Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Khung cửa hồn ai

Khung cửa hồn ai

1. Sống chung gần hai năm thì tôi và Tầm quyết định chia tay. Cũng không có gì hệ trọng, hay bi đát đến nổi thù địch. Cả tôi và nàng đều đã trưởng thành và ít nhiều dạn dày trong những cuộc tình không có sự buột ràng của trách nhiệm. Tự nguyện và tự do cho mọi lựa chọn của bản thân. Không đổ lỗi cho ai, không oán hờn số phận. Yêu nhau như đang yêu và cho nhau tất cả những xúc cảm, hạnh phúc trong từng giây phút hiện tại. Ngày mai, như rồi sẽ đến với nhiều hoàn cảnh của chính nó, chứ không phải là những ước hẹn trói buột đời nhau... Tầm giữ lại căn phòng đang mướn, tôi dọn ra tìm nơi ở khác. Đơn giản, nhẹ hững và buồn tênh.
Khu chung cư cũ kỷ nằm trên lưng chừng trên ngọn đồi trọc. Năm nay mùa thu đến thật chậm. Đã giữa tháng mười mà mấy rừng cây thưa vẫn còn xanh lá thấp. Nhiều vùng trong tiểu bang lũ lụt, nước chưa kịp rút từ những cơn mưa của mùa bão bất thường phía biển đông. Khu chung cư chia từng cụm, mỗi cụm ba căn. Phòng tôi ở căn bìa tầng trên, nên được thêm cánh cửa sổ rộng bên hông. Mỗi buổi sáng từ đó, tôi có thể nhìn thấy sinh hoạt của một góc phố. Tôi bỏ lại hết đồ đạc cho Tầm. Thật ra phần lớn là do cả tôi và Tầm mua sắm chung. Nằm trên miếng nệm trơ trọi trên thảm, tôi chợt nghe lòng tha thiết một tay ôm. Nhớ Tầm bao nhiêu, tôi càng thấy thương thân phận mình bấy nhiêu. Không hiểu sao, tôi không tìm được một lý do nào đó để tự ái nổi lên, mà quên Tầm dễ dàng. Người đàn bà biết mình đẹp là người đàn bà để trái tim trên khung mắt và lý trí nằm trong ngực. Họ thở bằng niềm kiêu hãnh và bước đi bằng sự lãng quên. Là Tầm. Qua Tầm, tôi thấu hiểu tình yêu không chỉ đơn thuần là những rung cảm của trái tim và xác thịt. Tình yêu còn là chiếc áo khoắc sắc màu lộng lẫy, cho những đòi hỏi của thói quen xã hội chung quanh. Có lẽ, thế hệ của tôi cuộc sống vận chuyển bằng những ký hiệu của ngôn ngữ hơn là ý nghiã bao hàm của nó chăng? Tôi không có câu trả lời. Dễ hiểu, vì tôi đang dự phần, đang là nạn nhân.
Tôi biết mình cũng giống như bao nhiêu người đàn ông khác, tham lam và ích kỷ trong tình yêu. Trọn vẹn và tất cả, từ đầu ngọn tóc đến ngón chân, phải là của tôi, phải thuộc về tôi... Tầm là một ngoại lệ, trong nhiều ý nghiã khác nhau. Khốn nỗi, tôi chỉ làm chủ và thấy Tầm tuyệt đẹp từ lỗ rún trở xuống. Điều nầy không phải để tôi coi thường và lãng quên nàng, mà ngược lại. Giá trị của sự thật bao giờ cũng tồn tại lâu dài hơn những điều giả dối, đãi bôi. Tôi yêu thương và không quên được Tầm, ít nhất nàng vẫn còn phân nửa của đời sống thật. Con người của thế kỷ tới, chắc gì sự thật đã có trong giấc mơ?
Tầm có quá nhiều khuôn mặt cho đời sống, quá nhiều nhịp đập tham vọng trong một trái tim. Tôi chỉ là một dự phần quá nhỏ. Những giây phút ngắn ngủi của ngất ngây khoái cảm, chính là những giây phút chúng tôi sống hoàn toàn chân thật cho nhau. Nàng thật sự tước bỏ tất cả những khuôn mặt và trái tim ngừng đập những nhịp giả dối hằng ngày. Giây phút đó, những tiếng kêu nguyên thủy không lừa dối mới thật sự thuộc về nàng. Để rồi không quá hai mươi phút sau, Tầm lại trỗi dậy, mở cái laptop và di chuyển "con chuột". "Click…! click…!" những tiếng khô khan, dẫn Tầm vào thế giới con số "ma-quái " của thị trường chứng khoán. Như một nỗi đam mê cùng cực. Như một loại bạch phiến thấm sâu vào huyết quản nàng. Tầm quên tôi ngay, nói gì những giây phút ngắn ngủi đó, so với những con số thị trường "stock". Con số ngự trị đời sống xã hội đã đành, ngày nay, con số ngự trị cả tình yêu thể xác. Tôi lên tiếng phàn nàn, Tầm giả đò câm điếc. Để rồi mỗi tháng nàng nhìn những con số báo cáo của ngân hàng, vui cười ngất ngưỡng và tận thưởng đêm đó với tôi, những giây phút dục tình ngút tận... Nhưng mặt đời sống rộng hơn mặt đêm, nên tôi và Tầm không có cùng nhiều ước vọng. Vậy mà tôi vẫn thương nhớ Tầm, phân nửa thân người và phân nửa phần đời tiếc nuối.
Vài tuần lễ sau, có người gặp Tầm đi chung với một thương gia lớn tuổi người Hồng Kông. Tôi mong Tầm sẽ tìm được những con số thích hợp cho lòng mình.
Có tiếng gõ cửa. Chủ nhanh hơn tôi. Cánh cửa mở rộng trước mặt tôi là hai mẹ con người Á châu, đứa con gái chừng bảy tám tuổi.
- Con Sue, mèo của con có lạc sang nhà chú không?
Người đàn bà có mái tóc dài, khuôn mặt đẹp thật giản dị và yếu đuối.
- Xin lỗi ông, tôi đã vô ý để hở cánh cửa sổ. Ông người Việt, tôi thấy họ ông mới dán ở hộp thư.
- Dạ phải. Chị gọi tôi bằng tên được rồi. Tôi tên Hiếu. Con mèo của cháu không vào nhà chú. Cháu tên gì?
- Cháu tên Hà.
- Mời chị và cháu Hà vào nhà, làm quen hàng xóm mới. Biết có gia đình chị người Việt, cũng mừng lắm. Dạ, chị tên gì?
- Tôi tên Liên. Gia đình tôi ở căn cuối. Mẹ con tôi phải đi tìm con mèo, hôm nào rảnh, mời anh Hiếu sang chơi.
Hai mẹ con quay đi, tôi đứng nhìn theo ngơ ngẩn. Khuôn mặt đẹp thanh tú, bình dị nầy, chừng như tôi đã gặp đâu đây. Tôi cố moi mọi ngõ ngách của trí nhớ. Quen vô cùng mà không nhớ từ đâu? Một lúc sau, nhìn lại chồng băng nhạc và sách báo trên bàn, tôi chợt nhớ ra khuôn mặt đẹp của người đàn bà vừa gặp. Hình bìa băng nhạc của một ca sĩ nổi tiếng, với giọng ca quyến rũ và nét đẹp thật bình dị, thanh tú. Đúng rồi, Liên có mái tóc và khuôn mặt thật giống người nữ ca sĩ mang tên của miền biển xanh cát mịn. Người ca sĩ tôi tương tư, từ tiếng hát lẫn dáng người... Tại sao mẹ con Liên lại sống khu chung cư rẻ tiền, cũ kỷ và không mấy an toàn nầy. Tôi lan man, tự hỏi.
Buổi chiều chợt tắt nắng thật nhanh. Tôi thấy lòng rộn rã với bao nhiêu sự tình xảy ra thoáng chốc, bất ngờ. Tôi muốn tìm một quán ăn, uống chút bia và ghé quán cà-phê nhâm nhi sau đó. Đêm sẽ đẹp vô cùng và nhiều mộng mị.
2. Chị Hiền gọi điện thoại nhắc tôi về mừng năm mới với gia đình. Mẹ lúc nầy không được khỏe, đi đứng khó khăn và thường hay nói nhảm. Chị hỏi thăm Tầm. Tôi nói, hai đứa không hạp nhau và đã chia tay. Giọng chị buồn buồn, an ủi tôi vài câu rồi hẹn gặp lại. Tôi biết mình đã làm thất vọng nhiều ở chị Hiền và mẹ. Bao nhiêu niềm ước vọng lớn lao của cả hai đều đặt vào tôi, đứa con trai duy nhất của gia đình. Tôi cũng đỗ đạt, bằng cấp đàng hoàng và có việc làm tương đối. Nhưng đời sống bản thân và tình cảm không làm cho hai người phụ nữ thân yêu nhất đời tôi an tâm. Đó là việc lấy vợ có con, làm chồng làm cha, và để mẹ tôi có cháu như bao nhiêu người thanh niên trưởng thành khác. Hơn ba mươi tuổi mà tôi vẫn lông bông, chẳng chịu đeo gông mọc rễ. Chuyện không cưới hỏi mà dọn vào sống chung, thì dù có nói, giải thích thế nào mẹ tôi cũng không hiểu. Bà chỉ lắc đầu buồn bã, thở dài rồi nhìn bâng quơ vào khoảng quá khứ vô hình...
Không quen chăm sóc người bệnh, tôi lúng túng nhìn chị Liên thiêm thiếp trên giường. Mặt tái xanh, hằn nét chịu đựng và trán chị rịn ướt mồ hôi. Bé Hà ngồi bên giường nước mắt tuôn tràn, tập trung hết sức xoa tay mẹ, như đã quen, đã lập lại nhiều lần. Tôi ngõ ý đưa chị đi bệnh viện, nhưng chị đều lắc đầu. "Quen rồi. Chịu đựng chút sẽ qua thôi", chị cố gắng thì thào. Cũng may chiều nay tôi về sớm. Chưa kịp lên nhà thì bé Hà đã chận lại và cho hay mẹ nó ngất xỉu dưới sàn nhà. Tôi đỡ chị Liên lên giường, lấy thuốc cho chị uống theo lời hướng dẫn. Nửa giờ sau khuôn mặt chị giảm đau dần và thiếp đi. Tôi ra dấu cho bé Hà ra phòng ngoài, để yên cho chị ngủ lấy sức. Bây giờ tôi mới ý thức được mùi dầu nóng bay nồng chung quanh. Trên bàn cơm nước còn lở dở, tôi hỏi bé Hà. Con bé lắc đầu không đói.
- Mẹ con bệnh gì và lâu chưa?
- Con không biết. Nhưng đôi khi mẹ ngất xỉu làm con sợ!
- Rồi ba của con đâu, chú không thấy?
- Ba con ở gần đây lắm. Nhưng ba có mẹ và em bé khác. Lâu lâu ba mới ghé thăm con.
Giọng nó nhẹ và buồn. Tôi chợt thở dài, đầu óc trống rỗng. Chính những điều nầy mà tôi không muốn có trách nhiệm, trước khi bước vào sự ràng buột của hôn nhân. Nó không chỉ dừng lại cuộc sống của hai cá nhân, mà là nỗi ám ảnh đau đớn cho tuổi thơ. Đứa trẻ sẽ trở thành người lớn, cưu mang bao nhiêu niềm oán hận trong lòng. Nó không có tình thương thì lấy gì ban phát. Một đời nối hai, từ hai nối tiếp biết bao nhiêu thế hệ buột chặc bao nhiêu ước mơ với chính nỗi oán hận của mình. Xã hội ghẻ lạnh và tình người mang nhiều dấu ấn của sự hận thù quá khứ. Đôi mắt ngây thơ của bé Hà không có cái nhìn tinh khiết của tuổi thơ. Tôi không muốn mình đóng góp vào thế giới đầy văn minh vật chất và thiếu vắng tình yêu nầy. Đã quá đủ, cần phải giảm bớt đi nhiều. Dưng không tôi buồn bực và oán trách cuộc đời. Nhìn thấy hoàn cảnh mẹ con chị Liên, hay khi nhìn khuôn mặt vật vã, chịu đựng của chị. Khuôn mặt của chị trong cơn đau thêm đẹp não nùng... Tôi định đứng dậy trở về phòng, nhưng lại thôi. Bé Hà đang ngồi yên tâm bên cạnh tôi coi chương trình hoạt họa trên màn ảnh truyền hình. Thấy tôi không hỏi gì thêm, nó cũng không màng kể lể. Trẻ con ở đây, trong thế hệ nầy còn biết dè dặt hơn cả tôi. Chúng nó khôn ngoan và lớn rất nhiều hơn trước tuổi. Buổi chiều tắt nhanh, đêm vươn rộng cánh tay ngập tràn bóng tối.
Tôi giật mình tỉnh giấc. Không biết tôi đã thiếp đi tự bao giờ. Bên tay tôi bé Hà cũng đang ngả đầu ngủ ngon. Tiếng động vọng ra từ trong phòng chị Liên. Tôi nhẹ tay đỡ đầu bé Hà xuống sofa, chưa kịp đứng dậy thì đã thấy chị Liên bước ra khỏi phòng. Thấy tôi chị gượng cười nhẹ. Trông chị tỉnh táo và có thần sắc hơn. Tôi bồng bé Hà vào trong giường, trở ra thấy chị đang lui cui bắt ấm nước.
- Phiền anh Hiếu nhiều quá. Đồ ăn còn nguyên, anh đã ăn uống gì chưa?
- Chị đừng lo. Chị Liên thấy thế nào, khỏe hẳn chưa chị...
- Bệnh lâu rồi anh à. Thỉnh thoảng nó trở chứng, uống thuốc và chịu đựng một chút thì cũng qua thôi... Anh Hiếu uống chút trà hay cà-phê cho ấm.
- Chị cho tôi ly cà-phê đen, ít đường. Chỉ có hai mẹ con như vầy, xảy ra chuyện gì thì nguy hiểm quá.
- Quen rồi anh...
Chị Liên bỏ lửng câu nói, khuấy ly cà-phê cho tôi và tách trà cho chị. Mùi trà quyện lên thơm nhè nhẹ. Tự dưng tôi thèm một ly trà hơn. Khuôn mặt mệt mỏi của chị trong đêm đẹp lạ lùng. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy một người đàn bà đẹp thật xa vắng, chiêm ngưỡng. Không một vết vẩn đục, không một thoáng chiếm đoạt. Tôi biết lòng mình đang rung động như mái tóc dài biếng chải, buông lơi trong những phất phơ tình cờ. Ngụm cà-phê nóng làm tôi dễ chịu và tỉnh hẳn. Tôi và chị ngồi yên lặng, bâng quơ. Tách trà nóng cũng giúp chị Liên tươi tắn hơn. Vài lần ánh mắt chúng tôi chạm nhau. Chút ngượng ngùng, chút xót xa.
Lớn hơn tôi bốn tuổi, chị lấy chồng lúc tuổi hai lăm. Chị Liên sinh khó ngay đứa con trai đầu lòng. Hai mẹ con đều trải qua cơn thật tử nhất sinh. Nhưng chỉ được vài năm sau thì đứa bé bỏ chị ra đi. Chị buồn da diết, còn anh ấy thì bảo lỗi tại chị sinh khó, làm đứa bé không khỏe mạnh, chết non. Hơn năm sau, chị có thai lần nữa. Khốn khổ thay, chị lại sinh khó. Để bảo vệ đứa nhỏ và cứu chị trong cơn hiểm nghèo, bác sĩ phải cắt hẳn tử cung của chị. Vĩnh viễn chị sẽ không còn sinh sản được nữa. Bé Hà là đứa con gái duy nhất và cuối cùng của vợ chồng chị. Đã vậy, sau khi mổ, tuy cứu mạng sống nhưng chị mất sức hoàn toàn. Mấy tháng sau khi sanh, chị Liên mới đi đứng lại tương đối bình thường. Không khí gia đình bắt đầu nặng nề, lấn cấn. Chồng chị thường vắng nhà, chơi bời nhậu nhẹt và khi về nhà chỉ nhìn quanh thở dài. Không đủ sức đi làm, nhưng không được chứng nhận mất sức lao động, chị lại thêm gánh nặng gia đình. Công việc làm của chồng những năm đó lêu bêu, kinh tế nước Mỹ khó khăn, nạn thất nghiệp trầm trọng. Nay làm mai nghỉ, không chừng. Nỗi lo lắng bao trùm không khí gia đình chị vốn đã buồn tanh. Đến một hôm anh nói với chị rằng, vợ chồng tạm thời ly dị, chị và bé Hà sẽ được hưởng trợ cấp của chính phủ theo diện không chồng phải nuôi con nhỏ. Như vậy sẽ đỡ gánh nặng cho cả gia đình. Trên mặt giấy tờ thôi, còn bên trong vẫn tình nghiã vợ chồng. Nhiều người đã làm như vậy. Đợi khi con lớn, hợp thức hoá lại quan hệ vợ chồng, không khó gì. Chị đồng ý ngay. Giải pháp chồng muốn, vả lại, thuận lợi cho mẹ con chị trong lúc ngặt nghèo nầy... Mấy tháng đầu anh ấy thăm mẹ con chị thường xuyên. Rồi thưa dần, vài tuần, cả tháng. Không đầy năm sau, anh ấy lập gia đình và có đứa con trai với người đàn bà khác. Mẹ con chị vẫn còn sống nhờ tiền trợ cấp và chị uống thuốc mỗi ngày, vào bệnh viện mỗi tháng. Không ngờ có một ngày chị lại trở thành một thứ nô lệ mới trong cái xã hội cực kỳ văn minh tiến bộ và đầy nhân phẩm này.
Giọng chị chậm rãi, đều đặn và hờ hững như không. Đã quen rồi câm lặng. Đã chai lì những xúc cảm trong lòng. Tôi nuốt từng ngụm cà-phê khó khăn, chua xót.
- Sự thật đơn giản có vậy. Anh Hiếu có coi thường mẹ con Liên cũng đành chịu thôi... Liên còn chống chỏi vượt qua những cơn đau, không phải chỉ nhờ những viên thuốc mà còn vì bé Hà. Nó còn quá nhỏ để mất cha và luôn cả mẹ.
- Chị Liên đừng nói vậy. Mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc đời. Tốt và xấu của con người không lệ thuộc vào những hoàn cảnh rủi may. Tôi luôn quý trọng và yêu mến sự thật, cho dù nhiều lúc không phải là điều hoàn hảo nhất.
- Cảm ơn anh Hiếu...
Đêm đã khuya, thoáng lạnh. Cả tôi và chị đều không muốn cúi nhìn đồng hồ, lãng quên nhịp thời gian. Ly cà-phê mang lại cho tôi nhiều cảm kích. Kể xong cho tôi, như trút hết bao nỗi đớn đau trong lòng, chị phấn chấn hẳn lên. Nhìn chị, chừng như tôi không còn thấy cơn đau vật vã đến ngất xỉu, mà chị đã chịu đựng vừa qua. Tất cả đã trôi xuôi theo dòng định mệnh giữa đời. Như có không mờ ảo, như thật giả vô hình... Đêm càng sâu, khuôn mặt chị càng thêm đẹp. Chợt ngước lên, chị Liên bắt gặp đôi mắt tôi đang nhìn chị đăm đăm. Ánh mắt chạm nhau như lượng trời trĩu nặng, vô biên. Tôi biết mình phải chào chị ra về. Chị biết lúc phải tiễn tôi ra cửa. Cuộc đời luôn rộng mở, nhưng những vô tình, đôi khi kép chặt những tấm lòng.
Cánh cửa hé mở nhỏ. Khoảng cách giữa tôi và chị không quá một tầm tay. Khuôn mặt chị mơ hồ, thanh thoát. Tâm hồn tôi chợt vời vợi thương yêu. Bàn tay tôi muốn đưa lên, vuốt ve mái tóc buông dài suốt bờ dĩ vãng. Ánh mắt chị nhìn tôi tha thiết nỗi xúc cảm không thể thành lời. Tôi khẽ chào chị. Cánh cửa khép lại, tôi đi dọc hành lang nghe tiếng thở dài nhè nhẹ của chính mình...
3. Đi ăn trưa về, tôi nhận được tin nhắn của Tầm nhắn cần gặp tôi chiều nay sau giờ làm. Tầm không nói lý do. Tôi gọi lại chỗ làm và nhà Tầm, chỉ có máy nhắn tin. Chắc phải có chuyện thật khẩn cấp và hệ trọng. Tôi không chịu nổi nhưng biết rõ tánh Tầm. Tham vọng và rất nhiều tự ái. Hôm chia tay, không nói ra, nhưng qua ánh mắt của nàng tôi biết là lần chia tay cuối cùng. Tôi cũng không có gì luyến tiếc. Dường như đã hết mọi cố gắng. Dường như đã cạn rồi ngôn ngữ cho nhau. Trong tình yêu, sự ghê gớm nhất của cuộc chia ly không phải là lòng oán giận, mà là sự dững dưng. Tự ái của sự oán giận không đẩy tình yêu hoàn toàn lùi vào bóng tối. Chỉ là lớp sơn thỏa mãn dễ trốc lên, lộ mọi nỗi tuyệt vọng của những hờn ghen. Người đàn bà không thể quay lưng với tình yêu, họ chỉ lẩn tránh sự lệ thuộc đầy thói quen của chiếc bóng. Tầm có quá nhiều lệ thuộc của những thói quen đời sống, vật chất và nhu cầu.
Cuối tháng Chín, trời tối thật nhanh và trở lạnh bất thường. Căn phòng Tầm không có ánh đèn. Nhìn đồng hồ, tôi đến rất đúng giờ. Tầm chưa kịp về hay còn trong chỗ làm, nhìn lại lần nữa những bàn biểu đồ thị trường chứng khoán vừa đóng cửa chiều nay. Thất vọng vì những triền dốc. Yêu đời vì những đỉnh cao. Tôi vẫn đưa tay gõ cửa như một thói quen, hờ hững.
- Anh Hiếu phải không. Vào đi anh, cửa không khóa.
Rõ ràng là giọng của Tầm. Căn phòng tối lờ mờ, tôi thấy bóng Tầm trong bộ đồ ngủ màu trắng lụa. Tôi hỏi Tầm để đưa tay mở đèn. Tầm ngồi co ro, để cằm trên hai đầu gối chụm lại như đứa con gái nhỏ vừa có cuộc tình lỡ, thoáng qua. Ánh đèn soi khuôn mặt Tầm ủ rủ, tâm sắc thất lạc.
- Tầm đang bệnh? Trông em tiều tụy, xanh xao quá.
- Em không có bệnh gì đâu... Nhưng em không muốn sống nữa đây!
Rồi Tầm ôm mặt khóc nức nở. Tôi ngồi xuống bên Tầm, đỡ hai vai nàng, hỏi nhanh:
- Có chuyện gì xảy ra? Tầm nói anh nghe đi.
Mùi dầu gội đầu quen thuộc từ tóc Tầm tỏa ra thơm nhẹ. Nàng gục đầu vào vai tôi, như phản xạ tự nhiên, buông thả. Dễ dàng phán đoán, dễ dàng nói từ khoảng cách xa nhưng có ai phân biệt ghét thương trong tầm tay ấm. Tôi cũng như bao nhiêu người đàn ông khác, quên ngay đối xử của Tầm trong những ngày qua. Nước mắt mặn và trong của người đàn bà đẹp là một thứ vũ khí, một loại độc dược ngọt ngào nhất của bao nhiêu trang tình sử. Biết vậy, mà đành chịu vậy mỗi khi. Cũng may Tầm ít nước mắt, nên tôi cũng không phải chịu đựng cảnh mủi lòng dài lâu. Nàng chùi nhanh nước mắt, ngước nhìn tôi ánh mắt đắng cay, thảm hại. Qua đôi mắt ấy, tôi biết Tầm đang ngập đầy tủi nhục và hờn căm. Tôi hiểu mình cần phải lấy lại khoảng cách cần thiết của tấm lòng. Lắng nghe và đương đầu trong những nghịch cảnh cần thiết. Xúc cảm chỉ là kết quả của sự nông nổi thói thường, không đáng tin cậy.
- Không phải chỉ mình em, mà nhiều người đàn bà khác nữa, đều bị hắn lường gạt. Cả tình lẫn tiền. Thật là hổ thẹn và đáng đời cho hạng đàn bà con gái như em...
- Tầm nói đến người bạn thương gia Hồng Kông, thường đi chung với Tầm.
Tôi hỏi thật thận trọng. Bắt đầu câu chuyện không đầu không đuôi, thường là dấu hiệu sắp bùng nổ của người đàn bà, của Tầm.
- Thằng cha già khốn nạn đó, chớ bạn gì. Hắn làm quen với Tầm trong một cái “seminar” của hãng e-Trade. Có đầy đủ giấy tờ chứng nhận hắn là đại diện một công ty mua bán thị trường 'stock' lớn nhất nhì Hồng Kông. Hắn tìm mọi cách để Tầm mở trương mục và mua bán 'stock' qua công ty của hắn. Tuần lễ đầu, lời hơn hai chục ngàn. Dễ dàng, tiền bạc kiếm vào như trở bàn tay... Không hiểu ma quỷ dẫn đường thế nào, em trút hết tiền bạc để dành vào trương mục của công ty hắn. Kể cả cái xe Volvo mới vừa trả xong tháng trước. Hắn biến mất. Giấy tờ giả, công ty ma. Nhờ luật sư truy tố, không biết hắn ở đâu, chính quyền cũng đành chịu. Không làm gì hơn được, chỉ biết điền đơn để đó thôi.
Tôi lắng nghe, ngạc nhiên nhiều hơn thương cảm. Một người như Tầm mà bị lường gạt về lãnh vực 'xương máu' của mình. Tôi có thể hiểu và cảm thông an ủi trong mọi hoàn cảnh đau buồn, thất vọng của người thân chung quanh. Nhưng tôi lại rất vụng về khi phải đề cập đến mọi giao cảm đối với những con số. Tôi không có duyên phận và chung đường với nó. Nên tôi chỉ biết yên lặng, chờ đợi. Hèn gì, tôi sực nhớ ra, đã không thấy chiếc xe Volvo S70 màu xanh đậm đậu trước nhà thường khi.
- Bây giờ em không biết phải làm gì. Món tiền mượn được cuối cùng đã thanh toán hết cho luật sư. Không xe, lại phải làm thêm job ban đêm... Không còn ai để em than oán, nên đành gọi anh. Anh Hiếu đừng giận Tầm...
- Xui rủi, không giúp đỡ ai nỡ giận Tầm. Anh có thể giúp gì, Tầm cứ nói.
- Nhờ anh cho Tầm mượn tạm mười ngàn mua lại chiếc xe, đi làm. Tầm sẽ trả mỗi tháng. Trong vòng một năm em hứa sẽ trả lại hết cho anh.
Tôi nhớ lại cái trương mục rỗng trơn của mình trong mấy tháng qua. Mỗi thứ mỗi sắm, cơm hàng cháo chợ từ khi dọn ra ngoài. Tuần nào xong tuần đó, tháng nào sạch tháng đó... Tôi bất chợt nhìn khuôn mặt Tầm. Đẹp vô cùng trong nét muộn phiền. Có lẽ, người đàn bà đẹp nhất là những lúc buồn bã, yếu đuối. Nhất lại là những người đàn bà đẹp như Tầm. Ánh mắt chạm nhau. Lặng yên, rung động. Tầm ghì mặt tôi hôn lên môi, quyện đầu lưỡi thật sâu, cuồng nhiệt. Mọi vật chuyển động, hừng hực. Tầm như dồn nén mọi uất ức, tràn ngập, vỡ bờ trong cơn xúc cảm thể xác. Thân thể nàng trắng ngần, mịn màn với hai bờ ngực nhỏ đầy, xinh xắn... Tôi chợt nhớ đến hành lang vắng lạnh dọc theo căn phòng tôi ở. Trong căn phòng tối lờ mờ, tôi ngửi có mùi hương trà thoang thoảng đâu đây. Tôi đẩy Tầm ra, bật ngồi dậy. Tất cả bất chợt, ngỡ ngàng. Căn phòng và Tầm nằm sẵn sàng, chờ đợi như tấm gương soi phía sau cả đoạn đời dĩ vãng. Tôi không thể nhìn lại để đi lùi. Tôi không thể suốt đời làm nô lệ cho những xúc cảm của quá khứ. Thôi tôi ơi, hãy để những ngày ấy lụi tàn...
- Anh không muốn, Tầm đừng thắc mắc. Anh để lại chiếc xe, ngày mai sẽ trở lại ký giấy chủ quyền cho Tầm. Anh đón xe bus, Tầm không cần phải đưa.
Thời gian nhẹ tênh, trôi ngược. Tôi đi dọc con đường đêm vắng lặng đến trạm xe bus. Lòng trống rỗng, bình yên tôi chợt thấy thấp thoáng đâu đó những khung cửa hồn ai quên khép lại...
Nguyễn Vĩnh Long
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...