơn nữa. Tôi lại lén đem vào lớp những trái cốc, trái me chua một cách vô cùng quyến rũ; tôi bỏ sẵn trong cặp những thanh kẹo cao su và sô cô la, có lần tôi còn mang theo cả bắp nấu! Hay ít ra thì cũng một gói ô mai hoặc vài chiếc kẹo bạc hà... Tôi phân phát cho tụi bạn trong giờ học và cả bọn tiêu thụ một cách thú vị đang khi thầy để hết tâm lực giảng bài trên bục bảng. Khổ cho thầy; hình như chỉ có bảng đen và bàn ghế nghe lời giảng của thầy thôi, còn chúng tôi đang mải cho cơ quan phát thanh kiêm tiêu thụ thực phẩm hoạt động tích cực. Thỉnh thoảng tôi cũng có hơi hối hận, khi thầy nhìn tôi hoặc hiền từ, hoặc nghiêm khắc; nhưng chỉ được một lúc thôi, rồi đâu lại vào đấy. Hình như thầy có vẻ thất vọng về tôi rồi.
Nhưng bây giờ sắp nghỉ hè, tôi không thiết nói chuyện, không thiết ăn quà nữa. Tôi sắp phải xa thầy tôi, một người thầy đáng kính, rất tận tụy, rất yêu thương chúng tôi. Hồi tưởng lại, tôi thấy thầy thật cao thượng, thầy không giận chúng tôi bao giờ, dù chúng tôi có hư hỗn, có lười biếng. Sự nhẫn nại của thầy thực tình tôi không hiểu nổi, tại sao thầy có thể giữ như vậy được nhỉ? Tôi có con em, thỉnh thoảng nó có nhờ tôi chỉ hộ cho bài toán; tôi nói một lần nó không hiểu cùng đã đủ làm tôi tức giận ký cho mấy cái vào đầu. Thầy tôi thì không thế, không bao giờ như thế. Tôi sắp xa thầy tôi, niên khóa sau thầy vẫn dạy lớp này, nhưng tôi đã qua lớp khác, tôi không còn dịp gần thầy để chứng tỏ lòng tôi hối hận, tôi thương mến thầy nữa.
Không biết thầy có buồn phiền vì tôi không? Trong năm không biết bao nhiêu lần tôi đã phạm lỗi. Khổ chưa, sao tôi lại dại dột thế để bây giờ cứ hối hận hoài! Chả hiểu thầy có biết là tôi hối hận không? Hay thầy vẫn thất vọng về tôi, vẫn nghĩ tôi là đứa học trò hư hỏng và vô ơn. Tôi muốn được gục đầu trước mặt thầy để nói lời này: “Thầy ơi, đúng rồi, con hư hỏng, con vô ơn, con làm thầy buồn không biết bao nhiêu lần. Nhưng con biết lòng thầy luôn quảng đại, con biết thầy chằng chấp gì với con, thầy sẵn sàng tha thứ tất cả mọi lỗi lầm của con, những lỗi vì tuổi trẻ bồng bột mà con cứ phạm đi phạm lại hoài. Thầy ơi! Con biết thế, nhưng con muốn thầy gật đầu, cái gật đầu xác định sự tha thứ để con khỏi phải áy náy mãi vì những lỗi lầm đã phạm”.
Tôi biết chắc, nếu tôi nói được lỗi ấy, thầy sẽ hiền từ nhìn tôi, và gật đầu tha hết mọi tội lỗi cho tôi. Dù sao tôi vẫn buồn, nghỉ hè... nghỉ hè...
Tôi thơ thẩn trong sân trường nghe ve kêu buồn thảm, mùa hè, phượng vĩ và ve sầu là bộ ba không xa rời. Đã buồn, nghe ve kêu lại buồn hơn, tôi nghĩ loại động vật kỳ lạ này có biệt tài làm rung động hồn người bằng tiếng kêu của mình, nghe buồn ghê đi, buồn hơn cả sáu câu vọng cổ u hoài cất lên bằng một giọng ca điêu luyện. Những bài ca của người Chiêm Thành mất nước có lẽ cũng chỉ buồn đến thế này là cùng. Tò mò, tôi ngước mắt nhìn lên cành cây, tìm kiếm! Kia rồi, chàng nhạc sĩ đa cảm đang đậu kia, chàng say mê với âm nhạc, đôi cánh chàng rung lên đều đặn và toàn thân chàng cũng nhẹ run.
Buồn bã, tôi vào lớp tuy đang là giờ chơi. Mấy dãy bàn ghế trống trơn coi mới tiêu điều làm sao! Từ đầu năm học đến giờ tôi không hề chú ý đến cảnh tượng này. Tôi lặng người với ý nghĩ buồn buồn không rõ rệt, và bỗng nhiên tôi nghĩ đến chỉ mấy ngày nữa thôi, lớp học sẽ trống váng như thễ này mãi, khi mà các bạn tôi không còn mỗi buổi đến đây, tất cả đều trả về với nếp sống riêng tư. Sẽ không còn những lần vào lớp sớm, bước chân son nhún nhảy, lách mình qua những dãy bàn ghế và mỉm cười với một bạn đến sớm hơn, đang ngồi nhấm khúc bánh mì. Sẽ không còn những ngày trời mưa vào lớp muộn, lặng lẽ cất áo mưa vào góc lớp, len lén cúi đầu đi qua mặt thầy về chỗ và bè bạn nhìn mình cười mỉm. Không còn những giờ ra chơi cùng bè bạn đùa vui như tuổi hồn nhiên chưa hề mất, cũng không còn những chiếc bánh con hay ly nước nhỏ mua cho nhau ngoài giờ học, hoặc chiếc kẹo xinh xinh, trái ô mai chua quyến rũ lén đưa nhau trong lớp. Những lần ganh đua nhau từng điểm, từng nửa điểm cũng sẽ khòng còn, và cũng qua đi những giờ học ngồi bên nhau, hồi hộp và thích thú chờ thầy trả và sửa những bài làm.
Quyển Lưu bút truyền tay đã gần giáp vòng, những dòng chữ làm bằng chứng cho tình bạn mến thương dần dần lấp kín những trang giấy trắng. Tôi sung sướng và buồn rầu đưa tay chậm mở từng trang, từng khuôn mặt lần lượt hiện ra bên những hàng chữ. Tôi lặng lẽ ngắm kỹ từng người, với ai cũng có ít nhiều kỷ niệm, vui hay buồn, nhưng tất cả đều đáng quý.
Tôi không phải là người hoàn toàn nên cũng có lần làm các bạn tôi buồn vì chuyện này hay chuyện khác. Tôi muốn làm sao các bạn tôi quên hết những điều đó đi, để đến lúc phải giã từ, chúng tôi chỉ giữ cho nhau những cảm tình thật đẹp. Ngày mai, trong thời gian tạm không gặp mặt hay vĩnh viễn xa nhau, tôi nghĩ rằng mỗi người trong chúng tôi đều mang theo cho mình những kỷ niệm yên vui, trong đó có khuôn mặt những người bạn học, để ai nấy không thấy cô đơn trên con đường mình đang dấn bước. Tôi mong ước một lần nào vui đùa trên bãi biển hay đi dạo giữa rừng thông, hoặc đắm mình trong khung cảnh tĩnh mịch của đồng quê, một người bạn nào đó chợt nghĩ đến tôi chốc lát, hay hơn nữa, trong yên lặng, mời tôi cùng vui đùa trên bãi biển, chạy ào xuống vùng nước trong xanh, cùng lặng lẽ sóng đôi đi giữa những hàng thông cao vút để nhận ra mình bé nhỏ, cùng say mê đắm mình trong vẻ yên lặng tuyệt vời của đồng quê nội cỏ. Nếu có dịp như vậy, thì sung sướng cho tôi làm sao!
Mấy hôm nay, trong giờ học tôi hay quay nhìn những người bạn ngồi phía sau hay bên cạnh, thầy la tôi sao có cái đầu mà không giữ yên, cứ ngó ngoáy hoài. Tôi thầm xin lỗi đã làm phiền thầy nhưng cái đầu vẫn cứ muốn quay qua quay lại. Giờ chơi các bạn tản mác đâu đâu, chỉ giờ học mới qui tụ đông đủ. Tôi muốn nhìn cho thật kỹ cái cảnh êm đềm chúng tôi ngồi sát bên nhau học tập. Tôi muốn nhìn thật kỹ khuôn mặt từng người, linh động và đẹp hơn trong hình ảnh. Các bạn tôi, “mỗi người một vẻ” nhưng đều “mười phân vẹn mười”; tôi thích nhìn những đôi mắt to, ngơ ngác như mắt nai tơ, trong sáng như ngọc quý và rạng ngời như thể nắng vàng; tôi thích nhìn những bờ môi phơn phót đỏ, hơi mím nhẹ khi nghe thầy giảng, hoặc đơn sơ ngậm lấy cán bút lúc làm bài gặp chỗ kho khó; tôi muốn ngắm hoài khuôn mặt những bạn tôi, vẻ hồn nhiên chưa mất hết và những nét suy tư bắt đầu xuất hiện, những khuôn mặt ngây thơ mà cũng thật khôn ngoan, dịu dàng mà cương quyết, những khuôn mặt thần tiên của tuổi học trò. Vài ngày nữa, những khuôn mặt này tôi chỉ còn gặp trong tưởng tượng, tôi buồn rầu nghĩ đến lúc chia tay. Các bạn hình như cũng nghĩ như tôi nên những ngày này ai cùng có vẻ kém tươi và thoáng một chút gì nghĩ ngợi. Thật là những tư tường “nhỡ” gặp nhau (người ta có thành ngữ: “Những tư tưởng lớn gặp nhau”, nhưng chúng tôi tự nhận tư tưởng của mình chưa phải là tư tưởng lớn).
Tôi nguệch ngoạc trên trang giấy trắng những vần thơ vụng dại:
Thương thương mắt lạ hôm nào
Bên nhau bỡ ngỡ cùng trao nụ cười
Xa rồi ngày của xuân tươi
Tóc bay đường gió mọc mời hạ sang
Run run tay nắm ngỡ ngàng
Cho nhau trọn vẹn miên man ý hè
Đường chiều trong bóng lá me
Hẹn thôi, gặp lại khi ve dứt buồn.
Tôi thầm hẹn gặp lại các bạn tôi khi nào chàng nhạc sĩ Ve Sầu thôi trình bày khúc nhạc bi ai của chàng, nhưng tôi biết rằng sẽ có những bạn xa tôi, rồi không bao giờ tôi còn gặp lại. Bạn tôi sẽ xa rời tổ ấm học đường tung cánh bay vào đời sống, bạn tôi sẽ lặng lẽ rời xa bổn phận học trò để nhận lấy những bổn phận khác, ý tưởng đó làm tôi thấy nôn nao. Tôi ích kỷ muốn giữ mãi bạn tôi trong vòng đai thân ái. Mai kia, trong niềm vui họp mặt ngày khai giảng, chắc chắn cũng có những xót xa của một vài sự vắng mặt, điều tôi không thích chút nào nhưng sẽ phải lãnh nhận.
Tôi quay sang người bạn thân nhất, tự nhiên thấy dạt dào thương mến. Người bạn tôi mới chỉ quen đầu năm nay nhưng sao mà thân thiết. Chúng tôi thương mến nhau với tất cả vẻ thành thật của tâm hồn mới lớn, với tất cà mọi sự trong sạch, không hề tính toán của trái tim đang độ hoa niên. Có lẽ tôi và bạn tôi chưa hiểu thấu tâm hồn nhau như đôi bạn Bá Nha, Tử Kỳ trong truyện cổ Trung Hoa, mỗi đứa vẫn có những tâm tình riêng, đời sống riêng, suy tư riêng và những gì thầm kín nhất trong đáy con tim, chúng tôi muốn giữ riêng làm vốn liếng cho một đời người, nhưng chúng tôi sẵn sàng thông cảm nhau, qua ánh mắt, tôi cũng có thể biết bạn tôi đang có chuyện buồn, ngược lại, qua một vài cử chỉ luống cuống, bạn tôi cũng hiểu tôi đang có điều lo nghĩ. Chúng tôi biết cùng vui niềm vui của nhau và biết cùng buồn với nỗi buồn của bạn. Chúng tôi bắt chước nhau trong cả một màu áo, một kiều guốc hay một vài cử chỉ làm duyên. Chúng tôi thương mến nhau nhưng không có sự suy tính sâu xa của tình bạn Lưu Bình, Dương Lễ, chúng tôi chỉ thấy cần giúp nhau trong khi cấp bách, không thể chần chờ hay suy hơn tính thiệt, bởi vậy chúng tôi vẫn lén thầy đưa bài làm cho nhau xem hoặc tìm cách nhắc bạn mỗi khi bạn bị gọi đọc bài mà ngắc ngứ. Thầy biết và có nói đến hậu quả tai hại của những hành động ấy, tôi và bạn tôi hiểu lời thầy, nhận thầy nói phải, nhưng rồi... vẫn không đành lòng thấy bạn ngồi cắn bút hay ngập ngừng không đọc tiếp được bài phải trả, và lại... tìm cách giúp nhau.
Tôi nhìn bạn tôi và tự nhiên muốn thốt những lời bày tỏ lòng thương mến, tôi muốn nói thầm bên tai bạn: “N ơi, sắp sửa không còn được cùng nhau nhẹ nhàng gót bước đến trường, không còn lúc nhắc nhau bài học hay lén chuyển cho nhau bài làm. Hai màu áo sẽ không còn cạnh nhau cho hòa họp, trái ô mai sẽ nhấm nháp một mình, những cử chỉ làm duyên chắc cũng một phần nào trơ trẽn, vì chỉ còn có một. Nụ cười rồi sẽ bớt tươi, đôi mắt vẫn to, đen, nhưng phần nào bớt trong sáng và tâm hồn thì vương thêm một chút u buồn”. Tôi thổn thức như muốn khóc, có lẽ đó là dấu hiệu chứng tỏ một tâm hồn yếu đuối. Cũng được, có sao đâu, tôi luôn luôn yếu đuối trong tình bạn.
... Một đám mây bay ngang che khuất mặt trời, sân trường tối dịu lại làm tim tôi cũng tìm được chút êm đềm. Chuông ra chơi reo vang, một mình tôi bỏ xa đám đông, tha thẩn trong sân trường rồi ngồi bên gốc phượng. Bóng mát bao phủ lấy tôi như bàn tay bà mẹ hiền lành. Hồn tôi dịu lại, tôi bàng quơ đưa một cánh phượng lên môi hôn. Mùi thơm ngai ngái đặc biệt của bông hoa đỏ chợt nhắc tôi tất cả những gì xa xôi mà tôi tường chừng đã quên hẳn. Tôi chợt thấy hai dãy hành lang xa hun hút mà tôi thường thích ngắm. Những giờ học có việc phải ra ngoài, tôi thường nhân dịp đứng ở cuối hành lang phóng mắt về tận đầu bên kia để tìm cảm giác cô đơn, lúc ấy học trò ở trong lớp cả nên hành lang vắng vẻ không một bóng người; với tôi, hình ảnh tượng trưng nhất cho một tâm trạng cô đơn là dãy hành lang xa hun hút đó. Cũng hai dãy hành lang này đây, những ngày Chúa Nhật có khi thơ thẩn lại trường, tôi thường đi chậm từng bước một trên đó để thấy mình đa cảm, vì lúc đó tự nhiên tôi muốn khóc tuy chẳng có chuyện gì buồn.
Tôi yêu dãy hành lang bởi vì nó là của trường tôi, cũng như tôi thương thương bụi hoa giấy trong sân, cũng như tôi mến những lớp học trật tự xếp hàng bên nhau, âm thầm và lặng lẽ chứng kiến những sinh hoạt nhộn nhịp của tuổi học trò. Tôi thương cả cái sân nứt nẻ chật ních những xe cộ trong giờ học và trống vắng một cách đáng buồn khi học trò đã lần lượt về nhà. Trường tôi oai nghiêm như một nhà mô phạm, nhưng lại tươi tắn như có gái đang độ tròn trăng và dễ thương như em bé chưa biết suy tư còn hồn nhiên sống những ngày đuổi hoa bắt bướm. Tôi thấy như vậy và không bao giờ tự hỏi tại sao tôi lại “thấy” kỳ cục thế, tôi không có thói quen phân tích những tình cảm đột nhiên phát hiện.
Một kỷ niệm thật xa xôi về trường tôi bỗng đâu hiện ra rõ rệt; tôi như sống lại một ngày đầu niên khóa, một ngày mà cơn mưa to nhất mùa làm ngập cả thành phố. Giờ tan học chúng tôi co ro đứng trên hành lang không về được. Những hạt mưa theo gió tạt mạnh vào người làm chúng tôi lạnh lùng, ướt át. Trời tối đen và gió mưa ào ạt; nhìn những ngọn cây tơi tả trong mưa, vật vờ trong khung trời xám đục tôi thấy thương làm sao. Tôi cảm thấy ngôi trường thân yêu như đang rùng mình vì lạnh và mỗi khi một lằn sét sáng lòe trên bầu trời u ám tiếp theo là những tiếng sấm long trời lở đất, ngôi trường như cũng giật mình sợ sệt trong khi chúng tôi ôm nhau kinh hãi. Dù sao ngôi trường cũng bao bọc chúng tôi trong lòng nó như gà mẹ ủ con dưới cánh. Đứng ở đây tôi thấy yên tâm và thân mật tuy có lạnh lùng, ướt át.
Trời tạnh, chúng tôi lần lượt ra về, đi qua sân, phải xắn cao ống quần vì sân ngập đầy nước, chân tôi mát lạnh, tôi bước đi mà cứ tưởng mình đang bắt chước Thục Phán trong trang cổ sử, cầm sừng tê theo thần Kim Quy xuống biển. Ra khỏi cổng, tôi quay trở lại nhìn trường trước khi đi tiếp; trường tôi lúc đó sao mà tiêu điều thảm não, nó đáng thương chi lạ làm tôi chợt có cảm tưởng nó không còn phải là vật vô tri. Tôi nghĩ nó đang nhìn chúng tôi thầm trách sao bỏ về tìm bữa cơm nóng sốt và chăn ấm nệm êm, bỏ nó một mình trong đêm nay, tối tăm, lạnh lùng, ướt át.
Lần khác cũng lại trời mưa, tôi đau khổ lội bộ giữa con phố vắng tanh ngập nước. Gần đến trường thì nghe tiếng trống vào học đã điểm, tôi vừa lo sợ vừa vui thích nhẩm lại một bài học thuộc lòng lớp Năm vì nó thật họp với hoàn cảnh lúc đó. Bài học thuộc lòng của tôi thế này:
Hôm nay trời lại mưa phùn
Đường em đi học lầy bùn khổ chưa?
Trên đầu không nón che mưa
Có đôi guốc vẹt lại vừa đứt quai
Tay em che vạt áo dài
Một tay xách guốc với hai ống quần
Bùn sâu đến mắt cá chân
Sách em cắp nách mấy lần chực rơi
Xa xa trống đã điểm hồi
Em còn lờ lửng ngoài trời gội mưa.
Bước qua cổng, nhìn lên ngôi trường cao lớn, tôi thấy như nó cười ranh mãnh, có ý bảo: “Chết rồi, đi học muộn nhé, thầy phạt cho xem!”
Còn bao nhiêu kỷ niệm nữa, nhưng không hiểu sao hai kỷ niệm tôi vừa nhắc lại đều có trận mưa, có lẽ bạn tôi nói đúng, nó bảo: “Mày có một tâm hồn ướt át”. Sự thật, không muốn kể thêm nữa chỉ vì nếu tiếp tục tôi sẽ rất buồn. Bây giờ ngồi trong sân trường tìm lại những kỷ niệm về trường, mai mốt sẽ ngồi ở đâu để tìm lại những kỷ niệm đó? Có lẽ ở đâu cũng có thể được, nhưng chắc chắn đều với một tâm trạng xót xa.
“Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”, yêu trường, không những tôi chỉ yêu ngôi nhà to lớn, bụi hoa giấy đẹp giản dị, những lớp học lặng lẽ đầy vẻ suy tư, cái sân thân yêu và hiền lành... tôi và còn yêu cả con đường dẫn tôi đến trường, con đường nho nhỏ, đẹp hiền dịu với đầy bóng mát của những cây cao, thẳng tắp. Tôi thích đi trên con đường ấy, tự nghĩ rằng lúc đó mình cũng dịu dàng và duyên dáng thêm lên. Thích nhất là những ngày hoa lan nở, nhà hai bên đường trồng rất nhiều lan làm cho cả con phố thơm dìu dịu, mùi thơm trong sạch như tâm hồn đôi tám chưa một vết nhơ cuộc đời...
Tôi vò nát bông hoa đỏ trong tay lúc nào không biết. Cái cảm giác buồn buồn vẫn còn nguyên vẹn. Nào những kỷ niệm đẹp, nào những phút gần gũi ngôi trường thân ái... tất cả rồi lại một lần nữa qua đi. Kỷ niệm đã qua, dĩ nhiên là vậy, nhưng hiện tại rồi cũng sẽ qua, cái hiện tại tôi ngồi dưới gốc phượng, vò nát cánh hoa tươi, tìm về những ngày xa xôi cũng sẽ không còn nữa. Tôi sẽ xa dần, không những thầy kính yêu, bạn thương mến mà cả ngôi trường chất đầy những kỷ niệm êm đềm. Nghĩ đến đây, tôi thấy tim mình như muốn tan ra...
Phượng rơi! Từng cánh lặng lẽ đậu trên đầu tôi, trên vai tôi, và chúng yên lặng nằm cạnh chân tôi một cách ngoan ngoãn. Ve vẫn kêu hoài điệu nhạc thảm thê như tiễn đưa những cảnh phượng lìa cành. Và mùa hè vẫn chậm chạp nhưng đều đặn trở về trong yên lặng, cái yên lặng đáng ngại, cái yên lặng đầy vẻ sâu độc, nó trở về để đẩy tôi xa dần những hình ảnh thân yêu của cả một năm học yên vui. Tôi cúi đầu muốn khóc.
Thật ra tôi chẳng muốn và cũng chẳng có quyền trách ai, tôi hiểu lẽ tuần hoàn trong vũ trụ, tôi đã biết trước cái ngày buồn rầu sẽ đến; nhưng tôi, tôi chỉ là một học trò nhỏ bé, mang một trái tim cũng nhỏ bé và rất dễ rung động, làm sao tôi không thể không buồn trước những mất mát? Người ta có thể trách tôi, nhưng không ai cấm được tôi buồn rầu và tiếc nuối.
Một cánh phượng rơi...
Hai cánh phượng rơi...
Ba cánh phượng rơi...
Tôi đỡ lấy cả ba và nâng niu trong đôi bàn tay bé nhỏ. Cánh thứ nhất cho thầy kính yêu, cánh thứ hai cho bạn mến thương, cánh thứ ba cho trường thân thân ái.
Lại một cánh phượng rơi... Cánh này dành riêng cho tôi đó.
Quyên Di
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thoáng mây bay

Thoáng mây bay Chương 1 Loại hoa tím 1971 Thảo buông bút, thở một hơi dài thoải mái: – Xong xuôi … Nhìn qua Tuấn, thấy bạn còn đang hý hoá...