Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Thu ngân viên ngành điện

Thu ngân viên ngành điện

Cái nghề làm dâu trăm họ phải học chữ nhẫn. “Mai cháu nhé, chú nhà cô đi vắng”. “Cô ngại lên tầng lấy quá, mai mày quay lại”. “Nhà tao tháng nào cũng nộp ngày cuối cùng của tháng”… Trong lúc ngồi quán trà đá uống cốc nước cho đỡ khô họng, Nhiên nói với Yến: Chị này, dân ở đây buồn cười nhỉ, có tiền mà không đóng. Ngày rằm, mùng một nào cũng đi chùa, cầu xin nọ kia nhưng làm như này chả khác gì hành mình.
“Thu thu cái con mẹ mày, tao bảo 28 cơ mà”. “Câm mồm! Biến đi đừng để bà mày điên”. “Mẹ mày, sao không đến thu sớm thì tao đã được ăn đề không. Mất mẹ cái tiền đề rồi thì lấy gì mà đóng. Sang tháng tao đóng”. “Đ… mẹ, tiền điện gì giờ này, bố mày đang ăn cơm, mất ngon”…
Những câu nói thô thiển, thiếu văn hóa của một số khách hàng đã khiến Nhiên không ít lần khóc ròng mỗi khi cô đến thu tiền điện.
Tốt nghiệp đại học, Nhiên – cô kỹ sư trẻ rất chật vật để tìm được một công việc đúng với chuyên môn mình học. Cô nộp hồ sơ xin việc rất nhiều nơi nhưng chỉ duy nhất một nơi có liên quan đến ngành học gọi đi phỏng vấn, đó là một công việc mang tính thời vụ của một công ty điện lực.
Vào ngành điện là mơ ước của cô từ nhỏ, khi mà Nhiên đam mê với những mẩu dây điện chắp chắp, nối nối theo bố, cô tò mò muốn nhìn thấy nguồn điện và xem nó truyền tải như thế nào. Công ty tuyển người đi thu tiền điện, Nhiên không hình dung được nó ra sao, chỉ biết là được vào làm ở công ty điện lực thì cô hào hứng lắm!
Việc mang tính chất thời vụ nhưng trước khi đi làm, Nhiên được đào tạo về tổng quan ngành điện, an toàn điện, văn hóa ngành điện, kỹ năng giao tiếp khách hàng và quy trình thu nộp tiền điện. Qua hai vòng sát hạch, đạt mới được đi làm. Nhiên được phân về một đội quản lý, giao đi thu khoảng một nghìn hai trăm khách hàng, ở ba khu vực khác nhau, có thể nói là những khu khó thu nhất của đội quản lý ấy.
Ngày mười ba hàng tháng bắt đầu vào phiên thu của tháng, kéo dài đến cuối tháng. Trước ngày vào phiên thu, đội trưởng đội quản lý phân người dẫn Nhiên đến khu vực thu để nắm bắt địa bàn, tình hình khách hàng, lưới điện. Bắt đầu từ việc chuẩn bị tiền lẻ, đèn pin; cách lưu mã khách hàng, sắp xếp hóa đơn theo mã con, lộ trình các trạm; cách phân biệt tiền thật, tiền giả…
Ngày ấy thu bằng hóa đơn giấy, thu tiền mặt chứ không có chuyển khoản qua ngân hàng, trích nợ tự động hay qua các kênh trung gian như bây giờ. Hai buổi đầu, Nhiên được Yến cùng tổ đi cùng. Yến cầm hóa đơn, gọi khách hàng, Nhiên lẽo đẽo theo sau trả lại tiền thừa và ghi mã khách hàng lên cửa để tháng sau nhìn vào đó cho nhớ. Tưởng đơn giản, cứ thu tiền về và nộp là xong. Thực tế thì nó lại khó khăn hơn rất nhiều.
Cái nghề làm dâu trăm họ phải học chữ nhẫn. “Mai cháu nhé, chú nhà cô đi vắng”. “Cô ngại lên tầng lấy quá, mai mày quay lại”. “Nhà tao tháng nào cũng nộp ngày cuối cùng của tháng”… Trong lúc ngồi quán trà đá uống cốc nước cho đỡ khô họng, Nhiên nói với Yến: Chị này, dân ở đây buồn cười nhỉ, có tiền mà không đóng. Ngày rằm, mùng một nào cũng đi chùa, cầu xin nọ kia nhưng làm như này chả khác gì hành mình.
– Dân ở đây phức tạp lắm, toàn làm ăn vỡ nợ, quy tụ hết về đây, dân xã hội, dân chợ búa dày đặc, em đi thu phải biết lựa. Ai đi thu cũng có người nhà đi cùng để chẳng may có chuyện gì thì còn người kia, em đi thu một mình thì hết sức cẩn trọng, nhiều chị thu ngân ở công ty mình đã bị cướp, bị thôi miên. Cũng không nên vào nhà khách hàng, đứng ở cổng mà thu, nhỡ nhà xấu tính giở trò thì không ai biết mà cứu đâu; nhà nào nhiều tiền phải đếm lâu, đứng ở ngoài cũng không an toàn, những nhà ấy gọi chị đi cùng.
Nhiên nghe Yến nói vậy thì bắt đầu thấy sợ, không nghĩ lại tiềm ẩn nhiều rủi ro như thế. Yến tiếp tục dặn dò: Dãy cuối cùng kia toàn nhà có chó dữ. Bà ở số nhà 45 cuối ngõ, cứ gọi thu tiền điện là bà ấy chửi rồi thả chó ra. Nhà kia thì không thu vào giờ đề. Các công ty thì thu vào giờ hành chính, nhà dân thì thu chủ yếu vào buổi tối. Còn nhà kia nữa, ông con nghiện, ông bố bệnh nặng nằm một chỗ, tháng nào chị cũng phải ứng ra cho, tháng sau mới thu lại được.
– Nhà họ có nhiều tiền điện không chị?
– Hơn trăm thôi.
Nhiên im lặng.
– Nhớ cẩn thận, nên có xịt cay. Đi thu buổi tối thì đừng thu quá muộn, cái khu tối tối kia thì lựa mà thu buổi ngày, buổi tối hay có nghiện tụ tập ở đó. May lấy cái quần rộng, có túi bên trong, có đồng tiền chẵn nào thì nhét vào đó, chỉ để ít tiền lẻ trả lại bên ngoài thôi. Mùa hè, buổi tối thu ở khu này cũng trên trăm triệu. Cẩn thận không dính tiền giả là phải bù tiền thật vào mà nộp trả nhà nước đấy, tiền thu xong để cốp xe rồi về…
Phát đủ thông báo, đủ ngày chậm tiền điện theo hợp đồng thì mới được làm lệnh tạm ngừng bán điện. Hạn chế tạm ngừng bán điện không mệt mình đấy. Cứ lựa nói khéo với khách hàng em ạ!
– Cứ bảo ngành điện cửa quyền, độc quyền. Nay đi thu em thấy dân mới là hách dịch ấy. Dùng điện thì phải đóng tiền, cứ như là mình đi ăn xin, rồi họ cứ chửi mình.
– Chị quen rồi, hơn tám năm đi thu, rắn mặt mà nhiều lúc phải lựa. Rồi em phải biết tổng hợp tiền thu, hóa đơn đã thu, số tiền thu khớp với số tiền trên tổng số hóa đơn thu là được, sáng mai lên tổ nợ chấm nợ. Cứ đi thu đi, vài tháng sẽ quen hết, khách hàng mỗi người một kiểu, phải vào tình huống cụ thể mới đưa ra được cách giải quyết.
Tối đó, Nhiên mất cả đêm để đếm tiền, cộng hóa đơn. Lệch mất hơn một triệu. Sáng sớm, Nhiên gọi điện cho Yến, khóc thút thít hỏi Yến phải làm thế nào? Yến bảo kiểm tra lại tiền lẻ và tính lại số hóa đơn, nếu thiếu thì có thể là do đưa hóa đơn nhưng quên chưa thu tiền và tiền ấy phải bỏ tiền túi ra bù. Nhiên vét những đồng tiền ít ỏi của mình bù vào và những ngày sau đó cô phải tằn tiện qua bữa bằng những gói mì tôm trần.
Tối hôm sau nữa, Yến vào phiên đi thu khu vực của chị được giao, Nhiên đi thu một mình. Cái xóm nhỏ xíu mà Nhiên lạc mấy vòng, cả tiếng đồng hồ chỉ thu được gần hai chục nhà, vì không biết tên hóa đơn, đến nhà nào hỏi nhà ấy xong lại mất thời gian tìm hóa đơn, trả lại tiền, ghi mã lên cửa nhà họ, ghi vào sổ theo lộ trình. Do nhà mua đi bán lại, chủ hộ lại không đi đổi tên hợp đồng mua bán điện nên cũng có nhiều nhà chủ không nhớ tên hóa đơn thì đành phải bỏ lại, đi thu nhà khác.
– Lại con thu tiền điện mới à? Thẻ đâu? Hay lại lừa đảo? Nhiên giơ cao cái thẻ đeo trên cổ có dấu đỏ của công ty. Bà thím soi kỹ mặt Nhiên với người trong ảnh rồi buông thõng cái thẻ khỏi tay, giọng ngắn lạnh: Nhà tao bao nhiêu tiền?
– Xin lỗi cô, cháu mới đi thu nên chưa nắm hết được tên hóa đơn, cô cho cháu hỏi tên hóa đơn nhà cô là gì ạ?
– Không biết thì không phải nộp. Không phải tao không nộp mà là do mày đi thu mà không biết nhà nào vào nhà nào đấy nhé! Nói xong, bà thím quay ngoắt vào trong.
Sang nhà khác, Nhiên mất khá nhiều thời gian với những nhà mới thuê nhà, họ không biết tên hóa đơn, gọi điện chủ nhà không nghe hoặc họ cũng mới mua chưa ở đã cho thuê nên cũng không biết, trên cửa nhà họ người cũ từng thu ở đây cũng không để lại ký hiệu mã khách hàng, khi hỏi được người cũ thì khách hàng lại làm khó:
– Nhà chú bao nhiêu tiền?
– Dạ, nhà mình tháng này tiền điện là một trăm sáu tám nghìn năm trăm đồng ạ!
– Một trăm sáu tám nghìn thôi, nhưng mai kia chú mới đóng. Chú hỏi để chuẩn bị tiền.
– Nhà mình ít tiền, chú đóng giúp cháu, mai cháu đỡ phải quay lại ạ!
– Giời, cháu thu khu này còn xơi, phải đi dăm bảy lượt nữa. Khi nào thu xong hết các nhà thì quay về nhà chú, chú sẽ đóng luôn.
Nhiên ức, ức vì sự quá đáng, không phải họ không có tiền nộp mà là họ lại như thế. Ai cũng nói cuối tháng thì thu biết khi nào mới xong. Nhiên cảm giác mình bị bắt nạt. Nước mắt lại chảy ròng. Đứng dừng một lát để nước mắt khô, Nhiên tiếp tục đi thu.
Người ra mở cửa cởi trần, hình xăm kín người, mắt trắng, mặt lạnh: “Không có tiền, mai ông già ở nhà thì đến”. Giọng hắn đanh, nói xong sập mạnh cửa, lừ lừ đi vào trong.
Mới đi thu, Nhiên không dám về muộn, gần hai mươi mốt giờ Nhiên cất hóa đơn, sổ, bút, đèn pin vào cái túi đeo trước, mắt đảo trước sau xem có ai theo dõi mình không. Cả buổi hôm đó, Nhiên thu được khoảng hơn bốn mươi nhà. Nhiên đến đội, đội trưởng hỏi về việc đi thu.
Nhiên ngân ngấn nước mắt: Họ cứ chửi em, em sợ!
Đội trưởng nhìn Nhiên bật cười: Hơn hai mươi tuổi rồi mà như trẻ con. Mới đầu chưa quen, sau này sẽ quen, khó khăn hay muốn hỗ trợ gì thì nói với anh. Mà đi thu có khớp tiền với hóa đơn không?
– Không ạ, ngày đầu tiên em bị hụt hơn một triệu.
– Cuối tháng, thu không hết, em phải ứng tiền số hóa đơn còn tồn, điều này em biết chưa? – Tồn hai mươi triệu thì em phải ứng hết cả hai mươi triệu ạ?
– Ừ, đầu tháng sau đi thu tiếp. Tháng đầu, Nhiên đi rã chân vì chưa nắm hết các trạm và tên hóa đơn khách hàng, cứ quay ra lại quay vào cả chục lượt cái xóm nhỏ, gặp đứa ngáo đá hoặc bị con chó dữ thì nó săn cho chạy mửa mật. Đêm về nằm thở dài, ôm khư khư cái túi tiền, hôm nào đủ tiền, không dính phải tiền giả là may.
Ở trọ, xóm trọ đông người, cần đề phòng. Tại xóm trọ, Nhiên giấu nhẻm cái chuyện mình đi thu tiền điện vì sợ ai nổi lòng tham sẽ lấy trộm. Tháng đầu tiên, Nhiên được một triệu không trăm bốn mươi hai nghìn tiền thù lao, chưa đủ tiền bù số bị mất chưa kể phải chạy vạy vay hơn mười triệu đồng ứng vào số hóa đơn chưa thu được. Nhiên không có ý định nghỉ vì cô nghĩ ở đây sẽ có cơ hội cho mình được làm chính thức trong ngành điện.
Khoảng ba tháng, Nhiên quen với việc đi thu. Thu dóc hơn người trước, số tiền thù lao cũng cao hơn do Nhiên được giao thu tăng số lượng hóa đơn lên hơn một nghìn bảy trăm. Sáu tháng, Nhiên được lòng của nhiều người dân ở đây bởi sự nhanh miệng, lễ phép, nhưng vẫn có một số ít hoạnh họe.
Cái nhà ông cụ bệnh nặng thường xuyên phải vào viện và có đứa con bị nghiện mà Yến nói, Nhiên lưu tâm và khi đến rất để ý. Mùa hè, tháng ba mươi ngày thì chí ít cũng có hai mươi ngày nắng nóng trên ba tám độ mà hóa đơn nhà cụ chỉ hơn chín chục nghìn. Đi thu tới ngõ đó, Nhiên thường ghé mắt vào trong căn nhà ấy một lát và luôn thấy hình ảnh ông cụ hom hem nằm một mình, mắt nhắm nghiền, đôi khi phát ra âm thanh rên rỉ, đôi ba lần thấy có một người phụ nữ vẻ mặt u buồn, quần áo sờn bạc mang cho cụ bát cháo.
Nhiên từng hỏi cô hàng xóm nhà cụ, nhà thấy có bóng người mà bấm chuông mãi không thấy ai ra mở cửa. Cô hàng xóm cho biết đó là đứa con dâu cụ, trước là trẻ mồ côi, cụ mang về nuôi từ nhỏ, sau này gả cho thằng con trai; hai vợ chồng ông cụ tốt tính, làm công nhân môi trường, thu gom rác thải, có thằng con trai duy nhất thì lại nghiện. Bà cụ mất vì lao phổi 5 năm trước, 2 năm sau thì ông cụ bị tai biến, đứa con nghiện ngày càng nặng, của nả thì thằng con đem đi bán hết. Cô con dâu ngoan, hiếu thảo, sau khi ông cụ về nghỉ cũng xin được cho cô con dâu vào làm. Mình cô lo toan cho cả nhà, may mà chưa sinh con, không thì không biết sống thế nào?
Nhiều lần bị chồng đánh chửi, lột quần áo lục lấy tiền mua thuốc hút, chán nhưng nghĩ thương bố mẹ chồng nuôi ăn nuôi lớn từ nhỏ nên giờ cô chăm lại ông. Hằng tháng, nhiều lần đi qua nhà cụ, định bấm chuông thu tiền rồi Nhiên lại lẳng lặng bước đi. Cô hàng xóm lại nói chuyện với Nhiên về cô con dâu cụ bị ốm. Nhiên ngoái lại nhìn ngôi nhà ảm đạm. Hôm sau, Nhiên mua một túi cam mang đến trước cổng ngôi nhà đó, túi cam loại rẻ tiền vì Nhiên cũng nghèo khó như họ.
Bấm ba hồi chuông mà trong nhà vẫn tối om. Nhà cô hàng xóm tốt bụng đi vắng, mấy nhà bên cạnh khác sợ người nghiện đánh, nên Nhiên không nhờ gửi được túi cam. Nhiên khom lưng ngồi xuống, luồn từng quả cam vào khe cửa nhỏ. Luồn được ba quả thì bỗng có tiếng quát phía sau lưng làm Nhiên giật mình, bệt hẳn mông xuống đất, những trái cam lăn lông lốc trên nền bêtông.
– Con kia, làm gì ở đấy? Nhiên quay ra phía sau, ngẩng lên thấy người đàn ông cởi trần, mình đầy xăm trổ, to lớn, đứng ở cửa nhà đối diện nhà ông cụ.
– Cháu… cháu… mang biếu ông cụ túi cam – miệng Nhiên lắp bắp. Ông chú đảo mắt nhìn Nhiên một lượt, nhận ra cô, giọng dịu hơn trước.
– Thu tiền điện à? Nhà đó tháng này bao nhiêu tiền, sang đây tao đóng cho. Nhiên vẫn run sợ, mãi không đứng được dậy.
– Đưa hóa đơn nhà ấy đây. Thấy Nhiên cứ luống cuống, ông chú quát to: Không nghe tiếng à?
– Cháu… cháu… đóng cho nhà ông cụ đó rồi ạ! Ông chú đóng mạnh cửa đi vào, Nhiên ngơ ngác dưới ánh nắng chói chang, cúi nhặt những quả cam cho vào túi mang về. Ông chú ấy gặp Nhiên đi thu trong cái ngõ nhỏ nhà mình thêm vài lần nữa, mỗi lần nghe thấy cái giọng của Nhiên gọi thu tiền điện là lại có giọng một người đàn bà trung tuổi gồng lên: “Ba mươi đóng”, “Con điên này, đã bảo ba mươi rồi, đến gì mà đến lắm, con trước đi thu, tao chỉ nói một lần, mày mà lải nhải nữa là tao đ… đóng nữa, thách cả họ nhà mày dám cắt điện nhà tao”.
Một lần, ông chú nghe tiếng chân Nhiên chạy uỳnh uỵch, ra ngó thì là có con chó dữ phía sau, ông chú quát to, yêu cầu người đàn bà nhốt chó lại. Người đàn bà thấy ông chú thì tái mặt, cúi đầu chào và gọi ra hiệu cho con chó quay lại. Con chó nghe lời chủ quay về, Nhiên dừng lại thở hổn hển. Tiếng ông chú gọi Nhiên hỏi nhà người đàn bà kia đã đóng tiền chưa, Nhiên lắc đầu cùng với vẻ mặt tội nghiệp.
Ông chú vẫn giọng ấy yêu cầu người đàn bà đó đóng tiền điện cho Nhiên rồi quay sang bảo Nhiên: Nó không đóng thì lên đây bảo chú. Nhiên tròn mắt, vừa mừng vừa ngạc nhiên, đó là nhà Nhiên khó thu nhất ở ngõ này. Người đàn ông kia không còn mày tao với Nhiên nữa mà đã xưng là chú. Nhiên mừng trong bụng, lắp bắp nói lời cảm ơn người đàn ông ấy.
– Đi thu, nhà nào gây khó khăn thì bảo chú hoặc nói là cháu chú Dương.
Nhờ ông chú Dương mà việc thu của mấy nhà khó khó cũng dễ hơn, hoặc họ chưa nộp thì cũng có lời khất tử tế, không còn mắng chửi, con nọ con kia như trước nữa. Thi thoảng gặp Nhiên đi thu tiền điện, chú Dương thường ới nó vào quán trà đá ngồi và hỏi han việc đi thu. Nhiên thắc mắc tại sao chú Dương lại nhận Nhiên là cháu.
– Lần sau không phải đóng tiền điện cho nhà ông cụ kia nữa, có vài đồng thì để chú đóng cho – chú Dương nghiêm túc nói với Nhiên.
Nhiên dần cảm thấy yêu công việc của mình, cái công việc mà nhiều người nghĩ là thấp kém, không cần trình độ, thậm chí còn bị coi thường, dè bỉu gọi là con này con nọ. Đã có người giễu Nhiên: “Học đại học ra cũng chỉ đi thu tiền điện, lương chẳng bằng đứa công nhân ở quê”.
Nhiên chẳng mấy bận tâm về mấy cái ý nghĩ lạc hậu của những con người đó, cô nghĩ thầm: “Thu tiền điện thì đã sao, tôi không đi ăn cắp, không đi ăn trộm thì có gì mà phải xấu hổ”. Vì thế, có ai hỏi Nhiên làm công việc gì thì Nhiên đều dõng dạc trả lời: Thu ngân ngành điện.
Nhiên hài lòng khi thuyết phục được nhiều khách hàng khó tính đóng tiền điện đúng hạn. Nhiên tự tin hơn trong giao tiếp, phản ứng nhanh nhẹn hơn trong các tình huống, đặc biệt nó giúp Nhiên kiên trì, bớt tính hiếu thắng. Công việc tuy vất vả nhưng đã rèn giũa con người Nhiên rất nhiều. Hơn 1 năm sau, hóa đơn giấy bị loại bỏ, thay vào đó là thu bằng máy Pos, các hình thức thanh toán cũng đa dạng hơn như chuyển khoản qua ngân hàng, qua đơn vị trung gian, trích nợ tự động.
Rồi ngành điện bỏ hình thức thu tiền điện tại nhà, thay vào đó là giao cho các đơn vị trung gian và chuyển khoản. Các thu ngân viên lui về giục nợ bằng cách gửi thông báo hoặc gọi điện nhắc nhở từng nhà. Và khi đó, công ty không cần những công nhân thu tiền điện theo hợp đồng thời vụ như Nhiên nữa. Nhiên rời công ty, trở về quê nghỉ ngơi một thời gian để lấy tinh thần đi tìm việc mới, nhưng nếu có cuộc gọi của khách hàng cũ thì Nhiên vẫn nhấc máy lên nghe và nhiệt huyết hướng dẫn họ giải quyết những vướng mắc, các thủ tục hành chính có liên quan.
Ngành điện mở cửa tuyển dụng, năm ấy Nhiên thi đỗ với chức danh kỹ sư. Nhiên được phân công về làm tại một công ty điện lực khác, phụ trách mảng truyền thông và văn hóa doanh nghiệp. Tại vị trí mới, công việc mới, Nhiên thường xuyên ra hiện trường chụp ảnh tư liệu. Cô chụp nhiều, nhưng có lẽ thích nhất là loạt ảnh ghi lại khoảnh khắc tốp công nhân phơi mình dưới cái nắng giữa một giờ trưa để xử lý sự cố. Khi hoàn thành xong công việc khắc phục, họ vuốt lại khuôn mặt tuễ toã mồ hôi, nở một nụ cười: “Có điện rồi”, sau đó ngồi bệt ở chỗ râm gần cột điện, người thì làm ngụm nước, người thì thiếp đi, đồ ăn được cán bộ công đoàn chuẩn bị cũng chưa được dùng tới.
Nhiên biết những bức ảnh của mình chụp rất đẹp, rất có hồn nhưng dù đẹp đến đâu thì vẫn không thể hiện được hết sự vất vả của những người công nhân ngành điện. Loạt ảnh của Nhiên đã khiến Ban Lãnh đạo, Ban chấp hành công đoàn công ty thấu hiểu hơn về nỗi vất vả của đội ngũ công nhân làm việc trực tiếp trên lưới, làm việc trong thời tiết độc hại, từ đó có nhiều hành động động viên, khích lệ, ghi nhận sự cố gắng của họ. Nhiên được đội ngũ công nhân trực tiếp quý mến bởi sự gần gũi, thân thiện cũng như thường xuyên có những chia sẻ, đồng cảm dành cho họ.
Sáng nay Nhiên đến cơ quan, thấy trên mặt bàn làm việc của mình có túm nhãn và hộp dâu tây. Chưa kịp hỏi thì Ngân – cô bạn cùng phòng – đã nháy mắt bảo, có anh công nhân dưới đội gửi cho Nhiên, đồ nhà anh trồng được. Nhiên mỉm cười rạng rỡ, bắt đầu ngày làm việc mới tràn đầy năng lượng…
20/12/2023
Bùi Thị Anh Thơ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi mê 3000000

Cõi mê 3 Mười Sài Gòn, ngọc viễn đông, ngọc phương nam Ông Trọng vừa ăn xong bữa cơm tối một cách mệt mỏi. Ăn mà mệt, đó là bữa ăn của một...