Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Tình hàng xóm - Truyện ngắn của Đào Thanh Tám

Tình hàng xóm - Truyện ngắn
của Đào Thanh Tám

Cánh cửa phòng mổ hé mở. Chiếc xe chở bệnh nhân có bánh lăn được các bác sĩ đẩy ra khỏi phòng. Một điều dưỡng đến bên cạnh hỏi tôi: “Chị là người nhà của bệnh nhân Nguyễn Vũ.” “Vâng, tôi đây!”
“Bệnh viện thông báo với chị, ca phẫu thuật của anh đã thành công. Mời chị đi theo chúng tôi về phòng hậu phẫu chăm sóc người nhà”. Tôi cuống cuồng đi theo điều dưỡng. Anh giáo cũng hấp tấp đứng lên tay sách lách mang những chăn, ga, phích nước… đi cùng. Tiếng bánh xe cồng cộc lăn trên hành lang về phòng hậu phậu.
Bùng!… Bùng…! Bùng…!
Tiếng đập vào tấm tôn chắn bao quanh công trình bên kia hàng rào trong vườn. Đúng lúc ấy tôi đang đảo món thịt trâu xào lá lốt chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Nghe tiếng đập lùng bùng vào tôn cũ tôi thầm nghĩ: không biết mấy nhà ở ngõ trông nom, dạy dỗ con cái kiểu gì mà suốt ngày để con lêu lổng, chơi bời. Sắp giữa trưa rồi vẫn không về nhà cơm nước còn nghịch ngợm. Chắc lại con nhà Én Ín liền vách, cũng đúng thôi, bố mẹ dạy học ở bản xa, hôm nay là thứ bảy giờ này chắc đang trên đường về. Đáng lẽ thằng anh phải ở nhà nấu cơm, quét dọn nhà cửa chờ bố mẹ về rồi ăn cơm. Vậy mà, nó lại trốn đi chơi cùng mấy thằng trẻ con nghịch như giặc giời trong ngõ. Chúng nghịch ngợm quá trời, đâu như hai đứa con tôi.
Hai đứa con tôi đã học hành giỏi giang lại ngoan ngoãn. Cả tuổi thơ chỉ cắm đầu vào học có biết lang thang bờ nọ bụi kia nghịch ngợm là gì đâu. Giờ cả hai con đang du học tại Nhật. Tuần hai buổi tối chúng gọi facetime về trò chuyện với bố mẹ. Trong họ ngoài hàng, trong làng ngoài phố đi đâu hễ nói chuyện con cái tôi luôn là người được mở mày mở mặt bởi những lời khen ngợi.
Cùng một con phố, bọn trẻ ở đây đủ hạng, đủ cấp. Con nhà cán bộ tỉnh, sở nọ sở kia, công an cũng có. Con nhà viên chức quèn như nhà Én Ín cũng có. Con nhà buôn bán như nhà Long Bình, Liên Hà cũng có. Con nhà nông dân quanh năm suốt tháng gập người đeo gùi hái chè như nhà bà Lả cũng có. Những đứa trẻ, không cùng đẳng cấp, ở chung một ngõ vẫn chơi thân thiết với nhau. Chia nhau, dụ nhau mang quà lên đồi chè ngồi chuyện phiếm với nhau. Chơi đủ thứ trò, nghịch ngợm chán rồi mỗi đứa một cái điện thoại xem phim, xem tik tok…
Nghĩ đến mấy nhà trong con ngõ nhỏ tôi bỗng thấy chán nản. Chán tất cả. Nhà Liên Hà thì bon chen, mấy năm trước phường họp dân bàn vấn đề giải tỏa đất thổ cư trong con phố này thực hiện dự án mở rộng công viên của thành phố. Nhà Liên Hà đã moi móc những chuyện từ xửa từ xưa ra trước cuộc họp tổ dân phố hơn hai trăm hộ dân hòng làm giảm uy tín của gia đình tôi. Úi trời. Anh Vũ nhà tôi chỉ gọi đôi cuộc điện thoại. Mọi thứ đâu lại vào đấy cả. Còn nhà Én Ín thì nghèo rớt mồng tơi, đồng lương thầy cô giáo bản cũng ổn định nhưng thấy bảo còn lo cho bố mẹ già với một đứa em khuyết tật sống ở bản dưới huyện. Trong nhà kinh tế eo hẹp, chả lo làm ăn phát triển kinh tế, chả biết buôn bán thêm mấy thứ đồ rừng về xuôi. Anh giáo thì suốt ngày ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Lo việc nhà mình còn không xong ấy thế mà hễ bà Tổ trưởng Tổ dân phố ới cái gì thì đang bưng bát cơm cũng vội vàng buông bát hấp tấp đi ngay. Nào thì giúp bà Tổ trưởng kêu gọi bà con hiến đất mở rộng ngõ, nào thì giúp bà Tổ trưởng giải hòa mấy vụ cãi nhau vặt, nào thì giảng giải nghĩa từ tiếng Thái cho mấy cô bên Phòng văn hóa…
Cô giáo Ín được cái nết ăn ở sạch sẽ, chăm chỉ quét dọn. Gần mười năm là hàng xóm liền vách, đi chung một con ngỏ nhỏ vậy mà tôi chưa một lần phải động tay quét nửa ngọn chổi. Cô giáo sáng nào cũng dậy sớm lo cơm nước cho các con ăn đi học. Trước khi đi làm cô giáo cầm cái chổi quét từ trong quét ra, phăng phăng qua cả cổng ngõ nhà tôi. Có ai mượn đâu, cô giáo tự nguyện làm. Tôi thì chúa ghét việc quét dọn nên thấy cô giáo quét cả cổng nhà mình thì cũng mặc. Dù thế thì phấn chẳng thể bì được với vôi. Tôi chưa bao giờ coi nhà cô giáo là cùng đẳng cấp. Đã không bằng lòng với vợ chồng cô giáo, sinh ra ở bản thì cứ bản mà ở. Vẽ chuyện mua đất ra thành phố ở cho con ăn học. Mua đâu chẳng mua, lại mua sát nhà tôi. Ngày ấy, tôi không biết nhà bà Lả bán chứ tôi mà biết thì không đến lượt nhà Én Ín mua. Mấy lần gần đây, vợ chồng tôi có ý muốn vợ chồng cô giáo nhượng lại cho nhà tôi mảnh vườn trước cửa. Chà! Mua được mảnh vườn ấy, phá bỏ hàng rào nhà tôi sẽ rộng rãi, vuông vức. Vợ chồng tôi sẽ xây một căn biệt thự. Tôi dám chắc biệt thự nhà tôi sẽ đẹp nhất ngõ. Giờ cả ngõ khen nhà Long Bình đẹp nhưng đến lúc nhà tôi xây xong thì nhà Long Bình chả là gì cả. Tôi tự tin vì tôi có đứa cháu là kỹ sư xây dựng giỏi. Nó vừa tốt nghiệp hôm trước, hôm sau đã có mấy Công ty lớn mời hợp tác. Giờ nó đang làm cho một Công ty của người Hàn Quốc lớn nhất nhì trong các Công ty nội đô. Tôi chỉ cần nói chuyện muốn xây nhà, thể nào nó cũng ra sức xin vợ chồng tôi cho nó được thiết kế. Vừa đỡ tiền thuê, vừa được như ý. Chỗ nào không ưng ông chỉnh bà sửa cho bao giờ mĩ mãn thì thôi. Thế mà vợ chồng cô giáo cứ gan lì không bán. Đất giữa thành phố mà chỉ để trồng mấy cây rau, phí đất.
Hôm nọ, nhà tôi sửa đường nước. Tôi thích, tôi bày biện đủ thứ lỉnh kỉnh: xà beng, xi măng, cát, gạch đá, cưa sắt, kìm, búa, ống nhựa PV… ra trước cổng nhà. Cô giáo từ bản về lúc trời nhá nhem tối, trượt bánh xe vào viên gạch. Tôi nghe thấy uỳnh, cả người và xe nằm chềnh ềnh giữa ngõ. Ở trong nhà nhìn ra, thấy cô giáo lóp ngóp đứng dậy nâng xe lên, tập tễnh chân dong xe vào sân, chẳng nói chẳng rằng gì. Hình như lúc ấy tôi cười thầm. Ai bảo khoảnh không chịu bán vườn cho chị. Ngã chị cũng không thương.
Lại một lần khác, hôm ấy sinh nhật tôi. Để nịnh vợ, anh Vũ đặt mâm cỗ thịnh soạn mời mấy người bạn đến dự tiệc. Cả khoảng sân rộng mênh mông nhà tôi mà xe pháo đỗ chật hết. Mấy chiếc xe đến sau phải đỗ nhờ bên sân nhà bà Lả. Chiếc Mazda đến cuối cùng, không còn ních vào đâu nên đỗ bừa chắn ngang cửa cổng nhà cô giáo. Cô giáo đi làm về, cũng chả dám hé răng nói một lời nào. Cô giáo không còn chỗ để lách vào cổng đành dựng xe máy ngoài trời nắng nóng cả một buổi trưa. Tôi nhìn thấy hết nhưng cứ vờ như không biết gì. Vậy mà vợ chồng nhà cô giáo nín nhịn. Lại còn, gặp vợ chồng tôi lúc nào cũng là niềm nở. Một câu: Em chào anh chị! Hai câu: Em chào anh chị! Hai đứa con cũng vậy, gặp hai bác đâu cũng: Cháu chào bác ạ!
Chuyện gần đây nhất, mới hôm qua, lá cây bên vườn nhà cô giáo bị gió thổi bay sang sân nhà tôi. Đi làm về đã mệt mỏi, nhìn thấy những chiếc lá bừa bứa trên sân, tôi bực mình lấy chổi hất sang giữa cửa cổng nhà cô giáo. Rồi đi vào nhà nằm khểnh chờ ông xã đi làm về nấu cơm xong gọi: “Huyên ơi, ra ăn cơm!” Lúc ấy tôi mới rời chiếc điện thoại, lững thững ra phòng ăn, ể oải gắp. Tối muộn, tôi bật điện sân ra khóa cổng thì đống lá đã được dọn sạch.
Bùng!… Bùng…! Bùng…!
Huyên ơi…! Gọi người cứu… anh…!
Rõ là tiếng anh Vũ. Tôi hớt hải lẳng đôi đũa xuống bàn bếp ga, chạy ra ngoài ngó quanh. Phía cuối vườn, bên kia bờ rào, tấm tôn bập bùng.
Huyên ơi…! Gọi người…! Cứu a…nh…!
Đúng tiếng anh Vũ rồi. Ối trời ơi! Anh làm sao vậy?
Tiếng xe máy đỗ xịch trước cổng. Tôi chạy, nhưng chân nọ ríu chân kia không chạy nổi. Tôi gọi to: “Chú Én ơi! Chú lên xem anh nhà chị bị làm sao trên đồi. Khổ thật, trưa rồi còn lọ mọ lên đấy làm gì không biết”. Dựng vội chiếc xe, cả hai vợ chồng cô giáo rẽ vườn trèo lên đồi. Thầy giáo gọi lớn: “Anh Vũ! Anh Vũ ơi!” Tiếng rên khe khẽ: “A…nh ở đ…ây!”. Thầy giáo vạch đám cây mâm xôi đầy gai góc, rẽ lối tìm đến chỗ anh Vũ. Tôi và cô giáo hớt hải theo sau.
Nhìn thấy chồng, mặt tôi tái dại. Chồng tôi nằm ngửa trên đống lá khô. Máu me be bét khắp mình. Chiếc quần bảo hộ rách toang từ đầu gối lên đùi và từ đầu gối xuống bắp chân đỏ máu. Máu chảy thành dòng. Tôi choáng váng chỉ biết bưng mặt khóc. Cô giáo động viên: “Anh chị bình tĩnh!”
Thầy giáo lột phăng chiếc áo đang mặc trên người. Tôi nghe tiếng xé vải xoèn xoẹt. “Anh cố chịu đau. Em cầm máu”. “Chú giúp anh. Đau quá!”. Anh Vũ nhăn nhó.
Thầy giáo ngoắc qua vợ: “Em chạy xuống gọi mọi người lên đây khiêng anh vào cáng thương. Anh nặng ngót tạ, mấy chị em mình không khiêng ngược dốc nổi đâu.” Thầy giáo chưa dứt lời, cô giáo đã đi được một quãng. Còn thầy giáo rút điện thoại gọi xe cấp cứu. Tôi lúng túng không biết làm gì nên ríu chân chạy theo cô giáo. Cô giáo chạy dọc con ngõ, nhà nào cũng rẽ vào: “Anh ơi, em ơi, chạy lên đồi khiêng anh Vũ lên xe cấp cứu giúp em với! Anh ấy bị ngã!” Bác Long Bình, chú Thái Tịnh… nhà nào cũng đang ăn cơm trưa. Tất cả buông bát vội vã chạy ngược lên đồi.
Chú Say làm bác sĩ ở bệnh viện tỉnh có mặt sớm nhất. Chú hỏi anh Vũ: “Anh ngã thế nào? Giờ anh thấy người ra sao?” “Anh ngã từ trên cây kia xuống. Anh trèo lên lấy tổ ong.” Lúc này đã khá đông người đứng lố nhố xung quanh bệnh nhân. “Ngã xuống gốc chè kia. Khi anh rơi xuống, anh không động đậy được. Anh tưởng cành chè cắm vào người. Anh cố dùng hết sức đạp chân vào gốc chè. Đạp đến lần thứ ba thì người anh trôi xuống đây. Lúc ấy anh biết là anh không bị cành chè xiên vào người mà chỉ bị rách thịt. Nhưng chỉ một lúc sau, anh tự cấu vào người thì từ sườn, thắt lưng đến chân đều đã tê, không biết gì!” “Người anh nặng như thế này, lại ngã từ trên cao xuống, khả năng xương sống của anh bị ảnh hưởng là rất cao. Bây giờ không thể khiêng anh lên cáng được, nhỡ đứt tủy thì nguy hiểm. Bác nào chạy xuống nhà tìm cho em một tấm ván nhỏ lên đây để đưa anh Vũ nằm vào tấm ván.” Thầy giáo nhanh nhẹn: “Để anh.”
Ván được đưa lên, đặt bên sườn bệnh nhân. Bác sĩ Say nhắc mọi người: “Các bác nhẹ tay, luồn ván xuống dưới lưng và mông bệnh nhân giúp em. Các bác chú ý làm hết sức nhẹ nhàng”.
Tiếng xe cứu thương rền rĩ, hú eo éo ghê rợn mỗi lúc nghe một rõ. Khi tấm lưng bệnh nhân được nằm trên tấm ván cũng là lúc chiếc xe cứu thương đỗ xịch trên đường lớn. Hai bác sĩ từ trên xe nhảy xuống mang theo các dụng cụ y tế. Các bác sĩ hướng dẫn mấy người đàn ông nâng bệnh nhân vào cáng: “Các bác nâng thật nhẹ, thật đều tay. Hai bác phía đầu, hai bác phía chân. Bên phải, bên trái mỗi bác một cạnh của tấm ván. Trước khi nâng các bác hô một, hai, ba giúp em!
Sáu người đàn ông xúm quanh bệnh nhân, cùng hô: một, hai, ba nâng! Anh Vũ mặt nhăn nhó, thều thào: Cho anh về nhà, lau người. Nhỡ có mệnh hệ gì…
Một bác sĩ quả quyết: Phải ra viện cấp cứu ngay lập tức anh ạ! Chuyện tắm táp để tính sau.
Chiếc xe cứu thương lao đi. Tôi chạy về nhà khóa cửa, tắt bếp, vơ mấy bộ quần áo nhét vào ba lô, thêm điện thoại, ví tiền. Xong xuôi tôi trèo lên xe run run đi ra bệnh viện. Nhà tôi cách bệnh viện tỉnh chưa đầy ba cây số nên đi cũng không mất nhiều thời gian. Vừa đến nơi, tôi nhìn thấy thầy giáo Én, cùng hai điều dưỡng đẩy xe giường bệnh nhân có chồng tôi nằm trên, từ phòng chụp CT ra. Thầy giáo bảo: “Em phải vào giữ chân anh cho máy đưa anh vào lồng chụp…”. Chưa nghe Én nói hết câu thì đã thấy tiếng bác sĩ gọi tôi vào phòng làm việc. Bác sĩ thông báo: Chúng tôi vừa chụp CT kiểm tra toàn bộ cơ thể anh nhà. Hiện tại đầu và mặt anh không có dấu hiệu thương tích. Anh bị rách chân, vỡ đốt sống lưng 3, 4. Chúng tôi quyết định mổ gấp tránh cho anh những di chứng có thể gặp phải là sốc tủy, liệt hoàn toàn chi dưới, bí tiểu… Ngoài mổ ở lưng chúng tôi phải khâu vết thương ở chân. Khi mổ chúng tôi cần truyền máu cho anh để cấp lại lượng máu mất đi khi anh ngã và trong quá trình mổ… Hiện tại, máu dự trữ trong bệnh viện không còn. Gia đình liên hệ, kêu gọi người thân, anh em, đồng nghiệp cùng nhóm máu với anh cho máu để chúng tôi thực hiện phẫu thuật…
Bác sĩ nói nhiều, giải thích nhiều nhưng tôi không nghe thấy gì nữa. Tai tôi lùng bùng.
Ngoài hiên, vợ chồng cô giáo đứng chờ ngoài cửa vồn vã thăm hỏi. Nước mắt lưng tròng, tôi thất thểu: “Anh phải mổ, cần truyền máu. Chị thuộc nhóm máu AB, anh nhóm máu A cộng. Anh em ruột thị, con cái tuyền ở xa nhà. Bây giờ phải làm thế nào?” “Chị để em, em nhóm O. Em nhiều lần tham gia hiến máu tình nguyện rồi nên chị yên tâm!” Dứt lời, cô giáo vào phòng bác sĩ trưởng khoa cũng là bác bĩ trực tiếp thực hiện phẫu thuật ca mổ của anh Vũ. Khi cô giáo quay ra. Mặt tái mét, xanh như tàu lá chuối. Thầy giáo ra cổng viện mua về nào sữa, bánh… Thầy giáo cắm ống hút nhắc vợ: “Em uống luôn đi kẻo choáng.” Quay sang tôi, thầy phân bua: “Nhà em mới đi hiến máu tình nguyện được 3 tháng. Lần đầu nhà em đi hiến máu em cũng đi cùng, nhưng lấy chưa xong thì em ngất xỉu. Từ đó đến giờ em không dám đi nữa.”
Tôi chỉ còn biết ôm cô giáo khóc rưng rức.
Anh được chuyển vào phòng phẫu thuật, vợ chồng anh giáo ngồi ngoài hiên cùng tôi. Anh giáo vừa trò chuyện với tôi, chuyện với mấy người lạ cũng đang đứng ngồi lố nhố ở hiên chờ người nhà trong phòng phẫu thuật… Anh trò chuyện như thể động viên chúng tôi. Lát lát, anh giáo lại nhìn vợ. Hình như anh giáo lo lắng cho sức khỏe của vợ. Tôi đứng lên ngồi xuống, đi đi lại lại rồi không biết làm gì cho qua giờ, tôi rút điện thoại gọi cho các anh chị em ở quê. Ai cũng xuýt xoa thương anh, động viên tôi cố gắng chăm sóc anh. Em dì nhắn: Mai em thu xếp việc nhà, gửi cháu sang bà ngoại rồi em lên đỡ đần chị! Hai đứa con khóc thút thít trong điện thoại. Nó bảo thương bố mẹ mà xa quá. Để chúng con xin nghỉ học bay về hỗ trợ mẹ chăm bố nhưng sớm nhất vài ngày nữa con mới về được.
Chiều, khi ánh hoàng hôn nhập nhoạng đổ về phía núi, từng đàn chim mải miết bay về tổ. Cô giáo đã về nhà lo cơm nước cho các con, chỉ còn anh giáo ngồi cạnh tôi chờ đợi.
Cánh cửa phòng mổ hé mở. Chiếc xe chở bệnh nhân có bánh lăn được các bác sĩ đẩy ra khỏi phòng. Một điều dưỡng đến bên cạnh hỏi tôi: “Chị là người nhà của bệnh nhân Nguyễn Vũ.” “Vâng, tôi đây!” “Bệnh viện thông báo với chị, ca phẫu thuật của anh đã thành công. Mời chị đi theo chúng tôi về phòng hậu phẫu chăm sóc người nhà”. Tôi cuống cuồng đi theo điều dưỡng. Anh giáo cũng hấp tấp đứng lên tay sách lách mang những chăn, ga, phích nước… đi cùng. Tiếng bánh xe cồng cộc lăn trên hành lang về phòng hậu phậu.
Bác sĩ căn dặn tôi vài điều cần thiết khi anh tỉnh lại. Nhìn anh thiêm thiếp trong tấm ga màu xanh lá cây, trên người phủ tấm chăn mỏng cũng màu xanh lá. Xung quanh người một sợi dây truyền, hai cái ống xông dịch và nước tiểu vào hai bịch nilong thũng thẵng thả xuống dưới nền nhà. Cũng vẫn là may mắn. Nếu chậm cấp cứu không biết hậu quả ra sao. Rồi còn sau này nữa. Bác sĩ nói, anh phải nằm cố định tại chỗ trong khoảng thời gian ít nhất là năm tuần. Mọi sinh hoạt người nhà phải phục vụ tại chỗ.
Gần sáng, đầu tôi quay cuồng. Gần một ngày đêm chưa cho gì vào bụng. Cái dạ dày nép xẹp sôi ùng ục. Lúc tối, anh giáo có mua đồ ăn cho tôi nhưng đưa vào đến miệng đắng ngắt không thể nuốt trôi. Cả đêm ngồi một mình hết nhìn trân trân vào chai dịch truyền nhỏ từng giọt li ti qua mũi kim vào mạch máu anh. Canh chừng từng giọt truyền, bịch chứa dịch. Cái màu đỏ hoe hoét của túi dịch làm mắt tôi hoa nên. Mỗi lần đổ dịch ra cái bô là một lần tôi choáng váng. Mỗi lần choáng váng là một lần tôi tự nhắc mình: Không được gục ngã. Phải cố thật nhiều, hôm nay mới chỉ là ngày đầu tiên. Sẽ còn một chặng đường dài ở phía trước. Chưa bao giờ tôi mong trời mau sáng như đêm nay. Đêm dài dằng dặc. Ánh điện nhạt nhòa chiếu vào những khuôn mặt phờ phạc của người nhà các bệnh nhân cùng phòng và khuôn mặt nhợt nhạt thiêm thiếp nhử ngủ của bệnh nhân.
Cảnh cửa phòng hậu phẫu nhẹ nhàng hé mở. Anh giáo bước vào với túi cam và phích nước. Anh nhanh nhảu: Em ra sớm thay chị chăm anh không sợ chị mệt. Tự nhiên nước mắt ở đâu chảy tràn trên mặt. Tôi ngượng nghịu lau má. Anh Vũ he hé mở cặp mắt nhìn tôi yếu ớt, lí nhí nói: “Bây giờ thì anh mới thấm thía câu nói bán anh em xa mua láng giềng gần. Anh cảm ơn cô chú nhiều nhiều lắm. Anh như người được cô chú cứu sống trở lại”.
15/12/2023
Đào Thanh Tám
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...