Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Bông hoa đại khải giữa núi rừng Đông Bắc

Bông hoa đại khải
giữa núi rừng Đông Bắc

Nhà thơ trẻ Phùng Thị Hương Ly tâm sự: “Thơ cho cảm xúc phong phú và cuộc sống thú vị hơn, có góc nhìn đa chiều, đó là những giá trị mà tôi cảm thấy thơ đem lại cho mình rõ ràng nhất. Thơ cũng là cơ duyên để tôi có thêm nhiều người bạn thú vị trong cuộc sống”. Như bông hoa đại khải lặng nở giữa núi rừng Đông Bắc, chị đang ngày càng nỗ lực để tạo nên dấu ấn riêng trên con đường mình đã chọn.
Tuổi thơ trong lòng núi
Sinh ra và lớn lên ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nhà thơ trẻ Phùng Thị Hương Ly là một sơn nữ chính hiệu. Từ hồi tiểu học, chị đã biết phụ giúp bố mẹ trèo đồi nhặt củi, leo núi tra ngô, xuống ruộng cấy lúa, lên nương hái chè. Tuổi thơ của chị gắn liền với những sớm sương giăng theo mẹ đi chợ phiên, những chiều nắng tràn chăn trâu trong thung lũng, những đêm trăng sáng theo cha đi bắt cá ở con suối nhỏ, những ngày mưa đi tìm măng, hái nấm trong rừng. Để rồi sau này, tất cả những thi ảnh đó đã đau đáu trở đi trở lại trong thơ chị thật dung dị, bình yên:
Pá lội ướt mùa suối đục/ Con cá trê quen chân/ Mế cày trên nương/ Vấp lên những mùa khô/ Nằm im cơn khát.- (Nhớ pá)
Tuổi mười lăm, Phùng Thị Hương Ly đã “Mang nụ cười/ Rơi trong túi áo mùa đông/ Lẫn những hạt ngô nảy mầm” nhập học Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn cùng giấc mơ chinh phục cánh cửa tương lai. Và trong giai đoạn này, nỗi nhớ về gia đình nhỏ, ngọn núi sau nhà, con đường đi học, cây gạo đầu làng, tiếng lục lạc vang, cánh đồng lúa chín… đã nảy nở trong chị những vần thơ hồn nhiên, trong trẻo mà ấm áp, chân thành. Ly đã dùng thơ để vẽ quê hương và lưu giữ những kỷ niệm trong ngần thơ ấu:
Bà gọi/ Về tắm nước thơm/ Lá của núi làm sạch bàn chân nhem nhuốc/ Đuổi đi mùi lạ.-(Câu chuyện mùa mưa)
Thơ chị liên tục xuất hiện trên Báo Thiếu niên tiền phong, Báo Thiếu nhi dân tộc, Tạp chí Văn nghệ Ba Bể. Những món nhuận bút nhỏ, chị chia làm ba phần, một phần khao bạn bè que kem, cốc chè, một phần mua sách vở, phần còn lại cất dành cẩn thận, cuối tháng mang về cho mẹ. Thơ là người bạn đồng hành cùng Ly. Những buổi được nghỉ học, Ly tranh thủ xuống thư viện trường đọc sách, tối đến thì chong đèn học bài rồi tập tành viết lách đến tận đêm khuya, mặc kệ cái bụng đang ọc ạch kêu lên vì đói.
Tuổi hai mươi ở trọ phố phường
Tên chị nổi tiếng toàn trường, trở thành “thần tượng” của không ít bạn bè cùng trang lứa. Năm 2009, Phùng Thị Hương Ly quyết tâm thi vào Khoa Sáng tác, lý luận và phê bình văn học (nay là Khoa Viết văn – Báo chí) của Trường Đại học
Văn hóa Hà Nội. Chị vẫn còn nhớ như in ngày cầm trên tay giấy báo đỗ đại học, cả gia đình vỡ oà hạnh phúc. Chị biết rằng, kể từ đây, cả đường đời và đường thơ sẽ có muôn vàn thử thách, khó khăn đang chờ sẵn. Bố mẹ sẽ vất vả hơn, bản thân chị cũng cần cố gắng hơn. Một cô gái vùng quê sơn cước chập chững xuống Hà Nội đất chật người đông nhập học. Hà Nội như một thế giới mới, khác hẳn hoàn toàn vùng quê Chợ Mới thanh bình của Ly. Chị nhìn mọi thứ với đôi mắt ngơ ngác, rụt rè:
Tôi đi qua tôi phố đã chật rồi/ Đôi giày cũ và bàn chân nhỏ/ Như bùn lầy ôm ấp củ sen nâu/ Tìm gì cho mình ngày qua hoang dại/ Uống cạn hồ trong chưa thấy mênh mông.- (Đi qua tôi thật chậm)
Phùng Thị Hương Ly cứ chầm chậm làm quen với phố phường, làm quen với những con người nơi đây. May mắn cho chị khi gặp được các đàn chị như: Vũ Thị Huyền Trang, Lữ Thị Mai, Nguyễn Thị Kim Nhung, Phạm Thanh Thuý… Họ đã bao bọc, chở che và dìu dắt Phùng Thị Hương Ly cả trong cuộc sống lẫn trên hành trình sáng tác. Những bài thơ mới của Ly đều được các chị góp ý tỉ mỉ. Chị nhận ra rằng, để trở thành một nhà thơ thực thụ, bên cạnh tài năng, mỗi cây bút phải rèn giũa vốn từ, kỹ thuật viết. Dần dần, vượt qua sự bỡ ngỡ ban đầu, bằng nền tảng năng khiếu vốn có, cộng thêm việc được đào tạo bài bản về nghiệp vụ sáng tác, Ly đã dấn thân mãnh liệt và dám thử nghiệm nhiều phong cách mới lạ. Chị đã viết về tuổi hai mươi của mình với những băn khoăn đầy nữ tính:
Tuổi 20/ Cha bảo ai cũng từng đi qua những cây cầu ngốc nghếch/ Đừng tìm tấm gương nào hết/ mà để mình vỡ ra làm chiếc gương bé nhỏ/ Đó là đôi mắt để tìm đôi mắt khác lớn hơn.- (Tôi 20)
Phải chăng, Phùng Thị Hương Ly luôn bất an, hoang mang về căn cước bản thân? Và chị đang loay hoay trong việc chọn cho mình một lối đi vừa vặn, phù hợp? Bước ra khỏi vùng an toàn, thơ chị trong thời điểm này đã phóng khoáng bung tràn nhưng vẫn còn “rậm lời, thưa ý”, lỏng lẻo về cấu tứ, chưa tạo ra được nét riêng độc đáo để định danh cái tên Phùng Thị Hương Ly trong làng văn trẻ vốn dĩ đã xuất hiện nhiều cây bút 9X nổi trội. Dường như, chị cũng đã kịp vỡ ra điều đó để trở về với thế mạnh của mình bằng những câu thơ đi sâu vào vùng cảm thức thẩm mĩ đậm đà bản sắc quê nhà và nồng nàn hơi thở tình yêu:
Rẫy nhà chưa tra lúa/ Chim núi đã gọi xuân về/ Không khóc mà nhớ nhau/ Cầu thang chín bậc nhà người em chưa tới – (Chim núi gọi xuân)
“Dưới vòm hoa đại khải”
Càng ngày, thơ Phùng Thị Hương Ly càng tiết chế hơn, ẩn dụ hơn, đằm đượm hơn nhưng vẫn chứa đựng thật nhiều những phức cảm, ngóng trông, hi vọng. Chị nỗ lực giữ lại cái bản chất thuần mộc tự nhiên đã ngấm sâu vào tâm hồn, đồng thời tạo chiều sâu cho thơ bằng những triết lý kín đáo mà nhuần nhị, sâu sắc. Như nhà thơ Dương Khâu Luông nhận xét: “Hương Ly bắt nhịp được với thơ mới hiện đại, tuy nhiên, vẫn kế thừa được bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, đây là điều rất đáng quý”.
Bìa tập thơ “Dưới vòm cây đại khải” của Phùng Thị Hương Ly.
Sau thành công của tập thơ “Đi qua tôi thật chậm”, tháng 10.2023 vừa qua, nhà thơ trẻ 9X này vừa cho ra mắt tập thơ “Dưới vòm hoa đại khải” (NXB Hội Nhà văn) tuyển chọn 32 bài thơ có thể tạm gói gọn trong hai chủ đề chính: quê nhà và người lính. Một Phùng Thị Hương Ly vừa lạ vừa quen, vừa mãnh liệt lại vừa nữ tính. Tiếp nối mạch thơ về núi rừng Đông Bắc, một lần nữa, chị tái hiện lại về kí ức tuổi thơ thật dịu ngọt, an vui với “Bầy trâu gặm nắng chiều/ In bóng những thân hình kềnh càng” (Chăn trâu), với “Những cánh chuồn chẳng bao giờ say nắng/ Lượn vòng quanh cũng hết buổi chiều” (Nắng bên kia đồi), với “Những đứa trẻ/ Nghịch lửa trên vết chân ngựa hoang” (Ngẫu nhiên), với “Mía trổ trắng cờ/ Giấc mơ hoá thành mây bay” (Mía trổ cờ)…
Cũng trong tập thơ mới này, Phùng Thị Hương Ly đã dành một số trang viết nhỏ chiêm nghiệm về phố. Phố hiện lên như một trạm trung chuyển của hành trình tuổi trẻ nhiều xô bồ, vội vã. Giờ đây, chị chỉ còn biết giữ trong lòng những hồi ức thổn thức, bâng khuâng:
Chuyển động phố ghi vào máy ảnh/ Còn chúng ta ghi vào mắt nhau cười/ Chộn rộn trước thềm xưa/ Xuân qua lòng phố chật/ Bình gốm tựa vai kể chuyện/ Thay lời ta chia tay.- (Qua phố)
Ấn tượng hơn cả trong tập thơ “Dưới vòm cây đại khải” là những bài thơ viết về người lính. Những người lính trong chiến tranh hay thời bình thì trong họ đều rừng rực trái tim yêu nước với sứ mệnh “Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc”. Tên họ đã “khắc vào đá núi”, trở thành những biểu tượng thiêng liêng:
Thổ Sơn/ Ai vừa nói trong nước mắt/ Mây bay xao động Hang Hòn.
Trong bài thơ “Dưới vòm cây đại khải”, Phùng Thị Hương Ly đã phác hoạ hình ảnh một cựu chiến binh sống với những trăn trở và nỗi đau âm ỉ: “Năm nào ông cũng đợi/ Ở nơi này đâu cũng có thể là những chiến binh/ Đếm nhịp bước chân từ quanh co đồi núi”. Hay khi “Viết ở tiểu đoàn 804”, Phùng Thị Hương Ly đã tinh tế quan sát thấy: “Đám mây không mang số hiệu/ Hòa vào nhau nhận mặt gọi thành tên/ Những người lính đêm ngày canh biển”. Họ luôn “Bồng súng chắc trong tay/ Phiên gác đêm lấp lánh giải ngân hà” (Hành quân qua châu thổ). Bên cạnh nhiệm vụ làm một người lính hiên ngang, bất khuất, khi trở về cuộc sống thường nhật với vai trò làm cha, họ rất đỗi hiền lành, gần gũi:
Những đêm côn trùng ri rỉ lòng núi/ Cha kể chúng con nghe câu chuyện dọc chiến hào/ Chuyện người cựu binh mất ngủ/ Hoà vào những đêm thanh lặng.- (Trên những hố bom)
Nhà thơ trẻ Phùng Thị Hương Ly tâm sự: “Thơ cho cảm xúc phong phú và cuộc sống thú vị hơn, có góc nhìn đa chiều, đó là những giá trị mà tôi cảm thấy thơ đem lại cho mình rõ ràng nhất. Thơ cũng là cơ duyên để tôi có thêm nhiều người bạn thú vị trong cuộc sống”. Như bông hoa đại khải lặng nở giữa núi rừng Đông Bắc, chị đang ngày càng nỗ lực để tạo nên dấu ấn riêng trên con đường mình đã chọn.
26/12/2023
Phan Đức Lộc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...