Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Khoảnh khắc can đảm trong bài thơ Hoàng hôn

Khoảnh khắc can đảm
trong bài thơ Hoàng hôn

Trong đôi mắt Rodica Marian, hoàng hôn được xem như con người và ngược lại, con người cũng như “một hoàng hôn kì diệu”. Ở đây, con người được diễn tả đẹp đến mức có thể vượt qua cả “những hoàng hôn hồng đẫm nước hiếm hoi” mà nhà thơ từng chiêm ngưỡng. Đó có phải chính là hoa trái của sự “thức tỉnh”, và cũng là biểu hiện của lòng nhân ái sâu sắc ở Rodica Marian?
Đó là sự bất ngờ của cuộc sống này. Chúng ta đã quá quen với bề bộn mưu sinh, trong thế giới mọi thứ dường như được lập trình và vận hành với tốc độ chóng mặt. Đến mức mài mòn tâm hồn, cảm xúc.
Nhưng, như một đặc ân của Tạo hóa, muốn đứa con của Ngài không lạc lối, nên đã ban cho con người những giây phút “ thức tỉnh” bất ngờ.
Bài thơ Hoàng hôn của nữ sĩ Rodica Marian có bối cảnh chính là một nhà thờ. Đó là nơi có “một nụ cười” như “vừng hào quang chừng không che giấu/Như đóa hồng nhung thơm ngát hương”, nơi của ánh sáng và hương thơm, thanh sạch và thánh thiện.
Người ta đến nhà thờ để nguyện cầu Chúa ban phước lành, để sám hối… Rodica Marian đã cầu nguyện điều gì? Bà thú nhận “tôi từ bỏ/Tất cả những gì là con người trong tôi”. Rodica Marian đã hơn một lần viết về sự từ bỏ. Trong bài thơ “Câu chuyện linh hồn tôi” có đoạn “Chúa ơi, con yêu linh hồn con nhiều lắm, /Nhưng qua thời gian con không thể chịu đựng nổi, /Vì thế, con đã phải loại bỏ nó,”.
Lẽ thường, sự “từ bỏ” nào cũng nhuốm màu đau xót. Với tâm thế chủ động, trong không gian “tĩnh lặng tuyệt vời”, Rodica Marian đã đạt được trạng thái bình an thuần khiết: “Tôi không đau khổ cũng không vui mừng”. Người- thực- thể còn “ cúi đầu” ở đó, mà người- tâm-linh dường như đã cất cánh, tựa hồ mang bóng dáng của Thiên sứ. Linh hồn thi sĩ chỉ khi tách ra, bay lên, mới giúp bà nhìn được xa rộng hơn, nhìn người, nhìn chính mình rõ ràng nhất.
Trong đôi mắt Rodica Marian, hoàng hôn được xem như con người và ngược lại, con người cũng như “một hoàng hôn kì diệu”. Ở đây, con người được diễn tả đẹp đến mức có thể vượt qua cả “những hoàng hôn hồng đẫm nước hiếm hoi” mà nhà thơ từng chiêm ngưỡng. Đó có phải chính là hoa trái của sự “thức tỉnh”, và cũng là biểu hiện của lòng nhân ái sâu sắc ở Rodica Marian?
Rodica Marian viết nhiều về hoàng hôn: “Tôi bay qua sân thượng cũ /Một hoàng hôn vàng huyền diệu đang ở trên tôi,” (Chuyến bay của mắt); “võng mạc nào sẽ phù hợp hơn/ với hướng của nụ hoa trà/ trong khu vườn được ban phúc lành ánh hoàng hôn.”(Bí ẩn tâm hồn người Nhật). Thi ảnh “hoàng hôn” đã trở thành một hiện thân của cái đẹp: lộng lẫy và thánh thiện, cũng có thể là hiện thân của con người giàu trải nghiệm: trầm lặng và tự tại vững vàng.
Khoảnh khắc “từ bỏ” trong bài thơ Hoàng hôn có phải là khoảnh khắc Rodica Marian can đảm đoạn tuyệt với cái cũ để kiến tạo cái mới trong con người bà?  Nhà văn M.Duras từng nhận định “viết là tự giết mình nhưng không phải bằng cái chết”.  Việc “từ bỏ” của Rodica Marian hẳn cũng là ý thức của nữ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật đầy khắc nghiệt mà vô cùng quyến rũ?  Dù phương diện nào, thì thơ bà cũng đã gợi lên trong độc giả nhiều trăn trở, hơn thế là sự “thức tỉnh”. Trong cuộc đời, chúng ta cần lắm những “khoảnh khắc can đảm”, trút bỏ mòn cũ, vượt trên lẽ thường, vươn tới cái đẹp, điều cao quý thiêng liêng mà Tạo hóa đã ban tặng, cứu rỗi nhân sinh.
Bài thơ mang màu sắc của hội họa và điện ảnh. Những thi ảnh, âm thanh và không khí thơ vừa gần gụi vừa sang trọng, vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa đời thực vừa huyền ảo, chứa đựng thông điệp ý nghĩa, đã để lại trong tâm hồn người đọc những cảm xúc đẹp và bài học nhân văn lắng sâu.
HOÀNG HÔN
Ngày lại ngày
Số phận thức tỉnh làm sao ta ngờ được
Hãy quên đi những hoàng hôn hồng đẫm nước hiếm hoi
Giống như một Vinice nhỏ
Và rồi hãy đến
Ngôi nhà thờ tháp đôi ở đằng kia
Như ẩm ướt trong nhiều thế kỷ…
Đấy là ngôi nhà của tôi
Ở đó sẽ lưu giữ kí ức của tôi,
Trong một con phố nhỏ,
Một nụ cười phát ra từ tòa tháp
Với vầng hào quang chừng không che giấu
Như đóa hồng nhung thơm ngát hương
Tôi cúi đầu nguyện cầu
Trong tĩnh lặng tuyệt vời, tôi từ bỏ
Tất cả những gì là con người trong tôi
Tôi không đau khổ cũng không vui mừng
Tôi nhìn người – một hoàng hôn kì diệu
Và ai đó giẫm lên cầu thang
Như âm vang những bước chân tôi thời trung cổ.
Chú thích:
* Tập thơ “Khoảnh khắc can đảm” của Rodica Marian – nữ thi sĩ Romania, do dịch giả nhà thơ Bùi Xuân chuyển ngữ sang tiếng Việt, nhà thơ Phan Hoàng viết lời giới thiệu, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, quý III năm 2023).
1/1/2024
Rodica Marian
Hà Phi Phượng dịch
Nguồn: Rút từ tập thơ “Khoảnh khắc can đảm” của Rodica Marian
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được...